Tuesday 10 April 2012

Nguồn gốc Ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu (Tết rằm tháng 7)

Tết rằm tháng 7, còn gọi đơn giản là Rằm tháng 7 là lễ thức mà hầu như tất cả người Việt đều coi ăn rằm tháng 7 là một tục lệ truyền thống. Tại sao lại coi ăn Rằm tháng 7 là một tục lệ, trong khi nhiều hoạt động của con người trong ngày này chủ yếu mang ý nghĩa lễ, biểu lộ tâm linh? Ở người Việt, mọi lễ thức phong tục đều kết thúc bằng thụ lộc – ăn phần vật chất đã dâng cúng thánh thần, tổ tiên, hồn ma, hy vọng được tăng sức mạnh (đối với vật hiến dâng thánh thần); hoặc ăn thay các vong hồn, ăn phần còn lại sau khi các vong hồn, ma quỷ đã hưởng nhằm biểu lộ sự thân thiện với các lực lượng vô hình ấy.
Tết rằm tháng 7 còn được gọi là lễ Vu lan, hay Vu lan bồn là một lễ thức gắn liền với giáo lý của Đạo Phật và sinh hoạt của các chùa Phật giáo. Sự tích Mục Liên – Thanh Đề, còn gọi là tích Huyết đồ, do chúng tăng ở chùa Phật giáo truyền dạy trong giới Phật tử của mình, có thể xem là huyền tích điển hình cho giáo lý nhân quả của đạo Phật. Tích này được biên soạn thành kinh, gọi là Kinh Mục Liên.
Truyện kể rằng, Mục Liên là con trai độc nhất của một gia đình giàu có. Mẹ chàng là Thanh Đề, là một người đàn bà độc ác, điêu ngoa, đối xử tàn tệ với kẻ ăn người ở và mọi người xung quanh. Bà Thanh Đề thường đem giặt quần áo dơ bẩn mỗi khi có kinh tháng xuống dưới sông, ao hồ. Đây là một tội nặng nề đối với trời đất, bị gọi là tội huyết hồ. Mục Liên khuyên giải mẹ không được, chàng bỏ đi tu trong một ngôi chùa, nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình cho Phật. Do chăm chỉ học hành, thành tâm tu luyện, Mục Liên đã đạt chính quả, trở thành người học trò yêu của Phật Tổ, được phong pháp danh là Phật Mục Liên. Sau khi tu hành chính quả, Mục Liên về quê hương truyền giáo, cứu dân xứ sở mình khỏi kiếp trầm luân. Tới quê hương, Phật biết rằng mẹ mình đã chết và hiểu rằng với tội lỗi của bà trên thế gian, chắc chắn bà không được siêu thoát lên trời mà sẽ bị đày xuống địa ngục. Nhờ pháp thuật cao siêu, Phật Mục Liên đã vượt qua 10 tầng địa ngục để vào thăm mẹ. Người chỉ tìm thấy bà ở tầng thứ 12 là nơi giam giữ các vong hồn tội nghiệt nặng nề nhất. Người đàn bà độc ác Thanh Đề phải tội đầu đội chậu máu, ngồi trên bàn chông, kêu khóc thảm thiết. Thương mẹ, Mục Liên hoá phép ra mâm cơm ngon mời mẹ ăn. Nhưng bà không sao ăn được, hễ bà đưa cơm lên miệng là cơm, thức ăn đều biến thành đá sỏi, thành giòi bọ. Dù pháp thuật cao siêu, Mục Liên không sao cứu nổi mẹ mình thoát khỏi được nơi đầy ải. Trở về dương gian, chàng đến hỏi Phật Tổ. Phật Tổ dạy rằng, tội của bà Thanh Đề chỉ một công đức của con trai, không thể cứu nổi. Muốn cứu mẹ khỏi địa ngục, Mục Liên phải nhờ nhiều vị cao tăng dày công đức cùng hợp lực, dồn công quả cứu dân độ thế mà cùng xin xá tội cho Thanh Đề, mới hy vọng cứu được mẹ. Phật Tổ còn dạy, hàng năm vào đúng ngày 15 tháng 7, ngày trời cho các vong hồn đã mãn hạn trừng phạt và cho các vong hồn khác được trở về dương gian kiếm miếng cơm hớp cháo, cho người đời bố thí, để đỡ đói khát. Nếu trong ngày đại xá này, Mục Liên có thể mời được nhiều vị cao tăng sẵn lòng giúp sức, cùng lập dàn tràng cầu siêu cho Thanh Đều, nếu công quả của chúng tăng đủ lớn, vượt qua được những tội ác chồng chất của bà Thanh Đề, kể tội đồ có thể được giải thoát. Nghe lời thầy, Mục Liên về nhà bán hết cửa nhà, ruộng vườn, phân phát cho những kẻ nghèo khổ, chữa chạy cho những người bệnh tật, phúng vào cửa Phật tiền bạc đúc chuông, tô tượng, xây dựng chùa chiền. tài sản đã phát tán hết, Mục Liên tới tu ở ngôi chùa làng. Trong nhiều năm, Phật không ngừng luyện pháp, luôn mở rộng cửa chùa đón những người hành hương, sẵn lòng nhường chỗ ngủ cho kẻ ốm yếu, lỡ độ đường tới nương nhờ của Phật… Danh tiếng của Phật bay xã trong cả một vùng rộng lớn. Nhiều vị cao tăng noi gương Phật mà phổ độ chúng sinh, miệt mài kinh kệ. Phật được nhiều kẻ giác ngộ đến xin theo học, đông đến hàng trăm, hàng ngàn người.
Thời gian trôi qua, năm ấy, đến rằm tháng bảy, Phật Mục Liên cho mời các vị cao tăng trong vùng, cùng hàng ngàn sư sãi lập đàn cầu cho các vong hồn được giải thoát khỏi nơi đoạ đày của địa ngục. Chúng tăng đều thấm sâu đạo lý khuyến thiện, tập trung trí lực trong đàn tràng, nhất loạt chỉ chú vào bồn Vu lan (lễ vật dâng cúng trời đất), lấy tâm đức của mình xin thế tội lỗi cho các vong hồn. Kỳ diệu thay, trong lúc đang dồn tâm lực cho chỉ chú, Mục Liên nghe thấy tiếng mẹ gọi trên không trung: “Mục Liên, mẹ đã được tha tội rồi. Ta đi đây.” Phật hiểu rằng vong hồn mẹ đã được giải thoát và bay về cõi cực lạc.
Là một lễ thức của Phật giáo, ngày nay, lễ Vu lan được các chùa tổ chức khá quy mô. Vu lan bồn thường được tổ chức vào ngày 15/7(al). Lễ diễn ra suốt một ngày. Các tăng đọc kinh, chạy đàn kéo dài cho tới hoàng hôn mới đồng loạt chỉ chú để phổ độ các vong hồn. Diễn trình của lễ tương hợp với truyền thuyết về thời điểm “khi hoàng hôn xuống” các cửa mả và cửa ngục âm ty mở rộng cho các vong hồn, ma đói về dương thế hưởng vật cúng của con người chuẩn bị sẵn cho chúng. Các chùa không thể cúng cháo thí khi các vong hồn còn bị giam giữ chặt dưới địa ngục và trong các ngôi mộ.
Hầu hết các gia đình người Việt trong ngày này đều làm mâm cơm cúng với tiền vàng, hoa, quần áo mã; một số gia đình có điều kiện có thể sắm thêm hình nhân, ô tô, xe máy, người hầu, người thiếp…để làm lễ xá tội vong nhân trong gia đình (các đồ mà này đều phải ghi tên người nhận nếu không sẽ bị người khác giành giật, cướp mất). Mâm cúng to hay nhỏ, nhiều hay ít phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình của mỗi gia đình. Nhưng dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn ai cũng cố gắng làm mâm cơm nhớ ơn tổ tiên, cha mẹ.
Song song với việc chuẩn bị cỗ cúng vong hồn ở bàn thờ tổ tiên, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cúng cho các cô hồn ở ngoài sân. Việc sắm sửa đồ ăn, tiền bạc, quần áo cho vong hồn người ngoài thường được giải thích đơn giản, nôm na rằng: trong ngày đại xá vong nhân, các hồn ma đều được về dương gian, không kể hồn ma nặng hay nhẹ tội, có thân nhân cúng viếng hay không. Các cô hồn, ma đói, không ai cho ăn, cho tiền bạc, quần áo, đi lang thang ở mọi nơi, mọi chỗ. Nếu không cho họ ăn, không cho họ ít tiền, quần áo, họ sẽ xông vào nhà mình, cướp đồ ăn của tổ tiên, vong hồn nhà mình”. Cúng cho các cô hồn cũng là làm phúc. Mâm cúng cũng đầy đủ đồ ăn, nước uống, hoa trái, tiền bạc nhưng sau khi cúng xong, thay vì các thành viên trong gia đình thụ lộc thì các đồ cúng này sẽ được hoá đối với những tiền bạc âm phủ; cho trẻ em, kẻ ăn mày, kẻ khó đối với những thứ bánh, hoa quả tươi hoặc phóng sinh với chim hoặc ốc.
Tết Rằm tháng 7, hay lễ Xá tội vong nhân là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa tục lệ giàu tính nhân văn, nhân đạo, phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Ngày nay, lễ vu lan không chỉ mang ý nghĩa là ngày xá tội vong nhân mà mở rộng ra thành ngày “báo hiếu”, không chỉ cho những người đã khuất mà còn cho cả những người đang sống; là ngày con cái nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ để dâng lên đấng sinh thành “đoá hoa màu hồng”.HET=NAM MO DAI HIEU MUC KIEN LIEN BO TAT MA HA TAT TAT DAI CHUNG MINH.( 3 LAN ).TAM THANH,MHDT.11/4/2012.

No comments:

Post a Comment