Thursday, 9 January 2014

Ðại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận (Siksasamuccaya)
Quyển thứ mười sáu
Trị Tâm
Phẩm Thứ 12. Phần 3
Lại nữa đây nói về chân thật hạnh và tà vọng hạnh nghĩa là vô trí vô minh. Do vô minh nầy khởi ra ba loại hạnh, nghĩa là Phước, Phi Phước, Bất Động Hạnh. Đây nói là vô minh duyên hành. Lại nữa đây là phước hạnh, phi phước hạnh, bất động hạnh. Tùy theo chỗ được thức mà chiêu tập, đây nói là hành duyên thức, như thế danh sắc và gọi là sắc tăng trưởng ở nơi lục xứ môn; tạo tác chỗ sanh khởi. Đây nói là danh sắc duyên lục xứ. Lại nữa lục xứ nầy với lục xúc nơi thân, đắp đổi. Đây nói là lục xứ duyên xúc. Nếu xúc sanh thời làm cho thọ khởi. Đây nói là xúc duyên thọ. Nếu thọ mùi ngon, đắm trước vào chỗ hỷ lạc. Đây nói là thọ duyên ái. Vui đắm mùi vị rồi ở chỗ vui về sắc. Rồi sắc lìa tan, mỗi mỗi truy cầu mà chẳng lìa bỏ. Đây gọi là ái duyên thủ. Như thế truy cầu làm cho sau đó khởi lên nơi thân, ngữ, ý nghiệp. Đây nói là thủ duyên hữu. Nếu nghiệp biến đổi làm cho uẩn sanh khởi. Đây nói là hữu duyên sanh. Lại nữa, nếu sanh rồi biến thể làm cho thành thục và cho đến hoại diệt. Đây nói là sanh duyên Lão Tử. Cho đến trong đây do Thức tự thể làm chủng tử. Nghiệp tự thể làm ruộng tốt. Vô minh, ái tự thể làm phiền não. Do nghiệp, phiền não làm thức sanh ra, nghĩa là nghiệp vì Thức làm ruộng chủng tử. Ái vì Thức mà thấm qua. Vô minh vì Thức mà phát khởi chủng tử. Rồi nghiệp chẳng nhớ về ngã làm thức là chỗ ruộng của chủng tử. Ái lại chẳng nhớ ngã, vì Thức nhuần thấm qua chủng tử. Vô minh chẳng nhớ Ngã, vì Thức chủng tử khai phát; mà Thức chủng tử lại chẳng thể nhớ nghĩ Ngã làm cho duyên sanh ra. Tuy nhiên, Thức chủng tử nơi đất Nghiệp; mà Ái nhuần thấm với Vô Minh trưởng dưỡng sanh ra gọi là mầm mống của sắc. Đây là mầm mống của sắc chẳng tự tạo, chẳng phải kẻ khác tạo, chẳng phải cả hai cùng tạo. Chẳng phải Tự Tại thiên hoá ra, chẳng do thời gian biến đổi, chẳng phải một nhơn mà sanh, chẳng phải không nhơn mà sanh, chẳng phải chẳng ràng buộc nơi cha mẹ làm nhân duyên hoà hợp đắm nhiễm tương tục sanh.
Đây là hạt giống của thức trong bụng mẹ sanh ra mầm của sắc. Rồi Pháp nầy chẳng có chủ tể. Vô ngã, không giữ như hư không. Thể tướng huyễn hóa nhân duyên chẳng liên hệ. Do năm loại duyên mà phát sanh nhãn thức.
Thế nào là năm?
Nghĩa là khi nhãn thức sanh, căn gốc của nhãn và màu sắc không duyên vào chỗ sáng rồi sanh ra chỗ tác ý. Đây là nhãn thức. Vì nhãn có chỗ y cứ nơi sắc làm chỗ duyên vào. Ánh sáng chiếu rỡ; không làm chỗ vô ngại. Đồng thời tác ý là bị cảnh phát ra sự liên hệ; do duyên đây mà nhãn thức chẳng sanh. Nghĩa là nếu chẳng liên hệ với nhãn căn bên trong; như thế chẳng liên hệ với sắc và chỗ không tác ý duyên vào vậy. Tất cả sự hòa hợp như thế có thể sanh nhãn thức, mà nhãn chẳng nhớ nghĩ ngã cùng nhãn sắc làm chỗ tác ý nương vào. Sắc lại chẳng nhớ ngã, nhãn thức vì làm chỗ duyên vào. Không lại chẳng nhớ ngã, nhãn thức vì làm chỗ vô ngại. Ánh sáng lại chẳng nhớ ngã và nhãn thức vì làm chỗ chiếu soi. Tác ý chẳng nhớ ngã và nhãn thức mà làm chỗ cảnh giác phát ra. Như thế nhãn thức chẳng nhớ ngã tùy duyên mà sanh. Khi nhãn thức sanh, thật căn gốc của các loại duyên vào sự hòa hợp để sanh. Như lần lượt các căn sanh thức tùy theo đó mà nói. Tuy nhiên chẳng có pháp từ đời nầy đến đời kia chỉ vì do nghiệp quả nhân duyên không thiếu mà kiến lập nên. Ví như không có rơm, lửa chẳng có thể sanh. Đây nghiệp phiền não là chỗ sanh ra những loại thức lại cũng như vậy. Sự sanh kia tương tục hòa hợp sanh ra có tên gọi là mầm mống của sắc. Như thế pháp ấy chẳng có chủ tể. Vô ngã, vô chấp như hư không vậy. Thể tướng huyễn hóa nhân duyên chẳng thiếu. Nên biết nội duyên sanh pháp hữu có năm loại.
Thế nào là năm?
Đó là bất thường, bất đoạn, vô sở cho đến nhân ít quả nhiều, tương tợ tương tục.
Thế nào là bất thường? Nghĩa là nếu ở bên uẩn nầy chết, bên uẩn kia sanh chẳng phải uẩn bên nầy chết rồi sanh sang bên kia cho nên nói là bất thường. Lại nữa bất diệt, uẩn bên nầy chết mà khởi lên uẩn bên kia. Lại nữa chẳng phải bất diệt vì uẩn nầy chết; mà uẩn kia sanh. Giống như, quyền thuật đây gọi là bất đoạn. Lại nữa nơi những chúng sanh khác thân xứ chẳng phải giống với phần sanh uẩn khởi. Đây gọi là vô sở chí hướng. Lại làm cho thiếu tác dụng thiện, ác nghiệp nhân. Ở đời vị lai được nhiều quả báo. Đây gọi là nhân ít quả nhiều. Lại nữa, nếu sự sanh nầy tạo nghiệp tức là thọ báo trong đời vị lai. Đây gọi là tương tợ tương tục.
Phật bảo Xá Lợi Phất:
"Đây là duyên sanh, nên như thật chánh huệ, thường tu vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Như chẳng điên đảo tức chẳng sanh chẳng diệt. Không tạo tác, không thực hành, không đối tượng, không trở ngại, không sợ hãi, không đoạt lấy, không siêng năng, không giải đãi. Quán nơi tự tánh kia chẳng có chắc thật. Như bịnh, như hủi, như đau, như hại. Đây là tánh khổ, không, vô thường, vô ngã. Ấy lại tùy thuận nơi quán sát trước mà chẳng lưu chuyển. Nghĩa là trong quá khứ ngã chưa có sao? Ai là ta mà chưa từng có mặt trong thời quá khứ? Ở đời quá khứ ta chưa có sao? Trong thời quá khứ ai là ta, mà sao chẳng có?
Lại nữa ở đời sau chẳng lưu chuyển. Trong đời vị lai ta có không? Ai là ta, mà gọi là có mặt trong đời vị lai? Trong đời vị lai ta chẳng có gì sao? Trong đời vị lai ai là ta mà sao chẳng có? Lại nữa trong hiện tại chẳng lưu chuyển ta có mặt trong hiện tại chăng? Ai là ta trong hiện tại nầy? Thế nào là ta có mặt trong thời hiện tại? Lại nữa trong kinh Thập Địa nói: "Nơi vô minh, chấp ái chính đây là phiền não lưu chuyển chẳng dứt, hành động đó. Đây là nghiệp lưu chuyển chẳng dứt. phiền não thác loạn. Đây là khổ, lưu chuyển chẳng dứt. Lại nói vô minh duyên hành, đây là đời trước. Quán sát chờ đợi thức và thọ v.v... Đây là hiện tại quán sát chờ đợi ái và hữu v.v... Đây gọi là đời sau quán sát chờ đợi. Điều nầy trên đây đã nói tất cả gọi tên là lưu chuyển cho đến như thế. Do sự hệ thuộc tức bị lưu chuyển- Nếu lìa sự hệ thuộc tức chẳng lưu chuyển. Do sự hòa hợp, tức là lưu chuyển vậy. Nếu lìa hòa hợp tức chẳng lưu chuyển. Do đây mà biết rõ các pháp hữu vi có nhiều loại mất mát tổn thất. Cho nên ta sẽ đoạn trừ sự trói buộc và sự nhóm hợp kia rồi mới hóa độ chúng sanh, rối ráo chẳng đoạn các việc làm hữu vi".

Niệm Xứ (Smrtyupasthana Paricchedah Trayodasah)
Phẩm Thứ 13, phần 1
Luận rằng:
Nghiệp trị tâm giản lược nói về duyên sanh đối trị là do si mê. Thứ nữa, về sự hiểu biết bất tịnh của thân, bây giờ sẽ nói về niệm xứ.
Như kinh Pháp Tập chép: "Lại nữa Thiện nam tử Bồ Tát trụ ở thân niệm xứ. Nghĩa là chấp ngã có mặt trong thân nầy từ chân đến móng chân, da thịt, xương, dạ dày, ngực, hông, tay, móng tay, vai, đầu, và các xương khác v.v.. phân tích chúng họp. Đây là nghiệp hữu. Do sự tạo tác những loại phiền não và tùy phiền não trong trăm ngàn loại tà chánh phân biệt. Thân tuy có tóc lông, móng tay, răng, máu, thịt, da, xương, đốt, tim, phế, mật, ruột non, ruột già, não, màng óc, nước đờm, nước dãi, nước mắt, thật là bất tịnh nhiều vật tích tụ. Cái gì là thân? Do đó quán sát thân như hư không, tức thấy tất cả pháp đều không, là không niệm xứ. Rõ biết thân nầy là do hai loại niệm: lưu tán và chẳng lưu tán. Đây là thân đến chẳng từ kiếp trước, đi chẳng đến vị lai, chẳng ở giữa hai khoảng thời gian đó. Duy từ sự khuynh đảo hòa hợp tạo thành, do đây mà lãnh thọ thân. Đây là nơi nhân làm căn bản mà thật chẳng có chủ tể, lại cũng chẳng có sự nhiếp phục lệ thuộc. Chỉ đến như là khách trần trước tiên làm chỗ tác hợp nên thân thể hình hài, thọ dụng nương tựa làm chỗ giữ gìn, mà thân nầy tuy có cha mẹ, tinh cha, huyết mẹ hòa hợp bất tịnh xú uế mà tạo nên tự thể. Tam độc ưu não thường vì đó mà tác hại. Theo pháp tan hoại trong ngàn loại bịnh não, thân là nơi chứa chấp".
Như kinh Bảo Kế (Ratnacuva) chép rằng: "Thân nầy là vô thường, chẳng ở lâu sẽ chết về sau. Rõ biết điều nầy rồi chẳng nên chấp thân, mà sanh tà mệnh. Nên nơi thân tu ba nghiệp thí thanh tịnh. Thế nào là ba? Nghĩa là thân tịnh thí, thọ mệnh tịnh thí và thọ dụng tịnh thí. Đây thân vô thường, nên thường trụ nơi tất cả chúng sanh gần gũi phụng sự, muốn làm việc gì hoặc như kẻ hầu hoặc như đệ tử. Lìa bỏ các sự dua nịnh cuồng vọng của thân sai trái. Là thân vô thường tuy hơi thở vào ra làm nhân của thọ mạng, chớ có tạo tội ác. Là thân vô thường nên nơi ái lạc thọ dụng chẳng sanh đắm trước, tất cả nên xả. Lại nữa thiện nam tử! Bồ Tát nơi thân quán thân niệm xứ nên quán tự thân cùng tất cả thân chúng sanh đều giống như thân Phật. Nhờ oai thần gia trì được lìa khỏi sự ràng buộc. Quán tự thân cùng tất cả thân chúng sanh và thân Như Lai thể pháp tánh không có khác nhau, nên biết như thế".
Lại nữa Kinh Vô Úy Thọ Sở Vấn chép: "Thân nầy của ta chẳng phải chỗ trước tập họp, chẳng phải rồi dần dần tan hoại, Giống như vi trần, chín lỗ chảy xiết như cửa ra vào. Lại nữa các lỗ chân lông có nhiều vi trùng, giống như rắn độc nương chỗ ở. Thân nầy như chỗ tập họp nước mà thể tánh yếu mềm, như nước ở trên cây liền tan, như ánh sáng mặt trời chẳng có hữu thể. Thân như trái chín rồi chẳng có thật. Thân như việc huyễn chẳng vì chủ mà ra lệnh. Thân như bạn ác có nhiều sự tranh chấp. Thân như tánh khỉ thay đổi liền liền. Thân lại chẳng thường, mà tuổi thọ còn ngắn ngủi. Thân như kẻ trộm, xảo quyệt tham lam. Thân như người tù thường bị trói cột. Thân như kẻ oán chẳng được yên vui, lại như dao đâm có thể cắt đứt mạng sống nầy. Lại nữa thân nầy như làng ấp và không có ngã. Như bánh xe bằng sành chẳng bao giờ dừng nghỉ. Như đồ dơ uế bất tịnh, thân hôi thối chỉ toàn bệnh tật. Thân như gỗ làm nhà, chẳng giữ lâu bền được. Thân như chiếc thuyền thủng không thể qua bên kia bờ. Thân như đồ chứa đựng dần dà sẽ hoại đi. Lại nữa thân như cây bên bờ sông, tất bị dòng nước xói mòn. Thân như khách lữ hành ở qua đêm có nhiều nạn khổ. Thân như vọng chấp chủ tể. Thân như kẻ trộm cướp thường sanh bạo ác. Cho đến thân như bé thơ si dại thường cần sự bảo hộ. Kinh lại cũng nói như thế nhiều loại bất tịnh nơi thân. Do ngã mạn, ngu si, vọng tưởng làm mờ ánh sáng thanh khiết. Kẻ trí quán sát nơi thân giống như đồ ô uế: mắt, mũi, miệng v.v... đầy nước dãi ra vào. Làm sao có thể sanh lòng tham mạng sống đây được?".
Lại nữa, có kệ rằng:
Như đồng tử ngu si
Muốn rửa than cho trắng
Giả sử than sạch rồi
Màu trắng chẳng thể có
Lại như kẻ vô trí
Rửa thân muốn sạch sẽ
Càng dùng nước nhiều hơn
Đến chết chẳng thể sạch
Bồ Tát quán thân nầy
Chín lỗ chỗ ra vào
Tám mươi ngàn vi trùng
Nương ở trong thân ấy
Bồ Tát quán thân nầy
Như chặt cây làm tượng
Xương cốt giả liền nhau
Nên biết chẳng chủ tể
Bồ Tát quán như vậy
Hoặc thọ đồ ăn uống
Nên biết giống chó chồn
Ăn thịt thân nuôi sống
Luận rằng:
Do sự ăn uống nuôi dưỡng làm cho thân lớn ra. Như thế nơi nơi có thể hiểu rõ. Thọ niệm xứ.
Như kinh Bảo Kế chép: "Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát đối với thọ, quán thọ niệm xứ rõ biết chúng sanh nương vào đại bi được vui như thế. Nếu tất cả chúng sanh chẳng có giải thoát, nên tu tập quán sát về thọ và thọ niệm xứ. Ta sẽ được lòng từ bi nhiếp thọ điều phục tất cả chúng sanh, tất được niềm vui diệt trừ khổ não. Lòng đại bi của ta khiến mọi việc làm từ tâm tham lam của chúng sanh xa lìa các tham nhiễm, rõ biết thọ lạc. Lòng đại bi nơi ta khiến cho tâm sân của chúng sanh xa lìa các điều sai trái, rõ biết sự khổ thọ. Lòng đại bi nơi ta khiến tâm si mê của chúng sanh xa lìa tất cả những gì sanh ra si mê, rõ biết được điều chẳng khổ chẳng lạc thọ. Lại vì lạc thọ chẳng làm tan khổ thọ; chẳng giảm, chẳng khổ, chẳng lạc thọ, lìa nơi đối trị, tức là vô minh. Nếu không vô minh, điều ấy gọi là thọ. Làm sao biết được tất cả là vô thường vô ngã mà lạc thọ nầy tức là tánh vô thường, khổ thọ nầy là tánh bức bách, bất khổ bất lạc thọ nầy là tánh tịch tịnh. Do đây mà rõ biết hoặc lạc hoặc khổ vô thường vô ngã v..v...
Lại nữa kinh Vô Tận Ý nói rằng: "Nếu khi thọ khổ, nên nhớ nghĩ tất cả con đường ác của chúng sanh mà khởi tâm đại bi. Dứt trừ tất cả sân, lìa những điên đảo phân biệt về thọ."
Lại nữa kinh Pháp Tập có kệ rằng:
Nói thọ là lãnh nạp
Lãnh nạp lại là ai
Thọ là lìa nơi thọ
Sai biệt chẳng thể được
Kẻ trí quán nơi thọ
Ở niệm xứ như thế
Tướng kia như Bồ Đề
Quang minh biến tịch tịnh
Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận
Hết quyển thứ 16.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment