Tuesday, 4 February 2014

Phật tử chúng ta thường xuyên đến chùa lễ Phật, tụng kinh… và cũng thường được quý sư, quý thầy, quý sư cô nhắc nhở con cố gắng tu học nhé. Cố gắng thì có cố gắng thật, nhưng để hiểu chữ tu một cách thấu đáo thì không phải đơn giản, hay sâu xa hơn hiểu để ứng dụng vào đời sống thì khó gấp bội. Người viết cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh đó, nên nay cố gắng y cứ vào đôi điều giảng dạy của Thế Tôn và các vị Luận sư được ghi chép lại trong kinh văn cũng như luận tạng, lạm bàn một vài ý nghĩa về chữ “Tu” trong Phật Giáo, để chúng ta cùng nhau suy tư về ý nghĩa này.
Thông thường chúng ta thường hiểu ý nghĩa chữ “Tu” là sửa, tức là chúng ta sửa đổi những hành vi sai lầm của mình như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, hút chích, đánh đập lẫn nhau…với những thói xấu này, chúng ta tu tập để trở thành con người không có sát sanh mà trái lại còn có tâm từ bi, không trộm cướp mà còn thực hành hạnh Bố thí, không tà dâm, mà còn muốn đem hạnh phúc cho người khác… với ý nghĩa này nên chúng ta gọi là “Tu” là “Sửa”.
Chữ “Tu” cũng có ý nghĩa là “ngăn che”, “đoạn trừ” như trong “Kinh Đại Bát Niết Bàn” quyển thứ 8 đã luận giải rằng: “Ngăn che là nghĩa của chữ tu, do điều phục chúng sanh nên cũng gọi là tu.” [1] Ở đây chúng ta thấy được rằng, nếu chúng ta tu tập tức là phải biết ngăn ngừa không cho những ác pháp đã sinh khởi có cơ hội sinh khởi, không cho những ác pháp chưa sinh khởi được sinh khởi. Đây là ý nghĩa của “tu”. Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhận chân được đâu là những bất thiện pháp làm cho phiền não bừng cháy thiêu đốt chúng ta, đâu là thiện pháp làm cho công đức tăng trưởng. Nếu nhận chân được như vậy trên con đường tu tập thì sẽ dễ thành tựu đạo nghiệp giải thoát. Với ý nghĩa này chúng ta có thể liên tưởng đến một bài kinh mà Thế Tôn đã dạy dỗ các vị học trò của mình hãy nhận rõ phiền não, chuyển hóa phiền não để đời sống được an lành. Đức Thế Tôn đã hỏi các vị đệ tử:
Nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vào, các ông ngủ yên được không?
Đệ tử thưa: Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không yên.
Phật hỏi: Làm sao các ông ngủ mới yên?
Các đệ tử thưa: Muốn ngủ yên chúng con phải đuổi ba con rắn độc ra khỏi thất.
Qua lời đối thoại này, chúng ta hiểu hơn rằng, người tu tập Phật pháp, tức là người phải luôn ý thức về sự nguy hiểm của phiền não, phải chặn đứng con ma phiền não, đừng để phiền não nhiễu loạn đời sống của chúng ta. Nói như vậy, chúng ta cũng ngầm hiểu với nhau rằng người tu giống như một chiến sỹ, phải luôn đem thanh kiếm tuệ giác canh giữ và chặn đứng những bóng dáng của phiền não. Có như vậy mới có được đời sống an lành và hạnh phúc. Đây cũng chính là ý nghĩa chữ “ Tu” mà chúng ta học được từ lời dạy của Thánh nhân.
Ngoài ra, trong “Đại Tỳ Bà Sa Luận” tác giả của bộ luận nổi tiếng này, chư vị thánh giả A La Hán đã nêu lên nội hàm của chữ “Tu” thông qua ba tầng nghĩa:1.Huân phát, 2. Học tập, 3.Minh tịnh. [2] Với ba lớp nghĩa này chúng ta hiểu rằng, Tu là phải huân tập chủng tử thiện và phát huy hạt giống thiện trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây và trong từng sát na sinh diệt. Có nghĩa là mỗi ngày chúng ta thông qua việc thực tập thiền định, niệm Phật, bái sám, tụng kinh, làm việc phước thiện… để những hạt giống thánh thiện này được gieo trồng vào tâm thức của chúng ta, và hạt giống ấy sẽ được sinh khởi khi nhân duyên chín mùi. Phải chăng đây là ý nghĩa “chủng tử và hiện hành” trong tư tưởng của Duy thức chăng? Với tầng nghĩa thứ hai là học tập, ở đây chúng ta thấy nhau một cách rất rõ ràng, tu là phải học và thực tập, tức là chúng ta hãy dựa vào những giáo pháp, những lời dạy của thánh nhân, thông qua những lời dạy này chúng ta thực hành, chuyển hóa phiền não, thành Bồ Đề. Đây mới đích thực hàm nghĩa chữ “Tu” mà trong Phật Giáo thường luận bàn. Tầng nghĩa thứ ba là minh tịnh, tức là mỗi hành giả tu học Phật pháp, phải tinh cần tu học, luôn trao dồi Giới thể trang nghiêm, Định tâm kiên cố, Trí Tuệ siêu việt để dập tắt mọi phiền não đanh vây thân tâm chúng ta, xô ngả tất cả mọi ngã chấp làm cho thân tâm khổ đau, viễn ly mọi ái nhiễm ràng buột… để chân tâm thanh tịnh, chân như Phật tánh được hiển lộ. Đây chính là nội hàm của hai chữ “Minh tịnh” trong ý nghĩa chữ “tu”. Điều này cũng có thể liên hệ với Kinh văn Nguyên Thủy, thông qua “Tăng Chi Bộ Kinh” mà đức Thế Tôn đã giảng dạy rằng:
Này các Tỷ kheo, có những tạp chất xen lẫn trong vàng như bụi, cát, đá, sạn; người thợ lọc vàng đem vàng đổ vào trong cái máng, rồi dội nước vào, dạu qua dạu lại, rửa đi rửa lại. Làm như vậy xong, lúc bấy giờ vàng còn lại các tạp chất nhỏ hơn, như cát đá sạn mịn, rồi người thợ lọc vàng rửa đi rửa lại thêm nữa. Bây giờ, vàng còn dính chút ít cát mịn và bụi đen, rồi người thợ lọc vàng rửa lần cuối cho hoàn toàn hết các tạp chất, chỉ còn lại vàng khoáng.
Rồi người thợ vàng bỏ thỏi vàng ấy vào trong cái lò, thụt ống bễ, thụt nhiều lần cho đến khi vàng bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Thế rồi, người ấy tiếp tục thụt ống bễ, nhưng vàng ấy chưa đạt được tinh chất, anh ta lại tiếp tục thụt ống bễ cho đến khi miếng vàng trở nên nhu nhuyến, chói sáng, không bị bể vụn, mềm dẻo dễ sử dụng. Giờ đây, nếu muốn làm thành kiềng vàng, hoa tai, vòng xuyến hay chiếc nhẫn, người thợ kim hoàn có thể dùng thỏi vàng ấy chế tạo những vật trang điểm mà mình mong muốn.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, khi tu tập tăng thượng tâm, nếu các kiết sử thô tạp như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành còn tồn tại, Tỷ kheo phải nỗ lực tư duy, tìm cách loại bỏ, gột sạch, dứt tuyệt, không cho sinh khởi trở lại. Khi làm như vậy xong, Tỷ kheo tiếp tục tu tập tăng thượng tâm; nếu các kiết sử bậc trung như dục tầm, sân tầm và hại tầm còn tồn tại, phải nỗ lực nhiều hơn nữa loại bỏ, dứt tuyệt, không cho chúng sinh khởi trở lại. Khi làm như vậy hoàn tất, Tỷ kheo lại tiếp tục tu tập tăng thượng tâm, nếu thấy các kiết sử vi tế như ý tưởng về gia tộc, về quốc độ, về danh dự còn tồn tại, phải tiếp tục nỗ lực diệt trì chúng, không cho chúng sinh khởi. Khi tâm đã nhu nhuyến dễ sử dụng, nếu muốn đạt được các pháp thần thông, như thần túc thông, thiên nhĩ thông v.v... Tỷ kheo có khả năng thành tựu các pháp thần thông ấy”. (Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3 pháp, phẩm Hạt muối, kẻ lọc vàng, tr.459-61).
Như vậy, chúng ta thấy xuyên suốt trong quá trình giảng dạy của Thế Tôn cũng như luận giải của các vị Luận Sư, là tương quan và đồng nhất về hàm nghĩa chữ tu. Ngoài ra, luận giải về tầng nghĩa này, chúng ta thấy được rằng tư tưởng này, cũng được luận bàn rải rác trong kinh văn Đại thừa, với tư tưởng mỗi chúng sanh vốn dĩ đều có Phật tánh, tự tánh thanh tịnh, đều có viên minh châu sáng tỏ, nhưng vì mây mù phiền não phủ kín, nên mặt trời tuệ giác thanh tịnh, mặt trời giác ngộ chưa được bừng sáng. Để mặt trời tuệ giác bừng sáng, chân như Phật tánh hiển lộ, chúng ta bắt buộc phải đi theo con đường tu tập chuyển hóa, xóa tan đi những mây đen của phiền não, thì tuyệt nhiên ánh sáng tuệ giác trực chiếu.
Từ một vài dẫn chứng của kinh văn và luận giải, chúng ta có thể hiểu chữ “Tu” trong Phật giáo: 1. “Sửa đổi” sửa những thói hư, tật xấu, thành những đức tánh tốt đẹp. Những giới pháp bất thiện thành những giới pháp thánh thiện. 2. “Ngăn ngừa, Đoạn tận” tức là mỗi hành giả tu tập phải luôn ngăn ngừa và đoạn tận những phiền não làm cho chúng ta khổ đau và điên cuồng như tham, sân, si … 3. “Huân tập và phát huy thiện pháp” nghĩa là chúng ta phải gieo trồng hạt giống thiện pháp, và làm tăng trưởng hạt giống thiện pháp trong bất cứ mọi lúc, mọi nơi. 4. “Học tập và hành pháp” mỗi hành giả tu học Phật pháp, phải dựa vào những giáo pháp của Chư Phật đã giảng dạy, từ những giáo pháp ấy, tiến lên thực hành pháp bằng trãi nghiệm của tự thân, để thể nhập vào giáo pháp bằng kết quả tu chứng của tự thân. Tự thân chúng ta vốn dĩ thanh tịnh, nhưng bị mây đen phiền não che kín và đanh vây, nên mặt trời tuệ giác chưa hiển lộ được, do đó muốn mặt trời trí tuệ ló dạng, chân như thật tánh hiển lộ, không gì khác là phải tu tập bằng chất liệu của Giới học, Định học và Tuệ học thì mặt trời giác ngộ sẽ hiển bày ngay trong đời sống này. Đây cũng chính là ý nghĩa thứ 5 trong bài viết trình bày.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/2/2014.TAM THANH.BACH LIEN HOA.

No comments:

Post a Comment