Thursday, 9 January 2014

Ðại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận (Siksasamuccaya)
Quyển thứ mười bốn
Thuyết A Lan Nhã
Phẩm thứ 11. Phần 2
Kinh Bảo Tích chép rằng: "Lại nữa kẻ ở A Lan Nhã làm các việc khác chưa được chứng quả, thấy cọp sói chẳng nên sanh tâm kinh sợ, nên phát tâm rằng ta trước khi đến chỗ nầy là để xả bỏ thân mệnh chẳng phải sợ hãi, vì khởi tâm từ xả bỏ; nên chẳng sợ hãi. Lại nữa cọp sói dẫu có ăn mất mạng sống ta, thì cho luôn thân thịt nầy, nên khởi tâm như vậy. Nếu ta được thiện lợi cũng chẳng giữ thân cho vững chắc làm gì. Nếu chẳng có thể cống hiến thân thịt của ta, há cọp có được vui chăng? Điều quan trọng là kẻ ở A Lan Nhã, có hoặc không có người đến, hoặc tốt, hoặc xấu, chẳng nên ưa mến; cũng chẳng bị tổn hại. Nếu có sự đến đi thấy như Phật và chư Thiên đến nơi A Lan Nhã.
Có Tỳ Kheo khởi hỏi vấn nạn thì Tỳ Kheo kia như khả năng nên đáp; tùy chỗ học pháp mà vì chư Thiên giảng. Lại nữa nếu có hỏi sâu khó A Lan Nhã Tỳ Kheo hoặc chưa thể đáp, mà vẫn sanh tâm cung kính. Nên nói với kẻ kia rằng ta nay chưa được vô học vì ta chỉ tinh cần theo lời Phật dạy. Khi nghe pháp rồi, hết lòng giải đáp cặn kẽ tất cả mọi nghi vấn. Ta chỉ làm cho kẻ hỏi nghe được pháp tổng quát, nếu ở nơi A Lan Nhã, thuốc cây cỏ nên chẳng lấy đi mà đắm nhiễm, thì làm sao có sanh có diệt.
Quán sát như thế, thân nầy vô ngã, vô chủ tể, vô tác giả, vô thọ giả. Ai sanh, ai diệt, cuối cùng rồi chẳng có sanh diệt gì cả. Thân nầy lại cũng như thế; giống như cỏ cây bờ tường như ngói gạch vô ngã, vô chủ tể, vô tác giả, vô thọ giả. Do nhân duyên hòa hợp mà sanh, nhân duyên ly tán liền diệt. Lại nữa ở nơi thắng nghĩa, chẳng có một pháp nào sanh, cũng như chẳng có pháp diệt."
Kinh cũng chép rằng: "Lại nữa đối với A Lan Nhã nên phát tâm như thế nầy: Ta đến A Lan Nhã nầy không gặp bạn bè, hoặc nơi ta khởi nghĩ việc làm thiện, việc làm ác... Lúc bấy giờ có Thiên long, Dạ xoa cùng Phật, Thế Tôn biết được thân tâm của ta, liền vì đó mà chứng cho. Lại nữa, nếu ở A Lan Nhã, mà tâm chẳng thiện, buông lung phóng dật. Ở nơi rất xa nầy chẳng có bạn lữ, chẳng có người thân, không ngã, không chấp..., mà nên thật quán: vừa dục, vừa sân, trừ hại và trừ các bất thiện khác cũng như thế mà thật quán. Nếu ta vẫn chẳng khác với niềm vui của chúng hữu tình, náo loạn tức làm cho Thiên long, Dạ xoa và chư Phật, Thế Tôn giận. Nếu làm như vậy Thiên long, Dạ xoa chẳng gọi là xa rời. Như thế chư Phật Thế Tôn đều hoan hỷ".

Trị Tâm (Citta Parikarma Devadesah Paricchedah )
Phẩm thứ 12 (Phụ vào phần Thiền Định Ba La Mật)
Luận rằng:
Đối với A Lan Nhã tu tập thiền định. Như trong kinh Bát Nhã chép: "Tu thiền định Ba La Mật được tâm chẳng tán loạn, lợi ích chúng sanh. Vì sao vậy? Khởi thế gian định, việc làm như thế làm cho tâm tán loạn chẳng thể được. Huống nữa vô thượng chánh đẳng Bồ Đề phải được tâm chẳng tán loạn, cho đến chứng được quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề".
Kinh cũng chép: "Lại nữa Tu Bồ Đề! Sơ phát tâm Đại Bồ Tát tu hạnh thiền định ba la mật, ở nơi tất cả tướng trí đều tương ưng hòa hợp, nghĩa là khéo nhập vào thiền định. Nếu mắt thấy màu sắc chẳng nên giữ tướng nầy, cũng chẳng chấp lấy theo hình tốt đẹp. Lại nhãn căn, không tự dừng nghỉ, tức nương vào tà vọng, tổn não. Nơi việc ác chẳng thiện, tâm theo đó mà trôi nổi, giúp đỡ nhãn căn chế ngự điều nầy làm cho dứt hẳn. Như vậy nơi lỗ tai nghe âm thanh, lỗ mũi cảm được mùi hôi thối; lưỡi rõ biết rõ vị; thân đắm trước sự va chạm; ý biết được các pháp; tất cả đều chẳng chấp tướng, lại chẳng chấp thủ, mà tùa theo hình thể tốt đẹp. Nơi ý căn, chẳng dừng nghỉ; tức việc ác chẳng lành, phi pháp tâm nương theo đó mà lưu chuyển; giúp cho ý căn chế ngự điều nầy làm cho mấtt đi; lúc đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, giữ yên lặng, tất cả đều chẳng xa lìa chánh định. Chân tay chẳng dao động, miệng chẳng nói lời tạp. Lại chẳng cười giỡn, các căn chẳng rối loạn. Nếu thân tâm đều chẳng quên sót, ba nghiệp thanh tịnh; nơi hiển mật như phép luật nghi cho chí vui dễ dàng đầy đủ sung mãn. Khéo nhập vào nơi hành xứ xa lìa nơi ồn ào. Chỗ được, chỗ chẳng được không có cao thấp cùng chẳng có sai biệt. Như thế khổ vui, huỷ báng, danh dự; hoặc tán thán, chẳng tán thán, hoặc trời, hoặc người, chẳng cao thấp và chẳng sai biệt. Hoặc kẻ oán, hoặc người thân, tâm thường tự nhiên, là thánh, chẳng thánh, nghe xong chẳng lẫn tạp. Nơi vui chẳng vui giống như một tướng; Chẳng cao chẳng thấp đều không sai biệt, vượt hẳn sai đúng. Vì sao thế? Nơi tự tướng không, như chẳng chơn thật tức là thấy các pháp chẳng sanh chẳng diệt cho đến nói rộng ra".
Luận rằng:
Vui vẻ tu tập là xa lìa sự giải đãi và thối lui mà thường hay dụng ý tức trừ được cống cao. Đây là hai loại để đối trị. Kinh Hộ Quốc có kệ rằng:
Vô lượng vô số kiếp
Có chư Phật ra đời
Do đây đấng Đại Giác
Mỗi mỗi làm đại lợi
Xa lìa mọi phóng dật
Giải thoát những nhiễm dục
Đây đều hư vọng cả
Như huyễn mộng đã thấy
Xa rời chẳng ở lâu
Các ái lại chẳng thường
Như lực xưa muốn lại
Ở nơi Ba La Mật
Cho đến ngộ Bồ Đề
Siêng năng chẳng nghi hoặc
Kinh Đại Hý Lạc (Lalita Vistara) nói rộng kệ nầy như sau:
Lão, bệnh, tử, khổ
Như lửa cháy đầu
Ba cõi chẳng yên
Vô định không lường
Chưa lìa luân hồi
Thường nơi ngu tối
Giống như ong điên
Vào trong chỗ nhốt
Ba cõi vô thường
Như hài kịch vui
Mùa thu không mây
Lúc sanh lúc diệt
Đời người qua mau
Giống như sông núi
Trôi qua nhẹ nhàng
Như trời phát quang
Thiên giới không tường
Vào ba cõi ác
Vô minh liền khởi
Ái hữu lại sanh
Sa vào ngũ thú
Như nhà làm gốm
Thường ưa màu đẹp
Như tiếng vọng hay
Trong sạch mùi hương
Vui say tiếp xúc
Ðắm đuối tham trước
Như bị ở tù
Như hươu đi võng
Như khỉ bị trói
Thường mong lo sợ
Nghĩ chuyện oan gia
Kẻ dục lạc nầy
Thường nhiều ưu não
Như gặp dao bén
Lại như độc dược
Người trí xa lìa
Như bỏ đồ dơ
Ngu mới tham đắm
Nhơn là lo sợ
Khổ là gốc rễ
Ái bị ràng buộc
Bịnh chết và già
Thường vui dục lạc
Sợ chẳng nương về
Xưa có thánh nhơn
Rõ biết dục nầy
Sợ như lửa cháy
Như nơi bùn lầy
Tựa giữ mật ngọt
Nếu gặp không hiểm
Lại với người trí
Rõ biết hiểm nguy
Như đồ nhơ uế
Tựa đầu rắn độc
Cây thối nặng mùi
Tẩm máu vào người
Như đầu chó chết
Như ác oan gia
Lại các bậc Thánh
Rõ biết dục nầy
Giống nước trong trăng
Như tiếng trong núi
Như ảnh trong gương
Như kẻ hí luận
Như mộng đã thấy
Lại dục lạc nầy
Kẻ trí ngộ rồi
Như huyễn như lửa
Như nước bọt bèo
Sát na ở đó
Thay đổi khởi lên
Hư vọng chẳng thật
Ngày tháng trôi qua
Sắc tướng thay đổi
Ý vui người nầy
Là kẻ ngu phu
Cùng lão bệnh đến
Hội khổ chẳng chừa
Thối thất chọn lựa
Trong sông bị khát
Tài lực phong phú
Kho đụn tích chứa
Niềm vui kẻ nầy
Thật như kẻ ngu
Hoặc lại cất giữ
Bịnh đến rồi chết
Lìa bỏ mọi người
Như vườn không cây.
Kệ rằng:
Giống như cây hoa quả
Ái lạc người chấp trước
Bần khổ già suy nhược
Buông xả như chim câu
Tài sản trang sức đẹp
Vui sanh ý hòa duyệt
Bần khổ cùng già chết
Xa lìa như tử thi
Tướng già hiện tức thì
Năm tháng trải qua rồi
Giống như điện lửa chớp
Đốt tất cả cây khô
Già suy có thể sợ
Giống nhà cửa cháy bừng
Cho nên đức Thế Tôn
Khuyên xa rời chớ cầu
Lại như rừng Ba La
Vì bó chặt nơi quả
Nam nữ cùng quyến thuộc
Khô cằn sớm nên biết
Lại như chỗ bùn lầy
Làm bại những người mạnh
Tướng già cũng như vậy
Sức khỏe chẳng tiến thêm
Già biến hình hài đến
Suy thế lực oai hùng
Tìm đến niềm vui lâu
Chỗ chết chẳng ánh sáng
Trong bịnh khổ não loạn
Chẳng phải là niềm vui
Là tướng của thế gian
Đốt cháy như mãnh thú
Xem nơi già bịnh khổ
Là khổ não thế gian
Đều bỏ tìm niềm vui
Khuyên mau cầu ra khỏi
Lại như sương cùng tuyết
Phủ lên trên cỏ cây
Bịnh khổ ở thế gian
Mệnh căn hoại suy yếu
Của cải chất chứa nhiều
Tìm cầu thật xa vời
Thường như người mang bịnh
Hay khởi việc sân hận
Hoặc oán hại kẻ kia
Nóng nảy như trời đốt
Cho đến khi chết đi
Tài mạng đều tan hoại
Giống nước chảy chẳng được
Quả lá rơi xuống gốc
Như dòng sông trôi chảy
Đắm chìm chẳng tự tại
Tùy nghiệp quả khó dừng
Độc hành chẳng bạn bè
Pháp sanh diệt tại đây
Lại như cá với nước
Ở nơi vô lượng chúng
Như đại bàng đớp rồng
Hoặc vua thú thành voi
Hoặc lửa cháy mạnh mẽ
Thiêu đốt những cỏ cây.
Lại nữa, Kinh Giáo Thị Thắng Quân Đại Vương (Rajavavadaka Sutra) chép rằng: "Phật bảo: Nầy Đại Vương! Giống như bốn phương có bốn núi kiên cố chắc thật, vây bọc chung quanh. Lại được tạo thành không biết bao nhiêu vật chẳng gián đoạn. Nơi cảnh không ấy, tất cả động thực vật đều đi về chỗ hoại diệt; ai có sức lực mà có thể vượt được. Lại nữa, những thần chú dược thuật, tài vật v.v.., làm cho thối hư. Phật bảo: Nầy Đại Vương! Trong đời có bốn loại đáng sợ hãi như thế ai có thể vượt qua khỏi; mà nơi thế lực thần chú dược thuật, tài vật v.v...có thể làm cho thối chuyển? Thế nào là bốn? Đó là suy, già, bệnh, chết.
Phật bảo: Nầy Đại Vương! Một là khi thế lực suy vi đến thôi thúc hành hạ; hai là tướng già hiện ra thôi thúc không còn tráng lệ nữa; ba là bệnh khổ tập trung thôi thúc quẫn bách vây quanh; bốn là sự chết chóc đến, thôi thúc thọ mệnh. Vì sao vậy? Phật bảo: Nầy Đại Vương! Như sư tử là vua của các loài thú, thân tướng dõng mãnh đầy đủ móng vuốt, răng nhọn là lợi thế giữa đám hươu non, bắt hươu tùy theo ý muốn, dầu hươu mạnh khỏe khi vào miệng mãnh thú, không thể chạy khỏi. Nầy Đại Vương! Mũi tên sanh tử bắn vào người lại cũng như vậy, làm cho con người không thể thoát chạy, chẳng nơi trở về, chẳng ai cứu giúp, lại cũng chẳng có chỗ gửi gắm. Mỗi mỗi thân phận mình như máu thịt khô cứng, đói khát nóng lạnh há miệng thở dài, tay chân bại hoại. Nơi tìm cầu, chẳng đâu có được, khóc lóc than trách, đại tiện, tiểu tiện, chẳng tịnh dơ nhớp thân thể. Mạng sống giảm dần, ở đó hiện ra, tùy theo nghiệp duyên mà khởi, đáng sợ hãi trước mặt Diêm Vương. Đêm dài tăm tối, hơi thở vào ra, từ từ cạn dần, chỉ có một mình độc hành chẳng có bè bạn. Bối cảnh lúc sanh, qua lại cuộc đời, thế nhưng đi trên con đường nguy hiểm vào chỗ tối tăm, nhằm nơi hoang dã, rừng rậm bao quanh. Biển nghiệp nổi trôi, gió thổi đọa lạc xua về nơi tối tăm chưa từng dừng nghỉ, chẳng có chỗ nương về, gửi gắm.
Phật bảo: Nầy Đại Vương! Chỉ có Pháp và Pháp mới là chỗ đáng nương về tìm cầu gửi gắm. Đây là chỗ đáng tin cậy. Phật bảo: Nầy Đại Vương! Đây là thiện pháp như mùa lạnh gặp được lửa, như mùa nóng gặp mát, như khát gặp nước uống trong lành, như đói gặp đồ ăn mỹ vị, như tật bịnh gặp lương y, như khi sợ hãi gặp được bạn bè có sức mạnh, đây là chỗ nương về.
Phật bảo: Nầy Đại Vương! Đây là những thiện pháp có đại thế lực, lại cũng như thế làm cho kẻ không có chỗ nương về có thể được nương về, không nơi gửi gắm được gửi gắm. Nầy Đại Vương cho nên phải rõ: Hiện ra vô thường, hiện ra sự diệt mất, mà pháp là như thế chỉ sợ khỏi chết.
Phật bảo: Nầy Đại Vương! Vua nương nhờ đó tức chẳng phải thiện pháp. Vì sao vậy? Nầy Đại Vương! Ở nơi thân nầy từ xưa đến nay, lo gia tâm bảo hộ giữ gìn trang sức đồ ăn uống, y phục đẹp đẽ, tâm tư gói trọn sung mãn cho đến khi mạng chung chưa khỏi được sự đói khát bức bách não hại mà chết. Như vậy thân nầy tuy khả ái dùng để trang sức đồ mặc, mùi thơm chải chuốt, đi đứng nằm ngồi tùy theo ý mà trang sức, nhưng khi mạng chung hôi thối chẳng thanh tịnh, đờm dãi chảy ra. Nầy Đại Vương! Lại nữa thân thể tuy tắm rửa, xoa hương, ướp các thứ hương hoa trang sức thật nhiều, đến khi mạng chung vẫn hôi thối chán ngấy. Lại như thân nầy, có hoàng hậu, thứ phi, cung nữ quyến thuộc vây chung quanh dù kỹ nhạc, ca múa hát xướng, cùng với tôi tớ an hưởng khoái lạc, đến khi mạng chung chưa hết sợ hãi cùng những khổ não.
Phật bảo: Nầy Đại Vương! Cho chí thân tuy ở cung điện, lầu các nguy nga dùng mọi đồ trang sức đẹp, tất cả đều tẩm hoa hương và đốt đèn sáng trang sức chỗ nằm ngồi đẹp đẽ, đốt các thứ danh hương, rải các hoa đẹp; hương thơm xông ngát khắp nơi nơi, gồm toàn những châu ngọc quý báu như lụa là rực rỡ vô cùng. Nhưng đến khi mạng chung tới mộ phần xương cốt thịt lông, thân thể máu huyết đều hôi thối, xác nằm trơ trên đất chẳng còn biết gì nữa cả.
Phật bảo Nầy Đại Vương! Lại nữa thân nầy, thường ngự trên xa mã, đánh trống, thổi nhạc, làm đại âm nhạc, treo bảo cái, che quạt v.v... có voi mạnh và binh lính hầu hạ chung quanh trước sau, có cả trăm ngàn đại thần cùng dân chúng trong nước vòng tay cung kính đảnh lễ. Nhưng chẳng giữ tử thi được lâu trên xe, mà phải mang ra khỏi thành; tất cả cha mẹ vợ con, huynh đệ, chị em, nô tỳ cùng với những người tạo nghiệp khiến cho cả trăm người lâm vào chỗ ưu sầu. Đầu tóc bị loạn, giơ tay ôm đầu buồn khóc thảm thương than thay khổ thay! Ta chẳng cầu, chẳng than, chẳng chủ, còn người trong nước thì sầu khổ luyến lưu. Qua một thời gian, hoặc để cho chim thứu, kênh kênh, chồn cáo, dã can ăn thịt, rồi đem xương cốt để đốt, hoặc chôn xuống đất, mưa gió sương sa lẫn với đất cát tan vào dần dần mục rã.
Phật bảo: Nầy Đại Vương! Thân nầy huyễn hóa chung cuộc rồi cũng hoại diệt. Tất cả các hành đều là vô thường do đó có thể nói rộng ra".
Luận rằng:
Tham, sân, si là nơi chứa phiền não, thế thì sự đối trị tu tập là nguyên nhân để xa lìa chúng. Cho nên kinh Bảo Vân chép: "Đối trị tham, là khởi niệm về duyên vào tham, tất cả đều nên xa lìa. Thế nào gọi là đối trị tham và khởi niệm đối trị duyên vào tham? Tham, nếu rõ biết đối với sự khởi xuất tham lam bởi duyên vào tu bất tịnh quán. Thế nào gọi là bất tịnh quán? Nghĩa là đối với thân, tóc, lông, móng, răng, da, máu, thịt, gân, cốt, ruột, gan, mồ hôi, nước mắt, cổ, yết hầu, tim, gan, nước tiểu, đờm, v.v... Bồ Tát đối với những vật như thế mà khởi lên quán sát tức đối trị ngu si điên cuồng bất thiện kia. Khi biết vật nhơ rồi, chẳng còn khởi tâm tham ái nữa, huống nữa là kẻ trí, Bồ Tát tu bất tịnh quán".
Như kinh Bát Nhã, (Phagavati) chép rằng: "Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ Tát lúc tu Bát Nhã Ba La Mật Đa, như thế đối với thân nầy mà rõ biết. Nầy Thiện Hiện! Như trâu chúa và trâu con bị phanh thây bằng dao làm bốn phần; hoặc ngồi, hoặc đứng mà quán sát như thế. Nầy Thiện Hiện! Đại Bồ Tát lúc tu Bát Nhã Ba La Mật hạnh, cũng như thế, đối với thân thể, địa, thủy, hỏa, phong, như thật mà quán sát. Lại nữa Thiện Hiện! Người nông phu hoặc Trưởng Giả chưa chắc đủ nhiều giống thóc; cho nên quán lúa gạo hạt giống đầy đủ. Kẻ có con mắt sáng, phân biệt rõ biết như thật, biết kia là hạt giống, đây là lúa mạch, đây là lúa mì, đây là hạt cải v.v....
Nầy Thiện Hiện! Đại Bồ Tát tu Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng như thế, đối với thân thể quán sát từ đầu cho đến chân, lông, tóc, móng tay, răng v.v... đều đầy dẫy sự bất tịnh. Bồ Tát quán sát thân nầy như thật, duy có tóc lông, móng tay, răng, đầu, mắt, ruột, tủy, gan v.v... chỗ tàng trữ ruột non, ruột già là đồ bất tịnh. Cho đến qua một thời gian, quán sát những tướng như thế nên để tử thi trong thời gian trải qua một ngày hai ngày cho đến năm ngày thân thể phình trướng, màu xanh hôi thối, da căng thịt nhũn, tanh mùi máu huyết. Thấy như thế, nghĩ rằng thân ta cũng giống như thế, mà kẻ mang thân nầy đối với Pháp cũng lại như thế, bản tánh như vậy. Pháp tánh như thế chưa từng giải thoát.
Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ Tát lúc tu Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng nên đối với ngoài thân quán sát để tu. Ngay cả việc quán sát tử thi ở nơi hoang dã, trải qua một ngày hai ngày cho đến bảy ngày, bị chim muông, chim cú, kênh kênh, chồn cáo, dã can, ... đều đến ăn thịt, ngay cả trùng kiến cũng đến ăn thịt. Quán sát như thế để nghĩ rằng thân ta cũng như thế mà thân nầy các pháp cũng như vậy, bản tánh như thế, pháp tánh như vậy chưa từng giải thoát. Điều quan trọng là nếu quan sát sự bỏ tử thi kia ở nơi hoang dã, khiến trùng độc ăn, bất tịnh hôi thối. Thân ta và thân nầy cũng như thế, giống như trên đã nói. Lại nữa hướng đến chỗ thảm khổ, quán sát sự lìa bỏ tử thi như thịt xương và máu huyết hiện bày nhơ nhớp, ta cùng với thân nầy cũng như thế. Ngoài ra, như đã nói trên lại hướng đến chỗ thảm khổ, quán tử thi máu thịt cùng với xương cốt hiện ra ràng buộc chằng chịt, thân ta và thân nầy như vậy; ngoài ra như đã nói ở trước. Lại nữa như hướng về sự sầu thảm kia mà quán sát sự xả bỏ tử thi, chỉ có xương cốt tan hoại khắp nơi, mà xương đầu, xương chân, xương lưng, xương vai, xương tay... thân ta và thân nầy lại cũng như vậy. Ngoài ra, như đã nói ở trước.
Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi tu Bát Nhã Ba La Mật Đa hướng về sự sầu thảm kia, nên quán sát như sự xả bỏ tử thi, duy chỉ còn xương sót lại, gió thổi mưa bay, làm trắng xóa xương cốt. Thân ta và thân nầy lại cũng như thế. Ngoài ra, như nói ở trên. Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ Tát khi tu Bát Nhã Ba La Mật Đa hướng về sự thê thảm nầy nên quán sát chỗ xả bỏ tử thi, duy chỉ còn xương cốt lại. Trải qua nhiều năm biến thành màu xanh như bùn trong đất, rồi lại thành bột, thân ta và thân nầy lại cũng như vậy. Đối với thân nầy, pháp lại cũng thế. Bổn tánh như vậy, pháp tánh như vậy chưa từng giải thoát".
Luận rằng:
Dùng quán bất tịnh để đối trị tâm tham trước, tu từ bi quán đối trị tâm sân nhuế. Pháp nầy bình đẳng. Nếu chẳng quán sát chúng sanh, hoặc do ăn uống, mà sanh ái lạc. Đối với họ muốn tán thán niềm vui và tìm cầu việc ăn mặc, chẳng phải chẳng ái lạc. Lấy lòng từ độ tâm tham dục là nhân duyên chẳng nhiễm trước về ái, nghĩa nầy có ba loại. Kinh Vô Tận Ý chép rằng: "Bồ Tát sơ phát tâm tu chúng sanh duyên từ, Bồ Tát tâp hạnh tu pháp duyên từ, còn Bồ Tát vô sanh Pháp Nhẫn tu vô duyên từ".
Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận
Hết quyển thứ 14.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment