Saturday, 12 July 2014

THIỂU DỤC TRI TÚC.

Lòng tham muốn của con người không bao giờ biết đủ, không bao giờ biết dừng lại, mà ta vẫn thường nghe ông bà mình nói là “lòng tham không đáy” hay “bể kia dễ lấp, lòng tham khó đầy”. Vì “lòng tham không đáy” cho nên có bao nhiêu cũng không biết đủ. Đó là nguyên nhân của khổ đau và tội lỗi ngày mỗi thêm lớn, thêm nhiều. Kinh Bát Đại Nhân Giác cho biết “Đa dục vi khổ”, nghĩa là tham muốn nhiều thì khổ đau nhiều.

Muốn chấm dứt nghiệp chướng, không muốn tạo thêm điều ác và giải thoát khỏi khổ đau, phiền não, phương pháp mà đạo Phật đưa ra là: Thiểu dục và tri túc, nghĩa là ít tham muốn và biết đủ.

Thật ra, những điều mà chúng ta tham muốn phải là những điều chúng ta ưa thích, chúng ta cảm nhận có hạnh phúc chứ không phải là những điều khổ đau. Không ai lại tham muốn những điều gây khổ đau cho mình. Hạnh phúc luôn là mục đích, là đối tượng của mọi sự tham muốn, và ngược lại, khổ đau không bao giờ là đối tượng của sự tham muốn. Đã vậy, tại sao nhà Phật lại nói tham muốn nhiều thì khổ đau nhiều?

Hạnh phúc luôn là đối tượng, là mục đích của mọi sự tham muốn, tìm cầu. Ví như, ai cũng muốn có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, tiền tài danh lợi, địa vị quyền lực… Và để đạt được mục đích đó, con người ta đã phải bỏ ra biết bao nhiêu thời gian, sức lực của cả cuộc đời mình để đấu tranh, để tranh giành, có khi phải đổ máu, rơi lệ… như vậy không phải là khổ đau, mệt mỏi lắm sao? Nhưng một khi đã có được những điều mình mong muốn rồi lại phải lo gìn giữ, sợ bị tổn thất, bị cướp đoạt, nên lại phải sống trong lo toan, sợ hãi. Khổ đau là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta ai cũng hơn một lần kinh qua. Có người khổ đau vì mất người thân, phải xa người mình yêu thương, sống trong cảnh chia ly (ái biệt ly khổ), có người khổ đau vì phải sống chung với kẻ thù (oán tắng hội khổ), có người khổ đau vì mưu toan, tính toán cả đời mà không được (cầu bất đắc khổ),... nói chung là một chuỗi dài của những khổ đau sinh, già, bệnh, chết… tiếp nối không dừng trong một đời người. Nhưng nỗi đau khổ lớn nhất, dằn vặt nhất, nhọc nhằn nhất của kiếp người là phải chịu trôi lăn trong sanh tử luân hồi không biết bao giờ ra khỏi.

Tất cả những nỗi khổ đau ấy đều có cùng một nguyên do, đó chính là lòng tham dục, mà nguyên do sâu xa khiến lòng tham dục bừng khởi chính là không hiểu, không liễu tri sự thật Duyên sinh, Vô ngã của các hiện hữu. Do không hiểu sự thật này nên con người có những tâm lý chấp thủ, chấp ta và của ta, trong khi đó mọi sự vật hiện tượng, kể cả con người đều vô ngã và luôn luôn chuyển biến, vô thường. Và từ đó những nỗi khổ đau, phiền não bao quanh kiếp sống con người. Càng tham muốn nhiều, chấp thủ nhiều thì đau khổ càng nhiều.

Đối tượng của lòng tham muốn là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng địa vị, ăn ngon mặc đẹp, ngủ nghỉ thỏa thích. Hoặc sắc đẹp, âm thanh hay, mùi hương thơm, vị ngon ngọt, xúc chạm êm dịu… Con người không bao giờ biết nhàm chán, không bao giờ biết thỏa mãn với những gì mình đã có được, ngược lại, còn tham muốn nhiều hơn. Vì sao vậy? Bởi vì trong những đối tượng của dục nó có vị ngọt. Chẳng hạn, hương vị ngọt ngào của tình yêu. Tình yêu nó có một sức hấp dẫn lạ thường, khiến cho con người ta say đắm, si tình, ghen tuông… Lý ra, cái chất liệu ngọt ngào của tình yêu có thể làm cho con người có hạnh phúc, nhưng vì con người không biết thoả mãn, không biết dừng lại, không biết đủ, cho nên mới tạo ra những cảnh tượng thương tâm, những nghiệp chướng sâu nặng như chém giết, tranh giành, gia đình đổ vỡ…

Mỗi một con người đều sống vì một mục đích, một lý tưởng nào đó. Mà một khi, những tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực, sắc đẹp… trở thành đối tượng của mục đích, của lý tưởng, của sự nghiệp… thì họ đeo đuổi đến cùng, không bao giờ dừng lại. Càng thành công càng muốn vươn lên nữa, càng thành đạt càng muốn thành đạt hơn nữa. Và vì vậy, họ không ngừng tạo ra những điều tội lỗi, những âm mưu, những lừa dối, lường gạt…
Nói tóm lại, mọi khổ đau, mọi cuộc chiến tranh đổ máu… đều xuất phát từ lòng tham muốn, từ dục vọng không dừng nghỉ của con người. Vì vậy, người có trí tuệ, có sự tỉnh thức, nhìn thấy được sự nguy hiểm của dục vọng, họ quyết dứt trừ. Bằng cách nào? Bằng phương pháp thiểu dục và tri túc.

Thiểu dục là ít tham muốn. Cái nguyên tắc để sống tự tại, an lạc, hạnh phúc mà đạo Phật đề nghị là ít tham muốn một chút và đừng làm những điều bất thiện. Thật đơn giản! Nhưng không phải ai cũng làm được.

Ít tham muốn chứ không phải đừng tham muốn. Vì sao? Nguyên do chính của khổ đau là tham dục, vậy muốn chấm dứt khổ đau phải đoạn dục, hay tuyệt dục mới hết khổ đau, tại sao ở đây chỉ nói ít dục mà thôi? Dục là bản chất của con người, của mọi loại chúng sanh. Cõi Ta-bà là cõi dục. Nghĩa là vì tham dục mà chúng sanh hiện hữu ở cõi này, nếu không tham dục, chắc hẳn chúng ta đã hiện hữu ở cõi khác. Vì vậy, đoạn dục hay tuyệt dục thật không dễ dàng. Cho nên, chúng ta chỉ cần biết ít tham dục một chút thôi cũng đã chuyển hoá được nhiều khổ đau cho mình và cho người rồi. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải hiểu cho được bản chất của dục, để có thể chuyển hoá năng lượng tham dục này theo chiều hướng thiện. Cùng một bản chất dục, nhưng nếu dục tham, dục sân, dục si thì sẽ đưa chúng ta vào những nẻo đường của khổ đau, sanh tử luân hồi; ngược lại, cũng dục, nhưng dục vô tham, vô sân, vô si thì chúng ta đang đi trên con đường hướng đến vị tha, vô ngã. Chẳng hạn, cũng tham muốn, nhưng tham muốn tụng kinh, niệm Phật, nghiên cứu giáo lý, làm việc từ thiện… thì kết quả sẽ khác hẳn với những tham muốn xem phim, hút thuốc, nói chuyện thị phi…

Trong Tạp A-hàm, đức Phật nói: “Đối với sắc (cũng như thọ, tưởng, hành, thức), nếu không biết như thật về sự tập khởi, không biết như thật về sự diệt tận, về vị ngọt, về sự tai hại và về sự xuất ly thì sẽ không đủ khả năng để vượt thoát khỏi sự trói buộc của chúng”.

Biết như thật về sự tập khởi của sắc là biết rằng sắc do nhân duyên sanh. Không một sự vật hiện tưọng nào tự nó sanh ra và tự nó mất đi, mà tất cả đều phải nương vào nhau để sanh thành, tồn tại và hoại diệt. Đó là như thật biết rằng sắc chắc chắn sẽ diệt tận.
Như thật biết vị ngọt của sắc là biết rằng trong sắc có tính chất khả ái, khả lạc, khả hỷ. Nghĩa là tất cả những gì có thể đưa đến sự yêu thích, sự cảm mến và tạo nên niềm vui, niềm hạnh phúc. Sự yêu mến, ưa thích, vui vẻ khởi lên từ đối tượng của sắc (thanh, hương, vị, xúc, pháp, tài, sắc, danh, thực, thùy) gọi là vị ngọt của sắc. Nhưng những vị ngọt ấy rất nguy hiểm, như giọt mật dính trên lưỡi dao bén. Để thỏa mãn lòng tham muốn vị ngọt của các sắc, con người dấn thân vào các sinh kế để tồn tại và phát triển, dấn thân vào đường danh lợi, sự nghiệp, để rồi chịu đựng sự bức ép, quấy nhiễu của thời tiết, của cường quyền, của bệnh tật và lo sợ mất mát các sở hữu… Con người đi vào thế cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh là đi vào các nguy hiểm dẫn đến tử vong và bất chấp nhân nghĩa… Đó là khía cạnh nguy hiểm của các đối tượng của dục. Chừng nào có nhận thức như thật về các đối tượng của dục thì mới có cơ hội, ước muốn về sự xuất ly của các dục: “Nếu có Sa-môn, Bà-là-môn nào mà biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, thì Sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng vượt qua khỏi sắc”.

Hiểu rõ được các khía cạnh trên của lòng tham muốn thì con người mới thực sự hiểu rõ về dục. Một khi đã hiểu rõ về dục thì chúng ta đã có thể làm chủ được những tham muốn của mình, điều chế được tâm ý mình, không để cho nó phóng túng vào những ham muốn thấp hèn.

Tri túc là thái độ sống, là nghệ thuật sống mầu nhiệm đã đưa Thế tôn đến giác ngộ, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Thật vậy, bài pháp thoại đầu tiên đức Phật tuyên thuyết tại vườn Nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như chính là bài pháp về đạo lý “Trung đạo”, con đường Ngài đã khám phá, mà cũng là tinh hoa của giáo lý nhà Phật. Mở đầu bài pháp, đức Phật khuyên năm vị đạo sĩ khổ hạnh nên xa lánh hai lối tu cực đoan là lợi dưỡng và khổ hạnh, vì cả hai không thể dẫn đến trạng thái tuyệt đối thanh bình, an lạc và giải thoát. Lợi dưỡng, tức ham thích cuộc sống hưởng thụ, buông lung, làm chậm trễ tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh, làm giảm suy trí thức. Đức Phật chỉ trích cả hai vì chính bản thân Ngài đã tích cực sống theo lối cực đoan ấy và kinh nghiệm rằng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh. Rồi Ngài vạch ra con đường vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích. Đây là con đường duy nhất dẫn đến tình trạng trong sạch hoàn toàn và tuyệt đối giải thoát: Con đường Trung đạo.

Trung đạo là con đường tám nhánh (Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định). Nhưng trong ý nghĩa đơn giản nhất, mà cũng là ý nghĩa sâu sắc nhất, đó chính là lối sống, nghệ thuật sống đi ra ngoài, hay vượt ra khỏi hai cực đoan hưởng thụ và khổ hạnh. Trung đạo không có nghĩa là con đường đi giữa hai cực đoan. Bởi vì còn đi giữa hai cực đoan ấy là còn ít nhiều hệ lụy, và rõ ràng không phải là đi trên con đường tám nhánh. Trung đạo đích thực là con đường vượt ra ngoài đời sống hệ lụy dương trần, vượt ra ngoài mọi sự kiềm toả, chi phối của ngũ dục và tà kiến, vô minh. Vượt ra ngoài lối sống hưởng dục và khổ hạnh chính là đời sống tri túc.

Đức Phật đề nghị chúng ta phải “Thường niệm tri túc”. Luôn luôn nhớ nghĩ đến cái nguyên tắc sống biết đủ, đó là thái độ sống, là nghệ thuật sống của bậc Bồ-tát. Vì biết rằng lòng tham muốn của con người không bao giờ biết đủ, một mực tham cầu sẽ làm tăng trưởng tội ác, cho nên bậc Bồ Tát luôn luôn nhớ nghĩ cái nguyên tắc sống biết đủ này để chặn đứng mầm móng phát sinh tội lỗi. Với nguyên tắc sống này bậc Bồ-tát cảm thấy rất thanh thản, bình dị. Tuy ở dưới gốc cây, trong bãi tha ma hay trong ngôi miếu hoang với ba tấm y bằng chất liệu “thô sơ ma bố” và chiếc bình bát đất mà tâm hồn luôn thanh thản, tiết hạnh thanh cao, đạo đức ngời sáng, xứng đáng được chư thiên và loài người cúng dường. Vui sống trong cảnh thanh đạm mà giữ đạo. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao, không nhà cao cửa rộng, không chùa to Phật lớn mà đạo pháp vẫn luôn được giữ gìn. Bởi đạo không nằm trong chùa to Phật lớn, đạo không phải ở trong những nhà giàu có, mà đạo nằm ở chỗ vô tham, vô sân, vô si, vô dục, vô cầu.

Thiểu dục và tri túc không có nghĩa là chủ trương sống cuộc sống nghèo khổ, bần cùng hoá xã hội. Mục tiêu của đạo Phật là xây dựng một cuộc sống an lạc hạnh phúc, mà là an lạc và hạnh phúc chân thực. Đức Phật luôn khuyến khích các Phật tử siêng năng làm việc, lao động sản xuất để tạo ra của cải, làm cho sản nghiệp gia đình ngày một giàu có bằng nghề nghiệp chân chính, gọi là chánh mạng. Đặc biệt, Đức Phật còn chỉ dạy người Phật tử biết sử dụng đúng mục đích và có ý nghĩa tài sản mà mình có. Đó là biết bố thí, cúng dường… để cho sản nghiệp được vững bền.

Hơn nữa, niềm an lạc, hạnh phúc chân thực không xuất phát từ yếu tố vật chất mà ở cái tâm an tịnh, cái tâm không tham lam, sân hận, si mê, ở cái tâm không chấp thủ, không tham dục.

Thật vậy, hồi Đức Phật còn tại thế, Ngài cùng với chúng Tăng an trú trong một khu rừng. Nửa đêm, đang thiền định, các Tỳ-kheo chợt nghe tiếng la thét thất thanh của thầy Baddhiya mới vào đạo, làm động chúng. Sáng ra, các Tỳ-kheo thưa với đức Phật. Đức Phật cho gọi thầy Baddhiya đến và hỏi nguyên do. Thầy Baddhiya trả lời: “Quả thật hồi đêm con có la lớn tiếng làm động chúng, con xin sám hối, nhưng con la lên như vậy không phải vì con luyến tiếc tài sản, vợ con, nhà cửa, quyền lực của con ở ngoài đời, như các sư huynh con nói. Con còn nhớ lúc con ở ngoài đời, hằng ngày con có quân lính canh gác hầu hạ, mỗi bửa đều có vợ con tôi tớ chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ… nhưng không lúc nào con có cảm giác hạnh phúc an lạc, tuy con giàu có, quyền lực nhất làng. Thế mà giờ đây, con không có gì cả, không có gì để sở hữu, không có ai canh gác, hầu hạ, lại ngồi dưới một gốc cây trong khu rừng giữa đêm khuya thanh vắng thế này, mà con lại cảm thấy an lạc, hạnh phúc quá. Niềm hạnh phúc, niềm hỷ lạc ấy toả ra từ miền tâm thức định tĩnh trong khi con hành thiền, làm cho con sung sướng quá không kiềm chế được nên mới la lên Ôi, hạnh phúc! Ôi, hạnh phúc!”

Đức Phật khen: “Thầy Baddhiya đang đi những bước chân vô úy. Niềm an lạc của thầy Baddhiya cả chư Thiên cũng biết ao ước, huống nữa là người đời”. Baddhiya nguyên là một vị quan tổng trấn.

Mặt khác, giàu và nghèo, hạnh phúc và khổ đau là các cảm thọ của con người, nó tuỳ thuộc vào tâm ý. Không hẳn người giàu có mới có cảm giác hạnh phúc và người nghèo hèn nhất định phải chịu cảm giác khổ đau. Giàu nghèo, khổ đau hạnh phúc đều tuỳ thuộc vào cái tâm của con người. Trong kinh Di giáo đức Phật dạy: “Người biết đủ dù nằm trên đất cũng thấy an lạc, con người không biết đủ dù được ở thiên đường cũng không vừa ý” (Tri túc giả tuy ngọa địa thượng do vi lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý). Hiện thực của cuộc sống trong xã hội cũng đã chứng minh điều đó. Cho nên, tri túc là vui sống trong hiện tại, an trú trong hiện tại, gọi là hiện pháp lạc trú.

Tham muốn nhiều thì khổ đau nhiều, đó là một sự thật mà ai cũng đã có kinh nghiệm. Những tham muốn như tài sản, danh vị, quyền lực… là nguồn gốc của khổ đau, chính vì vậy mà đức Phật đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc, những thứ không cần phải mưu cầu mà ngài đã có, điều ấy càng chứng thực hạnh phúc chân thật không nằm ở ngũ dục. Hạnh phúc chân thật nằm ở trạng thái tâm ly dục, ly bất thiện pháp.

Ở ngôi vị như Đức Phật mà ngài còn từ bỏ, thì hôm nay, những người như chúng ta lại theo đuổi những phù hoa, danh lợi thấp hèn của cuộc đời sao?HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI,TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.12/7/2014.

No comments:

Post a Comment