Thursday 23 August 2012

KINH KIM CƯƠNG
Kinh Kim Cương, được in vào đời nhà Đường 868
Giới thiệu
Kinh Kim Cương hay Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika prajnaparamita sutra) là một bộ kinh rất nỗi tiếng, không những trong giới tu sĩ Phật giáo tại Việt Nam và các nước theo Phật giáo tại Á Châu mà đã trở nên vô cùng quan trọng đối với những học giả Phật giáo Tây phương ở khắp nơi trên thế giới. Kinh Kim Cương còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các truyền thống của Phật giáo Đại Thừa, bất luận Thiền Tông, Mật Tông hay Tịnh Độ Tông. Đặc biệt trong truyền thống Thiền Tông của Trung Hoa, Đại Hàn hay Nhật Bản, những truyền thống vốn có chủ trương không nương vào kinh điển để tìm cầu giải thoát giác ngộ, thế mà việc khuyến tấn học hỏi và nghiên cứu cũng như phiên dịch chú giải Kinh Kim Cương từ văn bản tiếng Phạn sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới thật là nhiều vô số kể.
Khi nói đến Kinh Kim cương, người ta cũng thường hay nhắc đến Tổ Huệ Năng. Ngài sinh ra trong gia đình nhà nghèo, hình thù kỳ dị, lại mù chữ, phải đốn củi nuôi mẹ già. Một hôm, ngài gánh củi đi bán, trên đường chợt nghe có người khách tụng kinh Kim Cang liền có chỗ liễu ngộ. Nhờ sự chỉ dẫn của khách, Ngài đã đến gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn xin học đạo. Khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thấy nhân duyên truyền tâm ấn cho Huệ Năng đã đến, Ngài bèn mật hiệu cho Huệ Năng vào thất rồi giảng Kinh Kim Cương cho. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Đại Sư Huệ Năng liền hoát nhiên đại ngộ. ( “Ưng vô sơ trụ, nhi sanh kỳ tâm” có nghĩa là Đừng trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm hay cũng có thể dịch thoát là: Đừng để tâm trong sạch vướng kẹt nơi nào).
Tại sao Kinh Kim Cương lại có công năng lớn như vậy? Có thể biến một người không biết chữ như Ngài Huệ Năng thành Bậc đại ngộ? Bởi hiểu và hành trì Kinh Kim Cang giúp ta vượt thoát tất cả những sự chấp trước khổ đau, hạn hẹp, dày vò, bức bách. Những sự chấp trước này, đã, đang, và sẽ trói buộc tất cả mọi người chúng ta trong vòng Sinh tử Luân hồi. Còn gì hạnh phúc hơn khi được nghe chính Ngài Huệ Năng giảng Kinh Kim Cang này. Bởi vì Ngài giảng bằng sự thấy chứ không bằng sự suy luận. Ngài giảng bằng sự chứng nghiệm thực tế của bản thân chứ không phải thông qua lời văn sáo rỗng.
Bản dịch chính văn của Kinh Kim Cương Bát-nhã thì Tổ Huệ Năng đã theo bản Hán dịch của Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, phần phân mục này theo Thái tử Chiêu Minh. Bản dịch tiếng Việt của Đạo hữu Nguyên Hiển. Trong bản dịch tiếng Việt này, phần chính văn Kinh Kim Cương Bát-nhã được dịch theo bản Việt dịch của Hòa thượng Thich Trí Quang, phần phân mục vẫn giữ theo Thái tử Chiêu Minh.
Có một câu nói ví von rất hay: "Khi chưa tu ta thấy núi là núi, sông là sông. Tu rồi ta thấy núi không còn là núi, sông không còn là sông. Đến một trình độ tu chứng nào đó, ta lại thấy núi là núi, sông là sông". Khi đọc và nghiền ngẫm Kinh Kim Cương, quý Đạo hữu sẽ thấy đúng là như vậy. Núi và sông ta thấy ban đầu là cái thấy của Tâm chấp trước, Tâm vọng tưởng. Khi tu rồi ta mới hiểu rằng núi và sông không có thực tướng và không còn thấy núi và sông như lúc ban đầu. Tuy nhiên khi đã ngộ thì ta nhìn thấy tướng núi và sông trong sự hòa hợp của các nhân duyên và sự đổi thay trong từng sát -na một. Cái thấy bây giờ của người ngộ đạo là cái thấy vào bản chất chứ không phải vào hình tướng bên ngoài nữa.
Hội Phật giáo Thảo Đường rất vinh hạnh được giới thiệu bài giảng của Tổ Huệ Năng và kính chúc quý Đạu hữu thăng tiến trên con đường Đạo.
Ban biên tập Trang nhà
Bấm vào đây để xem và tải toàn bài Kinh về
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/8/2012.

No comments:

Post a Comment