Thursday 20 December 2012

Lời di huấn của Hòa Thượng:
Đem tro cốt của tôi rải khắp hư không! Khi tôi đến, không mang đến một thứ gì; khi ra đi, vẫn là không cần gì cả. Tôi không muốn lưu lại trên đời bất kỳ một dấu tích nào! Tôi từ hư không đến, và sẽ trở về với hư không.
Nếu người nào muốn biết cảnh giới của Chư Phật, thì nên thanh tịnh tâm ý của mình như hư không
(Nhược nhân dục tri Phật cảnh giới, đương tịnh kỳ ý như hư không)
Kinh Hoa Nghiêm
Năm 1995, Hòa Thượng Tuyên Hóa nhập diệt, để lại cho các đệ tử một niềm tiếc thương vô hạn. Có một người đệ tử đã hình dung về Hòa Thượng như thế này: Hòa Thượng là một vị Tỳ kheo thanh tịnh không tỳ vết, đầy đủ oai nghi, Người đã thị hiện một cảnh giới Hoa Nghiêm trùng trùng vô tận, không thể nghĩ bàn, bặt dứt nói năng.

CHƯƠNG THỨ NHẤT
Thừa những điều kỳ diệu, Lời cao siêu khôn lường
Hòa Thượng sâu khó
Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên;
Triêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu.
Thần bất khả trắc, đại bất khả cập;
Thánh trung chi chí, canh vô nhị tam.
Càng ngẩng lên càng thấy cao, càng đục sâu càng thấy cứng;
Mới nhìn thấy trước mặt, thoắt bỗng hiện sau lưng.
Huyền diệu khôn lường, lớn không gì sánh;
Cao tột trong hàng Thánh, chỉ một không hai, ba.
Có người hỏi Nhan Uyên, Khổng Tử là người như thế nào? Nhan Uyên thở dài than rằng: “Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên; triêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu.” Đoạn này ý Nhan Uyên nói “Đạo của Phu Tử (Khổng Tử), ngẩng đầu nhìn thấy cao chót vót, có thật sự đục vào bên trong, mới thấy cứng chắc không gì phá vỡ được, mới nhìn thấy giống như ở trước mắt, thoáng chốc đã ở sau lưng, thật là cao thâm mầu diệu, khó mà nắm bắt được.” Tuy đoạn này là hình dung của Nhan Uyên về Đạo của Khổng Phu Tử, nhưng đối với chúng ta mà nói thì Hòa Thượng há không phải sâu không thể dò, cao không nhìn thấu như thế sao? Thời còn niên thiếu, thì trong mắt của những người thân ở quê nhà, Hòa Thượng là một kẻ rất mực tài hoa, trên thông Thiên văn, dưới tường Địa lý, không gì mà không làm được.
Nếu tính kỹ những tài hoa của Hòa Thượng thì có thể nói là không sao kể xiết. Thứ nhất, cỡi ngựa, Hòa Thượng có thể đứng trên lưng ngựa mà cỡi, kỹ thuật vô cùng cao siêu. Thứ hai, Hòa Thượng tinh thông âm luật, giỏi về thổi sáo và cũng thừa khả năng tấu đàn Nhị Hồ. Thứ ba, Hòa Thượng tinh thông về Ngũ hành, Phong thủy, Âm Dương, cho đến Bát quái, tất cả sách về thuốc, sách y học đều có nghiên cứu kỹ qua. Thứ tư, trí nhớ của Hòa Thượng rất kỳ đặc, một bài văn đọc qua hai lần liền thuộc, vào học trường tư thục chỉ có hai năm rưỡi, nhưng những sách Hòa Thượng đã học còn nhiều hơn sách của người đã học qua hơn mười năm. Thứ năm, Hòa Thượng giỏi về làm câu đối, kệ tụng, đến viết thư pháp cũng có một phong cách độc đáo.
Ngoài những điều này ra, tại Vạn Phật Thánh Thành chúng ta còn thấy được hai kỹ năng khác của Hòa Thượng. Một là hội họa, bốn mươi hai bức tranh sơn dầu vẽ bốn mươi hai thủ nhãn mà chúng ta nhìn thấy là do chính Hòa Thượng vẽ. Một kỹ năng khác là điêu khắc và nặn tượng Phật. Hiện tại trong Chánh điện Vạn Phật, tất cả những tượng Phật nhỏ mà quý vị nhìn thấy đều là những kiệt tác của Hòa Thượng. Những kỹ năng tài hoa của Hòa Thượng, chúng tôi có thể nêu sơ lược ra từng điều. Nhưng nếu bàn đến cảnh giới, đức hạnh, trí tuệ, thần thông diệu dụng của Hòa Thượng thì sâu không thể dò, cao không nhìn thấu. Chúng ta rất khó dùng ngôn ngữ và văn tự của thế gian để miêu tả lại dù chỉ là một phần vạn.
Một vị đệ tử lớn của Hòa Thượng đã hình dung về Hòa Thượng như thế này: Hòa Thượng không giống với những người mà tôi gặp trước kia một chút nào, so với những người khác Hòa Thượng càng giống như một trận gió lớn, một ngọn núi cao, một đại dương mênh mông - một đại dương biết nói chuyện với quý vị, và cũng có lúc Hòa Thượng khiến tôi liên tưởng đến một tấm gương. Nhưng không phải là một tấm gương bình thường chỉ có thể soi thấy diện mạo bên ngoài của sự vật, mà là một tấm gương có thể phản chiếu vào thực thể bên trong. Một vị đệ tử khác thì lại nói như thế này: Tôi cảm thấy Hòa Thượng có trí tuệ và thần thông rất thâm sâu, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, Ngài lại không có một biểu hiện gì tỏ ra mình đặc biệt, nhìn Ngài thật không có chút gìđặc biệt. Cảm nhận này không chỉ có một mình tôi, mà những người quen biết với Hòa Thượng đương thời, bất luận họ thuộc về chủng tộc nào, được giáo dục ra sao, hay xuất thân như thế nào cũng đều cảm nhận như thế. Một đệ tử khác nói đến ấn tượng mà Hòa Thượng để lại trong lòng mình như vầy: “Theo tôi, Hòa Thượng thể hiện dáng vẻ của một người bình dân vừa đơn giản lại bình dị là một phương diện đặc thù nhất của Hòa Thượng. Tất cả những hành vi tạo tác của Hòa Thượng đều là những biểu hiện rất tự nhiên không hề giả tạo; sự hòa quang đồng trần của Ngài tuyệt đến mức khiến người ta không cảm thấy Ngài có chút gì khác biệt, có chút gì ưu việt hơn họ. Hòa Thượng không hề yêu cầu chúng ta phải tin Ngài, Ngài luôn muốn chúng ta nên tin vào bản thân mình.”
Một vị đệ tử phương Tây đã dùng một đoạn văn mang màu sắc rất đỗi truyền thần của một nhà văn người Nga Fyodor Dostoevsky viết để diễn tả cảm nhận của mình về Hòa Thượng: Mọi người tự cho phép mình gần gũi, vây quanh, đi theo Hòa Thượng; còn Hòa Thượng thì luôn ở trong đại chúng với một nụ cười vô cùng từ mẫn thường nở trên môi. Trong lòng Hòa Thượng luôn ngời sáng một ngọn lửa nhân từ, thể hiện trên ánh nhìn nồng ấm hướng về mọi người, khơi dậy được lòng từ ái thâm sâu trong tâm của họ. Hòa Thượng đưa tay rờ đầu mọi người, tất cả những ai được Hòa Thượng gia trì cũng đều đạt được lợi ích lớn. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.20/12/2012 ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment