Wednesday 19 December 2012

NĂM THỜI THUYẾT PHÁP.

Sau khi thành Phật, đức Thích Tôn thuyết pháp bốn mươi chín năm(1), nói kinh hơn ba trăm hội, trong đó, vì để thích ứng với nhiều căn cơ, Ngài đã nói nhiều pháp môn. Đầu tiên, Ngài vì hàng Bồ-tát có cơ trí lớn, diễn nói pháp giới chân lí của thừa Hoa-nghiêm(2), để phù hợp với giềng mối của lưới pháp; trải qua bảy nơi chín hội(3), trong hai mươi mốt ngày, đó là thời thứ nhất: thời Hoa Nghiêm(4). Giáo lí Hoa Nghiêm sâu xa, hạng phàm phu không thể lĩnh hội, không giúp ích gì được cho kẻ có căn trí thấp kém, bởi vậy, sau khi nói kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã du hành trải khắp mười sáu nước trên toàn xứ Ấn-độ, suốt mười hai năm, nói pháp tiểu thừa. Trước hết, Ngài đến vườn Nai, gần thành Ba-la-nại, chuyển bánh xe pháp ba lần(5), nói giáo pháp Bốn Sự Thật, độ cho đoàn tì kheo gồm năm vị của tôn giả Kiều Trần Như(6) thoát vòng sinh tử; sau đó lại độ thoát cho các tôn giả Xá Lợi Phất1, Ca Diếp2, Mục Kiền Liên3, v.v... cả thảy một ngàn hai trăm năm mươi vị4, đều qui y thánh đạo, đó là thời thứ nhì: thời A Hàm(7). Sau đó, tất cả những người nghe pháp đều đã có được lòng tin vững chắc, đức Phật mới nói cả pháp tiểu thừa lẫn đại thừa, nhưng thường thường trong những thời pháp, Ngài chê trách tiểu thừa và đề cao đại thừa, giúp cho những người căn tính chậm lụt phát khởi tư tưởng biết hổ thẹn với pháp tiểu thừa mà hâm mộ pháp đại thừa; thúc đẩy họ tiến lên địa vị Bồ-tát. Trong tám năm, Ngài đã nói các kinh Thắng Man5, Duy Ma6 v.v..., đó là thời thứ ba: thời Phương Đẳng(8). Đến đây, các hành giả tiểu thừa, trải qua thời gian tôi luyện trong giáo pháp đại thừa, căn tính đã trở nên thuần thục, đủ sức thọ nhận giáo lí Bát Nhã, cho nên, trong hai mươi hai năm tiếp theo, đức Phật đã nói các kinh thuộc bộ Bát Nhã như Đại Phẩm7, Quang Tán8, Văn Thù9, Thắng Thiên Vương10 v.v..., vừa tuyên thuyết giáo nghĩa “như thật không”11, giúp cho hành giả chứng ngộ lí lẽ “các pháp đều không”, do đó mà không nhàm chán sinh tử, cũng không ưa thích niết bàn, vĩnh viễn xa lìa mọi kiến chấp; lại vừa tuyên thuyết giáo nghĩa “như thật bất không”12, giúp cho hành giả thấu rõ trong tự tính vốn có đầy đủ vô lượng công đức thanh tịnh, phước trí trang nghiêm, cùng với Phật không có gì sai khác, do đó mà không thối chí, Đó là thời thứ tư: thời Bát Nhã(9). Cuối cùng, ở núi Linh-thứu, Phật nói kinh Pháp Hoa, đem ba thừa13 thu vào một Phật thừa(10), qui các pháp phương tiện đã nói khi trước về một lẽ chân thật(11). Khi duyên hóa độ đã mãn, Ngài đến bờ sông Bạt-đề(12), trong rừng cây Ta-la, nói kinh Đại Bát Niết Bàn trong một ngày đêm, dạy rõ tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, và đều sẽ thành Phật. Đó là thời thứ năm: thời Pháp Hoa Niết Bàn(13). Có bài kệ rằng:

Hoa Nghiêm đầu tiên hăm mốt ngày;

A Hàm mười hai; Phương Đẳng tám;

Hăm hai năm luận đàm Bát Nhã;

Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám năm.14

MƯỜI HAI BỘ KINH

Kinh giáo đức Thích Tôn nói trọn một đời, có thể phân làm mười hai loại, gọi là “mười hai bộ kinh”, cũng gọi là “mười hai phần giáo”. Một, Trường Hàng: Dùng văn xuôi nói thẳng pháp tướng, không hạn định chữ và câu, vì số hàng dài, nên gọi là “trường hàng”. Hai, Trùng Tụng: Đã thuyết “trường hàng” ở trước, lại dùng kệ tụng để đúc kết ở sau, ý nghĩa như trùng tuyên, cho nên gọi là “trùng tụng”. Ba, Cô Khởi: Không y nơi “trường hàng” mà thuyết thẳng câu kệ tụng, như kinh Pháp Cú chẳng hạn; vì không do từ văn xuôi, cho nên gọi là “cô khởi”. Bốn, Thí Dụ: Những ví dụ được nêu lên trong kinh. Năm, Nhân Duyên: Thuật lại các nhân duyên thấy Phật nghe pháp, hoặc những nhân duyên Phật thuyết pháp giáo hóa. Sáu, Vô Vấn Tự Thuyết: Như kinh A Di Đà, không có người hỏi mà đức Phật tự nói. Bảy, Bản Sinh: Kinh ghi chép lời Phật nói về những nhân duyên trong các kiếp quá khứ của chính Ngài. Tám, Bản Sự: Kinh ghi chép lời Phật nói về những nhân duyên trong các kiếp quá khứ của các đệ tử. Chín, Vị Tằng Hữu: Kinh ghi chép đức Phật thị hiện các loại thần lực không thể nghĩ bàn. Mười, Phương Quảng: Kinh ghi chép chân lí sâu xa rộng lớn do Phật nói. Mười một, Luận Nghị: Kinh chứa đựng những lời vấn đáp, nghị luận về giáo pháp. Mười hai, Kí Biệt (hay Thọ Kí): Đức Phật đối với các vị Bồ-tát hoặc chúng Thanh-văn, thọ kí sẽ thành Phật. Có bài kệ rằng:

Trường Hàng, Trùng Tụng, cùng Cô Khởi,

Thí Dụ, Nhân Duyên, và Tự Thuyết,

Bản Sinh, Bản Sự, Vị Tằng Hữu,

Phương Quảng, Luận Nghị, và Kí Biệt.(14)

CHÚ THÍCH

01. Xá Lợi Phất: Tên người. “Xá Lợi”, dịch ra Hoa ngữ là “thu lộ”; “Phất”, dịch ra Hoa ngữ là “tử”. Vì bà mẹ của tôn giả có cặp mắt giống như mắt loài chim thu-lộ (một giống cò – HC), cho nên tôn giả được đặt tên là Xá Lợi Phất, hoặc Xá Lợi Tử; cũng gọi là Thân Tử. Tôn giả vốn là ngoại đạo, giữa đường thấy tì kheo Mã Thắng, oai nghi thù diệu, bèn xuất gia theo Phật, cùng với tôn giả Mục Kiền Liên là hai vị đệ tử lớn của Phật. Tôn giả thường đứng bên phải đức Phật. Tôn giả đã nhập diệt trước Phật.

02. Ca Diếp: cũng gọi là Ma Ha Ca Diếp, là một trong mười vị đệ tử lớn của Phật. Thân ngài có ánh sáng vàng, sáng chói làm lu mờ các loại ánh sáng khác, cho nên cũng có tên là “Ẩm Quang”. Trong pháp hội Linh-sơn, ngài được đức Phật trao cho “chánh pháp nhãn tạng”, truyền cho “tâm ấn”, làm Sơ Tổ Thiền tông. Bình sinh tôn giả tu hạnh đầu đà, vâng di chúc của Phật, nhập diệt tận định ở núi Kê-túc, chờ cho đến khi đức Phật Di Lặc ra đời mà truyền lại cho Phật y “tăng-già-lê”.

03. Mục Kiền Liên: Ban đầu cùng với Xá Lị Phất tu theo ngoại đạo, sau qui y theo Phật, cùng với Xá Lợi Phất là hai vị đệ tử lớn của Phật. Tôn giả thường đứng bên trái đức Phật. Về sau, vì nghiệp nhân đời trước, tôn giả bị nhiều ngoại đạo dùng gậy gộc đánh đập tử thương. Tôn giả đã nhập diệt trước Phật.

04. 1.250 người: Thầy trò Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp gồm 500 người; thầy trò Già Da Ca Diếp 250 người; thầy trò Na Đề Ca Diếp 250 người; thầy trò Mục Kiền Liên 200 người; con của trưởng giả Da Xá cùng với bạn học 50 người; cả thảy là 1.250 vị tì kheo, nguyên trước đều tu theo ngoại đạo, sau đều qui y theo Phật; lại thêm năm vị tì kheo đầu tiên là Kiều Trần Như, Thập Lực Ca Diếp, Ngạch Bệ, Bạt Đề, Câu Lị, cộng tất cả là 1.255 vị tì kheo; nay bỏ đi số lẻ, chỉ nêu con số tròn, cho nên nói là “1.250 người”. Đó là số đệ tử thường tùy tùng bên cạnh đức Phật.

05. Thắng Man: là tên gọi tắt của kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng, là bản dịch khác của pháp hội “Thắng Man Phu Nhân”, quyển 48, kinh Đại Bảo Tích.

06. Duy Ma: là tên gọi tắt của kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát.

07. Đại Phẩm: tức kinh Đại Phẩm Bát Nhã, pháp sư Cưu Ma La Thập dịch, gồm 27 quyển.

08. Quang Tán: tức kinh Quang Tán Bát Nhã Ba La Mật, pháp sư Trúc Pháp Hộ (đời Tấn) dịch, gồm 10 quyển.

09. Văn Thù: tức kinh Văn Thù Bát Nhã.

10. Thắng Thiên Vương: tức kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật Đa, gồm 7 quyển.

11. “Như thật” nghĩa là thật tướng chân như. Không phải giả gọi là “chân”; không thay đổi gọi là “như”; không hư dối gọi là “thật”. “Chân như” tức là tự tính thanh tịnh của tất cả chúng sinh; cũng gọi là “pháp thân, như lai tạng, pháp tánh, Phật tánh” v.v... Tự tính chân như này hoàn toàn không hư vọng, là tướng chân thật, cho nên nói là “thật tướng chân như”, hay nói tắt là “như thật”. Vì nó xa lìa tất cả mọi vọng nhiễm, xa lìa tất cả mọi tướng sai biệt, giống như hư không, không dính một hạt bụi nào, cho nên nói là “như thật không”.

12. Thật tướng chân như tuy không còn vọng nhiễm, không dính một hạt bụi nào, nhưng nó thường hằng bất biến; vả lại, nó đầy đủ hằng sa công đức diệu dụng, không có tịnh pháp nào là không hàm chứa ở trong nó, cho nên nói là “như thật bất không”.

13. Ba thừa: tức Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát.

14. Đức Thích Tôn nói pháp bốn mươi chín năm. Bài kệ này nói năm mươi năm. Đây có lẽ là đem các tháng lẻ tính tròn một năm, cho nên đã dôi ra một năm.

PHỤ CHÚ

(01) Đức Thích Tôn thuyết pháp 49 năm: Theo niên đại cũ, đức Thích Tôn đi xuất gia lúc 19 tuổi, đến 30 tuổi thì thành đạo. Năm nhập diệt của Ngài, thuyết được công nhận nhiều nhất và phổ biến nhất là năm Ngài 80 tuổi. Vậy thời gian thuyết pháp độ sinh của Ngài là 50 năm. Nhưng cũng có nhiều kinh lại nói khác, như kinh Bát Nê Hoàn nói, Ngài nhập diệt năm 79 tuổi; kinh Bồ Tát Xử Thai nói, Ngài nhập diệt năm 84 tuổi; luận Đại Tì Bà Sa nói, Ngài trụ thế hơn 80 năm, v.v... Vậy thì, con số “49 năm thuyết pháp” đâu phải là một con số chính xác, hoàn toàn đúng! Cho nên, chú thích số 14 ở trên của tác giả là không cần thiết, vì, theo chú thích đó, chứng tỏ tác giả đã quá tin vào tính chính xác của con số “49” ấy. Theo quyết định thống nhất của Phật giáo quốc tế hiện nay, niên đại xuất gia của Phật được công nhận là năm 29 tuổi, thành đạo năm 35 tuổi, nhập diệt năm 80 tuổi. Vậy thời gian thuyết pháp độ sinh của Ngài, theo niên đại thống nhất này, là 45 năm. Dù sao, tất cả mọi danh ngôn, kể cả các con số, cũng chỉ là hư dối, do con người cùng nhau ước định; tuy nhiên, đúng theo tinh thần “thế giới tất đàn”, việc gì đã cùng nhau chấp nhận thì nên cùng nhau thi hành cho thống nhất, thuận với lẽ đời, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

(02) Thừa Hoa-nghiêm: Giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm là giáo nghĩa nhất thừa, khác biệt với giáo nghĩa của kinh điển ba thừa (Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát); vì vậy mà gọi là thừa Hoa-nghiêm. Hoa-nghiêm thừa còn có nhiều tên gọi, như Thượng thừa, Vô-thượng thừa, Tối-thắng thừa, Bất-tư-nghị thừa v.v...

(03) Bảy nơi chín hội (thất xứ cửu hội): Ngài Trừng Quán (tức Thanh Lương quốc sư, 738-839) phân chia kinh Hoa Nghiêm làm 39 phẩm, Phật nói trong 9 pháp hội, tại 7 nơi. 1) Hội thứ nhất, tại Bồ-đề đạo tràng. 2) Hội thứ hai, tại điện Phổ-quang-minh. 3) Hội thứ ba, tại cung trời Đao-lị. 4) Hội thứ tư, tại cung trời Dạ-ma. 5) Hội thứ năm, tại cung trời Đâu-suất. 6) Hội thứ sáu, tại cung trời Tha-hóa-tự-tại. 7) Hội thứ bảy, tại điện Phổ-quang-minh lần thứ nhì. 8) Hội thứ tám, tại điện Phổ-quang-minh lần thứ ba. 9) Hội thứ chín, tại rừng Thệ-đa. – Vì có ba pháp hội nói tại một nơi (điện Phổ-quang-minh), nên chín pháp hội mà chỉ có bảy nơi.

(04) Thời Hoa Nghiêm: là một trong năm thời thuyết giáo của đức Thích Tôn, do tông Thiên Thai phân lập. Trong suốt thời gian 21 ngày sau khi thành đạo, đức Phật chỉ nói kinh Hoa Nghiêm. Giáo lí kinh này được gọi là loại giáo lí “nhật xuất tiên chiếu” (mặt trời mới mọc, chiếu sáng trước tiên vào những nơi cao và trực diện nhất), hoặc “nhật chiếu cao sơn” (mặt trời chiếu trên đỉnh núi cao), là giáo lí nhất thừa, khác biệt với giáo lí tam thừa, nhưng bao trùm cả tam thừa; đối tượng thuyết pháp gồm toàn chư vị Bồ-tát lớn và những phần tử ưu tú có cơ trí siêu việt, cho nên được tông Thiên Thai lập riêng ra một thời, gọi là thời Hoa Nghiêm. Đây là thời thuyết pháp đầu tiên sau khi thành đạo, đức Thích Tôn nói ngay về cái tuệ giác siêu việt của Phật mà Ngài vừa chứng được, để thử xem giáo pháp ấy có thích hợp với căn cơ của chúng sinh hay không, cho nên thời Hoa Nghiêm này cũng được gọi là thời “nghĩ nghi” (nghĩa là thử nghiệm). Lại nữa, kinh Hoa Nghiêm gồm có hai phần: Phần trước gồm 38 phẩm đầu (từ phẩm “Thế Chủ Diệu Nghiêm” đến phẩm “Li Thế Gian”), Phật nói ở 8 pháp hội, trong thời gian 21 ngày ngay sau khi thành đạo, thính chúng gồm toàn bậc trí tuệ thượng thừa, chưa có chúng Thanh-văn; Phần sau gồm 1 phẩm chót (phẩm 39, “Nhập Pháp Giới”), Phật nói ở pháp hội thứ 9, tại rừng Thệ-đa. “Thệ-đa” là tiếng phiên âm khác của “Kì-đà” (Jeta), vị thái tử con vua Ba Tư Nặc, nước Kiều-tát-la. Vậy, rừng Thệ-đa tức là vườn Kì-thọ-Cấp-cô-độc ở thành Xá-vệ, nơi có tu viện Kì-viên. Lúc tu viện này được xây dựng thì chúng Thanh-văn đã có rồi; vì vậy, khi Phật nói phẩm “Nhập Pháp Giới” cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm nơi rừng Thệ-đa, thì có sự hiện diện của các vị đại A-la-hán như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, v.v... trong pháp hội. Nhưng quí vị A-la-hán này vẫn không lĩnh hội được giáo nghĩa Hoa Nghiêm.



(06) Kiều Trần Như: Về năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như, xin xem lại phụ chú số 3, bài 17, sách GKPH I. Về sự tích tôn giả Kiều Trần Như, xin xem phần “Phụ Lục” sách Mười Vị Đệ Tử Lớn của Phật, Hạnh Cơ dịch, Chùa Liên Hoa & Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County in lần thứ tư tại California, năm 2005.

(07) Thời A Hàm: Theo sự phân lập của tông Thiên Thai, đây là thời kì thứ hai trong năm thời thuyết giáo của đức Phật. Sau thời Hoa Nghiêm, đức Phật đã lượng định được căn cơ của chúng sinh đương thời, cho nên trong 12 năm tiếp theo, Ngài đã du hóa khắp mười sáu nước lớn của xứ Ấn-độ, giảng nói bốn bộ kinh A Hàm, giáo nghĩa thấp cạn, thích hợp với căn cơ tiểu thừa; ví như mặt trời lên hơi cao, chiếu xiên vào các hang hốc – thuật ngữ Phật học gọi là “nhật chiếu u cốc”. Trong suốt thời kì này đức Phật chỉ nói kinh A Hàm; lấy kinh làm tên, cho nên gọi là thời A Hàm. Thời này bắt đầu tại vườn Nai, cho nên cũng gọi là thời Lộc-uyển. Về ý nghĩa, giáo pháp mà đức Thích Tôn tuyên thuyết trong thời kì này, mang tính chất phương tiện, để dắt dẫn những đối tượng có căn cơ thấp cạn, cho nên cũng được gọi là thời dụ dẫn (nghĩa là hướng dẫn làm cho ham thích).

(08) Thời Phương Đẳng: Đây là thời thuyết giáo thứ ba, tiếp theo thời A Hàm. “Phương đẳng” là chỉ cho loại giáo pháp có nghĩa lí sâu xa, rộng lớn, bình đẳng, nên cũng gọi là “phương quảng, đại phương quảng, hay đại phương đẳng”. Nói một cách chính xác, “phương đẳng” là giáo pháp đại thừa, là loại giáo pháp “nhật chiếu bình địa” (mặt trời lên cao hơn, chiếu xuống mặt đất bằng). Nếu nói chính xác hơn nữa, thì “phương đẳng” là buổi đầu của thời kì nói pháp đại thừa. Thời này kéo dài trong 8 năm, đức Phật đề cao giáo pháp đại thừa; khuyến khích mọi người từ bỏ thiên kiến cùng những tri kiến thấp cạn của tiểu thừa, dũng mãnh phát tâm tu học giáo pháp đại thừa.

(09) Thời Bát Nhã: Đây là thời thuyết giáo thứ tư (sau thời Phương Đẳng) của đức Phật, kéo dài trong 22 năm. Thời kì này Phật nói các bộ kinh thuộc hệ Bát Nhã, cho nên gọi là thời Bát Nhã. Nội dung thuyết giáo là nêu rõ tính không của vạn pháp, phá trừ pháp chấp của tiểu thừa, cùng sự phân biệt, thiên chấp giữa đại thừa và tiểu thừa, dung hợp hai thừa làm một; lại từ tính “không” dẫn tới tính “bất không” của lí trung đạo; ví như mặt trời ở vào lúc gần đúng ngọ (nhật chiếu ngung trung).

(10) Một Phật thừa (Nhất Phật thừa): Nhất Phật thừa, hay Nhất thừa, hay Phật thừa, là giáo pháp duy nhất đưa đến sự chứng ngộ tuệ giác viên mãn, siêu việt, tối thượng của chư Phật; cũng gọi là giáo pháp liễu nghĩa thượng thừa, hay đệ nhất nghĩa đế.

(11) Một lẽ chân thật (nhất thật): chỉ cho lí chân thật, tuyệt đối, tức là thật tướng chân như. “Thật” nghĩa là không điên đảo, không hư dối, là thật tướng bình đẳng không hai. Dùng lí thể chân thật để giáo hóa chúng sinh, đem chúng sinh về đạo nhất thừa, gọi là “nhất thật giáo pháp”, “nhất thừa giáo pháp”, hay “nhất thật đế”.

(12) Sông Bạt-đề: là một trong hai con sông nhỏ ở Ấn-độ, nhưng do có thánh tích của Phật mà được nổi tiếng. 1) Sông Ni-liên-thiền (Nairanjana, là một nhánh nhỏ của sông Hằng), nơi đó có núi Già-da, có rừng Khổ-hạnh, có cây Bồ-đề; là nơi đức Thích Tôn tu hành và thành đạo. 2) Sông Bạt-đề (Ajitavati), chảy qua rừng Câu-thi-na; đức Thích Tôn đã nhập diệt trên bờ sông này.

(13) Thời Pháp Hoa Niết Bàn: Đây là thời cuối cùng trong năm thời thuyết giáo của đức Thích Tôn, gồm 8 năm và một ngày đêm trước giờ phút nhập niết bàn. Trong thời kì này, đức Phật giảng nói hai bộ kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, cho nên gọi là thời Pháp Hoa Niết Bàn. Giáo nghĩa của thời kì này là hiển dương tính rốt ráo của Phật thừa, khiến chúng sinh đều chứng nhập tri kiến Phật; cùng khẳng định tất cả chúng sinh vốn đều có tính giác, cho nên đều sẽ thành Phật – dù có phải đọa địa ngục Vô-gián hàng vô số kiếp, nhưng cuối cùng, chúng sinh ấy vẫn được thành Phật.

Kinh Đại Bát Niết Bàn (bản Bắc) đã đem tiến trình giáo hóa của đức Phật ví dụ như diễn tiến của sự tinh chế sữa tươi thành thực phẩm hay dược phẩm, theo đó: 1) Toàn thể lời Phật dạy được bao gồm trong Mười Hai Bộ Kinh – được ví dụ như thứ sữa nguyên chất mới vắt ra từ thân thể con bò (nhũ vị); 2) Từ Mười Hai Bộ Kinh rút ra phần cốt yếu là Khế Kinh (Tu-đa-la) – ví như từ sữa nguyên chất tinh chế ra chất “lạc” (lạc vị); 3) Từ Khế Kinh rút ra phần cốt yếu là các kinh Phương Đẳng – ví như từ chất lạc tinh chế ra chất “sinh tô” (sinh tô vị); 4) Từ kinh Phương Đẳng rút ra phần cốt yếu là các kinh Bát Nhã Ba La Mật – ví như từ chất sinh tô tinh chế ra chất “thục tô” (thục tô vị); 5) Từ hệ Bát Nhã rút ra cốt yếu là kinh Niết Bàn – ví như từ chất thục tô tinh chế ra chất “đề hồ” (đề hồ vị); tất cả được gọi chung là “Niết Bàn ngũ vị” (năm mùi vị theo kinh Niết Bàn). Tông Thiên Thai lại đem thuyết “Niết Bàn ngũ vị” này để phối hợp với trình tự năm thời thuyết giáo của Phật; theo đó: thời Hoa Nghiêm là nhũ vị; thời A Hàm là lạc vị; thời Phương Đẳng là sinh tô vị; thời Bát Nhã là thục tô vị; và thời Pháp Hoa Niết Bàn là đề hồ vị. Lại nữa, trong kinh Hoa Nghiêm cựu dịch (do pháp sư Phật Đà Bạt Đà La, đời Đông-Tấn, dịch), có đưa ra thuyết “Hoa Nghiêm tam chiếu”, đem thứ lớp chiếu sáng của mặt trời ví dụ cho quá trình giáo hóa của đức Phật, theo đó, có ba giai đoạn: 1) Giai đoạn đầu, Phật giáo hóa cho hàng Bồ-tát, như mặt trời mới mọc, chiếu lên các đỉnh núi cao, gọi là “tiên chiếu cao sơn”; 2) Giai đoạn giữa, Phật giáo hóa cho hàng Duyên-giác, như mặt trời đã lên cao, chiếu sáng vào các hang hốc, gọi là “thứ chiếu u cốc”; 3) Giai đoạn sau, Phật giáo hóa cho hàng Thanh-văn và hạng người căn trí thấp kém, như mặt trời chiếu sáng khắp mặt đất bằng, gọi là “hậu chiếu bình địa”. Tông Thiên Thai lại dẫn thuyết “Hoa Nghiêm tam chiếu” này để đem phối hợp với năm thời thuyết giáo của đức Phật; theo đó: 1) Thời Hoa Nghiêm được ví với lúc mặt trời mới mọc, gọi là thời “nhật xuất tiên chiếu”, hay “nhật chiếu cao sơn”; 2) Thời A Hàm ví như mặt trời lên cao hơn, gọi là thời “nhật chiếu u cốc”; 3) Thời Phương Đẳng ví như mặt trời đã lên thật cao trên bầu trời, gọi là thời “nhật chiếu bình địa”; 4) Thời Bát Nhã ví như mặt trời vào khoảng trước giờ ăn trưa, tức từ 9 tới 11 giờ (giờ Tị), gọi là thời “nhật chiếu ngung trung”, hay nói tắt là “ngung trung” (còn hơi xéo, tức trước giờ ăn trưa); 5) Thời Pháp Hoa Niết Bàn ví như mặt trời đứng bóng, tức giờ đúng Ngọ, gọi là thời “nhật luân đương ngọ”, hay nói tắt là “chánh trung” (ngay chính giữa, tức đúng giờ ăn trưa).
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/12/2012 ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment