Monday, 15 April 2013

Phương pháp tu.


- Tôi đã tu được nhiều năm rồi, nhưng sao tâm cứ loạn động, khởi vọng hoài, chẳng thấy tiến triển gì cả, ông có pháp môn gì hay chỉ cho tôi với.
- Tôi cũng như ông, chỉ dựa theo kinh điển, sách vở, băng giảng mà thực hành thôi, chứ có hay hơn gì mà chỉ cho ông. Tuy nhiên chúng ta có thể trao đổi kinh nghiệm, may ra tìm được những sai sót để sửa đổi, một phương pháp nào thích hợp để tiến tu mà thôi. Vậy hiện nay ông đang thực hành phương pháp nào?
- Tôi dùng phương pháp làm gì biết nấy. Thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào; đi biết đi, đứng biết đứng; ngồi nằm, biết ngồi nằm; nhai biết nhai, nuốt biết nuốt; đau biết đau v.v… Mỗi hành động tôi đều biết rõ.
- Đó là phương pháp tỉnh giác về thân, “Quán Thân Trên Thân” trong Tứ Niệm Xứ, thật tuyệt diệu. Vậy ông còn tập thêm gì nữa không?
- Trong lúc ngồi thiền, tâm tôi tỉnh giác, không truy tìm quá khứ, không nghĩ tới tương lai. Cái gì hiện trong tâm tôi đều biết rõ. Chỉ nhận dạng, không thêm không bớt, không đón mời, không xua đuổi. Chúng tự biến đi sau đó. Nếu chúng trở lại thì tôi cũng dùng phương pháp cũ.
- Đó là pháp “Quán Tâm Trên Tâm”, cũng trong Tứ Niệm Xứ mà Đức Phật chỉ dạy. Thế ông còn dùng phương pháp gì nữa không?
- Nếu trong tâm tôi có niềm vui thì tôi biết có niềm vui; nếu tôi có nỗi buồn, tôi biết có nỗi buồn. Niềm vui đến, tôi biết có niềm vui đến, niềm vui đi tôi biết có niềm vui đi; nỗi buồn đến, biết có nỗi buồn đến; nó đi biết nó đi. Niềm vui, nỗi sầu không còn, biết niềm vui nỗi sầu không còn. Không truy tìm nguyên nhân, không hướng tâm giải quyết, không để niềm vui, nỗi sầu dẫn vào ký ức hay suy tưởng. Tôi tỉnh giác.
- Đây cũng nằm trong Tứ Niệm Xứ, phần “Quán Thọ Trên Thọ”. Thật tuyệt diệu. Ông còn thực hành gì nữa?
- Mắt nhìn sắc, tai nghe thanh , mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm tôi đều biết rất rõ chúng. Tôi không để sắc, thanh, hương, vị, xúc dẫn dắt mình vào ký ức hay suy tưởng. Tôi thực hành cách nhìn “như thị”, chúng thế nào thì tôi biết như thế, không thêm không bớt.
- Đây thuộc phần “Quán Pháp Trên Pháp”.
Ông đã thực hành cả bốn pháp trong Tứ Niệm Xứ. “Quán thân trên thân” thuộc về thân, “Quán pháp trên pháp” thuộc về những gì mắt thấy tai nghe, da xúc chạm với cảnh bên ngoài. “Quán tâm trên tâm” và “Quán thọ trên thọ” thì thuộc về tâm. Tất cả bốn phần đều dựa trên sự quan sát khách quan, không có một phán xét nào được xen vào. Ông thực hành như vậy, tôi thấy không có gì là sai với những điều Phật và Tổ dạy. Ông không thấy tiến triển có lẽ vì một nguyên nhân nào đó mà thôi.
- Xin ông hãy chỉ thêm.- Phần đông chúng ta không thấy tiến bộ khi thực hành Tứ Niệm Xứ, có lẽ do vì một hay nhiều nguyên nhân sau:1) Nơi và giờ ngồi thiền không được yên tĩnh, mát mẻ và trong lành. Tập trong lúc bụng no hay đói.2) Bị hôn trầm, tức ngồi thiền mà như mơ màng mê ngủ. Tâm không ngơ, tức tâm cứ trơ trơ rỗng không, không tỉnh giác.3) Tham mong đạt được gì đó trong tu tập. Kỳ vọng thì tốt trong bước đầu, nhưng nó cũng là một trong các “dục” trói buộc ta, cản bước tiến của ta trên đường giải thoát.4) Chúng ta không nắm rõ về cách tập, hoặc nắm rõ nhưng chưa thực tin hiểu, hoặc chưa thực hành ráo riết mọi lúc mọi nơi, mọi trường hợp mà chỉ tập lơ là, hay gián đoạn thì kết quả chẳng là bao nên không thấy tiến.5) Chúng ta biết cách tập, nhưng thực sự chúng ta tỉnh giác thì ít mà cứ để vọng tưởng lôi kéo thì nhiều. Cần để ý kỹ về điểm này để điều chỉnh cho đúng với lời dạy của Phật, Tổ.6) Nghiệp chướng của chúng ta quá nặng, nên ăn chay, niệm Phật, bố thí, phóng sanh, sám hối và thực hành Tứ Vô Lượng Tâm: Từ-Bi-Hỉ-Xả càng nhiều càng tốt.7) Tứ Niệm Xứ là phương pháp thực hành để đưa đến tuệ giác và giải thoát. Chưa thực hành sâu xa thì chưa có tuệ giác. Chưa có tuệ giác thì niềm tin vào phương pháp này không triệt để, khó đưa đến thực hành ráo riết được. Cần tìm hiểu thêm về lý Bát Nhã Kim Cang và Tâm Kinh để phá chấp và củng cố niềm tin nơi pháp bảo này. Ngoài ra vì còn nhiều chướng duyên, chúng ta nên tránh những hội hè đình đám, hay những sự việc dễ làm tâm ta động loạn, nếu có thể được.
- Ông vừa đề cập đến lý Bát Nhã trong Kim Cang và Tâm Kinh. Vậy chúng liên quan gì đến Tứ Niệm Xứ?- Ông đã đọc Kinh Kim Cang. Chắc ông còn nhớ, trong đó Phật dạy, “Bất ưng trụ sắc sanh tâm. Bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” . Như vậy “Mắt không trụ vào sắc mà sanh tâm (phân biệt, ưa ghét), tai không trụ vào âm thanh mà sanh tâm (phân biệt, ưa ghét), mũi không trụ vào mùi hương mà sanh tâm (phân biệt, ưa ghét), lưỡi không trụ vào vị cay ngọt… mà sanh tâm (phân biệt, ưa ghét), tâm không trụ vào pháp trần nơi tàng thức mà sanh tâm (phân biệt, ưa ghét). Không trụ vào những thứ đó thì không bị dính mắc. Không bị dính mắc cảnh trần bên ngoài và pháp trần bên trong thì cái tâm kỳ diệu (phật tánh) hiển lộ. Về sau Lục Tổ Huệ Năng nghe được câu này mà hoát nhiên đại ngộ.
Chúng ta không là đại Bồ Tát, không là bực thượng thừa, không là Lục tổ Huệ Năng nên nghe hiểu rồi mà muôn duyên chẳng bỏ, do đó cần tiệm tu với pháp Tứ Niệm Xứ. Vậy “Quán thân trên thân” và “Quán pháp trên pháp” chính là để không dính mắc bên ngoài; “Quán thọ trên thọ” và “Quán tâm trên tâm” chính là để không dính mắc bên trong. Tu từng bước chậm chạp như vậy, nhưng nếu tinh tấn thì một ngày nào đó chúng ta cũng dứt được muôn duyên mà “kỳ tâm” hiển lộ.
- Bây giờ tôi đã hiểu Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Kim Cang tương quan như thế nào rồi. Vậy còn Bát Nhã Tâm Kinh thì sao? - Vì ông đã biết về Bát Nhã Tâm Kinh và có học qua Duy thức nên tôi tạm chia sẻ cùng ông vài điều. Tất cả chúng ta đều biết trong Tâm Kinh có câu “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.” Tạm dịch là, "Bồ Tát Quán Tự Tại, sau khi quán chiếu sâu bằng trí tuệ Bát Nhã, liền thấy rõ là năm uẩn đều không, cho nên vượt qua mọi khổ ách". Ở đây chúng ta cần hiểu thế nào là ngũ uẩn? Tại sao thấy rõ ngũ uẩn là “không” mà lại vượt qua được mọi khổ ách?
Trước hết ngũ uẩn hay là năm nhóm hợp lại gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức tạo nên trần cảnh và thân tâm con người. Có thân tâm thì cùng lúc cũng phải có trần cảnh bên ngoài và ngược lại. Thân-tâm-cảnh không thể tách rời nhau được, do đó muốn giải quyết vấn đề, chúng ta phải nhận ra chúng vốn chỉ huyễn có, do duyên hợp lại mà có, rồi cũng do duyên biến mà tan, mà chuyển sang một dạng khác. Chúng đã là huyễn, không thật có, như bọt, như bóng, thì cần gì phải lưu tâm, vướng mắc. Không lưu tâm thì không dính mắc. Không dính mắc thì vọng tâm không còn, áng mây vô minh tan biến, chân tâm hay phật tánh liền hiện tiền.
Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức là huyễn, là vô thườngBây giờ ta hãy đi vào từng uẩn. Sắc chính là cái thân xác sanh, già, bệnh, chết. Sắc cũng chính là cảnh vật chung quanh ta gồm âm thanh, ánh sáng, muôn hình, muôn vật. Sắc luôn thay đổi hoặc tan hoại theo thời gian và không gian. Chúng không cố định vì do nhân duyên mà sinh, rồi lại do nhân duyên mà diệt. Thọ là những cảm xúc bên trong như đau khổ, hạnh phúc, sân hận … hoặc không vui không buồn, chúng có đó rồi cũng mất đó. Tưởng là liên tưởng, là đoán định, do thọ mà có. Hành là âm thầm quyết định trong tâm hoặc thể hiện ra ngoài bằng hành động, lời nói. Nó có do “tưởng” mà ra. Thức là biết và phân biệt, tính toán, suy luận. Năm thức đầu là nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức và thân thức chỉ có tính cách biết và phân biệt, chúng hoàn toàn vô tư và khách quan, nhiệm vụ của chúng là thông tin. Năm thức này có là do năm căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân) tiếp xúc với năm trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) mà có. Thức thứ sáu là ý thức. Thức này đa năng, gồm cả biết, phân biệt, tính toán, suy luận và tưởng tượng. Thức này thuộc lý trí và hoạt động do thông tin của năm thức đầu và/hay thức thứ bảy là Ý căn tác động.
Thấy rõ ngũ uẩn là “không” và vượt qua được mọi khổ ách Sắc, thọ, tưởng, hành, thức tác động và ảnh hưởng dây chuyền lẫn nhau theo cả hai dòng thuận nghịch. Bình thường chúng theo trình tự như trên, nhưng không nhất thiết chúng phải theo một thứ tự nhất định nào cả, mà có thể biến hóa theo từng trường hợp. Chúng có đó rồi mất đó, có đó rồi thay đổi đó, vậy chúng chỉ là huyễn có chứ không thực có. Thực có thì chúng không thay đổi và không do duyên sanh mà có. Chúng chỉ là giả tướng, vậy buông cái giả hết, thì cái chân hiện tiền. Hiểu và buông ngay được thì ta liền đồng chư Phật.
Muốn buông thì ngoài dứt các duyên, tức không bị sắc tướng bên ngoài là thân -sắc-thanh-hương-vị-xúc dẫn dắt, trong bặt pháp trần tức không bị thọ tưởng-tưởng-hành-thức lôi cuốn. Tóm lại chúng ta phải làm chủ được thân tâm. Chúng ta không thuộc thượng căn, muốn làm chủ thân tâm thì chúng ta phải thực hành Tứ Niệm Xứ. “Quán thân trên thân” thuộc về thân, “Quán pháp trên pháp” thuộc sắc-thanh-hương-vị-xúc bên ngoài. “Quán tâm trên tâm” và “Quán thọ trên thọ” thì thuộc về tâm bên trong với thọ-tưởng-hành-thức.
Tóm lại Kim Cang thì chỉ thẳng nếu bên ngoài không trụ vào sắc-thanh-hương-vị-xúc và bên trong không trụ vào pháp trần thì chân tâm liền hiện tiền. Riêng Bát Nhã Tâm Kinh thì phân tách kỹ càng những gì ta nhận là ta với Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức chỉ là giả ngã, và cảnh trần bên ngoài cũng chỉ duyên sinh vô thường thì ngay đó buông bỏ mà trở về với chân tánh bất sanh bất diệt. Điều này khẳng định Tứ Niệm Xứ là một phương pháp tuyệt diệu khiến chúng ta, dù là hạ căn, nhưng nếu tinh tấn thực hành phương pháp này thì cũng làm chủ được thân tâm, làm chủ được trong ngoài và sẽ đưa ta đến tuệ giác và giải thoát. Chúng ta chớ coi thường Tứ Niệm Xứ.
- Tôi đã hiểu và có một câu hỏi chót, xin được hỏi ông.- Xin ông cứ nói.
- Có một Tứ Niệm Xứ khác là “Quán thân bất tịnh, Quán thọ thị khổ, Quán tâm vô thường, Quán pháp vô ngã”. Vậy nó khác gì với phương pháp Tứ Niệm Xứ mà tôi thực tập, mà ông nói ở trên.- Tứ Niệm Xứ này là một phương cách khác mà Phật chỉ cho chúng ta thấy thân ta thì nhơ nhớp, cảm thọ thì khổ dù là vui hay buồn, tâm ta thì biến đổi luôn luôn, và muôn vật thì duyên sinh không có tự tánh. Biết chúng trong ngoài chỉ là duyên sanh, vô thường và giả hợp, giả tan thì hãy buông chúng, để trở về với cái ta chân thật. Chúng ta không hiểu hoặc không buông được thì Phật liền chỉ cho một Tứ Niệm Xứ khác, không cần lý thuyết gì cả, chỉ cần thực hành mà thôi, và lại áp dụng được cho cả kẻ trí lẫn người ngu mà vẫn đưa ta đến tuệ giác và giải thoát. Chúng không trái chống gì nhau mà chỉ bổ túc cho nhau mà thôi.
- Xin cám ơn ông.- Đó là những gì chư Phật, chư Tổ và các thiện tri thức chỉ dạy. Ông chẳng cần cảm ơn vì tôi chẳng có gì để truyền cho ông cả. Ông hãy hỏi thêm chư tăng ni để xác quyết lời tôi nói. Khi muốn thực hành theo bất cứ pháp môn nào, chúng ta cần phải hiểu cho thật rõ ràng rồi mới quyết tiến tới. Đừng nghe nói pháp môn này hay, pháp môn kia chóng thành công mà không tìm hiểu cặn kẽ, không biết mình thuộc căn cơ nào, thuộc hoàn cảnh và cơ thể mạnh yếu ra sao mà cứ nhắm mắt theo bừa thì rất khó thành công và có khi còn lạc hướng nữa. Hãy là bản chính của chính mình, đừng là bản sao của bất cứ ai.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.16/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment