Sunday 22 July 2012

TAM NGA MAN.

 
TÂM NGÃ MẠN

Phàm phu chúng ta vì quên mất tự tánh, nên tự tánh liền biến thành A-lại-da thức, trong A-lai-da-thức có Mạt-na thức sanh ra bốn thứ phiền não là ngã kiến, ngã ái, ngã si và ngã mạn. Trừ các vị đã chứng được quả A La Hán trở lên mới không còn tâm ngã mạn, tất cả các loài từ Trời trở xuống đều còn có tâm ngã mạn. Ngã mạn là vọng tưởng sanh sanh diệt diệt trong tâm của chúng ta không ngừng; theo như lời dạy của đức Di Lặc Bồ-tát: vận tốc sanh diệt của vọng tưởng trong tâm chúng sanh nhanh như thời gian của khoảng khảy móng tay. Chúng ta là phàm phu, do đó ai cũng có lòng ngã mạn, nhưng cường độ ngã mạn có khác nhau, có thô và có vi tế.

Người tu hành mà có lòng ngã mạn thì thường gặp ba thứ chướng ngại như sau:

· Người ngã mạn, dù cho thường đọc tụng kinh điển Phật, nhưng không thực hành được bởi do tâm ngã mạn. Tại sao? Vì họ không y giáo phụng hành, không làm theo đúng lời Phật dạy, tức là còn ngã mạn, còn chưa tin lời Phật dạy. Trong kinh Pháp Hoa Phật nói: “người tin ta, mà không làm theo lời ta dạy là người phỉ báng ta”.
· Người ngã mạn thường sanh tâm đố kỵ, ganh ghét người giỏi hơn mình và thành công hơn mình, hay phá hoại việc làm của người khác bằng lời nói và hành động. Họ tự ngăn ngại tâm thanh tịnh và từ bi của chính mình.
· Người ngã mạn thường sanh lòng tham dục vì muốn hơn người.

“Hoà thuận” là hai pháp dùng để đối trị tâm ngã mạn. Để có thể thực hiện được pháp “hoà thuận”, đức Phật lại dạy bốn pháp để nhiếp thọ chúng sanh, được gọi là Tứ nhiếp pháp. Tứ nhiếp pháp gồm có: Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.

1. Bố thí nhiếp có nghĩa là sự quan tâm, sự bố thí vô úy, khác với ý nghĩa của bố thí trong Lục Độ. Thí dụ: hiếu khách, tán thán, cám ơn, khuyên lơn, an ủi, tặng quà v.v… là cách bố thí trong Tứ nhiếp pháp.
2. Ái ngữ nhiếp không phải là lời nói ngọt ngào nịnh bợ, mà là lời nói chân thật, thương yêu và từ bi.
3. Lợi hành nhiếp là làm những việc làm có lợi ích chung cho mọi người, lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh, không tự tư tự lợi. Tự tư tự lợi là tham, xem ra như có lợi ích trước mắt, nhưng đến lúc phải thọ quả báo, rơi vào chốn hỏa ngục, thì hối hận cũng không kịp. Lợi người mới là lợi mình. Tự lợi cho riêng mình là ác pháp, tự làm hại lấy chính mình.
4. Đồng sự nhiếp có nghĩa là làm cùng sự nghiệp với chúng sanh hữu tình, cùng lợi ích như nhau, cùng công việc khổ vui (nghiệp); gần gũi chúng sanh, dùng pháp nhãn thấy rõ căn tánh chúng sanh như thế nào, rồi tùy thuộc vào những thân căn y báo chánh báo cùng cái khổ cái vui của họ mà thị hiện thân hình ứng vào những thân căn đó mà hiện thân cứu vớt đưa họ vào chánh đạo, khiến cho họ cũng được những lợi ích. Cách thức Đồng sự nhiếp nầy chỉ có Phật Bồ-tát mới có thể làm được, phàm phu chúng ta không làm nổi. Chúng ta nhận biết cách làm nầy qua lịch sử của Phật Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài thị hiện ở thế gian nầy với thân của chúng sanh và phải chịu các thứ khổ vui như chúng sanh để giáo hoá họ … Chúng sanh thấy Ngài có cần khổ tu hành và thành đạo, nhưng đối với Ngài thì không có vui và cũng chẳng có khổ, vì Ngài đã vượt qua tất cả các pháp đối đãi của thế gian.
Trong cuộc sống gia đình, đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, nếu chúng ta biết dùng Tứ nhiếp pháp để ứng xử, thì gia đình sẽ được an vui và hạnh phúc mỹ mãn. Trong đoàn thể cộng đồng xã hội, tăng đoàn hay đạo tràng v.v… nếu chúng ta thực hành Tứ nhiếp pháp, thì tập thể nầy sẽ được đoàn kết và có sức mạnh thành tựu mọi việc làm. Tóm lại, Tứ nhiếp pháp là pháp tu giúp chúng ta phá trừ tánh ngã mạn để có thể hằng thuận với chúng sanh.
Bồ-tát luôn thị hiện ở thế gian, luôn biểu diễn Tứ nhiếp pháp một cách viên mãn để cho chúng ta nương theo mà học tập. Các Ngài thị hiện với thân người giống như chúng ta, sinh sống lẫn lộn với chúng ta để dẫn dắt chúng ta vào Phật đạo. Việc nầy được Phật Thế Tôn nói trong kinh Vô Lượng Thọ như sau: “Trong cõi Phật đó, tất cả Bồ Tát, hiện tại vị lai, đều đang rốt ráo, nhất sanh bổ xứ. Duy trừ nguyện lớn, vào cõi sanh tử, vì độ quần sanh, làm sư tử hống, khoác đại giáp trụ, công đức hoằng thệ, dùng tự trang nghiêm. Tuy rằng sanh vào, đời ác năm trược, thị hiện giống họ, thẳng tới thành Phật, không thọ hướng ác, sanh đâu cũng thường biết mạng đời trước”.

Bồ-tát thị hiện ở thế gian, có lúc là người hiền minh làm gương mẫu, có lúc là người xấu ác để cảnh tỉnh, giúp chúng sanh nhận ra lý nhân quả mà làm lành tránh ác. Do đó, đối với người hiền hay dữ, tốt hay xấu, khiêm nhường hay ngã mạn, chúng ta đều phải chân thành và bình đẳng cung kính họ, chớ nên xem thường khinh dễ họ. Nếu chúng ta có lòng khinh thường người làm ác, chúng ta cũng chính là người có tâm ngã mạn. Có một điều mà chúng ta phải nên luôn hết sức thận trọng là: chớ nên vọng tưởng tự xem mình là Bồ-tát hay Nhất Sanh Bổ Sứ thị hiện cứu độ chúng sanh; bởi lẽ, khi chúng ta khởi lên cái tâm này, thì chúng ta đích thực là người ngã mạn. Vọng tưởng nầy rất là thường xảy ra với những người làm được các pháp lành, rồi xem thường người khác chưa làm được … Lại nữa, Bồ-tát có thể thị hiện là người xấu để giáo hoá chúng sanh, nhưng chúng ta không phải là Bồ-tát, nên không thể bắt chước các Ngài mà làm như vậy. Chúng ta chỉ có thể bắt chước những điều tốt lành và âm thầm quán chiếu những việc xấu ác để không bị phạm lổi.

Phật dạy chúng ta Tứ nhiếp pháp để đoạn trừ tâm ngã mạn, nếu chúng ta thường áp dụng pháp nầy trong cuộc sống hằng ngày, tâm ngã mạn của chúng sẽ dần dà giảm bớt, tánh đức và phước báu sẽ được hiển lộ, mọi nguyện ước sẽ được thành đạt mà không cần phải mong cầu ở bất cứ nơi nào khác.

Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy rằng:

“Tự tánh bản nhiên vốn sẵn thanh tịnh, chí nguyện vô thượng, thân tâm tịch định an lạc. Hốt nhiên khai đốn, minh bạch triệt ngộ, thấu được Thật Tướng các pháp, bản thể vũ trụ. Tự nhiên quang sắc xen nhau biến hiện như như, chuyển biến tối thắng. Uất Đan Việt tự nhiên thành bảy báu, từ hư không tự nhiên hiện ra vạn vật, hiển lộ từ Quang Minh tạng tinh diệu sáng sạch, tốt lành thật khôn sánh, tỏ soi không trên dưới, thông suốt không ngằn mé. Nỗ lực tự cầu đạo, tự thân siêng tinh tấn, ắt quyết được siêu tuyệt, vãng sanh cõi vô lượng thanh tịnh của Phật A Di Đà. Chặt ngang dứt năm đường, ác đạo tự đóng lấp.”

Trong kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 20, Gió đức mưa hoa, có đoạn kinh văn: “Gió lại thổi qua rừng cây bảy báu, cuốn hoa rơi kết lại thành vầng, từng sắc từng quang, trải khắp cõi Phật. Hoa lần lượt tụ lại riêng biệt từng màu, chẳng xen tạp loạn, nhu nhuyễn sáng sạch, như Đâu La Miên. Chân giẫm trên hoa, lún sâu xuống bốn ngón, khi giở chân lên, hoàn phẳng như cũ. Quá khỏi giờ ăn, hoa ấy tự mất, mặt đất thanh tịnh, lại mưa hoa mới. Tùy thời tùy tiết, tuần hoàn trọn khắp như trên chẳng khác, như vậy sáu thời cho mỗi ngày đêm.”

Phật học là nội học; do đó, tất cả những gì Phật dạy đều quy hướng về Tâm: cảnh cũng là tâm, tướng cũng là tâm, âm thanh cũng là tâm, hương thơm cũng là tâm v.v… Tánh Tướng Đồng Nguyên: trong Tướng thấy Tánh, trong Tánh thấy Tướng, sự sự vô ngại. Lại nữa, cảnh giới Tây Phương thù thắng, từng thứ từng thứ một đều là Pháp của A Di Đà Phật dùng để giáo hoá chúng sanh trong cõi nước ấy. Dựa trên căn bản hiểu biết này, khi ta thấy tướng mà không dính mắc vào tướng thì liền hiểu được bí tạng (mật tạng) của kinh Phật và liễu ngộ được tự tâm. Pháp Phật nhiệm mầu, thâm sâu và vi diệu vô cùng tận, không thể dùng lời nói văn tự mà diễn tả cho hết, chỉ phải dụng tâm mà quán niệm. Vài đặc điểm của đoạn kinh văn trên xin được trình bày dưới đây, trong góc độ tư duy của riêng tôi, để chúng ta có vài nhận biết rằng Phật nói cảnh sắc, cũng là nói tâm, và tâm cũng là cảnh sắc:
§ “Gió lại thổi vào rừng cây bảy báu, hoa rơi kết nhóm, từng sắc từng quang, đầy khắp cõi Phật”: nghĩa bóng là trong cõi Cực Lạc có vô số Thánh Chúng, mỗi vị đều có tánh đức (giới, định và huệ) như hoa thơm đầy khắp nước Phật.
§ “Từng màu từng sắc, không xen không tạp, uyển chuyển sáng suốt, như Ðâu La Miên”: nghĩa bóng là mỗi vị thánh chúng trong cõi Cực Lạc trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, họ uyển chuyển và thích nghi trong Trung đạo đối với tất cả pháp, không vọng tưởng, không phân biệt và chấp trước, không chấp pháp, không dính mắc, không buộc, không mở, không xen tạp v.v...
§ “Chân bước lên hoa, lún sâu bốn lóng, theo bước chân giở, phẳng lại như cũ”: Vì các thánh chúng vẫn chưa thành Phật, nên tâm của họ vẫn còn có những vọng tưởng vi tế chưa đoạn; thế nhưng khi nó vừa khởi lên, chưa lún sâu lắm, thí dụ như chỉ vừa lún sâu bốn lóng, thì các Ngài liền nhận biết và nhanh chóng an trụ tâm trở lại trong chánh định, trở lại phẳng lặng thanh tịnh như trước.
§ “Qua bữa ăn xong, hoa kia tự mất, mặt đất thanh tịnh, lại giăng hoa mới. Tùy thời tùy tiết, trở lại biến khắp, như trước không khác, sáu lần như thế”: Sự tu tập của các Ngài mỗi bữa, mỗi thời đều là như vậy, đều là an trụ tâm trong chánh định, phá trừ vọng tưởng, phân biệt và chấp trước cho đến khi chứng đặng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật cũng nói: đây là cái quả thù thắng Tối Cực của người.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.( SADI-NI ).AUSTRALIA,SYDNEY.

No comments:

Post a Comment