Monday 9 April 2012


Tứ động tâm

Tứ động tâm là bốn Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ, ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca.
Tứ động tâm gồm: Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển pháp luân-thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật nhập Niết bàn.

Sở dĩ được gọi là động tâm vì bốn nơi này là Thánh địa rất linh thiêng, khiến cho khách hành hương bị xúc động, chấn động mạnh mẽ khi đến chiêm bái tại đây và từ đó tăng trưởng niềm tin, tinh tấn dõng mãnh hơn trong sự nghiệp tu tập.
Kinh Trường Bộ I (Đại Bát Niết Bàn), trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn đã có lời căn dặn như sau: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sanh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.
Như vậy, theo lời dạy của Đức Phật, những ai có đủ duyên lành hành hương chiêm bái, đảnh lễ Tứ động tâm thì được phước báo lớn. Đặc biệt, những vị hành giả nào trong và sau khi chiêm bái Thánh tích mà thành tựu được tâm tịnh tín, tức lòng tin kiên cố không lay chuyển, bất động vào Tam bảo cùng với tâm hoan hỷ, luôn vui vẻ và an lạc nhẹ nhàng, thì chắc chắn vị ấy sẽ được sanh vào các cõi lành. Đồng thời, nếu những vị ấy phát tâm cầu giải thoát, thì việc chiêm bái Tứ thánh tích sẽ trợ duyên cho các hành giả rất nhiều trong lộ trình tu tập, nhất là sự tinh tấn và nhiếp phục tâm.
Ngày nay, tại các Thánh tích này, mỗi ngày có rất nhiều chư Tăng và Phật tử ở khắp nơi trên thế giới đến hành hương chiêm bái. Mặc dù các Thánh tích Phật giáo tại Ấn đã theo thời gian trở nên hoang phế nhưng năng lượng tâm linh của Đức Phật và chư vị Thánh tăng ở những nơi ấy vẫn còn dào dạt, khách hành hương cảm nhận được sự hộ trì của Tam bảo rất rõ ràng. Đặc biệt, tại Thánh địa Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo dưới cội bồ đề, nhiều vị hành giả đã dừng chân khá lâu ở đây để miên mật dụng công tu tập. Theo kinh nghiệm riêng của họ, được tu tập ngay trên Thánh địa là một phước duyên, vì họ nhận được rất nhiều sức gia trì và hộ niệm của Đức Phật.
Như vậy, trường hợp của các bạn (dù khuyết tật hay không) nếu hội đủ duyên lành hành hương chiêm bái Tứ động tâm với tất cả sự khát ngưỡng của một cuộc hành trình tâm linh thì chắc chắn bạn sẽ gặt hái được nhiều phước báo. Chính sự chuyển hóa nội tâm sau cuộc hành hương sẽ làm thay đổi quan niệm sống, biết tỉnh thức trước tham ái, phiền não nên cải tạo được nghiệp lực. Một khi nghiệp nhân đã được thay đổi, chuyển hóa theo hướng thiện lành thì nghiệp quả sẽ tốt đẹp, viên mãn ngay trong đời này và những đời sau.
Điều cần thiết phải thành tựu trong lúc hành hương là ngoài việc thành tâm chiêm bái, đảnh lễ với hình thức bên ngoài thì trong tâm linh phải tiếp xúc và cảm nhận được sự gia trì và hộ niệm của Phật tổ. Một người hời hợt, chỉ chú trọng hình thức, tâm không chí thành, hành hương về đất Phật như một cuộc du ngoạn hay nghiên cứu lịch sử thì khó “động tâm” để thức tỉnh và chuyển hóa. Trong ý nghĩa đó, nếu chưa hội đủ duyên lành để thực hiện một chuyến hành hương về đất Phật, chiêm bái và đảnh lễ bốn Thánh tích thì chúng ta hãy hướng về Pháp thân. Pháp thân Phật có ở khắp nơi, chiêm bái và đảnh lễ Phật bằng tâm thanh tịnh của chính mình cũng giúp chúng ta thành tựu phước báo vô lượng và nhận được trọn vẹn sức gia hộ của chư Phật.
Nguồn: báo Giác Ngộ.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH,MHDT.9/4/2012.

No comments:

Post a Comment