Tuesday, 26 November 2013

Không nên lấy tình thức để học Phật pháp.
Phải thực thà lấy chân tâm mà học Phật!
Hòa Thượng Tuyên Hóa.
 
 
Người tu hành là cần dẹp bỏ tình thức. Đối với mọi người, ta không dùng tình cảm để mua chuộc ai, trong quan hệ bạn bè thì không có tư tâm, luôn luôn giữ sự thực thà và không có một tình cảm nào khác ngoài sự chân thành; phải kiên quyết đối xử với mọi người như đối xử với chính mình vậy.
Trong lòng ta không nên có ý nghĩ, chẳng hạn như : ‘A! Có người hại mình!’, bởi vì nếu ta không hại người thì người đâu có hại ta. Thản hoặc có người hại ta mặc dù ta không làm điều gì phương hại đến ai, điều này có nghĩa là do nghiệp tội trước đây của ta đã gây ra, nay đem lại hậu quả, nhưng chẳng vì vậy mà ta oán trời trách người, ta không nên oán ai hết, chuyện gì xảy đến ta sẽ nhận lãnh.
Dùng tình thức trong việc cư xử là không đúng! Tình tức là cảm tình, thức là thức tâm. Phàm người tu đạo, không loại trừ ai, không thể lấy cảm tình, cũng không thể lấy thức tâm mà tu tập, chỉ có lấy chân tâm mà tu thôi, nghĩa là lấy cái tâm không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không nói dối, nếu như tu được những cái tâm đó trong mọi hoàn cảnh thì tự nhiên sẽ có sự cảm ứng.
Tuy nhiên, chúng ta lại phải gạt ra ngoài ý niệm muốn có sự cảm ứng. Tu được một hai ngày, không thấy có gì khác lạ, đã vội thối chí : “Ủa! Sao chẳng thấy công hiệu gì? Sao công phu của ta chẳng có chút thành tựu nào vậy?” Quý vị không nên nghĩ có sự thành tựu chóng vánh. Không nên gấp rút, bởi “dục tốc tắc bất đạt”, gấp rút thì không thể thành công. Chỉ nhằm vào cái lợi nhỏ thì việc lớn tất chẳng xong, tóm lại không nên tham điều lợi nhỏ.
          Bởi vậy, đối với người xuất gia tại Vạn Phật Thành chúng ta thì lề lối tu học là :  
Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo
Học đáo như ngu thủy kiến kỳ.
Nuôi dưỡng cái vụng về lớn mới là khéo,
Học đến chỗ ngu si mới thấy cái kỳ diệu.
 
Học khờ dại, học ngu si, học không tính toán, cam chịu thiệt thòi, học trong sự nhẫn nhục, không tranh lấy tiện nghi, học như vậy đó! Không bao giờ dùng mánh lới hay sự lanh lợi của mình để dối người hay để mua chuộc tình cảm của ai. Bởi vậy, những người xuất gia như chúng ta ở đây đều là khờ dại cả; càng khờ dại càng tốt, càng ngu si càng hay. Tại sao vậy? Bởi quý vị đương tu học theo sư phụ của quý vị, mà vị sư phụ đó thì quá khờ dại, khờ dại đến cực điểm! Những gì quý vị học được đều là các pháp khờ dại hết. Mặc dầu hiện nay, nhân loại đã đi vào thời đại không gian, nhưng chúng ta thì vẫn cứ cần cù dụng công, chẳng hề dùng tới các phương pháp khoa học.
Quý vị không thể dùng phương pháp khoa học để áp dụng vào việc tu hành của quý vị được! Quý vị phải tận dụng thời gian của mình, đem hết chân tâm ra tu tập, với một tinh thần không sợ khổ, không sợ khó, không sợ nghèo hèn! Phải thực sự đi ngược lại trào lưu của thế gian! Những gì mà thế gian ưa thích thì chúng ta không ưa thích, thế gian ham thì chúng ta không ham, thế gian mong cầu thì chúng ta không mong cầu. Chúng ta tới đây chẳng phải là để kiếm cái danh, kiếm cái lợi, chẳng phải kiếm cơ hội để xuất đầu lộ diện, những thứ đó đều phải bỏ lại hết!  
...
Trên quan điểm Phật giáo, nếu tu hành mà dụng công thực sự thì công phu đó không hề uổng phí. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không kể tới các trường hợp nói khoác lác, nói phóng đại, tới khi kiểm điểm lại thì chẳng có gì gọi là thực chứng. Trong việc tu hành thường ngày, chúng ta không nên dối trá, mà phải thực tâm tu tập cần cù, không màng tới kết quả, thành tựu tới đâu cũng không quan tâm. Khi thời khắc đến, thấy có kết quả thì càng hay, nếu chưa thấy gì thì lại tiếp tục ráng sức, chỉ biết tu, qua đời này kiếp khác, lấy sự hoằng dương Phật pháp làm trách nhiệm của mình.
...
Thật ra dù quý vị có những vọng tưởng gì, tôi cũng không quan tâm, hôm nay tôi chỉ có một điều mong quý vị ghi nhớ là chúng ta không nên lấy tình thức để dụng công, không lấy tình thức để học Phật pháp. Chúng ta phải thực thà lấy chân tâm mà học Phật! HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.27/11/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment