Saturday, 12 July 2014

CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO.

Trong quá trình hình thành và phát triển, con người luôn khát khao tìm cầu hạnh phúc, thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần, họ luôn muốn khám về con người và thế giới vũ trụ. Đó là nguyên nhân hình thành tôn giáo và học thuyết, triết học. Tại đất nước Ấn Độ vào thời xa xưa, khoảng 4000 năm trước Công nguyên, đã nỗi danh về một nền văn minh gọi là nền Văn minh sông Ấn. Nhưng có lẽ còn nỗi danh hơn cả là ở xứ sở này đã sản sinh ra rất nhiều nhà hiền triết và giáo chủ lỗi lạc. Kinh Phạm Võng (Trường A-hàm) đã ghi nhận có tất cả 62 trường phái học thuyết triết học khác nhau và nỗi bật nhất thời bấy giờ. Chính đức Phật khẳng định rằng, tư tưởng của nhân loại luôn luận bàn về quá khứ tối sơ (tức khởi nguyên của vũ trụ), hay luận bàn về tương lai, hay luận về quá khứ tối sơ và tương lai, tất cả đều có những quan niệm sai khác nhau, nhưng tất cả đều nằm trong 62 trường phái triết học này, không thể ra ngoài, vì vậy đức Phật đặt tên cho bản kinh là Phạm võng, có nghĩa là tấm lưới bủa khắp tất cả tư tưởng của nhân loại.

Trong 62 trường phái triết học, có những trường phái đã được hình thành từ sự chứng nghiệm tâm linh ở một mức độ nào đó nhờ tư duy, thẩm sát và thiền định. Tuy nhiên, những chủ thuyết này ra đời phần lớn là dựa vào những cảm thọ, do sự xúc chạm qua sáu xứ. Và vì duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi, dẫn đến sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi. Cho nên, những trường phái triết học này, mặc dù được kinh nghiệm từ tâm linh, nhưng không đưa đến an lạc và giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Đức Phật tuyên bố rằng, đối với 62 học thuyết đó, Ngài đều có kinh nghiệm và khẳng định rằng, nó phát sinh từ kinh nghiệm cảm thọ và chấp thủ cảm thọ. Đức Phật đã không bằng lòng với những kinh nghiệm tâm linh đó.

Đáng chú ý nhất trong 62 trường phái học thuyết triết học thời bấy giờ là hai trường phái có chủ trương trái ngược nhau: hưởng thụ và khổ hạnh.

Trường phái hưởng thụ là những người chủ trương sống theo chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa khoái lạc, do ông Carvakas sáng lập ra. Theo ông này, con người chết là hết, là chấm dứt tất cả, không có tội phước, không có đời sau, chỉ có thế gian hiện tại là thực tiễn. Chủ trương như vậy, cho nên trường phái này kêu gọi mọi người “hãy ăn, uống và tận hưởng mọi lạc thú, vì cái chết đến với tất cả”. Đối với những người theo trường phái này, “đạo đức là một ảo tưởng, chỉ có khoái lạc là thực tiễn. Chết là mức cuối cùng của đời sống. Tôn giáo là một thác loạn điên cuồng, một chứng bệnh thần kinh”. Đây là trường phái chấp đoạn, tuyệt diệt, sống sa đoạ, thô tục, thấp hèn.

Trong khi đó, một trường phái khác hoàn toàn ngược lại, chủ trương rằng chỉ có đời sống khổ hạnh khắt khe mới có thể đưa con người đến giải thoát. Đó là một lý thuyết thuần tuý đạo đức mà những nhà tu khổ hạnh thời bấy giờ bênh vực một cách mạnh mẽ và cũng được đông đảo quần chúng xã hội ủng hộ, xem những nhà tu khổ hạnh như là những biểu tượng của đạo đức giải thoát.

Đức Phật khi còn là Thái tử, dù Ngài không phải là tín đồ của trường phái chủ trương sống hưởng thụ vật chất, nhưng đời sống của một bậc vương giả thì không có gì thiếu thốn, và Ngài đã cảm thấy đời sống ấy quả thật quá thấp hèn. Sau khi xuất gia, trải qua sáu năm thực hành đúng theo tôn chỉ của trường phái khổ hạnh với mọi hình thức, vượt lên trên cả những bậc thầy về khổ hạnh, nhưng rồi Ngài cũng nhận ra rằng lối tu khổ hạnh quả thật là vô ích. Từ đó, Ngài thay đổi phương pháp tu tập và thực hành theo phương pháp Trung Đạo. Và quả nhiên, bằng phương pháp tu này, Ngài đã đạt được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Sau khi đắc đạo, đức Phật suy xét không biết có nên tuyên thuyết giáo lý mà Ngài chứng ngộ cho người đời hay không, hay chỉ nên giữ riêng cho mình, vì giáo lý mà Ngài chứng ngộ quá cao siêu, khó thấy, khó hiểu, dựa trên thực nghiệm, tuyệt diệu, không phải do lý luận, tế nhị, chỉ có bậc trí mới thấu triệt được mà thôi. Hơn nữa, chúng sanh trong thế giới này thì thích thú dục lạc, song giáo pháp mà đức Phật chứng ngộ thì hướng đến viễn ly, ly tham, ái diệt. Nghĩ như vậy, đức Phật định vào Niết-bàn. Nhưng vì lòng từ bi mẫn, thương xót chúng sanh chìm đắm trong sinh tử khổ đau, nên Ngài lại nghĩ: “Có những cây mọc từ trong nước, trưởng thành trong nước, sống trong lòng nước, và sởn sơ tươi tắn trong nước. Có những cây sanh trong nước, trưởng thành trong nước, và ló dạng trên mặt nước. Có những cây khác sanh trong nước, trưởng thành trong nước và vượt lên khỏi mặt nước, không vướng chút bùn nhơ. Cũng vậy, chúng sanh kẻ ít người nhiều đều có bụi trong mắt, người thông minh sáng suốt, kẻ ngu muội tối tăm, bẩm tánh của người này tốt, người kia xấu, có chúng sanh dễ dạy, cũng có chúng sanh khó dạy, và một số ít khác, với lòng biết lo sợ, nhận thấy mối hiểm họa của một kiếp sống trong tương lai, chắc chắn nghe được giáo pháp”. Với niềm tin tưởng và hy vọng như vậy cùng với lòng từ bi cao cả, đức Thế Tôn lên đường chuyển bánh xe pháp.

Đức Phật lên đường hoằng pháp và bài pháp thoại đầu tiên được tuyên thuyết tại vườn Lộc Giả, Isipatana, gần Benares. Bài pháp thoại đầu tiên này được gọi tên là Chuyển Pháp Luân, khởi đầu sự nghiệp hoằng pháp của đức Phật. Đối tượng của bài pháp thoại này chính là các ông Kondañña, Vappa, Bhaddiya, Mahā nāma và Assaji, năm người bạn đồng tu khổ hạnh với đức Phật trước đây. Nội dung của bài pháp thoại trình bày Pháp Trung Đạo và nêu lên hệ thống Bốn Chân Lý.

Đức Phật dạy:

“Này các bạn đồng tu, có hai cực đoan mà người xuất gia không nên vướng mắc. Đó là hai cực đoan nào? Một là đắm mình vào dục lạc, thấp kém, tầm thường, hạ liệt, không xứng đáng bậc Thánh, không ích lợi. Mặt khác là chuyên tâm khổ hạnh ép xác, gây khổ đau, không xứng đáng bậc Thánh, và cũng không lợi ích.

“Này các bạn đồng tu, Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này, và tìm ra Trung Đạo, chính là con đường khiến cho ta thấy và biết, con đường đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết-bàn”.


Đây là những lời pháp nhũ đầu tiên được ban phát, nhưng đã gói trọn tinh hoa của giáo lý giác ngộ giải thoát. Đức Phật giảng giải rằng, đắm mình vào dục lạc hay ham thích đời sống lợi dưỡng sẽ làm chậm trễ tiến bộ tinh thần. Còn khổ hạnh sẽ làm giảm suy trí thức. Chính bản thân đức Phật đã trải qua hai lối sống cực đoan này và kinh nghiệm rằng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh. Rồi Ngài chỉ ra con đường mà chính Ngài đã khám khá, vô cùng thực tiễn và hữu ích. Đây là con đường duy nhất dẫn đến tình trạng trong sạch hoàn toàn và tuyệt đối giải thoát. Đó chính là con đường Trung Đạo, được trải ra bằng Bát Chánh Đạo.

Trung Đạo là pháp môn tu tập, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó là thái độ sống hay nghệ thuật sống đã đưa Thế Tôn đến chỗ giác ngộ. Trung Đạo, theo đức Thế Tôn định nghĩa, là con đường có tám thành phần (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định). Nhưng theo ý nghĩa của đoạn pháp thoại mở đầu thì Trung Đạo chính là phương pháp tu tập hay nghệ thuật sống đi ra ngoài, hay vượt ra khỏi hai cực đoan hưởng thụ và khổ hạnh. Trung Đạo hoàn toàn không có ý nghĩa là con đường giữa, tức không phải là con đường đi giữa hai cực đoan. Trung đạo là con đường vượt ra ngoài đời sống hệ lụy dương trần, vượt ra ngoài mọi sự kiềm toả, chi phối của ngũ dục và tà kiến, vô minh. Vượt ra ngoài lối sống hưởng dục và khổ hạnh chính là đời sống tri túc.

Theo ý nghĩa đó, điều quan trọng nhất của người xuất gia tu tập là phải giữ tâm an định, không bị lôi cuốn theo bất kỳ một xu hướng nào. Không những chỉ giữ tâm không bị vướng mắc vào hai cực đoan, mà ngay cả những cảm thọ lạc xuất phát từ thiền định. Do đó, Trung Đạo được hiểu như là một phương pháp xả ly và giữ tâm bình thường. Đó chính là ý nghĩa mà chư Tổ thường dạy “Tâm bình thường là đạo”.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.13/7/2014.

No comments:

Post a Comment