Friday 6 April 2012
Quyển “Phật và Thánh Chúng” của Cao Hữu Đính, trang 110, Mục 18 về bi vận của thành Ca Tỳ La, do Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản ghi lại câu chuyện tại họa do tánh Cống Cao Ngã Mạn gây nên trong lịch sử ấn Độ như sau:
Nguyên từ trước khi vua Ba Tư Nặc chưa quy y Phật, nhà vua đã cho sứ giả qua Ca Tỳ La cầu hôn với giòng họ Thích Ca. Các Thân Vương của giòng họ nầy tự cao tự đại cho rằng giòng họ mình là cao quý nhất đời không nên hạ mình kết hôn với vua nước Kiều Tát La. Tuy nói huynh hoang như thế, nhng họ lại sợ uy thế của vua Ba Tư Nặc, vì Kiều Tát La bấy giờ là một cường quốc như Ma Kiệt Đà trong vùng châu thổ sông Hằng. Do đó, giòng họ Thích Ca mới dùng một Nữ Tỳ nô lệ hầu hạ trong cung tên là Mạt Lỵ (Malika), tráo thành Vương Nữ đem gả cho Ba Tư Nặc. Mạt Lỵ tuy là gái nô lệ, nhưng tư chất rất thông minh mà dáng mạo lại cực kỳ xinh đẹp, nên được vua Ba Tư Nặc sủng ái, phong làm Đệ Nhất Phu Nhân.
Mạt Lỵ phu nhân sanh con đầu lòng là Tỳ Lưu Ly (Virùdhaka) về sau mệnh danh là ác Sanh Vương. Năm Tỳ Lưu Ly lên tám, vua cha cho sang quê ngoại để luyện tập bắn cung, vì Ca Tỳ La vốn nổi tiếng về môn xạ thuật.
Bấy giờ, trong thành Ca Tỳ La mới kiến thiết xong một đại giảng đường nguy nga dành để đón tiếp Phật mỗi khi Phật về thuyết pháp. Giòng họ Thích Ca cho đây là một chốn thiêng liêng, cấm không cho kẻ ty tiện bước vào. Không dè Tỳ Lưu Ly nhân thả bộ rong chơi trong cung, lạc vào chơi cấm địa ấy, bị các Thân vương bắt gặp, xỉ mạ không tiếc lời, bảo rằng con của gái nô lệ Mạt Lỵ đã làm ô uế Thánh Địa. Họ đuổi Tỳ Lưu Ly ra và lập tức truyền lệnh cho gia nhân cấp tốc đến bới đất cũ trong giảng đường lên rồi chở đất mới về thay thế.
Tỳ lưu Ly nộ khí xung thiên, bèn phát lời thề độc rằng: “Khi nào lên ngôi vua, ta thề quyết tiêu diệt sạch giòng họ Thích Ca mới hả giận”.
Về sau, khi trở về Xá Vệ, Tỳ lưu Ly ngày đêm mưu tính việc rửa hận. Một hôm, nhân vua Ba Tư Nặc cùng Mạt Lỵ xuất thành tuần thú, Tỳ ưlu Ly cùng nghịch thần Ca Lê Da Na tập hợp quân đội lại, chặt đầu thị vệ của vua cha, đoạt lấy vương miện và bảo kiếm. Nghe tin, Ba Tư Nặc hết sức kinh hoàng. Mạt Lỵ khuyên nhà vua nên tạm lánh nạn qua lưu vong bên Ca Tỳ La, chờ dịp khôi phục. Nhưng không bao lâu sau, ông chết tại bên ấy thọ 80 tuổi.
Tỳ Lưu Ly nghe tin vua cha băng hà, hạ lệnh cô lập thái tử Kỳ Đà, rồi tự tuyên bố thừa kế vương vị. Bi vận Ca Tỳ La bắt đầu.
Một hôm, nhân đại triều, Tỳ Lưu Ly truyền hỏi bá quan rằng:
Nếu có kẻ sỉ nhục Đấng Quốc vương tôn quý của mình, khinh thị Đấng Quốc vương ấy là con giòng hạ tiện, tội ấy các khanh nghĩ nên xử trị như thế nào?
Muôn miệng đáp trọng tội ấy đáng tru di.
Giòng họ Thích Ca tự cao tự đại, Tỳ Lưu Ly nói tiếp. Họ cho rằng ta là con của một gái nô lệ, vậy nay phải hung binh tru diệt họ.
Ba lần xuất quân, ba lần Tỳ Lưu Ly gặp Phật cản đường tìm cách ngăn trở. Nhưng đến lần thứ tư, biết rằng không ngăn đón được nữa vì nghiệp nhân quá khứ của giòng họ Thích Ca quá nặng. Phật xót xa báo trước cho A Nan hay ráng trong 7 ngày nữa thì giòng họ Thích Ca sẽ tuyệt diệt. Tự mình tạo nghiệp dữ, không cách gì cứu gỡ nỗi…
Tỳ Lưu Ly tiếp tục công hãm thành rất gấp và cuối cùng hạ được. Sau khi vào thành, y hạ lệnh bắt lính giữ thành gồm 500 người đem giết hết. Còn nhân dân trong thành ước chừng 3 vạn người kể cả già trẻ lớn bé, y bắt chôn chân xuống đất để cho voi dữ chạy qua mà chà nát. Ma Ha Na Ma nghe tin này lấy làm kinh hoàng đau xót, bèn xin với Tỳ lưu Ly cho ông và nhân dân được chết toàn thây. Tỳ Lưu Ly mới cho đổi lệnh giết bằng voi chà ra lệnh giết bằng trầm nịch. Thế là cả thành bị lùa xuống sông cho chết đuối. Tỳ Lưu Ly lại hạ lệnh vớt xác Ma Ha Na Ma lên, bắt chặt đầu treo lên gốc cây.
Sau khi tiêu diệt giòng họ Thích Ca và sát nhập Ca Tỳ La vào lãnh thổ Kiều Tát La, Tỳ Lưu Ly cho thi hành một chính sách vô cùng bạo ngược và giết luôn anh là Thái Tử Kỳ Đà. Vì vậy đời mới gọi ông là Ác Sanh vương. Không lâu sau, cung thành Xá Vệ bị một trận hỏa hoạn khủng khiếp, Tỳ Lưu Ly và tất cả vợ con dâu bị chết cháy trong trận hỏa hoạn nầy. Nước Kiều Tát La dần dần suy yếu, khiến A Xà Thế sau khi quy y Phật cất quân sang đánh, chiếm được Kiều Tát La, rồi sát nhập Kiều Tát La và Ca Tỳ La vào bản đồ nước Ma Kiệt Đà.
Lịch sử ấn Độ ghi lại câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng tai họa khủng khiếp do nghiệp Cống Cao Ngã Mạn gây nên. Nghiệp Cống Cao Ngã Mạn có thể diệt vong cả một quốc gia, cả một chủng tộc. Một chủng tộc cao quý nhất là chủng tộc Sakya, chủng tộc sanh ra một vị Giáo Chủ tôn vinh nhất đương thời chính là Đức Phật Thích-ca cũng không thoát khỏi thảm họa diệt vong đó. Cống Cao Ngã Mạn là danh từ khác của tự cao tự đại, nghĩa là đặc tánh của một loại Nghiệp thích tự cho mình trên hết, cho giòng họ mình, chủng tộc mình là cao cả và lại khinh khi kẻ khác, ghép họ vào hạng thấp hèn. Nhà Duy Thức phân chia tánh Cống Cao Ngã Mạn thành hai trạng thái Tâm Lý khác nhau. Tánh Cống Cao với một danh từ là Kiêu. Tánh Ngã Mạn với một danh từ là Mạn. Theo nhà Duy Thức, tánh Cống Cao là loại tâm lý tự cao có thể hóa giải dễ dàng một khi con người giác ngộ được sự tai họa của nó. Cho nên nhà Duy Thức ghép nó thuộc về Tâm Sở Kiêu. Tâm Sở Kiêu là một trong mười Tiểu Tùy Phiền Não. Còn tánh Ngã Mạn là loại tâm lý tự đại khó có thể hóa giải, mặc dù con người đã giác ngộ được sự tai họa của nó. Cho nên nhà Duy Thức ghép nó thuộc về Tâm Sở Mạn. Tâm Sở Mạn là một trong sáu Căn Bản Phiền Não. Đặc tánh của Tâm Sở Kiêu và Tâm Sở Mạn được quyển Khảo Nghiệm Duy Thức Học cùng một Tác giả do Ban Văn Hóa Xã Hội chùa Phật Tổ Ấn Hành, trang 88-99 trình bày như sau:
1. Tâm Sở Kiêu: là kiêu căng ngạo mạn. Trạng thái Tâm Lý này thường xuất hiện mỗi khi thấy mình giàu sang, thấy mình có quyền tước, có tài năng, có sắc đẹp v.v… vợt trội hơn người khác. Những kẻ có bệnh Kiêu thích hành động kiêu cách, ngạo nghễ và nhìn mọi ngời dưới cặp mắt thấp hèn. Tất cả có sáu loại Kiêu được phân định như sau:
a. Không bệnh tật kiêu.
b. Trẻ tuổi hơn ngời kiêu.
c. Sắc đẹp kiêu.
d. Quý phái kiêu.
e. Giàu sang kiêu.
f. Học nhiều, biết nhiều kiêu.
Đặc tánh của Tâm Sở Kiêu thường thúc đẩy con người khinh khi kẻ khác, tự đề cao mình lên và cho mình là nhân vật quan trọng hơn cả. Đối xử với quần chúng, người kiêu cách hành động thiếu sự nhún nhường và thiếu sự khiêm cung lễ độ. Tâm Sở này chính là nguyên nhân sanh ra các tội lỗi. Tâm Sở này cũng làm chướng ngại và ngăn cản không cho tâm lý Không Kiêu Căng phát sanh.
Thí dụ: Ông A và ông B trước kia là bạn chí thân ở cùng quê. Lúc còn nhỏ, ông A nghèo hơn ông B và đến tá túc nhà của ông B tại Linh thành để đi học. Gia đình ông B đối xử với ông A rất đẹp. Đến khi tốt nghiệp, ông A khéo nịnh hót nên được cấp trên cân nhắc lên Sài Gòn làm quan to có nhà lầu, có xe hơi, có cổng kín tường cao. Một hôm ông B nhơn dịp lên Sài Gòn chơi, nghĩ đến tình xa bạn cũ, nên ghé thăm ông A. Ông A đã không tiếp và lại còn bảo người ở ra trả lời rằng, “Quan lớn không có quen biết với kẻ ăn xin, đừng thấy sang bắt quàng làm họ. Ông nên về đi”. Đây là giọng nói của kẻ kiêu cách, của kẻ thiếu lịch sự khiêm cung.
2. Tâm Sở Mạn: là khinh mạn, ngạo mạn. Trạng thái tâm lý này thích biểu lộ tánh khinh khi và tỏ bày cử chỉ hống hách với mọi người chung quanh. Con ngời khinh mạn thường đề cao cá nhân mình trên hết và cho mọi ngời chung quanh đều là hạng thấp hèn. Họ ỷ có tài đôi chút hoặc cậy thế lực hơn người nên xem ai không ra chi. Những thái độ của người khinh mạn thường thể hiện trong những trường hợp như:. có khi hành động bộc lộ ra ngoài và cũng có lúc dấu kín cử chỉ ngấm ngầm bên trong thân tâm. Về phía cử chỉ dấu kín ngấm ngầm bên trong thân tâm của người khinh mạn, chúng ta chỉ để ý đến thì mới nhận biết được sự ngạo mạn của họ qua cách đối xử. Tâm Sở này được phân làm sáu loại như sau:
a. Mạn: nghĩa là người có đôi chút tài năng hoặc có quyền thế nào đó liền tự hào, hãnh diện, lên mặt hiu hiu tự đắc với mọi người chung quanh, chỉ thấy mình trên hết, xem mình quan trọng hơn cả và coi ai không ra chi. Người khinh mạn thờng biểu lộ cử chỉ cao ngạo hống hách và bắt buộc mọi người chung quanh phải quan tâm đến mình. Còn đối với những kẻ tài năng và quyền thế ngang hàng mình, người khinh mạn hay ỷ lại, tự phụ và xem mình có vai vế tương đương với họ, cho nên trước công chúng, người kinh mạn giao tiếp với họ thiếu phong cách và thiếu lễ dộ.
Thí dụ 1: Ông thầy T.Q. có đôi chút tài năng được tiếng là người du học ngoại quốc lại là người đương kim một chức vụ nào đó trong Giáo Hội, rồi lên mặt cao ngạo nhìn mọi người không ra chi. Nhưng thật ra, có tiếng mà không có miếng, nghĩa là ông không có khả năng tương xứng với địa vị đương kim mặc dù họ là người du học.
Thí dụ 2: Ông T và ông H là hai người bạn thân với nhau và tài năn của hai người đều tương đơng nhau. Ông T thì may mắn hơn được phong chức là Giám Đốc của một Xí Nghiệp P.B. Một hôm, ông H vì muốn thăm ông T, nên từ Cần Thơ cồn cả lên thành phố Sài Gòn. Ông T đã không tiếp và lại còn sai nhân viên ra tiếp. Trong khi tiếp chuyện, người nhân viên tỏ thái độ bất cần trước mặt ông H. Ông H bất mãn ra về.
b. Quá mạn: nghĩa là đối với những người có tài năng và địa vị ngang hàng mình, người Quá Mạn thường lên mặt kiêu cách, tự cho mình hơn họ. Còn đối với những người có tài năng và dịa vị hơn mình, người Quá Mạn lại lên mặt khoe khoang tự cho rằng mình bằng họ.
Thí dụ 1: Cùng một địa vị ngang nhau, trớc mặt công chúng, anh X có bệnh Quá Mạn thích ra mặt thầy đời, tỏ ra mình là người lãnh đạo, tự cho mình là kẻ chỉ huy, đi cắt đặt người này, sai bảo người kia và bắt mọi ngời phải theo sự điều khiển của mình mà thật ra anh X không có nhiệm vụ chi cả.
Thí dụ 2: Thấy người khác có địa vị cao sang hơn mình, người có bệnh Quá Mạn thích khoe khoang, ưa khoác lác với mọi người rằng; Tài năng ông đó dâu có hơn tôi ông ấy nhờ gặp thời nên mới được địa vị như thế. Tôi nếu như ra lãnh đạo thì đâu có thua ông ấy.
c. Mạn Quá Mạn: nghĩa là tranh lấy phần hơn. Theo nguyên tắc, người ta thật sự đã hơn mình về khả năng cũng như đức độ Thế mà mình lại ra mặt tranh lấy phần hơn với họ và quả quyết rằng mình nhất định không thua họ. Ai khuyên can mình cũng không chịu nghe.
Thí du: Anh A và anh B tranh tài với nhau. Kết cuộc Ban Giám Khảo chấm anh A thua anh B. Nhưng anh A không chịu thua. Anh viện đủ lý do phản đối cho rằng, Ban Giám Khảo bất công, thiên vị. Anh cương quyết đấu tranh đòi hỏi anh B phải thi lại. Lúc đó mọi người đều khuyên can, nhưng anh cũng không nghe.
d. Ngã Mạn: nghĩa là ỷ mình có đôi chút tài năng và quyền thế, người bệnh Ngã Mạn thường đề cao cá nhân, tự cho mình là kẻ đáng quý hơn hết và mỗi khi giao tiếp với bất cứ ai, họ thường ra mặt khinh khi và hành động lấn áp những người chung quanh.
Thí dụ: Anh K là một nhà chánh trị có tài năng và địa vị trong xã hội, đương kim là một Nghị Sĩ trong Quốc Hội. Anh K thường hách dịch cao ngạo, tự tôn vinh mình và tự cho mình là nhân vật quan trọng trong xã hội. Anh ta nhìn mọi người dưới cặp mắt thấp hèn và cho họ không xứng đáng để anh ta làm quen. Người nào nếu như có tài năng bằng anh ta hoặc vượt bực hơn anh ta thì người đó nhứt định bị anh ta tìm mọi cách chèn ếp, lấn áp và đè đầu họ xuống không cho ngước lên.
e. Tăng thượng Mạn: nghĩa là những kẻ chưa chứng ngộ đến chỗ chân lý tuyệt đối chưa đạt được chánh đạo mà lại đi quảng cáo, đi khoe khoang, lâm ra vẻ mình đã chứng đắc để mờ mắt mọi người.
Thí dụ: Một vị tu pháp môn nào đó có chuyên nghiệp dôi chút, rồi lập dị, làm tướng, khoe khoang, dùng mọi kỷ thuật quảng cáo cho mọi người biết mình đã chứng đắc, nhằm để mê hoặc chúng sanh. Đồng thời họ chê bai các pháp khác của Phật đều sai lầm, chỉ có pháp của họ mới đúng chân lý v.v…
g. Ty Liệt Mạn: nghĩa là biết mình kém tài kém đức hơn người ta, nhưng vẫn khoe khoang với mọi ngời rằng, mình có nhiều tài nhiều đức hơn họ và chuyên đi khích bác người này, chê bai người nọ, cho tất cả không ai bằng mình.
Thí dụ: Anh G thì học lem nhem không có bằng cấp chi cả. Nhưng anh ta vẫn khoe khoang và khoác lác với mọi ngời rằng, anh có chứng chỉ này, có bằng cấp nọ, rồi anh mượn áo Cử Nhân, mượn áo Tiến Sĩ chụp hình để lòe đời. Nhưng khi vào thực tế anh chẳng làm được trò chi, bởi lẽ anh không có khả năng và trình độ chút nào cả.
Đặc tánh của Tâm Sở Mạn là nguyên nhân để sanh ra các tội lỗi và ngăn chận không cho Tâm lý Khinh An phát sanh.
Bao nhiêu bệnh Kiêu Mạn vừa trình bày đã nói lên được sự nguy hiểm của chúng trong việc điều khiển con người sinh hoạt ở mọi lãnh vực. Chúng tạo nên những nguyên nhân Chấp Ngã và Chấp Pháp kiên cố. Người tu hành muốn diệt sự chấp ngã và chấp pháp, trước tiên phải diệt những con bệnh Kiêu Mạn. Nhưng muốn diệt con bệnh Kiêu Mạn, chúng ta hằng ngày phải áp dụng phương pháp Lễ Bái một cách thuần thục. Lễ Bái là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất cho việc hóa giải con bệnh Kiêu Mạn. Con người can đảm cúi đầu hạ mình trước kẻ khác chính là người khiêm cung nhất. Con người đó đã diệt được tánh kiêu mạn và họ không còn chấp ngã chấp pháp nữa. Theo quan niệm của Phật Giáo, mình cúi đầu đảnh lễ trước kẻ khác không phải hành động mất phẩm cách con người. Cử chỉ đó biểu lộ sự tương kính và tăng thêm sự cảm thông đối với mọi người chung quanh. Con người sợ mình không có tài năng, sợ mình không có căn bản đạo đức làm người và đừng sợ rằmg, mình cúi đầu lễ bái kẻ khác sẽ mất thể diện. Đức.Phật cho chúng ta biết: “Tất cả chúng sanh đều cồ Phật Tánh”, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Tâm Phật. Tất cả chúng sanh đã có Tâm Phật thì tất nhiên họ cũng có Thân Phật. Tâm Phật trong Tâm chúng sanh thì Thân Phật cũng ở trong Thân phàm phu của chúng sanh. Cho nên một vị Sa Môn đảnh lễ một vị Tỳ Kheo không phải đảnh lễ tấm thân ô trược (tấm thân xác thịt nhơ nhớp tanh hôi) của họ mà ở đây, vị Sa Môn phải quán tưởng rằng, đang định lễ Thân Phật thanh tịnh trong con người của vị Tỳ Kheo đó. Giá trị của sự Lễ Bái qua Tiểu Sử về vua A Dục (Asoka) được ghi lại trong giai thoại như sau: Theo sử liệu, vua A Dục (Asoka) là con của vua Tân Đầu Sa La (Bindusàra) thuộc vương Triều Khổng Tước (vương Triều Maurya). Vua lên ngôi khoảng sau đức Phật nhập diệt 218 năm. Vua phát tâm theo Phật Giáo khoảng sau đức Phật nhập diệt 234 năm. Vua có công lớn nhất trong việc Kiết Tập Kinh Điển Phật Giáo lần thứ III. Giai Thoại rằng, sau khi Quy Y theo Phật Giáo, vua gặp vị Sa Môn nào và bất cứ ở đâu đều cúi đầu đảnh lễ sát đất. Vị Cận Thần thấy vậy khuyên vua rằng:
- Bệ Hạ là một vị cao quý được vạn dân tôn vinh và đầu của Bệ Hạ là biểu tượng cho các bậc Thánh Đức. Bệ Hạ đừng đảnh lễ mấy Đạo Sĩ ăn xin hạ tiện làm mất thể diện của Đức Vua.
Vua A Dục không trả lời và ra lệnh vị Cận Thần đó đi bán đầu người, đồng thời sai vị Đại Thần khác đi bán đầu heo. Chiều đến vua triệu hai vị vào cung báo cáo kết quả. Trước hết vua hỏi vị Đại Thần bán đầu heo: Khanh bán đầu heo như thế nào? Vị Đại Thần bán đầu heo thưa:
- Tâu Bệ Hạ, đầu heo không đủ bán cho dân. Họ yêu cầu cung cấp thêm.
Tiếp theo vua hỏi vị Cận Thần bán đầu người.
- Còn Khanh, Khanh bán đầu ngời nh thế nào?
Vị Cận Thần bán đầu người lo sợ tái mặt, cúi đầu cúm núm thưa:
- Muôn tâu Bệ Hạ, Hạ Thần bán đầu người không được. Ai cũng đều chê không chịu mua.
Vua liền nói:
- Như vậy đầu của Trẫm đây cũng không có giá trị bằng đầu heo?
Các quần Thần đều im lặng, ngẩn người.
Vua nói tiếp:
- Các vị Sa Môn là những bậc tu hạnh ly trần thoát tục, đáng cao quý. Trẫm đây cúi đầu đảnh lễ các bậc đã thật hành những điều mà người đời không thể làm được để tỏ lòng tôn kính họ. Tại sao các Khanh cản trở Trẫm. Từ đây về sau ai cản trở không cho Trẫm đảnh lễ các vị Sa Môn sẽ bị chém đầu.
Câu tryện lịch sử ở trên nói lên ý nghĩa và giá trị của sự lễ bái trong Phật Giáo mà vua A Dục đã bày tỏ trước quần thần. Người đời thường chìm đắm trong bể ái dục khổ đau một cách đam mê không chút gì giác ngộ. Những tiền của, danh vọng, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ v.v… trói buộc họ quá nặng trong vòng lẫn quẩn và thúc đẩy họ tạo thêm nhiều tội ác của nghiệp sanh tử luân hồi trong ba cõi. Họ biết đó là những điều đau khổ trước mắt, nhưng họ vẫn sa ngã và hành động không chút từ nan.
Thế mà, bậc Sa Môn là những người đã cắt ái ly gia, thoát khỏi những sự ràng buộc của thế tình, dứt bỏ ngoài thân năm điều ái dục, an nhiên tự tại trên con đường giải thoát và giác ngộ. Họ đã thoát khỏi những điều mà thế nhân không thoát khỏi và họ đã thật hành những hạnh thanh tịnh mà thế nhân không thể làm. Họ là những bậc đáng cao quý cho chúng ta lễ bái. Thế nên vua A Dục sẵn sàng đảnh lễ họ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu mỗi khi được diện kiến.
Lợi ích của sự Lễ Bái như đã trình bày ở trước, ngoài công dụng tiêu diệt dần đần những phiền não trong mỗi con người, còn tăng trưởng Đạo Lực trong nội Tâm của người tu tập. Mình lạy người khác tức là mình lạy mình. Mình tôn vinh người khác tức là mình tôn vinh mình. Trường hợp này cũng như chúng ta học Anh Văn. Chúng ta càng đọc lớn lên chừng nào thì chúng ta càng mau thuộc chừng đó. Chúng ta càng học nhiều chừng nào thì chúng ta càng thuộc lòng nhiều và nhớ lâu chừng đó. Chúng ta càng niệm Phật nhiều chừng nào thì Phật Tâm của chúng ta càng phát triển chừng đó. Chúng ta càng lạy Phật tụng Kinh thâm hậu chừng nào thì công đức Đạo Lực trong nội Tâm của chúng ta càng nẩy nở và tăng trưởng chừng đó. Chúng ta phát ra Đạo Tâm bao nhiêu thì lúc đó chúng ta thâu vô Đạo Lực bấy nhiêu không bao giờ mất. Những công đức càng bồi dưỡng bao nhiêu thì càng phát triển bấy nhiêu không chút sai trái.
Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 24 có ghi lại những điều lợi ích của sự Lễ Bái. Kinh nói rằng: cung kính lễ bái đức Như Lai sẽ hưởng được năm phần công đức như sau:
1. Đoan Chánh: nghĩa là ngời lễ bái thấy tướng hảo của Phật liền khởi niệm hoan hỷ và phát tâm ớc mơ mong cầu. Nhờ nhân duyên đó họ qua kiếp sau có thể hưởng được tướng mạo đoan trang tốt đẹp.
2. Hảo Thinh: nghĩa là người lễ bái xưng tụng danh hiệu đức Như Lai ba lần. Nhờ nhân duyên đó họ đời sau có thể được tiếng nói lảnh lót trong trẻo tốt đẹp.
3. Đa Tài Bảo: nghĩa là người lễ bái thường dâng hoa, đốt đèn v.v… để bố thí cúng dường các đức Như Lai. Nhờ nhân duyên đó họ đời sau hưởng được nhiều tiền của vật báu.
4. Sanh Trưởng Giả Gia: nghĩa là người lễ bái đem tâm không chấp trước, chấp tay quỳ gối, chí thành lễ Phật. Nhờ nhân duyên đó họ đời sau được sanh vào nhà giàu sang quí tộc.
5. Sanh Thiện Xứ Thiên Trhượng nghĩa là nhờ công đức cung kính lễ bái các đức Như Lai, hành giả (người lễ bái) đời sau sẽ được sanh vào các cõi lành hoặc các cõi trời.
Tóm lại, Lễ Bái không phải hành động thấp hèn làm mất phẩm cách con người. Trái lại Lễ Bái chính là một đạo nghĩa của con người tiến bộ và còn là một đạo lý của Tín Đồ chân chánh. Đối với Tổ Tiên, người Hiếu Hạnh cần phải lễ bái để tỏ lòng cung kính đối với Thánh Hiền, Tín Đồ chân chánh cần phải lễ bái để thể hiện đức tính khiêm cung trong sự tu tập đạo lý giác ngộ. Lễ Bái nhầm giao cảm với bề trên, kết sợi giây tương thân trong xã hội và tạo nên chất liệu để xóa bỏ mọi dị biệt ngăn cách chia rẽ trong đoàn thể. Người con Hiếu Hạnh không thể thiếu cung cách Lễ Bái. Người Tín Đồ trung kiên và đạo đức gương mẫu không thể thiếu nghĩa vụ với nghi cách Lễ Bái này.
KẾT LUẬN
Vấn đề thờ, cúng và lễ bái là những biểu tượng tín ngưỡng có giá trị chẳng những về phương diện hình thức và còn hữu ích không nhỏ về phương diện tâm linh. Thờ, cúng và lễ bái là nhu cầu cần thiết cho con người không thể thiếu trong việc tu tập đào luyện đạo đức làm người. Vấn đề trên chẳng những cần thiết cho cá nhân mình, cho gia đình mình trong đời này, mà hơn nữa, đây cũng là một nhu cầu hữu ích cho thế hệ con cháu mai sau. Chẳng những thế vấn đề THỜ, CÚNG và LỄ BÁI còn là một yếu tố cần thiết trong việc tạo dựng nhân lành cho cuộc đời mình ở kiếp sau. Điều này rất quan trọng kể cả hình thức lẫn nội dung, kể cả sự tướng cho đến lý tánh, để chúng ta và tất cả chúng sanh sớm giải thoát phiền não khổ đau và được an vui tự tại trong sự giác ngộ.
Thờ ở đây nhằm thể hiện sự tưởng niệm, tỏ bày lòng Tôn Kính dâng lên các bậc Tổ Tiên và các vị Thánh Đức mà mình đã gởi trọn niềm tin. Người Thờ Cúng và Lễ Bái là tự tạo điều kiện giao cảm, thiết lập điểm tựa cho Tâm Linh giữa họ với Bề Trên mỗi khi cảm thấy tâm hồn lạc lỏng mà chính họ cần đến quyền năng hỗ trợ của Tiền Nhân. Thờ ở đây còn là một hình thức giáo dục gia đình, nhắc nhở con cháu ý niệm được bổn phận làm người đối với bề trên trong sự nghiệp kế thừa Truyền Thống. Hình Thức Thờ Tự cũng tạo phương tiện cho con cháu noi gương đức hạnh của Tiền Nhân để soi sáng cõi lòng tu tâm dưỡng tánh.
Cúng ở đây nhằm tri ân sâu dầy của Tổ Tiên, của Thánh Hiền đáng kính với sự dâng hiến lễ vật quý trọng và mong cầu ơn trên chứng minh gia hộ. Ngoài ra Cúng kỵ còn tăng trưởng phước Ông Bà cho dòng họ Cháu Con và tăng trưởng Đạo Lực giải thoát cho Tín Đồ qua hệ thống Tâm Linh làm gạch nối giữa người nguyện cầu với các bậc Tiền Nhân Thánh Đức. Có thể nói Cúng Kỵ rất cần thiết cho việc giáo dục gia đình ý niệm Truyền Thống Tổ Tiên, lý tưởng Giống Nòi và làm tròn nghĩa vụ Đạo Đức con người. Muốn bồi dưỡng Tâm Linh lành mạnh, người Đạo Đức và Hiếu Nghĩa không thể không Thờ, Cúng và Lễ Bái Tổ Tiên, Chư Phật và Thánh Hiền.
Lễ Bái ở đây nhằm báo ân với cung cách quy ngưỡng, hướng về, cũng như noi gương đức hạnh cao quý và ý chí siêu thoát của các bậc Tôn Kính để tu tập. Người Lễ Bái mong cầu sau này kế thừa xứng đáng sự nghiệp của Tiền Nhân trên con đường giác ngộ và giải thoát khổ đau sanh tử. Phận làm cha mẹ cần phải giải thích cho con cháu hiểu rõ ý nghĩa và giá trị Thờ, Cúng và Lễ Bái. Con cháu nhờ đó tiếp nối sự nghiệp Thờ, Cúng và Lễ Bái của Tổ Tiên cho đúng đạo lý.
Truyền Thống Văn Hóa Việt Nam, Vấn đề Thờ, Cúng và Lễ Bái là hình ảnh linh động nhất, cao đẹp nhất, sâu đậm nhất của một Dân Tộc có hơn Bốn Ngàn Năm Văn Hiến. Hình ảnh Thờ, Cúng và Lễ Bái làm sống dậy tinh thần Hiếu Nghĩa và Đạo Đức Nhân Luân của con Lạc cháu Hồng, Việt Nam bất diệt.
HT Thích Thắng Hoan
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH,MHDT.7/4/2012.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment