Saturday 3 December 2011

NGƯỜI ĐI CHÙA THÔNG MINH - LƯỚT SÓNG MÀ ĐI




Có những vị trước khi biết đi Chùa và tu học, thì gia đình bình yên, nhưng sau khi đã đi chùa và bắt đầu biết tu học, thì gia đình cũng bắt đầu dậy sóng, không có bình yên.
Có những vị trước khi chưa đi Chùa và chưa biết tu học, thì gia đình luôn dậy sóng, nhưng sau khi đã biết đi chùa và biết tu học thì gia đình trở lại bình yên.
Có những vị trước khi chưa biết đi chùa và chưa biết tu học, thì gia đình đã bình yên và sau khi biết đi chùa và biết tu học, thì gia đình lại càng bình yên thêm.
Có những vị trước khi chưa biết đi chùa và chưa biết tu học, gia đình luôn dậy sóng, không có bình yên và sau khi đã biết đi chùa và biết tu học, thì gia đình lại càng thêm dậy sóng.
Trong bốn hạng người biết đi chùa và biết tu học như vậy, chỉ có hai hạng người đi chùa và biết tu học là có chính kiến và có từ bi, còn hai hạng người biết đi chùa và biết tu học không có chính kiến và không có từ bi.
Những hạng người biết đi chùa và biết tu học có chất liệu của chính kiến và từ bi, những hạng người ấy không những có khả năng làm cho tâm mình lắng yên những phiền não, mà còn có khả năng giúp cho những người trong gia đình lắng yên phiền não nữa; những hạng người ấy không những có khả năng mở rộng không gian nhận thức cho chính mình, mà còn có khả năng chuyển hóa những không gian nhận thức trở thành không gian trí tuệ cho chính mình và cho mọi người nữa.
Mở rộng không gian nhận thức bằng cách nào? Bằng cách biết học hỏi và lắng nghe. Ta phải biết học hỏi từ mọi người, từ mọi loài và từ cuộc sống, nhưng trước hết ta phải biết học hỏi những cấu trúc cơ bản và thâm sâu, vi diệu ở nơi thân và tâm ta.
Nếu ta không hiểu được những cấu trúc cơ bản nơi thân và tâm ta, thì ta khó mà có được những chính kiến đối với thân và tâm ta. Và mỗi khi ta không có chính kiến đối với thân và tâm ta, thì ta cũng không thể có khả năng đối xử với thân tâm ta một cách có trí tuệ và từ bi.
Ta hãy nhìn kỹ vào khuôn mặt của ta mỗi ngày, để ta có thể thấy rõ những yếu tố đang hiện hữu nơi khuôn mặt của ta, chúng chưa bao giờ hiện hữu đơn thuần, mà chúng hiện hữu trong sự tương quan. Mũi của ta không thể nào hiện hữu, nếu ta không có xương mặt và xương mặt không thể nào hiện hữu, nếu ta không có xương sườn và các xương sọ, và xương sườn, xương sọ không thể nào hiện hữu và tồn tại, nếu không có những chất hữu cơ và những yếu tố khác xúc tác liên hệ đến với chúng.
Cũng vậy, mắt ta không thể nào hiện hữu đơn thuần mà mắt ta hiện hữu với những yếu tố không phải mắt, như tinh thể, võng mạc và hệ thần kinh thị giác,… và tác dụng nhận thức của mắt ta, không thể không có mọi hình, mọi sắc, không thể không có không gian, ánh sáng và ý thức,… Nếu thiếu một trong những yếu tố ấy, thì sự hiện hữu của con mắt không thể nào có được, huống nữa làm sao có tác dụng của con mắt đối với cái thấy và cái hiểu của chúng ta trong đời sống hằng ngày.
Vì vậy, trong đời sống hàng ngày, ta phải biết học hỏi với những gì đang có mặt ở nơi thân thể của ta, ở nơi tâm hồn của ta và chúng ta phải biết ngồi yên để lắng nghe những gì mà thân tâm ta đã nói với ta trong từng phút giây của sự sống.
Ta phải biết học hỏi cách làm việc và tiêu thụ của thân tâm ta. Mỗi bộ phận trong thân tâm ta, chúng làm việc đúng chức năng của chúng, chúng biết tiếp nhận và chế tác đúng chức năng của chúng và quan trọng hơn hết là chúng biết truyền thông và hỗ trợ cho nhau trong những điều kiện tương quan tự nhiên để tạo nên một hệ thống thân tâm nhất thể.
Vì vậy, ta đi chùa và tu học không phải để tích lũy kiến thức hay tri thức, vì sao? Vì kiến thức hay tri thức, chúng chỉ là những thuộc tính của bản ngã, và làm sinh chất nuôi lớn tâm kiêu mạn trong ta và là miếng mồi nuôi lớn vô minh làm trở ngại đối với tuệ giác của ta, khiến cho ta không có khả năng thâm nhập và sống thường trú với thực thể toàn vẹn của vạn hữu bất tức, bất ly ấy.
Do đó, ta đi chùa tu học cần phải thiết lập trên nền tảng của văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Do biết lắng nghe và học hỏi, khiến cho tâm tuệ trong ta sinh khởi; do ta biết quán chiếu thâm sâu đối với những gì đã nghe và đã học, khiến cho cái nghe không ích lợi, không chính xác của ta từ từ bị đoạn tận, khiến cho tâm tuệ trong ta sinh khởi và lớn mạnh. Và do ta biết gạn lọc những gì ta đã học hỏi và ứng dụng chúng vào trong đời sống hàng ngày của ta, khiến cho tâm tuệ sinh khởi trong ta.
Khi trong ta đã có tâm tuệ, mọi hành xử của ta đều có mặt của tuệ, nên chúng không bị đối ngại bởi những nhận thức hữu ngã, vì vậy ở trong đời sống hàng ngày, ta đang ở cương vị nào để hành xử, thì mọi hành xử của ta đều là hành xử của tuệ.
Hành xử của tuệ là hành xử có khả năng chấm dứt khổ đau cho mình và cho người, có khả năng chấm dứt những tập khởi gây ra khổ đau cho mình và cho người. Và đương nhiên, khi những tập khởi và kết quả khổ đau giữa mình và người không còn hiện hữu, thì an lạc tự nó biểu hiện một cách như nhiên giữa tự và tha.
Vậy, ta đi chùa và tu học là để làm việc và ứng xử với nhau bằng tuệ giác mà không phải bằng những kiến thức Phật học; bằng chất liệu từ bi mà không phải bằng sự tranh giành thắng bại; bằng sự khoan dung, chứ không phải bằng những sự ích kỷ, hẹp hòi.
Người đi chùa như vậy là người đi chùa thông minh, vì họ có khả năng chế tác ra sự an lạc cho chính họ và có khả năng hiến tặng sự an lạc cho mọi người.


LƯỚT SÓNG MÀ ĐI
Ta về biển là ta có cơ hội tiếp xúc với biển, để thấy biển qua tâm và thấy tâm qua biển. Biển có những tính chất nào mà ta có thể tiếp xúc và học tập được từ nơi những tính chất ấy để chuyển hóa tâm ta. Ta có thể tiếp xúc và thấy rõ biển qua các tính chất như sau:

- Tính Cạn Và Sâu :

Ta sẽ tiếp xúc tính cạn và sâu của biển, để ta có thể tiếp xúc tính cạn và sâu trong trong tâm linh của mỗi chúng ta. Biển đi từ cạn ra sâu và đến chỗ sâu hun hút.

Ta tiếp xúc với sắc thân này cũng vậy. Sắc thân được tạo nên từ bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Đất là thể rắn nơi thân thể chúng ta; nước là thể lỏng, gió là thể khí và lửa là thể nhiệt ở nơi thân thể chúng ta. Nhìn sâu vào, bề cạn của thân thể được tạo nên từ các cảm thọ và các cảm giác. Do có cảm giác, nên ta thấy có vui, có buồn và không vui không buồn. Cái gì làm cho ta vui, cái gì làm cho ta buồn, cái gì làm cho ta không vui không buồn? Khi tâm ta tiếp xúc với các đối tượng mà ta thích ý sẽ phát sinh cảm giác vui thích trong ta. Khi ta tiếp xúc với các đối tượng không khả ý, thì cảm giác khó chịu nảy sinh trong ta, và khi ta tiếp xúc với đối tượng mà tâm ta không phải vừa ý, cũng không phải không vừa ý, ta có cảm giác trung tính. Như vậy, những cảm giác dễ chịu, khó chịu, trung tính đều nương nơi sắc uẩn này mà biểu hiện.

Rồi, ta đi sâu vào chiều sâu của các cảm thọ. Chiều sâu của cảm thọ là gì? Là tưởng, là ý tưởng. Có những trường hợp mà đối tượng không là gì cả, nhưng do ta tưởng tượng, nên thích ý thì vui, không thích ý thì buồn. Do đó, cái vui, buồn chỉ là cảm giác ảo do tưởng. Người đó không thương mình mà tưởng là thương thì vui, người đó không ghét mình mà tưởng là ghét nên buồn, đó là ảo tưởng.

Nên, tưởng là chiều sâu của thọ uẩn, sắc uẩn.

Chiều sâu của tưởng là gì? Sau tưởng là các chủng tử của tâm hành. Tâm là một biển cả mênh mông. Các chủng tử tâm hành giống như sóng và bọt của sóng trên mặt biển. Chính tâm hành đó làm tâm ta vẩn đục, không an ổn. Tâm hành là những hạt giống có khả năng tác nghiệp để dẫn đến quả báo khổ hay vui. Tâm hành tác động liên hệ đến các phiền não, tham, sân, si mãnh liệt bao nhiêu, thì sẽ nảy sinh quả báo khổ đau cho ta bấy nhiêu. Tâm hành liên hệ đến thiện tâm sở vô tham, vô sân, vô si bao nhiêu sẽ tạo ra quả báo hạnh phúc an lạc cho ta bấy nhiêu.

Như vậy, tâm hành là chiều sâu của tưởng.

Sau các chủng tử tâm hành là gì? Là nhận thức, còn gọi là thức uẩn. Thức uẩn là một tập hợp của tám nhận thức, gồm:

- Nhãn căn tiếp xúc với sắc trần, phân biệt thuộc về mắt khởi sinh, gọi là nhãn thức.

- Nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần, phân biệt thuộc về tai khởi sinh, gọi là nhĩ thức.

- Tỷ căn tiếp xúc với hương trần, phân biệt thuộc về mũi khởi sinh gọi là tỷ thức.

- Thiệt căn tiếp xúc với vị trần, phân biệt thuộc về lưỡi khởi sinh, gọi là thiệt thức.

- Thân tiếp xúc với xúc trần, phân biệt thuộc về thân khởi sinh, gọi là thân thức.

Năm cái biết thuộc về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là bề mặt, là cái biết vô hại, chúng chưa liên hệ đến ý thức.

Khi ý thức duyên vào năm nhận thức đó mà khởi lên sự phân biệt tốt xấu, hay duyên vào những ấn tượng tồn đọng trong A-lại-da thức mà khởi lên những tư niệm hay tác ý và tùy theo mức tác ý liên hệ đến các chủng tử tham, sân, si, mạn, nghi hay liên hệ đến các thiện tâm sở mà tạo ra nghiệp thiện hay ác và từ đó mà dẫn quả báo lành hay dữ.

Sau ý thức là mạt-na thức, tức là thức chấp ngã. Thức này chấp vào kiến phần của thức A-lại-da là tự ngã của nó.

Yếu tố thứ tám là A-lại-da thức. Thức này hàm chứa tất cả những chủng tử do nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức tạo tác, rồi đưa vào trong thức này cất giữ, khiến cho các chủng tử thiện ác không bị rơi mất. Vì vậy, đối với bảy thức trước, thức này được xem như là biển cả. Bao nhiêu chủng tử thiện, ác, tốt, xấu đều được hàm chứa ở trong biển A-lại-da thức này.

Cho nên, chúng ta tiếp xúc với biển cả là tiếp xúc từ cạn đến sâu và với tâm thức của chúng ta cũng từ cạn đến sâu, từ xấu đến tốt. Trong biển tâm của chúng ta hàm dung tất cả thiện, ác, tốt, xấu. Nếu thông minh, ta sẽ nuôi dưỡng và biểu hiện những hạt giống tốt để tạo ra vô lượng phước đức. Còn không thông minh ta sẽ nuôi dưỡng và biểu hiện những hạt giống xấu, rồi sẽ tạo ra vô số nghiệp xấu ác, khổ đau cho ta.

-Tính động và tịnh :

Biển động ở trên bề mặt, nhưng càng xuống sâu bao nhiêu lại càng yên tịnh bấy nhiêu. Nên cái động của sóng chỉ là cái động của hiện tượng bên ngoài.

Nhìn vào tâm thức chúng ta cũng vậy. Trong A-lại-da thức luôn luôn biến động, nhưng đó là cái động của nghiệp lực. Chiều sâu của nó là bất động, vì trong chiều sâu là Phật tính, là bản tính giác ngộ. Chúng ta phải biết tu tập để quay về với bản tính chân thường tự tại, với tự tính giác ngộ trong mỗi chúng ta.

Qua cái động của biển, mà ta tiếp xúc được cái động của tâm. Qua cái tịnh của biển mà ta tiếp xúc được cái tịnh của tâm. Tự tính vô ngã là bản thể thường trú của tâm, mà ta chỉ tiếp xúc được qua con mắt thiền quán.

- Tính dung và bất dung :

Biển dung hết tất cả xấu uế của bao nhiêu sông ngòi ao rãnh đổ về. Dung mà vô hại, vì biển vừa có tính bao dung vừa có tính chuyển hóa.

A-lại-da thức của ta cũng dung hết tất cả những chủng tử thiện, ác, tốt, xấu. Ví dụ, ta ngồi nghe hay đứng nhìn bất cứ một đối tượng nào đó, trong một khoảnh khắc nào đó, trong một không gian nào đó, thì hình ảnh tất cả chúng sẽ đi vào tiềm thức, vào A-lại-da thức của ta. Khi không nhớ, ta tưởng là quên, nhưng không bao giờ quên cả, chỉ là ẩn tàng. Đủ điều kiện, đủ duyên thì mọi chuyện sẽ hiện ra trước mắt. Nhờ đó mà những lời pháp ta học được sẽ không bao giờ quên. Quên, nhưng rồi sẽ nhớ, khi có một điều kiện nào xảy tới. Đó là tính dung nhiếp của A-lại-da thức.

Tính bất dung của biển là gì? Tính bất dung của biển là những rác bẩn thải ra biển đều trả lại cho bờ. Nên đặc tính của biển là không dung tử thi, không dung những ô nhiễm nhớp nhúa. Cũng vậy, A-lại-da thức, vùng Phật tính cũng không dung những ô nhiễm, phiền não của cuộc đời, nên tu là lướt sóng để chạm tới vùng thanh tịnh của tâm, tức là ta phải biết vượt qua những chướng ngại do phiền não và vô minh tạo ra.

Vậy, chúng ta phải thấy rõ như vậy, để ứng dụng vào đời sống hằng ngày của chúng ta.

Tính đồng nhất :

Sông ngòi, ao rãnh, hồ khi về biển đều mang tính chất riêng của nó. Nhưng khi tới biển rồi thì chỉ còn một mùi vị duy nhất là vị mặn. Đó là tính đồng nhất của biển. Cũng vậy, mỗi chúng ta khi đến thế giới này đều mang theo một nghiệp lực, một tâm thức khác nhau. Chúng ta đến với đạo Phật do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có người vì cha mẹ mất, có người vì thất tình lục dục, vì những hoàn cảnh éo le ngang trái mà đến, nhưng cũng có người đến với đạo Phật là do khát vọng của tri thức, có người do tâm nguyện rộng lớn… Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng khi đã hòa nhập và đạt tới chánh quả của đạo rồi, thì tất cả đều gặp nhau trong mùi vị duy nhất là mùi vị giải thoát, giác ngộ. Có người không hiểu sẽ cho đạo Phật là bi quan, yếm thế. Nhưng dù thực hành theo pháp môn nào, thiền, tịnh hay mật tông, đạo Phật cũng đều dẫn đến một cứu cánh là niết bàn giải thoát.

Do vậy, thấy được tính đồng nhất của biển để thấy được tính đồng nhất của các pháp môn. Thấy được điều đó, tâm ta sẽ bao dung hơn, cuộc đời tu hành sẽ thong dong tự tại, không còn phân biệt hơn thua phải trái, không đối đãi kỳ thị bên này bên kia. Mọi người khác nhau trong nghiệp lực, nhưng đồng nhất nhau trong Phật tánh.

"Nơi gặp gỡ là lời thơ chưa biến động

Là chỗ tận cùng suối vắng của tâm linh."

Khi thấy được sự đồng nhất của biển và của tâm thức như vậy, ta phải có pháp hành như thế nào? Đó là pháp hành “lướt sóng mà đi”.

Mỗi chúng ta khi tu học, ai cũng có khó khăn, trở ngại nhưng ta phải biết vượt qua chướng ngại đó, nên gọi là lướt sóng mà đi. Nếu không, ta sẽ bị sóng nhấn chìm hoặc đẩy chúng ta vào bờ. Lướt sóng ở đây là lướt sóng đời và cả sóng đạo để đi tới bờ giác. Chúng ta phải biết lướt sóng nơi nhãn thức mà đi, lướt sóng nơi nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức để về với tâm thức thanh tịnh vốn có trong tự tánh của mình. Nếu không, ta sẽ bị chìm đắm trong biển cả sinh tử, gió dập sóng vùi và trôi lăn mãi trong vòng sinh tử. Lướt sóng thức mà đi, để ta không còn bị mắc kẹt nơi nhân, nơi ngã, nơi pháp và phi pháp. Và như vậy, ta sẽ đến bến bờ bên kia (paramita), đến bến bờ giải thoát, giác ngộ.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).


No comments:

Post a Comment