Saturday 3 December 2011

Tâm từ bi trong Phật pháp - phần III - phương pháp thực hành và thể nghiệm tâm từ bi
4. Tâm từ bi và thực hành tâm từ bi
Tâm từ bi là căn bản của Phật pháp, là tâm tuỷ của chư Phật Bồ-tát. Nhất cử nhất động của Bồ-tát đều biểu hiện từ bi, tất cả các hành vi đều xuất phát từ động lực của từ bi. Do đó nói: Bồ-tát vì lòng đại bi mà không được tự tại. Tại làm sao không được tự tại? Bởi vì Bồ-tát không thể lấy ý muốn của mình để làm phương châm hành động, mà chỉ làm theo tiếng gọi của tấm lòng từ bi trong nội tại, lấy sự mong cầu của chúng sanh làm phương châm. Chúng sanh mong muốn như vậy, thì Bồ-tát không thể không thực hiện theo; vì chúng sanh mà suy nghĩ lo lắng, nếu chúng sanh muốn dừng lại, thì Bồ-tát cũng không thể không dừng. Bồ-tát quên mình vì người, tất cả đều vì chúng sanh, quyết không vì lợi ích của mình mà tính toán.
Tâm từ bi của Bồ-tát đựơc phân biệt thành bốn tâm: từ, bi, hỷ và xả. Từ là đem đến lợi ích an lạc thế gian và xuất thế gian cho chúng sanh. Bi là cứu giúp chúng sanh thoát khỏi khổ nạn, diệt trừ căn bệnh sanh tử của chúng sanh. Hỷ là vui mừng khi thấy chúng sanh lìa khổ được vui, xem niềm vui của chúng sanh giống như niềm vui của chính mình. Xả là người oán hay người thân đều bình đẳng, không nhớ nghĩ quá khứ về ân oán của chúng sanh mà phân biệt thương ghét. “Đem đến an lạc”, “nhổ bỏ khổ đau” là nội dung chủ yếu của lòng từ bi. Song nếu như có tập tánh thấy người khác hạnh phúc an lạc mà trong lòng thấy khó chịu; tâm sanh sự thù hận, hoặc tình cảm cá nhân quá nặng; chẳng phải yêu thích điều này mà chán ghét điều kia, việc này quyết không có khả năng dẫn đến tâm từ bi bình đẳng vô tư. Do đó, Bồ-tát không những phải có tâm từ bi, mà còn cần có tâm hỷ xả. Từ bi hỷ xả tổng hợp lại mới chơn chánh trở thành tâm Bồ-tát.
Nhưng chỉ có tâm từ bi thôi thì vẫn chưa đủ, mà còn cần có hành động từ bi. Hay nói cách khác, Bồ-tát phải từ trong thực tế hành động, để làm phong phú cho nội dung của tâm từ bi, mà chẳng phải chỉ là suy nghĩ. Điều này gọi là hạnh lợi tha, đại cương là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự (Tứ nhiếp pháp). Bố thí về vấn đề kinh tế, hoặc là dùng sức lực lao động, thậm chí hy sinh đến thân mạng, gọi chung là tài thí. Sử dụng tư tưởng để phát khởi hướng dẫn, đem chánh pháp để chỉ bày, dù chỉ một câu một lời nhưng có khả năng khiến chúng sanh từ trong tâm lìa ác hướng thiện, đều gọi là pháp thí. Như chúng sanh tâm có phiền não, hoặc sinh sống ở hoàn cảnh ác liệt, vạn phần thất vọng khổ đau, thì Bồ-tát đem chánh pháp để chỉ bày hướng dẫn, sử dụng năng lực phương tiện để hỗ trợ, khiến chúng sanh thoát khỏi ưu sầu, đau khổ, sợ sệt, đây là vô uý thí. Bố thí có ba loại lớn này, có thể tổng quát hết tất cả hạnh lợi tha, nếu như lìa khỏi bố thí, tức không còn ý nghĩa của từ bi nữa! Nhưng thực hiện hạnh lợi tha còn cần phải có thêm ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Ái ngữ là ngôn ngữ thân ái, khéo léo hài hoà, hoặc là những lời khuyên trách thật lòng, đều xuất phát từ tâm từ bi, để đối phương cảm nhận được thiện ý, cam tâm tình nguyện mà tiếp nhận. Nếu không, như đối với người bần cùng và gặp vận nạn khẩn cấp, mà đem giọng điệu khinh miệt, ngạo mạn, diễu cợt mà cho đồ vật, nếu họ có lòng tự tôn tự trọng, thì họ sẽ cự tuyệt không nhận; hoặc chỉ là tiếp nhận một cách miễn cưỡng và ở trong tâm xuất hiện sự phản cảm. Lại như bình luận đối với người khác hoặc sự việc, nếu có thiện ý, có tính xây dựng, thì rất dễ khiến người khác tiếp nhận đi đến cải thiện. Còn không, dù cho có nói trăm vạn lần chính xác chơn thật đi nữa, nhưng khi đối phương đã có sự phản cảm rồi, thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và tạp loạn.
Lợi hành nếu nói theo ngôn ngữ đương thời tức là sự nghiệp phúc lợi xã hội, đem đến phúc lợi cho mọi người.
Đồng sự là mình đồng cam cộng khổ với mọi người. Trên phương diện cộng tác, phương diện hưởng thụ đều bình đẳng với mọi người, điều này sẽ khiến mọi người cảm động nhất.
Bồ-tát từ bi lợi tha không thể không cần đến phương pháp. Ái ngữ, lợi hành và đồng sự, làm cho bố thí trở nên có hiệu quả, là phương pháp có khả năng đạt đến chơn thật lợi ích cho chúng sanh. Bốn phương pháp này là phương pháp cơ bản để từ bi tế độ chúng sanh, hoà hợp với chúng sanh, làm người lãnh đạo phải nên có đức hạnh này. Bồ-tát “người lãnh đạo cao thượng”, nhưng không phải là nhà lãnh đạo quyền uy, mà luôn vì mục đích từ bi tế độ chúng sanh. Nếu không biết được như vậy thì chẳng khác gì không có khả năng nhiếp thọ chúng sanh, không thể hoàn thành mục đích đem đến lợi ích cho nhân loại. Từ tâm từ bi phát khởi hạnh bố thí v.v…là điều mà Bồ-tát phải có đầy đủ. Bồ-tát lãnh đạo, vốn không giới hạn ở lĩnh vực chính trị, mà ở trong tất cả các tầng lớp, nghề nghiệp, Bồ-tát có tâm hạnh từ bi thì sẽ phát khởi tác dụng lãnh đạo. Như cư sỹ Duy-ma-cật, ông ở trong tất cả mọi người, đều là tôn quý nhất.
5. Nuôi dưỡng tâm từ bi
Tâm từ bi là tâm mà mọi người đều có, chỉ là không có khả năng khuếch đại, lìa bỏ lập trường tự tư và nhỏ hẹp, nên bị tạp nhiễm, đi đến yêu thương cá nhân. Vì vậy Cổ nhân có bài vịnh về loài cọp: “Cọp đứng đầu trăm thú, ai dám động đến nó, chỉ có tình phụ tử, mỗi bước mỗi bước nhìn”. Từ ái thật là điều có chung của hữu tình, tàn nhẫn như con cọp cũng vẫn như vậy. Do đó tu tập từ bi quan trọng là làm sao khuếch trương nó, tịnh hoá nó, không bị tự ngã nhỏ hẹp làm ảnh hướng xấu, trưởng dưỡng, cũng giống như vun trồng hạt giống, chăm sóc để nó thành trưởng.
Theo sự truyền dạy của Thánh nhân xưa, trưởng dưỡng tâm từ bi, lược có hai phương pháp chính.
a. Thay đổi vị trí cho nhau để nhìn nhận vấn đề:
Đặt mình vào trong vị trí của đối phương, đối phương ở vị trí của mình, lúc này nên xử sự như thế nào? Đối với vấn đề đó làm sao xử lý? Ai ai cũng đều biết, con người không ai không yêu thích chính mình, không ai không tận tâm tận lực cho chính mình, mình như vậy và tha nhân cũng như vậy. Đem chuyện tự ái của chính mình mà suy luận đến tha nhân, đặt thân mình vào vị trí của tha nhân mà suy nghĩ, đem tha nhân xem thành chính mình mà suy xét, thì tâm tình từ bi tự nhiên sẽ sanh khởi ra. Trong “Kinh Pháp Cú bài kệ số 129 và 130” đức Phật dạy: “Mọi người sợ hình phạt, mọi người sợ tử vong. Lấy mình để suy nghĩ, không giết không bảo giết. Mọi người sợ hình phạt, mọi người thích sống còn. Lấy mình để suy nghĩ, không giết không bảo giết.” Điều này nhất trí với sự khoan hồng tha thứ của Nho gia, song vẫn chỉ là khuếch trương tính ái của cá nhân, tuy có khả năng trưởng dưỡng từ bi, nhưng không thể hoàn toàn tịnh hoá.
b. Quán chiếu người thù oán và người thân bình đẳng:
Ngoài yêu thích cá nhân ra, cha mẹ, vợ chồng con cái là thân ái nhất, quan hệ mật thiết nhất. Còn người khó làm cho mình sanh khởi tâm từ bi nhất, đó chính là người mình oán hận, thù địch. Để dễ dàng tu tập, nuôi dưỡng tâm từ bi, hãy mở rộng tấm lòng theo thứ tự từ người thân đến người không thân, cuối cùng là người oán.
Tất cả mọi người – chúng sanh, chia thành 3 loại: Thân, trung bình, oán. Trong 3 loại này, vẫn có thể chia thành nhiều cấp bậc. Trước hết đối với gia quyến, bằng hữu, quán chiếu sự thống khổ của họ mà tìm cách giải trừ, thấy họ không đủ phước lộc mà nghĩ cách đem đến cho họ. Tu tập đến khổ vui của người thân, giống như khổ vui của chính mình, in sâu vào trong nội tâm của chính mình, luôn luôn nghĩ đến việc làm thế nào để người khác lìa khổ được vui.
Tiếp đến mở rộng ra người trung dung, tức người không ân không oán với ta. Quán chiếu sâu sắc nghiêm túc, thì họ đều có ân huệ đối với mình; đặc biệt từ vô thuỷ đến nay, ai đâu không phải là cha mẹ, thầy cô của chúng ta? Đối với khổ vui của họ, sanh khởi tâm từ bi sâu sắc, tu tập đạt đến xem họ như người nhà, người có ân với mình. Nếu có khả năng khởi tâm từ bi đối với họ, thì có khả năng mở rộng đến người oán địch. Tuy từng là người oán địch của ta, hoặc hiện tại vẫn vậy, song quá khứ có khi họ là ân nhân của chúng ta thì sao? Tại sao chỉ nhớ chuyện oán hận mà quên đi ân huệ và sự yêu thương? Khi trở thành oán hoặc địch, không phải là chúng sanh sinh ra đời đã có bản tính như vậy, mà chỉ là bị ảnh hưởng của tà kiến chi phối, hoặc cám dỗ của vật dục, vì phiền não bức bách không được tự tại. Nhìn thấy họ làm sai làm ác, ngu muội vô tri, nên lân mẫn thương xót họ, khoan dung tha thứ, giúp đỡ họ, tại sao chứ đừng vì oán hận nho nhỏ đối với mình mà tức giận với họ? Chuyện người thân hay người oán cũng không nhất định. Giống như đối với người thân, không lấy chánh pháp, không đem từ bi thân ái mà xử sự, thì sẽ biến thành oán địch. Đối với oán địch, nếu có khả năng đem ánh sáng của chánh pháp, đem từ bi chân tình mà đối đãi, thì sẽ trở thành thân ái. Thế thì sao lại không khởi tâm từ bi đối với người oán địch, tại sao không vì họ mà suy nghĩ phương pháp nào đó để giúp cho họ lìa khổ được vui?
Đem rất nhiều cách quan sát, suy xét theo thứ tự, đạt đến thành tựu quán oán thân bình đẳng, đối với người oán địch mà khởi tâm từ bi, tâm từ bi phổ biến đến khắp tất cả, đây mới là tâm từ bi của Phật pháp. Cho nên từ bi cần phải nuôi dưỡng, khuếch trương nó; phần trên nói đến là phương pháp tu tập dễ sanh khởi tâm từ bi nhất.
6. Thể nghiệm đến lòng từ bi
Phần trên nói đến phương pháp nuôi dưỡng từ bi đều vẫn là thiên về thế tục. Một bộ phận học giả Thanh văn cho rằng từ bi là duyên với thế tục mà sanh khởi, điều này không phải là ý nghĩa căn bản của Phật pháp. Theo pháp Đại thừa thì từ bi với trí tuệ, vốn chẳng có gì tương phản với nhau. Trong dòng chảy theo ý thức tạp nhiễm của nhân loại, thì tình cảm và lý trí cũng chẳng phải là phân cách tuyệt đối hai loại đó với nhau. Do đó có thể nói hai điều đó tương ưng tương trợ lẫn nhau, cũng có thể nói đó là một mặt trong dòng chảy của ý thức. Như chuyển nhiễm thành tịnh, trí tuệ được thể chứng, cũng chính là sự thể hiện của từ bi; quyết chẳng phải thiên về lý trí, nhưng tràn đầy từ bi chân thành. Giống với đức Phật viên thành đại giác, là cứu cánh đại trí tuệ, cũng chính là thể hiện tối cao của đại từ bi. Nếu như lìa khởi từ bi mà nói đến tu tập hay chứng đắc, tức chẳng phải là rơi vào hàng ngoại đạo, thì cũng chính là người tăng thượng mạn tiêu nha bại chủng!
Vì tâm từ bi chia thành 3 loại:
a. Chúng sanh duyên từ:
Đây là phàm tình từ ái bình thường. Không hiểu ngã pháp đều Không, cứ ngỡ là thật có chúng sanh, thấy chúng sanh có khổ có vui, mà sanh khởi đồng tình từ bi. Từ ái như thế, vô luận là đại nhân, bác ái, cuối cùng vẫn ở trong chuyện sanh tử.
b. Pháp duyên từ:
Là giác ngộ hiểu được chúng sanh vô ngã tánh, song căn tánh còn thấp, chưa có khả năng hiểu được triệt để tất cả pháp Không, đây là tâm cảnh của Thánh giả Thanh văn và Duyên giác. Nhìn thấy cảm nghiệp khổ của sanh tử - vòng sắt nhân quả, chúng sanh vẫn mãi lưu chuyển trong đó không được giải thoát, từ đây mà dẫn khởi từ bi. Pháp duyên từ không phải không cần y vào chúng sanh là thông đạt vô ngã, mà là duyên với chúng sanh hoà hợp. Nếu như không duyên vào giả ngã tướng, thì làm sao có khả năng sanh khởi từ bi!
c. Vô sở duyên từ:
Điều này khác với hàng Nhị thừa, chỉ ngộ được chúng sanh Không mà cho là pháp thật có; chư Phật Bồ-tát triệt chứng tất cả các pháp Không. Song điều này chẳng phải chỉ nói chứng vô sở duyên Không tánh, mà khi triệt chứng các pháp Không, lúc đó hiểu được chúng sanh giả danh. Chúng sanh duyên khởi giả danh tức rốt ráo Không, “trong rốt ráo Không chẳng chướng ngại chúng sanh”. Trí tuệ và từ bi cũng có thể nói trí tuệ, tức trong hiện chứng từ bi (chỉ có một pháp Bát-nhã, tuỳ căn cơ mà lập tên gọi khác), hiển hiện tâm từ bi chân thành, thương xót nỗi khổ đau của chúng sanh. Phật Bồ-tát thật chứng, nếu như chỉ là chứng Không tánh thì làm sao có khả năng khởi từ bi? Do đó, muốn khích lệ khởi phát xuất hiện từ bi, đều phải duyên vào chúng sanh.
Nhưng loại thứ nhất thì chấp chúng sanh có thật tướng; loại thứ hai không chấp thật có chúng sanh, mà chấp pháp là thật có; chỉ có Đại thừa vô duyên từ là thông đạt ngã pháp rốt ráo Không, có ngã pháp như huyễn giả danh. Có một số người, không hiểu rõ ý nghĩa thâm thuý của Đại thừa, cứ ngỡ thể chứng của Đại thừa chỉ duyên với pháp tánh bình đẳng phổ biến, chỉ là bên phần lý trí. Mà không biết hiện chứng của Đại thừa, nhất định là bi trí bình đẳng. Tách rời từ bi mà luận về chứng đắc, thì không có khả năng hiển phát công đức thù thắng đặc biệt của chư Phật Bồ-tát. Nho gia của Trung Quốc, từ trong Phật pháp mà có được một chút khởi phát, ngỡ rằng thể thấy “nhân thể” thì ý tưởng phong phú lên, tạm cho điều đó là tương cận với hiện chứng của Đại thừa. Nhưng Nho gia không có khả năng hướng nội triệt chứng tự ngã vô tánh, tâm còn có hạng lượng (còn có sự so sánh qua lại), không thể cùng bàn luận với Phật pháp được.
Trong sự hiện quán thể chứng pháp tánh, trong “Kinh A-hàm” vốn có bốn tên gọi, thật tương xứng khế hợp với bốn pháp ấn.
Vô sở hữu (vô nguyện) ……. Các hành vô thường
Vô lượng ………………….. Các thọ đều khổ
Không ……………………. Các pháp vô ngã
Vô tướng …………………. Niết bàn tịch tĩnh
   Vô lượng tam-muội là ly dục, có ý nghĩa tương đồng với Không, vô tướng, vô nguyện. Nhưng trong khi Phật giáo Thanh văn xiển dương, thì vô lượng tam-muội bị quên lãng. Họ không biết, vô lượng tức là không có hạn lượng, khi hướng ngoại để quán chiếu về từ bi hỷ xả, phổ biến đến khắp chúng sanh mà không có hạn lượng, thì gọi là tứ vô lượng định. Khi hướng nội để quán chiếu, tự tánh của chúng sanh không thể có và không có tánh hạn lượng của mình và người. Do đó, vô lượng tam-muội tức là chánh quán duyên khởi tương y tương thành, mình và người bình đẳng. Thông đạt tánh tương quan của tự tha, tánh bình đẳng, trí với bi là dung hoà không có gì khác nhau. Khi vô lượng tam-muội bị lãng quên, đã nói lên sự thiên lệch của Phật giáo Thanh văn. Tâm tủy căn bản của Phật giáo - từ bi, bị bỏ qua, bị mai một ẩn tàng, thật là một sự kiện bất hạnh của Phật giáo thời sơ kỳ. Đến khi Phật giáo Đại thừa hưng khởi, mới được mở bày ra. Do đó, đệ tử Phật thể chứng, như khế hợp với tinh thần của đức Phật, chắc chắn là không phải thể nghiệm lý trí thiếu quân bình, mà là thật chứng bi trí dung hoà. Là sự thể hiện chân lý tuyệt đối, cũng là hoàn thành đạo đức tối cao (từ bi vô tư bình đẳng). Chỉ có đạo đức tối cao - đại từ bi mới có khả năng triệt chứng chơn thật mà thành Bát-nhã. Vì vậy khẳng định: “Tâm Phật là đại từ bi”.
Trích trong tác phẩm “Ba điều cần thiết của người học Phật” của Hòa thượng Ấn Thuận trước tác.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment