Ý NGHĨA AN CƯ KIẾT HẠ
Phần duyên khởi.
Danh từ “An cư kiết hạ” xuất phát từ Phạn ngữ - Vãrsika, Varsa; Pali ngữ -Vassa (có nghĩa là mùa mưa; vassavàsa: an cư mùa mưa); Hán ngữ -Hạ An Cư, Vũ An Cư, Toạ Hạ, Hạ toạ, Kiết Hạ, Toạ Lạp, Nhất Hạ Cửu Tuần, Cửu Tuần Cấm Túc, Kiết Chế An Cư...
Theo Tứ Phần Luật San Bổ Tuỳ Cơ Yết Ma số 4, giải thích nghiã An Cư như sau: thân tâm đều tĩnh lặng gọi là an, qui định thời gian ở một chỗ gọi là cư.
Theo Tứ phần luật 37, An cư ký đệ (Đại 22, tr.630b) nhân duyên Phật chế định An cư là do có một số tỳ kheo, nhất là nhóm 6 tỳ kheo du hành trong mùa mưa, khiến dân chúng than phiền: “Các sa môn Thích tử du hành trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hằng năm vẫn có 3 tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn Thích tử lại du hành trong mùa mưa, các vị ấy đã giẫm đạp lên cỏ xanh, đang làm hại mạng sống của các loài côn trùng”.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú tại thành Xá Vệ, ở tinh xá Kỳ Viên -trong vườn ông Cấp Cô Độc (theo Đại Phẩm, chương Vào mùa mưa thì ghi -Đức Thế Tôn ở thành Vương Xá, tại Tinh xá Trúc Lâm) các tỳ kheo nghe được những lời than phiền chê bai ấy đem trình lên Đức Thế Tôn. Đức Phật nghe được lời này, Ngài khiển trách nhóm tỳ kheo 6 người và nhân đó Ngài dạy: “Này các Tỷ kheo, phải an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm an cư. Thời điểm trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng Àsàlha, thời điểm sau là vào ngày sau ngày trăng tròn của tháng sau. Này các Tỷ kheo, trong ba tháng mùa an cư không nên du hành. Vị nào đi ra ngoài (nếu không có lý do chính đáng) thì phạm Dukkata (Phá an cư)".
Về ý nghĩa an cư
- Qua phần duyên khởi đã cho chúng ta biết “An cư mùa mưa” là truyền thống của tu sĩ các tôn giáo thời bấy giờ, Truyền thống này đã có từ đạo Bà la môn cổ đại ở Ấn Độ. Sự khiển trách của Đức Phật chứng tỏ mặc dù trước đó Ngài chưa chế định việc an cư mùa mưa, nhưng các thánh tăng và các tỳ kheo sống tri túc, nghiêm trì giới luật đều không đi hành đạo trong mùa mưa, vì nó đã trở thành một thông lệ, một tập tục chung cho các tu sĩ của các giáo phái ngoài đạo Phật thời bấy giờ.
Trong kinh Điển Tôn (xem Trường A Hàm 5 (Đại I, tr.32b) có ghi câu chuyện do Đức Phật kể lại. Trong một tiền kiếp xa xưa, lúc Đức Thế Tôn còn hành Bồ tát đạo, bấy giờ Ngài làm một vị đại thần có tên là Điển Tôn, được mọi người kính trọng. Vị đại thần này nói rằng ngài đã từng thấy Phạm Thiên (giáo chủ của đạo Bà La Môn). Nhưng thực tế thì Điển Tôn chưa thấy Phạm Thiên. Điển Tôn tự suy nghĩ, theo truyền thuyết các bậc tôn túc kể lại, nếu ai tu tập Tứ Vô Lượng Tâm suốt 4 tháng trong mùa mưa sẽ được diện kiến với Phạm Thiên. Do vậy Điển Tôn xin phép vua nghỉ ngơi 4 tháng trong mùa mưa để tu Tứ Vô Lượng Tâm. Quả nhiên sau 4 tháng Điển Tôn được hội kiến với hình đồng Phạm Thiên và được Phạm Thiên đích thân giảng dạy đạo lý cho.
Qua câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy việc An cư trong mùa mưa ngoài việc tránh giẫm đạp lên cây cỏ non, côn trùng, nó còn là một truyền thống, một tập tục đã có từ thời xa xưa, vì nó giúp cho tu sĩ tiến bộ về mặt tâm linh, chứng được thánh quả. Kinh Chính Pháp Niệm Xứ cho biết vào thời kỳ An cư trong mùa mưa, các tỳ kheo ngoại trừ các việc đi lại và tiểu tiện, các ngài thường xuyên ngồi kiết già tại một chỗ để tu tập Thiền định.
- Ngoài ra, sự an cư trong mùa mưa nó còn mang một ý nghĩa quan trọng khác, đó là sự biểu hiện tinh thần sống chung hoà hợp của tăng đoàn tại một trú xứ. Điều này thể hiện qua mẫu chuyện được ghi trong Tứ Phần Luật 37, Tự Tứ Kiền Độ (Đại 22, tr 637c) “Lúc bấy giờ Đức Phật trú tại Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc. Sau 3 tháng an cư mùa mưa, một số đông các tỳ kheo ở Câu Tát La đến hầu thăm Ngài. Đức Thế Tôn theo thông lệ hỏi thăm đời sống của họ như thế nào trong 3 tháng an cư. Họ trình bày với Ngài sinh hoạt thường ngày của họ. Theo đó, các tỳ kheo này qui ước với nhau trong suốt mùa an cư rằng không ai nói chuyện với ai bất cứ điều gì. Nếu có những việc cần thiết mà người này cần đến sự giúp đỡ của người khác thì chỉ được phép ra dấu chứ không được phép nói. Sinh hoạt này cũng thường xảy ra giữa các nhóm tỳ kheo mà được biết nhiều nhất là 3 nhóm tỳ kheo dòng họ Thích: Tôn Giả A-Na-Luật, Tôn giả Nan-Đề và Tôn giả Kim-Tỳ-La. Các tỳ kheo khi thì ở Bát-Na-Nạn-Xà, khi thì ở Sa-Kê-Đế và luôn được Phật khen ngợi. Nhưng trong trường hợp nhóm tỳ kheo ở Câu-Tát-La này, thay vì được Phật khen ngợi, đã bị Phật quở trách. Ngài nói các tỳ kheo này là những người ngu si, sống chung như vậy là khổ nhưng lại tưởng là an lạc, chẳng khác nào những kẻ thù cùng sống trong một xứ. Nhiệm vụ của các tỳ kheo là phải giáo giới lẫn nhau, chỉ điểm và sách tấn nhau, chứ không thể sống như những người câm với nhau”.
Qua đó chúng ta thấy cùng một cách sinh hoạt, có khi Đức Phật khen ngợi có khi Ngài khiển trách, mặc dù Ngài luôn ca ngợi đời sống trầm lặng và xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên, không vì lẽ ấy mà các tỳ kheo sống cách biệt ngoài Tăng đoàn. Tăng đoàn thanh tịnh hoà hợp là mạng mạch Phật pháp, là linh hồn, là sức sống của chính pháp. Vì vậy, ngoài sự tu học Tam vô lậu học, tinh thần lục hoà cộng trụ phải được xây dựng, củng cố và phát huy trong 3 tháng an cư.
Tuy Đức Thế Tôn đã là bậc Chính Đẳng Chính Giác, nhưng hằng ngày Ngài vẫn thiền định và vẫn an cư 3 tháng mùa mưa như chúng Tăng. Kinh Du Hành trong trường A Hàm 2, Phật Bản Hạnh tập kinh 39, đã ghi lại các sự tích về Đức Phật và các đệ tử an cư tu hành, và Tăng-già-la-sát Sở tập kinh, hạ, đã liệt kê các địa danh mà Đức Phật an cư kiết hạ trong khoảng thời gian 45 năm.
Đọc các truyện ký của Phật giáo chúng ta thấy vào thời Đức Phật các Phật tử tại gia, hoặc cá nhân, hoặc tập hợp những người thân trong quyến thuộc, những người cùng thôn xóm, hợp nhau cung thỉnh chư tỳ kheo về trú xứ của mình an cư kiết hạ, để cúng dường tu tạo phước điền, để được thân cận thiện tri thức học hỏi chính pháp và tu theo. Chư Tăng nhờ ở yên một chỗ thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới-đinh-tuệ nên sau 3 tháng an cư nhiều vị chứng đắc thánh quả từ sơ quả Tu Đà Hoàn đến quả vị A-La-Hán, và cư sĩ tại gia cũng có người chứng đến từng quả A-Na-Hàm.
Các qui định về an cư.-
Theo luật Thập Tụng 28: năm chúng xuất gia là: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức-xoa-ma-ni, Sa di, Sa di Ni đều phải an cư. Theo Luật thì Tỳ kheo và Sa di an cư cùng một chỗ, Tỳ kheo Ni, Thức-xoa-ma-ni, và Sadi Ni an cư tu hành cùng một chỗ. Và Đại phẩm Nhập Vũ An Cư Kiền độ trong luật tạng Pali qui định: Tỳ kheo không an cư thì phạm tội ác tác (Đột kiết la –Pali: Dukkata còn dịch phá an cư).
Theo Kiền độ An cư, trong luật tứ phần 37 qui định về những nơi có thể an cư như sau: an cư dưới cội cây, trong thất nhỏ, trong hang núi, bọng cây, trên thuyền, nơi xóm làng, hoặc có thể nương theo người chăn trâu, người đốn củi…Trong Luật Ngũ Phần nói về Pháp An cư đã qui định những nơi bị cấm: an cư ở nơi không có người cứu hộ, giữa gò mã, nơi cây không có tàng, nhà lợp bằng da thú, chỗ đất trống.
Thời điểm an cư-
Các kinh luật đều thống nhất -an cư khởi sự từ ngày đầu tiên (trăng tròn) Asàlha.
- Theo ngài Huyền Trang (Tây Vực ký) và ngài Pháp Hiển (Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện) thì ngày mồng một (trăng tròn) của tháng Asàlha tương đương với ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Quốc. Nhưng ngày An cư theo truyền thống Bắc tông là ngày 16 tháng 4 âm lịch có thể do ảnh hưởng kinh Vu Lan. Theo kinh này ngày rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ, do vậy phải kiết hạ vào ngày 16 tháng 4.
- Theo truyền thống Phật giáo Nam Tông xác định ngày mùng một (trăng tròn) của tháng Asàlha chính là ngày 16 tháng 6 âm lịch. Do đó Phật giáo Nam tông tổ chức an cư vào ngày 16 tháng 6 và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 âm lịch.
Do đó nếu căn cứ vào nguyên tắc “an cư trong mùa mưa” thì truyền thống nào cũng có những bất cập nhất định. Nếu xác định mục đích chính yếu của an cư là để trưởng dưỡng đạo tâm trau giồi Giới-Định-Tuệ thì thời điểm an cư theo truyền thống không còn là vấn đề quan trọng, trên tinh thần đó một số nước như Trung Quốc, Nhật bản và các địa phương ở Tây Vực đều có pháp “Đông An Cư”. Theo Yết Sương Na Quốc, Đại Đường Tây Vực Ký I, ngày 16 tháng 12 là ngày khởi đầu “Đông An Cư”, ngày rằm tháng 3 năm sau là ngày kết thúc.
Về chủng loại An cư -có hai loại
a/ Tiền An cư: bắt đầu ngày 16.4
* Trung an cư: bắt đầu trong khoảng thời gian 17.4 – 15.5
b/ Hậu An cư bắt đầu ngày 16.5
Tóm lại, ý nghĩa của An cư kiết hạ là thời gian để cho Tăng Ni ở yên một nơi thúc liễm thân tâm trau giồi giới đức, siêng tu Tam Vô Lậu học, đó là cơ duyên đưa đến thánh quả, đó chính là duy trì mạng mạch Phật pháp. Vì chính pháp được dưỡng nuôi và phát triển vững mạnh, bắt nguồn từ đời sống thanh tịnh và hoà hợp của cộng đồng Tăng Ni. Trên tinh thần đó chúng ta có thể nói: -ngày nào chúng tỳ kheo hoan hỉ thúc liễm thân tâm, tinh tấn tu hành Giới-Đinh-Tuệ, nhiệt tình trong 3 tháng An cư thì ngày đó Phật pháp sẽ hưng thịnh và người người sẽ tìm đến để qui ngưỡng tìm cầu giác ngộ giải thoát.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH,MHDT.11/4/2012.
No comments:
Post a Comment