Wednesday, 9 July 2014

Khi ấy, Thế Tôn giơ tay dịu dàng rờ đầu và nói với A Nan cùng đại chúng rằng :

-  Có pháp Tam Ma Đề, gọi là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, bao hàm vạn hạnh, là đường lối vi diệu trang nghiêm và cũng là pháp môn đưa đến giải thoát cuối cùng của mười phương chư Phật, nay ngươi hãy chú ý nghe.

Trong kinh Viên Giác, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi thỉnh Phật nói nhân địa pháp hạnh thanh tịnh bổn khởi của đức Như Lai nghĩa là Ngài Văn Thù xin Phật chỉ dạy phương pháp nào mà Như Lai trong khi tu nhân địa đã thực hành để thành tựu đạo quả Bồ-đề tức là thành Phật. Còn trong kinh này, ông A Nan cũng thỉnh Phật chỉ dạy phương pháp nào mà đức Phật đã tu chứng để thành Phật. Đó là pháp Tam Ma Đề. Đây chính là ba thứ thiền quán mà chư Phật mười phương tu thành chánh giác :

1) Tu pháp Xa ma tha tức là tu Chỉ hay cũng được gọi là tu Định.

Nếu chúng sinh biết buông bỏ hết vọng tưởng để tâm được an định thì đây là tu theo “Chỉ”.

2) Tu pháp Tam ma bát đề tức là tu Quán tức là tu Trí Tuệ.

Nếu chúng sinh tu để thấy rõ thân, tâm và cảnh giới là giả, là huyễn hóa, là không chắc thật thì phương pháp nầy là tu theo “Quán”.

3) Tu pháp Thiền Na tức là Chỉ-Quán đồng tu nghĩa là Định-Tuệ song tu. Thiền Na có nghĩa là Tịnh lự. Tịnh là Chỉ tức là Định và Lự là Quán tức là Trí tuệ.

Ba thứ định này là ba giai đoạn trong quá trình tu học. Nói cách khác, Xa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na là những giả đặt danh xưng do mức độ tâm thanh tịnh sai khác. Thí dụ, tâm thanh tịnh của chúng sinh bị nhiễm ô mười phần mà hóa giải được ba phần thì gọi là Xa ma tha, trừ được sáu bảy phần gọi là Tam ma bát đề và nếu trừ được tám chín phần gọi là Thiền na. Đến khi chúng sinh trừ sạch cả mười phần gọi là Thủ Lăng Nghiêm. Tâm đạt được một phần thanh tịnh, chúng sinh có được một phần công đức, cho đến khi rốt ráo viên mãn thì chính là “Thủ Lăng Nghiêm rốt ráo kiên cố”.

Bây giờ nếu chúng sinh mà bên trong buông xả tất cả vọng tưởng và bên ngoài không dính mắc ngoại trần thì đây là tu theo “Thiền Na” tức là trở về sống với Chơn tâm thường trú và Thể Tánh tịnh minh tức là Tánh Giác của mình. Như vậy pháp Tam ma đề chính là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm giúp chư Phật mười phương ba đời thành tựu đạo quả Bồ-đề. Đây là pháp môn vi diệu, thù thắng đưa đến giải thoát giác ngộ.

A Nan đảnh lễ, kính vâng lời Phật dạy.

Đức Phật bảo A Nan :

-    Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng họ, khi mới phát tâm tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy điểm thù thắng nào mà từ bỏ ân ái sâu nặng thế gian để xuất gia?
A Nan bạch với Phật rằng :
- Bạch Thế Tôn! Do con thấy ba mươi tướng tốt thù thắng vi diệu tuyệt đẹp của Như Lai, hình thể sáng chói trong suốt như ngọc lưu ly. Con thường luôn nghĩ những tướng tốt này không phải sanh ra do ái dục. Tại sao vậy? Bởi vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩn. Từ sự uế tạp và thối tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh thể hỗn tạp. Từ đó, không thể sinh ra một thân thể thù thắng, thanh tịnh, sáng rỡ vi diệu như khối vàng tía nầy. Do đó mà con đem lòng khát ngưỡng, theo Phật xuất gia.

Đức Phật nói :

-    Lành thay! A Nan, các ông nên biết, tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, sinh tử liên tục, chỉ vì chẳng biết chơn tâm thường trụ, thể tánh vốn trong sạch sáng suốt, lại nương theo vọng tưởng mà vọng tưởng chẳng thật nên có luân hồi. Mười phương chư Phật cùng một đạo lìa khỏi sanh tử đều do trực tâm, vì tâm hạnh và lời nói ngay thẳng, như thế từ đầu đến cuối, cho đến các ngôi bậc, ở khoảng giữa chẳng có các tướng quanh co.

Cứu cánh vào đạo là yếu tố quan trọng nhất của người phát tâm Bồ-đề để đi đến giải thoát giác ngộ. Dựa theo Phật giáo, xuất gia có những trường hợp như sau :

1) Thân xuất gia, tâm xuất gia. Đây là những bậc xuất gia pháp khí, rất đáng kính trọng, là thầy của Trời, người, ba cõi. Tâm hằng thanh tịnh, trong sáng như pha lê, chiếu suốt mười phương thế giới. Họ là tấm gương sáng chói cho hàng xuất gia và chúng tại gia.

2) Thân xuất gia, tâm không xuất gia nghĩa là những vị tu hành tuy thân đã vào đạo mà tâm vẫn còn đắm nhiễm thế tục, thích việc hý luận thế gian vì thế nơi nào có danh văn lợi dưỡng là có mặt vị này. Vì thế những vị tu hành mà không tu theo Thiền na, nghĩa là họ không nhập định được thì tâm vọng động sẽ nổi lên mà nhà Phật gọi là “thối đọa” nghĩa là tu lâu mà không đạt được gì cả. Lúc đó họ sẽ sinh tâm ham danh lợi, thích tham gia hoạt động chính trị thay vì tu tâm cầu giải thoát. Tại sao? Bởi vì danh lợi, tài sắc lúc nào cũng núp ở trong tâm của con người, nó chỉ đợi có cơ hội để phát hiện cho nên nếu người không nhập vào đại định để có đủ trí tuệ mà tiêu diệt nó thì sự xuất hiện của tham-sân-si chỉ còn là vấn đề thời gian trước hay sau, mau hay chậm  mà thôi. Định không thể diệt được tham-sân-si mà chỉ có thể đè nén nó xuống cũng như cục đá lớn đè lên cỏ làm cỏ không lớn được, nhưng cỏ đâu có chết. Nhưng khi tâm đã định thì trí tuệ lúc bấy giờ sẽ phát sinh làm hành giả trực nhận rất rõ ràng bản chất thật của tham-sân-si mà đối trị và tiêu diệt nó. Nói tóm lại, vị tu hành nào mà còn ham chính trị, còn chạy theo những tham vọng thế tục thì chắc chắn đây là tâm bất định, tâm bất giác, bất an.

3) Thân không xuất gia, tâm xuất gia tức là những người tâm đã thấu suốt pháp giới tánh, trực ngộ chân lý, nhưng muốn hòa mình với thế gian để tùy duyên mà hóa độ chúng sinh. Họ có gia đình, con cái, địa vị trong xã hội, làm ăn buôn bán nhưng không đắm nhiễm bụi trần, tâm hoàn toàn thanh tịnh. Ở Ấn Độ có cư sĩ Duy Ma Cật, ở Việt Nam có Tuệ Trung Thượng sĩ, ở Trung Hoa vào thời Mã Tổ có Bàng Uẩn…cũng nguyện làm thân cư sĩ để độ chúng sinh…

4) Thân không xuất gia, tâm không xuất gia là những người chìm đắm trong ái dục, chạy theo lục dục thất tình nên trôi nổi trầm luân trong lục đạo luân hồi, đời này tan, đời khác đến không tìm ra lối thoát. Họ đâu biết rằng nụ cười thì ít mà nước mắt thì nhiều cho nên Phật mới dạy rằng : ”Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Chúng sinh lặn hụp trong ba cõi, lên xuống trong sáu đường, sinh sinh diệt diệt cho nên Đức Phật cũng dạy rằng : ”Xương chúng sinh chất còn cao hơn núi Tu Di” là vậy.

Khi A Nan thỉnh Phật chỉ dạy về pháp tu Tam ma đề thì Phật không trả lời ngay mà Ngài quay lại gạn hỏi nguyên nhân nào khiến A Nan xuất gia. Phật là bậc y vương cho nên trước khi bốc thuốc cho con bệnh, phải xem xét căn bịnh phát xuất từ đâu bởi vì nếu không hiểu bịnh thì làm sao chữa được bịnh. Nhưng trước khi gạn hỏi A Nan, Phật muốn ông A Nan phải dùng trực tâm tức là tâm thành thật, ngay thẳng, không quanh co dối trá mà trả lời. A Nan vì thấy ba mươi hai tướng tốt của Như Lai, thù thắng vi diệu nên đem lòng khát ngưỡng mà phát tâm xuất gia. Rõ ràng A Nan phát nguyện xuất gia với tâm không chân chính vì thấy sắc tướng mà ái mộ và thương yêu thì đây chính là tâm vọng tưởng.
A Nan tuy thân xuất gia mà tâm chưa vào đạo vì tâm của A Nan còn ham học rộng thích nghe nhiều mà không chịu tu chứng thánh quả A La hán nên tâm A Nan không bao giờ trụ được trong Thiền Na. Tâm không định thì còn bị thế trần cám dỗ cho nên nạn Ma đăng già làm sao A Nan tránh khỏi. Đối với các vị A la hán, tâm hằng thanh tịnh, không còn sắc nhiễm vì các Ngài đã vượt qua dục giới, sắc giới và vô sắc giới nên tà chú Saticala hay sắc đẹp nàng Ma đăng già không thể nào lay chuyển định lực kiên cố của các Ngài. Cứu cánh của kẻ xuất gia là giải thoát giác ngộ, tự độ rồi độ tha chớ không phải chạy theo hình sắc. Vì thế trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng : ”Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai” nghĩa là : ”Nếu thấy ta bằng sắc tướng, nghe ta bằng âm thanh, người nầy đi đường tà, không thấy được Như Lai”. Ý Phật dạy rằng :
Nếu có người cho rằng thấy sắc thân của Phật có 32 tướng tốt, là thấy được Phật, thì ông Chuyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt , hoặc ma nó hiện ra sắc thân Phật có đủ tướng tốt, vậy cũng là Phật hay sao? Hay nghe tiếng nói pháp thanh tao của Phật mà cho là nghe được tiếng Phật, thì tiếng chim Ca-lăng-tần-già, kêu rất thanh tao lảnh lót, vậy cũng là tiếng nói của Phật hay sao? Những người tin tưởng như vậy, là theo tà đạo, không bao giờ thấy được Phật tâm, Phật tánh của mình. Thí dụ như chúng sinh hằng ngày tụng kinh, niệm Phật tức là nương theo âm thanh sắc tướng của Phật để tu, nhưng âm thanh sắc tướng ngay cả của Phật đi chăng nữa cũng là sinh diệt cho nên nếu con người dựa vào thức tâm làm nhân địa tu hành thì làm sao thấy được chơn tâm, Phật tánh của chính mình tức là không thấy được Như Lai vậy.
Đức Thế Tôn muốn chúng sinh tư duy quán chiếu và thực hành lời Phật dạy để thanh lọc những ô nhiễm tham-sân-si mà có thể loại trừ những vẩn đục phiền não chướng và tri kiến chướng. Có hồi quang phản chiếu, có hồi đầu thị ngạn thì mới thấy được bản thể chân như của mình. Vì thế trong tịnh độ, khi chúng sinh niệm Phật đến chỗ “Lục tự Di Đà vô biệt niệm” thì mới có “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Niệm Phật đến chỗ không còn biết mình niệm, tức là vô niệm vô biệt niệm thì âm thanh sắc tướng tan biến đâu còn và Phật tánh Di Đà mới hiện bày. Đó là chứng được Nhất tâm bất loạn hay thành A la hán rồi vậy. Đoạn kinh trên chứng minh rằng cho dù Phật thuyết trong kinh Kim Cang hay kinh A Di Đà thì cũng cùng một ý nghĩa, không sai khác.
Nói cách khác tu hành là dùng tâm chuyển vật nghĩa là chúng sinh điều khiển âm thanh sắc tướng mà có giải thoát giác ngộ. Ngược lại nếu vật chuyển tâm nghĩa là âm thanh sắc tướng điều khiển tâm mình thì suốt đời vẫn là phàm phu tức là thức tâm của mình không tịnh, luyến ái theo sắc pháp bên ngoài, thấy đẹp thì thương nghe hương thì thích, chạy theo lục dục thất tình. A Nan chỉ thấy sắc tướng sinh diệt của Phật nên đem lòng kính yêu mà xuất gia, nhưng thật ra cho dù Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp thì luật vô thường sanh lão bệnh tử có thương xót, bảo tồn những tướng tốt và vẻ đẹp của Ngài mãi mãi được đâu. Một ngày nào đó thì ứng thân của Phật cũng mỏi mòn, già yếu và chết. Chỉ có Pháp thân Phật mới vĩnh viễn trường tồn bất biến và một khi chúng sinh có được chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh thì Pháp thân nầy sẽ hiển hiện trong tất cả mọi chúng sinh chớ không phải chỉ dành riêng cho chư Phật. Ông A Nan vì sống với tâm vọng tưởng cho nên nếu ông đã kính yêu sắc tướng Như Lai được thì sẽ đam mê sắc tướng nàng Ma đăng già. Vì ông A Nan nhân địa phát tâm không ngay thẳng, không chân chính, theo Phật bằng tâm sinh tử nên mới vướng phải nạn Ma đăng già, rơi vào đường đọa lạc. Thật ra, A Nan chỉ là một thí dụ điển hình cho tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay luôn chạy theo tâm vọng tưởng mà sống trong điên đảo khổ đau.

Phật dạy tiếp :

- A Nan! nay tôi hỏi ông : “Ngay khi ông vừa mới phát tâm là do ông thích ba mươi hai tướng tốt của Như Lai. Vậy ông lấy gì để thấy và ông ưa thích cái gì?

A Nan bạch Phật rằng :

- Bạch Đức Thế Tôn! Sự yêu thích như thế là do mắt và do tâm của con. Do mắt thấy tướng thù thắng của Như Lai nên tâm ưa thích và phát tâm nguyện xả bỏ sanh tử.

Phật bảo A Nan :

- Như ông nói, thật chỗ yêu thích là do tâm và con mắt, nếu ông không biết tâm và mắt ở đâu thì làm sao hàng phục được trần lao. Ví như quốc vương, khi có giặc đến xâm chiếm nước mình, muốn phát binh đi trừ dẹp thì cần phải biết giặc trú ngụ nơi nào. Lỗi lầm là ở tâm và mắt khiến ông bị luân hồi. Nay tôi hỏi ông, tâm và mắt của ông hiện đang ở đâu?

A Nan vì thấy Phật có 32 tướng tốt, hào quang sáng chói, trang nghiêm thanh tịnh nên đem lòng kính yêu mà xuất gia theo Phật. Cổ nhân có câu : ”Tâm sanh tướng” cho nên người có tâm thanh tịnh như các vị A la hán, chư Bồ-tát, chư Phật thì tướng mạo hiền hòa, phúc hậu, ai cũng kính yêu. Ngược lại, người hung ác, khó chịu thì tướng diện khô khan, cằn cỗi, đằng đằng sát khí. Vì mắt A Nan thấy vẻ đẹp nên tâm sanh yêu thích cho nên mắt và tâm chính là mấu chốt phát sinh vọng tưởng. Tư tưởng Tây phương cũng có câu : ”Ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn” là cùng một lối nhìn và nhận thức về vọng tâm giống như ông A Nan. Vậy mắt là căn tiếp xúc với trần tức là ứng thân Phật rồi phát sinh ra vọng thức tức là vọng kiến tình thức trong tâm. Mà vọng kiến tình thức gồm có đủ : yêu, thương, ghét, giận, hờn, có, không và nó chính là nguyên nhân của sinh tử luân hồi.
Thật ra, trong tất cả mọi chúng sinh đều có sẵn chơn tâm thường trú không sanh không diệt giống như chư Phật, nhưng chúng sinh từ vô thỉ đến nay luôn chạy theo phiền não vô minh làm che lấp chơn tâm mà sống với vọng thức điên đảo, tức là vọng tâm nên cuộc sống đầy hệ lụy khổ đau. Nếu con người còn thương, còn ghét, còn giận, còn hờn, còn ưa, còn thích, còn ham, còn muốn…thì họ còn đang sống với vọng tâm điên đảo. Nên biết rằng vọng tâm là khách trần, nó đến rồi đi. Còn chơn tâm thì luôn luôn thanh tịnh, luôn ở mãi với chúng sinh, không bao giờ mất, chỉ bị vô minh che lấp. Chơn tâm thì không bao giờ có hờn, giận, tham, muốn, thương, ghét, tốt, xấu mà lúc nào cũng thanh tịnh, không biến đổi theo thời gian và không gian.
Mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây tâm trí con người luôn thay đổi từ buồn giận, thương yêu, ham muốn…thì cái tâm cuồng loạn này luân chuyển theo thời gian và không gian nên gọi là vọng tâm. Những gì làm thỏa mãn bản ngã thì tâm chúng sinh vui, hạnh phúc. Còn những gì đi ngược lại bản ngã thì họ buồn, đau khổ. Cái tâm vui, tâm buồn là vọng tâm còn chơn tâm thì như như bất động, không thay đổi. Vì thế Khế Kinh mới có câu : ”Vô bất tùng thử pháp giới lưu, mạc bất hoàn qui thử pháp giới” nghĩa là không có pháp nào chẳng lưu xuất từ tâm và cũng chẳng có một pháp nào chẳng trở về tâm nầy. Thật vậy, có Phật, có Thánh hiền cũng phát xuất từ tâm, mà tạo ra địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng bởi từ tâm. Do đó, nếu biết dập tắt tâm si mê cuồng loạn thì có thanh tịnh Niết bàn tức là sống với chơn tâm thường trụ của mình. Còn chạy theo lục dục thất tình thì chơn tâm biến mất và vọng tâm sẽ dẫn dắt con người vào chốn trầm luân đau khổ.

Vậy vọng tâm phiền não là căn bản của sinh tử luân hồi và chơn tâm thanh tịnh là căn bản của Bồ-đề Niết bàn.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.9/7/2014.

No comments:

Post a Comment