Friday 2 December 2011

DẤU CHÂN HOẰNG PHÁP
NHỮNG MÙI HƯƠNG TRẦM TỪ VIỆC DẤN THÂN HOẰNG PHÁP
12X12 10TAM
Chúng con, là những phật tử, Ban thị Giả Thư Viện Cổ Pháp tại Miền Nam, đang sinh sống, làm việc và học tập trên đất Sài Gòn đã may mắn được sự dìu dắt của Thầy chủ nhiệm VĐPP Thầy Pháp Bảo đi theo Giáo Pháp của Ôn. Nay nghe tin Ôn vào dự lễ Chu Niên 60 năm của GĐPT tại Chùa Phước Thạnh – Ninh Thuận. Đại diện cho Thư Viện Cổ Pháp tại Sài Gòn Thầy Pháp Bảo, Thầy Pháp Không, anh Nguyên Niệm, chị Nhuận Đức Ân , sáng ngày 29/10/2011 đã khởi hành từ Sài Gòn ra Ninh Thuận để làm Thị giả cho Ôn và cung thỉnh Ôn vào Sài Gòn.
Sáng ngày 31/10/2011 tại Thiền đường Trăng Rằm Ôn đã dành cho gia đình VĐPP và các học trò của Ôn tại Sài Gòn đến vấn an, thăm hỏi Ôn.
Giữa cuộc sống Sài Thành đầy bon chen về cái ăn, cái mặc, về quyền lực và danh vọng đã làm tâm khởi sinh sự ganh tỵ, tham lam, giận hờn, trách móc và oán ghét với mọi thứ tồn tại xung quanh chúng ta, đó là nguồn gốc, là chất liệu của sự đau khổ. Nhưng đôi khi vì ham muốn lợi ích cho bản thân mình mà chúng con đã làm việc một cách cực lực, có lúc quên đi những bữa ăn để mong muốn có áo đẹp để mặc, có nhà rộng để ở, có một chức quyền trong xã hội, những thứ mà chúng con nghĩ rằng là nền tảng của sự hạnh phúc.
Chúng con ở Sài Gòn nên ít có cơ hội trực tiếp ngồi lắng nghe Ôn giảng Pháp, nay cơ duyên đã đến, “những bước chân Ôn đi” là gieo mầm giáo pháp của Đức Phật, nơi nào Ôn đến là tưới mát những mầm xanh, chúng con xin cung thỉnh Ôn có buổi giáo Pháp cho VĐPP và các đệ tử của Ôn tại Miền Nam.
Vào lúc 15 giờ ngày 31/10/2011 Ban thị giả thư Viện Cổ Pháp cung thỉnh Ôn có buổi Pháp thoại tại Thiền Đường Trăng Rằm. Thính chúng gồm có: Ban thị giả Thư Viện Cổ Pháp( Thầy Pháp Không, Thầy Pháp Mãn, Thầy Pháp Bảo, Thầy Mãn Pháp, các thành viên VĐPP), các học trò của Ôn: Chị Tâm Lý, chị Ái Nguyên..bên phía GĐPT Anh Thị Nguyên- Nguyễn Đình Khôi, anh Lý Minh Triết đại diện cho trang nhà Người Áo Lam.
Bắt đầu buổi pháp thoại Ôn hướng dẫn cho thính chúng quán chiếu hơi thở “ Chúng con hãy ngồi yên và thở thật sâu, hãy lắng nghe hơi thở của mình, thở ra chúng ta biết chúng ta đang thở ra, thở vào chúng ta đang biết ta đang thở vào”, dừng lại Ôn hỏi : “trong giây phút hiện tại này chúng con thấy có hạnh phúc không?”
Thính chúng trả lời: “Bạch Ôn dạ có”.
Để làm rõ hơn hạnh phúc hiện tại trong thính chúng, Ôn lại giảng tiếp “ Căn bản của Hạnh Phúc và nguồn gốc khởi sinh của đau khổ”. “ Hạnh phúc không bắt nguồn từ sự giàu có, từ quyền cao chức trọng, mà hạnh phúc ngay trong những điều kiện vốn có của ta. Ta không thể bảo rằng, một người hạnh phúc là người không có khả năng đi, không có khả năng đứng, không có khả năng nằm, không có khả năng ngồi, không có khả năng ăn uống, nói cười, nhìn nghe và nhận thức. Ở đời ai có khả năng như thế, người đó có căn bản của sự hạnh phúc.
Chúng con phải biết nuôi dưỡng chánh niệm, phải biết quán chiếu nhận thức hơi thở của mình, chúng con sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay ở hiện tại”
Ôn lại nói tiếp; “Trong đạo Phật, Phật không phải là địa vị độc tôn, vì ai sinh ra trong đời này đều có Phật tánh, và đều có khả năng thành Phật, nếu Phật tánh được nuôi dưỡng bằng chánh niệm, bằng tuệ giác và tâm từ bi”
Ôn lại khuyên các thính chúng trẻ tuổi : “ Hôm nay các con rất may mắn ngồi đây để lắng nghe pháp của Phật, chúng con cố gắng tu học để nuôi dưỡng Phật tánh của mình, chúng con không tự ngộ ra được thì các con nên học hỏi từ các anh chị lớn đi trước, các tăng ni, các con cố gắng nghe chưa”.
Chúng con ngồi đây, tại Thiền Đường Trăng Rằm, là những con người của mọi tầng lớp trong xã hội, chúng con đang chạy theo cuộc sống vô thường trên đất Sài Thành, chạy theo công việc, chạy theo quyền lợi để mong được có nhà đẹp, áo đẹp, là những thứ mà lâu nay chúng con theo đuổi để tìm lấy hạnh phúc. Nhưng khi nghe bài pháp của Ôn, chúng con mới nhận ra rằng đó là những hạnh phúc ảo mị mà tự mỗi bản thân chúng con tạo ra và theo đuổi nó, để chúng con đánh mất đi hạnh phúc hiện tại, hạnh phúc ngay cái vốn có của mình. Hạnh phúc có ngay trong từng hơi thở của chúng con.
Thính chúng được Ôn đọc cho nghe bài thơ:
co xanh
LỜI KINH TRÊN BIỂN
Hoá thân làm một cuộc chơi
Xa nguồn vế tận biển khơi một mình
Ta ngồi giữa biển chép kinh
Để xem gió động sóng tình ra sao
Biển tình sóng dợn càng cao
Thì kinh ta chép là sao soi đuờng
Sóng tình dào dạt biển thương
Thì kinh ta chép soi đường vô minh
Sóng tình càng diệt càng sinh
Thì kinh ta chép lung linh nghĩa mầu
Kinh ta không để nguyện cầu
Kinh ta là để trải màu áo thương
Mai kia chung cuộc vô thường
Thì ta về lại trên nguồn tuệ xưa
Sau những bài Pháp thoại của Ôn là lời chia sẽ của anh Thị Nguyên- Nguyễn Đình Khôi, “Xin nhân danh từng hạt sóng, từng hạt nắng, từng hạt bụi, từng hạt nước, từng cọng trà li tách, toạ cụ vật dụng, ghế bàn ảnh tượng, nhất nhất không thiếu điều chi, nhất nhất không thiếu vật gì đồng khởi thân trong tư cách của chúng tôi cung nghinh chư huynh đệ tỷ muội, pháp hữu cùng đến thiền phòng TRĂNG RẰM thư viện CỔ PHÁP trong buổi sinh hoạt chiều nay, được vạn sự cát tường như ý.
Chúng ta cùng nhìn sâu và quán chiếu theo từng hơi thở chúng ta thấy rất rõ mình ảnh hiện có mặt trong nhau trong từng sát na thời gian một cách nhiệm màu, nào còn đâu là già trẻ, gái trai, nam nữ, tăng tục, nhân với phi nhân, thiên long, bát bộ, trời rồng không thiếu. Trượng thất là đây.
Hãy quán chiếu theo dòng chảy không gian bao la với bao cuộc đổi thay tang điền thương hãi và ta đang lơ lững giữa không gian khu gia binh lữ đoàn dù năm nào? Và biết bao cảnh trí không gian khác nửa. (Trước 1975 khu chung cư nầy là khu Gia Binh Lữ đoàn dù)
Hãy Quán chiếu theo dòng chảy thời gian quá, hiện, vị lai và dưới chân ta đây là trầm tích các triều đại Thuỷ Chân Lạp dạo nào? Và từ đó chúng ta thấy rất rõ trượng thất TRĂNG RẰM nào khác chiếc thảm thần đang lãng du trong bầu trời THÁI KHÔNG.
Hạnh phúc thay cho thiền thất Trăng Rằm!
Hạnh phúc thay cho Thư viện Cổ Pháp!
Hạnh phúc thay cho Ban Thị Giả !
Hạnh phúc thay cho thảy cả chúng ta.
Và cuối cùng thay các em cho con xin đa tạ”
Anh đã xúc động khi ngồi trong một không gian tràn đầy giáo pháp của Đức Phật.
VĐPP cung kính dâng lên Ôn bài bài hát “ Kính Mến Thầy và Bài Ca Bi Trí”. Sau buổi Pháp thoại thính chúng cùng chụp ảnh lưu niệm, ghi lại dấu ấn của chuyến “ Như dấu chim bay” của Ôn.
BIA DVD 1 copy (1)
18 giờ Ôn cùng với đại chúng dùng bữa cơm chay đạm bạc tại Thiền Đường Trăng Rằm. Sau khi cơm nước, trà đạo xong Ôn lại kể cho đại chúng nghe về Thân mẫu của Ôn và ngâm bài Tình Hoa Trắng cho đại chúng nghe:
Áo tôi vàng em cài lên bông hoa trắng,
Màu hoa trinh nguyên, màu mẹ qua đời.
Tôi không khóc đâu em, khi áo tôi em cài hoa trắng,
Vì trong hoa em ơi, tôi thấy mẹ tôi cười.
Áo tôi vàng em cài lên bông hoa trắng,
Giữa mùa trăng hiếu hạnh nhớ về nguồn.
Tôi không khóc đâu em, khi áo tôi em cài hoa trắng,
Tháng bảy mùa trăng, mùa mẹ lên ngôi.
Nhớ… những ngày mưa chăng và những ngày nắng quái,
Yêu màu trắng đơn sơ, mẹ chăm chuốt vun trồng.
Trong vườn mẹ đã nở đầy hoa trắng,
Hương lâng lâng, vương vương ngập hồn tôi.
Áo tôi vàng em cài lên bông hoa trắng,
Màu hoa trắng thơm, màu mẹ đẹp vô ngần.
Tôi không khóc đâu em, khi áo tôi em cài hoa trắng,
Vì trong hoa em ơi, tôi thấy mẹ ngàn nơi.
Và Ôn lại tiếp tục chia sẽ cùng với đại chúng về khắc chế cơn giận dữ. Ôn dạy : “Trong cuộc sống có rất nhiều thứ làm cho ta giận dữ, giữa những người trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em, giữa những người bạn, đồng nghiệp, đó là những điều kiện khởi sinh sự bất an trong tâm chúng ta, chúng con hãy tập nhìn bằng con mắt yêu thương, để tâm chúng ta được an lạc và hạnh phúc:
- Có một người, có lời nói với ta không dễ thương, có cử chỉ với ta không dễ thương, nhưng tâm ý của họ dễ thương, thì ta hãy nhìn sâu vào người đó để thấy được tâm ý tốt là muốn xây dựng ta, nhưng vì chưa thực tập nên lời nói của họ chưa dễ thương đó thôi. Ta thấy được tâm ý tốt của họ, thì tâm ta sẽ lắng yên sự giận ghét đối với họ và đôi mắt thương nhìn cuộc đời nơi ta sẽ xuất hiện.
- Hoặc có người tâm ý không dễ thương, hành xử không dễ thương, nhưng lời nói của họ dễ thương, thì mình chỉ ôm lời nói dễ thương của họ vào lòng mình để quán chiếu, thì cơn giận của ta đối với người đó sẽ lắng xuống.
- Hoặc có người đối xử với ta bằng tâm hồn không dễ thương, lời nói không dễ thương, nhưng cử chỉ của họ nhẹ nhàng dễ thương, thì ta hãy nhìn vào cử chỉ nhẹ nhàng dễ thương của họ, khiến cho cái tâm không bằng lòng trong ta đối với họ sẽ lắng xuống, lúc đó tâm từ bi trong ta sẽ có mặt và hạnh phúc an lạc trong tâm ta cũng xuất hiện.
- Nếu ở trong đời ta gặp được một người có tâm hồn dễ thương, hành xử dễ thương, lời nói dễ thương, thì đó là đại phúc cho ta. Tâm ta có thể dễ thương, nhờ nương tựa vào tâm dễ thương của người đó và từ đó tâm ta tiết ra những chất liệu dễ thương”.
Sau lời giáo pháp của Ôn, Phật tử Lý Minh Triết đã cung kính giải bày với Ôn và tất cả đại chúng đang có mặt tại Thiền Đường về những vướng mắc và khó khăn trong cuộc sống:
“ Kính bạch Ôn, chúng con đang tập lắng nghe, đang tập nhìn cuộc đời bằng con mắt yêu thương theo lời dạy của Ôn, nhưng trong cuộc sống con muốn yên nhưng người khác không muốn “ cây muốn lặn mà gió chẳng ngừng”, vậy những lúc như vậy chúng con sẽ làm như thế nào?”
Ôn mỉm cười thân thiện và từ từ dạy bảo: “ Gió vẫn thổi, mây vẫn bay dù cho các con có muốn hay không, gió không những thổi từ một hướng mà gió thổi từ rất nhiều hướng. Gió có ngay trong chính gia đình của các con, giữa những người trong xã hội… Vì vậy, chúng con cứ đón nhận nó một cách tự nhiên, đón nhận với cái tâm từ bi để làm cho chính bản thân con an lạc và lan tỏa cho những người xung quanh con an lạc.”
Chúng con thật may mắn, thật hạnh phúc khi nghe được những lời giáo huấn của Ôn. Buổi pháp thoại kết thúc trong không khi trang nghiêm tràn đầy đạo vị

Nguyên Minh và Nhuận Chánh thuật ký
Chuyên mục:,,.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment