Tinh thần từ bi hỷ xã,con đường tốt nhất đi dến hòa bình,phát triển an lạc cho nhân loại
Phật giáo được truyền bá và phát triển bền vững qua năm châu bốn biển hơn hai mươi lăm thế kỷ chính là nhờ sự hướng dẫn đúng đắn cho mọi người thể hiện được tinh thần sáng suốt, từ bi và khoan dung trong cuộc sống hàng ngày. Giáo pháp của Đức Phật không hề có chỗ cho sự xung đột trong tư duy hay trong hành động. Chính Đức Phật cùng giáo đoàn của Ngài trên bước đường giáo hóa độ sinh, đến bất cứ nơi nào, cũng thể hiện tấm gương cao quý nhất, thể hiện tinh thần từ bi, hỷ xả, hòa hợp, tôn trọng sự thật, để cảm hóa mọi người đi theo con đường thánh thiện.Con người ở thời đại nào cũng đều có những nỗi khổ chung về vật chất và tinh thần của kiếp người; vì nguyên nhân chính yếu bắt nguồn từ tâm tham lam vô hạn, tâm sân hận vô cùng và tâm mê muội bất tận của chính con người.
Trong các pháp nói về tâm, nổi bật trong
cả hai hệ thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo là pháp Tứ vô lượng
tâm được Đức Phật nhắc đến rất nhiều và đó cũng là pháp hành của chư vị
Đại Bồ tát dùng để cảm hóa mọi người, là pháp hành của các vị Thanh văn
để thanh tịnh hóa tâm mình, tạo được cuộc sống an lạc, giải thoát cho
bản thân. Và hiện nay, pháp Tứ vô lượng tâm cũng được Tăng Ni, Phật tử ở
khắp năm châu dù theo pháp môn
nào cũng đều thể nghiệm trên bước đường tu học Chánh pháp. Đặc biệt là
pháp Tứ vô lượng tâm có giá trị rất lớn và có công năng giải quyết ổn
thỏa nhiều vấn đề bức xúc của nhân loại hiện nay.
Trên thực tế, các vụ bạo động vũ lực giữa các phe nhóm đang diễn ra ở
nhiều nơi trên thế giới, phần nhiều phát xuất từ tâm tham sân si, tâm
cố chấp, Phật giáo gọi là kiến thủ, vì họ không được thấm nhuần tâm từ
bi, hỷ xả, dẫn đến hành động tàn phá những ai mang sắc thái khác biệt
với họ. Phật giáo hướng dẫn con người thể hiện nếp sống vị tha, nếu
không đem lại được an lạc cho người, thì ít nhất cũng không được phép
làm cho người ta đau khổ.Tinh thần từ bi, hỷ xả là yếu tố quyết định cho sự thành tựu mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, giữa các quốc gia. Nói cách khác, đó là sự tôn trọng mọi hình thái khác biệt, hoan hỷ đối thoại và chấp nhận sự khác biệt của nhau, để có được một hướng đi chung, tạo được mối quan hệ hỗ tương lâu dài, cùng được hưởng sự lợi lạc.
Ngoài ra, trong những thập niên gần đây, thế giới luôn lên tiếng báo động mọi người, mọi quốc gia cần bảo vệ sự sống và môi trường sinh thái. Nhưng đối với Phật giáo, vấn đề này đã là một điều luật căn bản mà Đức Phật đưa ra từ 25 thế kỷ trước cho hàng đệ tử phải tuân thủ. Đức Phật dạy mọi người phải thể hiện tâm từ bi, không được sát hại, mà phải tôn trọng sự sống của loài người, loài vật, cho đến cỏ cây, muôn loài. Với trí giác vô thượng, Đức Phật nhận chân được muôn loài trong vũ trụ đều đồng nhau ở thể tánh và trên hiện tượng giới, sự sống của muôn loài có mối tương quan tương duyên mật thiết, cùng cộng hưởng, cộng tồn, không thể tách rời. Vì thế, làm hại người khác, làm hại các loài khác, là làm hại chính mình. Lời dạy này của Đức Phật có giá trị tuyệt đối từ hàng ngàn năm trước mà mãi đến bây giờ, con người văn minh mới nhận biết được.
Đặc biệt năm nay, tôi tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ hai tại Trung Quốc, nhận thấy tinh thần Hòa bình của Phật giáo được thể hiện rõ nét. Đương nhiên về mặt chính trị, thường có sự đối lập lẫn nhau; nhưng trong Phật giáo, đã là đệ tử Phật thì ít nhiều mỗi người đều chịu ảnh hưởng tinh thần từ bi, hỷ xả. Chúng ta biết rằng người Trung Quốc ở Đài Loan, ở Đại lục, ở Hồng Kông và ở khắp thế giới thường có tư tưởng chống đối nhau, khó chấp nhận nhau, vì quan niệm bất đồng về chính trị. Nhưng tại Diễn đàn Phật giáo lần này, tinh thần bao dung của đạo Phật đã có khả năng đưa mọi người đến gần nhau hơn.
Thật vậy, tại Diễn đàn Phật giáo lần thứ nhất ở Trung Quốc, tôi thấy có chư Tăng người Hoa ở Mã Lai,Singapore, Hồng Kông và một vài vị ở Đài Loan đến tham dự. Nhưng trong Diễn đàn lần này, có sự tiến bộ hơn; vì tất cả tu sĩ Phật giáo người Hoa đã gieo trồng hạt giống từ bi hỷ xả trong tâm, nên bắt đầu nhìn nhau cảm thông hơn. Vì vậy, Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ hai đã được khai mạc ở Trung Quốc và bế mạc ở Đài Loan; đó là điều đặc biệt mà không ai nghĩ đến. Hai bờ đại lục này thường có khuynh hướng chống nhau, nhưng nhờ tấm lòng từ bi hỷ xả theo Phật làm cho mọi người có thể gần gũi nhau. Người Trung Quốc đã mở cửa đón những Hoa kiều ở thế giới về, ở Đài Loan sang trong tinh thần cởi mở, họ thấy thân nhau hơn. Và tôi sang Đài Loan cũng nhận thấy người Đài Loan mở rộng tấm lòng đón tiếp người Trung Quốc sang. Có thể nói lòng từ bi hỷ xả của Phật dạy đã làm nguội lạnh tâm hận thù của mọi người, ít nhất là trong những khoảnh khắc sống trong giáo pháp tại Diễn đàn Phật giáo năm nay. Và cũng nhờ sự tập họp của chư Tăng trong bầu không khí từ bi hỷ xả, mà ở những địa điểm xa xôi như Vô Tích, người ta chưa biết đạo Phật, nhưng khi trông thấy nhiều người tu hành giải thoát, họ cũng khởi ý niệm an lạc, hoan hỷ.
Thiết nghĩ hơn bao giờ hết, cần có nhiều người sống với tinh thần Tứ vô lượng tâm, người ta mới không bị dao động trước những đổi thay của cuộc đời, của bản thân, tâm hồn được bình ổn, an vui, mới có được trí sáng suốt và hành xử đúng đắn trong thế giới đầy dao động, nhiều bất trắc này. Đồng thời áp dụng tinh ba của Tứ vô lượng tâm vào việc phục vụ xã hội qua các hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, v.v… mới thiết lập được cho xã hội, cho cộng đồng nhân loại một tương lai hòa bình, hòa hợp, phát triển, an lạc lâu dài.
Tóm lại, tinh thần từ bi, sáng suốt, vị tha mà Đức Phật, chư vị Tổ sư và các bậc cha anh của chúng ta đã thành tựu, nếu được chúng ta tiếp tục thể hiện, chắc chắn sẽ giúp cho nhân loại thoát khỏi những xung đột, hận thù, chiến tranh, khổ đau và xây dựng được ngôi nhà chung an vui, hòa hợp, hòa bình trên trái đất này.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH ,MHDT.6/4/2012.
No comments:
Post a Comment