Sunday, 11 December 2011

DÂNG TRỌN TÂM THÀNH


Tỳ kheo Thích Thiện Hữu


Hằng năm, đến mùa Phật Đản là chúng ta có duyên may ôn lại cuộc đời của bậc giác ngộ hoàn toàn, được ghi lại rõ ràng trong những bài kinh sống động hùng hồn, qua những trang Phật sử chứa chan pháp âm vi diệu nhiệm mầu, đã làm lợi ích, an lạc cho biết bao con người và vạn loại chúng sanh.

Mục đích ra đời của đức Từ Phụ Thích Ca là khuyến hoá chúng sanh bỏ dữ làm lành, hướng dẫn mọi loài hiểu rõ bản chất cuộc đời và con người là vô thường và tình thương yêu dạt dào. Đời Ngài đã để lại nhiều bài học đạo đức tâm linh vô giá, trở thành những bản thánh ca bất diệt, phần nào xoá tan những dị biệt hận thù, những chiến tranh thảm khốc trên hành tinh này. Nhân cách sống, tâm lượng đại bi, hạnh nguyện đại từ của Ngài đã được tuyên bố dứt khoát và khẳng khái trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Ta ra đời vì một nhân duyên lớn, đó là chỉ bày cho chúng sanh nhận rõ phẩm chất Phật tuyệt vời nơi mỗi con người”.

Trong cuộc sống khổ đau phiền luỵ, sự hiện hữu của các bậc Thánh nhân chỉ vì một mục đích duy nhất là dẫn dắt chúng hữu tình trở về nẻo ngay đường thiện, sống trọn vẹn với chân tâm thanh tịnh của chính mình. Vì vậy, ngày nào thế giới còn những cửa ải của hận thù, những thành trì của bất công, những hố sâu của tội lỗi, thì giờ phút đó, thế giới rất cần những con người biết hy sinh những riêng tư, biết tôn trọng những lợi ích, biết cung ứng những nhu cầu quan yếu cho tha nhân.

Khi nào tâm hồn con người biết trở về nghe lại tiếng lòng thiết tha chân thật của chính mình, thì những mãnh lực ngoại giới sẽ không có cơ may chiếm hữu. Hơn nữa, tâm thức con người sẽ nhẹ nhàng bước vào những mảnh vườn thoáng mát của cảm thông, những khu đô thị của thương yêu ngọt ngào, những bãi tắm thiên nhiên của tha thứ bao dung. Để cuối cùng, niềm vui miên viễn sẽ hiện hữu, những tiếng khổ não, sầu bi và con đường lên xuống sinh tử không còn nữa:

Dù thế giới này là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v…thì cuộc đời này vẫn có sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; pháp Ta thuyết giảng là nhằm mục đích chấm dứt khổ đau, giải thoát sanh tử, đạt đến an vui vĩnh viễn. (Trung Bộ Kinh II, trang.486)

Khoa học càng tiến bộ, thế giới càng văn minh, thì lâu đài đạo đức tâm linh, mối tương duyên ứng xử giữa con người và xã hội lại cạn dần, thiếu thốn trầm trọng. Những bạo hành trong gia đình và xã hội đang lan tràn khắp nơi. Khổ đau sinh tử tiếp diễn không ngừng. Vì vậy, con đường chấm dứt khổ đau, giải thoát sinh tử vẫn là hướng đi đích thực, là trách vụ chung của những người con Phật.

Đau khổ, sinh, già, bệnh, chết luôn là tiếng chuông trí tuệ cảnh báo trần gian. Thế mà, con người vẫn còn tiếp tục tranh giành, vẫn còn mải mê trong cái hữu biên, vẫn còn lờ mờ trong cõi vô thường, vẫn còn đắm chìm trong nhân-ngã, bỉ thử, vẫn còn theo đuổi những bóng mờ của danh lợi thế quyền, để cuối cùng, gây bao phiền luỵ cho người, gây bao khổ sầu cho cuộc đời.

Niềm an vui vĩnh viễn không xuất hiện, khi con người cứ gia tâm hướng ngoại, sống trong tâm thức bỏn xẻn, ích kỷ kiêu căng, vô tình lãng quên những giá trị đạo đức hằng hữu trong tâm hồn.

Niềm an vui vĩnh viễn sẽ không hiện hữu, khi con người vẫn còn những ý niệm, hành động phô trương, kết thân với các thế lực bên ngoài, nhẫn tâm chà đạp phẩm giá người khác, đánh mất ý nghĩa thiêng liêng cao cả của đời sống vị tha.

Niềm an vui vĩnh viễn sẽ không nở nụ mỉm cười, khi con người vẫn còn những toan tính hãm hại, những bôi nhọ, tranh chấp với tha nhân, cộng đồng và xã hội.

Nhìn lại, trong quá trình phát sinh, phát triển đạo Phật, từ sơ khai đến ngày hôm nay, chưa từng có một mảy mai tranh chấp, hận thù với thế gian và cuộc đời:


“Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh chấp với thế gian, chỉ có thế gian tranh chấp với Ta. Không có người nào theo chánh pháp mà lại tranh chấp với thế gian... (Tương Ưng Bộ Kinh III, trang.138-140)

Tranh chấp với thế gian, trái tim con người sẽ bị rách nát, không còn ngọt ngào, dịu dàng, nguyên vẹn. Tranh chấp với thế gian, tâm hồn con người sẽ mỏi mệt, hôn mê, nứt rạn, không còn cơ hội để đùm bọc, thương yêu nhau. Tranh chấp thế gian, trái tim con người không còn đập theo nhịp điệu êm ả của những phút giây tĩnh tại, mà luôn gõ nhịp trong hồi hộp lo âu, toan tính hãm hại tha nhân.

Tranh chấp với cuộc đời, tất cả những bản tình ca muôn thuở sẽ không có cơ hội cất cao tiếng hát thanh thoát trong những đêm trường u tịch, quạnh vắng cô liêu. Tranh chấp với cuộc đời, con người sẽ gây ra nhiều cuộc chiến tranh không lối thoát, sẽ tạo ra nhiều nỗi ám ảnh khôn nguôi trong cõi lòng nguyên trinh. Tranh chấp với cuộc đời là nhẫn tâm chấp nhận một xã hội, một đất nước tâm linh quằn quại đổ nát điêu tàn. Tranh chấp với cuộc đời là chấp nhận một thiên nhiên, một môi trường bị xé nát, thiêu đốt không chút nương tay.


Tranh chấp với thế gian và cuộc đời, tâm hồn con người không còn sức sống nội tại, không còn thong dong hát ca, không còn phơi phới phụng sự lý tưởng cho nhân loại, mà trái tim hồng đẫm ướt tình thương sẽ biến thành sỏi đá khô cằn.

Bức thông điệp từ bi không tranh chấp, không bạo động này đã được đức Phật tuyên thuyết hơn 2500 năm qua, và sẽ tiếp tục đi vào lòng nhân loại như một nhắc nhở, một khẩn thiết kêu cứu, một yêu cầu thoát khổ:


Này các Tỷ-kheo, Ta chỉ nói lên sự khổ và phương pháp diệt khổ, do vậy, nếu có người huỷ báng, nhục mạ làm cho Như Lai tức giận, thì Như Lai không tức giận, không bất mãn. Trái lại, nếu có người cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai, thì Như Lai không hoan hỷ, hãnh diện hay thích thú. Vì Như Lai nghĩ rằng: Đây là điều mà xưa kia đã từng có, và đó là trách nhiệm mà Ta phải thực hiện” (Trung Bộ Kinh I, Kinh Xà Dụ trang 140-141)


Đức Phật đã thấy rõ mặt thật của cuộc đời, đã nhận chân lẽ thật của cuộc sống. Chính vậy, Ngài đã quyết định từ bỏ địa vị sang giàu, quyền cao tột đỉnh của ngôi vị đế vương, để xuất gia làm kẻ du phương trên khắp vạn nẻo đường Ấn Độ.

Thời đó, trước khi Thái tử Sĩ-Đạt-Đa ra đời, những trò độc quyền rao giảng đức tin, những kiểu tôn sùng cá nhân, tôn vinh tôn giáo đã nhan nhản mọi nơi. Những luận điệu, chứng minh cho mình là phạm hạnh thanh tịnh, kẻ khác dơ bẩn xấu xa đã lan tràn khắp chốn. Những hình thức khen ngợi, lễ bái cúng dường, đã hiện hữu khắp hang cùng ngõ hẻm.


Khác với những tôn giáo đương thời, khác với những quan niệm của các lãnh tụ tôn giáo đương đại, trách nhiệm thiêng liêng của đức Phật, mục đích cao cả của đạo Phật không phải mưu cầu, không phải chú tâm vào những thứ hạn hẹp đó. Mà mục đích của đạo Phật là trách nhiệm với cuộc đời, với chúng sanh vạn loại. Trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của đức Như Lai và đạo Phật là làm sao hướng dẫn cuộc đời thoát khỏi vòng cương toả của mừng-giận, thương-ghét, được-mất, hơn-thua trong thế giới vô thường giả tạm này. Một xã hội không còn phân chia giai cấp, mà dẫy đầy tinh thương; một tôn giáo luôn tôn trọng đức hiếu sinh, đầy lòng từ bi rộng lớn, biết nhường cơm xẻ áo, biết gạt bỏ những hư danh hạ đẳng, sẳn lòng hy sinh tất cả quyền lợi của mình cho kẻ khác là mục đích tối hậu của đạo Phật.

Tóm lại, dù cuộc đời có thăng trầm biến đổi, nhưng ngày Phật Đản đã trở thành nếp sinh hoạt tâm linh, nét văn hoá thiết thực cho hàng Phật tử khắp năm châu.

Ngày Phật Đản đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của tình thương vô vụ lợi, của trí tuệ bạt ngàn vượt qua mọi ngăn cách của chủng tộc màu da.

Ngày Phật Đản sẽ là cơ hội để lắng nghe những giải pháp của Phật giáo đối với vấn đề chiến tranh đang tàn khốc, hiểm hoạ xung đột màu da, xung đột khu vực kinh tế, hiểm hoạ phân cách giàu nghèo, bất công xã hội đang rên xiết thê lương.

Xin cúi đầu vâng giữ những giáo pháp cao quý và quyết chí mang ra ứng dụng thực hành. Luôn tự hồi quang phản chiếu, lấy bài học sống động ‘không tranh’ làm lẽ sống cho chính mình. Một mặt để cất bước tiến tu, một mặt để dâng trọn tâm thành cúng dường ngày Phật Đản!!!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).12/12/2011.

No comments:

Post a Comment