Monday 5 December 2011

Mùa Xuân Tiến Hóa.

TT Thích Phật Đạo

Thu qua đông tới lại sang xuân.
Năm mới thì mọi thứ đều mới. Mọi việc đều được thay đổi, từ cái nhà, cái bàn, cái ghế v v… tất cả đều được tẩy rửa sạch sẽ để chào đón năm mới.
Vì vậy, khi bắt đầu cho một năm, chúng ta thấy mọi người ở ngoài thế gian họ đều muốn thay đổi mọi thứ, không muốn tái diễn những cái gì cũ kỹ của năm vừa qua. Vứt bỏ đi những cái gọi là không tốt đẹp. Đối với người Phật tử thì còn phải nhận thức được sự đổi mới trong tâm hồn, trong tất cả những ý nghĩ, nói năng hay hành động đều phải có sự thay đổi, có sự tiến hoá. Nếu như chúng ta không đổi mới thì làm sao có đầy đủ sự tiến hoá, làm sao đầy đủ công đức, làm sao đầy đủ được trí tuệ. Nếu chúng ta không thay đổi tất cả cái mới bỏ đi những cái sai lầm cũ, những cái vô minh mà từ lâu bị nó che lấp, thì chúng ta luôn bị mờ mờ mịt mịt không thấy lối đi cho vững chãi trên đường tu giải thoát.
Do đó mà:
Năm mới, tâm mới, chúng ta đổi mới
Mới mới mới chúng ta phải đổi
Đổi làm sao cởi hết si mê
Cởi làm sao biết được đường về
Mới mới mới trăm bề thăng tiến.

Nếu mà chúng ta không đổi mới thì không thể hoà nhập vào giữa thế gian. Nếu cũ hoài, phiền não hoài cũng mệt. Khi mình mặc chiếc áo cũ vào, bản thân mình cũng thấy chán, huống nữa là cái tâm điên đảo vọng tưởng, nếu không thay đổi thì phải hổ thẹn với ông Phật trong tâm mình.
Đã là năm mới chúng ta phải thật sự cho nó mới, cái mới ở trong tình nghĩa con người. Tại sao con người ta ít khi nghĩ tới vấn đề đổi mới tình nghĩa ? Sao những tình cảm bị nhạt phai mà chúng ta không đổi lại cho nó mới, cho nó thâm tình hơn ? Bởi thế cho nên tình nghĩa kia mỗi ngày nhạt phai theo năm tháng, tình nghĩa kia ngày càng mai một đi.
Giữa con người với con người chỉ có chấp chặt, sân hận, giận hờn. Mối tình cảm khó khăn lắm mới vun đắp, gầy dựng được mà để những chuyện không đâu làm tiêu tan chỉ trong phút chốc. Cũng vì tình nghĩa chúng ta không có sự đổi mới, không có sự chan hoà cùng với tất cả mọi người. Chúng ta chỉ lo cho cái mới, mới ở trong năm này qua năm kia, rồi mình chỉ trong cái khuôn nhỏ hẹp ở trong gia đình mình mà chúng ta không có sự đổi mới trong tình nghĩa cộng đồng Phật tử nói riêng và gắn kết muôn triệu trái tim nhân ái với nhau.
Hành hương đầu năm Canh Dần tại chùa Đại Tòng Lâm Bà Rịa – Vũng tàu

Cái mới ở trong năm tới cái gì cũng cần phải mới, nhưng tâm tánh chúng ta thì không đổi mới. Như vậy sẽ rất tiếc cho cái năm tới không có nhiều cái mới, không có một chút gì thay đổi chỉ vì mình còn giữ cái cổ hủ. Cho nên mình thấy dầu ở thế gian hay ở trong đạo, cái tình cái nghĩa đầu tiên của con người phải được coi trọng trên hết. Bởi lẻ tình nghĩa con người tốt, thì tâm tánh chúng ta mới đến với đạo một cách tốt đẹp, một tư tưởng thuần tuý. Có tình nghĩa rồi mới có đạo đức, và khi chúng ta thật sự có đạo đức rồi thì mới nói tới chuyện giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Cho nên chúng ta nói cái mới đầu tiên là nói cái mới của tình nghĩa. Dù cho đó là tình nghĩa thế gian đi chăng nhưng mà cũng phải có. Ngay cả con vật mà chúng còn sống có tình nghĩa yêu thương chủng loại với nhau, thì huống gì chúng ta được may mắn sanh làm người. Đã là người với nhau thì làm sao cho đúng nghĩa, làm sao cho mọi việc đều có thể hiểu nhau một cách thoải mái. Lám sao để chúng ta thể hiện được đủ nhân cách sống trọn đạo của một con người.
Cái mới của mình khi mình được nghe những lời tình nghĩa, đừng bao giờ để ngôn từ không đẹp nó ám chỉ chúng ta, đừng để nó lèo lái chúng ta đi đến một nơi không có bến đậu. Khi chúng ta ngồi lại với nhau, trao đổi vấn đề Phật pháp để mà hiểu nhau, thông cảm cho nhau. Thật ra không có một tư tưởng nào mà gọi là ám chỉ nhau. Bởi vì Phật pháp là viên thông, Phật pháp không bờ mé, không đầu mối, không chung cuộc, như vậy thì đâu có gọi là ám chỉ ai được.
Do vậy, mình biết rõ, sở dĩ mà người thế gian biết lấy tình nghĩa đổi lấy tình nghĩa, thì tại sao chúng ta là những người con Phật, là Phật tử chúng ta phải theo những công hạnh mà đức Phật ngài đã dạy chúng ta, theo con đường mà ngài đã vạch sẵn.
Là Phật tử trọn niềm tin với Phật
Đem hết lòng trọn đạo kính vâng
Quản chi mưa nắng tảo tần
Cho người được hưởng trọn trong pháp màu
Là Phật tử tin sâu đạo lý
Không ỷ mình có chí cao xa
Chỉ là muốn dẫn người ta
Đi vào Phật pháp, rời xa não phiền
Con người sống với nhau chỉ có cái thâm tình là trên hết.
Chúng ta là Phật tử, phải sống đúng theo lời Phật dạy:
Sống cho đúng đạo từ bi
Sống không trái phép tu trì Phật môn.

Một gia đình Phật tử đạo Phật Hòa Hảo tại tỉnh Đồng Tháp đang thọ 5 giới trước khi quy y

Chúng ta là con Phật, là người thừa hành đạo giải thoát giác ngộ. Đức Phật ngài nói ra lời nào, nhân nào, duyên nào, cảnh nào, tình nào, nghĩa nào v v… Tất cả đều là chân lý vô song, không bao giờ thay đổi giúp mỗi chúng sanh trên thế gian biết cách sống, biết giữ gìn hạnh phúc gia đình, biết sống hài hoà ngoài xã hội đối đãi tốt với nhau, biết trọng nghĩa khí bạn bè. Sống với những người ruột thịt thì kính ông bà, cha mẹ, quý mến anh em, họ hàng, vợ chồng thì tôn trọng quý mến nhau trong tình nồng nghĩa mặn, không bao giờ phai nhạt.
Nếu cuộc đồi ai đó sống ở thế gian này mà không có tình nghĩa thì phải tự xét lại bản thân, tự biết hổ thẹn vì mình sống chưa trọn đạo lý. Nếu như chúng ta đã niệm được một câu niệm Phật, đọc được một câu chú, học được một câu kinh, nghe được một lời pháp hay, làm được một công hạnh tốt, tìm được những giây phút yên lặng, mà chính bản thân chúng ta không gầy dựng một tình nghĩa bền bỉ, đó là điều thiếu sót lớn lao cho một đời người.
Bởi tình nghĩa là cầu đạo đức
Muốn thoát trần phải dứt tâm tham
Tâm tham là cái lam nham
Tham cho lắm khổ, phải làm thối tâm.
Tâm tạo ra cội đức tu hành,
Hành cho đến chốn tâm lành sáng trong
Nếu không biết khổ tại tâm,
Để cho vọng tưởng mê lầm mà thôi.
Ai người muốn được thảnh thơi,
Thì cầu đạo đức trao dồi nơi tâm.
Mai sau hiểu đạo viên thông
Để không còn phải đoạ đày ngục kia.
Mỗi húng ta phải hiểu thấu đáo, phải hiểu cho tột cùng. Cái mà chúng ta cần đổi mới thứ hai là không chỉ gói gọn trong tình người. Bởi vì đạo là bổn phận, là con đường. Đức là đức tánh chân thật, nếu mình trở về với tánh chơn thật của mình thì cái đức chơn thật đó sẽ được hiển bày.
Nếu mình biết viên thông cái đạo chơn thật, thì mình sẽ đạt được cái đức chơn thật của nó. Đạo thì có nhiều bổn phận, thế nhưng bổn phận của người Phật tử thì khác với bổn phận của người thế gian. Bổn phận của người Phật tử là:
Lo hộ pháp là cầu trên hết,
Lo giúp người thì mới an nhiên
Tình thương của Phật thiêng liêng
Độ đời mà vẫn không mong đáp đền.
Đó chính là nhân cách đạo đức, là bổn phận của người Phật tử. Một khi chúng ta hiểu rõ chỗ này rồi thì mọi chuyện đi vào thế gian, đụng chạm đến thế gian, hay trong đạo tràng, hay làm người dẫn đường, chỉ lối cho người đi chăng. Một chuyện mình làm, đừng để cho cái bản ngã xen vào trong đó. Khi mình làm một việc có lợi ích cho mọi người, mà không nghĩ đến mình đã làm, không mong cầu danh lợi, không vì tiếng khen, không vì cá nhân bất cứ người nào thì đó gọi là đạo vậy.

Nếu chúng ta thật tâm đến với đạo thì đức tánh từ bi, hỷ xả, khoan dung, nhẫn nhục, tất cả đều có thể thực hành được.
Chữ đạo thật không có hình tướng, không thấy, không nghe, không sụt, không tiến, không màu, không sắc, không âm thanh, không sắc tướng. Muốn là người có được chữ Đạo còn tuỳ thuộc vào cái tâm, tùy theo sự hiểu biết của tâm, tùy theo căn cơ của mỗi người mà chúng ta có thể cư xử, có thể đối đãi sao cho nó phù hợp
Hiểu được cặn kẻ chữ đạo, chúng ta tự biết thuận theo phương tiện mà đối đãi với mọi người, có thể chúng ta tùy duyên, người nào cần hổ trợ về tâm linh thì ta cũng có thể giúp đở, khuyến tấn họ, đưa họ trở về với Tam Bảo. Nếu những ai cần chúng ta hổ trợ về năng lực, hay bất cứ vấn đề gì, thì chúng ta tuỳ theo khả năng của mình mà tận tình trợ duyên cho họ.
Từ những chỗ đó, ta phải có nhiệt tâm nhiệt tình đối với mọi người thì chúng ta mới có thể nhận được của mọi người sự cảm mến. Khi họ đã cảm mến mình rồi thì vấn đề dẫn dắt người ta đến với đạo là chuyện không khó khăn gì.
Nói đến đạo đức của thế gian không thể không so sánh với con đường đạo chơn chánh trong đạo Phật. Thế gian có nhiều khiếm khuyết liên quan đến hai danh từ đạo đức. Nếu mỗi chúng ta không biết cách tự tạo cho mình một lối sống lành mạnh hơn, thánh thiện hơn thì cuộc sống ở thế gian sẽ không thể đầy đủ ý nghĩa. Nếu những doanh nhân, những người lao động, ngày ngày chỉ biết làm ra đồng tiền rồi chỉ lo cái ăn, lo cái mặc, rồi ngày này qua ngày khác cứ như vậy thì cuộc sống trở nên vô vị như vậy. Cho đến khi chỉ còn chuỗi ngày còn lại của cuộc đời chỉ còn là bệnh tật, khổ đau cho đến lúc sức tàn lực kiệt, giống như một cỗ xe cứ như vậy mà xoay vần cho đến hết cuộc đời ở trong dương gian.
Nếu không nhờ vào đạo đức của Phật giáo, không huân tập theo những cái tốt đẹp, đưa cuộc sống cho thánh thiện hơn, có ý nghĩa hơn, thì thật hoang phí, nghiệp lực sẽ mãi đeo đẳng chúng ta. Và, chúng ta lại sa tiếp vào vòng sanh tử luân hồi - chúng sanh thì vẫn là chúng sanh mà thôi.
Chúng sanh trong cõi Ta Bà này đều do lòng dục mà sanh, do sự ham muốn mà tạo thành. Khi muốn cái này, lúc thích cái khác, lòng ham muốn không biết thế nào là đủ, tất cả chứa vào cái túi tham không đáy, nên họ không bao giờ dừng lại. Từ cái không biết đủ, không biết dừng lại đó, là đồng hành với những đau khổ triền miên, bởi do bị vô minh che lấp, chưa biết giác ngộ nên chưa biết nương không nhận chân được lẽ thật.
Chúng ta hiểu biết thế gian vốn nhiều tham vọng, nhưng chúng ta biết tùy thuận, biết chuyển theo nhiều phương tiện, thì khả năng đạt được chí nguyện lớn lao dẫn dắt người khác cùng với mình vào đạo cũng không khó. Tuy nói vậy, nhưng không phải ai cũng nghe theo chúng ta một cách dễ dàng. Có khi họ phỉ báng chê trách chúng ta, mà chưa hiểu mục đích chúng ta làm đạo, làm việc nghĩa để đưa đến sự lợi ích cho mọi người. Đôi khi dư luận không đúng sẽ làm chúng ta bị trở ngại, làm cho ta dễ bị thối chí, lùi bước trước nghịch cảnh vô cùng khắc khe. Nên chúng ta đối trị bằng cách giữ vững đạo tâm thì làm việc gì cho Đạo Pháp cũng sẽ thành công.
Là người con của Phật khi làm điều gì có lợi ích cho mọi người thì không nên vì dư luận, vì sự trở ngại mà chúng ta buông tay. Bởi vì với người thì đừng mong thuận chiều ý mình, vì thuận chiều ý mình thì tức sanh tự kiêu. Nếu trong việc ta không gặp khó khăn thì sao thấy được sự nhẫn nãi của mình. Cái hiểu biết của họ sẽ trở nên nông cạn nếu như họ không biết quy hướng về con đường thánh thiện. Nghĩ như thế mà chúng ta càng pải thương yêu họ hơn, muốn giúp đở họ hơn. Bởi vì cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong lối sống bình thường, không thể nào tiến hoá hơn được.
Con người không thể nào thoát ly ra được sanh tử, cái khổ đau của cuộc đời. Họ sống không hiểu nhân quả, nên họ cứ tạo tác hết sai lầm này đến sai lầm khác. Tại sao con người cứ phải tham lam, phải sân hận, si mê nó chi phối mà người trong thế gian không bao giờ thấy rõ được. Cũng bởi lý do không thấy rõ cho nên cái củ năm xưa, năm nay, rồi cho đến tột cùng cuộc đời vẫn là củ không có gì thay đổi , không có gì tiến hoá được.
Đời này ham ăn, ham ngủ, thì đời sau vẫn ham ăn, ham ngủ. Kiếp này hám danh, hám lợi, thì kiếp sau cũng vẫn bám lấy hai chữ hám danh hám lợi đó. Nói như vậy chúng ta cũng đủ hiểu rằng, năm nay mọi thứ đều được đổi mới, thì tư tưởng và nghiệp lực cũng phải đổi mới. Chúng ta sửa đổi bằng sự tịnh hoá thân tâm, đưa nền tảng đạo đức lên hàng đầu, mượn thân người giả tạm này để chuyển hoá đời sống thế tục bằng cuộc sống thánh thiện hơn.

Như vậy, mùa Xuân tiến hoá không chỉ giới hạn theo ngày tháng trôi qua, mà xuân trong sự tiến hoá, xuân của Phật giáo là mùa Xuân bất diệt:
Xuân danh lợi như quay phim chớp bóng
Xuân vật chất là hư huyền ảo mộng
Xuân tinh thần bất diệt cả đời Xuân.
Xuân trong Phật giáo mang tính đạo đức rất cao, mùa Xuân của sự thánh thiện. Đạo là con đường mà chúng ta phải đạt đến, đức là tính chất trong tâm mà mình cần phải thâm nhập cho nó hoàn hảo. Tự mình biết hướng thiện, tự mình xây dựng cho mình một mùa Xuân bất tử, một mùa Xuân không bao giờ phai nhạt bởi thời gian và không gian. Mùa Xuân ấy lúc nào cũng hiện hữu trong tư tưởng của mỗi người Phật tử chúng ta.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).6/12/2011.

No comments:

Post a Comment