Một trong những tư tưởng đặc thù của Phật giáo Đại thừa phù hợp với cuộc sống xã hội, nhất là xã hội hiện tại, chính là tinh thần bất nhiễm. Tinh thần này được kinh Bát Đại Nhân Giác đưa lên thành một trong tám điều giác ngộ của bậc Đại Nhân, cụ thể là điều giác ngộ thứ bảy: “Tuy vi tục nhơn, bất nhiễm thế lạc”. Trong bối cảnh hiện tại, con người sống trong một môi trường tràn ngập vật chất, tiện nghi, sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu tham dục và tâm lý hưởng thụ, thì tinh thần bất nhiễm đáng được đưa lên hàng đầu.
Bất nhiễm là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Điều này rất có giá trị, rất phù hợp với đời sống người cư sĩ. Trong kinh nói: tuy làm người thế tục nhưng không bị những thú vui ngũ dục làm cho ô nhiễm. Người Phật tử, sống trong xã hội, phải đương đầu với cơm ăn áo mặc, phải bon chen danh lợi, phải nuôi sống vợ con, nói chung là đời sống bị vây quanh bởi tiền tài, danh vọng, sắc dục… mà giữ đạo tu tập là rất khó. Khó chứ không phải là không làm được. Trong nhiều kinh đức Phật đã đề cao người Phật tử và khuyên họ nên sống với tâm niệm xuất gia, nên sống theo hạnh ly nhiễm. Và đức Phật cũng nói rằng, xuất gia có bốn hạng:
1. Thân xuất gia mà tâm không xuất gia.
2. Tâm xuất gia mà thân không xuất gia.
3. Thân và tâm đều xuất gia.
4. Thân và tâm đều không xuất gia.
Thân xuất gia mà tâm không xuất gia, đó là những người ‘mượn đạo tạo đời’, lơïi dụng chiếc áo để kiếm kế sinh nhai, mưu cầu danh lợi. Hạng ấy Luật tạng gọi là ‘vô đao đại tặc’, tức là một tên đại tướng cướp không cần dao! Còn tâm xuất gia mà thân không xuất gia, ấy chính là người cư sĩ, người Phật tử tại gia. Họ sống giữa cuộc đời, bị bao vây bởi năm món dục lạc, nhưng vẫn giữ giới, cố gắng tu tập hạnh bất nhiễm, quyết chí thiết lập, xây dựng cuộc sống theo hạnh của người xuất gia, với tâm nguyện tạo nhân duyên để có thể được xuất gia trong một ngày mai. Tâm nguyện ấy thật cao quý, thật đáng trân trọng, xứng đáng đứng vào hàng ngũ Thất chúng đệ tử của đức Phật.
Trong lịch sử Phật giáo Việt nam, hình ảnh người cư sĩ tiêu biểu sống cuộc đời bất nhiễm, sống với cái hạnh của hoa sen, ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’, có thể kể đó là Lý Thái Tôn, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, v.v… Đặc biệt là Trần Thái Tông, một vị vua Thiền sư cư sĩ, sống trong địa vị chí tôn, lãnh đạo cả một đất nước thế mà một ngày vẫn có ‘sáu thời sám hối’. Hình ảnh đó không đáng để cho chúng ta nghiêng mình cung kính sao?
Khi Phật giáo Đại thừa phát triển, hình ảnh một tỳ kheo xa lánh chốn thị thành, tách rời cuộc sống xã hội vào sống trong rừng vắng, trong bãi tha ma được thay bằng hình ảnh một tỳ kheo dấn thân hành đạo giữa cuộc đời: cùng sống, cùng đau, cùng buồn, cùng tủi nhục với thân phận con người, với đất nước như bao nhiêu chúng sinh khác nhưng vẫn thanh tịnh, giải thoát. Sống với đời, “nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian”. Đó chính là tinh thần Bất nhiễm. Đó là hình ảnh lý tưởng của một thầy tỳ kheo trong Phật giáo Đại thừa. Hình ảnh đó, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta có thể kể: Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Khuông Việt…
Trong xã hội hiện tại, người xuất gia, mà đặc biệt là người xuất gia trẻ, đang đứng trước một thế giới hào hoa, tráng lệ và đầy cám dỗ. Khoa học công nghệ phát triển, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, đã đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống, phục vụ chu đáo đến tận ngõ ngách vi tế của mọi giác quan của con người. Cho nên, nếu không muốn bị cuốn trôi vào dòng thác loạn điên cuồng của nhịp sống trẻ, người xuất gia phải thể hiện tinh thần bất nhiễm. Sống trong thời đại mới, chúng ta không thể không hoà nhập, nếu không muốn bị lạc hậu, cổ hủ. Tuy nhiên phải hoà nhập và phát triển như thế nào để không bị đắm nhiễm, không bị chi phối là vấn đề quan trọng mà mỗi người xuất gia trẻ chúng ta phải ý thức phản kỷ.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.12/7/2014.
No comments:
Post a Comment