Saturday 22 December 2012

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI 23 - PHẬT KHAI THỊ NGUỒN GỐC DUYÊN KHỞI CỦA HIỆN TƯỢNG VẬT CHẤT.

PHẬT KHAI THỊ NGUỒN GỐC DUYÊN KHỞI CỦA HIỆN TƯỢNG VẬT CHẤT

Phật dạy rằng :

A Nan! Bản thể của hiện tượng vốn chung cùng, do nhơn duyên mà biến hiện. Trong thể tánh không đồng không dị, phân giải sinh ra thành dị. Khác với các dị hóa hợp lại thành đồng. Tánh đồng dị đã phát minh, hai lực hấp dẫn và đề kháng cũng tự thành năng lực. Giữa sự nhiễu loạn mâu thuẫn bên trong của vật lý tâm lý và tánh hư không; những tánh chất năng động hợp thành thế giới, tánh thể bất động là hư không. Hư không là đồng, thế giới là dị. Đồng dị hay không đồng dị, tất cả đều gọi là pháp hữu vi.

Bản thể của hiện tượng là Như Lai Tạng thì bao trùm khắp mười phương pháp giới, khắp không gian và khắp cả thời gian. Nó chính là chơn không mà diệu hữu nghĩa là từ cái không trùm khắp mà biến hóa duyên khởi một cách thần diệu, nhiệm mầu để hình thành ra muôn sinh vạn vật của thế giới hữu vi. Nhưng khi duyên hết thì tất cả các đại sẽ thu về với tự tánh ban đầu chớ không có cái gì thật mất. Vì thế không có vật gì là thật sinh hay thật mất mà chỉ là hiện tượng duyên khởi của thế gian vũ trụ trong tiến trình bất biến tùy duyên và tùy duyên bất biến. Nói cách khác, bản thể là chung cùng, nhưng tùy theo nhân duyên mà biến hiện thành ra thế giới hữu vi. Trong chân tâm thường trụ của pháp giới nhất chân vốn không có tướng đồng tướng dị, nhưng vì một niệm vọng động mà biến chân như chuyển theo duyên mà có sinh có diệt, tạo nên A lại da thức. Thí dụ như trong không khí thì tất cả đều giống nhau tức là không đồng không dị, nhưng nếu đem phân tích thì không khí có chứa nào là dưỡng khí, nào là khí Nitrogen, nào là hơi nước, nào là những thứ khí ô nhiễm khác...tức là có đồng có dị rồi. Nên nhớ ngày nay con người dựa theo khoa học mà phân tích những thành phần trong không khí, nhưng 2500 trước Đức Phật cũng đã nhìn thấu suốt như vậy thì đủ biết trí tuệ thâm sâu của bậc Đại Giác Ngộ quả thật là bất khả tư nghì.

Tánh đồng dị nghĩa là âm dương đối chọi. Có ba trường hợp về tánh đồng và dị :

1) Đồng năng tương bội nghĩa là tất cả các đồng cùng trợ lực cho nhau thì sẽ tăng thêm sức mạnh. Thí dụ một người không thể kéo một khúc cây to được, nhưng nếu cộng thêm năm mười người nữa thì việc kéo rất dễ dàng.

Dị năng tương để nghĩa là ngược lại của đồng năng tương bội. Mười người đang kéo khúc cây dễ dàng như vậy, bỗng nhiên bốn năm người vì có việc phải đi nên chỉ còn lại 5 người kéo thành thử kéo khúc cây bây giờ rất khó khăn.

2) Đồng tánh tương cự nghĩa là cùng giống thì khắc nhau và Dị tánh tương hấp nghĩa là khác giống thì hạp nhau. Thí dụ hai người đàn ông nói chuyện vài phút đã thấy chán sinh ra cãi vã, trong khi một cặp nam nữ nói chuyện suốt ngày. Cũng như cực âm và dương của một cục nam châm. Để hai cực dương hay cực âm gần với nhau thì nó sẽ đẩy ra, nhưng nếu để cực âm gần với cực dương thì nó sẽ hút lại.

3) Đồng chủng tương ứng, Dị chủng tương xích nghĩa là cùng loại thì phụ cho nhau nhau và khác loại thì bị khai trừ. Thí dụ cọp chỉ sống với cọp còn bỏ dê hay thỏ vào là bị cọp ăn sống ngay.

Vì thế trong Như Lai Tạng, chủng tử cơ bản của vạn pháp có thể kết hợp thành từng nhóm quyện chặt với nhau để tạo thành một chỉnh thể hiện tượng vạn hữu. Ngược lại những chủng tử cũng có thể phân giải hoàn toàn hoặc chuyển hóa dần dần từ lượng dẫn đến chuyển hóa hoàn toàn về chất để rồi sự vật củ mất đi để hình thành sự vật mới nối tiếp.

Tất cả sự vật dù là đồng tánh hay dị tánh, đồng chủng hay dị chủng, đồng năng hay dị năng duyên khởi mà tạo ra muôn loài hữu tình và vô tình chúng sinh. Mà đã là vạn vật hữu hình thì tất cả đều là pháp hữu vi. Tại sao lại là pháp hữu vi? Bởi vì các pháp đó là do duyên khởi, duyên sanh hội hợp lại mà thành, chớ không có gì chắc thật cả. Vì thế mà kinh Kim Cang có câu : “Nhất thiết hữu vi pháp; Như mộng, huyễn, bào, ảnh; Như lộ diệc như điện; Ưng tác như thị quán” nghĩa là tất cả các pháp hữu vi đều như mộng, như huyển, như bọt nước, như bóng, như sương, như điện chớp, có đó rồi mất đó.

PHẬT DẠY RÕ VỀ 3 TƯỚNG TƯƠNG TỤC

1) THẾ GIỚI TƯƠNG TỤC :


Phật bảo rằng :

-Phú Lâu Na! Tánh giác thì sáng suốt; hư không thì bất động vô tri. Hai thứ tác động thành tác năng dao động. Do đó, trong thế giới có hiện tượng lay động phát sinh (gió: phong đại). Trong tánh năng dao động, những thứ đồng chủng hòa hợp với nhau kết thành tánh chất ngại. Đây là hiện tượng kim luân được hình thành để bảo trì quốc độ (kim luân là dị dạng của địa đại, nhiếp thuộc về địa đại). Kim luân cọ sát với không khí trong hư không biến ra năng lượng. Hiện tượng hỏa đại phát huy từ đó. Kim luân sanh nước. Tánh nước chảy xuống. Tánh lửa bốc lên. Thủy đại chảy xuống, hỏa đại bốc lên, địa đại bảo trì. Từ đó hiện tượng vật chất đủ điều kiện hoàn thành viên mãn. Chỗ sâu có là nước biển, chỗ cạn là cồn bãi, lục địa. Do nguyên nhân đó, trong biển lửa thường sanh khởi. Cồn, bãi, lục địa, sông lạch thường tuôn chảy không ngừng. Chỗ thế nước kém thế lửa kết tụ thành núi cao cho nên đánh đá thì lửa nhoáng ra. Chỗ thế đất kém thế nước hay sinh cây cỏ. Vì vậy, rừng cháy thành đất, vắt ép gỗ chảy ra nước.

Sự vật hiện tượng trong thế giới tương quan làm nhân quả cho nhau mà sanh. Xoay vần làm nhân duyên cho nhau không dứt, vì vậy thế giới duy trì tương tục vô cùng.

Phần trên Đức Phật đã chỉ rõ nguyên nhân của các pháp hữu vi là do không giác ngộ chơn tánh khiến vọng tưởng phân biệt phát sinh mà thành. Vì sự mê lầm ấy mà phát sinh ra thế giới, chúng sinh và nghiệp quả.

Phong đại là gió, tượng trưng cho sức lay động vô hình. Mà vô hình là hư không vốn không có tri giác nghĩa là hư không, không hề biết thế nào là lay động hay thế nào là không lay động. Nhưng vì tâm mê mờ chơn tánh nên có năng có sở đối đãi phân biệt tạo thành vọng tưởng. Vọng tưởng này kích động tâm thể, chứa đầy hư vọng rồi biến thành tập khí đầy ắp trong hư không mà biến thành gió. Tất cả cảnh giới ở thế gian đều nương vào vọng tâm vô minh mà tồn tại, cho nên có phong đại (gió) nắm giữ trong thế giới là vậy.

Địa đại cũng là loài vô tri vô giác, không tự mình biết là loài hữu tình hay vô tình, là lỏng hay cứng, là to hay vi tế. Nhưng vì giác tánh phân biệt, nương theo nghiệp mà phát minh ra tính cứng, lập ra sự ngăn ngại cho nên trong thế gian mới có đất, đá, sỏi, cát khắp mọi nơi. Vì địa đại có tánh ngăn ngại nên tất cả những gì mà choáng một phần không gian to lớn như núi cao rừng thẳm và cực nhỏ như những vi tử trong nước hay trong không khí đều là địa đại cả. Quả địa cầu cũng như tất cả những hành tinh khác trong thế gian vũ trụ này đều kết cấu giống như nhau. Đó là bên ngoài được kết tập bằng những lớp đất đá rất cứng, nhưng bên trong là những nham thạch rất nóng ở thể lỏng, xoay động dựa theo tiến trình di động của trái đất mà nhà Phật gọi là Kim luân tức là cái nền móng căn bản để kiến tạo vật thể trên thế gian.

Gió thì lay động gặp đất ngăn cản nên có sự ma xát mà sinh ra lửa (hỏa đại). Hỏa đại không nhất thiết phải là lửa, mà có thể là tất cả sự nóng lạnh. Khi độ nóng tăng cao thì những chất cứng sẽ chảy thành nước. Nước là thể lỏng nên chảy từ cao xuống thấp trong khi lửa cháy thành khí nên bốc lên cao. Vậy tánh lửa bốc lên, tánh nước chảy xuống và tánh đất thì ngăn ngại và từ đó hiện tượng vật chất có đủ điều kiện hình thành viên mãn mà tạo ra hình dáng của thế giới. Thời gian trôi qua khiến vật chất thay hình đổi dạng. Chỗ sâu nước dồn xuống thì gọi là biển, chỗ cạn là cồn, bãi. Chỗ đất cao nổi lên thì gọi là đồi. Vì sự sinh biến mà trong biển lửa thường sinh khởi. Thí dụ ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều vụ núi lửa nổ tung tận đáy biển sâu khoảng 4,000 ft ở Thái Bình Dương. Lửa cháy ở đáy biển cũng giống y như lửa cháy ở trên mặt đất vậy. Gần đây nhất, có vụ núi lửa nổ tung tận dưới lòng nước ở xứ Iceland mà ngọn lửa bốc lên cao hơn mặt nước biển. Khoa học ngày nay cũng mới khám phá một loại nham thạch trong các rặng san hô mà chỉ cháy trong nước.

1) Chỗ nào thế lửa (hỏa đại) bốc lên mạnh hơn thế nước (thủy đại) thì đất nổi lên thành núi cao. Vì thế, nếu lấy hai viên đá đập vào nhau sẽ phát ra tia lửa hoặc nấu các cục đá kia thì nó sẽ chảy thành nước.

2) Chỗ nào thế đất (địa đại) yếu hơn thế nước (thủy đại) thì đất hóa ra mềm làm sinh ra cây cỏ. Nhưng nếu đem những cây đó đốt đi thì nó sẽ cháy thành tro (đất, địa đại) hoặc nếu đem ép những cây gỗ thì có nước chảy ra (thủy đại).

Xét như vậy thì đâu đâu cũng đều có đất, nước, gió, lửa tùy theo nhân duyên mà phát sinh những hiện tượng khác nhau. Sự vật hiện tượng trong thế giới làm nhân làm duyên cho nhau, khi thành, khi trụ, khi hoại, khi không, không ngừng, không dứt. Vì vậy thế giới được duy trì tương tục vô cùng vô tận.

Vậy “Tánh giác diệu minh” làm mê mờ chân lý vũ trụ quan khiến vọng tưởng phát sinh mà tạo thành vạn pháp trong vũ trụ. Nói cách khác vạn pháp trong thế giới này là do tâm niệm của chúng sinh phát khởi mà thành. Vì thế nếu thế gian có được mưa thuận gió hòa cũng bởi con người có tâm niệm lành, biết thương yêu đồng loại, biết xóa bỏ tranh chấp đố kỵ. Ngược lại nếu con người vì tư lợi, tranh chấp, giết hại lẫn nhau thì dĩ nhiên vọng tưởng phát sinh liên tục khiến cho đất, nước, gió, lửa bất hòa mà tạo thành cuồng phong, bảo tố. Ngày nào con người còn tranh chấp, còn ý nghĩ tiêu diệt lẫn nhau thì ngày ấy còn động đất lớn, còn có những lượn sóng thần, còn bảo tố, còn núi lửa để cảnh giác con người. Do đó muốn sống hạnh phúc thanh nhàn thì do con người mà gánh chịu cảnh tang tóc đau thương thì cũng do con người chớ trời Phật không can dự vào.

2) CHÚNG SINH TƯƠNG TỤC :


Lại nữa, Phú Lâu Na! “Vọng minh” không phải là cái khác lạ. Do vì chúng sinh dùng cái kiến minh tri để minh tánh giác mà có sự lỗi lầm. Từ đó có cái sở minh. Sở minh đã có thì cái năng minh bị lệ thuộc vào. Vì vậy, tánh nghe không ngoài âm thanh, tánh thấy không ngoài màu sắc; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, sáu vọng trần đã hình thành làm đối tượng cho “vọng năng”. Những cái thấy, nghe, ngửi, nếm, biết sanh khởi. Hễ đồng nghiệp thì hấp dẫn lúc hợp lúc ly, khi tình khi tưởng. Tánh thấy “năng minh” có thì đương nhiên có sắc sở minh hiển hiện. Chủ thế đối tượng tác động vào nhau, từ cảm tính chuyển sang lý tính, từ lý tính nảy sinh khái niệm, từ khái niệm dẫn đến tư duy. Do tư duy có sự tưởng tượng nhận thức : Hễ ý kiến bị phủ nhận, sanh tâm lý ghen ghét. Tư tưởng được đồng tình, sanh tâm lý yêu thương. Dòng nước yêu thương kết thành chủng tử, thu nạp tưởng tượng hấp dẫn nghiệp đồng, tác hợp với “yết la lam” thành trạng thái của phôi trong thời gian gọi là “ngưng hoạt” (tinh trùng và noãn sào mới hợp nhau trong ba bốn tuần đầu). Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh, tuỳ nghiệp đồng và thích ứng của mỗi loài mà cảm ứng. Thai nhơn tình mà có. Noãn do tưởng mà sinh. Thấp bởi hợp mà cảm. Hóa vì ly mà ứng. Tình, tưởng, hợp, ly luôn luôn vận động đổi thay theo nghiệp sở hành mà cảm thọ : Khi đi lên, lúc đi xuống xoay vần trong sáu nẻo. Đó là nguồn gốc làm chúng sinh tương tục không dừng.

Trong pháp giới thanh tịnh vốn không có chúng sinh, nhưng vì do vọng niệm từ vô thỉ mà thành vô minh rồi dần dần biến thành căn nguyên sinh ra chúng sinh. Do vậy vọng minh chính là vô minh và cũng từ cái vô minh này mà dần theo thời gian hình thành sở tướng của tứ đại và hấp thụ tứ đại để làm thân. Vọng tưởng sai lầm đã biến con người thành “vọng năng” và dĩ nhiên chấp nhận có “sở năng” bên ngoài. Một khi chấp có “năng sở” nghĩa là chấp có chủ thể và đối tượng tức là chấp có sự đối đãi phân biệt. Năng minh là lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) ở bên trong của con người và sở minh chính là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức là ngoại trần. Vì thế tuy thế giới vạn pháp có bao la vô cùng vô tận, nhưng cũng không ra ngoài căn, trần cả. Thật vậy, khi lục căn tiếp xúc với lục trần nghĩa là năng minh hòa nhập với sở minh thì ý thức vọng niệm được phát khởi. Vì nhân duyên đó mà con người chỉ nghe khi có tiếng, có âm thanh và chỉ thấy khi có sắc tướng chớ không thể thấy, nghe xa được. Nói cách khác lúc ấy kiến, văn, giác, tri nghĩa là thấy, nghe, hay, biết được hình thành.
Tuy thế giới thay đổi tùy theo sở minh, nhưng tựu trung tất cả cũng nằm trong quy luật thành, trụ, hoại, không nghĩa là có đó rồi mất đó. Khi năng minh, sở minh hòa hợp thì tư tưởng phát sinh. Nếu chúng sinh đồng một tư tưởng thì thương yêu nhau, ngược lại, nếu ý bất đồng thì ghét nhau. Dòng nước ân ái yêu thương kết thành tập khí chủng tử. Ba món “Căn, Trần, Thức” hòa hợp làm nhân tạo nghiệp cho nên quả khổ tứ sinh cũng bám theo. Nếu đồng nghiệp ràng buộc nhau thì hình thành vào thai sinh hay noãn sinh. Còn ly nghiệp thì hình thành vào loài thấp sinh hay hóa sinh. Thí dụ thai sinh là con người sinh ra con người hay con bò cũng sinh ra con bò…Noãn sinh là con vật được sinh ra bằng trứng. Chẳng hạn như con gà, con vịt, con chim, con cá sấu đẻ trứng rồi trứng mới nở thành con gà..Thấp sinh là do những cơ cảm, biến đổi của thiên nhiên tạo thành. Thí dụ như con đom đóm là do hợp với khí ẩm ướt của những cây rơm, cây lúa và mưa. Do đó con đom đóm là loài thấp sinh. Còn hóa sinh là hóa hiện để sinh về một cõi tốt lành hơn mà không cần đầu thai vào người mẹ. Thí dụ, ngày xưa trưởng giả Cấp Cô Độc Tu Đạt Đa đã cúng dường tịnh xá Kỳ Viên cho Phật và chư đệ tử nên khi chết được hóa thân vào cung trời Đầu Suất (Tushita) để hưởng phước lợi.

Nhưng nguyên nhân của sự đầu thai như thế nào?

Thật ra chúng sinh trong loài tứ sinh cũng đều do một niệm vô minh mà hình thành. Chúng sinh vì tạo vọng nghiệp nên sau khi chết đi vào thân trung ấm, sắc thân không còn mà chỉ còn ngũ thông nên mắt nhìn thấy rất xa. Do tập khí ái nhiễm nên thần thức nhất định phải tìm một cảnh để yêu, cho dù xa xôi ngàn dặm, nhưng do chiêu cảm nên thấy rất gần cho nên thấy sáng thì sắc phát hiện. Khi chiêu cảm cảnh ái ân, thần thức liền chạy đến chỗ đó và “tưởng” bắt đầu hình thành. Ngay trong lúc nam nữ đang giao cấu thì “tưởng” trong thân trung ấm phát hiện. Nếu thân trung ấm là nam thì ghét cha thương mẹ, nếu thân trung ấm là nữ thì ghét mẹ thương cha. Đó là “dị kiến thành ghét, đồng tưởng thành yêu” và thân trung ấm hấp thụ dòng ái đó mà lưu vào thai mẹ rồi thành chủng tử thọ hình. Bây giờ “tưởng” bám vào tinh cha huyết mẹ mà lập thành chấp ngã. Do “nghiệp ái làm nhân, cảnh ái làm duyên” mà ở trong thai bảy ngày nên gọi là yết-ma-lam. Được hai tuần thì bào thai gọi là Át-bồ-đàm. Ba tuần thì gọi là Tế-thi. Kiện nam là bốn tuần và Bát-la-xa là hình thể khoảng 35 ngày. Sau 35 ngày thì lục căn mới đầy đủ.

Nói tóm lại, tùy theo nghiệp đã tạo mà cảm ứng sinh vào một trong bốn loài : thai, noãn, thấp và hóa. Đó là theo nghiệp mà lưu chuyển và do dòng nước ái ân yêu thương kết thành tập khí chủng tử. Nếu hấp dẫn đồng nghiệp thì tác hợp với phôi. Phôi lớn thành thai rồi dần theo thời gian mà lục nhập, xúc, thọ, ái…được phát triển. Vì vậy thai sinh là do nhân tình mà có. Noãn sinh là do tưởng (niệm) mà sinh nghĩa là loài thú không có lòng yêu thương như con người mà chỉ có tưởng niệm về dục vọng. Thấp sinh nhờ hợp mà thành và Hóa sinh bởi phân ly mà ứng hiện. Tưởng thì nhẹ nhàng còn tình thì nặng nề. Bởi nhân duyên đó mà chúng sinh tương tục.

3) NGHIỆP QUẢ TƯƠNG TỤC :


Phật bảo :

- Phú Lâu Na! Tưởng và ái gắn bó ràng buộc lẫn nhau. Ái mãi không rời kết thành nghiệp nhân tương tục : Cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu tương tục sanh lên sanh xuống không có thời kỳ chấm dứt. Hạng chúng sinh này do “dục tham” làm gốc.

Tham và ái đắm đuối nặng nề, tham ái mãi không thôi. Nghiệp nhơn này khiến cho các loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh trong thế gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau. Hạng chúng sinh này do “sát tham” làm gốc.

Phú lâu Na! Do những bất thiện nghiệp như vậy, người này mắc nợ thân mạng người kia. Người kia trả nợ cũ cho người này. Người này thương cái lòng tốt của người kia. Người kia yêu cái sắc đẹp của người này. Do nhơn duyên đó trải trăm nghìn kiếp ở mãi trong ràng buộc sinh tử khổ đau. Ba món Sát, Đạo, Dâm là những yếu tố căn bản tạo thành nghiệp quả tương tục.

Phú Lâu Na! Sở dĩ có ba thứ tương tục điên đảo là do nhận thức sai lầm : Rằng phải nhờ lấy cái minh để minh tánh giác; Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu, đại địa san hà vũ trụ vạn hữu là hiện tượng hữu vi, có sinh có diệt là do kiến chấp vọng tưởng của con người. Sự thật, thể tánh của các hiện tượng vốn thanh tịnh bản nhiên là diệu dụng của Như Lai Tạng biểu hiện.

Khi tư tưởng yêu thương ràng buộc lẫn nhau thì con người trôi nổi trong sinh tử trầm luân. Lúc thì tái sinh làm cha, làm mẹ. Khi thì đầu thai làm con làm cháu, lên xuống không cùng không tận. Tưởng ái đồng kết lại thì lòng yêu thương không thể rời cho nên cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em…sanh nhau trong thế gian không bao giờ dứt. Cái khổ quả sinh tử này chung quy cũng tại vì lòng tham dục. Tham và ái hổ tương cho nhau thì lòng tham không bao giờ ngừng dứt. Con người vì bị vô minh che lấp nên chạy theo ái dục mà phải chịu luân hồi. Thí dụ, bà vì quá thương cháu mà tái sinh làm con của cháu mình. Vì thế mà thế giới này mới là dục giới. Một khi tâm dục nghĩa là lòng mình muốn chiếm hữu hay đoạt lấy vật gì thì lòng tham bắt đầu phát khởi. Một khi lòng tham phát khởi thì tất cả các loài như thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh tùy theo sức mạnh của nó mà ăn nuốt những loài khác để tạo thành sát nghiệp.
Thí dụ, con cọp ăn thịt con nai yếu đuối. Loài người săn bắn giết hại vô số súc vật. Ở biển cả sông ngòi, cá lớn nuốt cá bé…Bởi cũng vì sát nghiệp mà loài người, loài vật thay nhau tái sinh để chịu quả báo luân hồi. Thí dụ con người đi săn giết hại con nai. Con nai chết tức tưởi nên một kiếp nào đó nó tái sinh làm người và cũng đi săn để giết chết con nai khác chính là người thợ săn quả báo làm nai. Nói cách khác vì nghiệp sát sinh mà bốn loài sát hại giết chết nhau, ăn nuốt nhau và sau cùng phải thọ báo để bị thảm hại, ăn nuốt trở lại. Đời này qua, đời khác đến vô cùng vô tận biết đến chừng nào mới chấm dứt. Do đó tư tưởng Phật giáo khuyên chúng sinh nên phát triển lòng từ bi để thương yêu tất cả mọi loài và chấm dứt nghiệp sát hại thì quả báo luân hồi mới có thể chấm dứt được. Con người vì sống với lòng tham dục nên phải chạy theo sinh tử luân hồi. Cũng vì tham dục mà con người giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Chủ nhân, phú hộ muốn giàu thêm nên chèn ép người nghèo khó, thế cô. Kiếp này mình ỷ thế chèn ép người tức là cướp không của người, là nợ người vì thế sang đến đời sau phải đầu thai trả nợ cho người.

Nói chung con người có chìm đắm trong sinh tử khổ đau cũng chỉ vì chạy theo tham, sân, si. Từ đó Sát, Dâm, Đạo hình thành, sai sử khiến con người càng ngày càng lún sâu trong vòng tội nghiệp. Trong Phật giáo nghiệp sát hại là đại nghiệp vì thế người Phật tử vì lòng từ bi thương xót chúng sinh, thương người như thương mình và thấy nỗi đau của chúng sinh chính là nỗi đau của mình nên không giết hại. Con người ăn thịt chúng sinh thì ngày sau chúng sinh đổi kiếp ăn thịt con người trở lại. Nếu cưỡng giết mạng chúng sinh để lấy thịt ăn thì gọi là Đạo. Mà có nợ thân mạng thì cũng là do sát tham mà ra. Do đó, nếu đền nợ cũ cho người thì gọi là đạo tham vậy. Ngày xưa tôn giả Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông, có tài thiên biến vạn hóa, thế mà trong tiền kiếp làm nghề chài lưới giết hại quá nhiều chúng sinh nên vào thời Đức Phật tuy đã tu thành Thánh mà những chúng sinh đã bị Ngài sát hại bây giờ tái sinh làm bọn ngoại đạo để sát hại Ngài.
Do đó, ngày nay ta sát hại chúng sinh thì ngày mai chúng sinh quay trở lại sát hại lại chúng ta. Vì thế nếu muốn tiêu diệt nghiệp sát sinh thì ngay bây giờ phải chấm dứt sát hại làm đau thương đến muôn loài và bồi dưỡng cũng như phát huy tình thương, lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh. Tuy không còn tâm sát hại, nhưng nếu vẫn còn tâm dâm thì con người vẫn bị tái sinh luân hồi vì thần thức trong thân trung ấm còn cảm nhận dục tình khi thấy cảnh ái ân của nam nữ mà lưu vào thai mẹ để trở thành chủng tử thọ hình. Muốn thoát khỏi luân hồi thì tâm dâm phải dứt cho nên thần thức lúc nào cũng như như bất động cho dù đứng trước cảnh dục tình. Lấy của người làm người đau khổ tức là nợ của người đó rồi nên kiếp sau phải đầu thai để trả cho hết những mối nợ này. Vì thế không tham, không dâm, không sát hại, không đạo thì sẽ không còn sinh tử và dĩ nhiên chặt đứt dây luân hồi.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.23/12/2012 ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment