Nam mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính lễ Hòa thượng viện chủ chùa Huê Nghiêm
Kính thưa chư Đại Đức Tăng và quý đạo hữu Phật tử
Hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện tiếp phần nghi lễ trong sinh hoạt của đạo tràng Pháp Hoa. Ở buổi trước thì tôi đã hướng dẫn quý Phật tử về những nguyên tắc sử dụng chuông mõ như thế nào. Hôm nay chúng ta sẽ nói lại phần đó trước khi qua bài mới.
Ngay buổi đầu sinh hoạt tôi có đề cập đến phần định nghĩa nghi lễ là gì. Đó là những nghi thức được thể hiện ra bên ngoài. Lễ là sự bày tỏ. Vì vậy mà khi nghe một thời tụng niệm chúng ta cũng có thể cảm nhận được. Chúng ta cảm nhận được sự an tịnh, giải thoát của người trì tụng nếu những âm thanh đó, những nhạc khí đó được cử xướng bằng tâm thức an tĩnh. Điều này không phải riêng trong Phật Giáo mà có thể tìm thấy trong tất cả những hình thức sinh hoạt trong đời sống. Nếu chúng ta có cái nhìn bằng tuệ giác thì chúng ta cũng có thể thấy được. Cũng một lời kinh đó, cũng một bài hát đó nhưng mà khi mình nghe qua thì mình có một cảm xúc gì đó vì người hát họ hát bằng tất cả tấm lòng của họ. Vì vậy cho nên trong khi trì tụng chúng ta cần phải làm sao hợp nhất thân và tâm, tụng niệm cả ba nghiệp chứ không phải chỉ chú trọng ở những kỹ thuật tán tụng. Mình phải làm sao thể nhập vào chân lý đó để mà mình tụng. Khi nhập vào chân lý đó đọc lên rồi thì mình thấy những lời dạy đó đang có mặt trong cuộc sống của mình. Nó đang thấm sâu vào trong từng thớ thịt của mình, trong mỗi hơi thở của mình.
Ở chùa thường hay xướng bài tán Phật. Bài tán này nằm trong kinh Thiền Môn Nhật Tụng năm 2000 của Làng Mai.
Sen quý nở đài giác ngộ
Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.
Những lời kinh mà chúng ta đọc lên nếu mình để ý thì mình thấy được rằng trong nội dung của những bài kệ này không có xin xỏ gì hết. Chúng ta nói là cầu nguyện nhưng thật ra không có xin cái gì hết mà đúng hơn là sự phát nguyện. Mình nguyện mình sẽ làm như vậy. Cho nên làm thế nào để mà “vừa thấy dung nhan Điều Ngự, trăm ngàn phiền não sạch không”? Vấn đề này chúng ta có thể làm được. Hằng ngày các thầy, các sư cô ở chùa đều làm lễ, có những thời công phu, những khóa tụng niệm. Hằng ngày chúng ta đều thấy Phật, đều thấy hình tướng của Phật. Nhưng làm thế nào để mỗi lần thấy được dung nhan của đức Phật bao nhiêu phiền não tan tác hết?
Mỗi tuần chúng ta đến đạo tràng để được tụng, được niệm với đại chúng. Ở nhà mình vẫn tụng kia mà. Có một lần đi Phật sự sớm, đi ngang chùa Ấn Quang, dừng lại để đón các thầy đi cùng, lúc đó tôi thấy chùa đang công phu. Trời mưa. Mưa sớm mà các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa đã có mặt trước cổng. Cổng thì chưa mở. Mọi người thì đứng dưới mưa. Động lực nào thúc đẩy chúng ta như vậy? Đi như vậy để được cái gì? Có bằng cấp gì không? Chắc không. Vừa tốn tiền xe vừa mất thời gian. Nhưng mỗi lần được sinh hoạt với đại chúng, được ở trong một bầu không khí an tĩnh như vậy thì chúng ta có được sự thanh thản. Và trong những khoảnh khắc đó, bao nhiêu phiền não, nghiệp chướng tan mất hết.
Vì vậy sự thực tập của chúng ta là làm thế nào để mình khi vừa chiêm ngưỡng dung nhan của đức Phật là phiền não sạch hết? Đây là vấn đề mà chúng ta phải tư duy. Nếu chúng ta chỉ nhìn bằng con mắt thường thôi, trong con mắt đó không có ý thức thì chúng ta sẽ không lưu lại một hình ảnh gì đẹp để mà nó sống với chúng ta. Cho nên khi mình thấy, mình nhìn, mình không phải nhìn bằng mắt mà mình nhìn bằng tâm của mình. Và trong khi nhìn, mình không khởi một tâm phân biệt gì cả. Không có phân biệt ông này đẹp, ông này xấu. Nhìn như vậy thì ngay giây phút đó thân tâm của chúng ta nhập vào thân tâm của chư Phật. Chúng ta được tiếp nhận rất nhiều đạo lực từ đức Phật chuyển tiếp. Và đạo lực đó sẽ giúp cho mình hóa giải những nội kết, khai mở những khúc mắc. Cho nên phiền não tự nhiên biến mất. Và thật sự nói là biến thì nó cũng không biến đi đâu cả. Lúc đó mình đã chuyển Phiền Não thành Bồ Đề. Mình đã chuyển sự ràng buộc thành giải thoát. Nói hơi lý thuyết một chút là như vậy.
Chừng nào giải thoát?
Người ta nói là tu tập để giải thoát và mong muốn được giải thoát.
Chừng nào giải thoát?
Ngày mai. Tháng sau hay đời sau.
Nếu hôm nay tu mà chờ đến mai giải thoát liệu có đến ngày mai không?
Tại sao mình phải đầu tư hết cho tương lai để hiện tại mình bị thiếu thốn thiệt thòi như vậy?
Cho nên muốn biết ngày mai có giải thoát hay không chúng ta hãy nhìn vào hiện tại giờ này. Quý Phật tử đạo hữu ngồi ở đây mình nhìn lại coi mình có buộc cái gì không? Trong những sinh hoạt hằng ngày, trong những thời khóa tụng niệm mình có để lại cái gì nó buộc mình, trói mình, làm mình không thoát ra được hay không? Có vướng, có mắc, có kẹt, có chấp hay không? Chữ chấp có nghĩa là vướng vào đó, kẹt vào đó, mắc vào đó, không gỡ ra được.
Nếu mình không bị vướng ở một tập quán thì tại sao mình lại nói
“ủa tại sao chị thắp hương cho đức Phật có một cây?
Phải thắp ba cây chứ.”
Nói như vậy là mình bị kẹt vào số 3. Nó trói mình. Mình thấy thắp một cây mình không chịu được, bực bội lên. Đó là ở trong cảnh bồ đề mà tự nhiên thấy không thanh tịnh. Ở trong cảnh giải thoát mà tự nhiên bị ràng buộc. Cho nên nếu mình không nên bị kẹt vào con số đó thì mình đã giải thoát được ngay giây phút đó. Tôi thí dụ một chuyện thôi để quý Phật tử chúng ta thấy được rằng mỗi ngày tụng kinh niệm Phật mình có rất nhiều cơ hội giúp cho mình an lạc và giải thoát. Nhưng vì mình không có mặt, mình không có mặt trong từng giây phút hiện tại cho nên cơ hội đó đi qua.
Người Trung Hoa người ta có câu nói thế này. Hằng ngày có rất nhiều cơ hội nhưng mình có bản lĩnh để nắm bắt cơ hội đó hay không. Giải thoát không có ai đem lại cho mình hết. Nhiều khi mình bị kẹt vào tiếng mõ, kẹt vào tiếng chuông. Tự mình bày ra rồi mình bị nó trói lại mình. Vì vậy học nghi lễ là để giúp cho mình làm thế nào để nhẹ nhàng hơn. Hiểu được nguyên lý là như vậy rồi một khi khởi một tiếng chuông, khởi một tiếng mõ thì mình cũng thấy an tịnh trong tâm hồn. Và khi mà mình nhìn thấy đức Phật, hai cái tâm đang giao cảm với nhau.
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Điều này mình có thể làm được. Trong khi tụng niệm, trong khi tu tập mình phải có khả năng chế tác ra đạo lực. Đạo lực là sức mạnh của pháp tu, sức mạnh của tuệ giác. Niệm một tiếng Phật phải chế tác ra được đạo lực. Trì một câu chú phải chế tác ra được đạo lực. Lễ Phật một lễ phải chế tác ra được đạo lực. Giống như hằng ngày mình ăn cơm. Tôi xin nói ngoài đề một chút. Người miền Nam mình hay có thói quen là ăn đầy chứ không ăn đủ. Mình cứ đưa vào cho thiệt là đầy. Cái dạ dày của mình căng lên. Ăn đầy lắm nhưng mà trong cái nhiều đó không có đủ chất để nuôi cơ thể. Trong khi ý nghĩa của chuyện ăn là làm thế nào để những vật thực đó có khả năng tiêu hóa và chế ra chất bổ dưỡng để nuôi cơ thể. Cho nên có những người hiểu nhiều về vấn đề này rồi thì người ta ăn không nhiều, ăn không đầy nữa mà người ta ăn đủ, đủ chất cho cơ thể. Có một Phật tử thưa với tôi thế này:
-Thưa thầy, thầy giúp cho con ý kiến.
Mỗi tối con niệm ba chuỗi tràng đức A Di Đà.
Con niệm ba chuỗi tràng đức Quan Thế Âm.
Con niệm ba chuỗi tràng Bồ Tát Địa Tạng.”
Rồi tôi hỏi:
- Còn niệm ai nữa không?
- Dạ, con niệm danh hiệu của thầy con một tràng.
- Hòa thượng còn sống không?
- Dạ tịch rồi.
Tôi nói:
-Thực tập như vậy là tốt nhưng hơi nhiều. Nhiều quá
Đức Quan Âm đang bận đi ngoài Đà Nẵng
Ngài cũng khỏi cần vì tại ở đây, ở chùa Huê Nghiêm có đức Di Đà lo rồi.
Ông này đổ thừa qua ông kia. Ông này nạnh nẹ ông kia. Rút cuộc, không biết ai độ. Cứ thử đem tâm chúng sinh mình suy nghĩ như vậy đi. Thật ra Phật không nhỏ nhặt vậy đâu. Nhưng mình đa mang như vậy ruốt cuộc mình không biết theo ông nào. Đó là sự rối loạn. Cho nên trong tu tập của mình hằng ngày làm thế nào để chuyên nhất. Học thì phải đa văn nhưng khi ứng dụng thì chỉ chuyên nhất thôi. Đừng nghĩ: niệm Quan Âm thì Đức Di Đà không rước. Hay niệm Di Đà hiện tại thì Quan Âm không độ. Cho nên thôi niệm mỗi ông một chút.
Hằng ngày chúng ta tu tập. Mai Tần chiều Sở đổi qua đổi lại liên tục. Cho nên không chế tác ra được đạo lực trong khi mình tu tập. Sáng trì Lăng Nghiêm. Trưa trì Đại Bi. Tối niệm Lục Tự. Rồi thêm kinh này thêm kinh kia, thêm kinh nọ. Nhiều quá! Đức Phật suốt 49 năm hơn 300 hội giảng kinh nhưng mà mình đâu cần phải học hết đâu, đâu cần phải hành trì hết đâu. Đức Phật nói Pháp cho chú này. Tại vì chú này chú hay quên đức Phật dạy Quán Sổ Tức đếm hơi thở đi để đừng có quên. Rồi đến cô kia. Tại vì cô này hay nói cho nên đức Phật dạy niệm Phật. Như một ông thầy thuốc. Tại vì chứng bệnh như vậy nên phải chế thuốc để đối trị với bệnh đó. Ngày nay chúng ta có thầy. Vì thầy có một nhân duyên nào đó thầy coi căn cơ mình hoặc là mình đến đạo tràng đó thấy pháp môn đó phù hợp thì mình hành trì chuyên nhất thôi. Nếu hành trì một cách chuyên nhất thì tự nhiên mình sẽ có rất nhiều giải thoát và an lạc. Không cần phải đa mang. Không cần phải nhiều thứ. Tu tập hằng ngày để mình chế tác ra được đạo lực. Tức là sức mạnh của đạo, sức mạnh của chân lý, sức mạnh của Pháp, để chính đạo lực đó giúp cho mình chuyển hóa nghiệp lực khi nó đến. Nếu chúng ta tu tập mà không chế tác ra được đạo lực thì mình phải xem lại pháp môn mình đang tu. Nhiều khi nó không hợp cơ hoặc là chúng ta thực hành chưa trúng. Vì vậy mỗi lần tụng kinh, mỗi lần lạy Phật mình phải làm sao để có nhiều an lạc, có nhiều giải thoát. Không buộc là giải. Không trói là thoát. Và thật ra không ai trói buộc mình cả. Tự mình buộc lấy mình. Trong Ngữ Lục có rất nhiều giai thoại. Có một vị tăng sinh đến đảnh lễ một thiền sư và cầu:
- Bạch thầy, có thể chỉ cho con pháp giải thoát.
Sư cụ nghe qua và nói:
- Ai buộc ông.
Khi nghe lời nói của vị thầy thì ông này ngộ ra
Có ai buộc mình đâu. Tự mình buộc lấy mình. Khi mình thấy được cái gút ở chỗ nào rồi thì tự nhiên mình thoát, mình mở ra.
Chuyển tải giáo pháp
Bây giờ trở về phương diện tụng niệm, đầu tiên, chúng ta học phải nương vào nhịp, vào trường canh để tụng. Đây là chúng ta dùng âm nhạc để chuyển tải chân lý. Cho nên, tụng mà đại chúng đông thì mình phải có nhịp. Và mọi người luôn luôn phải lắng nghe. Miệng mình đọc và tai mình phải nghe coi mình đọc có ăn nhịp không. Đây là vấn đề mà người làm nghi lễ phải ý thức thật cao độ. Nhiều khi mình tụng mà mình không nghe thì nó trật nhịp. Vì vậy bước đầu là các vị phải ý thức cho rõ cái hiệu lệnh, cái ký hiệu của chuông. Chỗ nào là dừng. Chỗ nào là đi luôn không dừng lại. Chỗ nào là dừng rồi tụng tiếp.Chỗ nào nghỉ lâu hơn. Điều này buổi trước mình đã nói chuyện rồi. Các Phật tử đã nắm được chưa? Hôm nay chúng ta sẽ nói sâu hơn.
Tụng nếu mà nhanh quá thì nhiều khi theo không kịp. Nhưng chậm quá nhiều khi nó lại rời rạc. Nếu kỹ thuật chưa có cao thì mình sẽ bị rớt, bị cắt, bị hụt hơi. Hôm nay cũng trên nguyên tắc của chuông mõ đó. Tức là khởi tam diệt tứ. Còn có một nguyên tắc nữa là lôi thất đả thập. Lôi thất đả thập thì trường hợp này ở Phật tử tại gia ít dùng đến. Tức là nó dùng ở những pháp khí như là chuông, trống, mõ ….Những chuông mõ chúng ta tụng niệm thì ít có đổ hồi. Ở những sinh hoạt của Tùng Lâm thì thời công phu chiều phải khai chuông bảng rồi hồi trống rồi mõ. Vì vậy trong lôi thất đả thập tôi giới thiệu sơ qua thôi. Thí dụ thì lôi thất cũng có nghệ thuật thế này. Tức là mình đánh 7 tiếng liền với nhau nhưng liền không phải là …. (làm mẫu) Không phải đánh như vậy. Đánh như vậy thì không hay. Tôi thấy có nhiều chùa. Không biết các vị nghe không ra hay sao? Lôi thất các vị lại đổ một hồi nhỏ… (làm mẫu) … Cái này không phải đả thập mà là đả thiên đả bách gì đó.
Thập là gì? Là mười tiếng thôi. Lôi thất là như thế này… (làm mẫu)
Có nghệ thuật…(làm mẫu). Đó 7 tiếng. Một-Hai-Ba_Bốn-Năm-Sáu-Bảy. Nó có nhặt có khoan như vậy. Nghệ thuật là ở chỗ đó.
Còn nếu mình … (làm thử) thì được nhưng không có nghệ thuật gì cả.
… (Làm thử) …Lôi thất phải như vậy.
Khi mình nắm kỹ thuật này rồi thì mười người, trăm người lôi thất như nhau, ăn nhịp với nhau. Vì lôi thất nhiều khi mõ, tang, trống, linh, chụp chõa, khánh đều trỗi lên một lượt nên ai cũng học như vậy rồi thì không có tiếng trước tiếng sau. Không có dư thêm.
Lôi thất là như vậy… (làm mẫu)… Đó 7 tiếng rồi đổ hồi. Đổ hồi 10 tiếng… (làm mẫu)… Đại khái là như vậy. Nó vừa như vậy.
Nhiều khi chờ đổ 3 hồi mõ đứng muốn rục giò, đứng muốn mỏi chân luôn… (làm mẫu)… Thưa quá rồi cứ ngó qua ngó lại. Đâu có phải chờ ai nữa đâu mà phải... (làm mẫu)… Không chịu thúc mõ lên cứ đánh hoài thế này…
Nghe hồi mõ như vậy biết tâm ông này như dây thun. Dùng tới dùng lui. (???). Trong tâm mình sao thì nó lộ ra bên ngoài. Cho nên tụng mà rớt trường canh là biết vị đó cũng hay bị chểnh mảng trong sự tu tập. Không dứt khoát. Tôi đưa ra nguyên tắc lôi thất đả thập để các Phật tử có thể biết khái niệm sau này đi sâu về nhạc khí thì mới dùng tới.
Bây giờ trở lại vấn đề tụng niệm thì các Phật tử để ý thế này. Khi mà chuông đang tụng mình thức một tiếng rồi điểm một tiếng thì đến cuối đoạn đó mõ phải dừng lại. Dừng chậm lại rồi tụng tiếp.
Như là Nam Mô Liên Trì Hội Thượng Phật Bồ Tát kế tụng tiếp là Phật thuyết A Di Đà Kinh. Chỗ Nam Mô Liên Trì Hội Thượng Phật Bồ Tát lần thứ 3 thì mõ chậm lại rồi dừng rồi xướng tiếp Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Nhưng nếu đang tụng thì thức một tiếng và điểm liền hai tiếng thì chúng ta biết sẽ dừng lại lâu. Nếu trong khi tụng dừng lại để tuyên sớ, dừng lại để đứng dậy lễ Tam Bảo thì không sử dụng mõ nữa mà chuyển sang đánh khánh hoặc xướng lễ. Tới đó dừng lâu hoặc thôi. Thì nó có nguyên tắc như vậy. Trong khi dừng các Phật tử nhớ là chữ cuối mình phải ngân ra. Chứ nhiều khi các vị cũng dừng nhưng mà không ngân thì tiếng mõ lúc đó, âm thanh lúc đó nghe trống vắng lắm.
Tôi ví dụ:
…Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật…
Chữ Mâu Ni Phật chuông đã có thức và điểm rồi thì mình phải dừng. Giọng của mình cũng phải ngân theo. Chứ để đoản quá thì nghe không hay. Và nhân đây tôi nói thêm ở chỗ là nếu quý Phật tử có khái niệm về giọng. Giọng của miền Trung, Nam thì chữ cuối bao giờ cũng phải đem hơi xuống. Miền Bắc chữ cuối bao giờ cũng phải cất hơi lên do thang âm điệu thức.
Thí dụ như:
…Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật…
sau chữ Phật phải có tiếng… âm rồi phải có hưởng, phải ngân ra.
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật….
Phật như vậy ngoại trừ hụt hơi thì thôi nhưng mà đại chúng tụng phải nương nhau. Mâu Ni Phật… Đó là phong cách miền Nam. Nhưng miền Bắc thì hơi lên thế này. Tôi xin phép thí dụ chớ không phải là nhái. Xin các vị hoan hỷ để quý vị thấy chữ cuối của miền Bắc.
…Trộm thấy,
Sáng trưng đuốc tuệ
Đường tối tăm biết lối quy y…
Miền Bắc bao giờ chữ cuối âm cũng phải đi lên. Nó ở trắc nhiều hơn. Trung Nam mình dù vần trắc những phải đem xuống bằng. Cho nên nghe tụng là mình biết phong cách nghi lễ của miền nào. Miền Nam mình thì như thế này:
Ta bà giáo chủ hoằng khai giải thoát chi môn
Tây Trúc đạo sư tiếp dẫn vãng sanh chi lộ
Hơi phải đưa xuống. Đó là phong cách. Trong các công tác nghi lễ, giáo hội đưa ra là bây giờ làm sao nghi lễ phải thống nhất. Tôi thưa là thống nhất văn bản thôi. Thống nhất văn bản thôi chứ không thể nào thống nhất giọng điệu được. Bây giờ biểu hết miền Nam, miền Trung phải nói theo miền Bắc được không? Không nói được. Sông Đồng Nai phù sa. Sông Mekong nước ngọt. Đồng Nai thì 6 tháng mặn 6 tháng ngọt. Cho nên thổ nhưỡng ở đây làm cho chất giọng như vậy. Sông Hồng, sông Đuống làm cho giọng con người khác. Sông Đà, sông Hương khiến cho giọng khác. Không thể nào một miền bắt chước được miền kia. Biểu miền Nam mà tán hết theo Bắc cũng không được. Miền Trung mà tán hết theo miền Bắc cũng không được hay ngược lại. Như vậy thống nhất chỉ là thống nhất văn bản. Lễ Phật Đản tụng bài kinh Khánh Đản. Vị chủ lễ miền nào thì xướng theo giọng miền đó. Không tán tức là làm theo nghi lễ đại chúng thôi. Không nghi lễ truyền thống. Xướng để mọi người cùng theo và đọc được. Nhưng giọng miền nào thì phải giữ như vậy. Chính cái đó là đặc trưng của Phật Giáo miền Nam. Chứ không thể nào mà thống nhất giọng được. Thống nhất văn bản tức là kinh văn. Vì vậy chất giọng mỗi miền tạo nên màu mỡ, phong phú của từng miền. Khi tụng thì ở đây chúng ta đang nói trong phạm vi nghi lễ của miền Nam. Thành ra chữ cuối mình phải ngân ra. Và chữ nào cũng phải có ngân ra. Thí dụ như hôm nay chúng ta sẽ lấy bài kinh Khánh Đản tụng. Các Phật tử có nghe qua bài Kinh Khánh Đản chưa?
Kinh Khánh Đản
Đệ tử hôm nay
Gặp ngày Khánh Đản.
Thuộc chưa? Sắp đến Phật Đản rồi. Bài này ngày xưa do cụ Chơn An Lê Văn Định là một nhà Phật học uyên thâm của Huế. Cụ viết bài này và được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ngày xưa đưa vào trong Kinh Nhật Tụng mà cho đến ngày nay mặc dầu nhiều văn bản xuất hiện nhưng chưa có tác phẩm nào vượt hơn. Cho nên trong lễ Phật Đản, quyển kinh Nhật Tụng tiếng Việt của ban nghi lễ giữ lại bài kinh này. Thì chúng ta tụng bài kinh chúng ta nhớ là mỗi chữ chúng ta đọc phải có âm có hưởng tức là có cái ngân của chữ
Đệ tử hôm nay
gặp ngày Khánh Đản…
Bỏ dấu cho rõ. Chữ nào cũng phải ngân tại vì tụng như thế này gọi là tụng sám. Tụng sám hay còn gọi là tụng già đà. Hôm trước tôi có giới thiệu qua quý Phật tử.. Tụng sám phải để từng chữ từng giọng đi vào tâm thức người ta. Cho nên đừng tụng nhanh…(làm mẫu)… Tụng như vậy thì uổng lắm. Mình tụng không phải để trả bài cho Phật hay là đếm đủ chữ. Mà tụng là làm thế nào để truyền cảm. Cái giọng của mình truyền năng lực ra bên ngoài để người ta thấy được sự kiện ra đời của đức Phật.
Không nỡ sanh linh thiếu phước
Nặng kiếp luân hồi
Đêm dày tăm tối
Đuốc tuệ rạng soi
Mình tụng như thế nào để cho người ta cảm nhận được cái hạnh phúc biết bao khi được tắm mình trong ánh hào quang của đức Phật. Cho nên trong khi tụng các Phật tử phải để ý là mỗi chữ phải ngân nó lên, ngân vang lên. Tiếc là mình không có văn bản đó ở đây. Đại chúng thì không phải ai cũng thuộc. Nếu có thì mình diễn tập tại vì sắp đến rằm tháng tư Tôi nghĩ đạo tràng cũng nên tụng bài kinh Khánh Đản trong lần tới.
Trở lại vấn đề thí dụ chúng ta đọc:
Đệ tử hôm nay
Gặp ngày Khánh Đản
Một dạ vui mừng
Cúi đầu đảnh lễ
thì tụng như vậy các vị phải nhớ là mỗi câu thì mình nghỉ một nhịp. Giọng của mình ngân dài ra. Và khi cất lên thì mình cất như thế nào để đúng ở cái nghĩa nữa. Trong khi tụng hãy thể hiện hết năng lực, tâm cảm của mình vào đó. Xin đại chúng các vị nào thuộc thì đọc với tôi. Đọc 4 câu:
Đệ tử hôm nay
Gặp ngày Khánh Đản
Một dạ vui mừng
Cúi đầu đảnh lễ
Đại khái vậy đó. Cúi đầu đảnh lễ không phải đến lúc đó xá như vậy. Mình làm sao mình đảnh lễ ở trong tâm của mình. Không phải nói đến chỗ cúi đầu đảnh lễ hay là “chí tâm đảnh lễ nam mô…”. Tôi thấy nhiều Phật tử lễ Tam Bảo đến chỗ “chí tâm đảnh lễ…” lại xá. Thật ra điều đó là tốt lắm. Nhưng mà khi lạy phi thời ở nhà một mình thì muốn sao đó muốn. Còn ở đại chúng phải làm theo đại chúng chứ mình không làm theo cá nhân mình được. Bài sám này các Phật tử nhớ ra chưa?
Bây giờ xin đại chúng cùng tụng cất cao giọng lên và nghe coi cần phải chỉnh lại chỗ nào hay không?
…Đều rồi đó. Mà chúng ta nhớ trong khi tụng có môt quy tắc không được (???) tức là trốn nặng tìm nhẹ. Khi nào lên làm Duy Na, cầm cái dùi chuông xướng lễ thì mình mới cất hết giọng oanh vàng của mình lên. Còn bây giờ mình ở dưới đại chúng thôi mệt lắm, tụng ríu ríu ăn gian. Cái đó là trốn nặng tìm nhẹ. Như vậy là mình không đóng góp năng lượng của mình vào. Nhưng mà cũng không phải vì thế mà cất giọng cao quá lấn át vị chủ lễ. Mọi người phải cất lên như thế nào để chan hòa với nhau, quyện với nhau thành một đạo lực. Người ta tụng như vậy thì đều và mọi người đều theo nhịp trường canh. Mỗi chữ các vị phải ngân, ngân vang chữ đó ra.
…Cúi đầu đảnh lễ… Đó là nguyên tắc. Đảnh lễ. Dấu hỏi xuống và dấu ngã đưa lên.
Cúi đầu đảnh lễ
Mười phương tam thế
Điều ngự Như Lai
Những bài kinh mà các vị thuộc. Những bài mà chúng ta thường trì tụng. Chúng ta mỗi ngày mỗi đọc mỗi tụng. Cái vị đọc tụng đi. Cho nó thâm nhập, ngộ bất tử lúc nào không hay. Tại vì cũng một chữ đó thôi nhưng tự nhiên mình ngộ ra. Vì lúc nào mình cũng tư duy mình sống với chân lý đó. Cho nên ở đây không phải chỉ có kỹ thuật và luyện giọng mà khi mình tụng thì giáo lý nó nhập trở lại. Cái năng lượng của mình tỏa ra nhưng đồng thời mình cũng tiếp nhận trở lại. Khi cho có nghĩa là nhận. Không có thiệt thòi gì cả. Tiếp nhận ở chỗ là nhận chân lý, thấy được vi diệu của chân lý, thấy được pháp vi diệu đang có mặt. Trong khi tụng có thể là tiếng khánh, tiếng mõ xen nhau. Sở dĩ như vậy là vì để giữ trường canh. Cứ một chữ là mõ, một chữ là khánh. Như vậy thì mới không có bị thúc mõ lên. Tụng sám tụng phải chậm. Tụng chú thì tụng nhanh lên một chút. Tụng kinh thì đều đều nhưng mà tụng sám thì phải chậm lại. Sám thuộc về kệ, thuộc về già đà. Giống như thơ vậy đó. Nôm na mình hiểu như là thơ đi. Thơ thì phải ngâm phải ngân. Kinh thuộc về văn xuôi, trường hàm thì mình tụng đều nhau.
Mõ, chuông, khánh có mặt trong sinh hoạt, những thời kinh không riêng của chư Tăng mà của quý Phật tử nếu chúng ta mà biết ứng dụng thì nhạc khí sẽ hỗ trợ cho mình rất là nhiều. Các Phật tử có thể tụng hết bài được không? Chắc ai tụng thì mình theo được nhưng mà dừng thì dừng cùng lúc tại ít đọc.Nhưng mà những kinh này tôi nghĩ là các vị đã đọc qua rồi đó. Lưu ý là kinh nó có một vài chỗ khi tụng mình để ý thì thấy có sự ăn vận với nhau lắm.
Cúi đầu đảnh lễ
Mười phương tam thế.
Lễ-thế nó ở âm ê. Mười phương tam thế là một cặp.
Điều Ngự Như Lai
Cùng thánh hiền tăng.
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Bởi thiếu duyên lành.
Sanh-lành nó một vần. Nhớ tới từng vế vậy thì nó dễ thuộc lắm gọi là tụng bắt vần.
Thảy điều sa đọa
Tham sân chấp ngã
Đoạ-ngã thì ăn vào nhau.
Quên hẳn đường về tình ái si mê. Về-mê.
Tù trong lục đạo.
Trăm dây phiền não.
Nghiệp báo khôn cùng.
Nay nhờ Phật tổ năng nhơn.
Rủ lòng lân mẫn.
Không nỡ sanh linh thiếu phước.
Nặng kiếp luân hồi.
Đêm dài tăm tối.
Đuốc tuệ rạng soi.
Pháp dùng phương tiện
Ta Bà thị hiện
Thích chủng thọ sanh
Thánh Ma Da mộng ứng điềm lành
Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo
Ba mươi hai tướng hảo
Cái đoạn này có nhiều nơi người ta nói sao không là “ba mươi hai tướng tốt” mà là ba mươi hai tướng hảo. Thật ra hảo là tốt nhưng tại vì văn ở trên. Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo. Vận là thảo-ảo. Nêu câu dưới phải là ba mươi hai tướng hảo. Chứ nếu là “ba mươi hai tướng tốt” thì lãng xẹt... Nó không ăn vận gì hết. Cho nên tụng phải nhớ. Có nhiều vị hay tự sửa lắm mà như vậy thì đọc không ăn vận với nhau.
…
Vừa mười chín tuổi xuân
Lòng từ ái cực thuần
Trí xuất trần quá mạnh
Ngai vàng quyết tránh
Tìm lối xuất gia
Sáu năm khổ hạnh rừng già
Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa
Chứng thành đạo quả
Hàng phục ma binh
Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh
Ma binh chứ không phải là ma quân. Trong Nam thì phải đọc hoan nghinh chớ đọc hoan nghênh thì không ăn vận chứ không phải chấp ở miền này hay miền kia.
Hàng phục ma binh
Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh
Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ
Chúng con nguyện :
Dứt bỏ dục tình oan cố
Ở chỗ này quý Hòa Thượng mới nói: Thôi, ở chỗ này đừng đọc dục tình ngoan cố.
Mặc dù dục tình ở đây là những ham muốn nó không phải ở sắc dục mà là bao gồm tài, sắc, danh, thực, thụy. Là năm thứ triền cái ai cũng muốn. Và chính nó nhận mình trong khổ đau, sanh tử. Tài dục là tiền của vật chất. Sắc dục là trai gái nam nữ. Danh là tiếng tăm. Thực là ăn uống. Thụy là ngủ. Những cái này là ngũ dục. Chúng con nguyện dứt bỏ dục tình ngoan cố. Nhưng khi đọc lên đại chúng thì nhiều vị thấy hơi kỳ. Cho nên các vị đề nghị là dứt bỏ vọng tình ngoan cố. Dục là cái muốn. Thật ra cái dục không phải là sai. Tôi tu tôi muốn thành Phật cũng là dục vậy. Nhưng là thiện dục. Đắc thiện ý dục mà. Cái sai lầm ở chỗ là để cho cái muốn đó càn quấy, gây ra đổ vỡ. Vọng tình. Thành ra quý Hòa Thượng đề nghị là sửa một chữ đó. Trên văn bản tôi không dám sửa vì đó là nguyên bản của cụ Chơn An Lê Văn Định nhưng khi đọc thì tôi chuyển.
Dứt bỏ vọng tình ngoan cố
Học đòi đức tánh quang minh
Cúi xin Phật Tổ giám thành
Từ bi gia hộ :
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Chóng thành đạo cả.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Một vị Phật ra đời
Đó là bài sám đọc trong lễ Phật Đản. Nhưng mà văn hay quá đi cho nên còn gọi là bài Kinh Khánh Đản. Nếu các vị chưa thấy thì nên tìm lại trong Kinh Nhật Tụng. Kinh Nhật Tụng dù bản xưa hay bản nay đều có để chúng ta coi. Và trong dịp lễ Phật Đản thì có sử dụng văn bản này để chúng ta tụng đọc. Tuy rằng nói là bài sám trong đó không có xin gì cả. Chỉ là bài nguyện thôi. Chúng ta nguyện, chúng ta kỉ niệm một sự kiện lịch sử đã qua hai ngàn mấy trăm năm không phải để hoài vọng nhớ tiếc. Tại vì nếu mình chỉ ngồi đây than tiếc một thời đã qua - Đức Phật ra đời ở quốc độ đó trong hoàn cảnh đó và ngài đi tu giải thoát như vậy - để rồi trở lại thực tế, mình vẫn khổ đau, mình vẫn bất an, sợ hãi thì như vậy mình chưa thấy được giá trị hiện sinh của đạo Phật.
Nếu mình vào trong viện bảo tàng, mình nhìn cái chuông cổ, cái bát cổ. Mình nghĩ cha ông mình ngày xưa hay quá. Vẽ con rồng sống động trong cái chén rồi mình trở lại thực tế đang ăn cái chén bằng đá có vẽ con rồng thù lù như con thuồng luồng. Rồi mình nuối tiếc xưa và nay cách xa quá. Giá trị nghệ thuật không còn có mặt trong nghệ nhân ngày nay nữa rất là uổng. Cũng vậy, mình hoài niệm, mình kỷ niệm ngày đức Phật Đản sanh nhưng mà làm thế nào mình thấy được trong mỗi giờ mỗi phút đức Phật cũng đang đản sinh trong cuộc đời của mình. Vì thế cho nên lời kinh là một đề tài buộc tâm mình vào chân lý ngay giây phút đó. Từ đó nó lóe lên được ánh sáng. Mình thấy được giá trị của đạo Phật. Đức Phật Đản sanh không chỉ diễn ra một lần ở cách đây 2635 năm mà sự kiện đó đang có mặt trong từng bước chân, từng hơi thở của chúng ta.
Người ta nói tại sao môt vị giáo chủ của một tôn giáo lớn mà không tạc hình ảnh như thế nào mà lại tạc hình một em bé. Có nhiều chỗ làm tượng coi khả dĩ chút, có nhiều nơi tạc khuôn mặt ngây ngô làm sao. Đức Phật Đản sanh gì ngó 8,9 tuổi. Rồi người ta phê bình thế này thế kia. Nhưng thực ra khi chúng ta hiểu được rằng đức Phật Đản sanh tức là một sự sống đã xuất hiện. Chúng ta có mặt trong cõi đời này cũng là một sự biểu hiện như đức Phật. Nhưng sự sống xuất hiện trên thế gian này của chúng ta có đem ích lợi gì cho mọi người hay không? Hay là chỉ gây tổn hại đau khổ cho người khác. Đó là chuyện chúng ta cần phải quán chiếu. Cho nên một mặt thì mình kỷ niệm đức Phật. Một thời vàng son đã qua, một sự nghiệp vĩ đại đã qua. Một mặt thì chúng ta phải đối diện với những vấn đề trong hiện tại. Chúng ta phải đặc biệt chăm sóc, giáo dục con cái của mình. Nay nó là một đứa bé nằm trong nôi, đạp chân như vậy đó. Nhưng ngày mai, nó có thể là lãnh tụ. Nó là có thể sẽ là một đức Phật, nó là một nhân tài, nó có thể cống hiến cho thế giới, cho nhân loại. Vì vậy chúng ta không thể bỏ bê con cái, không chăm sóc giáo dục con cái. Và khi đi chùa, khi lễ Phật, khi chúng ta lạy đức Phật Đản sanh đó sẽ là cơ hội, là một một đề tài để nhắc nhở chúng ta nhớ nghĩ đến bổn phận của mình.
Đối với các bạn trẻ, khi lạy đức Phật Đản sanh quý vị nên biết rằng rồi các vị sẽ thành gia, thành thất. Các vị sẽ cho thế hệ tiếp nối ra đời. Vì vậy các vị phải có trách nhiệm đối với thế hệ tương lai. Khi chúng ta quyết định cho nó ra đời thì chúng ta phải chăm sóc giáo dục. Chúng ta cũng không được phép hủy diệt những mạng sống khi nó đã hình thành. Cho nên lễ một tượng Phật Đản sanh là một đề tài để nhắc nhở các thế hệ bậc cha anh, thế hệ đang làm vợ làm chồng, thế hệ đang sắp sửa bước vào ngưỡng cửa của gia đình phải đặc biệt lưu ý và quan tâm đến sự sống đã và đang hay là sẽ xuất hiện. Thực tập được như vậy, quán chiếu được như vậy thì chúng ta mới cảm nhận được giá trị của đạo Phật vẫn còn đang có mặt.
Ngày nay đức Phật ở thế kỷ này, ở đất nước này, ở tại đây không nhất thiết phải ăn mặc như bức tượng này. Đức Phật chồng, đức Phật vợ, đức Phật cha, đức Phật con đang có mặt trong cuộc đời của chúng ta. Mỗi bước chân của ta phải làm thế nào để ta thấy đức Phật đang có mặt. Hay nói đúng hơn mỗi bước chân, mỗi hơi thở của ta phải làm thế nào để thấy chất Phật đang có mặt. Nói đức Phật thì hơi rộng. Nói cụ thể hơn là cái chất liệu làm nên đức Phật đang có mặt. Mỗi bước chân trong từ bi trong trí tuệ, mỗi hơi thở trong chánh niệm trong tỉnh giác. Đức Phật đi bảy bước nở bảy đài sen quý. Chúng ta đi mỗi bước cũng phải nở. Không phải sen thì súng cũng được. Chứ đi bảy bước toàn là nở mắc cỡ, cỏ dại nó đâm vào da vào thịt trầy xước hết thì không nên. Vì vậy cho nên kỉ niệm lễ Phật Đản là một dịp để chúng ta thấy rằng giá trị đạo Phật vẫn còn. Nơi nào mà có chất liệu của từ bi chảy đến, có ánh sáng trí tuệ soi đến nơi đó sẽ có hạnh phúc an lạc.
Ấn Độ là quê hương của đức Phật. Nhưng ngày nay chúng ta có dịp đến đó có những vùng vẫn còn tan nát. Vì sao? Dù đó là quê hương của Phật nhưng mà chất liệu từ bì khô cằn thì chỗ đó sẽ khổ đau. Việt Nam tuy rằng đức Phật Thích ca không thị hiện ở đây. Nhưng nếu người dân Việt Nam tu học để chế tác ra chất liệu từ bi và trí tuệ của Phật. Chất liệu đó vốn dĩ là chất liệu làm nên đức Phật thì đất nước Việt Nam chúng ta sẽ hạnh phúc và an lạc.
Cho nên hôm nay trong buổi nói chuyện về nghi lễ chúng ta gợi lại cách chuông mõ của buổi hôm trước nhưng đồng thời đây cũng là thời gian chúng ta đang chuẩn bị đón mừng Phật Đản. Vì vậy trong dịp này, tất cả những người con Phật chúng ta cũng nên làm một cái gì đó thể hiện tấm lòng của mình dâng lên đức Phật. Xin mạn phép với hòa thượng viện chủ gởi lời đến Phật tử chúng ta hãy cố gắng treo một lá cờ trước nhà lên, hoặc là treo một ngọn đèn trước nhà mình. Đó cũng là cách để mình làm một cái gì đó. Sinh nhật ba mình mình còn làm một ổ bánh nhỏ, đốt ngọn đèn. Có ơn với gia đình thì gia đình xưng thờ, xưng tán, có ơn với đất nước thì đất nước xưng tán… có ơn với nhân loại thì nhân loại xưng tán. Nhưng mà nói hơi so đo một chút sống chết gì cũng ôm chân Phật hết nhưng mà ngày lễ Phật Đản thì thờ ơ quá. Một lá cờ, một ngọn đèn. Chúng ta cũng nên thể hiện một hình thức để nhắc nhở mọi người sự kiện đản sinh của đức Phật làm an lạc cho mọi loài trên hành tinh này. Giá trị nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đó là điều mà quý phật tử có thể làm. Chúng ta quét dọn đường phố khu vực chỗ mình ở cũng là một cách thể hiện. Trang nghiêm đường phố trước nhà mình một lá cờ, một cái đèn. Và nhắc nhở những Phật tử khác hay khuyến khích cộng đồng cùng tham gia. Làm được như vậy thì mới xứng đáng với truyền thống tin Phật của đất nước Việt Nam.
Trên đây là những lời chân thành nhân buổi nói chuyện hôm nay chuẩn bị Phật Đản xin gửi đến quý đạo hữu Phật tử để mình lắng trong ba nghiệp. Lắng trong ba nghiệp bằng những lời kinh, bằng những tiếng kệ, bằng những hình thức khác để chúng ta dâng lên trọn vẹn, trang nghiêm ngày Khánh Đản Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Cầu Phật gia hộ cho quý Phật tử có nhiều an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).20/12/2011.
No comments:
Post a Comment