Thursday 1 December 2011

Hướng đi của người đệ tử Phật qua mọi thời đại”.
Có sáu chất liệu để tạo ra hướng đi của người đệ tử Phật qua mọi thời đại.
1. Bước đi thực tiễn và siêu việt:
Chúng ta chỉ có hạnh phúc, chúng ta chỉ có an lạc, khi chúng ta có bước đi thực tiễn và trong bước đi thực tiễn đó, chúng ta lại có sự siêu việt. Nếu chúng ta chỉ đi những bước đi thực tiễn thôi, thì chúng ta không thể có hạnh phúc được, vì bước đi thực tiễn là những bước đi mang đầy bản năng và nghiệp lực. Và nếu chúng ta chỉ có bước đi siêu việt thôi, thì bước đi của chúng ta sẽ hỏng đất.
Cho nên, là người đệ tử Phật, chúng ta phải đi những bước đi vừa thực tiễn, vừa siêu việt. Siêu việt ngay trong những bước đi của chúng ta, nên siêu việt mới có cơ sở để thực hiện. Bước đi siêu việt được thiết lập trên nền tảng của đời sống thực tiễn, thì bước đi ấy mới có chủ quyền và cái siêu việt của chúng ta không trở thành cái siêu việt của mơ hồ. Bước đi thực tiễn của chúng ta do có chất liệu của siêu việt, nên bước đi đó không phải là bước đi hệ luỵ.
Thực tiễn là chúng ta có thân và tâm. Trong mỗi chúng ta ai cũng có thân và tâm, đó là cái thực tiễn trong mỗi chúng ta. Chúng ta có tâm và trong tâm của chúng ta lại có Phật tính. Ai cũng có tâm cả, cho nên tâm là cái thực tiễn của thân. Nếu thân mà không có sự có mặt của tâm, thì thân đó sẽ không còn hoạt động được. Thường thường người ta thường hay nghĩ rằng thân là thực tiễn của tâm, nhưng dưới cái nhìn của thiền quán, ta thấy rằng tâm mới là thực tiễn của thân. Nếu thân nào vắng tâm, thì thân đó trở thành gỗ đá, trở thành xác chết. Thân ta cử động được, là bởi trong thân ta có tâm, có ý thức.
Trong chiều sâu của tâm có Phật tính, cho nên Phật tính là cái siêu việt của tâm. Nhưng Phật tính lại là thực tiễn của sự giác ngộ. Không có sự giác ngộ nào mà không có mặt của Phật tính.
Cho nên, ta đi với bước đi cả thân và tâm, đó là bước đi của thực tiễn, và trong bước đi thực tiễn, ta chạm vào được Phật tính của chúng ta bằng sự thực tập chánh niệm tỉnh giác, thì bước đi đó của chúng ta sẽ thành ra bước đi siêu việt.
Đại chúng có nhận ra được điều này không? Nhận ra được thì mời đại chúng ngồi thẳng dậy, chúng ta cùng nghe chuông và thở.
Thưa đại chúng, người đệ tử Phật có thể đi những bước đi vừa thực tiễn, vừa siêu việt. Cái siêu việt ngay trong cái thực tiễn của cuộc sống chúng ta. Nhận ra được điều này, chúng ta không còn bị khủng hoảng trong đời sống hằng ngày của chúng ta, và sẽ giải quyết được sự xung đột trong đời sống của chúng ta.
Một số giới trẻ tới hỏi tôi: thưa Thầy, chúng con không xuất gia, và chúng con cũng không thành lập đời sống lứa đôi, đời sống gia đình, như vậy thì chúng con có có hạnh phúc được không? Bởi vì có đôi người nói, nếu không đi xuất gia thì phải lập gia đình, mà không lập gia đình thì phải đi xuất gia, hai con đường đó hãy chọn lấy một. Tôi trả lời quý vị trẻ đó: Đi xuất gia chưa hẳn đã có hạnh phúc, mà ở đời chưa hẳn đã không có hạnh phúc, hoặc ngược lại. Vấn đề không phải là xuất gia hay tại gia, vấn đề không phải là có chồng hay không có chồng. Vấn đề là trong đời sống của chúng ta có được chất liệu của chánh niệm tỉnh giác, thì bất cứ ai, lúc nào và ở đâu, dù xuất gia hay tại gia, đời sống lứa đôi hay đời sống không lứa đôi, chúng ta cũng có hạnh phúc được cả. Vì sao? Vì chánh niệm tỉnh giác giúp cho ta có chủ quyền thật sự trong đời sống của chúng ta. Đi xuất gia mà không có chủ quyền trong đời sống xuất gia, thì làm sao xuất gia có hạnh phúc được? Sống trong đời sống lứa đôi mà không có chủ quyền, thử hỏi làm sao chúng ta có được hạnh phúc? Vậy, làm thế nào để có chủ quyền? Muốn có chủ quyền, thì mình phải có chánh niệm tỉnh giác. Và khi đã có chánh niệm tỉnh giác, thì ở dạng nào chúng ta cũng có hạnh phúc cả. Hạnh phúc 100%. Vì sao như vậy? Vì khi có chánh niệm tỉnh giác, tức là mình đã có chủ quyền trong đời sống của chính mình, mình đã có tự lập trong đời sống, mình đã được bảo hộ trong đời sống của chính mình. Mình xuất gia mà không được bảo hộ bởi Tăng thân, thì sự xuất gia đó làm sao đem lại được hạnh phúc! Mình lập gia đình mà không có sự bảo hộ của hạnh phúc gia đình, thì làm thế nào mình có được hạnh phúc! Cho nên, là người đệ tử Phật, mình phải thấy rất rõ: bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ lứa tuổi nào, mà biết thực tập chánh niệm tỉnh giác - mọi lúc và mọi nơi - thì tức khắc ta có an lạc. Khi mình thực tập chánh niệm tỉnh giác như vậy, thì mình không còn phóng tâm ra ngoài và không còn săn đuổi những cái bên ngoài. Mình không còn săn đuổi cái bên ngoài, dù cái đó là những quyền lực tối cao, thì mình sẽ có hạnh phúc, mình sẽ có chủ quyền.
Cho nên, F. Nietzsche, một triết gia người Đức, ông xuất hiện vào hậu bán thế kỷ thứ 19, sau khi thấy nền khoa học phát triển và khám phá ra những điều mới lạ không giống như những điều mà Thánh Kinh đã nói, nên ông đã tuyên bố: Thượng Đế đã chết. Thượng Đế chết để cho con người được sống. Sống một cách trọn vẹn của một con người, nghĩa là con người sống và có được chủ quyền. Chỉ khi nào mình sống có chủ quyền, mình mới đang thực sự sống; còn mình sống mà không có chủ quyền, thì mình sống mà như một thây chết vậy.
Làm thế nào mình có được chủ quyền? Mình có chủ quyền để đấu tranh với ai? Và ai cho mình chủ quyền? Ai cho Chị Sen chủ quyền? Có phải anh Đức cho không? Anh Đức không thể cho Chị Sen chủ quyền được, mà chị Sen cũng không thể cho chủ quyền anh Đức được. Mỗi người phải có chánh niệm tỉnh giác, để lấy lại chủ quyền trong đời sống của mình. Chủ quyền không có ai cho ai được cả! Chủ quyền nó nằm ngay ở nơi thân tâm của những ai đang có chánh niện tỉnh giác. Chủ quyền của cuộc sống là cái siêu việt có mặt trong cái thực tiễn.
Khi một người thực tập chánh niệm tỉnh giác, người đó không có thái độ ỷ lại và thái độ đổ lỗi. Trong khi thực tập chánh niệm tỉnh giác, mà mình không có thái độ ỷ lại và đổ lỗi, thì ngay nơi đó mình thành tựu được hạnh phúc, mình sẽ có bước đi rất là siêu việt, siêu việt ngay trong cái không ỷ lại, không đổ lỗi đó.
Ngày xưa, đức Phật đâu có ỷ lại. Nếu Ngài ỷ lại, thì Ngài sẽ không bao giờ thành Phật được. Ỷ lại là tính vốn có của cuộc sống. Ỷ lại nơi mình còn trẻ, ỷ lại mình có trí thức, ỷ lại vào dòng họ của mình, vào quê hương mình, ...Cho nên, khi đã ỷ lại, thì không thể tự mình đứng dậy và đi lên được. Nếu mình sống mà ỷ lại, thì cũng như mình đã chết rồi, hoặc nếu chưa chết, thì cũng giống như một đứa con nít vậy, chưa thể gọi là trưởng thành.
Bởi vậy, chất liệu tạo nên hướng đi của người đệ tử Phật qua mọi thời đại, đó là chất liệu bước đi thực tiễn và siêu việt. Trong nội dung của bước đi thực tiễn và siêu việt đó luôn luôn có mặt chánh niệm tỉnh giác. Có vậy, bước đi của chúng ta mới là những bước đi có chủ quyền, có tự chủ. Bước đi như vậy mình mới chạm được tới tự tánh giác ngộ nơi tự thân của mỗi chúng ta.
Có một nhà xã hội học và tâm lý học Tây phương vào thập niên 60-70 của thế kỷ 20, ông Erich Fromm, ông nói: "vấn đề đối với thế kỷ 19 là Thượng Đế chết, còn vấn đề đối với thế kỷ 20 là nhân loại đã chết." Dưới cái nhìn của nhà triết gia này, thì con người không còn là con người nữa, con người đã trở thành máy móc, trái tim con người không còn rỉ được máu, mà nó rỉ toàn xăng, toàn dầu cả thôi.
Kể ra ông nhìn cuộc đời như vậy cũng đúng, nhưng cũng hơi buồn phải không đại chúng? Còn tôi, thì tôi không nhìn như vậy. Tôi nhìn con người vẫn là con người trọn vẹn, dù có qua đi bao thời gian. Thượng đế vẫn còn đó, con người vẫn còn đó, mọi chuyện vẫn còn đó, chỉ có một cái thiếu đi ở nơi con người, đó chính là chánh niệm tỉnh giác. Khi chánh niệm tỉnh giác không còn, thì tất cả đều không còn, không kể là thế kỷ 21, 20, hay 19. Nhưng nếu con người vẫn còn chánh niệm tỉnh giác, thì con người vẫn còn nguyên vẹn với mọi sự hiện hữu của nó. Nếu con người có thực tập chánh niệm tỉnh giác, thì có thể Thượng đế không còn ở bên ngoài, mà Thượng đế sẽ còn ở bên trong. Thượng đế ở bên trong là gì? Đó chính là chủ quyền mà mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mỗi con người phải tự sáng tạo và thiết kế đời sống của chính mình.
Nếu chúng ta không có chánh niệm tỉnh giác, thì trong tương lai Thượng đế sẽ chết, bởi vì không còn ai đi đến nhà thờ. Phật cũng chết, bởi vì sẽ không còn ai đi đến chùa. Không có chánh niệm tỉnh giác, Thượng đế chết, Phật chết, con người chết, thiên nhiên chết, môi trường chết,... chết hết. Nhưng nếu ta có chánh niệm tỉnh giác, thì Thượng đế vẫn còn, Phật vẫn còn, mọi chuyện giữa trần gian này vẫn còn một cách nguyện vẹn.
Không có chánh niệm tỉnh giác, cha mình đang sống đó cũng chết, mẹ mình đang sống đó cũng chết, vợ mình, chồng mình, con mình, anh chị em, bạn bè mình đang sống đó cũng chết. Quý vị có thấy gia đình mình đang sống đó mà chết không? Nếu thiếu chánh niệm tỉnh giác, thì dù có sống cùng nhau, nhưng có thấy được nhau đâu! Mở mắt cũng chỉ nhìn nheo nheo vậy thôi! Cứ mãi lo chạy vạy công ăn việc làm. Ban ngày đi đến các công sở kiếm ăn, giành nhau chức vụ, quyền lực; tối về lại kéo vào nhà hàng, ăn uống rượu chè no say, đến lúc mặt đỏ bừng lên, chệnh choạng về nhà. Ngủ. Sáng dậy lại tiếp tục đi kiếm ăn. Cuộc đời như vậy có gì đáng để bàn nữa đâu! Con người là cái gì? Có thấy được gì ngoài sự tranh giành lẫn nhau về quyền lợi, tiền bạc, mức lương,... rồi về nhà, ba mình đó, mẹ mình đó, vợ con mình đó, mà mình đâu có thấy, chỉ thấy toàn những hình ảnh nhảm nhí trên tivi. Mỗi ngày cuộn phim đời mình chỉ diễn ra có như thế và sẽ kết thúc cuộc đời một cách kỳ cục và vô vị!
Vì vậy cho nên ông Erich Fromm nói “thế kỷ 20 con người đã chết” là vậy. Và đến thế kỷ 21, ông sẽ lại nói : Thiên nhiên và môi trường cũng chết sạch cả luôn.
Đại chúng thấy cách đây khoảng 20 năm, mình đi ở thành phố Sài Gòn đâu có bịt mũi, che mặt. Khi tôi ở Sài Gòn, cũng hơn 20 năm rồi, chiều chiều ở Tu viện học xong, tôi đi bộ đến những quầy sách, tìm đọc và mua sách, nhưng mà tôi đâu có bịt mũi. Nhưng chắc chắn rằng bữa này nếu có đi, thì cũng phải bịt mũi rồi. Không những ở những thành phố lớn, mà ngay cả đến những vùng quê cũng vậy. Với cái đà này, thì con người sẽ chuốt lấy những tai nạn rất lớn trong đời sống của mình. Biết bao nhiêu bệnh hoạn sẽ trổi dậy trong đời sống. Mình càng có con nhiều chừng nào, thì mình càng lo lắng, càng ngất ngư nhiều chừng đó. (........?) Trong thực phẩm ngày nay vốn đã bị ô nhiễm rồi, nhưng con người u mê đến nỗi lại còn muốn khai thác thực phẩm cho có thêm lợi nhuận, bất kể đến sự an toàn của đồng loại.
Có một hôm, tôi được mời dự Trai Tăng, trên bàn dọn rất nhiều món ngon và lạ, có món chả cao cấp Đài Loan trông như thật vậy. Tôi nhìn dĩa chả, tôi cười. Và trong suốt bữa ăn, tôi chỉ chọn gắp rau mà thôi. Bởi tôi biết, đó là cái ngon không thật và không bền. Nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác, thì mình sẽ bị nhiều tai hoạ do ăn phải những thức ăn bị ô nhiễm. Rồi thân tâm mình cũng sẽ bị ô nhiễm, bị tai hoạ lây. Mà có phải mình ráng chịu một mình đâu! Những người thân yêu của mình, đều bị ảnh hưởng cả. Ví dụ Thầy mà đau, thì những học trò của Thầy đâu có yên, phải thăm, phải viếng, phải hỏi, phải lo lắng. Cho nên, mình gắp một miếng chả, thì mình phải biết miếng chả này an toàn đến mức nào. Muốn biết như vậy, chỉ có chánh niệm tỉnh giác.
Quý vị phải biết đấy! Quý vị nào chưa biết, thì về mua một ít chả chay Đài Loan dùng thử, ngon lắm! Nhưng mà sau cái ngon đó là một cái khó gỡ, mình ăn cái ngon đó xong, thì nó sẽ đi vào trong máu mình và sẽ tạo ra những cái bất hạnh cho chính mình. Có đôi người đến giờ vẫn cứ đèo queo ưa ăn thịt, trong lúc đó tất cả những heo, bò, gà, vịt người ta đã hoá học hoá cả. Heo, bò, cá, tôm,... đều được nuôi bằng những chất hoá học hết. Thế mà con người vẫn cứ đèo queo để mà ăn những thứ thực phẩm như vậy, thì trước sau chi con người cũng sinh ra nhiều trí tệ lậu(?)mà ngày trước cha ông mình không có. Cho nên mình phải có chánh niệm tỉnh giác trong lúc ăn và phải nghị lực lắm, chứ không phải đơn giản đâu. Đứng trước một dĩa rau muống chiên và một dĩa chả cao cấp Đài Loan Hồng Kông, mình phải hết sức nghị lực, và bản lĩnh lắm, thì cái đũa của mình mới chạm được vào dĩa rau muống chiên. Còn nếu mình không có bản lĩnh, mình ăn theo nghiệp lực, thì đương nhiên mình sẽ chạm vào nơi dĩa chả chay Đài Loan- dù là ăn chay. Cho nên mình vẫn ăn chay theo nghiệp lực, chứ không phải ăn chay theo bản nguyện. Và khi mình ăn chay theo nghiệp lực, thì mình vẫn đi theo cái dòng nghiệp của mình và mình không làm thay đổi được dòng nghiệp thức để mà thăng tiến. Đây là điểm mà quý vị cần phải chú ý trong khi tu tập. Rất nhiều người cứ nghĩ rằng: “Tôi ăn chay như vậy là giải thoát”. Nếu ăn chay mà giải thoát, thì bò với trâu nó giải thoát trước mình, bởi vì bò và trâu ăn cỏ! Ta ăn chay, nhưng trong nội dung ăn chay đó, phải có chánh niệm tỉnh giác ở trong, thì chính chánh niệm tỉnh giác trong lúc ăn, đã làm cho cái ăn của ta không còn chỉ là ăn theo nghiệp lực, mà là ăn theo nguyện lực. Và chính trong giờ phút đó, mình đã đi được vào trong Thánh đạo, đã đi vào được cảnh giới của Phật, ngay tại bữa ăn của mình. Ăn như vậy, không những mình có được sự vững chãi, thảnh thơi mà còn không tạo ra một sự hệ lụy nào cho tương lai cả, bởi vì ngay trong hiện tại mình đã tháo gỡ rồi.
Đại chúng thấy Niệm là cái vốn có ở trong mỗi chúng ta. Cái đó có gì lạ đâu! Chúng ta chỉ cần thay đổi cái tà niệm thành ra chánh niệm thôi, thì ngay trong khoảnh khắc đó mình sẽ trở thành ra một cái gì đó rất cao, rất đẹp và rất siêu việt. Cho nên ăn mà siêu việt, ăn mà phàm tục là vậy. Ăn siêu việt có nghĩa là trong nội dung ăn đó có chánh niệm tỉnh giác, và ăn không siêu việt có nghĩa là trong nội dung ăn đó không có chánh niệm tỉnh giác, dù là đang ngồi ăn chay.
Như vậy, đại chúng thấy mình đi những bước đi rất là thực tiễn, nhưng cũng rất là siêu việt, cái siêu việt ngay ở trong thực tiễn. Mình ngồi, mình đứng, mình nằm, mình thở, mình cười, mình làm việc,...tất cả những cái đó mà có nội dung của chánh niệm tỉnh giác, thì ngay trong mỗi động tác đó là mỗi động tác của siêu việt. Đại chúng có nhận ra được điều này không? Như vậy thì bước đi siêu việt đâu có phải là khó. Nó chỉ khó khi mình chưa nắm được kỹ thuật, nhưng mà dễ là bởi vì mình đã nắm được kỹ thuật rồi. Khi đại chúng đã nắm được kỹ thuật của chánh niệm tỉnh giác rồi, thì ở trong động tác nào mình cũng có thể chế tác ra được niềm vui. Và khi mình đã có niềm vui trong mình rồi, thì mình không cần phải đi tìm cầu, van xin ai cả, bởi mình đã có chủ quyền. Lúc mình đã có chủ quyền như vậy rồi, thì Thượng đế bên ngoài đã chết và Thượng đế trong lòng mình trổi dậy. Đức Phật bên ngoài đã đi vào và trở thành đức Phật ở trong tâm ta và đức Phật ở trong tâm ta đã sống dậy và đã tạo ra đời sống vững chãi, thảnh thơi cho ta.
Đại chúng có thấy mình có thể thực tập được không? Không tốn tiền, không tốn thì giờ, không tốn chi hết phải không? Chúng ta đâu có phải từ chối ăn. Chúng ta tu chúng ta vẫn phải ăn, nhưng mà ăn ở trong chánh niệm tỉnh giác. Vẫn nấu cơm chứ, nhưng mà nấu như thế nào! Vẫn giặc áo quần, vẫn làm mọi công việc, nhưng làm trong chánh niệm tỉnh giác.
Có đôi vị hỏi tôi, một ngày mà Thầy dạy liên tục, có khi cả ba bốn tiếng đồng hồ, Thầy nói liên tục như vậy mà sao Thầy làm được. Tôi nói rằng cái bí quyết mà tôi làm được, chính là tôi vừa dạy mà vừa thở, và vừa có chánh niệm tỉnh giác trong lúc dạy. Tôi vừa thải ra, là tôi vừa nạp lại năng lượng ngay, nên ba bốn tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Do đó đại chúng thấy lúc dạy, khi nào tôi nói xong mà tôi đi yên lặng như vậy, chính là lúc tôi nạp lại năng lượng, và sau khi nạp năng lượng xong rồi, thì tôi lại nói, và nói xong rồi, thì đi và lại nạp năng lượng. Thật sự ra tôi nói 24/24 tiếng vẫn được, chứ không chỉ ba hay năm tiếng đâu. Và điều này không phải tôi nói dốc đâu, chỉ sợ quý vị không đủ sức để ngồi nghe tôi nói 24/24 tiếng thôi.
Chúng ta phải thực sự có chánh niệm tỉnh giác, phải thở thật sâu. Và khi chúng ta đã thực tập được như vậy rồi, thì đời sống chúng ta không còn có sự dong ruổi tìm cầu bên ngoài và không khi nào có cảm giác cô đơn trong cuộc sống, để rồi phải đi tìm kiếm. Mình đến với nhau như là những thiện hữu, như là những đoá hoa, hay những làn không khí trong lành.
Thưa đại chúng, nếu trong đời sống mình có chánh niệm tỉnh giác nhiều chừng nào, thì tuệ giác của mình sẽ phát sinh ra chừng đó và nó có khả năng xoá sạch những vô minh trong tâm thức ta. Khi tuệ giác xuất hiện và xoá sạch những tập khí vô minh trong tâm thức ta, thì mỗi bước đi của ta là mỗi bước đi toả ra ánh sáng, mỗi bước đi đi tới với ánh sáng. Phải thực tập chánh niệm tỉnh giác ngay ở trong mỗi bước chân đi của chúng ta, ngay ở trong mỗi động tác hằng ngày của chúng ta, đừng có để trôi mất, rất là uổng! Đó là chất liệu thứ nhất. Khi mình có được chất liệu đó rồi thì mình sẽ có những bước đi rất là siêu việt.
cd nhu dau chim bay
2. Tâm và hình khác đời:
Khác đời có nghĩa là nội dung và hình thức khác đời. Người đệ tử Phật có một nội dung và một hình thức khác với người không phải đệ tử Phật. Tâm của người không phải đệ tử Phật là tâm gì? Tâm goi là tâm của chúng sinh chay. Trong tâm mà có những chất liệu của chúng sinh chay, nếu đem những cái “chay” đó mà chạm nhau thì nó đã lắm. Nó đã theo kiểu tan hoanh. Và cái hình thức được biểu hiện bởi những chúng sinh, mà có tâm chúng sinh chay đó thì thế nào? Hết sức dữ tợn và thô bĩ. Quý vị có khi nào nhìn thấy một người với tâm chúng sinh chay, mà họ dùng cái tâm đó điều khiển cái thân và hai cái thân chúng sinh chay đó chạm nhau chưa? À, rất dễ sợ! Cho nên, tâm và hình của người đệ tử Phật nó khác với tâm và hình của chúng sinh chay, khác với người đời. Nó khác là bởi vì tâm của người đệ tử Phật có chánh niệm tỉnh giác, cho nên khi buồn là mình biết mình đang buồn, bởi vậy mà cái buồn đó không thể kéo dài. Và khi mình vui, thì mình biết mình vui, cho nên cái vui không đưa mình tới chỗ quá đà để mà tán thân mất mạng.
Tâm của người đệ tử Phật là tâm mang nôi dung của giới, của định, và của tuệ. Tâm có nội dung của giới, tức là nó có lương tâm ở trong. Vì vậy mà khi mình làm bất cứ công việc gì, mình cũng luôn soi xét lại cái tâm của mình. Mình đem 10 đồng mà bố thí cho người nghèo, trên hình thức đó là một hành vi tốt, nếu hành vi tốt đó được khẳng định với một cái tâm thương người thực sự. Mình phải xem lại, mình cho như thế này là với một động cơ nào. Đôi khi vì thừa nên mình mới cho, rồi mình lại bắt người nhận đó phải cảm ơn mình, thì đó là một điều phi lý. Đáng lẽ ra mình phải cảm ơn người nhận chứ! Nếu thừa, mình cho, mà người ta không nhận, thì mình phải đem đi vất, và nếu để trong nhà mình, thì chật nhà, và nếu để tiếp thì nhà mình sẽ bị thối hoặc bị hư. Cho nên khi mình lấy một tặng phẩm ra để cho người ta, mình phải hỏi cái này có phải cái dư của mình hay không. Nếu mình nói rằng đó là cái dư của mình, mà đem cho, thì người nhận có phước và người cho không có phước gì cả. Đó là điều mà quý vị cần phải nhìn thật sâu để thấy. Có đôi người cứ thắc mắc, không hiểu vì sao mình cứ đem của đi bố thí, đi giúp đỡ người khác hoài, mà sao cứ bị tai họa mãi. Là bởi vì mình dư mà cho.
Hiểu được điều này thì quý vị mới thấy ở trong Kinh Địa Tạng mà quý vị hay tụng, tức là mình phải đem vật thực mình mới làm ra, còn mới để cúng dường Phật, Pháp, Tăng, thì mới có phước đức; không được đem những thứ mình đã dùng rồi để dâng cúng bởi vì cúng như vậy không có phước. Quý vị phải hiểu cho rõ câu Kinh trong Kinh Địa Tạng để mà thực hành. Thử hỏi trong người mình nếu mà thịt dư thì sẽ như thế nào? Máu dư thì sao? Gan dư thì sao? Rồi cũng bị tăng xông, rồi phải đi giải phẩu...Mình tới nhờ người khác giải phẩu để mình được tồn tại, mình sống, thì tất nhiên là mình phải cảm ơn người kia và người kia có phước hơn phải không đại chúng?
Phải nhìn thật sâu mình mới thấy được. Rất nhiều người cứ nói sao mà tôi tu ghê lắm, tôi làm phước ghê lắm, tôi bố thí ghê lắm, tôi cúng dường ghê lắm, mà sao đủ thứ trên đời cứ ập đến với gia đình tôi, với bản thân tôi. Té ra là xưa nay mình toàn làm chuyện tào lao không thôi à! Phải chánh niệm tỉnh giác nghe! Người đệ tử Phật phải nhìn sâu trong tâm mình, làm cái gì chúng ta cũng phải nhìn cho thật sâu. Cho nên tâm của người đệ tử Phật nó khác với tâm của người đời là vậy. Quý vị phải thấy, chứ không mình cứ cắm đầu mà làm những việc dã tràng xe cát biển Đông.
Sáng nào tôi cũng cho cá ở hồ Bán nguyệt - chùa Từ Hiếu ăn. Khi cho ăn tôi nghĩ những con cá đó với tôi là một. Buổi sáng khi nghe bản đánh, tôi mặc áo rất là đàng hoàng và khi cho cá ăn, tôi cũng mặc áo dài và áo đẹp, chứ không phải tôi mặc áo vá đâu. Nghe bản đánh, tôi ôm bình bát, nhưng mà trước khi ôm bình bát, tôi thắp hương cúng Phật. Và tôi duy trì sự cúng dường Phật ngay từ khi nghe bản đánh; dâng hương lên cúng Phật và tôi đi xuống. Xuống đến bàn khất thực, khi lấy cơm, tôi khởi lên ý niệm rằng tôi đang lấy cho tôi và cũng là đang lấy cho cá. Lấy xong, tôi đi về Thiền đường, ngồi xuống, cúng dường Phật và tôi bắt đầu ăn.Tôi ăn nửa phần của tôi, còn nửa phần tôi để lại cho cá. Và trong phần ăn đó, cá cũng đã được cúng dường Phật. Ăn xong, tôi từ từ đi xuống hồ cá. Tôi ngồi xuống và trước khi cho ăn, tôi có nói trong tâm tôi, mà chắc chắn quý vị ngồi bên cạnh không thể nghe được, nhưng mà cá có lẽ nghe, bởi vì tôi nói từ trái tim của mình. Tôi nói như thế này:
Ngã kim hành thí

Đương nguyện chúng sinh

Xả tham dục ý
Nhập không đạo vị.
Tôi nay thực hành hạnh bố thí
Xin nguyện cho hết thảy chúng sinh
Loại bỏ ý tham dục ở trong tâm của quý vị
Để quý vị có thể thể nhập được chân lý của Trung đạo.
Nói xong tôi mới từ từ búng gọi cá và thả thức ăn xuống.
Cũng là hành động cho cá ăn, mà chắc chắn rằng anh Châu sẽ gặt hoa trái khác với Thầy. Nó khác ở chỗ nào? Nó khác là ở chỗ, không phải chỉ lúc cho cá ăn Thầy mới chánh niệm, mà Thầy đã chánh niệm ngay từ khi mới nghe bản đánh và thắp hương cúng Phật, rồi từ từ đi xuống đó. Cái ý niệm cho cá ăn đã trổi dậy và lòng thương nó trùm lên từ khi đó và chính hạt giống Vô lậu thiện pháp đã trổi dậy ở trong tâm thức của mình với thời gian rất là lâu. Quý vị phải thực tập trở lại, để trong giây phút đó mình có phước đức lớn. Đại chúng đã thấy tâm và hình khác tục chưa? Và ai biết được điều đó? Chính chánh niệm tỉnh giác giúp chúng ta nhận biết được công việc của mình đang làm.
Dù chúng ta đang ngồi ăn cơm, hay đang cho cá ăn; đang ngồi thiền, hay đang giúp người nghèo; đang chăm sóc những đứa học trò, hay đang chăm sóc con cái;... thì tâm và hình của chúng ta cũng hoàn toàn khác tục. Tâm thì có chánh niệm tỉnh giác, nó rộng lớn và mênh mông; hình thì điềm đạm, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Chỉ cần nhìn vào là biết ngay đó chính là con Phật, không cần phải giới thiệu gì cả.
Chiều thứ Sáu vừa rồi chúng tôi dạy một học giới ở trong Luật Tứ phần cho các Thầy. Trong học giới đó có nói một điều là các Thầy phải mặc áo hoại sắc. Tôi hỏi mấy Thầy tại sao mình thầy tu mà phải mặc áo hoại sắc, sao không mặc áo chính sắc cho đẹp? Tôi đã giúp quý Thầy thấy được ý nghĩa thâm sâu của chiếc áo để có thể yêu được chiếc áo, bảo vệ được chiếc áo và trân quý được chiếc áo trong từng giây, từng phút mình đang mặc. Chiếc áo hoại sắc là chiếc áo của thầy tu Phật giáo. Hoại sắc có nghĩa là sắc chính đã bị phá hỏng. Mình mặc vào chiếc áo mà sắc chính đã bị phá hỏng đi để nói lên cái gì? Người đời người ta hay mặc màu áo chính sắc, nhưng mà nhà tu theo tinh thân Phật giáo phải mặc áo hoại sắc để nói rằng tuy chúng tôi mặc áo như quý vị, nhưng chúng tôi không đi theo cách ăn mặc của quý vị, chúng tôi có cách ăn mặc của chúng tôi. Quý vị mặc áo chính sắc như vậy, chính là quý vị đang đi theo cái dòng chảy, dòng chảy của sinh tử. Thầy tu cũng mặc áo, nhưng chúng tôi không đi theo dòng chảy như quý vị, chúng tôi đi về với quê hương, với đời sống của chúng tôi. Thế gian này chết là vì gì? Thế gian này chết cũng là vì Sắc, có phải không đại chúng?
Vũ vô kiệm toả năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị lịch nhân
Mưa không phải là ổ khoá nhưng mà hay giữ được người
Sắc không phải là sóng ba đào, nhưng lại hay nhận chìm con người xuống
vực thẳm.
Mình tu, vốn tâm đã dị tục rồi, bây giờ hình cũng dị tục, tức là mặc chiếc áo hoại sắc. Ta không đi theo với cái sắc tướng bên ngoài, ta không đi theo với cái sắc trần bên ngoài, để ta có cơ hội đi sâu vào đời sống bên trong. Và tôi có nói đùa với mấy Thầy, bây giờ mình tu mình mặc chiếc áo hoại sắc và mai mốt mình sẽ mặc chiếc áo gì nữa? Chiếc áo hoại danh. Mình đã phá hoại được sắc, mình đã không đắm chìm ở nơi sắc, và mình đã không đi theo sắc, đó là một bước tiến rất tốt trên sự nghiệp tu tập; nhưng mà mình cũng phải tiến sâu thêm một bước nữa, là mình phải mặc chiếc áo hoại danh. Có nghĩa là mình không ham bất cứ một danh xưng ca ngợi nào của người đời, không đắm chìm vào bất cứ một cái danh hư huyễn nào mà người đời phong tặng cho mình, thì khi đó mình mới đi về với quê hương tâm linh của mình, mình mới đi tới được cái rộng lớn vô biên trong đời sống của mình. Đã là một ông thầy tu rồi mà chức quá nhiều, thì không có một cái quê mùa nào mà quê mùa cho bằng, mình đi tu mà chức vị quá nhiều, thì không có một bất hạnh nào mà bất hạnh cho bằng. Nhưng mà người đời thường cho đó là một vinh hạnh, nên giả như một ai đó mà giới thiệu thiếu đi một chức là buồn lắm. Nếu người có chánh niệm tỉnh giác, thì thấy rằng trong người mà mang quá nhiều hình sắc, mang quá nhiều áo danh, áo tướng vào, thì đó là nỗi bất hạnh. Nếu không nhận biết được như vậy, thì mình sẽ chạy theo và rơi vào cái bẫy của ma, cái bẫy của dục vọng.
Vì vậy, người thực tập chánh niệm phải luôn biết rõ tâm mình, và biết rõ hình thức mà mình đang có mặt. Nhờ biết rõ có chánh niệm tỉnh giác ở nơi tâm, cho nên tâm mình là tâm khác tục. Khi mà nơi tâm mình đựoc thắp lên ngọn đèn của ý thức chánh niệm, thì tâm của mình trong giây phút đó là tâm hoàn toàn khác tục, tâm đó là tâm của Phật. Và khi mình mặc chiếc áo mà thắp ngọn đèn chánh niệm tỉnh giác vào trong lúc mặc, thì cách mặc đó và chiếc áo đó là chiếc áo của Phật. Nên chiếc áo đó hoàn toàn khác tục, dù mình đang mặc chiếc áo màu đà, màu vàng, hay màu xám. Giả như mình mặc áo vàng, áo đà, hay áo xám mà thiếu chánh niệm tỉnh giác, thì áo đó cũng như áo đỏ, áo tím thôi à.
Thưa đại chúng, tâm khác tục của người đệ tử Phật là khác chỗ nào? Người đời họ thương, đệ tử Phật cũng thương. Người đời cũng yêu, đệ tử Phật cũng yêu. Nhưng người đời thương và yêu ở trong vụ lợi, đệ tử Phật thương và yêu bất vụ lợi, chứ mình không phủ nhận cái thương hay cái yêu. Cái hay là ở chỗ đó. Như vậy cái tâm thương yêu của đệ tử Phật khác với tâm thương yêu của người đời. Cho nên gọi là tâm dị tục là vậy. Và khi mà tâm thương yêu bất vụ lợi, thì mình tặng một cái gì cho người mình thương bất vụ lợi đó, mình tặng cũng bất vụ lợi. Chứ không phải người tặng là người câu cá và người được tặng là con cá. Nếu người tặng là người câu cá và người nhận là con cá, mà khi con cá nhận ra được rằng nó đang bị câu, thì nó đau khổ khủng khiếp lắm, và đó là cái tâm của người đời.
“Hợp tác để hai bên đều có lợi”. Cho nên, giữa đời này, dù là lãnh tụ các quốc gia, cũng chẳng khác nào những chàng đi câu cá. Hợp tác để hai quốc gia cùng có lợi, có nghĩa là đều câu cá hết. Cũng mặc vét tông, comlê, rồi xưng hùng xưng bá nhưng thực sự ra cũng là một dạng câu cá cả, có điều là “câu cá cấp cao”. Đệ tử Phật không phải là những người câu cá cấp cao, hay cấp thấp gì hết, mình thương là mình thương thôi, mình yêu là mình yêu thôi, trong đó không có một cái gì vụ lợi cả. Và mình hiến tặng cho mọi người, là mình hiến tặng mà không có chi vụ lợi hết. Vì cái tâm như vậy, cho nên nói là tâm khác tục . Một người đệ tử Phật đi tới đâu là an toàn tới đó, đi tới đâu là hạnh phúc tới đó, đi tới đâu là bình an tới đó. Mình cứu giúp ai là mình cứu giúp một cách bất vụ lợi, nên mình chỉ cứu giúp thôi, mà không có kể công. Nếu mình có kể công, tức là mình cứu giúp có vụ lợi và chứng tỏ là tâm của người đệ tử Phật và tâm của người đời không khác gì nhau cả.
Ví dụ như Thầy hướng dẫn cho quý vị, giả như khi quý vị không làm theo ý của Thầy, rồi Thầy nổi cáu lên, Thầy nói:”Ta dạy cho rứa rồi, mà rứa đó à!” Nói vậy chứng tỏ là Thầy dạy có vụ lợi, nên khi người kia không làm theo ý mình, thì mình bắt đầu nổi cáu lên và kể công. Như vậy chứng tỏ Thầy chưa phải là chân sư. Và nếu như mình không thông minh, thì mình cũng sẽ bị mắc kẹt ở nơi cái không chân sư của vị đó, và mình sẽ bị bỏ mất cơ hội để đi đến với đời sống rộng lớn của mình. “Ta đã đổ công, đổ sức ra dạy mà chừ rứa đó à! Đi lâu cũng chẳng thèm gởi lá thư thăm!” Không cần thiết, vấn đề là mình trang bị cho học trò và bây giờ học trò đã có được chánh niệm tỉnh giác, đã có chất liệu vững chãi thảnh thơi rồi, thì tuỳ theo hoàn cảnh của nó để nó bơi lội, nó sống trong hoàn cảnh của nó, miễn sao nó có được hạnh phúc. Và khi mình thấy học trò hạnh phúc, tức là mình hạnh phúc rồi, không cần phải có thư thăm. Rồi khi không có được thư thăm, người Thầy cũng đừng trách: “Đồ chi mà thứ mau quên!” Không cần thiết điều đó, vấn đề là học trò mình có có được hạnh phúc và thảnh thơi trong hoàn cảnh của nó, trong môi trường của nó và trong công việc của nó hay không. Nếu cần, thỉnh thoảng mình gọi điện thoại “Có Thầy đây con!” để cho học trò mình yên tâm. Thầy cũng không cần phải hỏi “Sao mấy lâu nay không lên chùa?” Hỏi gì nữa khi người học trò đã đem chất liệu của Thầy, chất liệu của chùa đi vào trong cuộc sống và đã tạo ra được môi trường sống hạnh phúc, nên trong người học trò đó đã có Thầy và có chùa rồi.
Một vị với tâm thương yêu vô vụ lợi, một tâm cứu giúp vô vụ lợi, một tâm đồng cảm, bao dung bất vụ lợi thì phong thái của vị đó đối với người đời nó khác hẳn. Phong thái của vị đó cũng là phong thái vô vụ lợi, nên mình thấy rất đẹp, và rất là thanh thoát. Nói như vậy có nghĩa là mình phải thực tập rất là sâu sắc, phải tu rất là kiên trì. Khi thực tập được như vậy, mình sẽ có hạnh phúc rất là lớn.
Hễ mình có vụ lợi là mình có sợ hãi, có ghen tuông, có ganh tị và hạnh phúc cũng theo đó bay đi. Đại chúng thấy mình thương yêu mà không có tâm vụ lợi, cứu giúp không có tâm vụ lợi, đồng cảm không có tâm vụ lợi, cọng tác với nhau không có tâm vụ lợi, thì trong chính những việc làm đó là đã ly dục rồi. Ngũ dục đã ly.
Hướng đi của người đệ tử Phật có được chất liệu bước đi thực tiễn và siêu việt, chất liệu tâm hồn và hình thức khác với thế tục, chỉ mới hai chất liệu thôi, người đệ tử Phật cũng rất đẹp rồi. Hai chất liệu đó đâu phải chỉ có thời Phật mới có, mà thời mình không cần, nghĩa là thời đại nào cũng cần cả. Hễ mình muốn có hạnh phúc, muốn có an lạc, muốn có cao quý, thì mình phải có những chất liệu như vậy. Không có được chất liệu như vây, thì đừng nói gì đến chuyện văn minh, đến thế kỷ hai mốt, hai hai chi hết.
Thế giới loài người ở thế kỷ hai mốt, người ta đang có khuynh hướng tổ chức nhũng hội nghị để tìm hướng đi cho thế giới con người. Vào tháng 8 năm 2000, Liên Hợp Quốc cũng đã mời các nhà lãnh đạo tinh thần và tôn giáo đến để tham khảo trong hôi nghị Thượng đỉnh tại LHQ. Và thế giới cũng đã tiếp tục tổ chức những cuộc hội thảo tham luận, để vạch ra hướng đi cho thế giới con người vào thế kỷ 21. Có người cũng đã nói rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của điện toán, của điện tử cho nên người ta đã thiết lập những chính phủ chỉ bằng điện tử thôi. Khi một nền hành chánh được thiết lập hoàn toàn bằng điện tử, thì cái gì xảy ra cho thế giới con người? Cái đó người ta cũng còn đang chiêm nghiệm. Trước kia con người phải tự mình sản xuất ra tất cả, nhưng giờ đây máy móc có thể làm thay con người và vì thế con người trở nên thư thả hơn. Và khi con người thư thả hơn thì con người sẽ như thế nào ở trong thế kỷ chúng ta, thế kỷ 21 này? Ngay bây giờ mình đi về nhà quê thôi, các cô các cậu ở thôn quê cũng đã ăn chơi theo kiểu các cô các câu ở thành phố, và tai nạn xe cộ cũng đã xảy ra tại thôn quê. Lượng công an cảnh sát ở thôn quê cũng không đủ để bảo đảm được an ninh cho dân, bởi một xã cũng chỉ có được một vài công an thôi. Quý vị thấy, khi con người đã bị cơ giới hoá, điện toán hoá hết, thì con người là cái gì? Thánh nhân có nói “Nhàn cư vi bất thiện”. Hễ con người mà ăn ở nhàn nhã, thì cái bất thiện sẽ phát sinh. Cho nên, việc điện toán hoá cuộc sống con người chỉ có cái lợi khi thế giới biết thiết lập những trung tâm tu tập chánh niệm cho thế giới con người. Điều này tôi đã có đề nghị trong bài tham luận gởi Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ do LHQ tổ chức. Khi cơ giới hoá, điện toán hoá mọi vấn đề, thì con người sẽ rất nhàn rỗi, và nếu không có được những trung tâm tu học, những trung tâm chánh niệm tỉnh giác, thì con người sẽ bị khủng hoảng nhiều mặc và thế giới con người sẽ cực kỳ bi đát, chứ không phải là văn minh đâu.
Mình trở lại câu nói của một triết gia Tây phương, Erich Fromm nói rằng thế kỷ 20 là thế kỷ mà con người đã chết, bởi vì máy móc đã thay thế cho con người cả rồi. Con người không còn có chi nữa để mà sống, không còn có chi nữa để mà làm. Thậm chí mai mốt ăn cũng được ăn thế luôn. Bây giờ sinh đẻ cũng được thay thế cả. Xong rồi! Cho nên thiên chức làm mẹ, thiên chức làm cha, thiên chức làm ông nội, bà nội,... cũng xong om cả rồi. Còn đâu nữa để nói “tới đây mẹ bồng con! Tới đây ba bồng con! Tới đây nội bồng nè!”... Còn đâu nữa, máy đẻ thế rồi. Những cái đó nếu chúng ta không có chánh niệm tỉnh giác, chúng ta sẽ không có được cái nhìn xa, không thấy rộng và không sửa soạn được cuộc sống cho bản thân mình và cho cộng đồng của mình. Nếu các vị lãnh tụ không biết tu tập, chạy theo vật chất, thì quý vị sẽ đưa cả một dân tộc của mình đi tới hố thẳm, lao mình đi tới vực thẳm rất nhanh. Tình trạng này chỉ có Phật giáo mới cứu được thôi. Mà Phật giáo ai cứu? Mỗi người phải tu tập và phải thực tập chánh niêm tỉnh giác cho thật tinh chuyên, chứ không phải Phật giáo là Ông Hoà Thượng chủ tịch Hôi đồng trị sự Trung ương cứu đâu! Mỗi người phải tự cứu lấy. Cách nghĩ như vậy chỉ có trong tâm của người đệ tử Phật, nên nó khác với tâm người đời là vậy. Khi tâm đã khác thì hình thức cũng khác, và cách sống cũng khác.
soi gương
3. Làm hưng vượng dòng dõi bậc Thánh:
Đại chúng thấy mình tu và mình thấy được lợi ích cho bản thân mình, và mình ôm cái lợi ích đó mình sống cho riêng mình có được không, có nên không? Mình tu và mình thấy được lợi ích bản thân và tầm nhìn mà thế giới con người sẽ đi về đâu, thì mình sẽ giúp nhau, sẽ sách tấn nhau tu, sẽ khuyên nhau tu tập. Vợ khuyên chồng, cha mẹ khuyên con cái, ông bà khuyên cháu chắc, anh em khuyên nhau cùng tu tập. Không phải mình chỉ lo tu tập cho riêng mình không thôi. Nếu mình tu mà những người xung quanh mình không tu, thì liệu cái tu của mình có an toàn không? Nếu quý vị đang tụng Kinh, mà con cái hai đứa vác đùi rượt nhau ở trong nhà, thì quý vị có ngồi yên tụng Kinh được hay không? Quý vị có thể nói “tôi tu thôi, còn mấy đứa nó làm chi mặc kệ hắn.” Nói như vậy có được không?
Khi mình thấy được sự lợi ích của chánh niệm tỉnh giác từng phút từng giây trong đời sống của mình, thì mình phải đem chánh niệm tỉnh giác đó giúp cho những người xung quanh, để họ cũng thực tập chánh niệm tỉnh giác như chính bản thân mình. Ngài Hộ Nhẫn mỗi buổi sáng vẫn ôm bình bát đi khất thực, Ngài đi bên lề đường thôi chứ có phải đi giữa đường đâu, nhưng cũng bị người không chánh niệm tỉnh giác tông vào. Cuộc sống là liên đới với nhau cả. Mình tu mà người ta không tu, thì mình cũng bị lãnh sẹo theo cái không tu của người ta. Làm hưng vượng dòng dõi bậc Thánh, có nghĩa là không những mình biết tu tập, mà mình còn đem chất liệu chánh niệm tỉnh giác này, làm duyên cho những người trong gia đình của mình, làm điều kiện để cho những người thân yêu của mình cũng có cơ hội thực tập chánh niệm tỉnh giác. Ngoài việc Phật hoá bản thân, chúng ta còn phải Phật hoá gia đình và Phật hoá xã hội. Phật hoá gia đình và Phật hoá xã hội theo con đường nào? Theo con đường chánh niệm tỉnh giác.
Trong Kinh Pháp Hoa có bài kệ như thế này:
Chư Phật lưỡng túc tôn
Phi pháp thường vô tính
Phật chủng tùng duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa
Chư Phật là Đấng đầy đủ trí tuệ và phước đức
Biết rõ các pháp vốn không có tự tính, không có cái gì thật hữu và bền chắc
Hạt giống giác ngộ của Phật sinh khởi cũng cần phải có điều kiện
Cho nên mới nói con đường Nhất thừa.
Đứa con của mình nó có Phật tính ở trong, người cháu của mình nó có Phật tính ở trong, người em của mình nó có Phật tính ở trong, nhưng mà Phật tính ở nơi người con mình, nơi người cháu mình, hay nơi người em mình chỉ có thể sinh khởi khi hội đủ điều kiện. Mà điều kiện đó là gì? Đó là ........ (hết băng!)
Nếu cha mẹ không có cơ hội để phát khởi Phật tính, nhưng người con lại có cơ hội giúp cha mẹ, tức là làm một điều kiện để phát khởi Phật tính. Trong điều kiện này có thể là nghịch và cũng có thể là thuận. Ví dụ mình là con một trong gia đình, mình biết rằng cha mẹ rất thương mình, mặc dù thương theo kiểu “người câu cá”. Cho nên khi mình được học Phật , mình thông minh mình biết, nên mình muốn giúp ba mẹ vượt qua khỏi tình trạng là “người câu cá” và mình là “con cá”. Vậy nên, có khi mình hiện ra hạnh gọi là nghịch duyên. Nghịch duyên là nghịch như thế nào? Bởi vì cha mẹ mình đi theo dòng đời, cứ như thế mà chảy. Và bây giờ mình hiện ra một nghịch duyên là hễ cha mẹ ăn mặn thì mình ăn chay. Chính cái nghịch duyên đó lại là tác động ngược lại và khiến cho cha mẹ mình phải xét lại cái ăn mặn, cái chạy theo dòng chảy thế tục của mình. Có khi cha mẹ mình ngồi nói với nhau “Sao con bé mình nó nhỏ như vậy mà nó ăn chay được, còn mình lớn như ri mà mình không làm được?” Tự nhiên đó là một suy nghĩ phản quán, xét lại, rồi từ cái xét lại, cha mẹ sẽ bắt đầu suy tư, và từ nơi đó có thể chuyển đổi được ý hướng của mình. Thêm vào đó, cũng có thể khi mình biết rằng ba mẹ cưng mình rồi, nên mình tới thủ thỉ với ba “ba ơi, con ăn mặn là con đau bụng”. Mình giả đò nôn mửa... rồi một vài lần như thê, tự nhiên nó sẽ đánh động được tình thương của cha và mẹ. Hoặc mẹ có ép, ba cũng nói “thôi, con đã không ưa ăn thì ép làm chi, Thôi thì mẹ đi mua đậu khuôn với nấm, vô nấu cho con nó ăn”. Chính mình hiện ra một nghịch duyên, nhưng lại trở thành một thuận duyên. Nghịch duyên như vậy để làm gì? Để đánh thức Phật tính ở nơi ba mình dậy, nơi mẹ mình dậy, ở nơi người thương mình dậy. Bởi khi đã thương mình rồi thì mỗi động tác, mỗi cử chỉ của mình đều chạm vào tâm hồn của họ hết. Thật sự ra một người không thương kia mình mới khó nói. Cho nên không có lý do chi mà người thương mình, nếu mình có chánh niệm tỉnh giác, lại không giúp họ vượt qua được tình trạng u mê. Dứt khoát nếu mình có tuệ giác là mình giúp họ vượt ra ngay. Còn thật sự ra nếu họ không thương mình là mình chịu. Và nếu đã thương rồi thì chắc chắn trước sau gì họ cũng sẽ đi theo con đường của mình thôi. Nhưng cái này đòi hỏi phải là nghệ thuật cao kỳ. Bắt mình ăn cá, mình ăn vào một cái là cứ mửa, cứ nôn, ba bửa như vậy thì người thương mình sẽ chịu không nổi rồi, “thôi, thôi, để cho nó ăn chay cho rồi!”
Nếu đi chùa không cho, mình cũng không nói chi hết, mình đóng cửa mình ngồi rứa thôi, hoặc là mình làm, mà mình chỉ im lặng vậy thôi, làm mặt lạnh tanh tanh à. Sau đó người mà thương mình thấy mình mặt lạnh tanh tanh rứa là họ sốt ruột dữ lắm, họ sốt ruột khoảng hai ngày họ chịu không nổi, “thôi, đi đi”. Đó cũng là nghịch duyên để tạo ra hạt giống Phật trổi dậy ở trong đời sống của mình.
Đại chúng thấy, có cha mẹ nào lại không thương con và không có người con nào lại không thương cha mẹ hết. Cũng không có vợ nào lại không thương chồng, và không có người chồng nào lại không thương vợ mình hết. Nên mình phải sử dụng cái thương đó, khi là thuận, khi là nghịch, để mà đạt tới mục tiêu chánh niệm tỉnh giác của mình. Không có Thầy nào mà không thương trò hết. Thầy mà đánh trò một roi, thì Thầy đau cả chục roi, nhưng Thầy vẫn cắn răng mà đánh. Thầy nói một lời nặng với học trò, là Thầy tan nát tim phổi trước, nhưng cũng phải rán gân mà nói, nín thở mà nói. Mình biết vậy mà cũng phải nói, bởi vì thương mà nói. Đó là cái nghịch hạnh. Mình phải đánh cú chót này, mới có thể làm thay đổi được người học trò, là mình cứ đánh. Phải đánh cú này, cú chí tử này khi đó nó mới ngộ, thì mình cứ đánh. Và người khác nhìn vào thấy có vẻ tàn nhẫn, bởi vì trong đó nó có tình thương và có cả tuệ giác. Nếu mình là người khách quan, thì mình không thể hiểu được.
Mình nối dõi dòng giống bậc Thánh, là mình phải làm điều kiện để hạt giống bậc Thánh được trổi dậy ở nơi người mình thương, ở nơi người mình chăm sóc, ở nơi người mình quý trọng. Nhiều hạt giống được trổi dậy như vậy, thì gia đình mình trở thành ra gia đình Phật hoá, dòng họ mình trở thành ra dòng họ Phật hoá, làng xã mình trở thành làng xã Phật hoá, quê hương mình trở thành quê hương Phật hoá, và cõi của mình trở thành cõi Phật. Cần gì phải đi cho xa, chừ Tịnh độ không đi mà vẫn đến. Muốn nối dõi và làm hưng thịnh dòng dõi bậc Thánh, mình phải biết được rằng, tất cả chúng sinh đều có hạt giống đó cả, chỉ có đều có người thì bị lấp sâu, có người thì bị lấp cạn, có người chỉ lấp sơ sơ và chỉ cần mình gãy móng tay thì hạt giống của người đó cũng có thể trổi dậy được rồi. Có người phải lấy chổi mà quét, thì mới trổi dậy, có người thì phải lấy cái bay mà cạy, nhưng có người thì phải lấy búa mà gõ, không phải gõ một lần mà phải gõ nhiều lần.
Chúng ta thực tập chánh niệm tỉnh giác mỗi ngày, tức là mình nuôi hạt giống giác ngộ của mình lớn lên. Mình phải bước đi những bước đi siêu việt ở trong cái thực tiễn và thực tiễn ở trong cái siêu việt là ở những điểm như vậy. Gia đình mình là một sự thực tiễn, vợ chồng là một sự thực tiễn, cha mẹ con cái, anh em bạn bè là một sự thực tiễn của cuộc sống, thì trong cái thực tiễn đó mình đưa năng lượng chánh niệm tỉnh giác vào, để thực tập và sống, thì ngay trong cái thực tiễn đó trở thành cái siêu việt.
Mình có chánh niệm tỉnh giác, nên mình xuyên suốt tâm hồn của người mình thương, của người mình kính. Nên khi mình xuyên suốt được tâm hồn của người mình thương, của người mình kính thì mình có thể tạo ra được một điều kiện để cho Phật tính của người đó khởi sinh. Mình tu cũng phải cực kỳ tâm lý và hết sức thông minh, chứ không phải tu một cách ngây thơ đâu. Nếu tu một cách ngây thơ, mình sẽ không thể thành tựu được. Mình muốn đưa người nào đi chùa để thực tập, mình phải biết khuynh hướng của họ, và mình biết được nhược điểm của con người họ, thì mình sẽ giúp họ được và mình có thể khơi dậy được Phật tính ở trong con người họ.
Có một lần tôi đi lên Phước Duyên rất là tối, tôi đi bộ từ ngoài Thiên Mụ đi vào, thì có hai anh chàng say rượu và đi chênh cháng giữa đường. Gặp tôi nơi hồ, lúc đó cũng chín mười giờ đêm rồi, nó tới ôm tôi lại, cả hai đứa, mà trong miệng thì hôi rượu lắm. Tôi đứng yên lặng như vậy, cả hai đứa đứa nào cũng nói “Thầy thấy con ngon lành không, và Thầy có thương con không?” Tôi cười, tôi nói: “Hai anh quá tuyệt vời chứ ngon lành được à!” và khi mà nghe nói như vậy, hai đứa nó nói: ”mi thấy chưa, Thầy mà còn khen tau nữa thì mi phải biết!” Và mình chỉ nói một câu như vậy thôi, nó thả mình ra liền. Và cuối cùng nó nói: Con tuyệt vời như vậy mà mấy người nó nói con say! Tôi nói: Theo Thầy thì các anh không phải say, say đâu còn biết tuyệt vời được, cho nên tỉnh nơi a. Hai đứa nó nói: tỉnh, thôi mình đi.Thầy vô nghe!
Cho nên mình thấy, trong một cơn say như vậy, nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác, họ ôm mình như vậy, mà mình đi sừng sọ với họ, thì mình bị lãnh sẹo ngay. Quý vị thấy, thực tập chánh niệm tỉnh giác rất quan trọng và nó có thể bảo toàn cho mình trong mọi tình huống, dù là đang đối đầu với người say và đang còn nằm trong vòng tay của người say, mình vẫn thoát ra được. Tôi nói điều này quý vị phải chiêm nghiệm sâu. Tất cả người say đều đang ôm mình trong vòng tay của họ, chứ không phải chỉ say rượu thôi đâu! Có những người say sắc, có những người say danh, có những người say tiền, có những người say ăn, có những người say ngủ, có những người say tình,... tất cả những người say đó, đang còn ôm mình trong vòng tay của họ, nhưng mà mình có chánh niệm tỉnh giác, mình vẫn khơi mở được Phật tính ở nơi họ và họ sẽ trả tự do lại cho mình. Mình đừng có nói rằng: Chồng con khó lắm Thầy ơi, không đi chùa được mô; vợ con khó lắm Thầy ơi, không đi chùa được mô; mạ con khó lắm Thầy ơi, không tu được mô; cha con khó lắm Thầy ơi, không tu được mô... Nếu mình có chánh niệm tỉnh giác rồi, thì từ từ mình sẽ tháo ra được hết. Và Thầy cũng đã tháo ra được, từ trong vòng tay của người say trong một đêm khuya. Giả như nếu hai người mà say với nhau, thì thế giới đó thành ra thế giới của điên cuồng rồi, đâu phải thế giới của Phật nữa, đâu phải thế giới của Thánh nữa. Mặc kệ, người đó say mặc kệ, nhưng mình phải tỉnh, thì mình giúp được. Chứ còn say với nhau, thì là vũ phu nó sống với nhau rồi, chúng sinh chay nó sống với nhau rồi, thì có bể đầu loã máu thì cũng là chuyện tất yếu phải xảy ra. Nhưng mình là đệ tử Phật mà, mình có chánh niệm tỉnh giác mà, tại sao mình lại để cho say! Có những trường hợp mình không say, nhưng mình chỉ giả say thôi, bởi vì có giả say mình mới có cơ hội gần được người ta, mới cứu được, mới giúp được, đưa một tay để kéo người ta ra. Còn say thiệt thì ăn mày rồi!
Để có thể làm hưng vượng dòng dõi bậc Thánh, người đệ tử Phật phải cực kỳ thông minh, cực kỳ bản lĩnh, có chất liệu của tuệ giác ở trong, có chánh niệm tỉnh giác ở trong, còn nếu như thất niệm thì mình sẽ bị hỏng thôi, và hạt giống Thánh sẽ bị khô đi, mình sẽ không khơi mở được dòng dõi bậc Thánh.
Thưa đại chúng, sau ngày thực tập chánh niệm này chúng ta phải có bổn phận làm hạt giống Phật ở nơi tâm ta trổi dậy, nuôi lớn dần lên, và sau đó chúng ta sẽ nhắm tới những người thân yêu của chúng ta.
VuLanBaoHieu
4. Nhiếp phục ma quân:
Ma ở đây là chỉ cho dục vọng và những điều kiện giúp cho dục vọng phát sinh. Bởi vì dục vọng đẩy chúng ta đi vào bóng đêm, nên dục vọng được gọi là ma. Ta sống giữa ban ngày, mà ta vẫn đi trong bóng đêm, nếu ta sống theo dục vọng. Ma ở đây cũng chỉ cho những tri giác, những nhận thức sai lầm của chúng ta. Chính những nhận thức sai lầm đó đưa ta đi tới với bóng đêm và cuộc sống của ta trở thành ra bóng đêm.
Bất cứ cái gì liên hệ đến dục vọng, thì cái đó đều đưa tới sai lầm. Hạnh phúc do dục vọng đem lại, thì hạnh phúc đó cũng chỉ là hạnh phúc lừa phỉnh. Như vậy, nội ma là những ham muốn không chính đáng ở trong tâm chúng ta, và ngoại ma là những tệ nạn xã hội mà mình bị vướng vào, con cháu mình bị vướng vào, những người thương mình bị vướng vào. Tham nhũng là một loại ma. Bởi khi tham nhũng phát triển, thì công lý không còn và mình sống với tham nhũng tức là mình sống với ma, một loại ma xã hội. Buôn lậu là một loại ma. Ma tuý cũng là một loại ma. Mua dâm, bán dâm cũng là một loại ma. Khi công lý không còn, nhân cách không còn được tôn trọng, Phật tính bị khuất lấp, Thánh tính bị khuất lấp, thì tất cả các loại ma đó được tung hoành, nó làm hư hỏng xã hội và đưa xã hội đi vào bóng đêm.
Như vậy, người đệ tử Phật phải có bổn phận nhiếp phục ma quân. Chúng ta muốn nhiếp phục được ma quân ở bên ngoài, thì trước hết chúng ta phải nhiếp phục được các loại ma dục vọng ở trong tâm của chúng ta. Và chúng ta cũng phải nhiếp phục được các loại ma ở trong gia đình ta. Có khi con mình như thế mà bỗng chốc trở thành ma. Có khi anh mình đang dễ thương như vậy mà bỗng chốc trở thành ma. Có khi chồng mình, vợ mình đang dễ thương như vậy mà bỗng chốc trở thành ma. Thì làm thế nào để mình nhiếp phục được các loại ma ở trong tâm mình và ở trong gia đình mình, thì mình mới có thể giúp được những loại ma ngoài xã hội.
Tôi nhớ có một người Phật tử quen tôi, chị ta là cán sự y tê, có chồng là bác sĩ ở bệnh viên Lâm Đồng. Chị ta nói với chồng là: Anh mà kiếm tiền không đàng hoàng mà đem về cho em, em sẽ không nhận bởi vì nếu nhận sau này con mình sẽ trả không nổi. Như vậy là chị ấy đã thấy được, không để cho loại ma bên ngoài xâm nhập vào trong gia đình mình, vào trong đời sống của chồng mình và của con mình. Đó là một người vợ thông minh. Phải thông minh lắm, bản lĩnh lắm mới nói được những câu nói như vậy. Thường thường những bà vợ khác, chồng đi làm việc mà tiền đem về ít là càm ràm dữ lắm. Nếu người chồng có tu tập chánh niệm, sẽ nói: Em có ưa không, anh sẽ bắt ma về cho em coi? Tham nhũng, hối lộ, tất cả những cái đó, tức là đem ma về ở trong nhà mình. Rứa mà không thấy, rồi cứ mời mấy Thầy tới cúng để trấn ma, làm bùa chú để ma khỏi vào nhà mình, thì ra ma nó đi lọng vào nhà mình hồi nào mà mình không có biết. Gia đình nào có người vợ, người chồng, người con, người cháu, có chánh niệm tỉnh giác, thì gia đình đó sẽ loại trừ được loài ma xâm nhập trong nhà mình. Trời ơi, chị đi ra ngoài xã hôi chị vơ vét của người ta đem vào trong nhà cho nhiều, rồi thì con cái nó thấy tiền như vậy, thì bắt đầu ăn tiêu, phung phí xa xỉ, từ mặt này đến mặt khác, rồi khi đó lại nói sao gia đình mình như vậy, chắc là ma nó vào trong nhà. Rồi bắt đầu mời Thầy tới trù và yểm, trong lúc đó mình lại không có thấy được ma đã đi lọng vào trong nhà là chính do nơi mình. Rồi lại nói, sao gia đình tui bữa ni ăn xui, làm xui quá, rồi thì đem tiền đi cúng dường, trai Tăng. Không ai đi làm những chuyện đó nếu người có chánh niệm tỉnh giác.
Phải đề phòng ma đừng cho đi vào tâm hồn của mình, nơi gia đình mình, nơi những người thân yêu của mình. Và nếu mình không có biết, lỡ ra mai mốt người chồng, hay người vợ của mình mà tham nhũng, hối lộ một cái mà luật pháp phát hiện, thì cuối cùng dắt đi tới toà án, đi ở tù, rồi lúc đó mới mếu máo “Ma nó bắt rồi”. Mình phải có chánh niệm tỉnh giác để giúp mình và những người thân yêu của mình không rơi vào vòng xoay của ma. Quý vị biết, sức mạnh của tiền bạc, của sắc đẹp, của thịt cá, của bia rượu, nó rất là mạnh. Nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác, thì không đẩy chúng ra được đâu.
Có một chú điệu ở Từ Hiếu, buổi trưa sau khi Quá đường, chú đi học, chú ra ngoài quán hút thuốc, bởi vì chú sợ trong chuà. Sau đó tôi biết được, một đêm rất là khuya, tôi nói mấy điệu vô gọi chú đó ra gặp Thầy, chú ra một mình thôi, mặc áo thật đẹp. Khi chú ra thì Thầy đã ngồi sẵn ở nơi bộ bàn để đợi chú, và khi chú vừa ra đến thì tôi đứng dậy, đi xuống nơi tầng cấp và kéo tay chú lên. Dắt tới nơi bộ bàn, tôi ngồi trên và tôi vẻ chú ngồi xuống. Tôi hỏi chú: con có biết Thầy gọi con ra đây có chuyện gì không? Mặt chú tái đi. Thầy cười, thầy nói “Không có gì. Con thích hút thuốc lắm phải không? Con thèm thuốc lắm phải không? Thầy mua cho con thêm một gói nữa để con hút hí.” Tôi chỉ nói vậy thôi, tôi không có la. Chú điệu đó đứng dậy, quỳ xuống và chú lạy, chú thưa, vừa thưa chú vừa khóc: “Dạ bạch Thầy, con dại quá, con xin hứa là từ nay về sau không bao giờ rơi vào tình trạng đó nữa.” Chú nói xong, tôi đứng dậy nắm tay chú điệu, tôi nói:”Thôi con vô đi, ma đã ra khỏi con rồi!”
Đại chúng thấy, đó cũng là một phương pháp để chữa trị bệnh tà, bệnh ma mà mình đã giúp được chú điệu ra khỏi sự thèm khát của dục lạc. Như vậy mình đã giúp được em mình, đã giúp được học trò mình. Tôi nghĩ rằng nếu mình thiếu chánh niệm tỉnh giác khi nghe nói lại như vậy, báo cáo như vậy mà chưa tìm hiểu gì cả, rồi cáu gắt “vi phạm nội quy rồi”, Thế là mình kêu ra, dữ tợn, la lối với chú, không chừng như vậy không những mình không thể đuổi ma ra khỏi người em của mình, người học trò của mình, mà mình còn làm cho ma nhập thêm vào người em, người học trò của mình. Nếu mình la không khéo, nó sẽ liều, và lúc đó thì ma sẽ có cơ hội nhập vào càng sâu hơn nữa. Chúng ta phải tìm cách để đưa các loại ma ra khỏi con mình, ra khỏi em mình, ra khỏi học trò mình bằng chính sự thực tập của mình. Tôi nghĩ đó là một lối giáo dục hết sức thành công, nếu mình có chánh niệm tỉnh giác.
Điều đó tôi đã áp dụng và tôi đã thành công. Có những Thầy họ ngủ quên, sáu giờ sáng chưa dậy. Tôi đi xuống, tôi gọi thêm một chú điệu nữa đi với tôi. Tôi cầm tay chú điệu “Con đi xuống đây với Thầy”. Tôi và chú điệu đi vào, tôi ngồi một bên Thầy đó, tôi lật mền ra, tôi nói: “Thầy có muốn tiểu không? Tôi nói chú điệu đem bô vô cho Thầy nghe. Thầy dậy mà tiểu.” Chỉ chừng đó thôi, nhẹ nhàng như vậy thôi. Nghe vậy, Thầy đó hất mền ra, vùng dậy thật mau, và từ đó là thôi không một lần nào ựa ẹo (?) nửa hết. Nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta sẽ không có được một cách giáo dục đầy sức hấp dẫn và lý thú. Và như vậy mình đã đẩy được con ma ngủ đi ra khỏi em mình, đi ra khỏi người học trò mình.
Làm được như vậy, tức là mình đã nhiếp phục được ma quân. Nhiếp phục ma quân có nghĩa là đẩy lùi những tập khí thấp kém ở nơi tâm mình ra khỏi đời sống của mình; hay nói cách khác, mình cười có chánh niệm với chính những tập khí thấp kém đang biểu hiện nơi tâm mình, nơi con người của mình. Cười có chánh niệm tỉnh giác, thì tất cả những tập khí đó nó tự tan biến đi. Khi mình có chánh niệm tỉnh giác, thì tất cả những tập khí dù có xấu đến mấy đi nữa, mà biểu hiện nơi tâm mình là biểu hiện để tan biến, mà không phải biểu hiện để tái tạo. Nên khi mình tu, mình ngồi thiền, mình thực tập, nếu có những tập khí xấu lâu đời xuất hiện ở nơi tâm của mình, thì mình phải bình tỉnh nhìn nó và cười. Mình biết sự xuất hiện của chúng là để tan biến, chứ không phải là để tái tạo. Có đôi vị khi thực tập, những tập khí lâu đời nó xuất hiện, rồi cứ nghĩ: “Ui chao, mình tu như vậy sao ma nó hiện về?” Đúng là ma nó hiện, nhưng nó hiện là để tan biến, chứ không phải hiện để mà tái tạo trở lại, để mà ám ảnh mình đâu. Nên mình cười. Nhiếp phục được những loại ma như vậy, thì ma bên ngoài từ từ nó sẽ giúp mình, nó sẽ hổ trợ mình. Mình thực tập được như vậy, thì chính bản thân mình sẽ đóng góp được rất lớn cho gia đình mình, cho xã hội mình, cho thời đại mà mình đang có mặt. Đóng góp rất lớn quý vị à. Cúng ta không cần phải xây nhà lầu, ô tô, phải thiết lập lầu cống mới là đóng góp cho xã hội đâu, mình chỉ cần đóng góp cho xã hội bằng chánh niệm tỉnh giác của mình và giúp mọi người sống đời sống có chánh niệm tỉnh giác, là đã đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát huy xã hội, theo một chiều hướng rất là lành mạnh.
huong duong hanoi
5. Nghĩ đến công ơn tương quan:
clip_image001 Ta hiện hữu là hiện hữu với Thầy, với bạn. Ta hiện hữu là hiện hữu với con người, với muôn loài và với thiên nhiên. Không có ba mẹ ta, thì sẽ không bao giờ có ta. Nên ta phải luôn nghĩ đến sự hiện hữu của ba và mẹ ta. Phải nhìn sâu vào để luôn nghĩ đến công ơn của ba mẹ. Khi ta nhìn sâu vào để thấy công ơn của ba mẹ đối với ta, thì ta sẽ toát ra được chất liệu hiếu kính. Nếu chúng ta không có chánh niệm để nhìn sâu và thấy rõ được những công ơn to lớn đó, thì ta sẽ không có được sự hiếu kính, hoặc nếu có thì cũng không phải là sự hiếu kính đích thực. Ta chỉ có sự hiếu kính đích thực, khi ta có chánh niệm tỉnh giác. Nhìn bàn tay của ta, nhìn trái tim của ta, nhìn tâm hồn của ta và ta thấy được trong tất cả các yếu tố đó có sự có mặt của ba mẹ ta. Và khi thấy được rằng trong sự hiện hữu của mình luôn luôn có ba mẹ, thì đó là sự hiện hữu có gốc rễ và mình sẽ không cảm thấy bị lạc loài. Đây là điểm hết sức quan trọng, khi thế kỷ 21 này người ta có khuynh hướng làm ra những con người nhân tạo. Và khi những con người nhân tạo bằng máy bắt đầu xuất hiện trên trái đất chúng ta, thì trái đất chúng ta sẽ là một thảm hoạ và thế giới con người sẽ là một thảm họa, bởi vì những con người được “sinh ra” bởi thai nhân tạo sẽ không biết được ba mẹ nó ở đâu, nó không có gốc rễ. Khi đã không có gốc rễ, nó sẽ hành động theo thú tính hoàn toàn. Nó sẽ hành động theo cảm giác bơ vơ, lạc lỏng như một loài không có gốc rễ và đó là cái nguy hiểm cho thế giới con người. Các nhà đạo đức, các học giả trên thế giới vẫn đang còn tranh cãi nhiều về vấn đề này. Người ta giả tưởng rằng, khi mà thế giới người ra đời bằng bào thai nhân tạo, người ta vẫn chưa tưởng tượng ra được thế giới con người lúc đó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ thấp kém hơn, sẽ bi đát hơn thế giới con người chúng ta đang có mặt. Bởi vì sao? Bởi vì trong sự tương quan, khi chúng ta nói một em bé mà em bé đó không nghe, thì chúng ta có thể nói với ba mẹ nó, với cô dì chú bác, hoặc có thể với ông nội, ông ngoại,... Nhưng nếu một đứa bé được sinh ra từ bào thai nhân tạo, thì khi nó hư hỏng mình sẽ nói ai? Một con người có chánh niệm tỉnh giác, mình sẽ rất vinh dự khi mình thấy rằng mình có mặt là bởi vì ba mẹ mình đã có mặt, và ba mẹ đã luôn luôn có mặt ở trong mình. Dù mình có đang ở Sài Gòn hay Hà Nội, có ở Mỹ hay Pháp, chỉ cần nhìn bàn tay của mình trong chánh niệm, mình sẽ tiếp xúc được với cội rễ của mình và từ đó cảm giác cô đơn của những người con tha hương sẽ không có cơ hội trỗi dậy.
Chúng ta đi những bước đi là không những đi cho chúng ta, những bước đi cho cá nhân, mà là đi cho ba mẹ mình. Ba mẹ mình có an toàn hay không, là tuỳ thuộc vào bước chân an toàn của chính mình. Mình cười, mình thở cũng là cười và thở cho ba mẹ mình. Ngay cả mình học, mình đỗ đạt, cũng chính là học và đỗ đạt cho ba mẹ mình. Kỳ thi Đại học vừa qua có những em bị rớt không vào đại học được, trong gia đình ba mẹ buồn thiu như là nhà có đám vậy, và dọn cơm ra không ai ăn được cả. Rõ ràng là chúng ta đâu phải học cho cá nhân mình, mà là học cho ba mẹ mình, cho anh em em mình. Nhìn sâu vào người đệ tử Phật, mình sẽ nhận ra rằng mình luôn luôn hiện hữu với ba mẹ mình, với anh chị em mình, với bạn bè mình. Khi nghe bạn mình thi rớt, chúng ta cũng ăn không được luôn. Rõ ràng mình đâu chỉ học cho riêng mình, mà còn học cho bạn mình.
Ta hiện hữu là hiện hữu với Thầy của mình, trong mình có Thầy của mình ở trong. Nếu mình có những hành xử sơ suất, thì không những mình bị thiệt hại, đau khổ mà Thầy mình cũng buồn, cũng đau khổ. Có một vị Thầy ở trong Đà Nẵng cách đây ba tuần ra Huế thăm tôi, thăm quý Thầy ở Từ Hiếu và sau đó Thầy đó bày tỏ lòng biết ơn đối với hội đồng giáo thọ tại tổ đình Từ Hiếu, đã chăm sóc người học trò của vị đó một cách rất là chu đáo. Sau thời gian ở đây, người học trò của vị đó đã trở về lại trú xứ và đã hướng dẫn cho Phật tử tu tập rất có hiệu quả. Như vậy, mình tu không phải chỉ là tu cho mình, mà là tu cho Thầy mình; mình học không phải chỉ đem lại vinh quang cho bản thân mình, mà còn đem lại vinh quang cho Thầy mình, cho những người đồng cảm với mình. Trong mỗi động tác đều có cha mẹ, có Thầy, có bạn của mình. Nếu động tác của mình sơ suất xuống hố, thì Thầy của mình cũng rơi xuống hố, ba mẹ của mình cũng sẽ rơi xuống hố, và bạn bè mình cũng vậy. Nếu động tác của mình thăng tiến, thì mình thăng tiến, ba mẹ mình thăng tiến, Thầy mình cũng thăng tiến và bạn bè mình cũng thăng tiến. Khi có chánh niệm tỉnh giác mình thấy được như vậy, thì trong từng giây phút mình đi đâu, ở đâu cũng có ba mẹ, có Thầy, có bạn bè ở trong mình. Nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác, thì mình sẽ không thể biết ơn ba mẹ, biết ơn Thầy bạn một cách sâu sắc được. Nhìn kỹ, mình sẽ thấy trong mình là hiện hữu của tất cả hết thảy mọi người.
Trưa này chúng ta ăn cơm chánh niêm, đại chúng có thấy rằng chúng ta ăn cơm có tính cách bách khoa ở trong không? Những thiền sinh thực tập chánh niệm nếu quán chiếu sâu sẽ thấy rằng, trong bữa ăn trưa hôm nay, chúng ta đều đã tốt nghiệp đại học bách khoa cả. Quý vị có thấy không? Mỗi người mỗi món, mỗi người mỗi kiến thức để nấu và chế tác ra món ăn, mỗi người mỗi tâm hồn, rồi đem món ăn đó về đây, quần tụ ở đây. Và chúng ta cùng đi khất thực, chúng ta đã tiếp xúc được rất nhiều món ăn ở trong một bữa ăn, và rất nhiều món ăn trong một bát cơm. Bát cơm mình ăn trưa nay đâu phải chỉ của mình, có bác nông dân ở trong, có chị bán cải, có bác thợ rèn. Nếu không có bác thợ rèn, mình không thể nào gọt nưa và cắt cho đàng hoàng đuợc. Có người làm đậu khuôn, có chị làm chả, có anh làm nấm, có người xay gạo, người giả gạo, người nấu cơm, có ông giám đốc và nhân viên nhà máy đèn, nhà máy nước, có những nhà sản xuất chén bát, có giám đốc và nhân viên ngân hàng,... Cho nên đại chúng có thấy bát cơm mình ăn là một bát cơm bách khoa không? Nhìn sâu vào mình sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, rất sung sướng. Ăn một miếng cơm mà có mặt của nhiều người như vậy, nếu mình ăn với một lòng tham, ăn mà lật đật thì làm sao xứng đáng! Thường thường mình hay phụ bạc nhau một cách rất là ghê gớm, nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác trong khi ăn. Quý vị thử nghiệm mà xem! Mẹ mình ở nhà lặt rau muống, nấu cơm, nấu canh,... rồi dọn lên sẵn trên bàn. Về đến nhà mình chỉ lùa lùa ba miếng rồi lại xem tivi. Cuộc đời nó vô vị quá! Tại sao mẹ mình đã lo như vậy, mà mình không ngồi vào bàn để mà ăn cho sâu, để mà thấy mẹ mình ở trong tô canh, ở trong bát cơm? Thử hỏi con người đó là con người gì? Khi con người đã coi thường ân nghĩa của chính ba mẹ mình, thì người đó sẽ là thế nào ở trong cõi người? Ông triết gia Tây phương E.Fromm nói thế kỷ 20 là thế kỷ mà con người đã chết. Đã chết là vậy đó! Chết từ trong tâm hồn của mình, chết từ trong gia đình của mình, chết từ trong dòng họ của mình, và chết từ trong cuộc sống của mình. Thực tập chánh niệm là lấy lại chủ quyền của con người trong đời sống hằng ngày của mình, để trong đời sống hằng ngày của con người khi nào cũng có mặt ba mình, mẹ mình, thầy mình, bạn bè mình, đồng loại của mình, và đâu phải chỉ là đồng loại mà là cả muôn loài. Thực vật nó luôn có mặt trong bữa ăn của mình đó sao! Khi một thực vật được hoàn thành để trở thành thức ăn thì không biết bao nhiêu loài chúng sinh đã chết trong thực vật đó để cho mình ăn. Bao nhiêu con sâu đã phải hy sinh thân mạng của chúng bởi một xị thuốc rầy, để mình có được một miếng rau tươi! Cho nên nếu ăn một miếng cơm mà có chánh niệm tỉnh giác, thì mỗi miếng cơm là một niềm hạnh phúc lớn, chứ không phải đến lúc ăn no mới hạnh phúc. Khi đưa muỗng cơm chạm vào trong miệng mình, đó là một hạnh phúc lớn, một cảm giác kỳ lạ trong đời sống của chính mình. Hạnh phúc là ở đó chứ không phải hạnh phúc là ở nơi miếng thịt, nơi ly bia, ly rượu. Quý vị có thể ăn ít cũng được nhưng mà phải ăn cho sâu sắc.
Với chất liệu này, dù trải qua bao thời đại, người đệ tử Phật không bao giờ là kẻ phản bội. Họ ở trong gia đình, thì họ xây dựng gia đình đó tốt đẹp, họ ra giữa làng xã, thì họ xây đựng làng xã đó tốt đẹp, họ ở trong quốc gia nào, thì họ sẽ xây dựng quốc gia đó trở thành ra tốt đẹp. Điều đó là điều mà lịch sử loài người đã xác chứng. Những giáo hữu Kitô họ nói rằng, thà mất nước không thà mất Chúa. Nghĩa là nước sẵn sàng mất nhưng mà Chúa sẽ không để cho mất. Còn trong đạo Phật, người Phật tử nói: “Thà mất nước không thà mất hạnh.” Bởi vì hạnh là nếp sống, là văn hoá, đạo đức, là chánh niệm tỉnh giác. Mình mất nước mà còn có chánh niệm tỉnh giác, còn giữ được nếp sống, thì mình còn có cơ hội phục hồi lại đất nước. Nếu nước chưa mất mà hạnh đã mất, chánh niệm tỉnh giác không còn, thì coi như cũng đã mất nước. Hạnh của người đệ tử Phật là gì? Là hành, là nếp sống. Mà nếp sống của người đệ tử Phật là nếp sống có chánh niệm tỉnh giác. Trong chánh niệm nó vừa có giới, tức là đạo đức. Trong chánh niệm, vừa có định, tức là sự vững chãi. Và trong chánh niệm nó vừa có tuệ, tức là sự quán chiếu sâu sắc, sự hiểu biết sâu sắc, tới nơi tới chốn. Chính những cái đó tạo ra cái hạnh của người đệ tử Phật.
Trong đời sống của một con người, có khi thăng khi trầm, khi tán khi tụ, khi buồn khi vui. Đời sống của một gia đình cũng vậy, khi thăng khi trầm, khi tán khi tụ, khi buồn khi vui. Giàu đó rồi nghèo đó, vinh đó rồi nhục đó, phú quý đó rồi cơ hàn đó, đoàn tụ đó rồi phân ly đó. Mình nhìn kỹ thì gia đình nào cũng có tình trạng như vậy hết, nhưng mà gia đình có chất liệu đệ tử của Phật, thì khi giàu mình cũng có chánh niệm tỉnh giác, khi nghèo mình cũng có chánh niệm tỉnh giác, khi vinh cũng như khi nhục cũng luôn giữ được chất liệu chánh niệm tỉnh giác. Nếu mình mất chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hằng ngày, thì người đệ tử Phật xem như là mất hạnh, mất nết, mất nếp sống của mình. Và khi nếp sống của mình đã mất, thì mình không còn có cơ hội gì để gọi là biết ân Thầy bạn, ba mẹ, mọi người. Mà đã không biết ân, thì làm sao bảo vệ? Có biết ân ba mẹ, mình mới bảo vệ thanh danh của ba mẹ mình. Có biết ơn Thầy, mình mới bảo vệ danh tiết của Thầy, mình mới đi theo cái khí tiết của Thầy mình. Có biết ân bạn bè, thì mình mới sống có nghĩa. Có biết ân quê hương xứ sở, thì mình mới bảo vệ quê hương. Có biết ơn con người, thì mình mới chăm sóc, mới trân trọng quyền sống của con người.
Chúng ta thấy ân nghĩa, hiếu kính, nhân quyền, ... cũng đều từ nơi chánh niệm tỉnh giác mà ra cả. Nếu không có chánh niệm tỉnh giác, thì không có tuệ, và không có tuệ thì đâu có thấy được sự liên hệ giữa mình và người. Chánh niệm tỉnh giác là chất liệu xuyên suốt trong mọi lãnh vực, trong mọi hành xử của người đệ tử Phật. Đám mây ở trên trời không có liên quan gì đến mình ở dưới đất này hết. Nghĩ như vậy và nói như vậy, tức là không có chánh niệm tỉnh giác. Đám mây ở trên trời nó vẫn có liên quan chặt chẽ với mình. Giả như đám mây đó bị nhiễm độc, và một trộ mưa rơi xuống, thì liệu ở dưới này mình có thảnh thơi được hay không? Nếu đám mây bị vẫn đục, nó đi vào trong không khí, vào trong nước mưa, nó rơi xuống, thì cả thế gian này đều lãnh sẹo hết. Nếu có dịp quý vị đi về biển, ngắm mặt trăng, ngắm sóng biển, quý vị sẽ thấy được sự liên hệ rất là chặt chẽ. Khi mặt trăng lên là nước biển lên, và nước biển lên như là nó đùa giỡn với mặt trăng vậy. Nó đẹp đến thế! Với con mắt của phàm tục, con mắt thiếu chánh niệm tỉnh giác, thì mình sẽ thấy mặt trăng và sóng biển không có liên hệ gì với nhau cả. Khi quý vị có chánh niệm tỉnh giác, thì quý vị nhìn cái gì cũng vui, đi đâu mình cũng có bạn cả, mặt trời là bạn mình, đám mây bạc là bạn mình, núi xanh là bạn mình, con đường, đám hoa dại, con còng còng bò trên bãi cát cũng đều là bạn mình... Vậy thì có gì mà ta lại sợ cô đơn! Lẽ đương nhiên chúng ta phải thực tập để có được chất liệu chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hằng ngày.
congductamphat1_422_280
6. Phát khởi bản nguyện cứu giúp ba cõi:
Ba cõi ở đây tức là: dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Dục giới có nghĩa là chúng sanh ở cõi đó lấy tham dục làm gốc. Sắc giới tức là chúng sanh ở nơi cõi này đắm chìm vào nơi những kiến thức của mình, những nhận thức sai lầm, và họ sống nhờ vào những kiến thức, những nhận thức đó. Vô sắc giới nghĩa là chúng sanh ở nơi cảnh giới này sống nhờ vào tưởng, tức là lấy tư tưởng làm bản chất của cuộc sống. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật có dạy rằng:
Tam giới bất an
Do như hoả trạch
Ba cõi không có an ổn
Giống như là những nhà lửa
Chúng sanh ở dục giới thì bị tham dục ngày đêm đốt cháy, nó làm cho oi bức, nó làm cho thêu rụi các phước đức, các trí tuệ. Một người nghiện rượu sẽ bị rượu, đốt. Tư cách, hiểu biết của vị đó cùng sự an lạc và hạnh phúc của người đó bị đốt cháy bởi rượu. Một người tham tiền thì bị tiền đốt, nó đốt hết nhân cách, đốt hết liêm sĩ, đốt hết công lý. Mình tham cái gì thì bị cái đó đốt cháy.
Chúng sanh ở nơi sắc giới vì bị đắm chìm vào nơi những kiến thức, tri kiến, những luận lý và bị những tri kiến, những luận lý đó đốt cháy sự an lạc và hạnh phúc của họ. Quý vị có thấy khuôn mặt của các vị học giả thường thường là xương xóc không? Trí thức thì trí thức thiệt, nhưng mặt mày thì không khi nào thanh thãn được. Người vợ ngồi một bên đó ông cũng không thấy, ông toàn nói những chuyện đâu đâu thôi, và bà đâu có hiểu. Là bởi con người đã bị đắm chìm ở trong kiến thức, trong luận lý, trong những tri thức nên bị những cái đó đốt cháy sự an lạc thảnh thơi. Chúng sanh ở nơi sắc giới bị đốt cháy bởi tất cả những kiến chấp của họ. Chúng sanh ở vô sắc giới bị đốt cháy bởi tưởng uẩn. Chúng sanh ở nơi cõi này họ ái về tưởng, nên tưởng là người yêu của họ. Chúng sanh ở trong ba cõi bị trói bởi dục ái, sắc ái, vô sắc ái, nên người đệ tử Phật phải phát khởi bản nguyện sống ở trong tam giới, để giúp chúng sanh ở trong tam giới vượt ra khởi tam giới. Bởi vậy làm đệ tử Phật, mình quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thọ trì năm cấm giới, tức là mình đặt cho mình một nền tảng, một bước đi siêu việt vượt ra khỏi ba cõi. Còn nằm trong ba cõi thì dù có giàu đến mấy, dù có sang đến mấy, nó cũng bị các dục ở trong ba cõi đốt cháy và mình không có hạnh phúc hoàn toàn. Đó là điểm đặc biệt của đạo Phật, của những người học Phật và tu Phật. Học Phật là học cái gì? Tu Phật là tu cái gì? Là học cách để vượt ra khỏi ba cõi. Tu Phật là để loại trừ những hệ lụy ở nơi dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Mình chỉ có thong dong, tự tại khi những hạt giống dục giới, sắc giới, vô sắc giới ở nơi ta đã bị tiêu diệt. Chừng nào ba loại hạt giống đó bị tiêu diệt, thì ta mới có thong dong, mới có tự tại, ta mới đến đi như là người khách dạo chơi trong ba cõi, không hề bị những dơ bẩn trong ba cõi làm cho ta xấu đi, làm cho ta kém đi, làm cho ta thấp đi.
Một người Phật tử được tạo nên bởi sáu chất liệu trên, thì người Phật tử đó sẽ không bao giờ bị lạc hậu. Đó là văn minh vốn có mà không cần ai hiến tặng cho mình sự văn minh. Trong sáu chất liệu đó, chất liệu then chốt để duy trì là chất liệu chánh niệm tỉnh giác. Mình không thể có bước đi siêu việt là vì mình không có chánh niệm tỉnh giác. Mình không có chất liệu tâm và hình khác tục là bởi trong mình không có chất liệu chánh niệm tỉnh giác. Mình không có chất liệu làm hưng vượng dòng dõi bậc Thánh là bởi trong mình không có chất liệu chánh niệm tỉnh giác. Mình không đủ khả năng để nhiếp phục ma quân là bởi trong mình không có chất liệu chánh niệm tỉnh giác. Mình không có khả năng để báo đáp công ơn của Thầy bạn, của cha mẹ, của mọi người, mọi loài và bảo vệ môi sinh là bởi trong mình không có chất liệu của chánh niệm tỉnh giác. Mình không phát khởi được nguyện lớn để cứu giúp trong ba cõi là bởi mình không có chánh niệm tỉnh giác. Cho nên chánh niệm tỉnh giác là một chất liệu xuyên suốt và nó có khả năng duy trì và thăng tiến để cho chúng ta thành tựu được sáu yếu tố đó trong đời sống của một người Phật tử. Và đó là hướng đi muôn thuở của một người đệ tử Phật. Nếu ta bám sát được những chất liệu đó, bám sát được hướng đi đó, ta sẽ không bao giờ lạc hậu, và bao giờ ta cũng mới toanh, khi nào cũng đẹp và văn minh cả. Đó là cái văn minh của chân lý sự sống.
Sau năm 75, đất nước đi về một mối, có nhiều vị tới khuyên tôi, Thầy nên về đời, đừng tu nữa, tu chi lúc này lạc hậu rồi. Mọi chuyện đều có Đảng lo cho mình, Thầy tu làm chi nữa, ăn chay chi nữa. Không chỉ một mình tôi, mà hầu hết các giới tu sĩ thời đó đều được khuyên như vậy. Nhiều vị tu sĩ trẻ lúc đó đã cởi áo và ra về, về đến 90%. Lúc đó không hiểu vì sao, nhờ Phật gia hộ hay sao mà tôi thấy mình rất vững chãi, mới 24 tuổi thôi, còn trẻ hơn mấy thầy chừ. Trong đầu tôi nghĩ, tu có gì mà lạc hậu hay là không lạc hậu, và thời nào lại không tu, cho nên tôi vẫn tiếp tục đi con đường của mình và tôi có làm bài thơ “Bất động”
Đứng bất động giữa dòng đời biến động
Mặc biển đời gió nghiệp thổi thị phi
Mặc cho ai cứ mãi nói thầm thì
Vẫn bất động trên đường ta đã định.
Tu không có gì lạc hậu, ăn chay không có gì lạc hậu, bởi tôi hiểu rất rõ, ăn chay là để nuôi dưỡng sự hiểu biết và thương yêu trong đời sống của mình hằng ngày, thì sao lại là lạc hậu! Có thời đại nào từ chối sự hiểu biết và thương yêu? Nên chuyện ăn chay là chuyện rất là văn minh, bởi vì nó nuôi dưỡng sự hiểu biết và thương yêu trong đời sống con người. Dù thời đại có văn minh mấy đi nữa, thì con người cũng không dám từ chối sự hiểu biết và dám từ chối sự thương yêu. Có đôi người ăn chay là bởi họ muốn cầu cạnh một cái gì đó, cho nên khi cái cầu cạnh đó không được, thì họ bỏ chuyện ăn chay. Còn tôi có phải ăn chay là để cầu cạnh ai đâu, tôi ăn chay là để phát huy, để nuôi dưỡng sự hiểu biết và thương yêu trong đời sống hằng ngày. Tôi nghĩ rằng, thời đại nào, dù con người có cực kỳ văn minh đến mức nào, thì cũng không thể dám từ chối sự hiểu biết và thương yêu. Ăn chay là để nuôi dưỡng sự hiểu biết và thương yêu, tại sao mình từ bỏ? Nên chúng tôi vẫn ăn chay, mà không những ăn chay có tính cách giàu có, chúng tôi ăn chay có tính cách nghèo nàn. Quý vị biết, năm 75 chúng tôi đi làm ruộng. 3 giờ sáng Thầy trò chúng tôi dậy - tôi, Ôn Phước Duyên, Thầy Thái Nguyên và điệu Tiết. Điệu nhỏ dậy đánh chuông, và ba thầy trò tôi vác cuốc đi ra đồng cách đây 5 cây số, mặc quần đùi cuốc đất rang. Mà cuốc rất là vui. Nghĩa là nhịn đói đi cuốc, và cuốc xong rồi cỡ khoảng 8 giờ, chú điệu mới qua chợ Thông để mua một ít sắn, hay một ít thức ăn gì đó rồi đem ra đồng. Ba thầy trò tôi cứ đứng trông xa xa mà thấy có một bộ áo đà đà, nhỏ nhỏ đang đi tới là mắt nó sáng lên. Chúng tôi vẫn sống hạnh phúc, là bởi vì hướng đi của chúng tôi đã quá rõ ràng và đích thực. Cho nên, dù có cuốc đất hay có bất cứ khó khăn gì, thì cũng không làm cho ý chí chúng tôi bị tê liệt, hay bị sờn đi chút nào hết. Và có phải là cuốc đất xong là được đâu. Nhổ má, đi cấy, rồi làm cỏ. Mà cỏ gọi là cỏ ma. Tức là mình vừa làm xong, mình đi tới một đoạn, mình quay lại là nó ngẩn mặt lên nó nhìn mình. Cho nên gọi là cỏ ma. Phải trổ nước khô đi, sau đó mới (?) rồi dẹt nó dưới bùn thì nó mới chịu chết. Và có phải như vậy thôi đâu. Khi lúa chín, chúng tôi đi cắt. Bản thân tôi đã gánh lúa chạy 5 cây số. Chạy vê, đâu phải có máy đạp, mà phải tuốt. Chúng tôi lúc đó cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc ở chỗ là mình chấp nhận cái khó khăn để duy trì được định hướng tu tập của mình.
Người đệ tử Phật khi đã thấy được hướng đi và hoàn cảnh - lẽ đương nhiên khi nó thế này, khi nó thế khác, nhưng mình đừng có đánh mất hướng của mình, hễ đánh mất hướng, thì mình sẽ bị dập theo cảnh. Cho nên chúng tôi đã không để mất hướng. Khi đã có định hướng rồi, trong hoàn cảnh thực tế xảy ra cho từng cá nhân, cho gia đình hay đoàn thể, có khi thuận lợi, có khi không, nhưng chúng ta phải bám sát định hướng. Nếu chúng ta không vạch được hướng đi, thì khi thuân lợi ta thành công, còn giả như bất trắc xảy ra thì ta sẽ "trở tay không kịp", và sẽ trở thành mù loà trước cuộc sống.
Những chất liệu này rất cần được chia sẻ cho xã hội, cho cộng đồng. Cộng đồng xã hội rất là rộng lớn, nhưng hướng đi vẫn đang còn rất mơ hồ, chưa rõ ràng.
Tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng nào? Đối với những nhà lãnh đạo, để vạch ra hướng đi chung cho một đất nước là rất khó, nên cá nhân mỗi người phải tự vạch ra hướng đi riêng cho chính mình. Cách đây 8 năm, có một hội nghị về Tuệ Trung Thượng Sĩ và gần đây là hội nghị về tư tưởng Trần Nhân Tông, nhằm quay về nguồn để tìm lại hướng đi cho dân tộc. (......)
CònTiếp theo…
daophatvamoitruong2

Chuyên mục:,,,
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment