Saturday 3 December 2011

NHÌN KHỔ ĐAU QUA BÌA RỪNG ( Phần 3: Mặt trời không thôi sáng dù đêm buông )
Giữa muôn ngàn tinh tú
Vẫn thấy bóng mặt trời
Giữa muôn ngàn đau khổ
Đường Giác vẫn còn soi
Chúng tôi theo ý vị Sư lần lượt đi vào phòng ăn, mà đúng ra là nghi lễ trì bình khất thực của chư Tăng bên Phật Giáo Nguyên Thủy, theo lời hướng dẫn của một Phật Tử trong chùa, chúng tôi lần lượt mỗi người lấy một chén cơm trắng đã chuẩn bị sẵn từ quý Phật Tử đó. Sau đó theo thứ tự họ đứng thành một hàng dọc dài và chúng tôi cũng đứng theo họ, theo lời dặn thì chư Tăng bắt đầu đi bát xuống đây và mỗi vị chúng ta cho một muỗng tùy theo cơm trắng vào bát sao cho đều, tới đây tôi đã hiểu một phần nghi lễ của Phật Giáo Nguyên Thủy khi chư Tăng trì bình khất thực, một nghi thức mà chúng tôi chưa hề thấy bên Bắc Truyền, hoặc có thấy cũng chỉ hiển thị bằng hình thức trong một đại lễ nào đó, tính chất thường xuyên của việc trì bình mỗi ngày hoàn toàn không có, hình ảnh đức Phật ngày xưa chừng như thấy rõ hơn quá nghi thức này của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Thấp thoáng xa xa trên đường xuống dốc, giữa muôn ngàn sương sớm còn chưa tan, người thường vẫn còn cảm thấy lạnh dù mặc nhiều áo, nhưng đoàn người áo Vàng vẫn tái hiện lại hình ảnh cao vời của Đức Phật một cách sống động, tôi nghĩ nếu ai chứng kiến hình ảnh này sẽ không khỏi xúc động, quý Tăng đi chân đất, theo phương thức kinh hành từng bước đều nhau, gương mặt đều ung dung, tự tại, thể hiện rõ nét của một bậc ly trần, tất cả Phật Tử khi thấy chư Tăng xuống họ đều quỳ xuống dâng cơm lên đầu, tôi nghĩ đó là một thái độ kính Tăng nhất như mà kinh sách đã dạy và bộc lộ tự đáy lòng. Phật tử lần lượt đứng lên để đón chư Tăng đi đến, vị Sư Cả (sư Trụ Trì) dẫn đầu với nụ cười từ hòa nhìn từng Phật Tử (xem như cảm ơn họ và thầm phúc chúc vì tấm lòng dâng vật thực) thế rồi từng vị từng vị tiếp nhau, khi chư Tăng đi hết, đoàn Phật Tử cũng quỳ xuống tiễn chư Tăng rồi đứng dậy lần lượt di chuyển về hướng chánh điện cùng tụng kinh với chư Tăng khi chư Tăng thọ dụng lương thực cúng dường, theo thứ tự và cực kỳ ý thức, vị Phật Tử có kinh nghiệm hiền hòa hướng dẫn đoàn chúng tôi vào chánh điện quỳ trước chư Tăng nối dài ra cửa để chuyền đồ ăn của từng Phật Tử cúng dường vào trong rồi lại chuyền ra, cứ như thế sau khi hết các món ăn, quý Phật Tử bản địa cùng đoàn hành hương lần lượt thứ tự vào chánh điện và bắt đầu mỗi người một quyển kinh chuẩn bị Tụng, khóa lễ tụng kinh của chư Tăng bắt đầu với nghi thức cầu an và phúc chúc, sau đó Phật Tử tụng kinh Tam Bảo, tất cả đều trì tụng bằng tiếng Pali, giọng điệu trầm hùng nhưng đầy chất linh thiêng, tiếng Phạm Âm mà chúng tôi nghe nói trong kinh chừng như cảm nhận rõ hơn bao giờ hết, trong không gian im lặng và tịch tĩnh của rừng núi, hòa với giọng tụng rõ ràng khúc chiết của từng Phật Tử thuần thành, những người mới như chúng tôi dù chưa quen nhưng hình như cố gắng đọc theo phiên âm bằng mẫu tự latinh cũng theo kịp người bản địa, thật sống động như thế nào. Một kinh nghiệm đáng phục và đáng học, ở nơi đây tôi cảm thấy rõ nhất sự trang nghiêm ở một nơi hẻo lánh, mặc dù không tượng to, chùa lớn nhưng không gian vẫn lồng lộng bầu trời, vẫn Thoát trong mọi cái Thoát.
Sau nghi thức tụng kinh cầu nguyện, chư Tăng bắt đầu thọ dụng xong cũng là lúc quý Phật Tử xuống núi để dùng trưa, tôi cũng quên nhắc việc thuyết pháp, trước khi chư Tăng bắt đầu tụng kinh cầu nguyện, vị sư cả thâm trầm thuyết pháp cho chư Phật Tử lắng nghe, không ai bảo ai mọi người đều hành lễ quỳ xuống cảm ơn chư Tăng ban pháp và dứt bài pháp cũng đáp tạ bằng ba lễ, quả thật sự tôn Phật Kính Tăng khiến cho chúng tôi thán phục, là cái mà đoàn hành hương phải học và học nhiều hơn, xem đó là thói quen hằng ngày, không phải bằng hình thức mà bằng lòng tôn kính và thói quen, đó là hình ảnh sáng chói của một người học Đạo.
Từng Phật Tử gặp nhau trong hoan hỷ, cười thân thiện, theo thứ tự họ xếp hàng lấy đồ ăn vừa đủ để giành cho người còn lại, rất rất thanh lịch, vị Phật Tử hưởng dẫn mọi người lấy thức ăn sau cùng, đó là điều mà chúng tôi để ý, vị này vô cùng hân hoan khi tiếp đoàn hành hương chúng tôi và hoan hỷ mời quay lại khi có cơ hội, và không ai bảo ai chúng tôi luôn có tâm niệm quay lại chùa vào mọi lúc khi rảnh, khi thọ thực xong mỗi Phật Tử đều ý thức nên ai cũng tự rửa chén của mình, đó là tinh thần tự giác hiếm thấy ở thời đại này trong mọi Già Lam Tự Viện, chư Tăng cũng tự rữa bát của chính mình, họ hạn chế tối đa việc nhờ vả Phật Tử, đó là điều tạo tác lớn nhất và giới luật đẹp mà Phật đã chế tác, tạo cho chư Tăng tinh thần tự giác làm việc mọi lúc bên cạnh việc hành thiền, để cảm nghiệm việc mà Phật Tử tại gia đã thể nghiệm và qua đó chúng tôi thấy rằng việc tích phước là từ thời điểm đó, tinh thần tự giác, nghiêm trì giới luật là yếu tố cần thiết cho việc tinh tấn tu hành, là cách hành Pháp hiệu quả.
Chúng tôi bảo nhau hãy thấy và hãy biết tinh thần học Đạo của chư Tăng và Phật Tử nơi đây bằng hành động họ thể hiện, hãy tập như vậy vì họ đã cho chúng tôi thấy một không gian học Đạo rất nghiêm túc trong từng cử chỉ, lúc ăn, lúc Thiền, lúc Tụng Kinh, cái chính của chúng ta là sự học Đạo được thể nghiệm và toát lên trong mỗi hành động thường ngày chứ không phải trong khi lên chùa thôi, phải làm cho giòng chảy giáo Pháp thẩm thấu trong ta cùng với giòng máu nuôi sống ta thì việc học Pháp mới thành tựu, mới thực sự là một người hành pháp, hay chính xác nhất là cách cúng dường của chúng ta với Chư Phật.
Mặt trời dù đã chuyển dần xuống sau núi nhưng ánh sáng vẫn không thôi yếu đi, có lẻ trong mỗi con người đều có ánh sáng bất tận đó, ánh sáng giáo pháp theo chúng ta và thúc đẩy chúng ta luôn đi lên trong mọi tình huống của cuộc sống. Là ánh sáng không bao giờ lu mờ dù đêm buông.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment