Wednesday, 2 July 2014

Chương Hai
 Dịch Giả: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập ở đời Diêu Tần
   
Bộ kinh này là do Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần. Ngoài ra, còn năm vị Pháp-sư khác cũng dịch kinh này, vào những thời điểm khác nhau, do đó có một số các bản dịch khác cũng được lưu hành.
Bản dịch của Pháp-sư Cưu-ma-la-thập lấy tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh.
Vị thứ hai phiên dịch kinh này là Bồ-đề-lưu-chi vào thời nguyên Ngụy. Vị thứ ba là Chân-đế dịch vào thời kỳ Nam-Bắc triều. Cả ba cùng đề chung một tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh.
Vào triều đại nhà Tùy, Pháp-sư Cấp-đa dịch, lấy tên là Năng Ðoạn Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, tức là thêm hai chữ năng đoạn vào tên của kinh.
Vị thứ năm là Ngài Huyền Trang, bắt đầu phiên dịch từ năm Trinh-quán thứ 19, đời Ðường. Tên của kinh cũng khác, lấy tên là Kim Cang Năng Ðoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật Kinh. Ngài là một vị đại đức cao tăng của Trung Hoa, đã lưu học tại ấn Ðộ trong mười tám năm, sau trở về nước phiên dịch rất nhiều kinh điển Phật học.
Vị thứ sáu là Pháp-sư Nghĩa Tịnh. Ngài Nghĩa Tịnh cũng qua ấn Ðộ lưu học và trở về nước vào thời của Võ-tắc-thiên. Võ-tắc-thiên làm ra vẻ mộ đạo, ham học Phật-pháp, mới cho mời Pháp-sư Nghĩa Tịnh đến để phiên dịch kinh điển. Bản dịch này cùng lấy tên là Kim Cang Năng Ðoạn Bát-nhã Ba-la-mật Kinh như bản dịch của Ngài Huyền Trang.
Vậy là kinh này có tất cả sáu bản dịch, chúng ta nghiên cứu Phật học nên nhớ điều này.
Trong sáu bản dịch vừa nói ở trên thì bản của Ngài Cưu-ma-la-thập là thông dụng hơn cả. Ða số đều ưa thích các bản kinh điển do ngài dịch. Tại sao vậy?
Số là, vào triều đại nhà Ðường, có luật sư Ðạo Tuyên, chuyên trì giới luật. Ngài giữ gìn bốn tướng oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, hết sức nghiêm cẩn. Như Kinh Lăng Nghiêm có nói: "uy nghi nghiêm cẩn, trai pháp cung kính". Tại sao các oai nghi lại phải giữ cho nghiêm chỉnh? Bởi vì, nếu chúng ta giữ được như vậy, thì chẳng riêng người và trời đều phải cúng dường mà quỷ thần đối với chúng ta cũng phải cung kính, sùng bái. Luật sư Ðạo Tuyên nghiêm trì giới luật, bốn tướng oai nghi cũng đều trang trọng phi thường. Ðứng giữ tướng đứng, ngồi giữ tướng ngồi, nằm giữ tướng nằm, đi giữ tướng đi, bởi giữ được mẫu mực như vậy, nên mọi người mới có thể noi gương đó màhọc tập. Có câu rằng: đi như gió, đứng như tùng, ngồi như chuông, nằm như cung. Ðó chính là khuôn mẫu căn bản của bốn đại oai nghi nói trên.
Nói đi như gió không phải là nói tới trận gió lớn, đổ nhà bạt cây, mà là nói về làn gió nhẹ, nhu hòa như trong câu: hây hây gió nhẹ, sóng lặng như tờ [vi phong từ lai, thủy ba bất hưng (Xích-bích phú)], khiến mọi người đều cảm thấy hoan hỷ. Lập như tùng là ý nói thế đứng như cây tùng, trong tư thế độc lập, ngay và thẳng đứng. Tọa như chung nghĩa là khi ngồi thì vững chắc như một cái chuông đặt ngồi, chớ không phải như một cái chuông giao động, kêu đinh, đinh! đang, đang! phải như một cái chuông thời cổ, vững vàng không lay động, ngồi như vậy mới có được định lực. Ngọa như cung nghĩa là nằm giống như hình cái cung, gọi là thế nằm cát tường. Khi nhập niết-bàn, Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng nằm trong tư thế đó. Nằm theo thế cát tường thì bàn tay mặt tựa vào má, bàn tay trái để trên đùi.
Nói chung, nếu phân tách kỹ ra thì bốn đại oai nghi gồm đủ cả ba ngàn oai nghi nhỏ và tám vạn tế hạnh. Cũng do luật sư Ðạo Tuyên giữ gìn nghiêm mật oai nghi, nên sinh cảm ứng, trời người đều tìm đến cúng dường, cung hiến thực phẩm. Chúng ta muốn tu hành làm cao tăng, trước hết là phải giữ giới, giới luật nào được truyền thì phải hết sức giữ gìn nghiêm cẩn. Giữ được giới thì các chư thần hộ pháp đều hộ trì cho mình, còn nếu phạm giới thì họ không hộ trì nữa, bởi vậy người tu là phải giữ giới.
Luật sư Ðạo-tuyên giữ giới thanh tịnh. Trong Kinh Lăng Nghiêm có câu: "Nghiêm tịnh tỳ-ni, hoằng phạm tam giới". Tỳ-ni nghĩa là giới luật; "hoằng phạm tam giới" nghĩa là làm gương mẫu chung cho cả ba giới, dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Do đó mà luật sư Ðạo Tuyên được cả trời và người cung hiến thức ăn.
Một hôm, luật sư Ðạo Tuyên hỏi một vị trời vì lẽ gì người đời nay lại thích đọc kinh điển do Ngài Cưu-ma-la-thập dịch. Vị trời đó nói rằng: "Pháp-sư Cưu-ma-la-thập đã từng đảm nhiệm việc phiên dịch cho bảy vị Phật của đời quá khứ, do đó các kinh điển do Pháp-sư dịch rất đúng ý Phật. Cũng vì lẽ đó mà mọi người đều thích đọc các bản dịch của Pháp-sư".
Khi lâm chung, Ngài Cưu-ma-la-thập có dặn rằng: "Sau khi tôi mệnh chung, hãy đem nhục thể của tôi thiêu hóa. Nếu quả thực các kinh điển do tôi phiên dịch không có điều gì sai lầm, thì lưỡi của tôi không bị hủy hoại. Còn như nếu là sai với tâm ý của Phật thì lưỡi của tôi tất bị thiêu hóa". Sau khi thiêu xong, người ta thấy lưỡi của Pháp-sư vẫn còn giữ mầu hồng tươi, không hề bị cháy. Ðiều này chứng minh Pháp-sư Cưu-ma-la-thập dịch kinh là chính xác.
Bản dịch có ghi "Tam-tạng Pháp-sư Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần". Diêu Tần là tên hiệu của triều đại đó, khác với đời Doanh Tần hay Phù Tần. Vua đầu tiên của triều đại Diêu Tần là Diêu Trưởng. Khi Diêu Trưởng mất thì Diêu Hưng kế vị. Trước đó, là triều đại Phù Tần, vua là Phù Kiên, nhưng Phù Kiên bị Diêu Trưởng giết chết nên đổi tên hiệu thành Diêu Tần. Còn chữ Doanh Tần dùng để chỉ triều đại của Tần Thủy Hoàng. Bởi vậy ngày nay người ta ghi chú rõ thời đại là Diêu Tần.
Chữ Tam Tạng là nói về ba tạng gồm kinh, luật và luận. Tạng kinh thuộc về định học, tạng luật thuộc về giới học, tạng luận thuộc về huệ học. Vậy là kinh, luật, luận bao gồm cả tam vô lậu học: giới, định, huệ.
Thế nào là Pháp-sư? Là vị mang pháp cho người, đem Phật-pháp bố thí cho người khác; Lại có người giảng pháp, coi pháp là thầy, lấy Phật-pháp làm sư phụ của mình, thì cũng gọi là Pháp-sư.
Có vị chuyên đọc tụng kinh điển, gọi là độc tụng Pháp-sư. Ðọc là nhìn vào văn bản mà xướng lên, tụng thì không cần phải nhìn vào văn bản cũng xướng lên được. Có khi đọc tụng cho riêng mình, có khi đọc tụng cho người khác. Có vị chuyên dùng bút sao lục kinh điển, vị đó gọi là thư tả Pháp-sư. Còn có vị gọi là thọ trì Pháp-sư, chuyên thọ trì cho mình, không hồi hướng cho các chúng sanh, chỉ chuyên thâm nhập kinh tạng, theo ý trong kinh mà thọ trì, thực tập. Các vị vừa kể trên đều có tên là Pháp-sư; nếu lại thông đạt được cả ba tạng thì gọi là tam tạng Pháp-sư.
Người ta gọi ngài Cưu-ma-thập là "Ðồng Thọ", vì lẽ khi ngài trẻ ngài đã có đức hạnh như người già. "Ðồng" là nhi đồng, "thọ" là tuổi thọ, lớn tuổi. Trong một ngày, ngài có thể tụng một ngàn bài kệ. Mỗi bài kệ có ba mươi sáu chữ, một ngàn bài kệ có tất cả 36.000 chữ, vậy mà ngài chỉ tụng trong một ngày. Như bộ Kinh Pháp Hoa, ngài chỉ cần một khoảng thời gian hai ngày là học thuộc lòng và có thể tụng ra được. Lúc xưa, tuy ngài là trẻ thơ mà đạo đức và hành vi của ngài chẳng khác gì các vị lão bối, bởi vậy ngài mới có biệt hiệu là Ðồng Thọ.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.2/7/2014.

No comments:

Post a Comment