Saturday 3 December 2011

Tâm từ bi trong Phật pháp - Phần I
1. Phật pháp lấy tâm từ bi làm chính
“Từ bi là căn bản”, đây là lời nói viên mãn chính xác, là tâm tuỷ của Phật giáo Đại thừa, biểu đạt được nội dung chơn thật của Phật giáo. Vì vậy tín đồ của Phật giáo Đại thừa nên tư duy nghiêm mật, nắm bắt thiết thực nhất! Từ phương diện tu hành của Bồ-tát, như trong Kinh thường nói: “Đại bi là đứng đầu”; “Đại từ bi là căn bản”. Từ phương diện tu học hoàn thành viên mãn Phật quả thì trong Kinh thường nói: “Chư Phật Thế Tôn, lấy đại bi làm thể”, Còn trong Luận thì nói: “Phật tâm là đại từ bi”. Kinh Luận đều có nhất trí với nhau, cốt lõi về thực hành và quả vị của Đại thừa, không phải là gì khác, đó chính là từ bi. Tách rời khỏi từ bi thì không có Bồ-tát, cũng không có Phật.
Cũng có thể khẳng định: nếu như không có từ bi, thì không có Phật pháp, vì Phật pháp phát huy trên cơ sở từ bi. Tôn chỉ của Đại thừa như vậy, nếu hành giả Thanh văn chuyên suy nghĩ về “tự lợi” thì sẽ không đồng ý với quan điểm này. Nhưng ba tạng Kinh Luật Luận mà hành giả Thanh văn cùng thừa nhận, thì đức Phật Thích Ca xác thật là như vậy.
Từ hành trạng quá khứ của cuộc đời Thế Tôn thì: lúc ban sơ nhất, động cơ dẫn đến phát tâm tu đạo của Ngài là do lần quan sát trong buổi lễ canh nông. Thế Tôn được sinh ra và lớn lên ở nơi vương cung, rất khó có dịp quan sát sự canh tác trồng trọt của nông phu. Khi Ngài thấy nông phu vất vả dưới ánh nắng chói chang, đói khát mệt mỏi mà vẫn không được nghỉ ngơi; nhìn thấy con trâu đang phục dịch kéo cày, bị đánh đập, bị cái ách gây tổn thương chảy máu trên cổ; thấy luống đất khi xới lên, có rất nhiều côn trùng nhỏ, bị chim chóc cắn mổ; thấy máu của con bò chảy xuống đất, không lâu sau sản sanh ra con giòi, trở thành thực phẩm cho chim chóc. Chúng sanh tự tàn hại lẫn nhau, sự gian khổ của nông phu, khắc họa lên bức tranh tàn khốc của thế gian. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, nội tâm của đức Thế Tôn đau xót sâu sắc, từ đó Ngài đã suy nghĩ đến vấn đề cầu đạo và giải thoát thế gian. Nhưng lúc này chỉ xuất phát từ suy nghĩ vì cá nhân!
Sau đó, đức Thế Tôn lại đi du hành, nhìn thấy già bệnh và tử vong. Từ sự thể nghiệm của cá nhân mà hiểu được con đường đau khổ chung của nhân loại phải trải qua, chính mình cũng không thể tránh khỏi. Từ tha nhân mà hiểu được chính mình, từ chính mình mà suy luận đến tha nhân. Quá trình đau khổ trong lịch trình sinh mạng của chúng sanh, nếu chỉ suy nghĩ vì mình, tức thành tâm yếm ly (khổ) của Thanh văn. Nếu như không chỉ vì chính mình, mà còn vì tất cả chúng sanh, tức thành tâm từ bi lân mẫn của Bồ-tát. Đức Thế Tôn vốn không phải suy nghĩ vì cá nhân, do đó dưới cội Bồ-đề, triệt ngộ chơn thật của kiếp nhân sinh, liền đi khắp lưu vực của hai bờ sông Hằng, đến khắp mọi nẻo đường để chuyển pháp luân, đánh trống pháp, thổi pháp loa, đem pháp âm vi diệu, kêu gọi chúng sanh đang đau khổ nên thức tỉnh giác ngộ.
Nếu xem từ truyện ký, thì cuộc đời của đức Thế Tôn, không ra ngoài đại từ đại bi, biểu hiện tâm từ bi của đức Phật. Nếu thâm sâu hơn nữa mà suy tìm chuyện tu hành trong quá khứ của đức Thế Tôn, như theo truyền thuyết trong Bổn Sanh Đàm, Bồ-tát quên mình hy sinh vì người khác! Vô cùng từ bi thương xót chúng sanh! Học giả Thanh văn cũng nói: Bồ-tát lấy tâm từ mà tu Ba-la-mật-đa, khi viên mãn thì thành tựu Phật quả. Do đó việc thực hành và quả vị của Đại thừa (Bồ-tát và Phật) là tâm hành từ bi quán triệt từ đầu tiên cho đến cuối cùng. Nếu như lìa khỏi từ bi, thì làm sao xứng với tên gọi Đại thừa được!
Trong Kinh điển Đại thừa: Bồ-tát với Thanh văn đều gọi là con của đức Phật, nhưng Bồ-tát giống như con của trưởng giả do vị đại phu nhân sinh ra, còn Thanh văn giống như con của người ở. Điều này muốn nói: Bồ-tát là đích tử của đức Phật, sẽ tiếp nối sự nghiệp cao quý của Ngài và có huyết thống thuần chánh. Thế còn Thanh văn thì sao? Mặc dù họ cũng y vào lời Phật dạy và giáo pháp để tu tập, nhưng không tránh khỏi sự hỗn tạp của huyết thống ti tiện. Huyết thống ti tiện này, Thế Tôn chỉ cho người có tâm hạnh độc thiện sống ẩn dật hoặc tu khổ hạnh ở Ấn Độ đương thời. Thanh văn thuộc trong Phật pháp, có một phần trí tuệ thâm sâu, song không thể đại biểu cho sự viên mãn của Phật pháp, bởi vì có hàm chứa một phần đi ngược với tinh thần của Đức Phật, tức không có đại từ bi, cho nên trong “Kinh Hoa Nghiêm” đưa ra ví dụ hàng Nhị thừa được sinh từ sau lưng của đức Phật. Vì vậy, nếu thiên về pháp Thanh văn mà nói, chuyên lấy tâm hạnh của Thanh văn làm Phật pháp, thì không thể khẳng định Phật pháp lấy từ bi làm căn bản được. Song căn cứ vào tinh thần Đại thừa tiêu biểu cho Đức Phật, thì từ bi làm căn bản, là thích đáng nhất hiển bày và phát huy được bản chất của Phật giáo, là tâm tuỷ của đức Phật.
2. Nguồn gốc của tâm từ bi
Từ bi là căn bản của Phật pháp, cũng có thể nói là tương đồng với nhân ái trong văn hoá Trung Quốc, và bác ái trong văn hoá Cơ-đốc. Tuy nhiên Phật pháp có khả năng đi thẳng thâm sâu vào nội hàm của từ bi, không bị ảnh hưởng mê vọng của thần sáng tạo, hay bị trói buộc trong sự hẹp hòi của một số người, mà thể hiện ra một cách hoàn thiện nhất và thâm sâu triệt để nhất. Căn cứ vào Phật pháp mà nói, từ bi là sự hiển hiện do khế hợp thích đáng với sự việc thực tế và chân lý, từ ý thức đồng tình chung của cộng đồng. Điều này sẽ được trình bày từ hai phương diện:
Từ tính tương quan của duyên khởi: Tất cả sự tồn tại trên thế gian (vật chất, tâm thức và sinh mệnh), nó không thể tồn tại độc lập, mà đều là pháp duyên khởi hỗ tương y cứ hỗ tương thành tựu. Ở trong sự hỗ tương nương tựa do các loại nhân duyên hoà hợp mà trở thành hiện thực tồn tại, biểu hiện ra cơ thể hoạt động độc lập, điều này giống như đan thành mắc lưới vậy. Thực tế đó là sự tồn tại trong các mối quan hệ lẫn nhau.
Sự tồn tại trong các mối quan hệ, mới xem tuy là có cơ thể với sự hoạt động độc lập, nhưng kỳ thật nó chịu sự quyết định của các mối quan hệ khác, tách rời khỏi các mối quan hệ đó, thì nó không có khả năng tồn tại. Tất cả sự tồn tại trên thế gian, vốn là như vậy; chúng sanh và nhân loại cũng tồn tại giống như thế. Do đó, từ sự thật duyên khởi mà hình thành nhân sinh quan, tức đây là nhân sinh quan vô ngã, nhân sinh quan hỗ trợ, nhân sinh quan tri ân báo ân, và cũng chính là nhân sinh quan lấy tâm từ bi làm căn bản. Căn cứ vào cuộc sống hiện tại thì con người không thể tách rời xã hội mà tồn tại. Ngoài các mối quan hệ giữa cộng đồng với gia đình; từ áo quần, ăn mặc, nhà ở và thuốc thang v.v.. đều do nông dân, công nhân sản xuất, gia công chế tạo, do thương mại dịch vụ vận chuyển cung ứng; học tập kỹ năng tri thức, thành công trong học vấn và sự nghiệp, đều nương tựa vào sự hỗ trợ tương thành của thầy cô và bạn bè. Duy trì trật tự xã hội, phát triển sự nghiệp công cộng, an ninh quốc phòng bảo hộ biên cương, tất cả đều dựa vào việc chính trị và quân sự của chính phủ. Nếu như không có các nhân duyên hoà hợp như thế, thì chúng ta không thể nào được sinh tồn một cách an ổn và hạnh phúc.
Nếu mở rộng tầm nhìn ra nữa, thì một quốc gia, một chủng tộc, đến thời đại hiện tại, càng chứng minh sự liên quan mật thiết giữa tư tưởng với nền kinh tế. Cho đến chúng sanh khác, đối với sự sinh tồn an vui của chúng ta, cũng có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp. Giữa con người với con người, giữa chúng sanh với chúng sanh, có mối quan hệ mật thiết như vậy thì tự nhiên sẽ đưa đến ít nhiều sự đồng tình. Đồng tình y vào nhận thức cộng đồng, tức cảm thấy có một sự quan hệ qua lại với nhau, có một loại cộng đồng giống nhau; do đó mà có quan hệ gắn bó thân ái, sanh khởi tâm hạnh từ bi đem đến an lạc và nhổ bỏ khổ đau. Đây là hiện thực của xã hội mà chúng ta dễ hiểu.
Nếu như từ vấn đề lưu chuyển sanh tử trong ba đời mà nói, tất cả chúng sanh, từ vô thuỷ đến nay, đều có quan hệ mật thiết với chính mình, cùng nhau sinh sống, đều là cha mẹ, anh chị em, hoặc vợ chồng con cháu của mình. Tất cả chúng sanh đều có ân đức đối với mình – “phụ mẫu ân”, “chúng sanh ân”, “quốc gia (vương) ân” và “Tam bảo ân”. Do đó, từ tâm hạnh của Bồ-tát thì thấy tất cả chúng sanh đều “như cha mẹ, anh chị em, hài hoà hạnh phúc”. Ở trong tâm hạnh của đức Phật thì “chúng sanh đều bình đẳng như La-hầu-la” (con của đức Phật khi chưa xuất gia). Loại ý thức cộng đồng này không chỉ nhỏ hẹp trong giới hạn ở gia đình, quốc gia, chủng tộc hay nhân loại; cũng không phải chỉ là đồng nghiệp với nhau, cùng một giai tầng, một khu vực, một ngôi trường, cùng một lý tưởng, cùng một tôn giáo, hoặc cùng một kẻ thù. Mà là từ mối quan hệ qua lại của cá nhân và đối tượng khác đạt đến ý thức cộng đồng của tất cả chúng sanh, nhân đó mà phát sanh tâm hành báo ân đem đến lợi lạc cho tất cả chúng sanh (từ), cứu tế tất cả chúng sanh (bi). Từ bi (nhân, ái) là căn nguyên của đạo đức, là thước đo tiêu chuẩn tối cao của đạo đức. Từ bi là sự ánh hiện của pháp tắc duyên khởi ở trong tâm con người - đồng tình có mối quan hệ thân thiết.
Từ sự bình đẳng trong tính duyên khởi: pháp duyên khởi là mối quan hệ trùng trùng điệp điệp, vô lượng sự khác nhau. Các hiện tượng khác nhau này đều không thể tồn tại ở một dạng thực thể độc lập. Do đó, từ pháp duyên khởi mà thâm nhập đến cuối cùng, tức là thông đạt tất cả pháp không có tự tánh, mà thể hiện pháp tánh bình đẳng nhất như. Đây là một vị pháp tánh bình đẳng, không phải là thuộc thần thánh, không phải thuộc đây hay thuộc mỗi một cái đều là bản tánh của pháp duyên khởi.
Từ pháp tánh nhất như này hiểu được các pháp là do duyên mà khởi, không chỉ là mối quan hệ mật thiết tương y tương thành và tiến thêm bước nữa bình đẳng không hai không khác. Phật pháp Đại thừa dạy: chúng sanh với Phật bình đẳng, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, đây là kết luận từ trong sự hiện quán pháp tánh bình đẳng mà có. Ở trong tâm cảnh bình đẳng nhất như như thế, đương nhiên phát huy đến “đồng thể đại bi”. Khi chúng sanh còn bị khổ bức, còn bị mê vọng chưa thể thành Phật, thì giống như sự khổ bức đó là của chính mình, công đức tự thân của mình chưa viên mãn. Trong pháp Đại thừa, tâm hạnh từ bi lợi ích cứu giúp chúng sanh, cho đến tận đời vị lai không ngừng nghỉ là xuất phát từ điểm này.
Tất cả chúng sanh, đặc biệt là nhân loại, không chỉ vì duyên khởi tương hỗ nương tựa cùng tồn tại để dẫn phát ý thức cộng đồng về nhân từ, mà còn là một cách trong vô ý thức, trực giác đến sự đồng cảm đối với chúng sanh, đối với sự khổ vui của nhân loại. Bất luận là đối với chính mình hay đối với tha nhân đều có khuynh hướng về bình đẳng, hoà đồng và có cùng căn nguyên từ lòng trực cảm khao khát. Điều này không phải do thần kêu gọi chúng ta, mà là do chúng ta hiểu rõ được pháp tánh duyên khởi. Chúng ta tuy không có khả năng thể hiện nó nhưng cũng chẳng phải xa lìa nó. Vì các loại sai lầm, các loại ràng buộc, các loại giới hạn, nhưng thông qua ý thức vọng tưởng của cá nhân mà trực giác tái hiện, y theo quá khứ mà hiển hiện ra. Đây là căn nguyên của thần giáo (loại không chính xác), ý thức đạo đức, là căn nguyên của tinh thần từ bi. Từ bi không có gì là vượt quá con người, cũng không ngoài con người, chỉ là tâm của con người phù hợp với sự thật tự nhiên của chân lý và hiện tượng mà hiển bày ra.
Trích trong tác phẩm “Ba điều cần thiết cho người học Phật” của hòa thượng Ấn Thuận.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment