Sunday, 16 February 2014

BÀI PHÁP
Atta hi attano nātho
CHỈ CÓ TA LÀ NƠI NƯƠNG TỰA CHO TA.
 
Do Sayadaw Nandamālābhivaṃsa –Ngài hiệu trưởng trường đại học hoằng pháp Phật giáo Nguyên thủy quốc tế (I.T.B.M.U – Yangon) – Viện Trưởng viện nghiên cứu Vi Diệu Pháp quốc tế Yangon.
Atta hi attano nātho = Chỉ có ta là nơi nương tựa cho ta.
Mọi người trong chúng ta có lẽ đã từng nghe câu kinh này rồi. Đây là câu kinh của Đức Phật đã thuyết. Nhưng không phải ai trong đời cũng đều chấp nhận điều này. Ai cũng tự tìm lấy cho mình một nơi nương tựa. Ai là người để cho ta nương tựa đây? Cha mẹ, bạn bè, thân hữu? Có ai trong chúng ta suy nghĩ là “hãy nương tựa chính mình” như Đức Phật nói không? Phần lớn ai cũng tìm những người trong gia đình của mình để nương tựa. Thực sự thì không một ai có thể là nơi cho chúng ta nương tựa được cả. Đức Phật thuyết chỉ có ta là nơi nương tựa lâu dài của ta mà thôi. Các bạn có thể tìm thấy điều đó ở trong các bài kinh.
Attadīpa” nghĩa là tự mình làm hòn đảo, tự mình làm ngọn đèn, tự mình là nơi nương tựa cho chính mình. Đừng tìm người khác để nương tựa. Thực sự chẳng có một ai khác ngoài chính mình là nơi nương tựa cho mình cả. Các bạn chắc cũng đã nghe người ta nói “việc tôi, tôi làm”, “sức tôi, tôi học”, “thời tôi, tôi hành” hay “lượt tôi, tôi đến” sao?
Hãy thử suy nghĩ một chút xem, chúng ta đã có mặt trong cuộc đời này. Cả anh chị em của chúng ta đều đã sinh ra trong cuộc đời này. Có phải tất cả đã được sắp đặt sẵn để sinh ra trong một gia đình hay là tự chúng ta đến? Khi các bạn ra khỏi nhà, có phải các bạn đã sắp đặt trước với nhau là: Anh/chị đi trước đi, tôi sẽ đi sau chăng? Nếu suy nghĩ thật sâu xa thì đời sống này giống như một chuyến tàu lửa. Để đi tàu thì mọi người phải mua vé. Trên mỗi chiếc vé đều có ghi số ghế, số toa. Các bạn  phải tìm đến số ghế và số toa ghi trên vé rồi ngồi cho đúng chỗ. Nếu người khác ngồi vào chỗ đó thì ta nhờ người khác bảo họ đi. Ta có cơ hội để ngồi vào nơi đó vì ta đã phải trả tiền cho nó. Nơi đó được quy định (tạm thời) là chỗ của ta. Chúng ta không chấp nhận nếu có ai đó ngồi vào chỗ của ta. Thế rồi, khi đến nhà ga chúng ta sẽ phải rời khỏi ghế ngồi, rời khỏi đoàn tàu để xuống ga. Lúc đó bạn thử nghĩ xem, chỗ ngồi ấy, toa tàu ấy có còn là của bạn nữa không? Thưa không, vì các bạn đã xuống tàu rồi, đường ta thì ta phải đi thôi. Bạn có còn nghĩ đến chuyện: “Toa đó là toa của tôi, ghế đó là ghế của tôi” nữa không? Chẳng còn ai nghĩ đến điều đó nữa.
Ví dụ: Trong một gia đình ở Yankin này chẳng hạn, do nghiệp và kết quả của nghiệp mà tất cả cha mẹ, anh chị em đều gặp nhau trong một gia đình, trong một khu phố ở Yankin này. Khi gặp nhau trong gia đình đó, có phải bạn gọi cái người đang làm mẹ mình rằng: Này bà ơi, hãy đến đây làm mẹ của tôi không? Thưa không, Đức Phật đã nói rằng: “ANAVHITO TATO ĀGĀ = nghĩa là không mời mà đến” và “NĀNUÑÑĀTO ITO GATO = nghĩa là không được phép mà lại bỏ đi.” Có ai ở đó nói rằng: Mẹ hãy ở lại với con, đừng có đi nữa được không? Thưa không.
Rồi như thế, khi gặp nhau, họ là chỗ nương tựa cho nhau. Liệu đó có phải là chỗ nương tựa mãi mãi không? Thưa không thể được. Khi họ khổ đau và khi chúng ta khổ đau, liệu có thể làm nơi nương tựa của ai được chăng? Thậm chí khi họ ngã, chúng ta còn hợp nhau lại để đỡ họ dậy nữa là. Rồi thì khi già, các bạn có thể nào đến nói với họ rằng: “Hãy đưa cái già đây” được không? Thưa không. Rồi khi bệnh nữa, chỉ một mình ta phải chịu đựng, thật khổ sở, mệt mỏi. Thử hỏi có ai cùng chịu cho ta chia sẽ một ít thọ khổ đó được không? Thưa không. Chà! Cái thế giới này rõ ràng là chẳng có gì để mà nương tựa – điều đó là rõ ràng phải không? Thật là quá rõ ràng. Khổ đau, khổ già, rồi cuối cùng là khổ chết, chẳng có ai có thể làm nơi nương tựa cho ai được cả. Vậy thì ai mới có thể là người cho ta nương tựa? Chỉ có chính bản thân mình thôi.
HÃY NƯƠNG TỰA VÀO CHÍNH MÌNH
Nương tựa vào chính mình là như thế nào? Đức Phật dạy: Hãy nương tựa vào Giáo Pháp mà chính chúng ta thực hành. Khi trưởng lão Sāriputta nhập Niết Bàn, người em trai của trưởng lão là Cunanda (Chu-nan-đa) mang về cho Đức Phật và Ngài Ānanda những vật dụng còn lại như là Y, Bát v.v… Ngài Ānanda đã thốt lên: “Bạch Thế Tôn! Khi hay tin trưởng lão Sāriputta nhập diệt, con buồn lắm. Con còn chẳng biết phân biệt đâu là Đông, Tây, Nam, Bắc nữa. Trong tâm trí con, các Pháp cũng chẳng thể nào hiện rõ; con cố gắng nhớ đến Pháp mà chẳng được. Khi được tin ấy, tâm con rất là đau buồn”. Ngài Ānanda là vị thánh Nhập Lưu (Sotapāna) nhưng vẫn còn khổ não.
Rồi Đức Thế Tôn nhắc nhở: “Thôi nào Ānanda! Khi Sāriputta viên tịch có lấy đi của ông Giới, Định, Tuệ gì không?” Rồi Ngài Ānanda trả lời: “Dạ, thưa không. Tôn giả Sāriputta là người biết giáo Giới, là người biết thuyết Pháp, là bậc đại trí tuệ, con đã mất đi cơ hội để lắng nghe Giáo Pháp do tôn giả ấy thuyết”.
“Này Ānanda! Cái gọi là Pháp Hữu Vi – do điều kiện tác thành – chẳng có một Pháp nào thường tại cả, hãy nương tựa vào chính mình, đừng nương tựa người khác. Nếu nương tựa người khác, chẳng bao lâu người đó cũng sẽ biến diệt đi; thời khi ấy ông sẽ không còn chỗ nương tựa nữa.”
Vào thời Đức Phật còn tại thế, vì lòng tôn kính Đức Thế Tôn, mọi người nương tựa vào Ngài, nhưng rồi Đức Thế Tôn cũng đã nhập Niết-Bàn. Những người đã nương tựa vào trưởng lão Sāriputta, trưởng lão cũng nhập Niết-Bàn; nương tựa vào tôn giả Ānanda, Ngài cũng nhập Niết-Bàn. Không thể có một cá nhân nào là tồn tại mãi mãi cả, chỉ có GIÁO PHÁP (DHAMMA – là chân lí) là tồn tại mãi mãi. Thiện Pháp mà chính chúng ta thực hành mới có ở nơi chúng ta. Vì phải đi một mình trong cuộc hành trình trong luân hồi này, nên đồng hành cùng chúng ta thì chỉ có Giáo Pháp.
ATTĀ HI ATTANO NĀTHO – chỉ có mình là nơi nương tựa của mình; chỉ có sự thực hành Thiện Pháp mới là nơi nương tựa của chúng ta. Thực sự chẳng có một ai là nơi nương tựa lâu dài cho ai cả, có chăng đó chỉ là sự giúp đỡ nhau tạm thời mà thôi.
Đầy đủ câu Pāḷi này là: Attā hi attano nātho, kohi nātho paro siyā – quả thật (nhờ sự thực hành Thiện Pháp) thì chỉ có ta mới là nơi nương tựa cho ta, làm sao người khác có thể là nơi nương tựa cho ta được.
Ta được tạo nên từ những việc ta đã làm. Tự mình không thực hành Thiện Pháp thì các bạn không thể nào rộng lượng cho đi và hiểu rõ giá trị của việc làm đó. Chỉ khi nào bạn thực hành, làm sinh khởi rõ ràng sự thực hành Thiện Pháp nơi thân-tâm này, thì mới cảm nhận được rằng: Chỉ có thể nương tựa lâu dài vào những điều tốt đẹp mà chúng ta đã thực hiện được. Những thứ ngoài ta, chẳng có cái chi là thường hằng cả.
Cha mẹ thường nghĩ là họ sẽ nương tựa vào con cái của mình, nhưng nếu con cái vì công ăn việc làm phải đi nơi này nơi khác, thì biết nương tựa vào ai bây giờ? Bạn hữu cũng vậy, chúng ta cũng vậy. Họ không thể nương tựa vào chúng ta mãi được. Chúng ta có công ăn việc làm của chúng ta. Chỉ có một nơi nương tựa chính là “Thiện Pháp”. Cái tồn tại, có mặt cùng với mình, gặp lại trong hành trình của cuộc đời chính là Pháp, là chân lí. Vì thế Đức Phật đã thuyết lên một bài kệ, một quan điểm, không giống với quan điểm của thế gian, để chúng ta khỏi phải chấp chặt vào nơi nương tựa sai lầm:
“ATTĀ HI ATTANO NĀTHO,
KO HI NĀTHO PARO SIYĀ;
ATTANĀ HI SUDANTENA
NĀTHAṂ LABHATI DULLABHAṂ.”
Attā hi = quả thực, chỉ có mình,
attano = của mình, cho mình,
nātho = (là) nơi nương tựa.
Attanā hi sudantena = Thật sự nhờ sự khéo giáo huấn mình (thực hành Thiện Pháp);
Nāthaṃ = Pháp đặc biệt,  Pháp cao thượng là nơi nương tựa,
labhati = đạt được,
dullabhaṃ = sự khó đạt được.
Dịch nghĩa: Chỉ có Thiện Pháp mà chúng ta thực hành mới là nơi nương tựa của chúng ta, làm sao người khác có thể là nơi nương tựa cho ta được. Quả thật, nhờ sự răn dạy mình và thực hành Pháp mà một người đạt được Pháp cao thượng, là nơi nương tựa thực sự, khó đạt được.
Các bạn hãy tâm niệm như vậy nhé. Trong số những người con trai, con gái, bà con thân thuộc, ta sẽ nương tựa ai? Xin đừng có suy nghĩ đến. Nếu nương tựa sai lầm thì chẳng một ai có thể cứu được, giúp được chúng ta cả.
Tự mình nương tựa mình – Điều này ngụ ý là hãy nương tựa vào Pháp -nơi nương tựa thực sự có ở bên trong chúng ta, đừng có tìm kiếm ở bên ngoài. Nương tựa chính mình có nghĩa là tự mình răn dạy mình để trưởng dưỡng Thiện Pháp. Việc răn dạy người khác thì dễ, còn răn dạy mình thì khó – Đức Phật thuyết: “ATTĀ HI KIRA DUDDAMO” nghĩa là việc huấn luyện chính mình quả là khó. Cha mẹ răn dạy con cái, người lớn răn dạy người nhỏ, người này răn dạy người kia… thì dễ, song tự mình dạy bảo mình thì rất khó. Nhờ tự mình dạy bảo mình, chúng ta trở thành người thiện trí, và thấy được nơi nương tựa đích thực. Còn nếu không răn dạy mình, chúng ta sẽ không thể nào có được nơi nương tựa đích thực.
 
THIỆN PHÁP – NƠI NƯƠNG TỰA ĐÍCH THỰC
Vậy nơi nương tựa đích thực là gì? Là Thiện Pháp mà chúng ta đã thực hành. Chẳng hạn – khi một người được sinh ra ở đời,
(1)            - nhờ người ấy tránh sát sanh;
(2)            - tránh lấy của không cho;
(3)            - tránh tà dâm, gian díu vợ người;
nhờ tránh ba bất thiện nghiệp về thân này mà người ấy đã tạo được ba THÂN THIỆN NGHIỆP (việc thiện lành do thân). Nhờ phước báu đã thực hành ba việc thiện lành do thân này mà người ấy được sanh ở cõi người, cõi trời. Ba thân thiện nghiệp này có trong thập thiện nghiệp (Kusalakammapatha).
Và, KHẨU THIỆN NGHIỆP (việc thiện lành do lời nói) –
(4)            - là tránh nói dối, chỉ nói những điều mình nhớ, mình biết;
(5)            - không nói những điều đơm đặt làm người này xích mích người kia;
(6)            - không nói thô lỗ, chỉ nói những lời có văn hóa, lịch sự; 
(7)            - tránh nói những lời vô ích phù phiếm, chỉ nói những lời nói có lợi ích. Đó là sự thực hành Thiện Pháp. Việc thực hành này có thể giúp một người sinh về cõi người, cõi trời. Ngày nay chúng ta được làm người, có được cuộc sống của một con người chính là nhờ những thiện nghiệp này. Những Pháp này đã đưa ta đến đây vậy.
Lại nữa,
(8)            - người ấy từ bỏ được lòng tham muốn của cải tài sản của người khác thành của mình (lobha);
(9)            - người ấy từ bỏ ác tâm (byāpāda), sân tâm (dosa) muốn hủy hoại lợi ích, hạnh phúc của người khác;
(10)     - có tư duy đúng đắn là: hành động nào dù tốt hay xấu đều có kết quả tốt xấu tương ứng và họ chấp nhận điều đó (sammādiṭṭhi).
Thực hành như vậy là việc thực hành Thiện Pháp. Tất cả là mười thiện nghiệp, mười thiện Pháp. Nhờ mười thiện nghiệp này mà có thế giới loài người. Để được là người thì phải thực hiện thập thiện nghiệp này. Còn tạo mười bất thiện nghiệp (hay còn gọi là ác nghiệp, ngược lại với mười thiện nghiệp kể trên) thì không thể gọi là người vậy. Cõi người là cõi đạt được nhờ sự thực hành mười việc thiện lành, cõi trời cũng vậy.
Người tạo mười ác nghiệp phải chịu tái sanh ở những cõi thấp kém (không an vui hạnh phúc – hay còn gọi là đọa xứ apāya). Một người không thể nói không có địa ngục vì họ không nhìn thấy. Ở ngay trong thế giới loài người đang sống, nếu nhìn thấy được những hành động bất thiện mình đang làm do không làm một việc thiện nào cả, thì sẽ hiểu hậu quả của những hành động bất thiện ấy là như thế nào?. Đỡ hơn cảnh giới địa ngục chính là súc sinh, đỡ hơn súc sanh là ngạ quỷ hoặc tái sanh vào cõi Atula. Sự tái sanh ở các cõi này đều có liên quan đến quả của mười ác nghiệp.
Vì không thực hành Pháp mà số lượng chúng sanh trong các đọa xứ nhiều hơn số lượng chúng sanh trong cõi trời và cõi người. Mọi người thường nghĩ – dân số trên thế giới rất là đông, dân số càng ngày càng tăng lên. Như một số nước còn không cho phép sanh để con người không có cơ hội ra đời vì do dân số quá đông. Số nước khác còn không cho phép nhập cảnh vì họ nghĩ là dân số quốc gia họ đông vậy. Tuy nhiên, đừng có nhìn vào số lượng các chủng loại động vật, chỉ cần nhìn vào một loại thôi, nếu mà đem so sánh về số lượng thì khác nhau như thế nào? Những cái trứng trong bụng một con cá thì lên đến hàng triệu. Đây mới chỉ là một con trong một loài thôi, không đủ nhiều hơn dân số loài người sao? Số lượng động vật thì nhiều như vậy, chắc số người làm những điều phi Pháp là nhiều lắm.
Các bạn cứ nghĩ là số người hành mười việc thiện lành trong thế gian này là nhiều, nhưng cứ xét lại trong cuộc sống hằng ngày của mình thử: Ngay từ lúc sáng sớm đến lúc nhắm mắt ngủ: “Ta đã lỡ làm điều gì không phải chăng? Ta có lỡ vi phạm một trong mười ác nghiệp[1] nào chăng?” Điều này không đáng để tự kiểm sao? Nếu không xét lại mình thì làm sao ta biết được từ lúc sáng sớm cho đến lúc đi ngủ – Ta có lỡ sát hại sanh mạng nào không? Có lấy của cải mà người chưa cho không?”… Nếu tự mình thường kiểm tra điều đó và mỗi khi kiểm tra như vậy, thì những việc ta đã làm sẽ tái hiện trở lại. Nếu những việc bất thiện ta lỡ làm thì nên tu sửa. Những việc thiện nào ta đã làm thì nên tiếp tục. Vì đây chính là nơi nương tựa cho chúng ta.
Nếu lỡ tạo nghiệp bất thiện, hãy tự nhủ lòng: “Điều này ta không nên lập lại nữa”. Chuyện gì xảy ra với người khác, ta đều nói được, còn chuyện của mình thì lại dễ tha thứ. Nếu một cái đĩa bị vỡ, ta có thể rầy la người ta đểnh đoảng, không ý tứ. Còn nếu do ta làm rơi thì nói là rủi ro.
Nếu tha thứ cho mình được thì cũng phải cố gắng tha thứ cho người. Ngày nay, có nhiều người, khi người ta làm thì mình cho là rủi ro, mình làm cũng cho là rủi ro – Chúng ta không nên có thái độ như thế.
“Anh đó, chị đó cứ vậy hoài, chẳng cẩn thận gì cả, còn tôi thì rất cẩn thận”. Tại sao họ có suy nghĩ như vậy? Không phải bản tính con người là ai cũng muốn được xem mình quan trọng hơn hết sao? Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này. Đó là thực tế.
Khi đã hiểu điều này rồi, mình phải biết kiềm chế lại, nếu không thì mình lại là người không hiểu biết, không có văn hóa. Ta chỉ muốn hơn người khác mà lại không biết tự chế ngự mình. Phần lớn người ta cho phép mình không tự kìm chế, không tự chế ngự bản thân mà lại viện đủ lý do. Họ còn không tha thứ cho người khác nữa. Nếu không dễ dàng tha thứ cho người thì cũng đừng dễ dàng tha thứ cho mình. Người dễ dàng tha thứ cho mình, không thể là người hiền trí được.
Những bậc hiền trí ngày xưa, nếu lỡ phạm những điều không phải, thường không tha thứ cho mình và hay răn dạy mình để trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Khi chúng ta có văn hóa, có sự khéo huấn, thì mới có được chỗ nương tựa thực sự. Nơi nương tựa thực sự sẽ có mặt trừ khi chúng ta hiểu biết và tự chế ngự mình, tự giáo huấn mình.
Nếu nghĩ: Ta sẽ nương tựa vào con trai hay con gái đây? Hay bà con, thân quyến? Hãy nhớ là trong cộng đồng xã hội của chúng ta; thân hữu chúng ta, mọi người chung quanh, chẳng có một nơi nương tựa nào là thực sự. Ví dụ: lúc lâm chung hấp hối, thì ai là chỗ dựa cho chúng ta? Chỉ một chỗ dựa đích thực cho chúng ta là cái Tâm đã được trưởng dưỡng Thiện Pháp của chúng ta mà thôi.
Vào lúc đó, nếu ra đi với cái tâm dính mắc luyến ái vào con cái, tài sản… nó sẽ đưa đến các khổ cảnh. Để không phải như thế, chúng ta nên nương tựa vào Thiện Pháp mà chúng ta thực hành. Lúc lâm chung mà tâm trí đang thực hành Thiện Pháp, nó sẽ đem chúng ta đến các thiện thú (chỗ tái sanh tốt đẹp – Thiện sanh – sugati). Vì vậy xin đừng có nhầm lẫn nơi nương tựa.
Để có được nơi nương tựa đó, chúng ta phải biết tự huấn mình, không nên tự lừa dối mình. Con người thường không biết họ đang tự lừa dối mình. Nếu người khác không dối trá, thì mình xem họ là những người hiền thiện, còn ta lại lừa dối chính mình sao? Vì vậy hãy biết tự chế, tự hóa, tự huấn lấy mình.
Trong 550 chuyện tiền thân của Đức Phật, có những điều đáng ghi nhớ về việc tự chế, tự huấn mình. Bởi vì tự giáo huấn mình, mới có được nơi nương tựa thực sự. Nhờ những người biết nương tựa mình, biết nương tựa vào việc thực hành Giáo Pháp mà Giáo Pháp của Đức Phật sẽ không bao giờ tiêu hoại. Vào thời kỳ Đức Phật chưa xuất hiện, họ là những con người có trí, biết tự huấn mình. Những người có trí này họ tự huấn và tìm được nơi nương tựa cho chính mình. Những người này được gọi là Pacceka Buddha nghĩa là Phật Độc Giác. Pacceka – nghĩa là độc lập, không phụ thuộc, Buddha nghĩa là biết, giác. Còn SAMMĀSAMBUDDHA(Chánh Đẳng Giác hay còn gọi là Phật Toàn Giác) là vị Phật tự mình chứng ngộ được Tứ Thánh Đế (Tứ Diệu Đế) và có khả năng thuyết giảng cho mọi người chứng ngộ. Phật Độc Giác cũng là người chứng ngộ Tứ Thánh Đế bằng phương pháp của mình nhưng không có khả năng thuyết giảng để cho người khác nghe và chứng ngộ Tứ Thánh Đế.
Độc Giác Phật xuất hiện vào thời kỳ Chánh Đẳng Giác không xuất hiện. Độc giác Phật là người như thế nào? Là người nỗ lực thực hành Minh Sát[2] thường xuyên, và nhờ nỗ lực thường xuyên mà ngay trong kiếp này có thể chứng đắc Đạo quả A-La-Hán. Nếu ngay lúc cận tử mà không chứng đắc thì sau khi thân hoại mạng chung, rồi tái sinh, cuối cùng cũng có thể trở thành Phật Độc Giác. Đây là Quả lành của những người nỗ lực thực hành Minh Sát, thực hành Pháp.
Nhớ rằng, việc nỗ lực hành thiền để đạt được Pháp cao thượng, không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Giả sử khi các bạn trồng cây, việc các bạn phải làm đó là sửa soạn đất, làm cỏ, bón phân, tưới nước, loại bỏ sâu bọ… đây mới là nhiệm vụ của chúng ta. Liệu bạn có thể cho cây ra hoa theo ý muốn của bạn được không? Thưa không – chúng ta chỉ có thể tạo nên những điều kiện (duyên), như tưới nước, đem cây ra nắng, khi trời nắng quá thì phải mang cây vào trong bóng râm v.v… chúng ta chỉ cung cấp những điều kiện cho cây ra hoa mà thôi. Và rồi với những điều kiện tốt đẹp như thế, thì nhiệm vụ của nó là đơm hoa, trổ quả.
Cũng như thế với một người siêng năng hành thiền thì Pháp cao thượng, Pháp đặc biệt sẽ tự động đến bất kể trong hoàn cảnh nào. Tự động đơm hoa, tự động ra quả, quả sẽ đến lúc chín mùi. Đúng lúc ra hoa thì ra hoa, đúng thời trổ quả thì trổ quả. Những người đang nỗ lực hành thiền trong đời này có thể đạt được Đạo cao thượng hoặc ngay trong lúc lâm chung, hoặc ở đời sống kế tiếp, nếu không vào đời sống kế tiếp thì có thể thành một vị Phật Độc Giác. Vì thế hãy thực hành với sự hiểu biết của mình. Chỉ khi nào thật sự thực hành thì sẽ tìm thấy Đạo lộ.
Để trở thành một vị Độc Giác Phật cần phải thành tựu các ba-la-mật trong hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Hai A-tăng-kỳ là con số không thể đếm được; một trăm ngàn đại kiếp là con số đếm được. Để trở thành một vị Phật Độc Giác không phải thực hành chút ít ba-la-mật mà được, phải thực hành trong hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Chẳng có ai chỉ dẫn phương pháp thực hành, chỉ có tự mình kiểm soát, tự mình răn dạy mình mà tìm thấy phương pháp. Tự mình nương tựa mình thôi chứ không nương tựa bất kỳ một ai khác.
Thuở xưa, Đức Bồ Tát Gotama đã từng là một vị vua ở Bārāṇasī, Ngài thường có khuynh hướng làm những việc phước thiện. Bất kỳ đời sống nào, Ngài cũng có khuynh hướng tu tập thiền định. Vào thời kỳ chưa có Giáo Pháp cũng thế, Ngài thường hay thực hiện các thiện nghiệp như bố thí, giữ giới… Mọi người thì khác nhau về tính khí do sự ảnh hưởng của những hành nghiệp, những thói quen đã tích lũy trong quá khứ. Một số thì thích nghe Pháp, có số thì không. Một số thì thích bố thí cúng dường, số khác thì chẳng thích gì cả.
Sở thích (Vāsanā) là các khuynh hướng lặp đi lặp lại của những hành động, những công việc. Những hành nghiệp ấy được thực hành lặp đi lặp lại trong các đời sống. Những thiện nghiệp nào thường tạo trong quá khứ thì thường trở lại ở kiếp sống này. Vào những đại kiếp không có Toàn Giác Phật xuất hiện thì có những vị Phật Độc Giác. Tại thành Bārāṇasī có 5 vị Độc Giác Phật đi đến cung vua. Chúng ta nên biết một điều: Các vị Phật Độc Giác có thể xuất hiện rất nhiều. Toàn Giác Phật thì chỉ có một mà thôi. Vào thời Đức Toàn Giác Gotama chưa xuất hiện, thì đã có rất nhiều Đức Phật Độc Giác. Trong bài kinh ISIGILI (Kinh Thôn Tiên) Đức Phật đã thuyết lên tên của các vị Phật Độc Giác ấy. Ở trong kinh tập Pāḷi (Suttanipāta) phẩm Khaggavisāṇa cũng có nữa.
Thế các vị Phật Độc Giác đã thực hành như thế nào? Các vị đã trở thành Phật Độc Giác như thế nào cũng được ghi lại trong kinh điển. Vào kiếp sống nào các vị đã tìm gặp, đã thực hành và đạt được Pháp cao thượng như thế nào nữa.
Do đức vua Bārāṇasī thỉnh mời nên cả năm vị đều vào hoàng cung. Sau khi đã dâng cúng cao lương mỹ vị, đức vua ngồi cạnh năm vị để thỉnh Pháp. Khi thỉnh Pháp, đức vua muốn biết rõ từng vị bèn hỏi.
 
Phật Độc Giác thứ nhất
Vua hỏi vị Phật Độc Giác lớn nhất trong năm vị: – “Bạch Ngài, vì cớ gì Ngài từ bỏ đời sống tại gia và xuất gia sống đời thánh thiện này?”. Vua hỏi.
(Ngày nay, có nhiều người xuất gia do cha mẹ bảo xuất gia thì xuất gia, sau khi đã xuất gia thì mới có tâm xuất gia. Trong cuộc sống này có những lí do xuất gia như vậy đấy. Nhưng lí do thì rất là nhiều).
Và thế rồi Vị Phật Độc Giác đầu tiên mới kể lại rằng:
Ngài là một người nông phu cày ruộng bình thường trong một ngôi làng ở thị trấn Kāsi, Ngài đang cày ruộng cùng với một người bạn. Ở Ấn Độ vào mùa nóng thì rất là nóng. Mỗi người đi cày đều phải tự mình mang nước theo bên mình. Dưới tiết trời nóng bức, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm. Khi đã thấm mệt, khát nước, một người mở bình nước của mình ra, thấy chiếc bình của mình còn quá ít nước, ông ta nghĩ: “Nước của ta sẽ hết mất, ta sẽ lấy nước của bạn ta để uống”. Nghĩ xong, người ấy lặng lẽ lấy nước của bạn mình uống rồi tiếp tục cày. Tối đến khi đã xong công việc, vì mệt mỏi nên cả hai đều xuống sông tắm rửa để trở về nhà. Tắm táp thay y phục, mát mẻ sảng khoái xong đâu đó, bấy giờ người bạn lấy nước mới chợt nhớ lại việc trộm nước của mình: “Chà! Xấu quá, ta xấu quá! Ta quả là người xấu! Vì tham lam mà ta đã trộm nước của người khác. Nếu không biết kiềm chế lòng tham, ta sẽ rơi vào đọa xứ mất thôi”. Ông ấy đã nghĩ như vậy đó. Có thể một số người ở đây không nghĩ như vậy: “Nước ấy có giá trị là bao” – có phải vậy không? Nhưng đối với người nông phu này thì ông không nghĩ như vậy. Ông ấy chỉ nghĩ rằng: “Nước của người khác, ta chưa hỏi mà lấy uống”. Phải nói rằng đây chỉ là một lỗi nhỏ nếu sau khi uống xong ông ta chỉ cần nói: “Này bạn, nước của bạn tôi lỡ lấy uống rồi” là xong. Thế nhưng người ấy đã không nghĩ vậy. Ông đã tư duy về những lỗi lầm của lòng tham muốn: “Cái tâm này sẽ dẫn ta đến những nổi khổ trong luân hồi. Đây là một việc làm không tốt đẹp – là lỗi của lòng tham.” Trong khi đang đứng và tư duy như thế, ông suy niệm về bản chất của tham ái và quán niệm về sự vô thường biến đổi của các Hành. Và rồi chỉ trong một lần ngồi xuống tham thiền, ông trở thành vị Phật Độc giác. Chắc là các bạn đang nghĩ tại sao lại nhanh như vậy, phải không? Đó là nhờ năng lực của việc thực hành đã được huân tập.
Các bạn có lẽ còn nhớ Đại đức Cūḷapanthaka: Đức Thế Tôn đưa cho ông một cái khăn, ông quán niệm Pháp với cái khăn đó, khi ông thấy chiếc khăn trở nên dơ bẩn, ông kinh cảm về sự dơ bẩn của cơ thể, và cấu uế của thân năm uẩn. Đây là Pháp mà ông đã thực hành trong quá khứ. Pháp ấy được thực hành tiếp tục ở trong hiện tại và nó đã cho kết quả. Loại tâm này, trước đây cũng đã xuất hiện nơi ông rồi, nên lần này nó đã đem lại kết quả cho ông. Tâm trước đây và tâm bây giờ khi kết hợp lại có những năng lực làm biến đổi bản chất trong con người ông. Nó khiến cho ông nhớ lại một đời sống trước đây khi ông là vua, ông đã lau trán bằng một chiếc khăn tay trắng mang theo bên mình. Lúc nhìn lại chiếc khăn trắng, nó đã bị nhiễm bẩn bởi thân thể ô trược từ lúc nào.
Tư duy như thế này là một tư duy liên hệ đến Pháp. Tư duy về Pháp ấy đã được Đức Phật khơi dậy trở lại ở nơi ông, làm tái hiện những gì ông đã từng làm trong quá khứ, nhờ năng lực của nó mà ông đã chứng đắc Đạo quả A-La-Hán.
Vị Độc Giác Phật cũng với sự hiểu biết như thế thôi. Khi ông lỡ lấy một cốc nước của người khác uống, tâm của ông không hoan hỷ với việc làm của mình, đã tự nhủ lòng mình: “Thực sự là xấu xa, ta đã làm cái việc không phải rồi. Quả thật tham lam là Pháp xấu xa!” Rồi ông suy niệm về bản chất của tham, và suy niệm đến từng ác Pháp một; phát triển tư duy ấy đến bản chất vô thường – biến diệt của các Hành, và Khổ là bản chất cố hữu của sự biến diệt. Trong khi suy niệm những điều đó, ông đã đạt được Tuệ minh sát và đạt luôn quả vị Phật Độc Giác.
Bạn của ông sau khi tắm xong, lên bờ và hỏi: “Này bạn, hãy về thôi. Trời tối rồi”. Ông bèn đáp lời bạn mình: “Tôi không trở về nhà nữa. Tôi nay đã là Độc Giác Phật rồi”. Đã là một vị Phật Độc Giác, nhưng bộ dạng của ông khi ấy vẫn là một nông phu. Bạn ông hỏi: “Ông đùa sao? Độc Giác Phật gì mà như ông? Là Độc Giác Phật thì đầu phải không có tóc và y phục phải nhuộm màu chớ!”. Nhớ ra, ông dùng tay chạm nhẹ mái tóc thì đầu ông như vừa mới cạo và có đầy đủ tám món vật dụng. Sau đó ông phi hành lên không, bay đến độngNandamū trên núi Gandhamādana nơi cư trú của các vị Độc Giác Phật, bỏ lại sau lưng người bạn đang đứng trân trân ở đó.
Hai người bạn ấy, họ đều là con người cả, nhưng một người thì có Tuệ, còn một người lại không. Tại sao vậy? Vì người bạn kia đã không thực hành nên không có Tuệ. Còn ông, ông biết tự chế, tự huấn, và đã thấy được nơi cần nương tựa là chính ông trong các Thiện Pháp chứ không phải ai khác.
Nơi nương tựa thực sự là thế. Nó không phải ở bên ngoài, ở nơi người khác. Nơi nương tựa đích thực là chính mình. Đạo quả A-La-Hán là một Phước Thiện đặc biệt. Sau khi đã đạt được Phước Thiện này rồi, tất cả mọi hoài nghi, mọi lậu hoặc, cấu uế, ô nhiễm đều tiêu tan. Mọi hình thức tái sanh, mọi sinh hữu không còn nữa. Tất cả đã chấm dứt. Nơi nương tựa thật sự là thế đó. Và với cách này, vị Phật Độc Giác đầu tiên ấy đã kể lại việc mình trở thành Phật Độc Giác như thế nào.
 
VỊ ĐỘC GIÁC PHẬT THỨ HAI.
Vua lại hỏi vị thứ hai rằng:
“Bạch Ngài, thế còn Ngài, Ngài đã xuất gia như thế nào?”
Ông kể: Ông là chủ quán ở một ngôi làng thuộc thị trấn Kāsī. Khi ông đang ngồi ở trước quán thì có một cặp vợ chồng đi đến. Trông thấy cô vợ của anh chàng ấy, vóc dáng thật đẹp. Trong tâm ông khởi lên lòng dục và vụng trộm với cô vợ ấy. Sau khi đã dan díu với vợ người xong, bất chợt ông rúng động sợ hãi: “Hôm nay, ta đã làm điều gì tệ hại thế này? Ta đã dan díu với vợ người. Nếu còn thuận theo những tâm địa xấu xa này, thì chẳng còn ai xấu xa hơn ta nữa. Không thể được”. Nghĩ thế, ông suy niệm đến các ác Pháp và khổ cảnh, rồi suy niệm về sự vô thường biến diệt của các Hành. Cũng như vị đầu, ông trở thành Phật Độc Giác.
Nếu người thường thì họ sẽ suy nghĩ như thế nào: “Ờ, lỡ thì đã sao”. Còn ông thì khác: “Nếu ta tiếp tục làm như thế, khổ cảnh sẽ đợi ta”. Do sợ hãi với khổ cảnh, tự giáo huấn mình và rồi cuối cùng ông cũng trở thành một vị Độc giác Phật.
 
VỊ ĐỘC GIÁC PHẬT THỨ BA
Còn vị thứ ba thì như thế nào?
Ông là một người ở thị trấn Kāsī. Hai cha con ông trong lúc du hành từ làng này đến làng kia, họ phải băng qua những cánh rừng. Khi đến một khu rừng nọ, ở đó là nơi trú ngụ của một toán cướp. Chúng có thông lệ tống tiền người qua đường. Nếu cha và con cùng đi thì chúng sẽ giữ lại người con rồi bắt người cha đem tiền về cho chúng để chuộc. Nếu là thầy và trò, chúng sẽ bắt lấy thầy và bảo trò mang tiền về cho chúng.
Thế rồi, hai cha con bàn với nhau: “Này con, trong rừng này có bọn cướp đấy. Nếu chúng ta bị bắt lại, con đừng nói con là con của ta nhé. Ta cũng sẽ nói rằng con không phải là con của ta”. Sắp xếp xong đâu đó, hai cha con tiến vào rừng.
Gặp bọn cướp, chúng hỏi: “Hai ngươi là gì của nhau?”. “Chẳng họ hàng gì ráo”. Cả hai cha con đều đáp như vậy. Rồi họ được thả đi. Khi đã thoát được, người cha chẳng suy nghĩ gì, còn người con thì nghĩ rằng: “Rõ ông là cha ta mà ta lại nói không phải. Ta đã lỡ nói dối rồi”. Nghĩ xong, sợ hãi khởi sanh nơi tâm của người con. Chàng đã tự huấn lấy mình. Cũng như hai người đầu tiên, người con trở thành một vị Phật Độc Giác. Rõ ràng họ là những người hiền trí, biết nương tựa Thiện Pháp nơi chính mình, phải vậy không?
 
VỊ ĐỘC GIÁC PHẬT THỨ TƯ
Ông là trưởng làng ở thị trấn Kāsi. Ông không muốn trâu bò bị sát hại nên đã ra lệnh cấm không được sát hại trâu bò. Do lòng trắc ẩn của ông đối với súc vật mà tất cả thịt trâu, bò… không được bày bán nữa. Thế nhưng, người trong làng ấy họp nhau lại và nói với ông: “Chúng tôi đây, nếu không giết trâu, dê mà tế thần thì phong tục của cái làng này sẽ mất hết, ông đừng có cấm cản”. “Vậy, cứ làm như các ông muốn”. Khi được ông cho phép như thế, họ bắt, họ giết… và tục ấy vẫn còn cho đến nay. Thịt dê, trâu cứ thế mà bày ra, họ lấy cớ là ông trưởng làng đã cho phép.
Phần ông, ông rất buồn: “Chỉ vì ta cho phép mà những con vật này bị sát hại. Những điều không hay sẽ đến với ta mất”. Sợ hãi, ông không những suy tư tội lỗi của việc bất thiện mà còn suy niệm đến quả báu của những việc thiện lành. Ông cũng vậy, nhờ trong quá khứ đã từng thực hành Đạo lộ này, thấy được vô thường biến diệt của các hành và rồi cuối cùng đạt được quả vị Phật Độc Giác.
 
VỊ ĐỘC GIÁC PHẬT THỨ NĂM
Khi được đức vua hỏi, vị thứ năm cũng thuật lại:
Ông là một vị trưởng làng ở Kāsī. Ông ban hành luật cấm mọi người trong làng không được uống rượu. Khi luật được ban ra, những người thường hay uống rượu ở trong làng mới họp lại rồi đi đến ông: “Này ông, cứ theo lệ làng này thì ở lễ hội nào cũng đều có rượu, thịt. Chớ có bỏ đi các thông lệ đó”. Thế rồi ông cũng đồng ý: “Thôi được”. Sau khi đã ăn uống no say, bọn họ gây gổ, đánh nhau đổ máu rồi kéo đến các khám đường rất đông.
Ông trưởng làng trong bụng không yên: “Bọn người này điên cả rồi, họ đánh nhau đến lỗ đầu chảy máu, có chuyện rồi đây. Tất cả là do ta cả”. Người thường chắc không nghĩ như vậy. Chỉ có những người hiền trí như ông mới nghĩ như vậy. Trong tâm tưởng của ông, việc ấy hiện lên như một lỗi lớn. “Lỗi của các bất thiện lớn thế này sao? Nếu ta còn tiếp tục với những bất thiện này, ta sẽ thối đọa các cảnh khổ thôi”. Thế rồi, ông suy tư về bản chất tội lỗi của các nghiệp bất thiện; chí đến khổ vì sự biến diệt của các Hành và bản chất của các dục; cuối cùng ông cũng đã chứng ngộ trở thành một vị Độc Giác Phật.
Cả thảy năm vị Độc Giác đều có một điểm chung, đó là biết tự chế ngự, tự giáo huấn và cuối cùng đạt được Đạo quả cao thượng, Thiện Pháp đặc biệt. Nếu không biết tự huấn mình chân chánh thì chúng ta sẽ chẳng thể đạt được Pháp cao thượng nào.
Trong 550 Bổn sanh chuyện, có bổn sanh tên là PĀNĪYA JATAKA (Chuyện ngụm nước – tiền thân số 459 – Tiểu Bộ Kinh), những bậc hiền trí như vậy đều nương tựa vào chính mình – ATTĀ HI ATTANO NĀTHO. Hãy là nơi nương tựa đích thực cho chính mình. Những bậc hiền trí đó chẳng bao giờ bị đọa sanh, phiền não cũng đã dứt sạch; chỉ còn sự an lạc vĩnh viễn, các Hành, Danh Pháp – Sắc Pháp cuối cùng đều chấm dứt, đạt được tịch tịnh giới (NIẾT BÀN) là nơi nương tựa đích thực.
Chúc tất cả các bạn đạt được nơi nương tựa đích thực trong cuộc đời.
Attā hi attano nātho
Ko hi nātho paro siyā;
Attanā hi sudantena
Nāthaṃ labhati dullabhaṁ.
 
Nghĩa:
Attā hi = chỉ có mình
Attano = của mình/
nātho = (là) nơi nương tựa
Kothi nātho pano siyā = ai là người có thể là nơi nương tựa cho ta
Attanāhi sudantena = chỉ có nhờ sự khéo tự huấn mình
Labhati = đạt được /
Nātham dullabhaṁ = (A-La-Hán Thánh Đạo, Thánh quả mới là) nơi nương tựa khó được.
Bhagava = Đức Phật / Đức Thế Tôn
avoca = đã thuyết.
 
Đức Thế Tôn đã thuyết:
Chỉ có ta là nơi nương tựa của ta, ai là người có thể là chỗ nương tựa cho ta được, chỉ có người khéo tự huấn mình, thì mới đạt được nơi nương tựa khó đạt (ấy là A-La-Hán Thánh Đạo, Thánh Quả.)
Sādhu! Sādhu! Lành thay.
Attā hi attano nātho
Ko hi nātho paro siyā;
Attanā hi sudantena
Nāthaṃ labhati dullabhaṁ.
 Chỉ có ta là nơi nương tựa của ta,
ai là người có thể là chỗ nương tựa cho ta được,
chỉ có người khéo tự huấn mình,
thì mới đạt được nơi nương tựa khó đạt.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).NIEM PHAT DUONG KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/2/2014.TAM THANH.BACH LIEN HOA.

No comments:

Post a Comment