Saturday 3 December 2011

Tự lợi và lợi tha
1.Vấn đề đặt ra
Mùa xuân năm 1946, khi đang trú tại viện Phật học Vũ Hán, lúc đó ông La Vân Tiêu ở Hán Khẩu, gửi một bài viết liên quan đến điều hoài nghi trong Phật pháp cho tôi. Bài viết đó ông chuẩn bị phát biểu trên một tạp chí, vì lòng ái mộ Phật pháp của ông, nên hy vọng tôi giải đáp những điều nghi vấn này, sau đó cùng đăng lên tạp chí.
Theo nội dung hoài nghi của một thiếu nữ sống trong gia đình có truyền thống học Phật, thường nghe Phật pháp từ phụ thân. Cô này đối với Phật pháp không có ác ý, chỉ là chưa đủ niềm tin mãnh liệt. Theo sự hiểu biết của cô, được nghe phụ thân dạy thì cảm thấy Phật pháp rất vĩ đại, song trong đó tồn tại một số vấn đề khó tránh khỏi mâu thuẫn. Vấn đề đó được đưa ra khoảng hơn 20 điều, có thể giải đáp được, nhưng thật khó giải thích cụ thể nên tôi đã nhiều lần từ chối trong một khoảng thời gian dài. Gần đây, nghe tin ông La Vân Tiêu đang ở Hồng Kông, sắp đến Đài Loan, làm tôi nghĩ đến chuyện 7 năm trước, một công việc chưa hoàn thành.
Vấn đề trong đó, liên quan đến từ bi và lợi tha, có nội dung đại ý như thế này: “Tinh thần từ bi và lợi tha của Phật giáo vô cùng vĩ đại, nhưng ai có khả năng lợi tha? Và lợi tha như thế nào? Trước hết nếu tự mình không giác ngộ triệt để, giải thoát tự tại thì không thể thực hiện được. Như vậy, trong giới Phật giáo có bao nhiêu người đạt được như thế? Nếu như số người này chỉ chiếm số ít, vậy thì những người còn lại đều không đủ tư cách lợi tha, chỉ khẩn cấp tìm cầu tự lợi. Đây chính là nguyên nhân mà Phật giáo luôn đưa ra khẩu hiệu từ bi và lợi tha, mà rất có ít ai thực hiện được! Vì chỉ có người đã giác ngộ triệt để giải thoát tự tại, có thần thông biến hoá, có đầy đủ khả năng phân biệt nhận thức, hiểu rõ căn cơ của chúng sanh, mới giải thoát được sự trói buộc cho người khác, như Bồ-tát Quán Thế Âm đại từ đại bi, nghe âm thanh của chúng sanh mong cầu liền từ bi cứu khổ. Thế thì việc thực hành từ bi và lợi tha của Phật giáo, có thể nói là quá khó, chẳng phải việc của người bình thường”!
Điều hoài nghi như vậy, đương nhiên vốn không mấy thích đáng, nhưng cũng không phải do cô này cố ý làm méo mó vấn đề, mà đó thật là điều suy nghĩ của một bộ phận Phật tử. Cũng may mắn vì đây chỉ là một số người có ý nghĩ thiếu chính xác như vậy, nên vấn đề này cần phải có lời giải đáp cụ thể.
2. Thế nào là lợi tha?
Nói đến lợi tha thì trước hết nên hiểu rõ ý nghĩa về “lợi” là gì? Lợi là lợi ích, lợi lạc: là lìa hư vọng, xấu ác, thiếu thốn, khổ đau, đạt được chơn thật, thiện mỹ, phong phú, an lạc. Tự lợi với lợi tha là làm cho chính mình và tha nhân đạt được lợi ích an lạc. Pháp thế gian, có lợi tất có hại, có vui sẽ có khổ, tuy không đạt được một cách triệt để hoàn thiện nhưng vẫn có giá trị tương đối của nó. Còn Phật pháp hoằng hóa trong nhân gian thì ngoài lợi ích rốt ráo (triệt ngộ giải thoát) ra, cũng còn có lợi lạc thông thường của thế gian.
Phật giáo xuất hiện ở đời, khiến con người được “đời này an lạc, đời sau an lạc, rốt ráo giải thoát an lạc”. Chỉ có Thanh văn – hành giả Tiểu thừa, mới thiên về “gấp mong tự lợi”, chú trọng việc cá nhân đạt được an lạc giải thoát. Nếu đề cập đến lợi tha của Phật giáo, không nên rơi vào điểm này của Thanh văn, vì họ chỉ thiên về tự lợi, chuyên chú trọng về giải thoát tự tại lợi lạc cho cá nhân. Nếu như bỏ qua “đời này an lạc”, thì chính mình thu hẹp nội dung của Phật giáo, tự mình rời bỏ nhân gian, thì khó trách người trong xã hội hiểu lầm!
Về lợi tha thì có hai loại lớn:
Một là lợi tha bằng vật chất (tài thí): Cứu trợ giúp đỡ về các vấn đề ăn mặc cho người bần hàn, thuốc men trị liệu cho người bệnh tật, sửa chữa đường xá, khai khẩn đất hoang v.v… dùng sức lực hoặc sinh mệnh của chính mình, để cứu trợ giúp đỡ người khác.
Hai là lợi tha từ tinh thần (pháp thí): Đem đến tri thức cho người thiếu hiểu biết, sự an ủi cho những ai đang ưu sầu khổ não, khích lệ chúng sanh khiếp nhược khỏi sợ sệt; tất cả sự nghiệp văn hoá khiến nhân tâm hướng thượng, đi đến quang minh, trung đạo, chính thường, an ổn. Nó không chỉ là giáo hoá hướng dẫn pháp xuất thế không, mà còn đem chính pháp thế gian để giáo hoá, hướng dẫn khiến cho nhân loại luôn nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp, đề cao đức tính, tri thức và năng lực của nhân loại, làm bước đệm cho pháp xuất thế.
Đương nhiên, pháp thí so với tài thí càng triệt để hơn. Nếu như tài thí cứu trợ, giúp đỡ người thiếu thốn khổ sở về áo quần, ẩm thực thuộc tính lâm thời thì khi đó chỉ giải quyết được phần ngọn. Còn đem chánh pháp khởi phát chuyển hướng họ, giảng dạy tri thức kỹ năng, tạo công ăn việc làm cho họ (trừ trẻ em, người cao tuổi và người tàn tật), tức bằng lao động chính đáng của cá nhân, giải quyết vấn đề cho việc sinh hoạt chính mình, điều này tốt hơn nhiều so với sự cứu giúp lâm thời. Trong Phật pháp, pháp thí xuất thế gian tốt hơn nhiều pháp thí thế gian, song không thể không cần đến tài thí và pháp thí thế gian. Nếu như chuyên lấy lợi ích của giải thoát tự tại, thì thật là điều hiểu lầm căn bản đối với Phật pháp.
Nếu đem pháp thí xuất thế làm cho người khác đạt được giải thoát, cũng không có gì sai lầm trong sự tưởng tượng của họ. Nếu muốn giải thoát thì phải từ tu tập hành trì mà đạt được. Hành giả Tiểu thừa mới bắt đầu phát tâm xuất ly, gieo trồng hạt giống giải thoát sau đó tuỳ thuận tu học, dần dần thành thục; cuối cùng mới chứng chơn thật, đoạn trừ mê hoặc và đạt được giải thoát. Còn hành giả Đại thừa, mới phát tâm Bồ-đề, tức trồng hạt giống Bồ-đề; trải qua thời gian dài tu hành mới thành thục, mới được rốt ráo thành Phật.
Đại thừa với Tiểu thừa đều phải trải qua quá trình “gieo trồng hạt giống” đi đến “thành thục” cuối cùng đạt được “giải thoát”. Do đó, giáo hoá pháp xuất thế không chỉ khiến người khác ở hiện tại đạt được giải thoát tự tại mới là lợi tha. Khiến người khác “gieo trồng hạt giống”, đi đến “thành thục”, điều này không phải là lợi tha hay sao? Khiến người khác đạt được giải thoát ở hiện tại trong khi tự mình không đạt được giải thoát, đó là điều không thể (cũng có trường hợp tự mình chưa được giải thoát mà có khả năng khiến người khác đạt được giải thoát). Nhưng khiến người khác đạt được lợi ích từ việc “gieo trồng hạt giống” và “thành thục”, tự mình tuy chưa từng đạt được lợi ích “giải thoát”, thì điều này hoàn toàn là có khả năng.
Do đó, “Kinh Niết Bàn” dạy: “Người còn nhiều phiền não” nhưng nếu họ hiểu được một phần ý nghĩa chơn thật của Phật pháp thì có khả năng làm nơi y chỉ (thầy) của người khác. Nếu người hiểu được ý nghĩa chơn thật của Phật pháp, không đem đến lợi ích an lạc hiện tại cho người khác, chỉ chuyên vì giải thoát an lạc cho cá nhân, cũng nhất định không phải “vì tự mình trước tiên giác ngộ triệt để thì không thể”. Chẳng qua người có khả năng giải thoát tự tại thì năng lực đem đến lợi ích cho chúng sanh càng sâu sắc càng quảng đại hơn thôi.
Người chất vấn nghi ngờ này có điểm xuất phát từ người không có giác ngộ triệt để thì không thể lợi tha, vốn điều đó chẳng thành vấn đề. Nhưng một bộ phận đệ tử Phật, hết sức cường điệu lợi ích giải thoát tự tại trong hiện tại, xướng khởi quan niệm chưa được tự lợi thì không thể lợi tha. Cuối cùng có hay không đạt đến tự lợi (giải thoát) vẫn chưa đạt được mà tất cả việc lợi tha đều hoàn toàn bỏ qua!
3. Đại thừa chú trọng lợi tha.
Tịnh hoá thân tâm, phát triển đức tính, từ trong sự giác ngộ triệt để để đạt được tự lợi giải thoát tự tại vốn là mục tiêu chung của đệ tử Phật. Còn sự khác nhau giữa Thanh văn đạo và Bồ-tát đạo chỉ là chú trọng ở tự lợi, hoặc chú trọng ở lợi tha, từ trong lợi tha mà hoàn thành tự lợi thôi.
Thanh văn không phải không có khả năng lợi tha, họ vẫn giữ gìn Phật pháp, lợi lạc nhân thiên, độ thoát chúng sanh, chẳng qua họ chú trọng giải thoát tự lợi. Khi họ chưa đạt được giải thoát, vì tâm yếm ly quá sâu nên ít thích tu tập công đức lợi tha. Sau khi họ chứng ngộ, cũng giáo hoá tùy duyên không mấy tích cực. Còn Bồ-tát trước khi giải thoát tự lợi, chú trọng từ bi lợi tha. Do đó: “Khi chưa có khả năng tự độ thì trước tiên phải độ người khác, đây mới là người phát tâm Bồ-tát”. Sau khi chứng ngộ, họ càng vì việc cứu tế độ thoát vô lượng chúng sanh. Vì động cơ chính của Thanh văn thừa là chú trọng ở phần trí chứng; còn động cơ chính của Bồ-tát thừa là chú trọng ở Bồ-tát đạo từ bi cứu tế.
Bồ-tát đạo, trong Thánh điển thời sơ kỳ hay thường gọi là Tam tạng của Thanh văn cũng có tồn tại, đó chính là “Bồ-tát Bổn Sanh Đàm” đã ghi chép lại việc Bồ-tát ở trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, là quốc vương, vương tử, hoặc làm tể quan, ngoại đạo, nông dân, công nhân, thương nhân, bác sỹ, thuyền trưởng; hoặc các loại chúng sanh khác, như chim chóc thú vật. Bồ-tát không tiếc tài vật, không tiếc thân mạng, vì lợi ích cho chúng sanh mà cống hiến dâng tặng. Trong cõi Diêm-phù-đề, không có nơi nào mà không có sự hy sinh máu thịt xương tuỷ của Bồ-tát. Tất cả việc tu học trì giới, nhẫn, tinh tấn, bốn loại Ba-la-mật, sáu loại hoặc mười loại Ba-la-mật, đều từ đại hạnh khó hành được quy nạp ở trong “Bổn Sanh Đàm”.
Từ bi lợi tha như thế, đều là trước khi chứng ngộ giải thoát nên nói không tự lợi chẳng có khả năng lợi tha! Đến khi tu hành thành thục, dưới cội Bồ-đề một niệm tương ưng diệu huệ, viên thành vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đến ngộ thành Phật như thế là từ trong tu tập từ bi lợi tha, trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới đạt được. Điểm khác nhau cụ thể nhất chính là trong sanh tử trường kỳ, không cầu tự lợi giải thoát mà chú trọng ở từ bi lợi tha.
Kinh điển vào thời sơ kỳ của Đại thừa đối với việc tu hành ba kỳ có chút khác với Tam tạng của Thanh văn. Đại thừa cho là: Bồ-tát thực hành lợi tha, trước khi chưa chứng ngộ là sự hành, thắng giải hành tuy việc làm này rất khó có nhưng công đức vẫn chưa được quảng đại. Sau khi triệt ngộ chứng chơn (vô sanh pháp nhẫn), trang nghiêm tịnh độ, đại hạnh lợi tha thành thục chúng sanh, công đức lớn hơn rất nhiều. Bởi vì lúc này tương ưng với chơn trí, sự lý tương dung, bình đẳng vô ngại.
Đại thừa chia Bồ-tát đạo tu hành thành hai giai đoạn: Bát-nhã đạo là Bồ tát tu tập trải qua một đại A-tăng-kỳ kiếp, trước khi thực chứng địa tiền; Duy Thức tông gọi đây là Tư lương vị và Gia hành vị (đến kiến đạo vị) cũng gọi là Thắng giải hành địa. Sau khi chứng ngộ là phương tiện đạo, Bồ tát tu hành trải qua hai A-tăng-kỳ kiếp tức Đăng địa Bồ-tát, Duy Thức gia cho là từ kiến đạo đến tu đạo vị. Đại thể nói: Bồ-tát địa tiền, tuy có thắng giải mà chưa có hiện chứng, quảng tập vô biên phước đức tư lương, tương cận với điều được nói trong “Bổn Sanh Đàm”. Còn Bồ-tát đại địa hiện chứng pháp giới như Bồ-tát Quan Âm v.v… từ bi phổ độ cứu tế chúng sanh không thể nghĩ bàn. Trong “Bổn Sanh Đàm” ghi chép Bồ tát có một phần hạnh nguyện như vậy, thuộc một giai đoạn của hoá thân. Tuy có hai giai đoạn lớn là chưa chứng ngộ và đã chứng ngộ, mà trước khi chưa chứng ngộ, Bồ-tát vẫn là từ bi lợi tha, quyết không có một tâm một ý nào chỉ tìm cầu giải thoát tự lợi. Căn cứ vào ý nghĩa chính của Bồ-tát hạnh, thì người đưa ra chất vấn nghi ngờ, hoàn toàn là sai lầm, căn bản không thành vấn đề. Bồ-tát Quan Thế Âm v.v… tầm thanh cứu khổ, là việc làm của Bồ-tát đại địa, song đó không phải là hành giả Bồ-tát sơ học, không cần thực tiễn hành vi từ bi lợi tha này.
Chẳng qua, một phần Đại thừa thời hậu kỳ, tự xưng Đại thừa là tối đại thừa, Thượng thừa là tối thượng thừa; chí viên chí đốn, chí cao chí thượng. Không cần đại căn chưa hoàn thành mà là một tâm một ý tốc cầu thành tựu. Do vậy thịnh hành các thuật ngữ mỹ diệu như “hoành xuất”, “đốn siêu”, “nhất sanh thủ biện”, “tam sanh viên chứng”, “tức sanh thành Phật”, “tức tâm tức Phật” v.v… “Sanh tử chưa dứt, khẩn cấp bi thương”; “sanh tử đại sự, vô thường tấn tốc”. Đây là một loại tâm tình yếm ly của Thanh văn, đã hiển nhiên đi vào trong tâm của hành giả Đại thừa chí viên chí đốn. Lúc này tịnh tu trong núi rừng, được tán thán là chánh đạo của Bồ-tát, mà không còn hướng đến “kinh đô thành ấp xóm làng” nữa.
Trong các loại tư tưởng trên, điều nghi nghờ chất vấn đó cũng không thể thành vấn đề được. Bởi vì tất cả công đức lợi tha vốn đã viên thành, không cần phải hướng ngoại tìm cầu. Nếu như một niệm chứng ngộ, thì đầy đủ sáu ba-la-mật, vô biên công đức, không có thiếu xót một điểm nhỏ nào. Ở trong lý luận hoặc trong tâm cảnh, đương nhiên là lời nói hợp với đạo lý, lập luận có căn cứ, nhưng trong con mắt bình thường của mọi người, cho rằng công đức lợi tha của Bồ-tát như vậy chẳng qua là nội dung trong tâm của tín đồ tôn giáo. Còn thực tế biểu hiện chỉ thấy tự lợi, chưa có lợi tha nên khó tránh khỏi điều hoài nghi của người khác.
Trong thời kỳ kháng chiến, sau chuyến đi thăm các nước Đông Nam Á, đại sư Thái Hư trở về phát biểu: Giáo lý ở Nam Phương là Tiểu thừa, nhưng hành vi lại là Đại thừa; còn giáo lý ở Trung Quốc là Đại thừa, nhưng hành vi là Tiểu thừa. Quả thật vậy, Phật giáo Nam phương tuy là Tam tạng, Thanh văn; nhưng vì mất đi tinh thần chính của Thanh văn nên hình như không còn tâm cấp cầu yếm ly, chuyên tu thiền huệ mà hướng về giải thoát. Thiếu đi tâm cấp cầu chứng ngộ, do đó mà ngược lại lại chú trọng việc giáo hoá thế gian, thực hiện sự nghiệp văn hoá từ thiện. Còn ở Trung Quốc, không chỉ giáo lý là Đại thừa tối đại thừa, tu trì đốn siêu trực nhập cũng là Đại thừa tối Đại thừa, nhưng Phật giáo Đại thừa mà sống bằng tinh thần của Thanh văn - cấp cầu tự lợi, cấp cầu chứng nhập. Bỏ đi tinh thần từ bi tế độ, thực hành Đại thừa cứu thế làm trước tiên, việc đó chỉ còn uỷ thác vào huyền lý duy tâm thôi!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment