Sunday, 11 December 2011

Nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra ngày 10.12.2011

Tối 10/12/2011 tại Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng lý thú của vũ trụ: hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Nếu như những lần nguyệt thực trước xảy ra vào lúc nửa đêm cho đến rạng sáng thì lần này xảy ra vào lúc trời vừa tối. Lần này, đúng thời điểm cực đại, mặt trăng sẽ biến thành một màu đỏ chót.
Lúc 19g45′ mặt trăng sẽ bắt đầu đi vào vùng tối của trái đất và chuyển dần qua giai đoạn nguyệt thực một phần. Đến 21g06′ là thời điểm bắt đầu nguyệt thực toàn phần và đạt đến mức cực đại vào lúc 21g32′ tức là lúc toàn bộ mặt trăng biến thành màu đỏ. Sau đó quá trình nguyệt thực một phần sẽ còn tiếp tục đến cho đến khi kết thúc vào lúc 23g18′ (Theo dự báo của H.A.A.C – Lưu ý: Có nhiều nguồn dự báo và có sự chênh lệch ít nhiều về thời điểm).
Theo Câu Lạc Bộ Thiên Văn Nghiệp Dư TP.HCM, đây là hiện tượng nguyệt thực kéo dài nhất thế kỷ 21.
Có thể quan sát bằng mắt thường hoặc dùng các loại ống nhòm. (Tất nhiên, nếu có điều kiện, xem bằng kính thiên văn thì lý thú hơn nhiều).
Chúng ta cùng thử tìm hiểu thêm nguyên nhân hiện tượng này:

Giải thích hiện tượng nguyệt thực:

Khi mặt trời, trái đất, mặt trăng nằm trên cùng một đường thẳng (Trái đất nằm giữa), mặt trăng nằm trong vùng bóng tối của trái đất, nó không được mặt trời rọi sáng nữa. Tất cả những địa phương đang là ban đêm sẽ thấy mặt trăng không sáng bình thường. Khi đó, hiện tượng nguyệt thực xảy ra.
Trái đất được mặt trời chiếu sáng đồng thời là vật cản các tia sáng từ mặt trời tạo ra một vùng bóng tối trải dài trong không gian. Nguyệt thực diễn ra khi mặt trăng đi vào vùng bóng tối này. Khi ấy mặt trăng không còn được mặt trời chiếu sáng trực tiếp.
Vị trí trái đất nằm giữa mặt trời và mặt trăng giải thích vì sao ngày diễn ra nguyệt thực luôn là ngày trăng tròn, khi ấy nhìn từ trái đất, trăng đang vào pha tròn cực đại. Vào những ngày trăng tròn, mặt trăng rất sáng và có màu vàng. Tuy nhiên, khi hiện tượng nguyệt thực xảy ra, ta thấy mặt trăng như một đĩa tròn màu đỏ sẫm.

Tại sao chúng ta không được thường xuyên quan sát hiện tượng nguyệt thực?

Mặt phẳng trái đất chuyển động quanh mặt trời gọi là mặt phẳng “hoàng đạo”, còn mặt phẳng mặt trăng chuyển động quanh trái đất gọi là mặt phẳng “bạch đạo”. Hoàng đạo và bạch đạo lệch nhau một góc khoảng 5 độ nên hiện tượng nguyệt thực ít diễn ra.
Mặt phẳng quỹ đạo của mặt trăng giữ nguyên phương trong không gian nên nguyệt thực chỉ xảy ra khi tiếp tuyến trùng với đường thẳng nối tâm mặt trời – trái đất. Trên bạch đạo chỉ có 2 vị trí thỏa mãn điều kiện này. Khi xung đối nếu trăng cách tiết điểm dưới 5 độ sẽ có nguyệt thực toàn phần. Nếu trăng cách tiết điểm từ 5 đến 11 độ sẽ có nguyệt thực một phần hoặc nguyệt thực bán phần.
Nguyệt thực là hệ quả của chuyện động tương đối giữa 3 thiên thể là trái đất, mặt trời và mặt trăng. Chu kỳ và tính chất chuyển động của 3 thiên thể trên đã được biết rõ nên ta có thể tính chính xác chu kỳ xảy ra nguyệt thực và dự đoán các lần xuất hiện tiếp theo. Chu kỳ này gọi là chu kỳ Saros: 6585,32 ngày. Trong mỗi chu kỳ Saros sẽ có 29 lần nguyệt thực. Mỗi năm dương lịch có tối đa 3 lần, hoặc 2 lần, hoặc không có nguyệt thực.

Tại sao khi nguyệt thực xảy ra mặt trăng thường có màu đỏ sẫm?

Ánh sáng từ mặt trời có thành phần bao gồm đủ các màu (trong đó các bước sóng chính được chia làm 7 màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím). Khi ánh sáng mặt trời đi xuyên qua lớp khí quyển trái đất sẽ bị khí quyển hấp thu, chỉ còn bước sóng đỏ là bước sóng ánh sáng có khả năng đâm xuyên mạnh nhất đi qua. Đồng thời bầu khí quyển trái đất là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính và ánh sáng này đã chiếu rọi mặt trăng. Do đó ta thấy mặt trăng có màu đỏ sẫm.
Mặt trăng sẽ thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu cam và cuối cùng là màu đỏ sẫm. Độ rực rỡ của màu đỏ này có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi mật độ bụi, và hơi nước của bầu khi quyển trái đất vào thời điểm xãy ra nguyệt thực.

Hướng dẫn quan sát:

Khi xảy ra nguyệt thực thì cả một nửa thế giới nằm trong bóng tối sẽ quan sát được. Chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào. Tuy nhiên quan sát nguyệt thực sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của mặt trăng.

@ Lời BBT: Hiện tượng nguyệt thực này dân gian thường gọi nôm na là “Gấu ăn trăng”. Các bạn nào chụp hình hoặc quay được video đẹp share cho BBT đăng tải cho mọi người cùng được thưởng thức nhé!
Và trong khi chờ đến thời điểm xảy ra nguyệt thực lần thứ 2 của năm này, mời các bạn tạm bằng lòng với việc xem clip về các hiện tượng thiên văn trong tháng 12/2011 này dưới đây:


Từ khóa: HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).12/12/2011.

No comments:

Post a Comment