Sunday 13 January 2013

Nội dung kinh Chuyển pháp luân.
Với nền kinh tế, văn hóa và chính trị phát triển mạnh mẽ như vậy nên những quốc gia ở phía Đông của Ấn Độ, xã hội cũng có những chuyển biến và đổi thay rõ rệt.
CHƯƠNG 1
ĐỨC PHẬT VÀ KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

1.1. Lịch sử Đức Phật Thích Ca
1.1.1. Về niên đại Đản sinh
Đức Phật Thích Ca (Sakya Muni) trước kia là thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Maya (Maha Maya), tại một vương quốc nhỏ thuộc bộ tộc Thích Ca (Sakya), nay là vùng biên giới giữa Nepan và Ấn Độ.
Có rất nhiều sử liệu khác nhau về ngày tháng năm ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa cũng như về sự kiện Đản sinh của Đức Phật. Chẳng hạn như Bắc truyền cho rằng sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa ra đời trong kiếp này chỉ là thị hiện nhằm thực hiện hạnh nguyện độ sanh của chư Phật trong khi Nam truyền lại cho rằng sự ra đời này là kiếp cuối cùng để thành Phật của Thái tử Tất Đạt Đa. Trong phạm vi tiểu luận này, tác giả bỏ qua những yếu tố siêu thực nhằm Thánh hóa vị giáo chủ trong tôn giáo chỉ để khái quát những điểm chính yếu về một nhân cách hiện thực đã từng xảy ra trong lịch sử.
Về năm sinh, theo các trụ đá còn để lại của vua A- dục (Asoka), Đức Phật nhập Niết bàn năm 544 trước Tây lịch, nếu tính theo tuổi thọ của Đức Phật theo cả hai truyền thống Nam truyền lẫn Bắc truyền là 80 tuổi thì Đức Phật ra đời vào khoảng năm 623 trước Tây lịch. Tuy nhiên, theo truyền thống Bắc tông, dựa vào truyền thuyết do Sanghabhara đề xướng, Đức Phật nhập Niết bàn vào năm 486 trước Tây lịch và năm Đản sinh của Đức Phật là 566 trước Tây lịch. Cố học giả Hakuji Ui, dựa vào các ấn bản kinh điển bằng tiếng Trung Hoa, Tây Tạng và Sanskrit, lại xác định niên đại của Đức Phật là 466 – 386 trước Tây lịch (xem thêm Hajime Nakamura: Nghiên cứu của người Nhật về niên đại Đức Phật -
Về ngày Đản sinh, có nhiều truyền thống và nhiều quốc gia chọn ngày Đản sinh khác nhau. Chẳng hạn như các quốc gia Tây Vực, ngày Đản sinh được chọn vào ngày thu phân, tháng 9 ngày 22. Tại Tây Tạng, lễ Đản sinh được cử hành vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch và ngày đó được gọi là lễ Son lan chen po (Lễ Đại nguyện). Tại Trung Hoa, theo Pháp uyển châu lâm, đời Đông Tấn (318-420), lễ Đản sinh được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch. Tại Nhật Bản, theo Sử ký Nihonshoki, buổi lễ Phật Đản đầu tiên được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 năm 606 tây lịch. Theo các nước Phật giáo Theravada (Nam truyền), ngày Phật Đản gọi là  Visakha Puja (chữ Sanskrit viết là Vaisakha; Tích Lan: Vesak; Cao Miên: Vissakh bochea; Thái Lan: Vaishaka Puja; Lào: Vixakha bouxa) nhằm kỷ niệm ba biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật là Đản sinh, thành đạo và Nhập Niết bàn mà nay ta gọi là Lễ Tam hợp được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch. Sau thế chiến thứ hai, tại Đại hội kiết tập lần thức sáu được tổ chức ở Miến Điện, các nhà lãnh đạo Phật giáo đã thống nhất trọn ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch làm ngày Khánh đản (xem thêm: Nguyễn Phúc Bửu Tập: Tìm hiểu ngày Sanh của Đức Phật Thích Ca -
Về nơi sinh của Đức Phật, theo các di chỉ khảo cổ học, người ta tìm thấy một cột đá cao 6m5 do hoàng đế A-dục dựng năm 245 trước tây lịch tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) trên đó có khắc dòng chữ: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì đức Phật Thích-ca Mâu Ni, bậc Hiền Nhân của bộ tộc Thích-Ca, đã đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống 1/8" và một phiến đá tương tự cũng được tìm thấy trong một ngôi chùa nhỏ ở Lâm tỳ ni có ghi sự kiện hoàng hậu Maya sinh hoàng tử trong lúc vịn cành cây Sa la. Như vậy, Ca tỳ la vệ (Kapilavatthu) mặc dù là quê hương của Đức Phật nhưng chính Lâm Tỳ ni (nay là Rumindai) mới chính là nơi sinh của Thái tử.
Theo Kinh Bổn sanh để lại, sau khi Thái tử hạ sinh được bảy ngày thì Hoàng hậu Maya qua đời. Thái tử được giao cho bà mẹ kế là Maha Ba xà Ba đề (Pajàpati) chăm sóc. Trong ngày lễ đặt tên cho Thái tử, có một vị hiền triết tên là A tư Đà (Asita), vốn là một vị tế sư của hoàng tộc Gotama, tiên đoán Thái tử trong tương lai, hoặc sẽ trở thành một vị Phật, hoặc sẽ trở thành Chuyển Luân Thánh Vương, Vua Tịnh Phạn liền đặt tên cho Thái tử là Tất Đạt Đa (Siddhattha), nghĩa là người thành tựu mọi ước nguyện.
1.1.2.                Thời niên thiếu
Thái tử Tất Đạt Đa, tuy mới sinh ra đã mất mẹ nhưng không vì vậy mà thiếu đi sự chăm sóc và tình yêu thương của người thân, đặc biệt là bà kế mẫu Ba xà Ba đề. Trong các kinh điển để lại, Đức Phật thường đặc biệt nhắc đến công giáo dưỡng của bà với một sự tri ân sâu sắc.
Là một Hoàng tử con của một vị quốc trưởng, việc được chăm sóc đặc biệt là một chuyện bình thường. Theo kinh điển Pali, Thái tử rất được nuông chiều, được ở trong ba cung điện khác nhau tùy theo mùa. Trong Tăng Chi 1, Đức Phật kể lại rằng: "Này các Tỷ kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá mức tế nhị. Trong cung của Phụ vương Ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả đều phục vụ cho Ta. Không một hương chiên đàn nào Ta dùng, này các Tỳ kheo, là không từ Kasi đến. Bằng vải Kasi là khăn của Ta, này các Tỳ kheo, bằng vải Kasi là áo cánh, bằng vải Kasi là áo lót, bằng vải Kasi là áo khoác ngoài. Đêm và ngày, một lọng trắng được che trên đầu Ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỳ kheo, tại lâu đài mùa mưa, Ta được các vũ nhạc công đờn, múa hát xung quanh Ta..." (Tăng Chi 1, 161 - 162). Về học vấn, Thái tử được sự dạy dỗ của tất cả các hiền tài đương thời về mọi môn học, kỹ nghệ như Y phương minh, Công xảo minh, Thanh minh, Nhân minh, Nội minh, võ thuật, bắn cung… Theo các truyền thuyết kể lại, các thày dạy học cho Thái tử chỉ có thể dạy trong vài ngày rồi sau đó đều thoái lui bởi họ không còn gì để dạy trước sự thông minh và uyên bác của Thái tử. Tuy nhiên, ngay trong những năm đầu đời, dù được học qua tất cả các học thuyết Veda, võ nghệ… nhưng thiên tính bẩm sinh của Thái tử là đời sống tinh thần nên cuộc sống thế tục, sung sướng và đầy đủ cũng không làm cho Thái tử thêm vui. Kinh Tăng Chi bộ, chương ba, có ghi lại lời của Đức Phật kể rằng:
"Này các Tỳ-kheo, ta đã sống cuộc đời rất được nuông chìu trong cung phụ vương. và này các Tỳ-kheo, giữa cuộc đời đầy hạnh phúc ấy tư tưởng này thường nảy lên trong trí ta: " Quả thật một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn, chính kẻ ấy bị tuổi già chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một người già nua. Song phần ta cũng bị tuổi già chi phối và không thể thoát được chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về tuổi trẻ đều rời bỏ ta".
 Quả thật, một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn, chính kẻ ấy phải bị bệnh tật chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một người bệnh hoạn. Song phần ta cũng phải bị bệnh tật chi phối và không thể thoát khỏi chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về thể lực đều rời bỏ ta".
Quả thật, một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn, chính kẻ ấy phải chịu cái chết chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một tử thi. Song ta cũng phải bị cái chết chi phối và không thể thoát được chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về đời sống đều rời bỏ ta”. (AN 3.38).
Khi Thái tử được 16 tuổi, nhớ lại lời tiên tri của hiền triết A tư đà cũng như thiên hướng nội tâm của Thái tử, Vua Tịnh Phạn quyết định ràng buộc Thái tử vào đời sống thế tục bằng việc kết duyên cho Thái tử với công chúa Da Du đà la (Bhaddakaccànà, nhưng trong Kinh Ðiển Pàli, nàng còn có tên Bimbadevì, Yasodharà,), con gái vua Thiện Giác (Suppabuddha, hay theo các nguồn tài liệu về sau, vua này tên Dandapàni)
1.1.3.                Thời kỳ xuất gia học đạo
Với thiên tính thích suy tư, lại không bị ràng buộc với thú vui nhục dục, yêu thích thiên nhiên và thưởng ngoạn nên trong những lần dạo quanh các thành trì, Thái tử chứng kiến được những cảnh khổ đau do sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người, từ đó liên hệ đến bản thân, Thái tử đâm ra chán ngán đời sống thế tục, nuôi dưỡng quyết tâm xuất gia cầu đạo. Nhưng do bị cản ngăn bởi vua cha và những ràng buộc về mặt địa vị, Thái tử đã phải vượt tường thành trong đêm tối cùng với người nô bộc Xa nặc (Channa) và con ngựa Kiền trắc (Kantara), bỏ lại sau lưng tình cảm quyến luyến của gia đình và ngai vàng quyền lực tương lai. Năm đó, Thái tử vừa tròn 29 tuổi (khoảng năm 534 trước Tây lịch). Rất nhiều nhà nghiên cứu coi đây là một sự từ bỏ vĩ đại, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người (xem thêm Thích Minh Châu: Lịch sử Đức Phật Thích Ca -  và Thích Thanh Chương: Cuộc hành trình vi diệu -
Sau khi rời bỏ hoàng cung, Thái tử ở trong khu rừng có tên là Anupiya Ambavana trong vương quốc Malla rồi chuyển đến vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), từ chối sự thỉnh cầu của vua Tần bà sa la (Bimbisàra) và lên đường học đạo với hai hiền triết nổi danh nhất thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai ông đều là nhà tri thức lỗi lạc với rất đông đồ chúng theo học. Sau một thời gian theo học hai vị đạo sỹ này, Thái tử nhận thấy những gì đã thực nghiệm được vẫn chưa phải là chân lý tối hậu nhằm giải đáp rốt ráo vấn đề sinh tử nên Thái tử đã từ bỏ hai ông này, tự mình tìm kiếm một pháp môn tu tập riêng.
Tại thị trấn Uruvela vùng Senàni, bên cạnh dòng sông Neranjarà (ngày nay là Nìlajanà), Ngài quyết tâm tu theo phương thức khổ hạnh ép xác cùng với 5 anh em ông Kiều Trần Như (Kondana, Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji). Quá trình tu khổ hạnh ép xác như vậy ròng rã suốt 6 năm trời khiến cơ thể Thái tử khô đét chỉ còn bộ xương, đôi mắt sâu hoẵm xuống, đôi chân yếu đến độ không thể cất bước đi được. Đức Phật đã kể lại hoàn cảnh của Ngài lúc đó như sau: "Vì ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân ta như các lóng tre khô đầy khúc khỉu. Hai bàn tọa của ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Ðồng tử của ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo. Nếu ta muốn sờ da bụng thì ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay ta". (MN 12.52 _ MN 36.21)
1.1.4.                Thời kỳ Thành đạo
Trước sự tàn tạ của thể xác, Thái tử nhận thấy rằng con đường khổ hạnh không phải là phương pháp hữu hiệu để tìm kiếm chân lý, do vậy Ngài đã quyết định sinh hoạt trở lại bình thường. Những người bạn đồng tu với Thái tử cho rằng Ngài đã thoái chí nên cùng nhau rời bỏ Thái tử, đến vườn Nai ở Isipatana tiếp tục con đường của mình.
Còn lại một mình, Ngài quyết tâm vận dụng những kinh nghiệm thiền định đã đạt được từ trước, cộng thêm môi trường sinh hoạt vừa đủ, với tâm định tĩnh và thanh tịnh, bất động, nhu nhuyến, không còn cấu uế, thoát ly mọi lậu hoặc, Ngài dần dần chứng đắc Thánh quả. Quá trình chứng đạt chân lý tối thượng được Ngài mô tả khá chi tiết như sau:
 "Ta nhớ lại nhiều kiếp quá khứ mà ta đã trải qua: một đời, hai đời, ba, bốn, năm, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, một trăm, một ngàn, một vạn trong nhiều thành kiếp hoại kiếp của thế giới ... Ta biết: Ta đã ở nơi kia, tên họ như vậy, gia tộc như vậy, đẳng cấp như vậy, lối sống như vậy. Ta đã trải qua các sự rủi may của số phận như vậy và mệnh chung như vậy. Sau khi thân hoại, ta lại tái sanh nơi khác, với tên họ như vậy ... và rồi mệnh chung như vậy. Bằng cách này, ta nhớ lại các đời sống quá khứ với nhiều đặc điểm trong nhiều hoàn cảnh. Ta đạt được minh trí (vijjà) này trong canh đầu đêm". (Khoảng 9 giờ tối đến nửa đêm) (MN 36.26)…
"Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy cách chúng hữu tình sanh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao sang hay hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi người đều được tái sanh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình và ta biết rõ: "Những kẻ nào đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh vào khổ cảnh, chúng sẽ vào đọa xứ, địa ngục. Song những kẻ nào tạo thiện nghiệp về thân, khẩu, ý sẽ được tái sanh cõi lành, sẽ lên thiên giới". (MN 36.27)…
“Ta hướng tâm đến Lậu Tận Trí, đoạn tận lậu hoặc (àsavà) và biết như thật: "Ðây là Khổ (Dukkha), đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt và đây là con đường đưa đến Khổ diệt” và khi ta nhận chân điều này, trí ta được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Rồi tri kiến khởi sanh trong ta: “Sanh đã đoạn tận trong ta. Ta đã hoàn thành đời Phạm hạnh, những gì cần làm đã được làm xong, ta không còn tái sanh nữa". (MN 36.28)…
Đêm đó, Thái tử vừa tròn 35 tuổi (năm 525 trước tây lịch) và gốc cây assatha nơi Ngài ngồi thiền định được đổi tên thành cây Bồ đề (Bodhi) và khu vực xung quanh nay được gọi là Bồ Đề Đạo tràng (Bodhi-gaya).
1.1.5.  Thời kỳ Chuyển bánh xe pháp
Ngay sau khi chứng đạt được Thánh quả, Đức Phật còn do dự chưa vội vàng chuyển bánh xe pháp nhưng hình ảnh hồ sen với những cọng sen đã nhô ra khỏi mặt nước, có những cọng sen lưng chừng và những cọng sen còn chìm sâu trong nước khiến Ngài liên tưởng đến căn cơ bất đồng của mọi người, từ đó Đức Phật quyết định lên đường chuyển Pháp luân nhằm chuyển mê khai ngộ cho những người còn lầm đường lạc lối.
Đối tượng Đức Phật nghĩ đến đầu tiên là hai vị thầy cũ là Alàra và Uddaka nhưng họ đã qua đời, tiếp đó Ngài nhớ đến năm anh em đồng tu với mình, hiện vẫn đang khổ hạnh tại vườn Nai thành Banares (Bàranàsi). Sự kiện này được ghi lại đầy đủ trong bộ kinh Dhammacakkappavattana, có nghĩa là "chuyển bánh xe Pháp".
Sau khi hóa độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như, Phật giáo chính thức hình thành 3 ngôi báu (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo). Quá trình chuyển vận bánh xe pháp mà Đức Phật đã chứng đắc được thực hiện liên tục trong suốt 45 năm trời không ngừng nghỉ. Trong quá trình xây dựng giáo đoàn, mở rộng giáo hội, Phật giáo không phân biệt nam hay nữ, quý tộc hay nghèo hèn, tri thức hay ngu đần… miễn có cơ hội và căn duyên đều được Đức Phật thu nhận, nổi bật trong số đó là toàn bộ thân bằng quyến thuộc như vua Tịnh Phạn, vợ Da Du đà la, con trai La Hầu La, kế mẫu Ba Xà Ba Đề, em trai Anan, anh họ Đề Bà Đạt Đa… tri thức Bà la môn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… trưởng giả giàu có như Cấp Cô Độc, Visakha…vua quan quyền tước như Vua Pasenadi, Bimbisara…Nghèo khổ như Cunda, Ưu ba ly… thấp hèn như Tướng cướp Angulimala, kỹ nữ Ambapali…
1.1.6.                Nhập Niết bàn
Đến tuổi 80, nhận thấy con đường thuyết giáo độ sanh đã viên mãn nên Đức Phật quyết định nhập Niết bàn. Trên đường từ Vaisali đến Kusinara, Ngài thọ nhận bữa ăn cuối cùng của người thợ rèn Cunda và đến đêm thì bị kiết lỵ nặng. Ngài liền đến vườn cây Sala ở Kusinara, nằm tĩnh dưỡng và cho phép tứ chúng được hỏi những điều còn nghi ngờ về giáo pháp của Đức Phật. Câu nói cuối cùng của Đức Phật dành cho tứ chúng là: "Này các Tỳ-kheo, ta khuyên bảo chư vị: Các pháp hữu vi (các hành: sankhàra) đều vô thường, chịu biến hoại. Hãy nỗ lực tinh tấn (để đạt giải thoát)!".(DN 16. 6. 7). Sự kiện này được các sử gia ghi nhận là vào năm 483 trước tây lịch.
1.2.      HOÀN CẢNH XUẤT HIỆN KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
1.2.1.        Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội
Ấn Độ khoảng thế kỷ VI đến V trước Tây lịch có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và sinh hoạt tư tưởng có bước phát triển vượt bậc. Các đô thành như Savathi (Xá-vệ) thuộc Câu-tát-la, Rajagaha (Vương-xá) thuộc Ma-ha-đà, Kosambi (Kiều-thưởng-di) thuộc Vamsa hay Vasali (Phệ-xá-ly) thuộc Bạt-kỳ … đều trở thành những khu dân cư sầm uất. Đặc biệt là Mahađà, ngoài Câu tát la ra thì không nơi nào hơn nổi. Đánh giá nền kinh tế của những nước này, Hòa Thượng Thích Mãn Giác có viết: “… vừa tiền nhiều; vua, quan, quý tộc, đại phú thương, đại phú gia đều là những nhà đại tư bản, quy tụ lại những đô trấn lầu các nguy nga, sống đời vương giả, tài nguyên dồi dào vào bực nhất, nên dù sản xuất hay mậu dịch cũng đều phải tổ chức thành tổ hợp xã mới đủ sức hoạt động trên bình diện quy mô từ quốc nội ra quốc ngoại. Vương tộc tại bốn nước này cũng theo mức tư bản đồ sộ, được củng cố tuyệt đối, tỏ rõ những đặc thái của những xứ sở có uy thế của kinh tế, tài chính, của chính trị phồn hưng nên đè bẹp hẳn thần quyền của Bà la môn giáo” (810, 109).
Với nền kinh tế, văn hóa và chính trị phát triển mạnh mẽ như vậy nên những quốc gia ở phía Đông của Ấn Độ, xã hội cũng có những chuyển biến và đổi thay rõ rệt. Dù vẫn còn phân chia tập cấp nhưng thứ tự các tập cấp cũng đã có đảo lộn. Trước kia, Bà la môn giáo tự cho mình sinh ra ở miệng của Purusha hay Phạm Thiên, tự phong cho mình địa vị tối cao nhưng do sự phất lên của các đẳng cấp khác, đặc biệt là Sát đế lợi, tầng lớp quân nhân, chính trị nên đẳng cấp Sát đế lợi đã vượt lên trên đẳng cấp Bà la môn. Sự phản ứng của người dân đối với các học thuyết Bà la môn giáo mạnh mẽ đến độ “Này hỡi ông già ngu muội kia! Những người như chúng tôi mà theo đạo của ông thì bị xếp vào hạng nô lệ chứ gì? Ông có coi xứ sở chúng tôi chăng? Nô lệ như chúng tôi đây đều tiền sẵn, thóc thừa, vàng bạc đeo đầy người. Muốn ăn, muốn ngủ, muốn làm gi tùy ý. Ai vừa lòng chúng tôi, thì giúp lấy tiền, ai không vừa lòng thì bỏ mặc đấy mà về chẳng ai hành hạ được mình cả. Liệu ông là Bà la môn, ông có chịu phận ngồi ngang với chúng tôi chăng? Ông có chịu kết thông gia với chúng tôi chăng?” (810, 110). Như lời học giả Kimuara Taiken, đến thời kỳ Đức Phật ra đời, văn minh Bà La môn chuyển thành văn minh Sát Đế lợi.
1.2.2.                Tình hình sinh hoạt tư tưởng
Sự chuyển biến về mặt kinh tế có tác động trực tiếp đến tình hình sinh hoạt học thuật, phong cách tư duy cũng như nội dung của các học phái. Điển hình là tính chất và đối tượng tư duy, trước kia nặng về hình thức, đượm màu thi ca, siêu hình thì nay chuyển hẳn về thực tại sống sinh động, gần gũi với con người hơn. Điều đó còn biểu hiện rõ ràng hơn trong việc ra đời hàng loạt trường phái mới, chống lại chủ nghĩa Bà la môn giáo và Veda – Upanishad cũng có mà khác biệt với chủ nghĩa chính thống cũng có.
Các nhà nghiên cứu khi xem xét tình hình sinh hoạt học thuật thời Đức Phật thường chia thành hai trào lưu riêng biệt là trào lưu chính thống và trào lưu phi chính thống. Trào lưu chính thống lấy Kinh Veda và Upanishad là kinh điển chính còn các trào lưu khác biệt hay chống lại kinh Veda và Upanishad thì coi đó là trào lưu phi hay phản chính thống (xem thêm….)
Một cách phân loại khác, chi tiết hơn lại chia các trào lưu tư tưởng đó thành 4 loại chính: Bà la môn giáo chính thống, trào lưu tín ngưỡng dân gian, trào lưu lấy Veda và Upanishad làm tư tưởng chính nhưng có phát triển thêm như Du già, Số luận, Chính lý… và cuối cùng là trào lưu phi chính thống (xem thêm Thích Nguyên Hiền: Bối cảnh xã hội và tư tưởng khi Đức Phật Thích Ca ra đời, http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/152-boicanhthoiPhat.htm).
Ngoài ra, có một số nhà nghiên cứu dựa vào các kinh điển của Phật giáo, cụ thể là Kinh Sa Môn Quả, có nói đến Lục phái mà trong kinh điển thường gọi là “Lục sư ngoại đạo phái”:
1. Phú-lan-na Ca-diếp (Purana Kassapa) : cho rằng việc làm thiện ác là do tập quán chứ không có một nghiệp căn tương ứng nào vì thế mà không tin bất cứ điều gì hay hoài nghi tất cả.
2. Mạt-già-lê Câu-xá-la (Makkholi Gosala) : duy tự nhiên, tất cả mọi hành vi thiện ác, ngay cả chuyện giải thoát đều tuân thủ theo một quy luật tự nhiên, con người không thể quyết định hay nỗ lực được điều gì.
3. A-di-đa Kê-sa-khâm-bà-la (Ajita Kesakambali) : chủ trương Duy vật luận. Con người do tứ đại hợp thành, chết rồi là hết, nên tận hưởng những khoái lạc, bác bỏ luân lý.
4. Phù-đà Ca-chiên-diên (Pukudha Kaccayana) : chủ trương Duy tâm luận, cho rằng tâm vật bất diệt, sự sống chết của con người chỉ là sự tụ tán của những yếu tố tạo thành con người, còn những yếu tố ấy thì không bao giờ bị tiêu diệt.
5. Tán-nặc-da Tỳ-la-lê-tử (Sãnyaya bellatthyputta) : theo chủ nghĩa cảm hứng, có vẻ ba phải. Nếu cảm thấy thế nào thì nói thế ấy đối với thế giới hiện tượng, không xác quyết là có hay không, đúng hay sai.
6. Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử (Nigandhà netaptta) : chủ trương Vận mệnh luận, lấy đó làm cơ sở để thuyết minh tất cả. Còn về sự thực hành thì lấy sự khổ hạnh cực đoan và nghiêm trì giới bất sát làm đặc sắc. 
Nhìn chung, về sinh hoạt học thuật, thời kỳ Đức Phật ra đời, tư tưởng triết học Ấn Độ có những bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, phong phú về trường phái chứ không còn thống nhất ở kinh Veda hay Upanishad trước kia. Các trường phái ra đời trong thời kỳ này có thể ví như hoa rộ nở giữa mùa xuân, mỗi trường phái đều có những cách thức giải thích khác nhau, đôi khi chống đối nhau trong việc lý giải về bản chất thế giới cũng như phương thức thực hiện nhằm đưa đến giải thoát cuối cùng. Chính sự phát triển vượt bực này không chỉ tạo ra tiền đề cho Phật giáo trong việc góp nhặt tinh hoa của các trường phái khác mà còn là cơ sở để Phật giáo bổ sung, chỉnh lý và sửa chữa những ưu khuyết của các học phái khác, hình thành nên một tôn giáo mới – Phật giáo, vừa kế thừa truyền thống, vừa có những cái mới tạo nên bước ngoặt căn bản trong dòng chảy chung của triết học Ấn Độ.
1.3.      Bố cục tác phẩm.
Kinh Chuyển Pháp luân là bộ kinh đầu tiên được Đức Phật tuyên thuyết ngay sau khi chứng quả vô thượng Bồ đề. Bài kinh được thuyết cho 5 anh em ông Kiều Trần như – những người đồng tu khổ hạnh cùng Đức Phật dạo trước.
Bài pháp đầu tiên của đức phật gọi là Dhammacakka. Phạn ngữ này thường được phiên dịch là "Vương Quốc của Chân Lý", "Vương Quốc của sự Chánh Đáng", "Bánh Xe Chân Lý". Theo các nhà chú giải, danh từ Dhamma ở đây có nghĩa là trí tuệ hay sự hiểu biết, và Cakka là thành lập hay củng cố. Như vậy, Dhammacakka là thành lập, hay củng cố trí tuệ. Dhammacakkappavattana là "Trình Bày Sự Củng Cố Trí Tuệ". Dhamma cũng có nghĩa là chân lý và Cakka là bánh xe. Do đó, Dhamma-cakkappavattana là "Vận Chuyển hay Củng Cố Bánh Xe Chân Lý".
Trong bài Pháp cực kỳ quan trọng này Đức Phật truyền bá con đường gọi là "Trung Đạo" mà Ngài đã khám phá, mà cũng là tinh hoa của giáo lý Ngài. Mở đầu bài Pháp, Đức Phật khuyên năm vị đạo sĩ khổ hạnh nên xa lánh hai lối tu cực đoan là lợi dưỡng và khổ hạnh vì cả hai không thể dẫn đến trạng thái tuyệt đối Thanh Bình An Lạc và Toàn Giác. Lợi dưỡng làm chậm trễ tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh làm giảm suy trí thức. Ngài chỉ trích cả hai vì chính bản thân Ngài đã tích cực sống theo lối cực đoan ấy và kinh nghiệm rằng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh. Rồi Ngài vạch ra con đường vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích. Đây là con đường duy nhất dẫn đến tình trạng trong sạch hoàn toàn và tuyệt đối giải thoát.
Nội dung bài kinh có thể được chia làm 2 phần:
Phần 1: Phê phán những quan điểm sai lầm của các trường phái tu tập khác.
Phần 2: Những nội dung được Đức Phật giác ngộ và trình bày cho 5 anh em ông Kiều Trần Như nói riêng và cho đệ tử Phật nói chung: học thuyết về Trung đạo và học thuyết về Tứ diệu đế. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.14/1/2013 ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment