1. Mở đầu
Con người ai cũng có một khuynh hướng niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo riêng của mình, có điều niềm tin đó được biểu hiện công khai hay chỉ âm thầm lặng lẽ đi theo mà thôi. Xưa nay, người ta vẫn quan niệm rằng: tôn giáo (hay đạo) nào cũng tốt, đạo nào rồi cũng khuyên con người ta bỏ ác làm lành. Nhưng sự thật, như chúng ta thấy, không phải tôn giáo (hay đạo) nào cũng đúng như vậy.
Các bạn đang ngồi đây, tự cho (hoặc có cảm giác), mình là Phật tử, tức là con Phật, là tín đồ của đạo Phật. Trong chứng minh thư của bạn, ở mục tôn giáo, có thể bạn đã ghi tôn giáo của mình là: Phật giáo. Vậy Phật giáo là gì? Đạo Phật là gì? Có ích gì cho bạn? Nếu bạn tự cho mình là Phật tử mà không trả lời được, hoặc không trả lời đúng những câu hỏi ấy thì bạn vẫn chưa bao giờ là Phật tử cả!
Dù vậy, hôm nay các bạn tham gia lớp học này, không phải để các bạn có một ít kiến thức về đạo Phật nhằm trả lời cho những câu hỏi trên, mà chúng tôi muốn các bạn có một ít vốn liếng làm cho cuộc sống của các bạn được giàu có thêm hạnh phúc bằng những bài thực tập mà đạo Phật cống hiến. Để các bạn thấy rằng, đạo Phật hoàn toàn không phải là một tôn giáo, mà là con đường, là phương pháp, là nguyên tắc sống an vui, hạnh phúc. Khi thấy được giá trị đích thực của sự thực tập và hành trì theo đạo Phật, bạn sẽ tự hào mình là Phật tử, và bạn hãy chia sẽ niềm hạnh phúc đó cho người thân, cho bạn bè, cho người mình thương.
2. Đạo Phật là gì?
- Đạo: có ba nghĩa: Ðạo là con đường, Ðạo là bổn phận, Ðạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể.
a) Ðạo là con đường, như người ta thường dùng trong những chữ: nhân đạo, thiên đạo, địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, súc sanh đạo…, tức là con đường dẫn đến cõi người, cõi trời, cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sanh…
b) Ðạo là bổn phận, như người ta thường dùng những chữ: đạo vua tôi, đạo thầy trò, đạo vợ chồng v.v... Phàm là bổn phận thì thường chịu ảnh hưởng của phong tục hay tập quán. Phong tục và tập quán của nước này không giống nước kia. Vì vậy, chữ Ðạo là bổn phận cũng chưa đúng với nghĩa chữ Ðạo mà nhà Phật muốn nói.
c) Ðạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể, nó lìa nói năng, không thể nghĩ bàn. Ðức Lão Tử nói: "Ðạo mà nói ra được thì không phải là đạo tuyệt đối". Xưa có người hỏi một vị Tổ Sư: "Ðạo là gì?". Tổ sư đáp: "Trước Phật Oai Âm Vương, không có tên Phật và chúng sanh, lúc ấy chính là Ðạo".
Chữ Ðạo của nhà Phật chính là đồng nghĩa với bản thể vậy.
- Phật: Tiếng Phạn là Buddha (Phật Ðà), người Trung Hoa dịch nghĩa là Giác Giả, (bực đã giác ngộ, sáng suốt hoàn toàn). Giác có ba nghĩa:
a) Tự giác: Phật là bậc tự giác ngộ, bằng công phu tu tập thiền quán, đoạn trừ phiền não nhiễm ô mà chứng được tự tánh thanh tịnh. Nói cách khác, tự giác là thấy được tự tánh của mình vốn có đầy đủ Phật tánh.
b) Giác tha: Nghĩa là mình đã giác ngộ, lại đem phương pháp giác ngộ ấy dạy cho những người tu hành được giác ngộ như mình.
c) Giác hạnh viên mãn: Giác hạnh là tự giác và giác tha. Giác hạnh viên mãn là tự giác và giác tha đã đến chỗ viên mãn, tròn đầy.
Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn thì thành Phật.
- Phật còn có nghĩa là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Thế Tôn.
1. Như Lai, Tathāgata, dịch âm là Đa-đà-a-già-đà, có nghĩa là từ con đường (đạo) chân thật mà đến và thành chánh giác, cho nên còn gọi là đạo Chân Như.
2. Ứng Cúng, Arhat, dịch âm là A-la-hán, ý chỉ cho người xứng đáng được nhận sự cúng dường của trời và người.
3. Chánh Biến Tri: Samyak-saṃbuddha, dịch âm là Tam-miệu Tam-phật-đà, nghĩa là có khả năng hiểu biết tất cả các pháp.
4. Minh Hạnh Túc: Vidyā-caraṇa-saṃpanna, tức là có đầy đủ Tam minh: Thiên Nhãn, Túc Mạng, Lậu Tận cùng với hành nghiệp của thân khẩu đều viên mãn, đầy đủ.
5. Thiện Thệ, Sugata, dùng Nhất thiết trí làm cổ xe lớn vận hành Bát chánh đạo mà vào Niết-bàn.
6. Thế Gian Giải, Loka-vid, hiểu biết chúng sanh và không phải chúng sanh trong thế gian (tình và vô tình), cho nên biết được con đường thế gian diệt và xuất thế gian.
7. Vô Thượng Sĩ, Anuttara, trong tất cả các pháp, Niết-bàn là cao hơn hết, ở trong hết thảy chúng sanh, Phật là vô thượng.
8. Điều Ngự Trượng Phu, Puruṣa-damya-sārathi, Phật là bậc đại bi, đại trí, lúc nào cũng thương xót chúng sanh, dùng mọi phương tiện, hoặc diễn thuyết, hoặc im lặng, hoặc trách cứ, khéo léo hướng dẫn cho mọi người tu hành, khiến họ thẳng đến Niết-bàn.
9. Thiên Nhân Sư, Śāstā deva-manuṣyāṇāṃ, bậc thầy của trời người, luôn luôn chỉ đạo cho chúng sanh thấy việc gì nên làm, việc gì không nên làm, việc nào thiện, việc nào bất thiện, khiến cho trời người đều được giải thoát phiền não.
10. Thế Tôn, Bhagavat, đầy đủ tất cả các đức hạnh mà người đời tôn trọng, cung kính.
Chữ Phật là một danh từ chung để gọi những bậc đã tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn, chứ không phải là một danh từ riêng để gọi một người nào nhất định. Ai tu hành được chứng quả như đã nói trên đều được gọi là Phật cả.
Như vậy, Ðạo Phật là con đường chơn chánh, hoàn toàn sáng suốt đưa đến bản thể của sự vật, là lý tánh tuyệt đối, lìa tất cả hư vọng phân biệt, mà các đấng giác ngộ hoàn toàn đã phát minh ra. Ðạo Phật gồm tất cả tự lợi và lợi tha, tự giác, giác tha và có công hạnh độ mình, độ người được hoàn toàn thành tựu, rốt ráo viên mãn.
Đạo Phật là con đường đi đến sự thương yêu và hiểu biết (từ bi và trí tuệ); là phương pháp thực tập để chuyển hóa khổ đau, hận thù, phiền não, xây dựng đời sống an lạc, hạnh phúc (ly khổ đắc lạc).
Đạo Phật là con đường, phương pháp thực tập để đạt được Phật quả. Phật quả ai cũng có thể tu thành, ai cũng có khả năng thành Phật; và chúng ta có thể đạt được ngay trong hiện tại, bây giờ, nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết lắng nghe, hiểu biết, nhìn mọi người, mọi vật bằng con mắt và cái tâm thương yêu, luôn chánh niệm tỉnh giác trong mọi công việc, hành động, nói năng và suy nghĩ. Khi sống trong chánh niệm tỉnh giác là ta đã và đang sống với đức Phật, đang sống bằng nhân cách Phật. Thực tập được như thế, bản thân mình sẽ tránh được khổ đau, và không gây khổ đau, đổ vỡ cho những người chung quanh. Đó là sống với tinh thần của Đạo Phật.
3. Lời dạy của đức Phật (Phật pháp)
Những lời dạy của đức Phật được gọi là Phật pháp. Những lời dạy ấy được biên chép lại thành ba tạng kinh điển, gồm: Kinh, Luật, Luận.
a. Kinh: là những lời của đức Phật Thích Ca đã nói khi còn tại thế, để dạy chúng sanh dứt trừ phiền não và đạt đến quả hạnh phúc, Niết-bàn.
b. Luật: là những giới luật mà Phật đã chế ra cho các đệ tử, để các đệ tử răn chừa các điều dữ, tu tập các điều lành, trau dồi thân tâm cho thanh tịnh.
c. Luận: Luận là những sách phần nhiều do các đệ tử Phật làm ra để bàn giải rõ ràng nghĩa lý mầu nhiệm trong kinh, luật hoặc quyết đoán tánh, tướng của các Pháp, phân biệt những lẽ phải chánh đạo và tà đạo, khiến cho người đời khỏi nhận lầm phải trái, chánh tà.
4. Lợi ích của đạo Phật:
- Ðạo Phật, nhờ tinh thần Từ Bi, làm cho xã hội, nhân loại thương yêu nhau hơn.
- Ðạo Phật, nhờ ánh sáng Trí Tuệ, làm cho xã hội, nhân loại bớt si mê lầm lạc, thấy được đâu là giá trị thật, đâu là phỉnh phờ, giả dối.
- Ðạo Phật, nhờ tinh thần Bình Ðẳng tuyệt đối, san bằng được những bất công của xã hội, nhân loại, và làm cho cảnh giới Ta Bà này được sáng sủa, an vui hơn.
5. Học làm Phật
Từ phần trên, chúng ta được biết, đạo Phật là con đường đưa chúng ta thoát khỏi khổ đau, hay con đường chuyển hóa khổ đau, để đạt đến giải thoát, an lạc, hạnh phúc, Niết-bàn, tức là đạt được quả vị Phật. Một con đường như thế chúng ta đợi đến bao giờ mới thực hành? Có nhiều người nghĩ rằng, đạo Phật là con đường tu hành, nhưng bây giờ còn trẻ, mình chưa tu làm gì vội, đợi về già 5, 6 chục tuổi rồi tu cũng chưa muộn. Tuổi còn trẻ mình phải lo làm ăn và hưởng thụ cái đã! Có người còn hiểu lầm đạo Phật là để giành cho người già cả hoặc chán đời. Họ không biết rằng đạo Phật là con đường chuyển hóa, giúp mọi người thoát khổ.
Khổ đau thì đâu phải chỉ có người già hoặc kẻ chán đời mới khổ? Cho nên, “mạc đãi lão lai phương học đạo, cô phần đa thị thiếu niên nhân” (莫 待 老 來 方 學 道,孤 墳 多 是 少 年 人), nghĩa là đừng có đợi đến già rồi mới học đạo, tại vì cứ nhìn vào nghĩa địa thì biết, ở trong ấy có rất nhiều nấm mồ của những người trẻ tuổi.
Nhưng học đạo không có nghĩa là chất chứa tri thức, thuộc lòng lý thuyết để lý luận cho vui. Lý luận về đạo có thể trở thành một thứ tà kiến khác. Có rất nhiều người nói về đạo rất lưu loát, nhưng cái lý thuyết họ nói không dính líu gì đến đời sống của họ cả. Cho nên, chúng ta phải thật cẩn trọng khi học hỏi giáo lý.
Hôm nay chúng ta đã học và biết được thế nào là đạo, thế nào là Phật, thế nào là đạo Phật. Bây giờ cái quan trọng nhất là làm sao thực hành, biến những hiểu biết trên vào cuộc sống của chúng ta?
Trước hết, chúng ta cần phải nhận thức rằng, đạo Phật là con đường đi đến làm Phật, nhưng không phải đợi đến khi nào chết, về bên cõi Niết-bàn mới thành Phật, có hào quang sáng chói, có thần thông biến hóa, và ngồi trên bàn thờ để cho người ta lạy. Hiểu như vậy là sai lầm! Bạn nên biết, trước khi làm Phật, làm Tổ, chúng ta phải làm một con người hoàn thiện, đạo đức trước đã.
Phật được làm bằng chất liệu từ bi và trí tuệ. Từ bi là thương yêu tất cả muôn loài, muôn vật, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái. Trí tuệ là thấy được sự sống của muôn loài nương vào nhau mà sinh tồn, gọi là duyên sinh, cộng sinh, cho nên chúng rất mong manh, thường thay đổi, gọi là vô thường. Chất liệu từ bi và trí tuệ trong mỗi con người của chúng ta ai cũng có. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta biết khơi dậy hạt giống thương yêu và hiểu biết trong tâm mình lên, để cho nó hiện hữu với mình, với những người xung quanh, là chúng ta đang tập làm Phật.
Trong tâm thức của chúng ta có chứa đựng rất nhiều hạt giống. Có hạt giống thương yêu, thương người (đó là hạt giống làm Phật), nhưng cũng có hạt giống của lòng ích kỷ, đố kỵ (hạt giống làm ma, làm chúng sanh). Vì vậy, bằng mọi cách chúng ta phải khơi dậy hạt giống làm Phật trong mỗi chúng ta. Khi tiếp xúc với người khác, mình cũng phải tìm mọi cách để tiếp xúc với hạt giống dễ thương của người ta, và hạn chế khơi dậy những hạt giống không tốt nơi họ. Đó là mình đang tiếp xúc và nuôi dưỡng hạt giống Phật.
Mình phải ý thức rằng, trong tâm mình có những hạt giống làm Phật, và có cả những hạt giống làm chúng sanh. Từ trước đến nay mình không biết được điều đó, cho nên hằng ngày mình chỉ khơi dậy và làm lớn mạnh hạt giống của chúng sanh thôi, không biết cách tiếp xúc và nuôi lớn hạt giống làm Phật. Hôm nay mình được biết, đức Phật ngài thành Phật từ một chúng sanh như mình, và chính miệng ngài đã nói mình cũng có khả năng thành Phật như ngài. Hạt giống làm Phật chính là lòng thương yêu, sự hiểu biết. Ai mà chẳng có lòng thương yêu? Ai mà không biết rằng thương yêu và được thương yêu là hạnh phúc? Vì vậy mình nguyện chỉ sống và tiếp xúc với những hạt giống yêu thương và hiểu biết thôi. Đó là mình đang học làm Phật.
Phật là tỉnh giác. Cho nên, trong mọi công việc hằng ngày, từ việc đánh răng, rửa mặt, ăn cơm, đi học, đi làm… khi nào mình cũng ý thức, tỉnh giác, có chánh niệm thường trực với công việc mà mình đang làm, thì là mình đang sống với tư cách của một đức Phật. Khi mình có chánh niệm trong mọi cử chỉ, hành động, mình sẽ hạn chế được những lỗi lầm, sai phạm, có thể gây đổ vỡ, khổ đau và hiểu lầm cho mình và cho người.
Một đức Phật thì khi nào cũng dễ thương. Vì vậy, nếu mình học Phật mà mình chưa dễ thương, thì cái học của mình chưa có kết quả. Mình phải thật sự dễ thương, trong lời nói, trong hành động và trong suy nghĩ; khi nào mình cũng nghĩ đến mọi người, cũng nói lời ái ngữ, cũng chia sẽ trách nhiệm, công việc cho nhau… đó mới là người Phật tử chân chính.
Trong bài học này, chúng ta phải thực tập cho được cách tiếp xúc và nuôi lớn hạt giống làm Phật trong ta và nơi mọi người. Đó là bài thực tập căn bản. Mình phải có niềm tin khả năng làm Phật nơi bản thân mình, và nơi mọi người, thì cuộc sống của mình mới tràn đầy hy vọng, biết tôn trọng, thương kính nhau. Đức Phật ngài trở thành bậc Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn… cũng bắt đầu từ một con người như chúng ta, cũng phải làm một người dễ thương trước.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.12/7/2014.
No comments:
Post a Comment