KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA)
__________
VÔ THƯỜNG
VÀ VÔ NGÃ
THÂN VÔ THƯỜNG : SINH, LÃO, BỆNH, TỬ
Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật phân tích con người gồm có Thân và Tâm, cả hai thành phần này đều đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Trước hết nói về “Thân”. Tấm thân con người thường được ca tụng hết mức. Hãy nghe một nhà thơ tả về các vẻ tuyệt đẹp của thân người, đó là hai chị em cô Kiều. Cô em là Thúy Vân thời: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Còn cô chị là Thúy Kiều thời: “Làn thu thủy, nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Một hai nghiêng nước nghiêng thành. Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Đa số thanh niên thường có quan niệm là mình đang ở trong tuổi thanh xuân, tấm thân mình mạnh khoẻ, tráng kiện, trẻ đẹp mãi và cuộc đời mình là cả một bài thơ tuyệt diệu.
Không ai ngờ rằng tấm thân đó đang dần dần già đi và đang chết đi từng giây, từng phút. Khoa học đã chứng minh rằng trong thân thể con người các tế bào thay đổi luôn. Trong mỗi một giây đồng hồ có hàng nghìn triệu tế bào chết đi và hàng nghìn triệu tế bào khác sinh ra để thay thế. Sự thay đổi này làm cho thân thể con người chóng phát triển lớn lên, mau già nua đi và tiến dần đến cái chết. Tóc mới ngày nào còn xanh mướt mà bây giờ đã trắng phau. Hôm nay làn da còn tươi láng, ngày mai đã thấy nếp nhăn nheo. Cái tấm thân trẻ trung, khoẻ đẹp của con người trong từng phút, từng giây đều có sinh và có diệt.
Khi Đức Phật còn là một thái tử và đang sung sướng ở trong cung vàng điện ngọc vậy mà Ngài đã than với bà vợ mình: “Chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! mắt trong của em rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ uá màu!... Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý báu của đời người… chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương!”.
Có người nói: “Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng nước”. Quả đúng thay! Trên cùng một khúc sông, dòng nước của ngày hôm nay nhìn qua thì có cảm tưởng là không khác chi so với dòng nước của ngày hôm qua. Nhưng thật ra nước sông ngày hôm nay là nước mới ở trên nguồn vừa chảy xuống, còn nước ngày hôm qua bây giờ đã trôi đi xa và có lẽ đã hòa nhập với nước ở ngoài đại dương rồi. Thân người cũng có khác đâu: “chảy luôn như nước lũ”, xuôi đi như dòng sông, trôi xa như đám mây, thoáng qua như vó ngựa. Nói theo danh từ nhà Phật thì đó là luật “vô thường”.
Vô thường nghĩa là không thường, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái cố định, luôn luôn thay hình đổi dạng, biến đổi liên tục. Thoạt tiên là hình thành, rồi tồn tại, sau đó đến biến đi và cuối cùng là tan rã. Đạo Phật gọi những giai đoạn đó là: “thành, trụ, hoại, không” hay “sinh, trụ, dị, diệt”. Tương tự như một làn sóng khi mới nhô lên gọi là thành (hay sinh), khi nhô lên cao nhất thì gọi là trụ, khi hạ dần xuống thì gọi là hoại (hay dị), khi tan rã ra thì gọi là không (hay diệt). Tương tự như vẻ đẹp của một bông hoa. Khi hoa bắt đầu nở, là “sinh”, vẻ tươi đẹp tồn tại một thời gian ngắn, là “trụ”, tiếp đến là sự thay đổi, chuyển qua mầu héo úa, là “dị”, rồi tàn lụi, khô héo lại, là “diệt”. Chỉ cần quan sát một làn sóng, ngắm nhìn một bông hoa từ sinh đến diệt, chúng ta cũng có thể nắm bắt được giáo lý nhà Phật về “vô thường”.
Tất cả sự vật trong vũ trụ từ nhỏ li ti như con vi trùng, như hạt cát, đến vật rất lớn như trái núi, trái đất, như trăng sao đều phải tuân theo bốn giai đoạn đó cả. Vũ trụ không tĩnh, vũ trụ luôn động, vũ trụ không phải là ao tù, vũ trụ là một ngọn thác luôn luôn chảy xiết, các giọt nước hợp thành luôn luôn kế tiếp thay đổi.
Chúng ta thường quan niệm rằng bốn thời kỳ ấy dài, tương đối bền lâu tùy theo mỗi vật. Thí dụ một bông hoa thường sống vài ngày, một con vật nhỏ sống từ một vài tháng đến vài chục năm, một con người thường được chúc tụng là sống lâu “trăm tuổi”, một cây cổ thụ sống vài trăm hoặc vài nghìn năm, một ngôi sao tồn tại vài muôn nghìn triệu năm chẳng hạn. Nhưng Đức Phật, với mắt trí tuệ, trông thấy tấm thân con người và nói chung là cả vạn vật đều biến đổi liền liền. Ngài thấy bốn thời kỳ “sinh, trụ, dị, diệt” chỉ dài lâu không đầy “một nháy mắt”.
Kinh Pháp Cú đề cập đến cái vô thường, vạch rõ ra những hiện trạng đè nén lên trên kiếp sống của một con người. Sau khi sinh, con người làm sao tránh khỏi già, tránh khỏi bệnh, tránh khỏi chết. Đó là bốn giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử”.
Truyện tích kể rằng nhà sư trẻ tuổi đem lòng thương cô gái giang hồ. Thình lình cô chết. Vua ra lệnh cho dân chúng tới nơi nhìn thi hài cô, không ai màng liếc mắt đến hoặc muốn tới gần. Ðức Phật chỉ cho các Tỳ kheo xác chết sình thối ghê tởm ấy, và giảng về tính ô trược của thể xác. Quán thân bất tịnh để dứt bỏ lòng tham đắm vào tấm thân và quán thi thể người chết để suy ra lẽ vô thường của thân người:
(Pháp Cú 147)
Hãy nhìn cái tấm thân này
Bề ngoài đẹp đẽ, trong đầy nhớp nhơ
Đống xương lở lói vô bờ
Mang bao tật bệnh, cứ ngờ tốt tươi
Chứa gì bền vững ở đời
Đâu tồn tại mãi mà người bận tâm.
Một Tỳ kheo ni già hơn trăm tuổi run lẩy bẩy, chân bị vấp ngã, Ðức Phật giảng về bản chất vô thường của đời sống:
(Pháp Cú 148)
Thân này suy yếu, già nua
Dễ dàng hư nát tựa như khu rừng
Tập trung bệnh tật chập chùng
Thời gian hủy hoại, cuối cùng tan đi
Có sinh có tử lạ gì.
Nhiều vị Tỳ kheo vào nghĩa địa hành thiền. Trước những thi hài chết đã lâu thời họ thấy ghê tởm. Nhưng trước các thi thể mới chết còn tươi rói thời họ bị kích động lòng dục, lúc đó họ mới nhận ra tham ái vẫn còn. Phật nhân đó dạy:
(Pháp Cú 149)
Trái bầu khi tới mùa thu
Bị quăng vì héo vì khô mất rồi,
Thân này cũng vậy mà thôi
Tàn đời thành đống xương phơi bạc mầu
Nhìn xem vui thú gì đâu.
Một thiếu phụ xinh đẹp đã xuất gia làm Tỳ kheo ni nhưng thiếu niềm tin. Sợ Ðức Phật có lời lẽ làm giảm giá trị sắc đẹp của bà nên bà không đến hầu Ngài. Tuy nhiên, một ngày kia, cùng với những người khác, bà đến phòng giảng trong lúc Ðức Phật đang thuyết Pháp. Ðức Phật làm cho bà thấy một cô gái thật trẻ đẹp đang đứng quạt hầu Ngài. Rồi Ngài làm cho hình ảnh cô gái ấy dần dần biến đổi, phản ảnh sự tàn phá của tuổi già và cái chết trên thể xác đó. Chân lý bừng sáng trước mắt người thiếu phụ. Lúc bấy giờ Ðức Phật mới dạy:
(Pháp Cú 150)
Thân này là một cái thành
Xây bằng xương cốt và quanh bốn bề
Quết tô máu thịt bao che
Để mà chứa chất não nề bên trong
Sự già nua, sự tử vong
Chứa chan kiêu ngạo, chất chồng dối gian.
Ðức Phật chăm sóc một tăng sĩ bị bệnh mà các vị khác không dám đến gần. Chính tay Ngài lau rửa cho vị Tỳ kheo mình mẩy ghẻ lở hôi thối ấy. Sau khi làm xong Ngài ngồi lại trên đầu giường và thuyết cho thầy một thời Pháp về bản chất vô thường của thể xác. Đức Phật vạch ra cái giá trị của thời gian đối với đời sống con người, vạch ra cái tính cách tạm thời và không vĩnh cửu của thân người:
(Pháp Cú 41)
Thân này rồi chẳng bao lâu
Nằm dài dưới đất, chôn sâu ngủ vùi
Đâu còn ý thức chuyện đời
Tựa cây gỗ mục vứt nơi bụi bờ
Một người đồ tể vì tội ác sát sinh phải sa vào địa ngục. Ông con trai người đồ tể này về sau khi đến tuổi già mà chưa làm được việc thiện nào, các con rể ông thỉnh Ðức Phật và chư Tăng về nhà để cúng dường thay cha vợ. Ðức Phật nhân đó khuyên dạy mọi người là cần chuẩn bị hành trang lương thực cho chuyến đi xa tới kiếp sau bằng cách thanh lọc thân tâm khỏi các bợn nhơ của phiền não:
(Pháp Cú 235)
Ngươi nay giống lá héo khô
Diêm vương sứ giả đang chờ đợi ngươi
Đứng trên ngưỡng cửa tử rồi
Hành trang, lương thực ngươi thời không mang
Không hề chuẩn bị kỹ càng
Chuyến đi thăm thẳm vô vàn dài lâu.
(Pháp Cú 237)
Đời ngươi sắp lụn sắp tàn
Ngươi đang lê bước đến gần diêm vương
Không nơi ngơi nghỉ dọc đường
Hành trang, lương thực không mang theo mình
Không hề chuẩn bị hành trình.
Trong nhà một bà Phật tử, các thiếu phụ lớn nhỏ, đủ lứa tuổi, đều “thọ bát quan trai” trong ngày giới. Khi được hỏi vì lý do gì mà giữ giới luật thời mỗi người giải thích phẩm hạnh đạo đức của mình theo một lối. Nghe xong quan điểm của từng người Ðức Phật giảng về bản chất vô thường biến đổi của đời sống. Ngài dạy sự già nua và chết chóc cũng lùa con người đến với tử thần như người chăn bò lùa bò ra đồng:
(Pháp Cú 135)
Người chăn cầm gậy đi sau
Lùa đàn bò nọ chạy mau ra đồng,
Già nua, chết chóc đều cùng
Xua người đến chốn tử vong khác gì.
Mạng sống, hay tuổi thọ của mỗi chúng sinh, được ví như bò hay trâu, tuổi già là cây gậy, đồng cỏ là sự chết, và người chăn là nghiệp lực. Đời sống của chúng sinh bị nghiệp lực xua đuổi đi tới cái chết bằng tuổi già, như bò hay trâu bị người chăn xua đuổi ra đồng cỏ bằng cây gậy. Chúng sinh không được tự chủ trong hành động, cũng như bò hay trâu không được tự chủ trong sở thích của chúng.
Một thương gia, cùng tùy tùng gia thuộc, dừng chân nghỉ bên bờ sông chờ qua sông. Lúc ấy một trận bão kéo tới và trời mưa tầm tã. Nước sông dâng cao. Ông suy nghĩ: “Ta sẽ lưu lại đây mùa mưa, mùa đông và mùa hè để bán hết hàng”. Ðức Phật nhận thấy rằng trong bảy ngày nữa ông sẽ chết. Ðại đức A Nan đến gặp và cho ông hay về cái chết sắp đến của ông. Ông thương gia hoảng hốt nghĩ mình chưa làm được công đức gì bèn thỉnh Ðức Phật và chư Tăng về chỗ ngụ để cúng dường. Ðức Phật khuyên ông nên hành thiền về cái chết. Ông làm theo, đắc từng Thánh đầu tiên, và tịch diệt như Ðức Phật đã tiên đoán. Nhân đó Đức Phật dạy rằng mối hiểm họa của sự chết luôn cận kề, ta phải lo tu tập sớm:
(Pháp Cú 286)
“Nơi đây ta ở mùa mưa,
Đông về, hạ tới cũng ưa chốn này”
Người ngu nghĩ dại khờ thay
Nào hay nguy hiểm cạnh ngay tử thần
Luôn luôn cái chết rất gần.
Vua Thiện Giác là cha của công chúa Da Du Ðà La. Công chúa là vợ Đức Phật khi Ngài chưa đi tu. Vua tức giận vì Ðức Phật bỏ con gái của vua ra đi nên không ngừng quấy rối Ngài. Ngài tiên đoán rằng nhà vua sẽ chết một cách thê thảm vì bị đất nứt hút xuống, ngay tại nấc thang bước vào thềm cung điện. Nghe tin vậy vua Thiện Giác cố đề phòng, nhưng sau cùng cũng không thoát tay tử thần. Đức Phật dạy rằng ta không thể khắc phục cái chết:
(Pháp Cú 128)
Dù bay lên tận không trung
Hay là lặn xuống tận cùng bể khơi,
Chui vào hang thẳm núi đồi
Khắp trên trần thế chẳng nơi an toàn
Thoát tay thần chết kinh hoàng.
Tuy nhiên tấm thân sinh tử của con người không phải lúc nào cũng hoàn toàn vô dụng. Đối với người có trí thời trong cuộc đời ô hợp này tấm thân đó cũng có thể tạo ra được biết bao nhiêu việc tốt lành, việc thiện, để giúp ích cho người khác. Đó là một cái nhìn của Đức Phật đến tiềm lực hướng thượng của con người.
Một đại thí chủ thời Ðức Phật xây cất một ngôi chùa rất đắt tiền. Khi công tác hoàn tất, bà vô cùng hoan hỉ, cùng các con và các cháu đi vòng quanh chùa, hát một bài kệ bày tỏ sự thỏa thích. Khi câu chuyện đến tai Ðức Phật, Ngài ghi nhận rằng sở dĩ bà làm như vậy vì: “Bà ta đã thành tựu mỹ mãn nguyện vọng cao cả của bà. Trong nhiều đời bà có tâm rất rộng rãi, bố thí cúng dường rất nhiều. Bà là người làm cho Phật Pháp được hưng thịnh”. Ngài thêm rằng tất cả đều phải cố gắng làm nhiều việc thiện để tạo phước báu:
(Pháp Cú 53)
Như từ một đống hoa tươi
Lựa ra ghép lại cho đời tràng hoa
Nhiều tràng phô sắc mặn mà,
Người đời cũng vậy khác xa đâu nào
Thân tâm an lạc, thanh cao
Làm nên việc thiện kể sao cho vừa.
Hơn nữa ta nên quán thân như bọt nước vì bản chất đổi thay, tạm bợ của nó, hoặc quán thân như huyễn cảnh vì bản chất mờ ảo của nó. Những gì ta đang có chỉ là tạm bợ, một thời gian sau thì tất cả những thứ ấy sẽ biến thành không. Quán được như thế thời người trí sẽ đoạn lìa đam mê nhục dục, không chạy theo lạc thú vật chất, mà nên tu tập theo chánh pháp và có thể nhờ thân này mà tiến được tới bờ giác ngộ giải thoát, được an vui tự tại trong kiếp này cũng như trong kiếp sau. Cảnh tượng một ảo ảnh và những bọt nước chợt gợi ý cho một tăng sĩ đang hành thiền về lý vô thường và vô ngã của đời sống. Ðức Phật đọc được tư tưởng của vị ấy và xuất hiện trước mặt thầy, xác nhận suy tư như vậy là đúng. Ngài dạy người trí nên đoạn lìa đam mê các thú vui vật chất, nên bẻ gãy đi mũi tên cám dỗ của dục vọng:
(Pháp Cú 46)
Chúng sinh nên biết thân này
Như là ảo ảnh rồi đây chóng tàn
Như là bọt nước mau tan
Nên hoa dục vọng chớ màng làm chi
Mũi tên cám dỗ bẻ đi
Dẹp Ma dục vọng còn gì hại thân,
Vượt qua tầm mắt tử thần.
Nhân một dịp nọ Ðức Phật nhận thấy các thầy Tỳ kheo hành thiền với đề mục “vô thường”, Ngài khuyên các thầy nên tiếp tục, nên thoát ly ngay mọi phiền não gây nên do sự chăm sóc thân “ngũ uẩn”:
(Pháp Cú 277)
Mọi sinh vật vốn “vô thường”
Trí người nếu hiểu tận tường như trên
Thoát ly ngay mọi não phiền
Theo đường thanh tịnh vào miền sạch trong.
TÂM VÔ THƯỜNG
Gắn liền với thân là “Tâm”. Thân đã vô thường, Tâm cũng vô thường. Tâm niệm con người rời đổi mau lẹ trong từng phút từng giây theo với ngoại cảnh. Đức Phật đã dạy rất đúng: “Tâm người như vượn chuyền cây, như ngựa rông nơi đồng nội”. Chính vì tâm niệm sinh diệt quá mau lẹ, nhiều khi chúng ta không nhận ra được sự biến chuyển của nó, nên chúng ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả. Cái “ta” phút trước đâu phải là “ta” phút này hay “ta” phút sau nữa.
Cái “ta” hay cái “tâm” cũng thế đều vô thường, tạm bợ, giả tạo. Vậy mà người đời cứ bám víu vào nó, nhân danh nó để làm biết bao điều bất thiện. Truyện tích kể rằng trong khi ngồi thiền một mình trong vườn, tâm của một vị Tỳ kheo bị những tư tưởng xấu chế ngự. Đó là các tư tưởng tham dục, sân hận và bạo hành xâm lấn khiến thầy không định tâm được. Ðức Phật nói rằng tâm rất dễ bị kích thích, hay thay đổi, biến chuyển rất nhanh chóng. Đức Phật khuyên:
(Pháp Cú 33)
Thường thường tâm kẻ phàm phu
Chập chờn, dao động, lu mờ, khó canh
Khó mà chế phục được nhanh,
Chỉ riêng kẻ trí tâm mình giữ yên
Giữ cho ngay thẳng lâu bền
Như tay thợ khéo uốn tên lành nghề
Tên luôn ngay ngắn mọi bề.
Tâm điều khiển ý muốn và hành động của con người. Cho nên canh phòng và kiểm soát tâm, hướng dẫn tâm theo chính
đạo là điều cần thiết. Nhưng việc này không dễ thực hiện, vì dò biết được tâm con người còn khó hơn dò lòng đại dương.
“Lục trần” là nguyên do làm cho tâm con người động. “Lục” là sáu. “Trần” là bụi dơ. Lục trần là sáu cảnh bên ngoài như bụi bặm có thể làm nhiễm dơ thân tâm ta. Sáu cảnh đó là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. “Sắc” là những mầu sắc, những hình thể của người, của sự vật… “Thanh” hay “thinh” là những âm thanh, tiếng nhạc, lời nói ngon ngọt làm mình xiêu lòng, say đắm… “Hương” là mùi thơm tho của son phấn, của hoa lá, của món ăn thức uống… “Vị” là vị ngon ngọt của món ăn thức uống… “Xúc” là sự đụng chạm với đồ vật, quần áo, thân thể con người mà mình ưa thích… “Pháp” là những phương thế, những tư tưởng xâm nhập cái ý nghĩ của mình khiến mình sinh ra những sự phán đoán phân biệt khen chê, ưa ghét…
Khi thấy người có sắc đẹp, tâm chạy theo sắc, tức tâm động. Khi thấy châu báu ngọc ngà quý báu muốn chiếm đoạt thâu góp, tức tâm động. Khi nghe tiếng hay nên chạy theo âm thanh đó, làm theo những lời rủ rê ngọt ngào, tức tâm động v.v… Muốn an trụ tâm thì chẳng nên dính với lục trần.
Tâm là một cái gì khó nắm giữ, hay khinh động, hoảng hốt, khó hộ trì, khó nhiếp, sẵn sàng chạy theo sở thích của dục vọng, xoay vần theo ngũ dục và lòng tham con người. Điều phục tâm không dễ, vì phải dùng đến ý chí để kiềm chế sự ham muốn chạy theo dục vọng của tâm. Khi tâm chạy theo cảnh, theo người, theo lục trần một cách hăng hái, thì mình phải cương quyết dùng ý chí để kiềm nó lại.
Nhờ sự hướng dẫn của chư Sư, một thiếu phụ có tâm đạo nhiệt thành tu tập và đắc quả. Bà có thể đọc được tư tưởng của người khác. Một tăng sĩ ở nơi xa nghe tiếng về năng lực tinh thần của bà, đến viếng và lưu lại tại chùa. Bà tận lực hỗ trợ thầy. Vị tăng sĩ lo sợ mình có thể phát sinh những tư tưởng xấu và vị thí chủ này có thể đọc được tâm mình nên thầy đến bạch cùng Ðức Phật. Ðức Phật khuyên thầy nên giữ vững cái tâm khó kiềm chế của thầy:
(Pháp Cú 35)
Tâm phàm phu cứ xoay vần
Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao
Khó mà nắm giữ được nào,
Chỉ riêng những kẻ thanh cao tính tình
Đã điều phục được tâm mình
Mới mong hạnh phúc, an bình mãi thôi.
Như vậy, chúng ta thấy rõ, tâm dẫn đầu các Pháp, tâm là tối thượng, mọi hành động đều do tâm hướng dẫn, do tâm làm chủ và do tâm tạo nên. Chính tâm điều khiển và tạo tác ra hành động bằng “Thân, Khẩu, Ý”.
Tâm tạo tác ra thiện hoặc ác. Theo lối hành động tiêu cực thời con người thường buông thả theo bản tính. Lối này dễ thực hành hơn, có thể thoả mãn tạm thời tính ích kỷ và lòng ham muốn thụ hưởng thường tình của con người. Tiếc thay nếu chúng ta nói hay hành động với ý xấu hoặc với ác tâm thì khổ não và bất hạnh sẽ theo chúng ta như cái bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe:
(Pháp Cú 1)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường.
Nhưng nếu ta theo lối hành động tích cực thời con người thường suy nghĩ chín chắn, có kiểm soát để theo lẽ phải trái, biết phân biệt thiện, ác. Nếu ta nói hay hành động với ý tốt, với thiện tâm, thời hạnh phúc và an lạc sẽ theo ta như bóng theo hình. Truyện tích kể rằng một nhà triệu phú keo kiết có một chàng con trai duy nhất. Một ngày chàng lâm trọng bệnh và sắp chết đến nơi vì ông cha triệu phú của chàng không muốn bỏ tiền ra để rước lương y điều trị. Với thiên nhãn, Ðức Phật nhận thấy cảnh trạng đau thương của chàng trai đang hấp hối và xuất hiện trước chàng. Người thanh niên lấy làm hoan hỉ được chính mắt mình chiêm ngưỡng dung nhan Ðức Phật và trút hơi trở cuối cùng với tâm trong sạch, đầy niềm tin tưởng nơi Ngài. Chàng được tái sinh vào cảnh trời. Nhân đó Đức Phật dạy:
(Pháp Cú 2)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.
Trong hai câu Pháp Cú 1 và 2 đối nhau ở trên, Đức Phật dạy cho ta thấy rằng theo “Luật Nhân Quả” thời con người có hai cách xử sự và mỗi cách sẽ đưa đến một hậu quả khác nhau. Hậu quả đó tốt hay xấu đều tùy thuộc ở hành vi của con người đã làm trong quá khứ hay đang làm trong hiện tại. Tất cả những hậu quả tốt hoặc xấu do hành vi của con người tạo ra đối với xã hội và đối với chính mình, đếu là trách nhiệm của mình. Điều thiện điều lành sẽ tạo nghiệp thiện và đưa đến an lạc, hạnh phúc. Điều xấu điếu ác sẽ tạo nghiệp dữ và đưa đến khổ đau. Không cần phải có một đấng thiêng liêng nào để thưởng phạt con người. Chính con người tự thưởng hay tự phạt mình bằng những hành động của chính mình. Ai gieo thứ gì thì sẽ gặt hái thứ ấy!
Hoàng tử Nanda, em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, xuất gia theo Đức Phật ngay trong ngày lễ cưới của ông. Thay vì cố gắng hành thiền, Tỳ kheo Nanda luôn luôn tưởng nhớ đến bà vợ chưa cưới. Đức Phật dùng một phương pháp hữu hiệu giúp thầy lìa bỏ những tư tưởng tham dục trước kia và thầy đắc quả A La Hán. Đức Phật ví tâm trạng tham dục như mái nhà lá lợp không kỹ và trạng thái trong sạch sau này của thầy Nanda như mái nhà khéo lợp:
(Pháp Cú 13)
Căn nhà lợp chẳng kỹ càng
Mưa tuôn thấm dột dễ dàng lắm thay
Tâm mà tu vụng có ngày
Bị nhiều tham dục lọt ngay khác gì.
(Pháp Cú 14)
Căn nhà lợp thật kỹ càng
Mưa tuôn đâu dột dễ dàng mấy khi
Tâm mà tu khéo sợ gì
Bao nhiêu tham dục dễ chi lọt vào.
VẠN VẬT VÔ THƯỜNG
Như trên chúng ta đã thấy luật vô thường ở khắp mọi nơi, chẳng những Thân và Tâm là vô thường, mà cả “Vạn Vật” hay “Hoàn Cảnh” cũng vô thường nữa.
Chúng ta, thường lầm tưởng chỉ có sinh vật là biến đổi và mau già chết, chứ những vật lớn lao như núi sông, đất cát, thì muôn đời cũng vẫn ở yên một chỗ. Nhưng thật ra không đúng như vậy. Sông núi cũng có cái già cái trẻ. Đất cát cũng có khi lở khi bồi. Không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại. Đó là cảnh “bãi biển nương dâu”, cảnh biển cả biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển cả. Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự vô thường của sự vật một cách rất thâm thúy như: “Vật đổi, sao dời” hay “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Thật thế, một đời của chúng ta đã chứng kiến biết bao hoàn cảnh thăng trầm, vinh nhục “lên voi xuống chó”. Giàu nghèo, sang hèn tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta như một “bức tranh vân cẩu”.
Truyện tích kể rằng một cô con gái con nhà giàu có lại xinh đẹp. Cô thương yêu một người hầu cận trong nhà nên cùng nhau trốn đi sống đời nghèo khó. Ít lâu sau cô sinh ra hai con. Rồi lần lượt chồng và hai con đều bị tai nạn mà chết. Cô tính tìm về quê cũ nương thân nhưng lại được tin cả cha mẹ và anh em ở nhà cũng vừa bị cuồng phong chôn vùi rất thê thảm. Cô phát điên lên. Đức Phật an ủi cô và nhấn mạnh rằng: “Nước mắt khóc các cái chết của vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em trong các kiếp sống luân hồi còn nhiều hơn nước ở bốn biển”. Nhờ Ðức Phật khuyên giải, cô bớt âu sầu và xin xuất gia làm Tỳ kheo ni. Ngày kia, trong khi rửa chân bên bờ suối, ni sư ghi nhận rằng những giọt nước từ chân bà rơi xuống gieo trên dòng nước chảy rồi tan đi. Ðiểm thì tan gần, điểm tan xa có điểm trôi đi xa hơn nữa mới tan. Cảnh tượng ấy gợi ý cho bà suy niệm về lý vô thường của đời sống mà chính bản thân bà đã kinh nghiệm. Ðức Phật dùng thiên nhãn thấy, xuất hiện trước mặt bà và dạy rằng vạn vật đều là giả tạo. Sau đó không lâu, bà đắc quả A La Hán:
(Pháp Cú 113)
Trăm năm sống chẳng nhận ra
Pháp kia sinh diệt. Thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống chỉ một ngày
Mà hay vạn vật chốn này giả thôi
Vô thường, tạm bợ, nổi trôi
Sinh ra rồi diệt, diệt rồi lại sinh.
Nhiều vị Tỳ kheo đắc quả A La Hán nhờ suy niệm về ảo ảnh và bọt nước. Ðề cập đến sự chứng ngộ của các thầy, Ðức Phật dạy rằng người nào biết xem cuộc đời này như bọt nước, như ảo ảnh, thì sẽ chấm dứt được mọi đau khổ và không còn sợ tử thần. Hãy dùng trí tuệ mà nhận ra cảnh huyễn hóa không thật, đó là “Những làn khí bốc trên mặt biển, đụng phải ánh nắng, hoặc là không khí tương phản mà hiện ra những bóng hình nhìn xa như lâu đài chợ búa. Người xưa tin những làn khí ấy là hơi của giống sò thần tự dưới đáy bể phun lên”:
(Pháp Cú 170)
Tựa như bọt nước trôi sông,
Lâu đài, phố chợ bềnh bồng biển sương
Toàn là ảo ảnh vô thường
Nhìn đời như vậy còn vương vấn gì
Tử thần ta há sợ chi.
Vô thường là một định luật chi phối tất cả từ thân, tâm cho đến mọi hoàn cảnh, sự vật. Hiểu “lý vô thường”, chúng ta sẽ gạt bỏ được tham ái, lọc bỏ các tà kiến, các phiền não và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn, sẽ sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật thường còn.
VÔ NGÃ
“Vô ngã” nghĩa là không có cái “Ta”, không có cái bản ngã, cái bản thể. Đối với người, đối với mình, đối với mọi người mọi vật không chấp có một cái thân thể thường tồn, nhất định, mà cho rằng chỉ là một cái thân do ngũ uẩn tạm thời hòa hợp mà thôi. Hiểu như vậy thời dứt “phiền não chướng”, không còn mê tối vì các sự buồn rầu, hờn giận. Vạn vật biến đổi nhanh chóng, không có một tự thể riêng biệt, một chất cố định, một cái “ta” chắc thật, riêng cho mỗi vật. Hãy thử xét cái “ta” trong con người xem có phải là xác thân hay là tâm linh (linh hồn), hoặc là cả hai thứ hợp lại.
Nếu “ta” là xác thân (mà trong Phật học gọi là Sắc) thì xác thân chỉ là sự tạm hợp của bốn chất “Tứ đại”. Bốn chất lớn trong thế giới tạm hợp lại làm thành con người và vạn vật, đó là: “địa, thủy, hỏa và phong”. “Địa” là đất, là chất cứng như thịt, xương…; “Thủy” là nước, là chất lỏng như máu, nước mắt, nước miếng…; “Hỏa” là lửa, là chất nóng tức là hơi ấm trong người…; “Phong” là gió, là chất hơi, hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động…
Chúng ta thử lấy một thí dụ. Khí trời đang ở bên ngoài thì gọi là của cảnh vật. Nếu ta hít vào trong lỗ mũi thời ta gọi cái khí trời ấy là của ta. Vào trong người rồi khí trời sẽ thành thán khí. Những thán khí và các thứ hơi đang ở trong phổi ta cho là của ta. Nhưng khi ta thở ra khỏi mũi thời các khí đó đã là cảnh ngoài. Nếu cây cỏ hút lấy thán khí đó thì lại gọi là của cây cỏ rồi. Nói rộng ra thời những chất lỏng, chất nóng và chất cứng trong thân thể con người cũng đều như vậy cả. Thoạt gọi là của ta, rồi sau đó lần lượt thành ra của cảnh hay của vật. Vậy tại sao lại nhất định nhận nó là của ta, và gọi nó là cái “ta”? Vả chăng nếu cả bốn chất “tứ đại” đó rời nhau ra và mỗi thứ trở về mỗi loại của nó trong vũ trụ thì còn chất gì ở lại để gọi là ta nữa đâu.
Nếu “ta” là tâm linh, là linh hồn thì tâm linh là những tình cảm vui buồn, giận hờn… những ý nghĩ, tưởng tượng, ghi nhớ, những hành động, cử chỉ, phân biệt, hiểu biết v.v… Phật Giáo phân tách những thứ ấy ra làm bốn loại gọi là: “Thọ, Tưởng, Hành, Thức”. “Thọ” là đối cảnh bèn sinh ra cảm giác vui sướng hoặc buồn khổ…; “Tưởng” là đối cảnh bèn nhận ra sự đen trắng, to nhỏ, nam nữ…; “Hành” là đối cảnh vật đem lòng ham muốn hoặc ghét giận…; “Thức” là đối cảnh bèn hiểu biết phân biệt sự vật. Dù phải tổng hợp bấy nhiêu thứ lại để thành cái ta, nhưng có hợp thì có tan. Khi tan thời chẳng còn thứ gì ở lại để làm “ta” nữa.
Trong “xác thân” và “tâm linh” đều không có “ta”. Vậy nếu có hợp cả hai thứ đó lại, tức là “sắc” hợp với “thọ, tưởng, hành, thức” (trong Phật học gọi là thân “ngũ uẩn” hay “ngũ ấm”) thì thân ấy khi phân tách ra, vẫn không có chất “ta” nào riêng biệt cả. “Ngũ” là năm, “uẩn” là chứa nhóm, “ấm” là che lấp. Thân này chứa nhóm tật bệnh, già, chết, si mê, phiền não, nó che lấp chân lý, làm cho con người không nhận rõ được “Tâm” thật, “Tính” thật của mình.
Đức Phật dạy rằng các vật không có chất gì riêng biệt của nó, để làm thành một cái “ta” riêng cho nó. Nó chỉ là những hợp tướng tạm thời của nhiều phần tử “duyên” lại với nhau. Lúc nào duyên hết thì hợp tướng phải tan. Đó là định luật vô thường và lẽ thật vô ngã của tất cả mọi vật trong vũ trụ. Những hiện tượng trong đó có con người, bày ra và hoạt động trong vũ trụ đều là tạm thời và đều là giả, là vọng. Hiểu rõ như thế con người sẽ không vì những cái giả và tạm thời như xác thân, tiền tài, cảnh vật v.v… mà say mê, luyến tiếc, ghen ghét và tham lam, rồi tạo ra các tội lỗi, ác nghiệp, là những nguyên nhân sinh ra đau khổ, quả báo, luân hồi.
Truyện tích kể rằng người kia giàu có nhưng keo kiết. Ông có năm hũ vàng chôn giấu trong nhà nhưng không cho con biết. Ðến lúc chết, ông ta tái sinh làm một người ăn xin có hình tướng xấu xa. Ngày nọ, tình cờ ông đi đến cái nhà của ông trong kiếp sống trước, nhưng khi bước vào thì bị con và người nhà cột trói lại và vứt trên một đống rác. Ðức Phật đi ngang qua thấy vậy mới lưu ý người chủ nhà rằng ông kia chính là cha của anh trong kiếp trước. Anh không tin. Đến khi được biết chuyện năm hũ vàng, anh về nhà đào lên thấy đúng. Đức Phật chỉ rõ cho thấy rằng kẻ cuồng si trong cuộc đời cứ lo nghĩ về cái “ta” giả tạo mãi, không biết rằng chính mình cũng không phải là của mình nữa huống chi là con cái, là tài sản của mình:
(Pháp Cú 62)
“Đây là con cái của tôi
Đây là của cải mấy đời chắt chiu!”
Người ngu chỉ nghĩ bấy nhiêu
Nào hay biết được một điều thâm sâu:
Chính thân ta cũng có đâu
Mà đòi con nọ, mà cầu của kia.
Những hiện tượng, những cảnh vật ở thế gian mà mắt phàm phu chúng ta trông thấy đều là giả, không đúng với hình tướng của hiện tượng thật, cảnh vật thật mà mắt sáng suốt của chư Phật trông thấy. Chúng sinh là người mê, chỉ trông thấy hình dáng giả của đời và của vũ trụ. Phật là người thức tỉnh nên Phật trông thấy hình dáng thật, bộ mặt thật của đời và vạn vật vũ trụ.
Thí dụ như trong một căn phòng tối tăm, một người trông thấy một con rắn to nằm uốn khúc cuộn tròn. Người ấy hốt hoảng, vội vàng kêu la cầu cứu. Nhưng đến khi thắp đèn sáng lên thì con rắn to ghê sợ ấy chỉ là một cuộn dây thừng. Thế ra người ấy kinh hoảng vì đã không nhìn thấy vật thật là cuộn dây, mà chỉ nhìn thấy vật giả và tưởng là con rắn.
Cũng vậy, một phương ngôn bên Ấn Độ nói: “Khi thấy chó thì không có đá; khi thấy đá thì không có chó.” Trong lúc tối tăm, mê mờ, người ta trông thấy hình dáng một con chó ngồi trong xó cửa sắp nhảy ra cắn mình nên sinh tâm sợ hãi. Lúc sáng sủa, nhận rõ là hòn đá thì con chó ghê gớm lúc trước tự nhiên biến mất không còn nữa.
Nhân một dịp nọ Ðức Phật nhận thấy các thầy Tỳ kheo hành thiền với đề mục “vô ngã”, Ngài khuyên các thầy nên tiếp tục, nên sáng suốt nhận thức phân biệt điều này và nhàm lìa thống khổ, phiền não mà theo con đường trong sạch:
(Pháp Cú 279)
Mọi sinh vật có thật đâu
Thảy đều “vô ngã”, “ta” nào là “ta”
Trí người nếu hiểu rõ ra
Thoát ly phiền não cho xa tức thời,
Theo đường thanh tịnh tuyệt vời.
Vợ chồng một người Bà La Môn đang ăn sáng. Đức Phật đến khất thực. Người vợ đứng che đi chẳng cho chồng thấy Đức Phật. Nhưng chồng biết được và đem cúng dường Ngài. Ông bạch hỏi Ðức Phật những điều gì làm nên đặc tính của một thầy Tỳ kheo. Ðức Phật mô tả vắn tắt rằng “Tỳ kheo là người không bị ràng buộc bởi những gì thuộc về tâm hay thân. Thân này gọi là sắc. Tâm này gọi là danh. Vị Tỳ kheo xứng danh chẳng hề mê luyến danh sắc. Không còn luyến ái, không thắc mắc lo âu về những gì mình không có”:
(Pháp Cú 367)
Thân tâm, danh sắc biết ra
Cái “ta” không chấp, “của ta” chẳng màng,
Ưu tư, sầu não sẽ tan
Khi “ta” không chấp, chẳng màng “của ta”
Người như vậy thật cao xa
Xứng danh đáng được gọi là Tỳ Kheo.
Con người, vì không thấy rõ được sự thật, không nhận biết được sự giả hợp của ngũ uẩn tạo thành tấm thân của mình nên ngay từ lúc lọt lòng mẹ, một cái tên gọi cùng với nhận thức sai lầm về cái “ta” đã tạo thành một ngộ nhận căn bản về sự hiện hữu và giá trị của một con người. Từ đó, tính “chấp thật” và sự ích kỷ hình thành. Đây chính là giềng mối của bao nỗi thống khổ mà chúng ta đã cưu mang suốt cả kiếp người. Chính ảo mộng về một cái “ta” và những cái “của ta” đã đưa đến hận thù giữa các cá nhân, các đoàn thể, đưa tới thảm trạng chiến tranh giữa các quốc gia.
Tất cả đều không có “ta”, đều “vô ngã”. Bản chất thực của tấm thân chúng ta đang mang giữ giữa cuộc đời này rất mong manh, luôn biến chuyển. Khi cái “ta” đã không còn thì dục vọng còn dựa vào đâu để đòi hỏi cho cái “ta” riêng biệt. Khi biên giới thành trì ngăn cách giữa mình và người được san phẳng thời sự tranh chấp sẽ không còn, bức tường thành của sự ích kỷ hẹp hòi thực sự sụp đổ, ranh giới của chủ nghĩa cá nhân bị xóa nhòa, lòng bao dung vị tha sẽ bừng sáng, nhân loại xích lại gần nhau. Mình và người sẽ giao hòa trong một biển sống mênh mông không bờ lũy, không ngần ngại nắm chặt tay nhau cùng chung sức xây dựng một nền hòa bình vĩnh cửu và hạnh phúc chân thật hiện hữu ngay trên quả đất này. Đạo lý vô ngã của Phật Giáo là động cơ thúc đẩy con người dũng tiến trong công việc phụng sự nhân loại. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.3/11/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment