Saturday, 23 November 2013

NIỆM PHẬT HIỂU THEO 37 PHẨM TRỢ ĐẠO.



Trong giáo lý đạo Phật, 37 phẩm trợ đạo là thành phần rốt ráo nhất giúp hành giả đoạn diệt mọi tham chấp phiền não, vô minh. Thành phần này là con đường chính trong Tứ Diệu Đế mà được biết là đạo đế; 37 phẩm trợ đạo được chia ra như:
- Tứ Niệm Xứ
- Tứ Chánh Cần
- Tứ Như Ý Túc
- Ngũ Căn
- Ngũ Lực
- Thất Bồ Đề Phần
- Bát Chánh Đạo.

Đối với pháp môn Tịnh Độ, 37 phẩm trợ đạo lại được xem là phương tiện trợ duyên tác động thêm năng lực cho người niệm Phật. Vì tu niệm Phật phải có đủ ba tư lương là Tín, Nguyện, Hạnh và để có được tín tâm vững chắc làm nền tảng cho Nguyện và Hạnh hẳn phải thông hiểu phần nào thành phần 37 phẩm trợ đạo làm căn bản trên đường tu niệm. Sau đây xin đi vào từng thành phần một, trong cái hiểu đại cương của người niệm Phật.

1) Niệm Phật với Tứ Niệm Xứ
Tứ Niệm Xứ được đức Phật dạy là pháp môn quan trọng, giúp hành giả quán xét được tính chất của kiếp sống con người về thân và tâm. Nghĩa của Tứ Niệm Xứ là bốn điều ghi nhớ, quan sát hay còn gọi là bốn lãnh vực cần ghi nhận. Bốn điều ấy là:
- Quán thân bất tịnh
- Quán tâm vô thường
- Quán pháp vô ngã
- Quán thọ thị khổ

a) Quán thân bất tịnh để đừng quên niệm Phật
Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật có giảng cho các hàng đệ tử nghe về y báo và chánh báo ở cõi Cực Lạc. Nói về chánh báo là hình tướng thân thể của các bậc thượng nhơn, tất cả đều được hóa sanh từ ao sen thất bảo, đầy đủ cả ba mươi hai tướng tốt, thân tâm thường nhu nhuyễn thanh tịnh. Lại theo lời nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng tức tiền thân của Phật A Di Đà trong quá khứ: “Ví con được thành Phật, các Bồ Tát trong cõi nước con nếu chẳng được thân kim cương Na La Diên, thời con không thành bậc chánh giác (26).” Nay thì Ngài đã thành Phật tính hơn đã mười kiếp theo trong kinh A Di Đà. Vậy điều nguyện của Ngài đều đã thành tựu và tất cả là sự thật.

Sắc thân kim cương, trang nghiêm thanh tịnh như thế hẳn phải khác rất nhiều so với thân thể con người ở cõi Ta Bà được kết tinh bằng tinh huyết của cha mẹ tạo thành. Như thế suy ra được thân thanh tịnh vậy là do phước báo, phát sanh từ sự tu hành, thanh lọc ba nghiệp thân khẩu ý.

Chúng ta mang xác thân máu mủ này là cũng do phước báo, nghiệp báo mà ra. Nghiệp báo có thiện có ác, nghiệp thiện là sự may mắn ta vẫn còn mang được thân người, vì trong lục đạo (thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) thân người khó được, mà nay ta đã được. Nghiệp ác là ta đã vụng tu trong muôn kiếp, để phải trôi nổi mãi cho đến nay mới thức tỉnh nhận ra thân người là khổ là ô uế.

Vậy để tìm phương pháp xa lìa thân bất tịnh này, ta hãy nghĩ về thân kim cương, thanh tịnh của các vị thượng thiện nhơn ở cõi Cực Lạc. Nghĩ mong được như thế chỉ có cách là phải sanh về nước đó, và con đường về Cực Lạc đã được đức Phật Thích Ca chỉ bày; lại có đấng từ phụ A Di Đà đang đưa tay đón nhận, chúng ta chỉ việc cất bước đi thôi.

Trì danh niệm Phật, thật tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật… là phương tiện vận chuyển cho chúng ta sanh về đất Phật.
Đối với pháp quán thân bất tịnh ai cũng thấy hiểu, rõ ràng thân người chứa đựng cả một túi đồ dơ ghê tởm. Chính sự nhận ra việc thân bất tịnh này mà nên nhàm chán cầu cho được thân thể bằng chất kim cương trong sáng. Để được như vậy phải nhiếp tâm niệm Phật, quán chiếu về thân thể. Quán chiếu để thấy rằng thời kỳ hư hoại, bệnh chết của thân đang dần dần phát triển trong thân thể, và nay mai đây một điều chắc chắn thân ta sẽ bệnh, sẽ chết, sẽ sình ươn, hôi thối, ghê tởm không ai dám nhìn.

Quán sát nhận hiểu được như vậy, câu niệm Phật của ta mới phát được định lực. Mỗi khi thân di động, đi, đứng, nằm, ngồi ta đều rõ biết. Rồi lấy câu niệm Phật để giữ gìn mỗi động tác, khiến cho thân đi trong câu niệm Phật, đứng trong câu niệm Phật, nằm trong câu niệm Phật, ngồi trong câu niệm Phật. Niệm một câu Phật ta nhận ra rằng thân này là bất tịnh. Niệm hai câu Phật ta hiểu được rằng thân này là một đảy đựng đồ dơ, và càng niệm nhiều câu Phật, ta càng thấy rõ cái thân sống này toàn là thứ ô trược không có gì đáng ưa muốn. Khi thấy lẽ thật đó rồi, ta càng chí tâm niệm Phật mạnh hơn nữa để cầu mong đạt được thân kim cương bất hoại.

Lòng chí thành tha thiết đó tạo cho việc định tâm, nhiếp niệm thêm vững vàng. Bây giờ ta chỉ còn một niệm ở vào câu Phật cho đến bất loạn. Nhờ vậy thân tâm ta sẽ đi vào câu niệm Phật một cách nhẹ nhàng nhất tâm.

b) Quán tâm vô thường để tinh tấn niệm Phật
Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay vì ôm chấp cái giả dối, hư vọng của muôn sự muôn vật. Xem tâm này là thật có, là bất diệt… Vì sự ngoan cố bám chặt cho tâm là thật là trường tồn, trường cửu. Từ đây sinh ra bảo thủ, chấp chặt sở kiến của mình, rồi phân biệt mọi người đều có tâm riêng biệt không thể hoán chuyển được. Do đó tạo ra muôn nghiệp. Nghiệp quá khứ chưa trả hết, nghiệp hiện tại lại chất chồng rồi tiếp tục làm nhân cho nghiệp tương lai. Cứ thế mà trôi lăn không sao thoát ra được vòng kiềm tỏa của sinh tử.

Để phá vỡ sự mê lầm vọng chấp về tâm là thật có, Phật dạy về phép quán tâm vô thường. Hiểu tâm vô thuờng để thấy rằng tâm con người ta luôn luôn chuyển dời, biến đổi tạo ra không biết bao tư tưởng sai biệt. Nay nghĩ này mai nghĩ khác. Khi gặp cảnh đẹp việc vui tâm sanh mừng ham thích. Gặp cảnh xấu việc buồn tâm buồn giận, sầu lo. Trong một ngày tâm khơi động không biết bao nhiêu lần cứ lăng xăng, rộn ràng như khỉ gặp rừng cây, như ngựa sẩy cương trên đồng trống. Kìm hãm được sự giao động, nhộn nhịp của tâm là việc rất khó. Cũng vậy mà trong kinh Mạ Ý dạy rằng: “Làm trăm ngôi chùa Phật không bằng làm sống một người. Làm sống người trong mười phương thiên hạ không bằng gìn giữ tâm ý một ngày (27).”

Nay muốn dừng lại cái tâm lăng xăng, vô thường ấy ta phải tìm về cái chân tâm, thực tại. Dùng câu niệm Phật để nhiếp phục những giao động của vọng tâm, gột sạch những vọng tưởng điên đảo mà từ lâu nay đã dung dưỡng trong tâm, tự cho cái ta này là thật có, lại nghĩ rằng mọi người đều có một số mạng an bày…

Khi chí tâm niệm Phật, ta sẽ ngừng lại nhịp đập của vọng tâm, cùng theo đó những ác tâm trong ta sẽ mờ dần cho đến khi mất hẳn. Bấy giờ trong tâm ta chỉ còn câu niệm Phật. Vậy thì dùng câu niệm Phật chẳng những gạt bỏ được việc điên đảo vọng tưởng của tâm mà còn huân tập vào tâm thức chủng tử Phật.

Như thế quán tâm vô thường để tự dứt trừ tri chướng chấp vào bản ngã là trường tồn, và rồi sẽ quay về với bản tâm chân thật bằng sự nhiếp niệm vào hồng danh Phật. Cuối cùng hòa nhập vào tự tánh chơn thường không sanh không diệt như đi vào tâm Phật.

c) Quán pháp vô ngã để nhiếp tâm niệm Phật
Pháp được hiểu là mọi sự mọi vật, những gì có hình tướng, tên gọi hay cả những việc không nhìn thấy được, rờ mó được mà chỉ nhận thức bằng tư duy, tất cả cũng đều gọi là pháp.

Con người chúng ta sở dĩ có vui buồn, thương ghét, yêu, giận… là do sự nhận thức sai lầm về các pháp. Nhìn nhận pháp thật có là nguyên nhân tạo ra phiền não, bởi phải sống chết với sự mất còn của chúng.

Thử nhìn xem cõi Tà Bà này mọi vật đều ở trong vòng tương đối, giả tạm, vô thường. Tất cả đều nương nhau để hình thành, tồn tại nhưng rồi cũng phải tan vở để tiếp tục tồn tại bằng dạng thức khác cứ như vậy mãi đến vô cùng. Tìm đâu thấy sự vật, sự việc nào là thật có, khi chúng phải trải qua bốn thời kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không (sanh ra, có được, tồn tại thời gian nào đó, thời kỳ hư hại, tan rã mất đi) .

Ngày xưa khi Ngài Xá Lợi Phất còn là ngoại đạo, chỉ nghe qua câu nói của Tỳ Kheo A Thị Thuyết lập lại từ lời dạy của đức Phật “Các pháp do nhân duyên sinh, và cũng lại do nhân duyên diệt” mà giác ngộ tức thời. Phải chăng câu nói ấy quá đầy đủ để không còn gì biện minh cho cái giả dối của các pháp.

Luận Trí Độ cũng đã nói “Các pháp từ nhân duyên sinh, không có bản tánh, không có tự tánh nên rốt ráo là không. Đã rốt ráo là không, thì các căn bản từ xưa đến nay là không, đó chẳng phải Phật làm, cũng chẳng phải người khác làm (28).”

Vậy thì xưa nay vì không hiểu các pháp, hay nói rõ là mọi sự, mọi vật là giả cho nên chúng ta phải đau khổ khi bị lệ thuộc với chúng quá nhiều. Nói một cách sâu hơn nữa, ngay chính giáo pháp chúng ta học đây cũng không là tuyệt đối. Vì Phật đã dạy hãy xem như chiếc bè đưa qua sông, hãy xem như ngón tay chỉ mặt trăng. Chỉ khi qua đặng sông mới là thật, cũng như nhìn mặt trăng mới là tự tánh.

Nhận được cái giả của pháp rồi, chúng ta sẽ không còn kẹt nhiều vào sự đối đãi, và khi thực hành một việc nào, ta vẫn xem đó là phương tiện để đạt đến cứu cánh thanh tịnh.

Với công phu niệm Phật dựa vào tướng pháp vô ngã, ta sẽ dễ định tâm, không còn phải lo lắng quan tâm đến những vọng động, lăng tăng nhảy múa trong tâm tưởng xen vào câu niệm Phật hay những ngoại cảnh âm thanh khuấy động, rộn ràng lấn át đi tiếng niệm Phật. Từ đó công phu niệm Phật dễ dẫn đến nhiếp tâm hơn.

d) Quán thọ thị khổ để tha thiết niệm Phật hơn
Chân lý của khổ đến từ nguyên nhân thọ mạng này. Hễ có thân là có khổ, vì khổ do sự thọ nhận của thân. Dù là một niềm vui một điều hạnh phúc, một việc dễ chịu cũng vẫn là khổ. Bởi vì sự vui, hạnh phúc, dễ chịu kia không thể kéo dài lâu được. Nên khi mất đi sẽ để lại đau khổ. Nói đúng ra ngay trong lúc vui đã ngấm ngầm có mặt sự khổ trong đó.

Trong kinh Tương Ưng Bộ III, Phẩm Gánh Nặng Phật dạy “Này các Tỳ kheo, thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời. Thế nào là năm? Sắc thụ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ kheo, đây gọi là gánh nặng (29).”

Việc thọ nhận lớn nhất là mang thân này, mà đức Phật đã dạy là một gánh nặng. Chính gánh nặng này đã làm xao động tâm tư gây ra bao xung đột trong tâm thức.

Vậy quán thọ thị khổ cho chúng ta hiểu rằng, sự khổ đến từ sự thọ lãnh, thọ nhận. Việc thọ nhận thân ngũ ấm đã đành là khổ rồi, chúng ta còn lãnh thọ biết bao sự việc chung quanh, chẳng hạn của cải, địa vị, công danh…những lãnh thọ này làm cho gánh nặng của ta vốn đã nặng lại càng thêm nặng.

Người thực hành pháp niệm Phật, dùng câu niệm Phật làm hành trang, mà không phải mang theo những gánh nặng của trần cảnh Ta Bà. Lại quán tưởng đến cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm, nơi ấy không có sự lãnh thọ, thọ nhận những gánh nặng ô trược ở cõi Ta Bà nơi ta đang ở. Quán tưởng và niệm Phật luôn luôn để gánh nặng trong ta, ngoài ta được nhẹ nhàng thanh tịnh.

Thực hành được như vậy sẽ thấy an vui trong câu niệm Phật như lời Phật dạy tiếp theo: Phẩm Gánh Nặng “Này các Tỳ Kheo thế nào là đặt gánh nặng xuống? Đây là sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống (30).”

Do đó quán thọ thị khổ để thức tỉnh diệt đi sự tham muốn, là làm vơi đi gánh nặng của kiếp người như Phật đã dạy. Và ở đây câu niệm Phật lại là hành trang thay thế tất cả để hướng về một thế giới thanh tịnh trang nghiêm hơn. 

 HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.24/11/2013.

No comments:

Post a Comment