Tu Tập Tứ Vô Lượng Tâm -
Bài 4: Tu Tập Tâm Từ
.Ngoài công việc giới thiệu tập sách này chúng tôi là chúng tôi đã nhờ Thầy Chơn Qúi làm photocopy một chương ở trong quyển số 2 nói về tâm từ để chia sẻ với qúi vị Phật tử trong khóa học này, và do vậy tập tài liệu Phật Pháp này sẽ xem như là Phật Pháp căn bản.
Chúng tôi sẽ đọc cùng với qúi vị, và sau khi đọc rồi từng
chương thì chúng tôi sẽ giới thiệu ý nghĩa và khi chúng ta biết được một phần về
phương pháp tu tập tâm từ thì chúng ta sẽ dành những thì giờ thiền tập trong
ngày hôm nay để tu tập đề mục "Từ Bi Quán" Theo những gì đã được hướng dẫn trong
bộ Thanh Tịnh Đạo. Trang đầu tiên, trang số 3.
Thật ra chỉ có một vài chữ trong tập sách này hơi mới lạ và hơi
khó hiểu. Khi đã được giải thích về những chữ này thì qúi vị sẽ không cảm thấy
khó khăn trong việc đọc và tìm hiểu.
Bây giờ chữ đầu tiên mà trước khi đọc bài tài liệu này chúng
tôi muốn giải thích một chút đó là chữ "Phạm trú". Qúi vị hoan hỉ chịu khó một
chút, chúng tôi không muốn mang đến qúi vị một số từ ngữ Hán Việt hơi khó hiểu,
tuy vậy những chữ nào thật sự cần thiết thì chúng tôi giải thích rất rõ, bởi vì
hiểu được chữ này qúi vị sẽ cảm thấy rất thoải mái để đọc phần tài liệu còn
lại.
Tất cả những vui buồn thương ghét hỉ nộ ái ố, những cảm giác
trong lòng của chúng ta có thể được phân làm hai loại, một loại gọi là hữu hạn,
và một loại gọi là vô hạn hay nói theo Phật học gọi là vô lượng. Thí dụ như bây
giờ qúi vị có tâm sân. Tâm sân nghĩa là gì? Tâm sân nghĩa là bực bội khó chịu,
thì tâm sân đó là tâm hữu hạn. Tại vì sao vậy? Đối tượng của tâm sân là đối
tượng nào đó như ghét ai đó hay không thích vật gì thì gọi là hữu hạn. Nếu tâm
của chúng ta nghĩ đến đối tượng nào mà đối tượng đó hữu hạn, có giới hạn nhỏ thì
tâm của chúng ta gọi là tâm hẹp. Và tâm của chúng ta nghĩ rộng thì gọi là tâm
quảng đại. Đối tượng rất là quan trọng.
Cũng như vậy, chúng ta đang ngồi tất cả tại đây, nếu có người
nào đó ngồi gần mà vô tình họ đụng chúng ta, chúng ta lấy chuyện đó làm phiền
phức, thì phiền phức đó chỉ nhắm vào một công việc duy nhất, nhắm vào đối tượng
duy nhất là có ai đó đã đụng mình làm mình phiền, và chuyện đó làm chúng ta
phiền não, đó gọi là cách nghĩ hẹp hòi. Nhưng cách nghĩ rộng lớn là chúng ta
nghĩ rằng; "À, đông người thì không ít thì nhiều có người này làm phiền người
kia, chúng ta đến đây chỉ để học Phật pháp thôi." Thì như vậy trong cách nhìn
của đời sống có cái nhìn rộng và cái nhìn hẹp, cái nhìn càng rộng thì chúng ta
càng an lạc, cái nhìn càng hẹp thì chúng ta càng phiền toái. Tại vì sao vậy? Tâm
của chúng ta giống như con cá, nếu con cá để trong cái chén hay trong một ly nhỏ
thì nó khó chịu, nhưng thả trong biển khơi thì nó rất là hoan hỉ. Như vậy thì
điểm đó, hướng tâm đó Đức Phật gọi là an trú. An trú có nghĩa là gì là đặt tâm
mình vào đối tượng nào đó, và khi đặt tâm vào đối tượng hẹp thì tâm của chúng ta
trở nên bực bội, và đặt đối tượng rộng thì trở nên an lạc.
Và cái rộng và hẹp thì có rất nhiều ví dụ, như trường hợp có
những người chỉ đầu tư hết tất cả thì giờ và tâm trí vào những việc làm cho bản
thân của họ mà thôi, và khi họ đặt tất cả thì giờ tâm trí vào bản thân của họ
thì những gì họ nghĩ chỉ chung quanh họ chừng một thước tây, và nếu họ nghĩ đến
những người thân trong gia đình họ thì hơi rộng một chút, nghĩ đến láng giềng
rộng hơn một chút, hay là có những ý tưởng, ví dụ giống như nghĩ tới chuyện phục
sự Phật Pháp, hay phụng sự quốc gia chẳng hạn thì chiều rộng của nó chúng ta
không nghĩ được.
Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng ở trong đời này có những
trạng thái tâm khi chúng ta an trú vào đó thì tâm của chúng ta sẽ rộng và không
bị giới hạn lại, và có tất cả bốn trạng thái như vậy, bốn trạng thái đó gọi là
"Từ, Bi, Hỉ, Xả".
Khi chúng ta an trú vào bốn trạng thái này có ba kết quả: Thứ
nhất sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trở nên thanh tịnh. Điểm thứ hai là tâm hồn của
chúng ta trở lên rộng lớn. Điểm thứ ba là những ác pháp nó sẽ bị chiều rộng lớn
này từ từ làm giảm thiểu đi. Và từ đó có chữ mà chúng ta gọi là Brahman vihara.
Chữ Brahman ở đây là chữ chúng ta không thể dịch được, do đó từ
chữ "Brahma" ngày xưa bên Ấn Độ người Trung Hoa âm là chữ phạm. Ở đây có vị nào
có nghe chữ "Phạm hạnh" chưa? có vị nào có nghe chữ "Phạm thiên" chưa? chữ
"Phạm" đó là âm của chữ "Brahma" hay nói cho đủ là Brahman. Chữ Brahman có nghĩa
là thanh tịnh, trong sạch, tốt đẹp, rộng lớn, như Chư Thiên do phước báu sanh về
cõi trời như bố thí, trì giới thì những người đó gọi là Devas là những người do
tâm từ tâm bi và an trụ vào tâm đó để sanh về cõi trời thì người đó gọi là
Brahman là Phạm Thiên.
Do vậy thời Đức Phật còn tại thế chữ Brahman được dùng để mô tả
một sự thành tựu cao trong xã hội, mô tả sự chứng đắc và tốt đẹp nhất của đời
sống và như đời sống tu tập Đức Phật gọi là đời sống phạm hạnh, chữ "Phạm" có
nghĩa là trong sạch còn có nghĩ là "Vô lượng". Do vậy khi nói đến những trạng
thái này thì họ gọi là "Brahma-Vihara" dịch là "Phạm trú" có nghĩa là an trú vào
sự trong sạch, an trú vào sự tốt đẹp, an trú vào vô lượng mà cũng dịch là "Vô
lượng tâm". Tứ Vô Lượng Tâm là tâm không bị giới hạn. Thì như vậy chữ "Phạm trú"
nói một cách tóm tắt là có những thứ trong đời khi chúng ta nghĩ đến tâm của
chúng ta hẹp hòi, có những thứ chúng ta nghĩ tới tâm của chúng ta rộng lớn, có
những thứ nghĩ đến tâm của chúng ta được trong sạch, và có những thứ nghĩ tới
tâm của chúng ta không được trong sạch. Thì ở đây chữ "Phạm trú" là những trạng
thái tâm khi chúng ta an trụ vào tâm hồn của chúng ta trở lên rộng lớn và trở
nên trong sạch do đó chúng ta gọi là "Brahma-Vihara" hay là "Phạm trú". Chữ
"Phạm trú" còn được nói là "Vô lượng tâm".
Bây giờ chúng tôi đọc một vài đoạn được xem như là cần phải
giải thích và chúng tôi muốn là trong khi chúng tôi đọc, qúi vị hoan hỉ lắng tâm
để nghe.
1. Bốn phạm trú được kể là những đề mục thiền kế tiếp những đề
mục tùy niệm kể như đề mục thiền (Ch.III, đoạn 105). Những đề mục này là Từ Bi
Hỷ Xả. Một vị thiền giả muốn tu tập trước hết đề mục Từ, nếu vị ấy là người sơ
cơ, thì phải trừ khử những chướng ngại và học đề tài thiền. Rồi, sau khi ăn
xong, qua cơn chóng mặt sau bữa ăn, vị ấy nên ngồi thoải mái tại một chổ khuất
nẻo. Ðể bắt đầu, hành giả nên quán sát sự nguy hiểm trong sân hận và sự lợi lạc
trong kham nhẫn.
Bởi vì đây là một đoạn kinh dịch từ chánh tạng nên qúi vị nghe
có vẻ hơi khó hiểu một chút. Chúng tôi nói lại, nếu phạm trú này được kể là đề
mục thiền, nghĩa là bốn trạng thái này không phải chỉ là thứ đạo đức luân lý
bình thường như chúng ta nghĩ. Thường thường chúng ta quan niệm "Từ Bi" là đạo
đức, nhưng trong kinh nói rằng từ bi còn là một đề mục thiền nữa, nghĩa là người
nào an trụ vào từ bi thì người đó có thể đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ
thiền, đây là một phương pháp tu tập.
Điểm này Phật tử nên nhớ, rất là quan trọng, bởi vì tất cả các
tôn giáo đều ca ngợi từ bi, ca ngợi bác ái. Nhưng sự ca ngợi không quan trọng
bằng phương pháp để thực hành. Tại vì quí vị phải ca ngợi rằng: hiếu hạnh là cái
gì rất là tốt, con cái hiếu hạnh là người con cái đáng khen, thế nhưng ca ngợi
như vậy nếu người con hỏi rằng; nhưng làm thế nào để trở thành người con có
hiếu? như trường hợp chúng ta là người rất là vô tâm, bây giờ làm thế nào để tư
dưỡng lòng hiếu hạnh, đó là một điều quan trọng. Thì đương nhiên chúng ta ca
ngợi tâm từ và làm thế nào để phát triển tâm từ điều đó mới là điều quan trọng.
Thì ở đây khi viết về đoạn này Ngài Buddhaghosa tóm lượt một phần Phật ngôn nói
rằng: "Nếu người ấy là người sơ cơ tức là người mới bắt đầu tu thiền thì phải
trừ khử nhưng chướng ngại mà học đề tài thiền.
Trừ khử những chướng ngại là gì? Là chúng ta biết rằng chúng ta
có chướng ngại về thân và chướng ngại về tâm. Thế nào là chướng ngại về thân?
Chướng ngại về thân là lúc đói quá hay lúc chưa ăn thì chúng ta nghĩ rằng phải
nấu cái gì ăn để ăn, thì lúc đó chúng ta tu chưa được. Khi tu thiền thì ta phải
có sự an tâm và do vậy ở đây được khuyến khích rằng sau khi bữa ăn xong rồi và
sau khi qua cơn chóng mặt sau bữa ăn, cơn chóng mặt ở đây tại vì dịch rất là xác
nghĩa nhưng ở đây có nghĩa là sau cơn buồn ngủ dã dượi, khi chúng ta ăn xong
chúng ta hơi buồn ngủ dã dượi một chút chờ cho nó qua cơn đó đi thì gọi là qua
chướng ngại về thân.
Và bây giờ phải đi đến việc là chúng ta phải vượt qua chướng
ngại về tâm.
"Để bắt đầu hành giả nên quán sát sự nguy hiểm trong sân hận và lợi lạc trong kham nhẫn." Hai điểm này là hai điểm quan trọng, sở dĩ chúng ta không tu tập từ bi được là vì sao? Vì chúng ta còn sự sân hận và chúng ta không kham nhẫn. Thế nào là còn sự sân hận? là chúng ta còn oan trái, còn phiền não về ai đó. Ở trong lòng của chúng ta thường thường sống trong cuộc đời này chúng ta luôn luôn có một số oan trái, bất mãn với anh A, bất mãn với anh B, bất mãn với anh C. Gặp nhau thì chúng ta cũng tươi cười vậy, nhưng đêm về nằm gát tay trên trán chúng ta nghĩ có phiền não, hay là trong lúc thanh thản trong tâm hồn thì tự nhiên nhớ chuyện đó rồi bực mình, thì chúng ta phải quán sát sự tai hại của sự nguy hiểm trong sân hận và lợi lạc trong kham nhẫn.
Lợi lạc trong kham nhẫn là gì? Là sự già dặn của tâm hồn khiến
chúng ta có thể nhẫn nại và chịu đựng được với những nghịch cảnh trái ý chung
quanh. Qúi vị thấy rằng có những người chỉ một lời nói hay chỉ cái nóng cái lạnh
hay chỉ là sự đụng chạm rất là nhỏ mà không kham nhẫn được thì người đó sẽ không
thể tu tập tâm từ được. Nếu muốn tu tập tâm từ nhiều hay ít thì phải dựa vào sự
kham nhẫn nhiều hay là ít, chúng ta càng có khả năng nhẫn nại càng nhiều thì tâm
từ của chúng ta dễ tu tập chừng nấy, mà khả năng kham nhẫn chúng ta càng ít thì
sự tu tập càng khó chừng đó.
Do vậy người muốn tu tập tâm từ ở đây được nói đến hai điều:
Một là vượt qua sự chướng ngại về thân, hai là vượt qua chướng ngại về tâm. Vượt
qua hai chướng ngại này có nghĩa là người nào tu tập tâm từ nên lợi dụng lúc nào
là lúc tốt nhất để tu tập tâm từ, lúc chúng ta không phải lo về bữa ăn sắp tới,
ở đây có lẽ chúng ta ít lo vì thức ăn trong tủ lạnh lúc nào cũng có hết, nhưng
bên đất nước chúng ta như Ấn Độ hay Việt Nam chẳng hạn, thì bữa ăn là sinh hoạt
lớn nhất ở trong ngày, khi chưa ăn thì chưa yên tâm, không biết lát nữa mình sẽ
ăn cái gì, nhất là cơm lo từng bữa, gạo đong từng lít, rồi phải nấu, củi đâu,
thức ăn có gì để ăn, và do vậy Ngài ở đây khuyên rằng một người hành giả tu tập
nên ý muốn nói rằng sau những bận bịu về ăn, sau những bận bịu về những nhu cầu
của cơ thể như là tắm giặt v.v... cái gì đó mà chúng ta cảm thấy rằng chúng ta
cần phải suy tính thì nên để nó qua lần đó rồi chúng ta tu tập. Và điểm thứ hai
là nên biết quán sát về nguy hiểm trong sân hận và lợi ích trong kham nhẫn, hiểu
được hai điều đó thì chúng ta tinh tấn tu tập. Đó là ý nghĩa đoạn kinh văn thứ
nhất.
2. Tại sao? Bởi vì cần phải từ bỏ sân, đạt đến an nhàn trong sự
tu tập đề mục thiền này, mà vị ấy không thể từ bỏ những nguy hiểm nếu không thấy
được chúng và không thể đạt đến những lợi lạc nếu vị ấy không biết.
Ở đây trong phần nhỏ của đoạn số hai nói rằng: "Nếu chúng ta
không thấy nguy hiểm của sân thì chúng ta không bỏ được sân, và nếu không biết
được lợi ích của nhẫn nại của kham nhẫn thì chúng ta không đạt được lợi ích của
nhẫn nại. Tại sao vậy? Bây giờ ở trong cuộc sống của chúng ta như vầy, nếu chúng
ta không thấy được những lời nói vô tình hay cố ý của chúng ta mà gây cho người
khác phiền não có hại về lâu về dài thì chúng ta không thể nào mà chúng ta bỏ
được tật xấu đó. Do vậy để từ bỏ cái nguy hiểm hay là từ bỏ điều nào, quan trọng
là phải thấy nó, và muốn đạt được lợi ích nào quan trọng chúng ta phải biết nó.
Như trường hợp qúi vị muốn xử dụng những tiện nghi trong nhà, qúi vị phải biết ở
đâu để mua, biết mình cần cái gì và biết phải xử dụng như thế nào, nếu không
biết thì chúng ta không thế nào có những thứ đó. Như vậy tại sao chúng ta không
có được sự nhẫn nại. là bởi vì chúng ta không biết được lợi ích của nó, phải
biết được lợi ích của nó thì chúng ta mới đạt được. Như vậy thì một hành giả tu
tập tâm từ thì bước đầu tiên là phải thấy được nguy hiểm của sân hận và điểm thứ
hai là biết được lợi ích của nhẫn nại, của kham nhẫn. Nhưng muốn thấy muốn biết
thì làm sao, thì thưa qúi vị đó là phần tiếp theo của đoạn số hai.
Bây giờ, nguy hiểm trong sân hận có thể được thấy mô tả trong
các kinh như: "Này chư hiền, khi một người nổi sân, nó là miếng mồi cho sân, tâm
nó bị ám bởi sân nó giết hại chúng sanh..." (A. i,216).
Đây là đoạn kinh được trích từ Anguttara Nikaya là ở trong Tăng
Chi Bộ Kinh và lời nói này là lời nói của Ngài Xá Lợi Phất khi Ngài hướng dẫn
cho Chư Tăng, một lời nói rất ngắn thôi nhưng nếu chúng ta suy nghĩ thì chúng ta
có thể thấy giá trị rất lớn. Ngài Xá Lợi Phất nói với các Tỳ kheo để quán tưởng
về tâm sân như vậy:
"Này chư hiền, khi một người nổi sân, nó là miếng mồi cho sân,
tâm bị ám ảnh bởi sân và nó giết hại chúng sanh v.v... "
Thường thường mình nghĩ rằng mình nổi sân thì mình trở thành
anh hùng, qúi vị đồng ý không? Khi mình nổi sân thì mình nghĩ rằng mình có sức
mạnh, mình chưa sân thì chưa đủ sức mạnh, và nổi sân thì trở thành anh hùng.
Nhưng Ngài Xá Lợi Phất, Ngài nhìn ngược lại hoàn toàn, Ngài nói rằng khi chúng
ta nổi sân thì chúng ta không phải là anh hùng, mà chúng ta làm miếng mồi cho
sân. Ở đây Ngài ví dụ tâm sân giống như thú dữ và chúng ta chỉ là miếng mồi của
nó thôi, và tâm bị ám ảnh bởi sân, nghĩa là thế nào? Nghĩa là một người sân tự
họ lòng nóng giận, đó là sự dày vò chính họ và họ nên hiểu như vậy, và từ thế
rất là chủ động, chủ động mình nghĩ rằng mình nổi đùng đùng nổi giận lên tức là
mình chủ động, làm anh hùng, làm trượng phu, mình làm một người có sức mạnh,
nhưng Ngài Xá Lợi Phất Ngài cho chúng ta đứng vào tư thế là người nổi sân là
người bị động hoàn toàn, bị động là bởi vì sao là khi mà nổi sân, người khác
muốn làm cho chúng ta đau khổ thì họ chọc chúng ta giận, điều đó rõ ràng chúng
ta là miếng mồi của sân và khi chúng ta bị sân rồi thì chúng ta không được an
lạc như chúng ta nghĩ.
Cũng giống như hồi xưa ông bà chúng ta nói rằng: "Người nào mà
ngậm máu phun người thì dơ miệng mình." Khi chúng ta tâm sân thì chúng ta mang
lại sự đau khổ cho người bao nhiêu, nhưng trong lòng của chúng ta bị bất an
trước, do vậy cái thấy đó phải là cái thấy của người tu thiền, người tu thiền
thấy lời nói của Ngài Xá Lợi Phất là người nào nổi sân là nằm trong tư thế bị
động hoàn toàn. Do vậy Ngài Xá Lợi Phất nói rằng người nổi sân thì có hai điều:
Họ là miếng mồi của tâm sân và là bị ám ảnh bởi tâm sân. Nó giết hại chúng sinh
tức là gây sự đổ vỡ, gây sự tổn thương đến chúng sanh khác là do tâm sân, như
vậy bản thân của mình không được lợi gì mà người khác cũng không được lợi gì,
nghĩ như vậy nên từ bỏ tâm sân.
Và bây giờ Ngài chỉ cho chúng ta biết lợi ích của sự kham nhẫn
cần được hiểu trong các kinh như sau đây là lời mà Đức Phật nói trong kinh.
Trong Trường Bộ Kinh Đức Phật dạy: "Không có pháp nào cao hơn nhẫn nhục, không có Niết-Bàn nào cao hơn kham nhẫn." Trong kinh Pháp Cú Ngài nói rằng: "Không ác ý nhẫn chịu sự phỉ báng, đánh hình phạp. Lấy nhẫn làm quân địch, ta gọi Bà La Môn." Trong Tương Ưng Bộ Kinh Ngài nói rằng: "Không có pháp nào cao hơn nhẫn nhục."
Thưa quí vị có lẽ là người Phật tử đi chùa thì thường hay nghe
nói những câu tán thán, câu tán thán như hồi nãy Hoà Thượng vừa nói với quí vị
là tu Bát Quan Trai là pháp tu cao nhất, hay là tu pháp này pháp kia là cao nhất
thì chúng ta nghe giống như quảng cáo phải không? bởi vì chúng ta nói pháp này
pháp kia cao nhất, chuyện đó chúng ta sẽ bàn sau, nhưng câu nói ở đây ở trong ba
lời kinh này thì chữ cao nhất sự so sánh đó có ý nghĩa rất đặc biệt, cái ý nghĩa
như vầy "Chư Phật dạy không có pháp nào cao hơn sự nhẫn nhục", cuộc đời là gì,
nếu bức tranh cuộc đời mà chúng ta vẽ rõ nhất thì cuộc đời là chốn tranh danh
đoạt lợi, cuộc đời này là cả một chiến trường tranh đấu, ai cũng muốn vượt lên
hơn người khác, chúng ta tranh với nhau từng lời nói, khi ngồi trong đám đông
như vầy, khi nói chuyện, ở trong chùa thì ít, nhưng ra ngoài đời thì hơn nhau
từng lời và ở trong đó ai là người cao hơn hết, người nào tay bằng miệng, miệng
bằng tay, mồm mép nhất, lẻo mép nhất, người nào nói chuyện mạnh bạo nhất, người
nào nói chuyện hung hăng nhất, người đó cao hơn hết, phải không? - không có phải
- Đức Phật Ngài nói rằng người nào nhẫn nại thì người đó cao nhất. Tại sao người
đó cao nhất, Ngài nói rằng người đó không bị động, người đó không tự hạ giá trị
của chính họ, giống như một nhà hiền triết nói rằng: Ở trong một đám đông mà
mình nói lên lời phẫn nộ là mình tự làm nhục lấy chính mình và do vậy người có
trí là người không có phẫn nộ. Như vậy khi Đức Phật Ngài nói rằng: "Nhẫn nại là
pháp cao nhất", thì ở đây Đức Phật Ngài không làm một lời quảng cáo, nhưng Ngài
cho chúng ta biết rằng người nào nhẫn nại thì người đó là người có bản lãnh
nhất, do đó gọi là người cao nhất. Người nhẫn nại là người bất động mà không bị
người khác quấy rày mình nhất, nội tâm chững chạc nhất thì người đó là người cao
nhất. Người nhẫn nại là người trưởng thành nhất. Quí vị thấy hồi chúng ta còn
nhỏ một lời một tiếng thì cũng hơn thua, nhưng càng lớn càng trưởng thành càng
điềm đạm thì chuyện nào đáng thì nói, không đáng thì thôi, không lý do gì phải
gây gỗ cho phiền lòng mình, do vậy Đức Phật dạy là "Nhẫn nại là pháp cao nhất và
không có Niết Bàn nào cao hơn kham nhẫn." Niết Bàn là gì? ở đây ý của Đức Phật
Ngài nói Niết Bàn có nghĩa là sự diệt khổ và Ngài nói rằng không có sự diệt khổ
nào cao hơn kham nhẫn.
Chúng ta thấy một bài học ở trong đời này, người nào đó chửi
chúng ta một câu, hoặc nếu chúng ta không chửi lại thì chúng ta tìm cách an ủi
mình rằng: À, mình không nên nói làm gì, thứ dân đó không ra gì hết. Hoặc giả là
chúng ta dùng những thứ này thứ khác để trấn tỉnh tâm hồn của mình, nhưng những
sự trấn tỉnh đó không làm cho chúng ta hết khổ, hễ chúng ta càng xoa dịu lòng tự
ái của mình thì chúng ta càng khổ thêm, tại vì chúng ta xoa dịu lòng tự ái của
mình thì giống như đứa con hư hồi nhỏ lâu ngày thì nó sẽ hư đi, nó chạy vấp cái
ghế thì chúng ta chạy lại đánh cái ghế để làm cho nó thoả mãn lòng tự ái, nhưng
đứa con lâu ngày nó sẽ trở lên khó ưa hơn, đứa con lâu ngày dễ trở lên dễ bực
tức hơn tại vì nó được chiều chuộng, thành ra Đức Phật Ngài nói sự nhẫn nại là
Niết Bàn cao nhất bởi vì nhẫn nại làm cho chúng ta bớt đi sự khổ và trả lại cho
chúng ta sự thanh thản lớn nhất.
Bây giờ chúng tôi kể quí vị nghe câu truyện hoàng tử Edward của
Anh quốc học tại trường học của hoàng gia nhưng có rất nhiều người đến học ở
trường đó, vị hoàng tử này thường bị một đứa bạn học cùng lớp hay đá vào mông,
đi ra đi vô đụng chuyện gì cũng bị đá vào mông, thì hoàng tử bực lắm mới về nhà
mét với cha mẹ mình và cha mẹ mới mắng vốn ông hiệu trưởng, ông hiệu trưởng mới
mắng vốn gia đình đứa bé đó và khi ba của đứa bé đó kêu đứa bé tại sao con đi
học trong trường hết chuyện rồi sao ai không đá mà lại đá vào hoàng tử, thì đứa
bé mới nói rằng: "Thưa cha, con muốn mai mốt lớn lên, thì con có một kỷ niệm
rằng ở trong đời mình được đá đít hoàng tử." Thì thưa qúi vị, ông Thầy nghe nói
như vậy mới khuyên hoàng tử: "Hoàng tử không nên giận dữ làm gì, tại vì ở trên
đời không ai đánh đồ chó chết hết, nếu hoàng tử là người ăn xin, là đồ chó chết
ở bên ngoài thì không ai đánh hoàng tử đâu, nhưng họ đá như vậy cũng là có lý
do, tại vì họ xem trọng hoàng tử." Thì thưa quí vị từ đó về sau trong Anh ngữ có
một thành ngữ là "Không ai đá đồ chó chết cả." để làm gì? Để người ta cảm thấy
con người mình trở lên quan trọng, ví dụ như mình đi làm hay đi ngoài chợ hay đi
đâu đó, ai đụng chạm đến mình thì người Anh họ nói rằng: "Không ai đá đồ chó
chết" nghĩa là mình cũng là thứ quan trọng họ mới đánh. Thì cách nhẫn nại chịu
đựng bằng sự xoa dịu lòng tự ái của mình như vậy thì không có kết quả, tại vì
khi mình thấy mình càng quan trọng thì mình càng đau khổ, chuyện đó tự nhiên như
vậy, Thường thường chúng ta cảm thấy đau khổ lắm.
Cách tốt nhất là chúng ta cứ nhận nó đi, khi nào chúng ta gặp
chuyện cần phải kham nhẫn thì chúng ta nghĩ rằng đây là chuyện phải kham nhẫn
đừng nghĩ suy gì hết, càng suy nghĩ càng nhai đi nhai lại thì giống như con bò
nhai cỏ, càng nhai thì chúng ta càng thấm thía sự đau khổ đó và sẽ khổ thêm chứ
không lợi ích gì hết. Do vậy đối với nghịch cảnh ở trong đời này chúng ta cứ đón
nhận nó một cách rất bình thường. Đức Phật nói rằng sanh ra ở đời thì gặp chuyện
khổ, làm vua cũng khổ, làm dân cũng khổ, làm người tu cũng khổ, mà làm người cư
sĩ cũng khổ, làm người đẹp cũng khổ, làm người xấu cũng khổ. Tất cả chúng ta đều
gặp những nghịch cảnh, do vậy chúng ta cứ vui vẻ mà nhận nó và cứ cho nó qua
đừng giữ lại nó trong lòng, như vậy Đức Phật nói: "Kham nhẫn là Niết Bàn cao
nhất." "Không ác ý, nhẫn chịu sự phỉ báng, đánh đập, hoặc hình phạt, lấy nhẫn
làm quân lực, ta gọi Bà-la-môn". Ở trong đời này con người có nhiều thứ khí giới
để tự vệ, khí giới đó là trả đũa, khí giới đó là phản ứng, kiện tụng ra toà.
Ngài nói rằng người nào lấy nhẫn nại làm sức mạnh thì gọi người
đó là Bà-la-môn. Chữ Bà-la-môn có ý nghĩa như vầy, trong văn hoá Phật Giáo Ấn Độ
ai mà được gọi là Bà-la-môn thì người đó được xem như là bậc thánh, gọi là hiền
trí. Nhưng người Ấn Độ thì quan niệm rằng người gọi là Bà-la-môn là bởi vì sanh
trong gia đình Bà-la-môn. Đức Phật Ngài không nói như vậy. Ngài nói rằng người
nào thanh tịnh tốt đẹp thật sự thì Ngài mới gọi là Bà-la-môn, có nghĩa là người
nào thanh tịnh tốt đẹp thật sự thì mới gọi là hiền trí, chứ không phải sanh
trong giai cấp Bàlamôn mà gọi là hiền trí. (Chúng tôi muốn mở một ngoặc đơn ở
đây để nhắc qúi vị một chữ Bàlamôn, nó phát xuất từ chữ Brahmana, đúng ra đọc là
Brah ma na, chữ Br âm là Bà, rah đọc là La, vì trong chữ Hán chữ r họ đọc không
được mà họ âm là chư L thí dụ chữ xari thì âm là xá lợi, do đó chữ rahm đọc là
La, và chữ mana đọc là Môn, do vậy chữ Brahmana đọc âm là Bàlamôn.)
Do vậy ngày xưa chữ Bàlamôn còn dịch là phạm chí có nghĩa là
người tu tập hạnh lành, nhưng về sau này chữ Bàlamôn đối với người Phật tử có
hai cách, thời Phật thì Đức Phật Ngài dùng chữ Bàlamôn có nhiều nghĩa, nhưng
người Phật tử dùng chữ Bàlamôn để chỉ người tu theo Ấn Độ giáo.
Ở đây Đức Phật Ngài nói rằng: "Người nào lấy nhẫn nại làm quân
lực làm sức mạnh của mình, thì người đó mới thật sự là người hiền trí. Trong
Tương Ưng Bộ Kinh thì Đức Phật dạy rằng: "Không có pháp nào cao hơn nhẫn nhục."
thì thưa qúi vị những câu Phật ngôn này được nói từ chính Đức Phật và không phải
để chúng ta nghe như một câu danh ngôn trang trọng ghép trong sách rồi bỏ qua
một bên, nhưng chính những câu nói này nếu chúng ta đọc và cảm nhận được ý nghĩa
và đem vào trong lòng như là một chuyện ghi nhớ, thì Đức Phật Ngài nói rằng
người đó là người biết được lợi ích của pháp nhẫn nại, và người biết được lợi
ích của pháp nhẫn nại là người có cơ hội để tu tập tâm từ, biết được lợi ích của
pháp kham nhẫn. Những câu Phật ngôn giống như là những lời dạy mà ông bà cha mẹ
đã truyền đạt đến ta vậy, có nhiều khi cha mẹ ông bà dạy cho chúng ta một điều
gì đó chúng ta lại quên đi nhưng mà rồi một lúc nào đó bỗng nhiên chúng ta chợt
nhớ và nhớ một cách thấm thiá, đặc biệt là càng lớn càng suy nghiệm việc đời thì
chúng ta cảm thấy thấm thía và nhờ vậy đó và chúng ta đem áp dụng những điều này
vào trong đời sống của mình.
Thì nói tóm lại là để tu tập tâm từ thì chúng ta cần phải vượt
qua những chướng ngại của thân tâm, chướng ngại của thân tâm đó là chướng ngại
của thân thì chúng ta đã nói rồi, chướng ngại của tâm chúng ta cũng đã nói đó là
lòng sân hận và sự kham nhẫn, mà muốn diệt trừ được sân hận thì chúng ta phải
thấy được nguy hiểm của sự sân hận, và muốn đạt được kham nhẫn thì chúng ta phải
biết được lợi ích của kham nhẫn.
Kham nhẫn có phải là nhẫn nại không?
Có bốn chữ nghiã gần giống nhau nhưng đôi lúc cần phân biệt đó
là chữ: kham nhẫn, nhẫn nại, nhẫn nhục, kiên định. Trong bốn chữ này không có
chữ nào dịch trọn chữ khanti trong đạo Phật, thành ra có khi mình dùng cách này
hay cách kia.
Chữ kham nhẫn có nghĩa là chịu đựng, như người ta nói con ngựa bất kham là con ngựa không có khả năng chịu đựng sự huấn luyện, kham nhẫn là chịu đựng. Và chữ kham có ý nghĩa trong chữ Hán là chịu đựng, người ta nói có chí thì nên, chịu đựng để đạt đến mục đích gì đó, thí dụ như là chúng ta đi học thì rất là cực khổ, nhưng chúng ta phải kham nhẫn là chịu đựng sự cực khổ đó để học thành tài, cái đó gọi là kham nhẫn. Chữ kham là chịu đựng để đạt tới điều gì tốt đẹp, như là nói con ngựa bất kham là con ngựa đó không chịu sự huấn luyện. Chữ nhẫn nhục có nghĩa là chúng ta chịu đựng với những điều làm xúc phạm đến lòng tự ái của mình, thí dụ như một người nào đó họ chửi ta thì chúng ta gọi là nhẫn nhục. Nhưng nếu chúng ta làm việc gì đó mà mưa nắng nhiều thì chúng ta không nhẫn nhục với mưa nắng mà chúng ta phải nhẫn nại. Nhẫn nhục có nghĩa là chịu đựng với điều gì đó mà xúc phạm đến mình gọi là nhẫn nhục, và nhẫn nại là chúng ta chịu đựng với tất cả mọi thứ. Chữ nhẫn nại rộng lắm, như trời mưa trời nắng chúng ta nhẫn nại, nhưng mưa nắng thì không nhẫn nhục được. Trong ý nghĩa khác của chữ khanti dịch sang tiếng Việt đó là chữ kiên định có nghĩa là kiên trì là chúng ta tiếp tục việc làm dù khó khăn cũng mặc và phiền toái cũng mặc, sự thay đổi mọi thức cũng mặc, chúng ta vẫn đi tới là kiên trì. Mỗi một chữ có sự khác biệt.
Đoạn số ba là chuyển hướng. Đoạn số ba cho chúng ta biết rằng
sau khi đã thấy được nguy hiểm của sân hận và biết được lợi ích của kham nhẫn
thì chúng ta nên biết rằng tâm từ nên trải đến người nào. Tâm từ cũng giống như
chúng ta nhen lửa. Nếu qúi vị lấy lá xanh tươi rồi bật hộp quẹt để đốt thì lâu
lắm mới đốt được, và khi vừa buông ra nó tắt liền, thì không nhen lửa được. Như
vậy thì một người muốn nhen lửa việc làm đầu tiên của họ là phải lấy củi khô
hoặc lá khô, cái gì dễ cháy nhất như cái bổi đốt trước thì củi sẽ cháy theo và
khi mà củi đã cháy rồi thì rừng xanh cũng có thể cháy được. Chắc qúi vị ở Thụy
Sĩ chưa bao giờ thấy rừng xanh cháy. Bên Mỹ mỗi lần cháy rừng xanh, rừng xanh
miên miết vậy mà khi lửa đã mạnh thì nó cháy hết, ban đầu thì nó cháy dưới gốc
sức nóng làm lá cây bị khô và khi lá cây trên cây khô rồi thì nó sẽ dễ cháy hơn
và lá cây trên cây đã khô rồi thì cây xanh cũng cháy luôn. Người nào đã nhìn
thấy rừng cháy rồi thì mới thấy rằng ai biết nhen nhúm từ cái nhỏ thì đi tới cái
lớn thì từ lá khô cho đến lá xanh đều cháy hết. Do vậy chuyện hết sức quan trọng
mà đoạn thứ ba cho chúng ta biết rằng đầu tiên là chúng ta nên rải tâm từ đến
người nào, bởi vì từ người đó chúng ta mới nhen nhúm được tâm từ của chúng ta,
chứ ban đầu mà tự nhiên bảo mình nên thương yêu tất cả mọi người nên có tâm từ
đến tất cả mọi người, thì chúng ta sẽ không đủ tâm từ với tất cả mọi người, và
do vậy nên biết lựa người nào đó và từ đó chúng ta nhen nhúm được lòng từ của
mình.
Đây là đoạn thứ tư. Vì tâm từ lúc đầu không nên trải đến 4 hạng
người sau đây: người mà ta ghét hay có ác cảm sẵn, người mà ta rất yêu mến,
người ta không ưa không ghét, và người ta thù. Và cũng không nên trải tâm từ đặc
biệt là đến kẻ khác phái hay đến một người đã chết.
Đoạn thứ năm. Vì lý do nào mà ta không nên trải tâm từ đến
những hạng trên? Ðể một người khả ố vào địa vị một người mến thương thì mệt
lòng. Nghĩa là tâm chúng ta phải vật vã rất nhiều. Như bây giờ bỗng nhiên hai
người đang gây lộn đến chùa gặp đạo hữu Trí hay là chúng tôi, chúng tôi nói rằng
đạo hữu nên rải tâm từ đến người đó, thì đạo hữu có thương Chư Tăng hay có mến
đạo hữu Trí mà muốn thương người đó được thì cũng phải mệt lòng, phải phấn đấu
rất nhiều do vậy câu nói "để một người khả ố vào địa vị một người mến thương thì
mệt lòng."
"Để một người rất thân vào địa vị một người dửng dưng thì cũng
mệt lòng," một người mình rất luyến ái giống như qúi vị có con chó con mèo, qúi
vị thương quá bây giờ chỉ rải tâm từ tức là tâm từ bi đến thôi mà không có sự
trìu mến thì không được, hay con cái trong nhà có ai qúi vị thương quá, hay một
người bạn trai bạn gái nghĩ đến thì khởi tâm luyến ái mà không thể chuyển tâm từ
ái bình thường được. Do vậy khi "tu tập tâm từ không nên nghĩ tới người mà chúng
ta ghét cũng không nghĩ tới người chúng ta quá thương, và nếu một bất hạnh nhỏ
nào xảy đến người ấy thì hành giả gần như muốn khóc." Nhiều khi chúng ta qúa
thương cha thương mẹ, bây giờ nghĩ tới như cha mẹ đang bị bịnh chẳng hạn thì
chúng ta có thể khóc được. Tức là cảm xúc không nên có trong lúc chúng ta đang
tu thiền.
"Để một người dửng dưng vào địa vị một người khả kính khả ái
thì rất mệt, còn nếu nhớ đến một kẻ thù thì hành giả sẽ nổi sân." Để một người
dửng dưng vào địa vị một người khả kính khả ái ví dụ như qúi vị rải tâm từ với
người qúi vị không quen như bà hàng xóm Thụy Sĩ người ở kế bên nhà, chúng tôi có
gặp nhiều lần, chúng tôi có qúi mến bà, bà có thỉnh thoảng làm bánh cho nhưng
gọi là quá thương cũng không có qúa thương còn qúa ghét thì cũng không quá ghét,
hay một người nào mà chúng ta biết trong công sở rất là dửng dưng nếu chúng ta
rải tâm từ đầu tiên đến người đó thì chúng ta cũng khó nhen nhúm được tâm từ
cũng giống như một loại củi khó cháy chúng ta đem nhúm lửa vậy. Còn nếu nhớ đến
một người là kẻ thù thì hành giả sẽ nổi sân, chuyện này khỏi cần giải thích, ai
mà qúi vị đang thù khi nghĩ đến là qúi vị nổi sân. Vì những lý do đó mà lúc đầu
không nên rải tâm từ đến những hạng người ấy. Qúi vị nhớ là lúc đầu tức là sơ
khởi ban đầu, lúc sau này chúng ta sẽ có tâm từ đến tất cả, nhưng ban đầu thì
không nên.
"Và nếu hành giả trải tâm từ đặc biệt đến người khác phái, thì
tham dục khởi lên nơi hành giả do người ấy làm nguồn cảm hứng. Có một vị trưởng
lão thường đến khất thực tại nhà nọ. Một người cư sĩ bạn của người con trai
trong gia đình ấy hỏi trưởng lão: "Bạch đại đức ta nên trải tâm từ đến người
nào?" Vị trưởng lão trả lời: "Ðến một người ta thương mến". Người cư sĩ ấy yêu
mến vợ con anh ta. Do tu tập từ tâm trải đến nàng, vị ấy đấm vào vách tường suốt
đêm ấy. Sau khi thọ bát quan trai giới, vị ấy khóa cửa phòng, ngồi trên một tọa
cụ để tu tập quán tâm từ. Bị mù quáng bởi tham dục khởi lên dưới lớp vỏ từ tâm,
anh toan đi đến thăm người vợ, và vì không trông thấy cửa nên vị ấy đập vào vách
để thoát ra dù có phải làm đổ tường. (Pm.286) Do vậy, không nên trải tâm từ đặc
biệt đến kẻ khác phái."
Do vậy không nên trải tâm từ đặc biệt đến kẻ khác phái.
"Còn nếu hành giả trải tâm từ đến một người đã chết, thì vị ấy
không đạt được an chỉ hay định cận hành gì cả. Như có một tỷ kheo trẻ khởi sự
trải tâm từ đến vị giáo thọ sư là đối tượng. Tâm từ của vị ấy không tiến triển
chút nào cả. Vị ấy đi đến một vị Thượng tọa tỷ kheo và bạch: "Bạch Ðại đức, con
rất thường đắc thiền nhờ quán tâm từ, mà bây giờ quán mãi không đắc, là tại
sao?" Vị trưởng lão dạy:"Hiền giả hãy tìm tướng ấy đi." (nghĩa là đối tượng của
thiền quán). Vị tỷ kheo đi tìm, và được biết vị giáo thọ sư đã chết. Ông liền
tiếp tục tu tập trải tâm từ đến một đối tượng khác, và đắc định. Vì thế không
nên trải tâm từ đến một người đã chết."
Ý muốn nói như vầy; bây giờ qúi vị rất thương cha thương mẹ hay
một người thân, nhưng một người thân chết rồi khác với một người thân sống mặc
dầu đối với chúng ta tình thương lúc nào cũng giống nhau, nhưng một khi nghĩ tới
một người đã chết thì tâm của chúng ta rơi vào trạng thái trống rỗng rất lạ lùng
tại vì chúng ta biết là chúng ta không làm chuyện gì cho người đó đuợc. Tất cả
chỉ là như vậy thôi, người đó đã đi vào một thế giới khác xa xôi hoàn toàn rồi.
Do vậy đối tượng chúng ta trải tâm từ nên là người hiện đang sống trên cõi đời
này và chúng ta biết là người đó đang sống thì như vậy tâm từ có điều kiện phát
triển.
Do đó ở đây có bốn hạng người được đề cập đến đầu tiên và có
hai hạng người được đề cập đến sau tổng cộng là sáu hạng người mà chúng ta không
nên dùng làm đối tượng khi bắt đầu rải tâm từ.
Sáu đối tượng đó là gì: đối tượng đầu tiên là người mình ghét (là người làm mình bực tức), hạng người thứ hai là người mình thương, hạng người thứ ba là người mình không ghét không thương, hạng người thứ tư là kẻ thù (người mình bực bội thì khác với kẻ thù), hạng người thứ năm là người khác phái, hạng người thứ sáu là người đã chết. Sáu hạng người này không nên làm đối tượng để khởi sự tu tập tâm từ. Chúng tôi nói khởi sự có nghĩa là mới bắt đầu tu tập tâm từ thì không nên nghĩ tới những người này. Bởi vì có những điểm không được khích lệ nhưng khi chúng ta tu tập tâm từ đã thuần thục lớn mạnh rồi thì chúng ta có thể rải tâm từ đến tất cả. Qúi vị có thấy phần này khó hiểu không? Ta có thể rải tâm từ đến những người ngoài sáu hạng người đó, một người không thương, không ghét, không thù, không phải là người khác phái và không phải là người đã chết. Nếu trong đời mình chỉ có sáu hạng người đó thôi thì buồn lắm.
Đoạn thứ tám. Nói về cách tu tập tâm từ.
"Trước tiên tâm từ nên được rải đến chính bản thân hành giả lập
đi lập lại như sau: "Mong rằng ta được an lạc, thoát khổ ách, hoặc mong rằng tôi
thoát khỏi hận thù, buồn khổ lo âu và được hạnh phúc."
Câu sau là câu mà chúng tôi thường hướng dẫn qúi vị tu tập
"Mình diệt trừ mọi oan trái, dứt trừ mọi sự đau khổ và được sự an lạc." Đó là
những câu mà chúng ta nên mong. Như qúi vị ngồi đầu tiên qúi vị nghĩ như vầy
"Nguyện cho con dứt trừ mọi oan trái, nguyện cho con dứt trừ mọi sự đau khổ và
nguyện cho con luôn luôn được hạnh phúc." Đó là lời nguyện đầu tiên, đối tượng
đầu tiên mà qúi vị nên nghĩ đó là qúi vị nên trải tâm từ đến bản thân của qúi
vị.
Như vậy, có phải là mâu thuẫn với những gì được nói ở trong
kinh điển hay không? Vì không có chỗ nào nói tới việc trải tâm từ đến chính mình
trong Vibhanga: "Và làm thế nào một tỳ kheo tu tập biến mãn một phương với tâm
câu hữu với từ?" (Ở đây nói theo trong kinh thành ra một vài chữ hơi khó hiểu,
chữ biến mãn có nghĩa là trải rộng, câu hữu có nghĩa là liên đới hay là liên hệ,
trạng thái tâm nào liên hệ gọi là câu hữu.) "Và làm thế nào một tỷ kheo tu tập
biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ? Giống như vị ấy có tâm từ khi thấy
một người rất thân mến, cũng vậy vị ấy rưới khắp tất cả hữu tình với từ tâm".
Khi nào mình thấy người nào mình rất thương mến, như qúi vị cứ
hình dung như vầy, có một người khách đến nhà thăm quí vị và người khách đó là
người qúi vị rất thương và rất quí . Nghĩa thương và quí là khi người đó vào nhà
qúi vị lựa cái gì tốt nhất chẳng hạn như chỗ ngồi thoải mái nhất và tốt nhất thì
mời người đó ngồi, món ăn nào ngon nhất đem ra mời người đó ăn, lời nào nói đẹp
lòng nhất thì qúi vị nói với người đó, sự săn sóc ân cần đó là bởi vì qúi vị rất
là thương mến người đó, nếu đem sự thương mến ân cần đó trải rộng tất cả mọi
chúng sanh gọi là biến mãn, tất cả chúng sanh được như vậy thì gọi là tâm từ,
thương mến và ân cần với mọi người đó là trạng thái của tâm từ. Khi nói đến tâm
từ không phải là một trạng thái tâm xa lạ mà thật sự đó là cái gì rất quen thuộc
trong đời sống, nhưng làm thế nào chúng ta có thể thương mọi người như là thương
một người và thương một người giống như thương mọi người thì gọi là tâm từ.
Và trong Patisambhidà thì nói: "Bằng năm cách nào, từ tâm giải
thoát được làm cho sung mãn không giới hạn": "Mong rằng tất cả chúng sanh thoát
khỏi hận thù, buồn khổ, lo âu và được sống trong hạnh phúc" "Mong rằng mọi loài
có thở... mọi loài được sinh ra... mọi người... mọi kẻ có một nhân tính, đều
thoát khỏi hận thù, buồn khổ, lo âu và sống được an lạc." (Sn. 145). Có phải là
mâu thuẫn với những bản văn này?
Tức là ở trong kinh thì dạy rằng chúng ta mong mỏi cho tất cả
chúng sinh được an lạc. Tại sao đoạn số tám thì mong mỏi cho mình được an lạc,
thì câu số mười trả lời rằng"
10. Không mâu thuẫn. Tại sao không? Bởi vì, văn trên là nói đến
định. Còn sự tu tập sơ khởi này, trải tâm từ đến chính bản thân, là muốn nói
chuyện lấy bản thân để làm ví dụ.
Qúi vị nghe cho kỹ. Không mâu thuẫn. Tại sao không? Bởi vì văn
trên nói đến định. Qúi vị có hiểu câu này không? Văn trên nói đến định là khi
nào tâm tu tập của chúng ta đã đạt được định, đến mức độ gọi là đắc thiền, nghĩa
là đạt đến mức nhuần nhuyễn thuần rồi thì lúc chúng ta nghĩ đến tâm từ. Thì như
đoạn văn số chín đã được diễn tả vậy. Nghĩa là lúc đó tâm từ đã lớn mạnh trong
lòng chúng ta rồi, nó đã quen thuộc rồi. Còn ở đây khi nói đến trải tâm từ lấy
chúng ta để làm điểm tựa trước nhất thì đó là sự tu tập sơ khởi, một sự tu tập
bắt đầu thôi. Qúi vị có thấy sự khác biệt này không? khi khác thì ban đầu chúng
ta nghĩ tới bản thân của mình trước
Vì dù có tu tập tâm từ cho đến một trăm năm hay một ngàn năm
theo kiểu:"Tôi được an lạc hạnh phúc. " v.v... thì cũng không bao giờ đắc định.
Nhưng nếu hành giả tu tập tâm từ như sau: "Tôi được an lạc. Cũng như tôi muốn an
lạc và sợ đau khổ, như tôi muốn sống, không muốn chết, thì các chúng sinh khác
cũng vậy."
Đây là câu nói là dùng bản thân mình làm điểm tựa, cách tu tập
tâm từ này là cách tu tập đúng nhất theo trong kinh điển, cách tu tập tâm từ này
là mình ngồi xuống mình quán sát thấy được là đầu tiên qúi vị mong cho qúi vị
được an lạc, khi qúi vị mong như vậy đến mức độ qúi vị cảm thấy qúi vị rất là
tha thiết thì qúi vị bắt đầu nghĩ rằng: "Tôi mong cho tôi được an lạc thì cũng
giống như tôi tất cả chúng sanh đều mong cho họ được an lạc, thì như vậy cầu
mong cho họ được an lạc." Ở trong kinh điển Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên phát
triển quan hệ của mình với người khác như sau. Giống như Đức Khổng Tử Ngài nói
trong đạo Nho "Chỉ sở bất dục vật chi ư nhân - Cái gì mình không muốn thì đừng
mang lại cho người khác." Cái gì mình không muốn; mình không muốn bị đe dọa,
mình không muốn người ta nói nặng mình thì mình cũng sẽ không nói nặng với người
khác, mình mong muốn được sự an lạc, mình mong muốn được sắc đẹp, mình mong muốn
cho mọi loài được sắc đẹp, mong muốn cho mình được hạnh phúc thì xin cho mọi
loài được hạnh phúc, mình mong muốn mình được tự do thì mong cho mọi loài được
tự do, đó là các tu tập tâm từ,
Khi lấy bản thân làm ví dụ (chữ ví dụ ở đây còn có nghĩa là lấy
bản thân làm điểm tựa) thì ước mong cho những chúng sinh khác được an lạc hạnh
phúc khởi lên nơi hành giả. Và phương pháp này đã được ám chỉ bởi Ðức Thế Tôn
khi ngài nói:
"Tâm ta đi cùng khắp,
tất cả mọi phương trời, cũng không tìm thấy được, ai thân hơn tự ngã, tự ngã đối mọi người, quá thân ái như vậy. Vậy ai yêu tự ngã, chớ hại tự ngã người (S. ii, 75)
Ở trong kinh này có hai đoạn quan trọng: Đoạn thứ nhất là Đức
Phật Ngài quán xét tất cả chúng sanh trong cuộc đời này ở mỗi phương trời, thì
Ngài thấy một điểm được xem như một chân lý; đó là không có ai thương yêu bản
thân mình hơn là chính mình. Cha mẹ mình, anh chị em mình không ai thương yêu
bản thân mình hơn mình và mình cũng không thương ai hơn là thương mình. Qúi vị
thấy có nhiều khi đối với bản thân của chúng ta ăn bao nhiêu cũng được, mặc bao
nhiêu cũng được miễn là đẹp, miễn là sung sướng thì ăn bao nhiêu cũng được, làm
đẹp bao nhiêu cũng được. Nhưng khi chúng ta giúp đỡ cho người khác thì có giới
hạng làm vừa đủ thôi, nghĩa là làm sao cho vừa đủ ăn đủ mặc không bị đói khổ,
giúp thân nhân cha mẹ mình. Nhưng bảo rằng để thỏa mãn cái đẹp của cha mẹ mình.
Thí dụ qúi vị ở đây thấy một chậu phong lan rất đẹp vì mình thích nó quá đẹp nên
mình mua đem về cho mình, thì qúi vị không thấy chuyện đó là xa xỉ, mà sẵn sàng
mua một chậu phong lan đẹp. Nhưng qúi vị gửi cho người thân ở Việt Nam, người
thân ở Việt Nam thấy chậu phong lan đẹp muốn mua đem về chưng ở nhà, qúi vị biết
điều đó qúi vị sẽ phiền não, nói rằng mình gửi tiền về cho họ sống mà họ sài xa
xỉ như vậy. Thì như vậy Đức Phật Ngài nói rằng mình không thương ai hơn thương
mình có đúng không qúi vị? quả thật là như vậy, không ai thương mình bằng mình
thương mình.
Trong kinh Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên quán tưởng một
điều rất quan trọng là: Vậy ai yêu tự ngã tức là ai thương chính bản thân của
mình thì chớ hại đến người khác tại vì họ cũng thương yêu bản thân của họ như
vậy. Như một lần Đức Phật Ngài đi ngang Ngài thấy một số đứa trẻ đánh đập con
rắn, Ngài lại nói rằng:
" Con người mình sống ai cũng sợ đau đớn, ai cũng sợ chết, này
các con đừng đánh đập chúng sanh khác."
"Ai người chẳng sợ gươm đao, anh hùng cũng khiếp, má đào cũng
kinh, hiểu tha nhân bởi xét mình" Hiểu tha nhân bởi xét mình là vì mình hiểu tha
nhân là do suy nghiệm mình, ai nói mình một câu nặng thì mình buồn, ai đối đãi
mình bạc bẽo mình không muốn, ai tù đày mình thì mình không chịu, ai giết mình
mình lo sợ. Thì tại sao mình giết người khác? Tại sao mình nói nặng người khác?
Hiểu như vậy thì chúng ta phát triển được tâm từ.
Do vậy lời đề nghị của Ngài Buddhaghosa ở đây là Ngài khuyên
chúng ta tự phát triển tâm từ với chính mình trước và lấy câu Phật Ngôn "Ai yêu
tự ngã mình thì chớ hại đến tự ngã người khác." Ai mong muốn hạnh phúc cho mình
thì cũng nên mong muốn hạnh phúc cho người khác như câu nói rằng "con mong cho
con được sống lâu sắc đẹp an vui sức mạnh và trí huệ, thì con cũng cầu mong cho
tất cả chúng sanh được sống lâu sắc đẹp an vui sức mạnh trí huệ." Thì thưa qúi
vị sự mong mỏi đó trong đáy lòng là sự mong mỏi rất thành thật đó Đức Phật gọi
là tâm từ. Mình mong được cái gì thì mình mong cho người khác được cái đó gọi là
tâm từ. Thì như vậy trong lời phiến diệu này đầu tiên là mình nên cầu mong cho
mình được an lạc và lấy sự an lạc của mình để xét đến sự an lạc của người khác
và mong mỏi sự an lạc của người khác đó là bước đầu của sự tu tập tâm
từ./.
Namo Buddhaya .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.9/11/2012 ).
|
Thursday, 8 November 2012
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment