Wednesday 29 February 2012

PHẬT NÓI
KINH TỘI PHÚC BÁO ỨNG[1]
- Ngài Câu-Na-Bạt-Đa-La dịch chữ Phạm ra chữ Hán.
- Thích-Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữViệt.

Chính tôi được nghe: [2]một thời kia đức Phật ở trong tịnh-xá họ Thích, nước Ca-Duy-La-Vệ(Kapilavastu), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ-Khưu. [3]
Với bản-nguyện cúng trai của các đàn-việt [4]trong tháng chín, nhất thời trọn đủ, đức Phật từ trong Thiền-thất bước ra, điđến rặng cây của ông Kỳ-Đà trong khu vườn của ông Cấp-Cô-Độc [5]nước Xá-Vệ (Sràvasti).
Khi Ngài tới giữa ranh-giới hai nước, chỗ ấy có một cây rất lớn, tên là Ni-Câu-Loại (Nyagrodha) [6]. Cây ấy cao một trăm hai mươi dậm [7]. Khoảng vuông, tròn của cành, lá cây ấy che rợp chừng sáu mươi dậm. Quả trên câyấy chừng vài vạn hộc và, những quả này ăn vào mùi thơm, ngọt như mật. Nhất là những quả chín rụng xuống, nhân dân nhặt ăn, mọi bịnh đều khỏi và con mắt tinh sáng.
Bấy giờ, đức Phật ngồi nghỉ dưới gốc cây, các vị Tỳ-Khưu đi hái quả ăn, Đức Phật bảo ông A-Nan: "Ta xem trời, đất, muôn vật đều có túc-duyên cả!". Ông A-Nan nghe đức Phật nói thế, ông liền tới trước, làm lễ Phật, quỳ xuống và bạch Phật rằng: "Lạy Đức Thế-Tôn, Ngài vừa nói về hai chữ "túc-duyên", vậy những gì là túc-duyên? Nay đệ-tửchúng con muốn được nghe về những túc-duyên ấy, kính mong đức Thế-Tôn diễn nóiđầy đủ cho chúng con được biết và để khai hóa cho những người chưa được nghe bao giờ".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Quý hóa thay! Quý hóa thay! Các ông muốn nghe những túc-duyên ấy, các ông hãy nhất tâm, lắng nghe cho kỹ!".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Người ta làm phúc cũng ví như cây này. Cây này bản nhiên giống của nó chỉ có một hạt, dần dần lớn lên, hái quả vô hạn. Hiện nay những người hào-quý như Quốc-vương, Trưởng-giả, là từ trong chỗ chăm lễ Phật, thừa-sự Tam-Bảo [8] trước đây mà được. Hiện nay những người đại-phú, của cải vô hạn, là từ trong chỗ chăm làm hạnh bố-thí trước đây mà được. Hiện nay những người trường thọ, không có tật bệnh, thân thể cường tráng, là từ trong chỗ chăm làm hạnh trì-giới trước đây mà được. Hiện nay những người đoan chính, nhan sắc tốt đẹp, dáng-dấp sáng-sủa đệ nhất, thân thể mềm-mại, hơi miệng thơm sạch, người ta trông thấy tư-dung, không ai là không hoan-hỷ,trông không chán mắt, là từ trong chỗ chăm làm hạnh nhẫn-nhục trước đây màđược. Hiện nay những người tu tập, không hay trễ biếng, ham làm phúc-đức, là từtrong chỗ chăm làm hạnh tinh-tiến trước đây mà được. Hiện nay những người an-nhàn, thư-thái, lời nói, việc làm xét thực, là từ trong chỗ chăm làm hạnh thiền-định trước đây mà được. Hiện nay những người tài năng minh-mẫn, hiểu thấu pháp sâu xa, tán-thán nghĩa nhiệm-mầu, khai-ngộ người tối tăm; người ta nghe thấy lời nói của họ, không ai là không thăm hỏi, tín-thụ, tuyên-truyền và tin dùng như trân-bảo, là từ trong chỗ chăm tu hạnh trí-tuệ mà được. Hiện nay những người giọng tiếng trong trẻo, là từ trong chỗ ca-vịnh công-đức Tam-Bảo trước đây mà được. Hiện nay những người trong sạch không có tật bệnh, là từ trong chỗtừ-tâm trước đây mà được..."
Khi ấy, ông A-Nan bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn, thế nào gọi là từ-tâm?"
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Một là có tâm hiền lành đối với chúng-sinh như mẹ yêu con. Hai là, có tâm thương xót thếgian, muốn cho họ có ý-niệm về đạo giải-thoát. Ba là, tâm thường hoan-hỷ. Bốn là, tâm thường thường hộ-niệm hết thảy, để cho hết thảy không bị vi-phạm. Thếlà từ-tâm."
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Những ngườiđược thân hình to lớn, là trước đây có lòng cung kính người. Những người bịthân hình nhỏ bé, là trước đây hay khinh-mạn người. Những người bị thân hình xấu xa là trước đây hay giận tức với người. Những người sinh ra không biết gì, là trước đây không có học-vấn. Những người ngu-đặc, là trước đây không hay dạy bảo người. Những người câm-ngọng, là trước đây hay báng-hủy người. Những người mù-lòa, là trước đây không hay nghe theo kinh-pháp. Những người làm tôi tới, là trước đây còn mang nợ chưa trả. Những người ty-tiện là trước đây không lễ kính Tam-Bảo. Những người đen xấu, là trước đây làm che ánh-sáng của Phật. Những người sinh trong cõi nước khỏa-thân, là trước đây hay mặc áo mỏng, xốc-xếch,đường-đột vào trong chùa, tháp, tịnh-xá. Những người sinh trong nước có phong-tục bó chân như móng ngựa, là trước đây hay đi giầy, guốc vào trước Phật. Những người sinh trong nước có phong-tục xuyên ngực, là trước đây tuy bố-thí làm phúc nhưng còn có tâm hối-tiếc. Những sinh vật sinh trong loài chương, loài hươu, loài nghê, loài hoẵng... là trước đây hay sợ hãi người. Những sinh-vật sinh-đọa trong loài rồng, là trước đây hay đùa cợt người. Những người thân thểmọc những ung-thư ác-độc, điều trị khó khỏi, là trước đây hay đánh đập chúng sinh. Những người mà người ta trông thấy hoan-hỷ, là đời trước trông thấy người ta có lòng hoan-hỷ. Những người mà người ta trông thấy không hoan-hỷ, là đời trước trông thấy người ta không có lòng hoan-hỷ. Những người bị Huyện-quan gông xiềng thân thể, giam giữ trong lao-ngục, là đời trước làm người hay nhốt, trói chúng-sinh, khiến chúng-sinh không được theo ý tự-do của mình. Những người bịsứt môi, là đời trước hay câu cá, làm cá sứt môi. Và, những người nghe thấy những lời nói tốt lành, tâm không muốn nghe, lại trong lời nói đó, phải nói ra trái, làm loạn tâm những người ham nghe và tín-thụ kinh-pháp, người ấy sau phảiđọa-sinh vào trong loài chó vểnh tai".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Trên đời này có những người ngu-si, nghe những lời thuyết-pháp, tâm không chịu ghi nhận, sau sẽ phải đọa-sinh vào trong loài lừa, ngựa tai dài. Những người sẻn-so, tham ăn một mình, sau phải đọa sinh vào trong loài quỷ đói và nếu sau sinh làm người, bị nghèo cùng đói thiếu, áo không che kín mình, ăn không đủ cung miệng. Những người, mình tự ăn thức ngon, cho người thức ăn dở, sau sẽ đọa-sinh vào trong loài lợn, chó, bọ-hung. Những ai hay cướp đoạt súc-vật người, sau sẽ phảiđọa-sinh vào trong loài dê, bị lột sống da dẻ, đền trả nợ trước. Những ai hay sát sinh, sau sẽ đọa-sinh làm con trùng phù-du trên mặt nước, sáng sinh chiều chết. Những ai hay ăn trộm tài-vật của người, sau phải đọa-sinh vào trong hàng tôi tớ, trâu, ngựa, đền trả nợ trước. Những người hay gian-dâm vợ, hay con gái người, khi chết vào địa-ngục, con trai phải ôm cột đồng, con gái phải nằm giường sắt, đến khi ở trong địa-ngục ra, thường sinh vào nơi hạ-tiện và phảiđọa-sinh vào trong loài gà, vịt. Những người hay nói dối, tuyên-truyền những việc không hay của người, khi chết vào trong địa-ngục, phải bị nước đồng nóng rót vào miệng, kéo căng lưỡi ra, bắt trâu cầy lên trên, đến khi ra, phải đọa-sinh vào trong loài chim cú, vọ, người ta nghe thấy tiếng kêu, không ai là không kinh sợ và đều nói là biến-quái, nguyền-rủa cho chết. Những người hay uống rượu say, phạm vào ba mươi sáu lỗi [9], chết đi phải đọa vào ngục Phí-Thỉ (nước phân sôi), khi ra, sinh đọa vào trong loài đười-ươi; sau trở lại làm người, ngu-si, sống đời sống không biết chi cả,vợ chồng không hòa thuận nhau, hay cãi-cọ nhau, hay đánh đuổi nhau (ly-dị) và sau khi chết đi lại đọa-sinh vào trong loài chim cưu, chim cáp. Những người hay tham-lam sức lực của người khác, sau phải đọa-sinh vào trong loài voi."
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Những ngườiđứng đầu Châu, Quận, thụ tước-lộc quan-trường, hoặc bắt những người vô tội, hoặc lấn-lút của nhân-dân, biên tên lùng bắt, trăng-trói, dùng doi gậy đánhđập, cưỡng-bức người dân đem đi, và tố cáo những chuyện không đâu, rồi đem gông-xiềng, giam giữ, khiến người dân không được khoan-khoái, thảnh-thơi, những viên-chức đó sau phải đọa vào địa-ngục, thân bị đau khổ vài nghìn ức năm, hết tội được ra, lại phải đọa vào trong loài thủy-ngưu (trâu nước), xuyên thủng lỗmũi, kéo thuyền, kéo xe, doi-gậy đánh-đập, đền trả tội trước".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Những người không được trong sạch, là từ trong kiếp lợn mà tới. Những người sẻn-so, tham-lam không được trong sạch, ngay thẳng, là từ trong kiếp chó mà tới. Những người cương-cường, tự-dụng tàn-bạo, là từ trong kiếp dê mà tới. Những người có những hơi hôi-tanh, là từ trong kiếp cá, kiếp ba-ba mà tới. Những người hung-ác, mang tâm độc-địa khó hiểu, là từ trong kiếp trăn, kiếp rắn mà tới. Những ngườiưa ăn thức ngon, hay sát hại chúng-sinh, không có từ-tâm, là từ trong kiếp chó sói, hùm beo, con chồn, chim ưng mà tới. Những người bị chết non, bào-thai bịthương-trụy, đời sống không được bao nhiêu, mệnh đà mất sớm, phải sa-đọa vào bađường [10]vài nghìn muôn kiếp, đức Phật dạy rằng: những hạng người ấy đời trước làm người hay đi săn bắn, đốt cháy núi rừng, tìm tổ, đập trứng, chăng lưới bắt cá, sát hại hết thảy chúng-sinh.
"Ôi! Ham muốn da thịt chúng-sinh, đểmình ăn uống, mà thường phải chịu báo đoản-mệnh, đời này đời khác, kiếp này, kiếp khác chịu báo không có kỳ hẹn thoát khỏi, vậy nên phải cẩn thận, nên phải cẩn thận! Thực đau xót không thể nói sao xiết được!"
Đức Phật lại bảo ông A-Nan: "Phàm làm công-đức gì, đều ứng vào nơi mình. Thắp hương, họp phúc, tụng kinh, hành đạo không nên mướn người; chú-nguyện hư-dối, như mướn người ăn hộ, mình có no đâu mà không khỏi đói? Thắp hương mới mẻ, trong sạch, tưởng như tâm-hương, thu-nghiếp hết thảy tưởng vào nơi nhất tâm, không còn tạp-tưởng, cùng thắp đèn sáng mãi không lúc nào tắt, sẽ chứng được ba đạt-trí [11], không trở ngại gì. Thắp hương, cúng trai, đọc kinh, cúng dàng đồ vật là pháp thường làm, lại bố-thí nữa, sẽ được phúc, chư Thiên tiếp đãi, muôn ác đều lui, mọi ma trừ sạch, không dám đương đầu. Những người biếng-nhác, trong khi được sựyên ổn hòa đôi không có tâm tinh-tiến, một mai đau yếu, hay có điều gì không thuận-lợi, tốt lành, khi ấy mới muốn thắp hương cầu khẩn và cho đó là làm phúc, như thế thời chư Thiên chưa giáng, mọi ma đã tới tranh nhau xúc-nhiễu, làm mọi sự biến đổi, quái gở. Bởi những lẽ ấy, mọi người thường nên tinh-tiến! Tội, phúc theo mình, như bóng theo hình. Gieo trồng cội phúc, cũng như cây Ni-Câu-Loại này, vốn chỉ một hạt mà hái quả vô hạn. Bố-thí một phần, được gấp muôn phần. Đấy là lời Ta nói thực, không chút dối-trá!"
Bấy giờ, đức Phật nói bài tụng rằng:
Hiền-giảhay bố-thí,
Thiên-thần tự giúp-đỡ;
Cho một được gấp muôn,
Yên vui và sống lâu
Ngày nay bố-thí nhiều,
Phúcấy không thể lường;
Đều sẽ thành Phật-đạo,
Độthoát khắp mười phương.

Nhân-duyên hội-hợp chỉ nên thân:
Năm giới [12], mười thiện [13], trừ bỏ giận.
Không mong người hứa, tự làm thân,
Vinh-lạc thế-gian, như mây nổi.
Vòng-quanh năm đường như bánh xe,
Kểgì thọ-mệnh, tiếc vàng bạc.
Trờiđất còn hoại, lọ thân mình,
Vâng giữ giới kinh, là rất quý.
Đừng tham tài sắc..., nhục, lầm người
Chúng-sinh ba cõi [14]như đàn dê;
Đi, lại năm đường thân tan-tác,
Mệnh nhanh, nước chảy có thường đâu.
Làm ác rất chóng, chịu tội lâu,
Đọa vào địa-ngục vạc dầu nóng.
Ngăn lòng, bền ý, xa tai-vạ,
...Phạm tội vào trong, khổ khó chịu!
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Người đời không có trí-tuệ, nên phải sinh-tử luân-hồi. Vì nhục-nhãn (mắt thịt) nên không biết tội, phúc. Nay Ta dùng đạo-nhãn (mắt đạo) trông thấy sự báo-ứng của tội và phúc từ vô số kiếp cho tới thân này, rõ như xem hạt ngọc lưu-ly trong bàn tay, sáng-suốt tất cả trong, ngoài, không còn chút ý-tưởng ngờ-vực nào nữa!"
Đến đây, ông A-Nan liền chỉnh y-phục, tới trước đức Phật, làm lễ Phật mà bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn, đức Thế-Tônđã diễn nói cho chúng con nghe kinh này, nhưng kinh này nên gọi là kinh gì?".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Kinh này gọi là kinh Luân-Chuyển Ngũ Đạo và cũng gọi là kinh Tội-Phúc Báo-Ứng. Nếu có thiện-nam, thiện-nữ nào đọc tụng, tuyên-truyền kinh này được công-đức vô-lượng, sau này sẽ được trông thấy, được lễ-bái, phụng-sự, cúng-dàng hàng nghìnđức Phật trong đời Hiền-kiếp [15]không bị sa vào tám nạn [16], ba đường và sẽ chứng được Giới, Định, Tuệ".
Đức Phật nói kinh này rồi, năm trăm vịTỳ-Khưu, lậu-nghiệp (phiền-não) sạch hết, tâm ý mở tỏ; bảy trăm vị Tỳ-Khưu-Ni,được đạo Tu-Đà-Hàm [17]; tám trăm vị La-Hán [18], chứng được đạo Bồ-Tát [19]; chư Thiên, Long-thần, cùng một vạn hai nghìn người Thanh-tín-sĩ (thiện-nam), sáu nghìn người Thanh tín-nữ (thiện-nữ) tụ-tập dưới gốc cây khi ấy, đều được bước vào dấu-tích của Đạo và các vị Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni, Ưu-bà-Tắc [20],Ưu-bà-Di [21]đều chứng được đạo-quả A-Na-Hàm. [22]
Thiên, Long, Quỷ-Thần, thế-gian nhân-dân nghe đức Phật thuyết pháp mầu-nhiệm này, ai ai cũng đều nói rằng: "Quý-hóa lắm!". Và, tức thời khởi thân làm lễ Phật, nhiễu Phật ba vòng, vui mừng lui ra.



[1] Phật (Buddha) là danh từ chung, chỉ cho những ai có khả năng giác-ngộ hoàn-toàn về ba phương-diện: tự-giác, giác-tha và giác-hạnh viên-mãn. Vị giác-ngộ hiện-tại làđức Phật Thích-Ca Mưu-Ni (Sàkya Muni). Tục-danh là Sĩ-Đạt-Ta (Siddharthà). Ngài là con vua Tịnh-Phạn (Suddodana) con Hoàng-Hậu Ma-Gia (Maya), nước Ca-Duy-La-Vệ(Kapilavastu) thuộc Trung-Ấn-Độ. Ngài sinh sáng sớm ngày rằm tháng tư âm-lịch, cách đây (1957) 2581 năm Ngài đi xuất-gia năm 29 tuổi; 35 tuổi thành đạo; thuyết pháp 45 năm, đến năm 80 tuổi Ngài nhập Niết-bàn tại rừng Sa-La song-thụ.Trong kinh có hai chữ "Phật nói", là chỉ vào đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni nói ra. Như kinh này là do chính đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, hợp cơ-duyên mà nói ra. Kinh này là một cuốn kinh số 747 trong Đại-Tạng-kinh. Kinh này gọi đủ là: Kinh Luân-Chuyển Ngũ Đạo, Tội Phúc Báo Ứng. Nay rút đề ngắn lại là "Tội Phúc Báo-Ứng".
- Kinh này đức Phật nói rõ nguyên-nhân làm tội, làm phúc (làm ác, làm thiện) của chúng-sinh và chúng-sinh sẽ phải chịu hayđược hưởng quả báo xấu, tốt, thích ứng với nguyên-nhân ấy mà đi, lại, lên, xuống loanh quanh (luân-chuyển) trong năm đường (ngũ đạo): Địa-ngục, ngã-quỷ,súc-sinh, người và trời.
[2] Chính tôi được nghe: Sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn ít lâu, các vị Đại-Đức Tăng nhóm họp, tụng lại lời Phật dạy. Người A-Nan được đề-cử tụng Kinh-tạng, nên đầu mỗi kinh đều có ghi câu "Chính tôi được nghe", là lời tự-xưng của Ngài A-Nan, đểchứng-tín.
[3] Tỳ-Khưu (Bhiksu): Tàu dịch là "Khất-sĩ". Nghĩa là người tu-hành, trên cầu đạo của chưPhật để tu-tỉnh, dưới đi xin ăn nơi quần-chúng để tiện hóa-độ. Tỳ-Khưu có hai phái. Phái nam gọi là Tỳ-Khưu giữ 250 giới. Phái nữ gọi là Tỳ-Khưu-Ni (Bhiksuni), giữ 350 giới và 8 điều cung-kính chư Tăng.
[4] Đàn-việt (Dànapati): Tức là thí-chủ. Người thí-chủ có tâm chân-thực và bình-đẳng bố-thí, nhờcông-đức ấy sẽ vượt qua được bể khổ bần cùng.
[5] Cây của ông Kỳ-Đà và vườn của ông Cấp-Cô-Độc: Ông Cấp-Cô-Độc (Anàtapindika) chính tên là Tu-Đạt-Đa (Sudatta), người nước Xá-Vệ (Sràvasti), vì ông hay cứu giúp những người cô-độc, nên người đương thời tặng cho ông cái tên hiệu ấy. Khi ông gặp Phật và nghe pháp ở nước Ma-Yết-Đà, ông liền thỉnh Phật về nước nhà thuyết pháp, độ sinh. Đểcó nơi đức Phật và chúng Tăng cư-trụ, ông phải mua đất của Thái-Tử Kỳ-Đà (Jeta) với một giá rất đắt là phải lát vàng kín mặt đất. Ông Cấp-Cô-Độc phát tâm làm y theo lời của ông Kỳ-Đà nói, chở vàng lát kín đất và sau đó cất tinh-xá cúng-dàng. Còn các cây do ông Kỳ-Đà phát tâm cúng. Vì vậy, khi đức Phật tới nơi này, Ngài bảo ông A-Nan: "Đất vườn này do ông Cấp-Cô-Độc mua cúng, rừng cây này do ông Kỳ-Đà cúng. Hai người đồng tâm hưng-sùng công-đức, từ nay về sau nên gọi chốn này là cây của ông Kỳ-Đà và vườn của ông Cấp-Cô-Độc.
[6] Ni-Câu-Loại (Nyagrodha): Tàu dịch là Vô-tiết.
[7] Dậm: Mỗi dậm dài 576 thước Tây.
[8] Tam-Bảo: Ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.
[9] Uống rượu phạm 36 lỗi: Kinh Thiện ác sở khởi nói: Người uống rượu say, phạm vào 36 lỗi: 1) Của cải tan mất. 2) Hiện nhiều tật-bệnh. 3) Hay sinh đấu tranh. 4) Tăng thêm sựsát-hại. 5) Tăng thêm sự giận bực. 6) Nhiều sự không được vừa ý. 7) Trí-tuệ kém dần. 8) Phúc-đức không thêm được. 9) Phúc-đức dần bớt đi. 10) Hay tiết-lộ sựbí-mật. 11) Sự-nghiệp không thành. 12) Tăng thêm lo buồn. 13) Mọi căn (giác quan) tối tăm. 14) Hủy-nhục cả cha mẹ. 15) Không kính bậc Sa-Môn. 16) Không tinđạo Bà-La-Môn. 17) Không kính Phật. 18) Không kính Phật-pháp và Tăng. 19) Hay thân với bạn ác. 20) Hay xa bạn lành. 21) Bỏ cả ăn uống. 22) Thân hình không kín-đáo. 23) Dâm dục kích-thích nhiều. 24) Nhiều người không ưa. 25) Nói cười lảm-nhảm. 26) Cha mẹ không vui. 27) Họ-hàng ghét bỏ. 28) Cố giữ những pháp phi-pháp. 29) Lảng xa chính-pháp. 30) Không kính bậc hiền-thiện. 31) Vi-phạm lỗi-lầm. 32) Lảng xa đạo Niết-Bàn. 33) Càng thêm điên cuồng. 34) Thân tâm tán loạn. 35) Buông-lung làm ác. 36) Thân tan mệnh mất, sa-đọa vào đại-địa-ngục, chịu khổ sở vô cùng.
[10] Ba đường: 1) Sa-đọa vào nơi lửa cháy trong địa-ngục. 2) Sa-đọa vào nơi ăn thịt lẫn nhau trong loài súc-sinh. 3) Sa-đọa vào nơi dao, gươm bức-bách trong loài ngã-quỷ. Nghĩa là phải sa-đọa vào địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh là ba đường ác khổ.
[11] Ba đạt-trí: 1) Thiên-nhãn. 2) Túc-mệnh. 3) Lậu-tận. Ở ngôi Phật thời gọi là "Đạt". Ởngôi La-Hán thời gọi là "Minh".
[12] Năm giới: 1) Không sát sinh. 2) Không trộm cắp. 3) Không tà-dâm. 4) Không nói dối. 5) Không uống rượu.
[13] Mười điều thiện: Không sát sinh. Không trộm cắp. Không tà-dâm. Không nói dối. Không nói lưỡi đôi chiều. Không nói ác-khẩu. Không nói thêu-dệt. Không tham muốn. Không giận-bực. Không si-mê.
[14] Ba cõi: Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc.
[15] Hiền-kiếp: (Bhadrakalpa): Phật-học chia thời gian của kiếp Trụ làm 3: quá khứ, hiện tại và vị-lai. Kiếp Trụ của quá khứ gọi là Trang-nghiêm-kiếp. Kiếp Trụ của vị lai gọi là Tinh-Tú-kiếp. Và, kiếp Trụ của hiện tại gọi là Hiền-kiếp. Được gọi là Hiền-kiếp vì trong kiếp này có một nghìn đức Phật xuất thế độ sinh.
[16] Tám-nạn: Đây là nói tám chỗ chướng ngại cho sự thấy Phật, nghe pháp: 1) Nơi địa-ngục. 2) Nơi ngã-quỷ. 3) Nơi súc-sinh. 4) Nơi châu Uất-Đan-Việt thuộc phương Bắc núi Tu-Di (cũng gọi là Bắc-Câu-Lư-Châu) có nhiều sự vui vẻ. 5) Nơi cõi trời Trường-thọ(tức là cõi Sắc, cõi Vô-Sắc) hưởng nhiều sự sống lâu, an-ổn. 6) Những người mù, lòa, câm, ngọng. 7) Những người biện-thông về trí-tuệ thế-gian. 8) Những người sinh trước hay sinh sau thời Phật ra đời.
[17] Tu-Đà-Hoàn (Srotàpanna-phala): Quả thứ nhất trong bốn quả của bậc Thanh-Văn. Tàu dịch là: Nhập lưu, Nghịch lưu, Dự lưu. Đều có nghĩa là vị tu-hành đã đi ngược dòng sinh tử, phàm phu, mà đã được dự vào dòng Thánh-đạo.
[18] La-Hán (Arahat): Quảvị thứ tư trong bốn quả của bậc Thanh-Văn. A-La-Hán Tàu dịch là Bất-sinh (cũng có chỗ gọi là Vô-sinh). Nghĩa là quả-báo trong một đời diệt tận, được vào Niết-bàn mãi mãi, không phải tái sinh trong ba cõi.
[19] Bồ-Tát (Bodhisattva): Gọi đủ là Bồ-đề-tát-đóa. Tàu dịch là Giác-hữu-tình. Nghĩa là những vị phát đại tâm, vì chúng-sinh cầu đạo vô-thượng và luôn luôn giác-ngộchúng-sinh thành vô-thượng-đạo.
[20] Ưu-Bà-Tắc (Upàsaka): Có chỗ phiên âm là Ô-Ba-Sách-Ca. Tàu dịch là Thanh-tín-sĩ hay là Cận-sự-nam, nhưng đều có nghĩa là người đàn ông đã quy y Tam-Bảo thụ-trì năm giới, luôn luôn thân cận và phụng sự Tam-Bảo.
[21] Ưu-Bà-Di (Upàsikà): Có chỗ phiên-âm là Ô-Ba-Tư-Ca, Tàu dịch là Thanh-tín-nữ, Cận-sự-nữ, nhưng đều có nghĩa là người đàn bà đã quy-y Tam-bảo, thụ-trì năm giới, luôn luôn thân cận và phụng-sự Tam-Bảo.
[22] A-Na-Hàm: (Angàmi) Quả vị thứ ba trong bốn quả của bậc Thanh-Văn. A-Na-Hàm tàu dịch là Bất-Lai hay Bất-Hoàn. Nghĩa là vị tu-hành đã diệt hết hoặc-nghiệp cõi Dục, không phải trởlại lần nữa. Sau chỉ phải sinh lên cõi Sắc, cõi Vô-Sắc mà thôi.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).1/3/2012.

KINH ĐẠI-THỪA LÝ-THÚ LỤC BA-LA-MẬT
PHÁT BỒ-ĐỀ-TÂM(1)


- Đường, Bát-Nhã dịch chữ Phạm ra chữ Hán- Thích-Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt.

Khi đức Thế-Tôn nói ra những tiếng như Sư-Tử gầm (2), hiển-minh Bí-mật Tổng-trì-môn (3) rồi, liền đó, Đại Bồ-Tát Di-Lặc (Từ-Thị), từ tòa ngồi của mình đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu quỳ xuống đất, dốc lòng, chắp tay, hướng lên đức Phật, bạch rằng: "Quý-hóa thay, quý-hóa thay! Đại Thánh Thế-Tôn, thường đem tâm đại-bi tán-thán và nói ra "Bí-mật cam-lộ-thắng Đà-la-ni (4) như thế, để thủ-hộ quốc-giới, kính xin đức Thế-Tôn thương xót chúng-sinh, diễn nói pháp Vô-thượng Bồ-Đề, khiến những hữu-tình (chúng-sinh) chưa phát tâm, làm sao phát tâm được? Hữu-tình phát tâm rồi, làm sao tu-hành được? Và, do nhân-duyên gì không thoái-chuyển được Đại-thừa-tâm.(5)
Bấy giờ, đức Thế-Tôn bảo Đại Bồ-Tát Di-Lặc: "Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân, muốn vì hữu-tình, tu hạnh Đại-thừa và muốn độ hữu-tình đến đại Niết-Bàn, trước tiên cần phải phát năm tâm thù-thắng. Năm tâm thù-thắng ấy là gì? - Một là, đối với các hữu-tình, phát tâm đại-từ-bi, bình-đẳng rộng khắp. Hai là, đối với Nhất-thiết-chủng-trí(6), tâm không thoái-chuyển. Ba là, đối với các hữu-tình, khởi ra ý-tưởng như bạn thân và trong mọi hiểm-nạn, thề sẽ cứu-hộ họ. Bốn là, đối với hữu-tình, thường khởi ra ý-tưởng là mang nợ họ. Năm là, thường mang lòng thẹn-hổ, nghĩ biết thời nào trả xong nợ họ? Người phát được năm tâm như thế, quyết chóng chứng được quả Vô-thượng Chính-đẳng chính-giác".(7)
Lại nữa, Đại Bồ-Tát Di-Lặc! Thế nào là đối với trong Đại-thừa, nhất tâm tu-hành, được bất-thoái-chuyển? - Như thời xa xưa, có một thương nhân thông-minh, sáng-suốt, thường làm việc nhân-từ, hiếu-thuận, thấy cha mẹ, họ-hàng nghèo khổ, thường thường buồn rầu, bức-thiết thân-tâm, biết dùng phương-tiện gì cung-cấp, giúp-đỡ được? Thương-nhân ấy suy-nghĩ rằng: "Không gì hơn là vào bể, nhặt ngọc Như-ý-bảo(8), đem về cung-cấp, mới khỏi được sự nghèo khổ!" Vì nhân-duyên ấy, thương-nhân kia phát tâm dũng-mãnh, không tiếc thân-mệnh, liền từ nhà ra đi, dùng bao phương-tiện, tìm-tòi tư-lương (lương-thực, vật-dụng), cùng tìm các bạn lành, thuyền và thuyền-sư (lái thuyền).
Trong khi thương-nhân ấy đi đến nửa đường, gặp một người lạ, từ bể trở về, người lạ kia hỏi thương-nhân ấy rằng: "Ông muốn đi đâu, tìm gì mà vội-vàng thế?" Thương-nhân ấy trả lời đầy-đủ những nhân-duyên như trên: vì muốn cứu giúp những người bần-cùng, nên nay muốn vào bể, tìm ngọc Như-ý-bảo, đem về tư-cấp cho họ. Người lạ kia nói: "Trước kia tôi bỏ nhà ra đi, cũng như thế, vì muốn cứu giúp thân-tộc bị những khổ-não bần-cùng. Khi tôi phát tâm bỏ nhà ra đi rồi, trên đường đi, tôi gặp nhiều nguy-nan, nào trải qua những đồng rộng, qua những bãi cát sỏi (sa-mạc) mông-mênh, không có một chút nước, một cây cỏ, lại nhiều những voi đồng, hổ, báo, sài-lang, rắn độc, sư-tử...; hoặc gặp giặc cướp, núi to, sông lớn, đói khát, rét, nóng, kinh-rợn, sợ-hãi. Qua được nơi ấy, tôi cùng Thuyền-sư vào tới bể lớn lại gặp gió to, cá lớn, ác-long, sấm chớp, mưa đá, sóng vỗ, nước xoáy... có nhiều lưu-nạn, không thể nói hết được. Tuy chịu đựng những khổ-nạn như thế, nhưng vẫn không tìm được ngọc Như-ý-bảo, mà chỉ được những thứ giúp cho thân-thể, tạm cung-cấp đủ cho mình, chứ chưa thể cứu giúp được sự nghèo thiếu của thân-tộc. Nay tôi khuyên Nhân-giả, không nên gượng chịu sự gian-khổ ấy, chỉ nhọc mệt cho mình mà thôi! Tôi muốn cùng Nhân-giả sắp đặt việc khác, ở nơi khác. Tại sao vậy? Vì, trong bể lớn kia có nhiều tai-nạn, chứ không phải là một nạn, nào: hắc-phong, hắc-sơn, Dược-soa, La-sát, cá kình, giảo-long..., nhưng, chỉ từng nghe nói cái tên ngọc Như-ý, thực ra nghìn vạn người đi tìm ngọc, chưa chắc một, hai người đã được viên ngọc quý ấy. Bởi nhân-duyên ấy, tôi khuyên Nhân-giả nên quay về sớm đi thôi!"
Lúc đó, thương-chủ kia nghe lời ấy rồi, càng thêm tăng-tiến, phát ra ba tâm thù-thắng, quyết vào bể tìm ngọc không lùi. Ba tâm thù-thắng ấy là gì? - Một là nghĩ rằng cha mẹ, anh em, họ-hàng nghèo khổ như thế, nỡ nào ta về không, không cứu giúp cho nhau được gì? Hai là, nghĩ rằng thân-thuộc của ta, thời trước giàu có, làm ơn giúp ta cơm ăn, áo mặc, thương xót ta nhiều, ngày nay bị bần-cùng, thân-mệnh không cứu toàn được, ta nỡ nào buông bỏ như thế, mà muốn lui trở về? Ba là, nghĩ rằng ta khi ở nhà, trông nom việc nhà, sai khiến tôi-tớ lớn, nhỏ, lại còn quở trách mọi thứ, nỡ nào họ nghèo khổ, ta không thương, giúp họ, để họ được vui vẻ, mà lại muốn lùi trở về? Do nhân-duyên ấy, nghĩ đến việc trả ân-đức, thương-nhân kia phát tâm đại-dũng-mãnh, quyết-định tiền-tiến, cốt vào trong bể, tìm Như-ý-bảo, được rồi về nhà, đem giúp cho thân-thuộc, tha hồ tiêu dùng, khỏi sự gian-nan, cùng cực mãi mãi".(9)
Vị Đại Bồ-Tát cũng như thế: Đại Bồ-Tát phát Bồ-Đề-tâm, quán-tưởng lục-thú, tứ-sinh(10) trong mười phương, đều là cha mẹ ta đời trước, vì thương xót ta, nên tạo mọi nghiệp ác, phải sa-đọa vào trong địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh, chịu mọi sự khổ-não. Bởi nhân-duyên ấy, ta tự suy-nghĩ: "dùng phương-tiện gì, để cứu giúp cho những người bị khổ-nạn ấy? Khởi ý-niệm ấy rồi, thấy chỉ có vào trong bể đại-pháp Lục Ba-la-mật-đa, cầu Phật-chủng-trí, mới có thể cứu giúp được nỗi khổ sinh-tử cho hữu-tình được! Bồ-Tát suy-nghĩ như thế rồi, phát tâm đại-dũng-mãnh, không thoái-khuất, tinh-tiến cần cầu, không lười-biếng, chán-nản, dùng bao phương-tiện, tìm-tòi tư-lương, tìm bạn lành giác-ngộ (Bồ-Đề) cùng Pháp (chính-pháp) và Pháp-sư.
Khi Bồ-Tát đi đến nửa đường, gặp một Ma-vương, thống-lĩnh đồ-chúng, hoặc nó hiện làm thân hình người cõi Trời, hoặc nó hiện làm thân người, hoặc nó hiện làm thân hình người Bà-la-môn, hoặc nó hiện làm thân người chủ đi buôn, hoặc nó hiện làm thân hình vị Bật-sô, Bật-sô-ni, hoặc nó hiện làm thân hình các loài khác. Ma-vương kia liền hỏi Bồ-Tát phát tâm ấy rằng: "Nay ngài muốn đến nơi nào mà vội-vàng thế? - Bồ-Tát ấy đáp: "Tôi vì hết thảy chúng-sinh bị khổ-não, nay muốn vào trong bể lớn lục-độ, cầu Phật-chủng-trí Như-ý Bảo-châu, để cứu giúp hết thảy chúng-sinh bị nghèo thiếu". Ma-vương lại nói: "Tôi khi mới phát tâm cũng thế, vì muốn độ hết thảy chúng-sinh bị khổ-não ra khỏi nhà sinh-tử, tôi qua nơi đồng-nội, sa-mạc đại lưu-chuyển (trôi giạt, lăn lộn mãi), chịu đủ tất cả sự đói khát, trộm giặc, sợ-hãi mọi nạn, chứ không phải một nạn, mới đến được trong bể lục-độ đại-pháp. Hoặc có khi gặp người xin đầu, hoặc gặp người xin mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tay, chân, chi-tiết, tim, phổi, ruột, dạ-dầy, gan, mật, lá lách, thận, cho đến nước, thành, vợ, con, con ở trai, con ở gái, người sai-khiến, những thứ như trên, tùy ai xin cái gì sẽ cho cái ấy, không sinh lòng sẻn-tiếc, chỉ cần cầu trí-bảo (viên ngọc trí-tuệ, tức Phật-trí).Trải vô-lượng kiếp sinh-tử lưu-chuyển trong bể khổ, tuy chịu mọi sự khổ-nạn, vẫn không được Vô-thượng Bồ-Đề, mà chỉ quay về cầu quả A-la-hán, mới ra khỏi được ba cõi và được tịch-diệt Niết-Bàn. Nay tôi khuyên ngài, không nên gượng chịu sự lao-khổ ấy, nên tự tu-trì, tôi muốn cùng ngài cùng bước lên giai-vị quả ấy. Tại sao vậy, Vì, tôi nghĩ trong ba đường ác thường chịu sự đói khổ, tâm nghĩ đến sự ăn uống, ngửa mặt lên hư-không, có ai lại cho vào miệng ta một bữa cơm no đâu? Mọi khổ-nạn bức-thiết thân-tâm, mệnh người vô thường, nhanh hơn nước trên núi chảy xuống, bậc thiện-tri-thức (bạn lành) thời khó gặp gỡ, nếu không tin theo, lĩnh-thụ, sau ăn-năn sao kịp! Trong bể sinh-tử, lưu-chuyển bất định, tâm như mặt trăng đáy nước, có gì thực ư! Người ác-trí-thức (bạn ác) dễ thấy, dễ gặp, thường hay khuyên người thực-hành đạo Bồ-Tát, bỏ của-cải, bỏ thân-mệnh, mong đến đạo Bồ-Đề. Phương chi chư Phật ra đời, bao thời-gian mới hiện một lần, nghìn, vạn người cầu đạo Bồ-Đề, chưa chắc một, hai người được. Bởi thế, tôi khuyên Nhân-giả không nên chịu sự lao-khổ, mà nên cầu giải-thoát, tự chứng Niết-Bàn. Lại, trong ba vô-số kiếp, chịu mọi cần khổ, mới chứng được Phật-quả Bồ-đề, mà đây, thời ngay trong đời này, hay chỉ trong ba đời sẽ chứng được quả A-la-hán, là một bậc Vô-học, chịu sự khổ làm chi! Người ngu-si vô-trí, tâm họ mong cầu Phật-quả, trải qua vô-lượng kiếp, chịu mọi sự gian-khổ, vẫn chưa nghe thấy chứng được quả A-la-hán, phương chi là chứng được đạo-quả Vô-thượng Bồ-Đề! Ví như có người bắt được một con chim nhỏ, lại trông thấy con chim Kim-sí, người ấy liền thả con chim đã bắt được, đang nắm trong tay, tiến về phía trước, đuổi bắt con chim Kim-sí kia, nhưng, con chim lớn vỗ cánh bay cao, chim con cũng bay mất. Người ngu cầu Phật-quả, cũng như thế, bỏ quả A-la-hán này, cầu Phật-quả kia, hai quả đều mất cả. Đã biết thế rồi, mong ngài sớm hồi-tâm, ngay trong đời này, ngài quyết-định chứng được quả A-la-hán!"
Liền khi ấy, Bồ-Tát nghe lời ấy rồi, càng thêm dũng-mãnh, phát ra ba tâm. Ba tâm ấy là gì? - Một là, nghĩ rằng hết thảy chúng-sinh từ thuở vô-thỉ sinh-tử đến nay, đều là thân-thuộc của ta, hoặc là bầu-bạn, hiện đang chịu sự khổ-não, chưa thoát khỏi được, nỡ nào ta lùi bước trở về? Hai là, nghĩ rằng hết thảy chúng-sinh từ vô-thỉ đến nay, cung-cấp cho ta cơm ăn, áo mặc, thương xót ta thâm-thiết, nay họ phải chịu nhiều khổ-nạn trong luân-hồi, ta chưa báo đền được họ, nỡ nào ta lại sinh tâm thoái-chuyển? Ba là, nghĩ rằng hết thảy chúng-sinh, từ thuở vô-thỉ đến nay, họ đều là quyến-thuộc của ta, ta sai-khiến và có khi lại quở-trách, ta chưa có chút gì thù-đáp ơn của họ cả! Bởi nhân-duyên ấy, ta không nên thoái-khuất, cần dũng-mãnh thêm để cầu chứng đạo-quả Bồ-Đề. Nếu chứng được Bồ-Đề Nhất-thiết-trí-bảo, dùng đem cứu giúp chúng-sinh bị khổ-nạn trong sinh-tử, thế gọi là Đại-Bồ-Tát ở trong Đại-thừa, nhất tâm tu-hành được bất-thoái-chuyển.(11)
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Ông nên biết đấy là Đại Bồ-Tát tu hạnh Đại-thừa, phát ra năm tâm. Trong năm tâm ấy, tâm thứ nhất là đối với các hữu-tình, phát-khởi tâm đại-bi; tâm thứ hai là vì các hữu-tình cầu Nhất-thiết-trí, tâm không thoái-chuyển; hai tâm ấy, đối với pháp Đại-thừa, Bồ-Tát cần tinh-tiến tu-hành. Tâm thứ ba là hết thảy hữu-tình đều là bạn thân của ta; tâm thứ tư là hết thảy hữu-tình đối với ta là người có ơn, ta chưa có mảy chút gì thù-đáp lại; tâm thứ năm là hết thảy hữu-tình đều là quyến-thuộc của ta, ta từng đối với họ khởi ra những nghiệp bất-thiện, quở mắng, trách phạt phi-lý, thâm-tâm hổ-thẹn, thời nào đền trả xong! Ba tâm ấy, khiến các Bồ-Tát dũng-mãnh bất-thoái, cho đến chứng được đạo-quả Vô-thượng Chính-đẳng chính-giác".(12)
Chú thích:

(1) Kinh này là cuốn kinh số 261, trong Đại-Tạng-Kinh. Đề-mục kinh này đã giải rõ trong quyển "Quy-y Tam-bảo". Kinh này có 10 phẩm: phẩm Quy-y Tam-bảo thứ nhất, phẩm Đà-la-ni thứ hai và phẩm Phát-Bồ-Đề-Tâm đây là phẩm thứ ba. Bồ-Đề-tâm có ba hạng: Bồ-Đề-tâm của Thanh-văn, Bồ-Đề-tâm của Duyên-giác và Bồ-Đề-tâm của Phật. Đây nói về Vô-thượng Bồ-Đề-tâm tức là Bồ-Đề-tâm của Phật. Bồ-Đề (Bodhi): Xưa dịch là "Đạo", nay dịch là "Giác". Phát-Bồ-Đề-tâm: Nghĩa là phát-khởi tâm cầu Chân-đạo hay phát-khởi tâm cầu Chính-giác.
(2) Sư-tử gầm: Sư-tử là đầu loài thú, một tiếng nó rống lên là các loài thú khác đều khiếp sợ. Đối với Phật đủ uy-đức, trong đại-chúng Ngài nói ra lời gì là có ý quyết-định, không sợ-hãi và trái lại, chúng nghe, phiền-não tiêu-tan, ma-vương sợ-hãi, nên tỷ-dụ lời Phật nói như Sư-tử gầm.
(3) Tổng-Trì-Môn: Tức Đà-la-ni-môn. Đà-la-ni (Dhàrani) Trung-Hoa dịch là Tổng-trì, có nghĩa là giữ việc thiện không mất, giữ cho ác không khởi. Lấy niệm, định, tuệ làm thể, Bồ-Tát tu niệm, định, tuệ đầy đủ được công-đức ấy. Môn đây có nghĩa là "pháp-môn". Pháp-môn Tổng-trì đúng ra bao gồm 4 loại: Pháp, nghĩa, chú, nhẫn, nhưng thường chỉ cho chú-môn của Mật-giáo, gọi là Tổng-trì-môn.
(4) Môn Đà-la-ni này rất Bí-mật, vi-diệu, thù-thắng và có ý-vị giải-thoát cam-lộ.
(5) Đây là duyên-khởi, Ngài Bồ-Tát Di-Lặc tán-thán công-đức hiển-minh bí-mật Tổng-trì-môn của đức Phật, đồng thời Bồ-Tát Di-Lặc lại hỏi đức Phật: làm sao cho chúng-sinh phát được Vô-thượng Bồ-Đề-tâm, phát tâm rồi làm sao tu-hành được và làm sao không thoái-chuyển được?
(6) Nhứt-thiết-chủng-trí: Tức Phật-trí. Nghĩa là dùng một trí viên-minh của Phật, biết hết thảy đạo-pháp của chư Phật và biết được hết thảy nhân-duyên của chúng-sinh.
(7) Trên đây đức Phật trả lời câu hỏi của Bồ-Tát Di-Lặc là chúng-sinh muốn tu hạnh Đại-thừa và đạt tới Niết-bàn cần phải phát ra năm tâm thù-thắng. Phát được năm tâm ấy thời không thoái-chuyển và chóng chứng được đạo-quả Vô-thượng Bồ-đề.
(8) Như-Ý-Bảo (Cintãmani): Cũng gọi là Ma-ni-châu, nghĩa là từ nơi viên ngọc này, phát-xuất ra mọi thứ hợp với ý-nguyện của chúng-sinh mong cầu. Như-ý-bảo đây là tỷ-dụ cho Phật-trí tức Nhất-thiết-chủng-trí.
(9) Đoạn văn trên đây đức Phật nói về người lái buôn, vì có trí thông-minh, biết quán-sát thấu-đáo, biết thương xót cha mẹ, thân-tộc, quyết-tâm phát nguyện vào bể tìm ngọc Như-ý đem về cứu giúp cho tất cả, mặc dầu giữa đường có người can ngăn, gặp bao hiểm-nạn, vẫn không sờn lòng, nản chí, mà đạt tới đích của ý-nguyện, để tỷ-dụ cho vị Bồ-Tát phát tâm tu hạnh Đại-thừa cũng phải như thế.
(10) Lục-thú: Thiên, nhân, A-tu-la, địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. Tứ Sinh: loài sinh trứng, loài sinh con, loài sinh nơi ẩm-ướt, loài hóa-sinh.
(11) Trên đây nói Bồ-Tát phát tâm tu hạnh Đại-thừa, đạt tới Vô-thượng Bồ-đề cần nhất tâm tinh-tiến, mặc dầu gặp nhiều chướng-ngại và Ma-vương cám-dỗ.
(12) Đoạn văn trên đây là kết thành về năm tâm thù-thắng.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).1/3/2012.
Tiếng chim của cõi Tây phương Cực lạc
Chia sẻ
image
Tâm tịnh thì cảnh tịnh, dù cảnh có động cũng không ảnh hưởng gì đến cái tâm đã bất động trước những đổi thay bốn mùa; do vậy khi tâm tịnh hành giả như đang sống trong cảnh Cực Lạc mà tiếng chim hót nghe như đang thuyết pháp! Tâm động thì sự vật cũng có vẻ như đang nhảy nhót múa may, tâm loạn thì thấy mọi thứ quay cuồng điên đảo; và rồi như con rối bị giật dây bởi phiền não (nội động) và ngoại cảnh (ngoại xâm), chúng sanh tạo tác và trôi lăn theo nghiệp lực đẩy đưa.

Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế (Bài Tám): Tiếng chim hót của cõi Cực lạc

Chúng ta thường nghe rằng ở Phương Tây (của cảnh giới này, không phải Tây phương là Mỹ châu, Âu châu so với Á châu) có một cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh tên gọi là Tây Phương Cực Lạc do những lời phát nguyện cao thượng của Ngài A-Di-Đà (Amitabha) mà tựu thành. Theo kinh A-Di-Đà, cõi đó hoàn toàn khác hẳn với cõi giới mà chúng ta đang sống là cõi Ta Bà vốn đầy phiền trược và rất không hoàn hảo.
Có thể nói cõi A-Di-Đà là một cõi giới lý tưởng mà hầu hết những Phật tử Tịnh độ muốn sanh về. Vì sao? Ở thế giới này chúng ta được sanh ra vì sự tác hợp giữa cha mẹ, phải trải qua chín tháng mười ngày trong bụng mẹ vốn rất chật chội, gò bó và đầy bất tiện cho cả mẹ và con, khi sanh cả hai mẹ con lại phải chịu đựng bao đau đớn, sợ hãi; trong khi đó ở cõi Tây Phương Cực Lạc nguyện giả (người phát nguyện sanh lên cõi đó) được hóa sanh trong hao sen, biểu tượng của sự thanh tịnh và vượt lên trên mọi ô trược. Ở đây chúng ta phải học hỏi, tập tành để có thể làm việc và kiếm sống, để có được miếng cơm, manh áo và mái nhà chúng ta phải làm việc cực nhọc, dành dụm và lo toan; nhưng ở đó khi muốn gì nguyện giả chỉ cần khởi ý niệm về điều đó, và ngay lập tức thức ăn, nước uống, v.v… hiện ra; ăn xong không phải rửa chén bát, điều này thật tuyệt vời cho những phụ nữ suốt ngày phải vùi mình trong bếp núc và những cô/chú điệu trong chùa với những đống chén bát nồi niêu phải dọn rửa sau mỗi kỳ lễ lạc! Ở đây chúng ta phải tu tập trong những điều kiện chẳng lấy gì làm dễ chịu, đôi khi còn bị khinh chê, phỉ báng và chế giễu nữa; nhưng ở đó vật chất được làm bằng bảy báu như vàng ngọc, lưu ly, vv với những con chim hót ca nhắc nhở về Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo để nguyện giả tiếp tục tu hành và không bao giờ thối lui. Ở đó mọi người đều tu hành và hoan hỉ với phước báu của nhau, không như ở đây chúng sanh đầy sân si, ganh tị, đố kỵ, tham lam, v.v…
Chắc chắn khi được giới thiệu về một cảnh giới lý tưởng như vậy ai cũng ‘ham’ muốn sanh lên ở đó. Vì sao? Điều này quá dễ dàng: ai mà không thích sự dễ dàng sung sướng với những điều kiện có vẻ như rất dễ dãi mà kinh A-Di-Đà đưa ra! Ngay cả suốt đời bê tha, làm ác đầy rẫy nhưng khi chết biết hồi tâm cảnh tỉnh và có người hộ niệm cho là cũng có thể thoát khỏi đọa đày, được sanh lên cõi Cực Lạc. Dễ vậy ai mà không ham?
Chúng ta thấy rằng những gì được vẽ lên trong kinh A-Di-Đà hầu như đều đối ngược với những gì mà chúng ta cho là bất toàn và đau khổ ở thế giới này. Phải chăng ý định của tác giả là muốn giới thiệu cho những chúng sanh đang đắm say trong thới giới này biết rằng những gì họ đang bám víu vào, đang tranh giành, đang hưởng thụ chẳng có gì là hay ho tốt đẹp cả; có một thế giới khác tốt đẹp hơn nhiều, hãy hướng tâm đến đó. Làm như vậy ít nhiều những chúng sanh này sẽ thấy rằng ngủ dục lạc thú mà họ đang cố công tìm kiếm, đang hơn thua giành giật, hay may mắn hơn, đang hưởng thụ một cách tự mãn thật ra chẳng có gì đáng phải lao tâm khổ tứ để đạt được.
Khi tầm nhìn và khái niệm về hạnh phúc của con người bị hạn chế trong một khung trời bé nhỏ họ không có gì nhiều để so sánh, để ước mơ. Nhưng khi được giới thiệu về những khung trời khác rộng lớn hơn và hoành tráng hơn, đẹp đẽ hơn và đáng mơ ước hơn, họ sẽ bớt bám víu vào những gì ít giá trị mà họ đang cố công, thậm chí tuyệt vọng bám níu. Công dụng này của cảnh giới Cực Lạc, theo kinh Pháp Hoa, là một thứ đồ chơi mà người cha từ bi đem ra để dụ đám con trẻ đang mải mê say sưa trong ‘ngôi nhà lửa’. ‘Ngôi nhà lửa’ chính là thế gian này. Và gì là thế gian? Đó chính là thân tâm này và những gì mà chúng ta đang kinh nghiệm. Hãy nghe Bậc Đạo Sư miêu tả về thế gian này:

“Mắt đang bốc cháy; hình sắc (đối tượng của mắt, ưu hay không ưu) đang bốc cháy; nhận thức qua mắt đang bốc cháy. Tai đang nóng bỏng; âm thanh (đối tượng mà tai hằng tiếp nhận với sự thích thú hay khó chịu) đang thiêu đốt; nhận thức qua tai đang thiêu đốt. Mũi đang hừng hực; hương (đối tượng cảm xúc của mũi) đang bùng cháy; nhận thức qua mũi đang bùng cháy. Lưỡi đang cháy bỏng; vị giác đang thiêu đốt; nhận thức qua lưỡi đang thiệu đốt. Thân đang nóng ran; xúc (đối tượng mà thân cảm nhận, êm ái dễ chịu hay thô ráp khó ưa) đang thiêu đốt; nhận thức qua thân đang bốc lửa. Tâm đang nóng chảy; ý tưởng (đối tượng của tâm) đang thiệu đốt; tâm thức đang nung đốt.”

Lửa ở đây dụ cho tham, sân, si, ba thứ phiền não chính đã dẫn dắt chúng ta đến thế giới này để rồi lòng vòng quanh quẩn trong đó không biết lối ra. Thế gian chính là thân tâm chúng ta và những gì chúng ta kinh nghiệm thông qua các giác quan. Vì chúng ta vẫn quen phản ứng với ngoại cảnh bằng tham, sân, si: tham sanh khởi khi đối tượng làm chúng ta cảm thấy hài lòng, thích thú; sân sanh khởi khi ta cảm thấy đối tượng khó ưa, chướng tai, gai mắt, thô thiển…; si sanh khởi khi không có gì đáng ưa đáng ghét, cảm giác trung tính dẫn đến sự nhàm chán tẻ nhạt và lơ đãng.
Nhưng phải chăng Đức Phật bảo chúng ta phải trốn tránh, ‘bỏ chạy’ khỏi cái thế gian này và tìm kiếm một thế giới khác xinh đẹp, đáng yêu và thanh tịnh hơn? Nếu quả thật như vậy chư Tổ đã không khẳng định rằng: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Ở đây ‘thế gian’ còn được hiểu theo hai nghĩa: thế gian bên trong và thế gian bên ngoài. Như đoạn trên chúng ta đã nói về thế gian nội tại (bên trong), điều mà chúng ta phải thấy và đối diện để chuyển hóa. Chỉ khi chúng ta thấy nó là khổ, bất toại nguyện, và không hoàn hảo, chúng ta mới thôi bám víu, vui thú hay tự mãn trong đó. Không nhiều người thấy được sự bất toàn của thế gian này. Chúng sanh phần lớn như những con thiêu thân lao vào bóng đèn chói lòa để tìm lấy cái chết cho chính mình.
Thế gian bên ngoài hay ngoại tại, ngoại cảnh mà chúng ta tiếp xúc, tương tác và nhận thức qua sáu căn là một thế giới tồn tại tương đối độc lập với những nhận thức chủ quan và cảm tính của chúng ta. Nghĩa là không thể bằng sự mong cầu, ước ao hay khấn nguyện mà sự vật hay tình thế có thể thay đổi theo mong ước của chúng ta. Có thể chăng một người ngồi trên đường cao tốc rồi khấn nguyện: “Xin cho các loại xe đừng va/đè vào tôi, xin cho tôi tránh khỏi tai nạn!”. Đường cao tốc là nơi mà các loại xe chạy với tốc độ cao, muốn tránh khỏi tai nạn người ta phải biết luật lệ đi đường, hay tìm một chỗ khác ít rủi ro hơn mà ngồi. Cũng như vậy nếu chúng ta không tu tập, không tự soi chiếu một cách sáng suốt và khách quan vào những tiến trình tâm – sinh – vật lý đang vận hành trong ta và quanh ta để thấy biết chúng và những qui luật vận hành của chúng thì mãi mãi chúng ta chỉ bị đẩy đưa theo dòng nghiệp lực và hoàn cảnh. Làm sao một cái tâm mơ mơ màng màng, thiếu tu tập và đầy phiền não có thể mong một nơi tái sinh tốt đẹp, mong được giải thoát giác ngộ trong phút chốc? Điều này cũng giống như một đứa trẻ không chịu học để nhận diện mặt chữ và làm các phép tính đơn giản trước mà cứ nằng nặc đòi “con học đai học cơ, con không học cấp một, cấp hai đâu”, sự đòi hỏi ngây ngô của đứa trẻ có thể hiện thực không?
Khi được hỏi có thể bằng sự nguyện cầu thiết tha hay bằng lễ lạc trang nghiêm để đạt được thanh tịnh và giải thoát không, đức Phật đã cho một ẩn dụ như sau: “Có một người muốn qua sông nhưng ông ta chỉ ngồi bên này bờ sông rồi cầu nguyện: Ô, bờ kia, hãy sang bên này!”, dù người này có khấn nguyện cả đời mình như vậy, có thể nào ông qua sông bằng cách đó không?” Tất nhiên là không. Cũng như vậy, với thân khẩu ý đầy phàm phu nghiệp chướng và luôn bị thôi thúc sai sử bởi tham, sân, si, tật, nghi, mạn, ganh tỵ, nhỏ nhen,… mà cầu nguyện được sống trong cảnh Cực Lạc thanh tịnh là điều không thể xảy ra. Bản chất của phiền não tật đố là bất tịnh, nung đốt và bất mãn; ở đâu và thời nào nó cũng như vậy, dù cho có một cảnh giới Cực lạc và thanh tịnh ở đâu đó đi nữa thì khi bị những chúng sanh đầy phiền não sân si di cư đến, cảnh giới đó cũng nhanh chóng biến ra Ta bà!
Cực lạc và thanh tịnh là nơi tâm, không phải nơi cảnh. Tâm tịnh thì cảnh tịnh, dù cảnh có động cũng không ảnh hưởng gì đến cái tâm đã bất động trước những đổi thay bốn mùa; do vậy khi tâm tịnh hành giả như đang sống trong cảnh Cực Lạc mà tiếng chim hót nghe như đang thuyết pháp! Tâm động thì sự vật cũng có vẻ như đang nhảy nhót múa may, tâm loạn thì thấy mọi thứ quay cuồng điên đảo; và rồi như con rối bị giật dây bởi phiền não (nội động) và ngoại cảnh (ngoại xâm), chúng sanh tạo tác và trôi lăn theo nghiệp lực đẩy đưa.
Muốn qua sông thì phải có phương tiện để qua sông. ‘Sông mê; và ‘bể ái’ thường được dụ cho sanh tử luân hồi trong tam giới. Và chiếc bè để vượt qua con sông sanh tử luân hồi là Bát Chánh Đạo bao gồm (1) thấy biết đúng đắn, (2) suy tư đúng đắn, (3) nói năng chính đáng, (4) kiếm sống lương thiện, (5) hành động không sai quấy, (6) nỗ lực đúng cách, (7) nhớ nghĩ đúng lúc đúng chỗ, (8) và tập trung tư tưởng chơn chánh. Bát Chánh Đạo lại được tổng hợp thành Tam Vô Lậu Học bao gồm Học Giới (3,4,5) là những giá trị chuẩn mực đạo đức Phật Giáo có công năng kiểm soát và điều chỉnh hành động của thân và khẩu; Định Học (6,7,8) là phương pháp để thanh lọc tâm khỏi những chướng ngại như tham muốn, sân hận, nghi ngờ, dã dượu ám, và hối hận dày vò; Tuệ Học (1,2) chính là sự thấy biết và đánh giá một cách chính xác và khách quan, nghĩa là thấy biết sự vật và hiện tượng (tâm – sinh – vật lý) trong sự tương quan nhân quả và duyên sinh để thoát khỏi cái nhìn biên kiến, chủ quan và cảm tính ngã chấp. Đã nhiều lần đức Phật khẳng định rằng chỉ có Bát Chánh Đạo mới đưa đến sự giải thoát chân chính, và trí tuệ thấy rõ biết rõ giải thoát.
Tại sao vật chất cấu thành cõi Cực Lạc lại (được thấy) là bảy báu? Vì khi tâm tịnh, tức là tâm đã được giải phóng khỏi những phiền trược, thì cảnh trở nên tịnh, nghĩa là nguyện giả không thấy các loại vật chất kia hen rỉ, pha tạp, và dễ biến hoại. Tâm thanh thản và trong sáng thì không khởi niệm phân biệt và bất mãn, cái thấy biết chơn như cấu thành bảy báu của cõi Cực Lạc.
Âm thanh (tiếng chim hót, hoa rơi, nước chảy,…) ở cõi Cực lạc nhắc nhở như những bài pháp rằng hành giả phải trú tâm trên thân, rằng sinh mạng của chúng ta chỉ gói gọn trong mọi hơi thở ra vào, rằng vô thường chẳng có chi đáng nắm giữ thủ chấp. Hãy trú tâm tên cảm thọ khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị,… những cảm thọ sanh khởi khi căn tiếp xúc với trần cần được biết và buông xả; ưa hay không ưa, dễ chịu hay khó chịu, tất cả đã, đang và sẽ trôi qua. Hãy trú tâm trên tâm, những buồn vui hờn giận, những ghét và thương, những hạnh phúc và khổ đau, tịnh và động, an và bất an,… như mây trên bầu trời đến rồi đi, tụ rồi tán, chỉ có khoảng không bình lặng không đến không đi, không tịnh không động, không nhơ không sạch. Hãy trú tâm trên pháp, mọi hiện hữu đều do duyên sinh, nhân diệt duyên rã thì chẳng còn chi cả: “Pháp ta thuyết như bè độ khách qua sông, chánh pháp (hay những thiện tâm sở) còn phải buông bỏ huống nữa là phi pháp (hay những tâm sở bất thiện).” Thấy biết như vậy, quán xét như vậy gọi là Tứ Niệm Xứ, con đường duy nhất đưa chúng sanh ra khỏi ô nhiễm phiền não, buồn rầu than khóc, con đường dẫn đến thanh tịnh giải thoát ngay trong thế giới này và trong kiếp sống này.
Tiếng chim hót của cõi đó sách tấn hành giả hãy nỗ lực tinh tấn. Hãy ngăn ngừa cảnh giác với những trạng thái bất thiện chưa sanh, nếu thấy người sân hận si mê, tham lam tà kiến, ganh tị nhỏ nhen,… nên biết rằng những tâm niệm xấu ác đó cũng có thể sanh khởi trong mình khi có điều kiện và thiếu phòng hộ. Hãy dũng cảm nhìn nhận và cương quyết loại trừ những ác pháp đã sanh, chúng là nguyên nhân của mọi khổ đau oan trái, xin đừng thỏa hiệp. Hãy tạo điều kiện tốt cho những thiện tâm (chưa sanh) sanh khởi, thiện căn chính là cội gốc của mọi thiện nghiệp. Hãy nuôi dưỡng vun bồi và làm vững mạnh những thiện pháp đã sanh, mọi vụ mùa bội thu không chỉ có hạt giống tốt, mảnh đất màu mỡ, và còn phải có công sức bón tỉa chăm nom của người nông phu. Nỗ lực như vậy gọi là Tứ Chánh Cần trong Giáo Pháp của Bậc Thiện Thệ.
Đệ tử của Như Lai thì không xin xỏ nguyện cầu những thế lực siêu phàm ban ơn cứu độ, thay vì cầu nguyện van xin, những dũng sĩ này tự mình rèn luyện những phương pháp dẫn đến năng lực siêu phàm. Đó là khởi tâm mong muốn và dùng ý chí để đạt được định lực; tinh tấn duy trì định lực này bằng sự tập trung ý chí; gom tâm bất thối; và từ trong định quán xét. Bốn loại tập trung năng lực này cho những công dụng siêu phàm gọi là Tứ Thần Túc.
Để đạt được những năng lực siêu phàm như trên và cũng là để hỗ trợ cho mọi thiện pháp, hành giả cần phải học hỏi, tu tập để trở nên thiện xảo trong năm chi pháp gọi là Ngũ Căn. Tín hay niềm tin cần phải trong sáng, vững vàng: tin Phật là bậc giác ngộ giải thoát, tin Pháp thiết thực hiện tiền, tin Tăng là Giáo đoàn hòa hợp thanh tịnh, tin vào vị thầy hướng dẫn có đủ từ bi và trí tuệ để dẫn dắt mình, tin vào khả năng giác ngộ giải thoát của chính mình. Tấn là chi pháp thứ hai, còn gọi là tinh tấn không dễ duôi biếng nhác trong thực hành. Niệm là chi pháp thứ ba cũng như cáng cân thăng bằng giữ tâm trên hiện tại. Định tức là năng lực định tâm trên một đối tượng (nhất tâm), khi tâm không xao nhãng hay phân tán mà chỉ trụ trên một điểm duy nhất nó có nhiều năng lực ở dạng tĩnh năng. Nhưng định cần được cân bằng với tấn vốn là động năng, khi định quá vượt trội, tấn lại quá yếu thì tâm sinh trì trệ, thụ động và dẫn đến hôn trầm; khi tấn quá vượt trội mà định lại không đủ mạnh thì tâm dao động trạo cử và bất an; một sự cân bằng giữa tấn và định đem đến những kết quả khả quan như mong muốn. Chi pháp thứ năm là Tuệ. Ở đây tuệ chính là khả năng xét đoán, phân biệt và quán chiếu các pháp đang hiện khởi. Tuệ phải được cân bằng với tín vì khi tuệ quá vượt trội mà thiếu đức tin thì sanh ra gian xảo, hiểu nhiều biết rộng nhưng không chịu thực hành nên sinh ra tự đắc tự mãn, sắc xảo châm biếm chỉ trích và thiếu bao dung nhân hậu. Ngược lại, đức tin quá nhiều mà thiếu trí tuệ phân biệt chọn lựa thì dễ tin quàng tin xiển, nhẹ dạ cả tin, hay tin điều chấp chặt và bảo thủ cho rằng chỉ có pháp môn mình theo, hay ông thầy của mình mới đúng.
Ngũ lực (năm năng lực) cũng bao gồm các chi pháp giống như ngũ căn nhưng đã được phát triển cân bằng trở nên nội lực.
Có một nhóm thiện pháp cũng rất quan trọng cấu thành những yếu tố giác ngộ gọi là Thất Giác Chi, bắt đầu từ Niệm giác chi. Niệm giác chi này cũng chính là Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo, trong Tứ Niệm Xứ, và Niệm căn trong Ngũ căn, Niệm lực trong Ngũ lực. Đây là một chi pháp rất quan trọng nên mới được liệt kê trong nhiều nhóm thiện pháp như vậy. Niệm được thầy Nhứt Hạnh ví như những ‘bước sen’. Vâng, khi hành giả an trú trong chánh niệm thì ở đâu cũng thanh tịnh và cực lạc. Bên cạnh niệm còn có Trạch Pháp Giác chi hay yếu tố phân biệt, khảo sát. Yếu tố niệm giữ tâm trên hiện tại, trên những hiện hữu đang là; trong khi đó yếu tố phân biệt, khảo sát cho thấy những gì đang hiện khởi là hữu ích hay vô ích, thiện hay bất thiện để phát triển hay loại trừ. Khi tâm an trú và khảo sát như vậy với sự trợ lực của Tấn, yếu tố chuyên tâm, thì yếu tố Hỉ phát sinh. Hỉ đưa đến Tĩnh Tại, một yếu tố làm nhân gần cho Định, và Xả.
Đức Phật dạy chúng ta con đường Trung Đạo, nghĩa là phương pháp thực hành tránh những cực đoan cố chấp Giáo điều. Con đường trung đạo này có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Trên bình diện lý thuyết nó được giảng giải như là tránh chấp có và chấp không (bản thể học); và tránh xa thường kiến và đoạn kiến. Thường kiến cho rằng có một linh hồn trường tồn bất biến, nó từ bỏ thân xác khi cơ thể tan rã rồi đi đầu thai lòng vòng trong một thế giới cũng trường tồn bất biến như vậy; đoạn kiến cho rằng linh hồn không thể tách rời khỏi thể chất, khi thân hoại mạng chung linh hồn cũng hoại diệt.
Trung đạo trong thực hành được thể hiện nơi sự cân bằng của ngũ căn như chúng ta đã đề cập sơ qua ở phần trên. Trong Bảy Yếu Tố Giác Ngộ cũng cần có sự chọn lựa nên phát triển yếu tố nào trong thời điểm nào. Khi tâm đang phấn khích, hăng hái và đầy nhiệt tình tiến thủ, đó là lúc không nên phát triển tâm dễ “bốc đồng”, niệm (giữ cái tâm biết mà không phân biệt) và trạch pháp (phân tích, khảo sát, phân loại) cũng phải được cân bằng, điều này không dễ làm; trái lại, nay chính là lúc để phát triển định, khinh an (tĩnh tại) và xã giác chi. Khi tâm quá tĩnh (do định) hay thờ ơ lạnh nhạt (do xã), lúc này tâm không thích động hay hoạt động (ghiền Thiền!), nay chính là thời điểm để phát triển yếu tố tấn và hỉ, những yếu tố có thể ‘hâm nóng’ tâm, đừng vùi sâu thêm trong định và tĩnh tại là những yếu tố khiến hành giả thụ động và biếng lười.
Hành thiền cũng như người chơi đàn vậy. Để có một bản nhạc hài hòa êm dịu hay du dương trầm bổng, tiết tấu cung bậc phải được đổi thay đúng lúc, nhịp nhàng và tài hoa. Dây đàn phải được điều chỉnh không căng quá cũng không chùng quá mới tạo được âm thanh du dương, người hành đạo cũng đừng ráng sức thái quá hay buông lơi dễ dãi mà phải biết tùy lúc tùy thời, tùy pháp tùy duyên mà tiến hay lùi, xã hay giữ.
Cư dân ở cõi Cực lạc sáng sáng đi hứng hoa trời về cúng dường chư Phật. Cuộc sống xem ra thật thảnh thơi êm đềm thoát khỏi mọi lo toan phiền lụy. Ở Myanmarcó những loài hoa nở vào đêm, sáng ra rụng trắng mặt đất thơm ngát. Chúng tôi những nữ tu mặc y hồng, y trắng, y vàng xã Thiền tong sớm tinh sương rồi đi lượm hoa đem về cúng Phật. Và những chiều tà trong tiết giao mùa nắng nhạt nhòa bâng khuâng, lá vàng rơi lao xao trên lối đi kinh hành, hay tĩnh tại, hồn nhiên trên đường đến Pháp đường để trình Thiền hay nghe Pháp, tôi khởi lên ý niệm “Cực lạc là đây”, nhưng thời gian (và Thiền sư) nói ‘không như một sự đùa cợt phũ phàng. Khi trở lại ‘thế gian’ với bao quan hệ, bổn phận, công việc, lo toan, phiền não lại phát sinh do nhân vẫn còn mà duyên thì cứ đẩy tới.
Tu sao đây để biến Ta bà thành Cực lạc, đó là chủ đề mà chúng ta cần bàn luận tới. Có pháp Tứ Vô Lượng Tâm, tức Từ, Bi, Hỉ, Xã là bốn pháp giúp hành giả an trú vô lượng vô biên trong những phẩm chất cao thượng của bậc Phạm Thiên (Brahma vihara). Nhiều bậc thiện tri thức nói rằng nếu trên thế gian này ai cũng tu Tứ Vô Lượng Tâm thì chẳng cần phải tìm Cực lạc thiên đàng đâu xa. Thế nào gọi là Từ, Bi, Hỉ, Xã? Công năng, diệu dụng, và cách an trú trong bốn pháp cao thượng này là một đề tài rất thiết thực dành cho bài viết khác.
Mong sao tất cả chúng sanh đều an lạc, hạnh phúc! BHAVANTU SABB MANGALAM.
AYYA KHEMA Centre, Olaboduwa village,
Gonapola, SRI-LANKA.
May 15-18,2005.
Theo: Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế
Tác giả: Dhammananda Bikkhuni (Tỳ khưu ni Pháp Hỷ)
Cuốn sách bị bỏ quên: Phật giáo tranh đấu (2)
Chia sẻ
Đây là “Tập tài liệu và hình ảnh trong vụ Phật Giáo tranh đấu từ Tháng 5 tới Tháng 11 năm 1963”(*) của tác giả Quốc Oai do nhà xuất bản Tân Sanh số 12 Bùi Viện, Sài Gòn, điện thoại 22.641 phát hành chỉ ít tháng sau khi chế độ độc tài gia đình trị của Ô. Ngô Đình Diệm bị lật đổ.

Phần Thứ V: Tranh đấu thực thi Thông Cáo Chung
Do chính quyền Ngô Đình Diệm không thực thi những gì đã ký kết “Nhân dân trong nước nói chung, Phật tử nói riêng, sục sôi, căm hận đến tận cùng độ. Nhất là giới sinh viên học sinh ở Huế và Sài Gòn. Họ bỏ học để hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và phản đối hành động quỷ quyệt phản bội của cường quyền.” (*)
- Ngày 16/7/1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra tâm thư gửi quý đại đức tăng ni và đồng bào Phật Giáo kêu gọi “Quý liệt vị hãy cùng chúng tôi thề hy sinh đến người cuối cùng cho nguyện vọng chân chính của chúng ta và tung hô Phật Giáo Việt Nam Bất Diệt” (*)
-Nơi trang 103 quý vị có thể thấy tấm hình TT. Thích Tâm Châu và các tăng ni đang đứng biểu tình hơn hai tiếng đồng hồ trước tư dinh Đại Sứ Mỹ Nolting (người hết lòng bênh vực Ngô Đình Diệm, sau bị triệu hồi)
-Nơi trang 105& 106 hình ảnh chư tăng ni tuyệt thực tại Chùa Xá Lợi và Chùa Ấn Quang và nơi trang 107 hình ảnh của cuộc biểu tình khổng lồ của đồng bào tại Đường Phan Thanh Giản, khu vực Chùa Giác Minh cùng với công an, cảnh sát, mật vụ và kẽm gai giăng đầy.
-Rồi hình ảnh Phật tử đi thăm quý thầy, quý cô tuyệt thực rồi biến thành cuộc biểu tình với những biểu ngữ đòi chính quyền thực thi Bản Thông Cáo Chung. (trang 108)
-Nơi trang 111 quý vị có thể thấy hình Đại Đức Thích Quảng Độ đương giải thích cuộc tranh đấu của Phật Giáo trong khi đó xe thông tin của chính quyền oang oang nói chõ vào để quấy nhiễu và lực lượng công an, cảnh sát, mật vụ áp tới “ Gậy gộc, báng súng tới tấp quất xuống đầu, xuống lưng những kẻ vô tội. Tiếng la ó, phản đối, kêu thét phản đối vang lừng. Một số tăng ni chịu chung số phận như các Phật tử: bị bóp cổ, bẻ gẫy tay, đánh vỡ đầu, máu me chảy ròng ròng ướt đẫm cả bộ áo tu hành.” (*)
-Cùng ngày 17/7/1963 vào lúc 8:15 sáng, một cuộc biểu tình khác xảy ra từ Chùa Xá Lợi tới Chợ Bến Thành được mệnh danh cuộc biểu tình “đại tốc hành” bao gồm 400 tăng ni. Khi tới Chợ Bến Thành biểu ngữ “Yêu Cầu Chính Phủ Thực Thi Bản Thông Cáo Chung” được căng lên thì công an, cảnh sát chiến đấu vây chặt và bắt phải hạ biểu ngữ và cờ Phật Giáo xuống. Nhưng “tăng ni sẵn sàng chịu chết chứ quyết không hạ cờ Phật Giáo và biểu ngữ.” (*) (trang 115) và “cảnh sát chiến đấu như đàn cọp dữ ào ào sấn lại đấm đá, đánh đập túi bụi vào đầu, vào mình các tăng ni. Rồi cứ hai, ba tên túm một nhà sư quăng lên xe hơi trong khi các vị này cố níu lấy tay nhau chống đỡ. Cuộc giằng co, níu kéo giữa lũ sát nhân và các nhà tu diễn ra gay go” thì Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành Trần Văn Tư xuất hiện và thi hành độc kế. Y làm bộ thân thiện, bắt tay một vị đại diện tăng ni rồi nói “Tôi lấy danh dự cá nhân và tư cách đại diện chính phủ xin thề với ông rằng chúng tôi sẽ đưa các ông về Chùa Xá Lợi. Nhưng khi quý tăng ni lên xe rồi thì đoàn xe phóng thẳng ra tới Đường Lục Tỉnh rồi phóng vụt tới An Dưỡng Địa nằm giữa cánh đồng hoang vắng có sẵn công an, cảnh sát và hàng rào kẽm gai chờ đón.” (*)
-Vào ngày 18/7/1963 Ngô Đình Diệm đọc một bản thông điệp mục đích làm dịu cuộc đấu tranh của Phật Giáo “Tôi mong đồng bào hãy ghi nhận ý chí hòa giải tột bực của chính phủ…” (*)
-Ngày 19/7/1963 TT. Thích Tâm Châu gửi văn thư kính đệ Tổng Thống VNCH trong đó yêu cầu chính phủ giải quyết 05 điểm:
1) Phóng thích tất cả tăng ni, thiện tín, sinh viên, học sinh, Gia Đình Phật Tử bị bắt bất luận ở đâu trong khắp nước.
2) Tất cả các tăng ni bị bắt nhốt tại An Dưỡng Địa cần phải được trả về Chùa Xá Lợi đầy đủ.
3) Xin chính phủ can thiệp để các báo đăng hoặc các gia đình có người bị bắt hay mất tích mà chưa thấy trở về từ đây tới Chủ Nhật 21/7/1963 kịp thời thông báo cho Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo biết để chuyển đến chính phủ.
4) Xin chính phủ công bố danh sách và truy tố những cán bộ có trách nhiệm trong vụ đổ máu tại Đài Phát Thanh Huế 8/5/1963.
5) Xin chính phủ bồi thường xứng đáng cho các nạn nhân đêm 8/5/1963 và cuộc đàn áp ngày 4/6/1963 tại Huế. Văn thư nói tiếp “Kính thưa Tổng Thống: Toàn thể tăng ni chúng tôi trong Ủy Ban Liên Phái thà chết chứ không chịu để cho lòng tin tưởng của chúng tôi nơi thành tín của chính phủ bị thực tế đánh đổ một lần nữa.” (*)
Tại nơi trang 125 quý vị có thể thấy hình ảnh chư tăng ni rời An Dưỡng Địa sau khi Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành Trần Văn Tư và Bộ Trưởng Ngô Trọng Hiếu và phái đoàn báo chí trong và ngoài nước tới.
Những tin tức về cuộc tranh đấu của Phật Giáo trong những ngày qua đã được các Đài VOA, BBC, các hãng thông tấn AP và Stars And Stripes truyền đi và họ đã dùng những danh từ như “kỳ thị tôn giáo”. Đài VOA trong buổi phát thanh lúc 12:30 ngày 18/7/1963 cho biết trong cuộc họp báo ngày Thứ Tư, một ký giả đã hỏi TT. Kennedy “Chúng tôi xin Tổng Thống cho biết những nỗi khó khăn hiện giờ giữa Phật Giáo đồ ở Việt Nam và chính phủ Việt Nam có làm trở ngại gì đến nhiều năm viện trợ của Mỹ trong công cuộc chiến đấu chống Việt cộng tại đó không?” (*) Và TT. Kennedy đã trả lời “Tôi hy vọng cuộc tranh chấp này sẽ được giải quyết ổn thỏa, vì lẽ chúng ta muốn thấy có một chính phủ vững vàng ở Việt Nam Cộng Hòa để tiến hành cuộc chiến đấu duy trì độc lập quốc gia của họ.” (*)
-Ngày 27/7/1963 Sư Bà Diệu Không, thân mẫu nhà bác học Bửu Hội - đại sứ tại nhiều nước tại Châu Phi mở cuộc họp báo tại Chùa Xá Lợi tuyên bố sẽ noi gương Bồ Tát Thích Quảng Đức để cúng dường Phật pháp. Trong khi đó khoảng 100 người tự xưng là thương phế binh biểu tình dùng máy phóng thanh chĩa vào chùa phản đối và cho rằng Phật Giáo đã bị cộng sản lợi dụng. Một số “thương phế binh” còn nhẩy lên tường rào cao, đạp lên đầu mấy sư đang đứng phía trong, ném tung vào chùa nào là truyền đơn, hình vẽ chiến sĩ đóng khung…ung dung kéo đi diễn hành trên nhiều đường phố trước mắt cảnh sát và cảnh sát chiến đấu đang giữ trật tự cho họ trước chùa. Quý vị có thể thấy tấm hình chụp thương phế bình ngồi trên xe xích-lô biểu tình trên đường phố nơi trang 140.
-Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra tâm thư gửi anh em thương phế binh đã biểu tình trước Chùa Xá Lợi trong đó có những đọan như sau: (trang 142& 143)
“Chúng tôi không lầm thì trong số anh em tàn tật vì đã hy sinh cho quốc gia, đã có trên 80% Phật tử.”
“Chúng tôi chỉ phản đối những kẻ chủ trương dợi dụng chiêu bài chống cộng để bắt tội những người này, kẻ nọ là thân cộng, là không chống cộng để nhằm tiêu diệt họ dưới nhiều hình thức trong đó có Phật Giáo.”
“Chúng tôi cực lực lên án âm mưu dùng xương máu toàn dân để xây dựng ngai vàng của một nhóm.”
-Ngày 30/7/1963 hằng vạn đồng bào và tín đồ đã kéo tới Chùa Xá Lợi nhân lễ chung thất (49 ngày) của HT. Thích Quảng Đức. Cũng trong ngày hôm đó một bản Tuyên Ngôn do TT. Thích Tâm Châu ký tên đã ra đời trong đó có đoạn “Kiểm điểm lại cuộc vận động nói trên đến nay chỉ mới được giải quyết trên giấy tờ và bằng lời nói. Nhưng trên thực tế chưa có một thực thi cụ thể nào khả dĩ làm dịu nỗi đau khổ triền miên của toàn thể Phật Giáo đồ Việt Nam. Ngược lại những thực tế đau lòng ngày càng dồn dập làm cho Phật Giáo đồ mất hết tin tưởng. Dù vậy Phật Giáo đồ Việt Nam quyết định không lìa bỏ tinh thần thuần túy tôn giáo bằng cách áp dụng nghiêm chỉnh phương pháp bất bạo động để đưa phong trào tới mức thành công.” (*)
-Ngày 12/8/1963 tại Chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Tuyết An tự chặt cánh tay trái của mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo với tấm hình nơi trang 149.
Phần Thứ VI: Sáu ngọn lửa bi hùng tiếp nối ngọn lửa Thích Quảng Đức
-Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu và để lại Trần Tình Thư gửi Hòa Thượng Hội Chủ và Quý Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo trong và ngoài nước, phát nguyện tự thiêu để “Phản đối tình trạng bắt bớ, khủng bố các tăng, ni, tín đồ Phật Giáo và để hòa nhịp với sự đau buồn của các Phật tử bị thiệt mạng và đang bị thương trong thời gian tranh đấu vì chính pháp.” (*) Và bức thư gửi “Tía Má” (Bố Mẹ) ở Phan Thiết, trong đó có đoạn “Tuy thể xác đã vãng nhưng linh hồn con lúc nào cũng nhớ tới tía má. Đến đây con xin ngừng bút, đây là nét cuối cùng của con tiễn biệt tía má, con xin tía má nhận lòng thành kính của con.” (*)
-Đại Đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu ở Huế ngày 13/8/1963
-Ni Cô Diệu Quang ba ngày sau tức ngày 15/8/1963 tự thiêu trước Chi Hội Phật Học Ninh Hòa.
-Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu 71 tuổi, tự thiêu tự thiêu tại Huế lúc 4 giờ sáng ngày 16/8/1963 trước sự hộ niệm của chư vị hòa thượng, đại đức, tăng ni và rất đông Phật tử.
-Ngày 5/10/1963 Đại Đức Thích Quảng Hương tự thiêu trước bồn binh Chợ Bến Thành. Khi ngọn lửa bùng lên được mấy phút thì xe cứu hỏa chạy tới xịt nước và đem nhục thân của đại đức đi. Hiện nay chưa ai biết thi hài của đại đức chôn ở đâu.
-Đại Đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu trên vỉa hè đối diện với Nhà Thờ Đức Bà (Sài Gòn) vào lúc 10 giờ sáng ngày 27/10/1963 để lại ba bức thư gửi Hòa Thượng Hội Chủ, Ngô Đình Diệm và Ô. U Thant- Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.
Phần Thứ VII: Giai đoạn chót cuộc đàn áp Phật Giáo
-Ngày 18/8/1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tổ chức lễ cầu siêu cho những vị tử đạo tại Chùa Xá Lợi. Khoảng mười vạn người, đủ mọi thành phần đã tham dự buổi lễ này. “Có người cả quyết rằng trong giờ phút này chỉ cần một lời hô của các vị thượng tọa là đám người sẽ bùng bùng kéo tới thẳng Dinh Gia Long đạp bình địa ngay tất cả. Nhưng nhờ sự điều khiển khéo léo, tài ba của của các vị thượng tọa, đại đức nên buổi lễ không xảy ra điều gì đáng tiếc…nên tới 6 giờ chiều, tất cả bằng lòng giải tán.”(*)
-Vì Chùa Xá Lợi là nơi tập trung các nhân vật đầu não của Phật Giáo như: HT Hội Chủ Thích Tịnh Khiết, TT. Thích Tâm Châu, TT. Thích Thiện Minh, TT. Thích Trí Quang, TT. Thích Thiện Hoa cùng các Đại Đức Thích Đức Nghiệp, Thích Quảng Độ, Thích Giác Đức, Thích Hộ Giác cùng Sư Bà Diệu Không cho nên “anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu quyết định cho lực lương đặc biệt tấn công chùa để bắt chư hòa thượng, tăng ni đem đi.” Cuộc tấn công hung hãn khởi đầu vào lúc 0:30 khuya ngày 20/8/1963. “Trong lúc một số tăng ni tìm cách thoát cuộc bao vây của cường quyền vượt bức tường bên hông chùa để sang khu vực USOM nhưng bọn cảnh sát đã hay kịp. Những loạt đạn tuôn ra. Vài thây người ngã gục trong đêm tối. Tuy vậy cũng có hai vị thoát được sang địa phận USOM xin tỵ nạn.” (*) Cả Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết cũng bị xô ngã mang vết thương nơi mắt. Cuộc tấn công chấm dứt lúc 2:15 sáng. Năm chiếc xe cam-nhông hốt tăng ni về nhà giam.
-Sáng 21/8/1963 Ngô Đình Diệm ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Nhưng cuộc tấn công vào Chùa Xá Lợi như đổ thêm dầu vào lửa - một tính toán hoàn toàn sai lầm của anh em Ngô Đình Diệm.
-Sáng ngày 22/8/1963 sinh viên các trường Đại Học Y Khoa, Cao Đẳng Kỹ Thuật, nổi dậy hưởng ứng cuộc đấu tranh của Phật Giáo. Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu cạo trọc đầu, từ chức để hưởng ứng cuộc đấu tranh.
-Sáng ngày 23/8/1963 sinh viên, học sinh khắp nơi kéo tới Đại Học Luật Khoa để bầu ủy ban tranh đấu.
-Cùng ngày vào lúc 10 giờ sáng sinh viên học sinh tổ chức cuộc biểu tình tai bùng binh Chợ Bến Thành và nữ sinh Quách Thị Trang 15 tuổi đã bị bắn chết và 10 người khác bị thương.
- Cũng trong thời điểm này học sinh các trường Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toản bỏ học, không chịu vào lớp biểu tình phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Tại nơi trang 198 chúng ta thấy hình học sinh Chu Văn An biểu tình tại sân trường, cầm cờ Phật Giáo và dùng khăn bịt miệng để phòng ngừa hơi cay. Hình nữ sinh Trưng Vương biểu tình phản đối đàn áp tôn giáo. Tại nơi trang 188 chúng ta thấy tấm hình học sinh Chu Văn An vẽ phấn trên bảng “Ngô Đình Nhu là con quỷ cái. Nhu Diệm độc tài.” (*), hình cảnh sát chiến đấu leo lên tường để gỡ những biểu ngữ đả đảo chính quyền Ngô Đình Diệm của học sinh.
-Ngày 24/8/1963 Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Học Sinh ra mắt tại Đại Học Luật Khoa trước mấy ngàn sinh viên. “Điều đáng nói là trong buổi này có cả sự hiện diện của GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Vũ Quốc Thúc và GS. Nguyễn Văn Bông và được hoan nghênh nồng nhiệt.” (*)
-Mỗi ngày hàng ngàn sinh viên học sinh bị bắt đưa đi giam tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
-Ở Huế hằng ngàn sinh viên học sinh đã kéo tới ở ngay trong Chùa Từ Đàm để hợp sức với chư tăng ni.
-Ngày 19/9/1963 Liên Hiệp Quốc quyết định ghi vào chương trình nghị sự vấn đề chính phủ Ngô Đình Diệm vi phạm nhân quyền.
-Hồi 0:30 ngày 24/10/1963 phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới Việt Nam để điều tra, Đại Sứ Raman Pazhwak đại diện A Phú Hãn (Afghanistan) làm trưởng đoàn. Phái đoàn đã tiếp xúc với Ô. Nguyễn Ngọc Thơ, Ngô Đình Nhu và viếng thăm Chùa Xá Lợi, Chùa Giác Lâm và tiếp xúc riêng với từng vị thượng tọa, đại đức. Trong dịp này Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết đã gửi mật thư cho đại sứ trưởng phái đoàn Liên Hiệp Quốc trong đó có những đoạn như sau:
a) Ngày lễ Chúa giáng sinh, tất cả các công sở phải treo đèn kết hoa; hơn thế nữa trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, một trong những hang đá nguy nga đồ sộ được dựng lên bởi toàn lực của cơ quan quân đội cũng như dân chính mà phần lớn là những Phật tử, đài phát thanh trong ba ngày liên tiếp dùng để truyền thanh các buổi thánh lễ và những bài thánh ca, Tổng Thống đọc thông điệp hiệu triệu tất cả quốc dân hướng về ngày đó.
b) Nhà thờ được xây cất tự do bởi sự khuyến khích của viện trợ của chính phủ nhưng Phật Giáo muốn xây chùa chiền phải được phép của chính phủ và điều này rất khó khăn.
c) Trong quân đội có nghành Tuyên Úy Thiên Chúa Giáo trong khi đó 70% binh sĩ Phật tử không có Tuyên Úy Phật Giáo.
“Mục đích của chính phủ hiện tại là muốn biến Miền Nam Việt Nam thành một nước Thiên Chúa Giáo, nên đã thành lập một tổ chức mênh danh là Công Giáo Tiến Hành hoạt động rất mạnh trên toàn lãnh thổ với nhiều kế hoạch rất tinh vi nhắm tiêu diệt Phật Giáo mà tôi xin đơn cử một vài điển hình dưới đây”(*)
a) Đến từng gia đình Phật tử nghèo túng khuyên rửa tội theo Thiên Chúa Giáo bằng cách giúp cho một số tiền, gạo hoặc tìm cho việc làm.
b) Mở các khu dinh điền và khu trù mật gồm toàn những người theo Thiên Chúa Giáo rồi khuyến dụ Phật Giáo đến lập nghiệp và theo đạo, nếu ai không đi sẽ bị đe dọa đủ điều.
c) Lập các Ấp Chiến Lược ở miền quê, bắt dân chúng phải dỡ nhà, tập trung vào một chỗ, tất cả các chùa chiền cũng phải dỡ đi, nhưng khi vào Ấp Chiến Lược chỉ được cất nhà mà không được phép tái lập chùa, trong khi đó thì trong Ấp Chiến Lược được tự do xây cất nhà cửa. Nếu các chùa không chịu dời vào ấp thì nhà sư trụ trì đó bị nghi là lừng khừng.
-Ngày 23/8/1963 Luật Sư Trần Văn Chương (thân phụ Trần Lệ Xuân) – Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ đánh điện từ chức vì chính phủ đàn áp và nhục mạ Phật Giáo.
-Ngày 19/9/1963 Giáo Sư Nguyễn Thanh Thái, một Việt kiều ở Pháp “đã hành động một cách phi thường” (*) bằng cách thản nhiên lấy một con dao găm tự rạch ngực cho máu chảy rồi lấy một cái chén nhỏ bằng bạc, hứng máu viết thư gửi Ô. U Thant- Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc tố cáo những tội ác của chính phủ Ngô Đình Diệm. Viết xong ông giơ cao lên cho mọi người nhìn và nói lớn: “Đây là máu của nhân dân quật khởi chống một chính phủ vi phạm nhân quyền.” (*)
Phần Thứ VIII: Dư luận thế giới
Bao gồm các báo chí khắp nơi như tờ Straits Times Mã Lai, Tờ Nanyang Siang Pan viết bằng Hoa Ngữ tại Singapore và Miến Điện.
Tại Cao Miên Thủ Tướng Căm Bốt đã bày tỏ thiện cảm với Phật Giáo Việt Nam. Thái Lan các báo chí tại Vọng Các đều đều đăng tải các tin tức liên quan đến những biến cố ở Huế. Trung Hoa Quốc Gia, rồi Lời Hiệu Triệu của Ô. Hội Trưởng Hội Phật Giáo Thế Giới tại Ngưỡng Quang, Miến Điện, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Lao, Đại Hàn, Indonesia, Hongkong.
Tại Hoa Kỳ, báo News and World Report viết như sau “Người Mỹ ở Sài Gòn cho biết cuộc sinh sự với các nhà lãnh đạo Phật Giáo của Ô. Diệm là một lỗi lầm tệ hại nhất từ xưa tới nay…khiến cho vai trò của Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam lâm vào tình trạng khốn quẫn.” (*)
Rồi tới các báo chí ở Thụy Sĩ, Anh Quốc, Úc Đại Lợi, Pháp. Riêng tờ Neak Cheat Niyum ra ngày 30/6/1963 trong bài xã luận nhan đề “Bước Đường Cùng Của Sự Dối Gạt” đã viết “ Ông Ngô Đình Diệm với những anh em ông ta và người em dâu bất khả xa lìa, đã dùng hai tuần lễ cuối cùng để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu tới, những người cuồng tín nhất trong bọn đã nhận được vũ khí và tất cả phải tức khắc ra tay trước khi Phật Giáo đồ thực hiện chủ trương tạo một Thánh Barthelemy như của Gia Tô Giáo. Nói riêng thì tập đoàn này không thể vì cớ gì lùi bước được nữa vì chúng tôi lượm được những tin này tại các trung tâm Gia Tô Giáo người Âu ở Nam Việt Nam.” (*)
Tại Bruxelles (Bỉ) Linh Mục Pire- người đoạt giải Nobel về hòa bình, gửi Ô. U Thant- Tổng Thư Ký một bức thư yêu cầu ông gấp rút mở cuộc điều tra tại chỗ để làm sáng tỏ vấn đề.
Tờ Washington Post viết “Phật Giáo đồ khắp Á Châu sẽ có cảm tưởng rằng dù sao Hoa Kỳ cũng dung túng sự kỳ thị tôn giáo. Đó là một cảm nghĩ sai lầm, nhưng trót là bạn của một chế độ độc tài, áp bức nên Hoa Kỳ dù sao cũng bị ảnh hưởng.” (*)
Tờ New York Times số ra ngày 19/6/1963 viết “Tình hình ở Sài Gòn đã đến giai đoạn giống hệt như những ngày cuối cùng của Ô. Lý Thừa Vãn tại Hán Thành.” (*)
Tờ Sunday Examiner của Thiên Chúa Giáo xuất bản ở Hongkong viết “Mong rằng những người tuy khác đạo giáo nhưng phải tôn trọng giá trị về tôn thờ đạo giáo của họ, và đó là tinh thần bình đẳng tự do con người.” (*)
Nữu Ước UPI “Trong khi chính phủ đang cần sự tin tưởng của dân chúng hơn bao giờ hết thì chính phủ lại đang mất sự ủng hộ của tín đồ Phật Giáo chiếm ba phần tư tổng số dân chúng tại Miền Nam Việt Nam.” (*)
UPI Hoa Thịnh Đốn ngày 19/7/1963 đưa tin “Hôm Thứ Năm, Thượng Nghị Sĩ Wayne L. Morse nói rằng ông sẽ không đồng ý cho một đô-la nào nữa để ủng hộ cho một chế độ độc ác tàn bạo của TT. Ngô Đình Diệm tại Miền Nam Việt Nam.”(*)
Tờ Christian Science Monitor trong bài “ Sự Đau Khổ Tại Miền Nam Việt Nam” đã viết “Chế độ gia đình trị của TT. Ngô Đình Diệm đang tự đào hố chôn mình.” (*)
Phần Kết Luận:
Không dông dài, trong phần kết luận, tác giả đã kết thúc ngắn gọn như sau:
Cuộc tranh đấu thần thánh của Phật Giáo Việt Nam đã góp một phần không nhỏ vào cuộc Cách Mạng ngày 1/11/1963 của Quân Đội VNCH lật đổ cường quyền họ Ngô. Phật Giáo đã tô đậm nét vàng son hào hùng vào lịch sử dân tộc.
Phật Giáo đã nói lên tiếng nói bất khuất của dân tộc trước cường quyền. Việc bảy tăng ni châm lửa tự thiêu để tranh đấu cho sự sồng còn của Phật Giáo Việt Nam đã khiến cho cả thế giới cúi đầu kính phục sự hy sinh cao cả, sự can đảm phi thường của người Việt nói chung và Phật Giáo nói riêng.
Ánh sáng của đạo Từ Bi đã khuất phục được cường quyền, đó là bài học vô cùng quý báu để loài người từ nay về sau lấy đó làm gương.
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo từ ngày 8/5/1963 tới ngày 1/11/1963 đã mở kỷ nguyên mới cho Phật Giáo Việt Nam: Kỷ nguyên của tranh đấu bất bạo động mà chiến thắng được cường quyền.” (*)
Đào Văn Bình
(California Tháng 8, 2011)
Cước chú:
(***) Ngô Đình Diệm được liêt kê trongcuốn History’s 100 Most Evil Despots & Dictators (100 Bạo Chúa và Các Nhà Độc Tài Gian Ác Nhất Trong Lịch Sử) của Nigel Cawthorne do Barnes & Noble xb năm 2006. Nigel đã luận tội Ngô Đình Diệm nơi trang 167 ”He sought to prove anti-Communist credentials by brutal repression” (Ông ta tạo thành tích chống Cộng bằng đàn áp dã man.” Và nơi trang 168 “Meanwhile he ruthlessly repressed political dissenters and religious factions, and installed member of his familiy in important jobs (Trong khi đó ông ta đàn áp không nương tay các nhà đối lập chính trị và tôn giáo đồng thời đưa gia đình nắm giữ những chức vụ quan trọng.”
(*) Những chữ in nghiêng là phần trích dẫn.
Quý vị muốn có bản chụp của cuốn sách xin liên lạc với tác giả theo địa chỉ:

Thanh Thương Hoàng PO. Box 51625 San Jose, CA 95151-9998. Điều kiện thế nào, tùy tác giả.
TimHieuDaoPhat.Com Theo PTVN