Thursday 8 December 2011

Đức Phật A DI ĐÀ và thế giới Cực Lạc Tây Phương
(Nhân lễ vía 17.11.âl)
(Nhân lễ vía 17.11.âl)

———-

I. Phật Thích Ca nói kinh Di Đà giới thiệu về thế giới Cực Lạc.

Một thuở nọ, tại nước Xá Vệ, trong vườn của thái tử Kì Đà và Trưởng giả cấp Cô Độc, trước 1250 vị A La Hán lớn và đại chúng trí thức như trưởng lão Xá Lợi Phất, đại Mục Kiền Liên, đại Ca Diếp v.v…, chư đại Bồ Tát như Văn Thù Sư Lợi, A Dật Đa v.v… cùng với vua trời Thích Đề Hoàn Nhơn và Thiên chúng hội họp. Lúc ấy đức Phật Thích Ca nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
  • “ Cách đây mười muôn ức cõi Phật về phương Tây có một thế giới gọi là Cực Lạc và có đức Phật A Di Đà làm giáo chủ hiên đang thuyết pháp”.
  • “ Vì sao thế giới ấy gọi là Cực Lạc?
  • “ Vì chúng sanh trong thế giới ấy không có các khổ, chỉ hưởng thuần vui.”
  • “ Thế giới ấy lan can bảy từng, lưới giăng bảy từng, hàng cây bảy từng đều là bốn chất báu bao quanh mà tạo thành.
  • “ Có những hồ nước lớn toàn bằng bảy báu, nước tâm công đức, đáy hồ toàn là cát vàng, thềm đường bao xung quanh cũng đều do vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành.
  • “ Hoa sen trong hồ lớn như bánh xe; hoa sen xanh có ánh sáng màu xanh, hoa sen màu vàng có ánh sáng màu vàng v.v… trên không, có những lầu các, cung điện cũng làm bằng vàng, bạc, lưu ly, phê lê, xà cừ, mã não, trân châu, san hô.
  • “ Lại nữa cõi nước Phật ấy thường trỗi nhạc trời, màu vàng làm đất, ngày đêm sáu thời đều có mưa hoa Mạn Đà La từ không trung xuống. Vào mỗi buổi sáng sớm, chúng sanh trong cõi ấy đều hái hoa màu đem đi cúng dường muôn ức đức Phật ở các phương khác và đến giờ ăn thì trở về dùng cơm và Kinh hành.
  • “ Cõi ấy có các loài hoa kì diệu với nhiều màu sắc như Bạch Hạt, Khổng Tước, Oanh Vũ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần già, Cọng Mạng. Các loài chim này ngày đêm đều cất tiếng hòa nhả; tiếng đó diễn xướng pháp Phật như Năm Căn, năm Lực, bảy phần Bồ Đề, tám phần Chánh Đạo và còn diễn nhiều pháp âm khác nữa. Chúng sanh cõi ấy khi nghe được tiếng chim hót liền nhớ đến Phật, Pháp và Tăng.
  • “ Những giống chim này không phải do tội báo mà sinh ra.
  • “ Tại vì sao? Vì cõi ấy không có tên ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh huống hồ là có thật! Các loài chim ấy do đức Phật A Di Đà muốn tiếng nói Pháp lan khắp mọi nơi nên biến hóa ra.
  • “ lại nữa, cõi nước ấy khi có làn gió nhẹ thổi qua những hàng cây báu và lưới báu thời tức thì vang ra tiếng nhiệm mầu như trăm ngàn thứ nhạc hòa tấu và khiến người nghe sanh tâm nhớ nghĩ đến Phật Pháp Tăng.
  • “ Vì sao đức Phật kia có tên là A Di Đà?
  • “ 1) Bởi vì hào quang ( trí tuệ) của đức Phật ấy không có hạn lượng, soi rõ khắp các cõi nước mười phương không bị chướng ngại.
  • “ 2) Thọ mạng của đức Phật và chúng sanh cõi ấy lâu dài vô lượng vô biên a tăng kì kiếp ( đức).
  • “Đức Phật A Di Đà đã thành Phật từ thuở lâu xa đến nay đã mười đại kiếp.
  • “ Đức Phật ấy có vô lượng đệ tử đều là bậc A La Hán chẳng thể tính toán được, các chúng Bồ Tát cũng lại như thế. Chúng sanh trong cõi ấy đều là các bậc không còn thối chuyển đạo Bồ Đề, trong ấy có các vị Đại Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ, số này rất đông, không thể tính kể.
  • “ Thế giới Cực Lạc thành tựu bởi công đức trang nghiêm như vậy.
  • “ Các chúng sanh được nghe kinh này nên phát tâm nguyện sanh về cõi ấy. Vì sao? Vì được cùng các bậc Thánh chúng Thượng Thiện Nhơn ở một chổ.
  • “ Muốn sanh về nước ấy không thể dùng một nhân duyên phước đức nhỏ nhiệm mà được. Trái lại, người nam người nữ nào mà nghe danh hiệu của Phật A Di Đà rồi nhớ lấy và luôn luôn trì danh hiệu của Ngài hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, một lòng chẳng loạn động ( nhất tâm bất loạn) thì người nam người nữ ấy lúc sắp lâm chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra trước người ấy, kẻ sắp lâm chung lòng không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
  • “Những người nam người nữ nếu có đức tin hãy nên phát nguyện sanh về cõi ấy”.

II. Điều kiện hay cương yếu để được sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà đó là: – Tín – Nguyện – Hạnh

Tín: là đức tin chắc chắn. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật có nói: “ Tin là mẹ của mọi công đức”. Tin có thể thành tựu đạo quả Bồ Đề.
Lòng tin có 3:
  1. Tin Phật là đấng giác ngộ sáng suốt, từ bi cứu khổ muôn loài. Vì vậy Ngài mới chỉ bày cảnh giới Tịnh độ Cực Lạc của đức Phật A Di Đà là một thế giới có thật.
  2. Tin giáo pháp của Phật nói ra là đúng đắn, chơn thật, dạy chúng ta phương pháp tu hành để sanh về thế giới Cực Lạc, chúng ta tin chắc theo giáo Pháp ấy mà tu hành sẽ thành công.
  3. Tin ở sức mạnh ý chí của mình. Nếu ta quyết một lòng thực hành phương pháp tu ta sẽ sanh về thế giới Cực Lạc.
Nguyện: Nguyện là ý muốn tốt đẹp. Lập nguyện vững vàng là tha thiết mong muốn, lập chí nguyện không thối chuyển quyết sanh về Cực Lạc dù có gặp bao gian nguy khổ cực cũng vượt qua. Phải đem tấm lòng thiết tha, không phút giây sao lãng để thực hiện ý muốn của mình. Như thế nguyện nào mà chẳng thành công.
Hạnh: Tin và nguyện rồi vẫn chưa đủ, mà phải thực hành có phương pháp mới có kết quả tốt đẹp và thiết thực. Thực hành ở đây là làm đúng theo lời Phật dạy để sanh về thế giới Cực Lạc.

III. Phương pháp tu hành

Trong kinh có dạy: “ Người nam người nữ mà nghe và luôn nhớ đến danh hiệu của đức Phật A Di Đà rồi trì tung danh hiệu Ngài, hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, một lòng chẳng loạn động ( nhất tâm bất loạn) thì người ấy khi sắp lâm chung được thấy đức Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra trước người ấy. Kẻ lâm chung lòng chẳng điên đảo liền được sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.”
Do vậy, pháp tu để được sanh về thế giới Cực Lạc như một trong 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà là: Niệm Phật.
Niệm Phật có bốn phương pháp:
  1. Trì danh niệm Phật: Trì danh niệm Phật là một lòng luôn nhớ nghĩ danh hiệu Phật, miệng đọc tâm suy nghĩ câu “ Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm.
  2. Quán tưởng niệm Phật: là luôn quán sát hình dung đức Phật A Di Đà trước mắt ta, tướng tốt trang nghiêm, đứng trên tòa sen, hào quang tỏa rạng, ta cùng ngồi trên tòa sen hầu Phật. Quán như thế lâu ngày thuần thục, nhắm mắt mở mắt đều thấy Phật tức là pháp quán có kết quả.
  3. Tham cứu niệm Phật: Pháp niệm Phật này không đọc thành tiếng mà trong tâm mình lúc nào cũng có sẵn hình ảnh đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc.
  4. Thật tướng niệm Phật: Thật tướng niệm Phật là niệm hợp với chơn tâm. Vì tất cả các pháp đều do tâm biến hiện, bởi tâm biến hiện nên tướng nó đều là hư vọng, Pháp niệm Phật này thuộc về lý tánh cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến đây mới hoàn toàn rốt ráo, mới ngộ tánh mình là Phật A Di Đà, tâm mình là cảnh Tịnh Độ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng: nhờ có “ Sự” mới hiểu ra “ Lý ”. Do đó, trước hết nhờ trì danh niệm Phật v.v… dụng công tu tập các pháp trước đến lúc thuần thục không còn thấy đến mình là người niệm Phật và Phật là một vị mình niệm, chỉ còn một chơn tánh vừa vắng lặng vừa chiếu soi, không năng, sở, bĩ thư v.v… chỗ này trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật nói “ niệm đến chổ vô niệm” hay trong kinh Di Đà nói “ Nhất tâm bất loạn”.

IV. Kết luận

Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà là pháp môn được tán thán qua các bộ kinh A Di Đà, Thập Lục Quán, Hoa Nghiêm, Phương Đẳng.
Các vị Bồ Tát đều tu pháp môn niệm Phật như Ngài Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có bài kệ phát nguyện:
Nguyện khi tôi lâm chung
Dứt trừ hết các chướng ngại
Được thấy đức Phật A Di Đà
Liền sanh về nước Cực Lạc
(Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời
Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại
Diện kiến bĩ Phật A Di Đà
Tức đắc vãng sanh An Lạc Quốc.)
Ngài Bồ Tát Phổ Hiền, chư tổ Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân ( Ấn độ); Đại sư Trí Giả, Tuệ Viễn, Hiền Thủ ( Trung Hoa) và nhiều vị Tổ sư khác cũng đều chuyên tu niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc.
Ơ Việt Nam chúng ta có các Ngài Nhất Định, Tường Vân ( Huế), Tế Xuyên ( Hà Nam, Bắc phần) nhờ tu pháp môn niệm Phật nên đều biết trước 3 ngày, trước khi thị tịch.
Pháp môn niệm Phật là pháp môn tu đơn giản dễ thực hành cho mọi người, dù thuộc thành phần hay hoàn cảnh nào cũng áp dụng được. Vì vậy Phật tử chúng ta nên phát tâm tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà để có điều kiện dễ dàng và tốt hơn trên con đường đi đến quả Phật.
  • Tâm Thường.- Trích Vườn Lam Đức Tâm
—————————————————————————-
Theo kinh Di Đà bản dịch Tiếng Việt của Thượng Tọa Thích Thiện Thông và Phật học phổ thông tập 1 của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).9/12/2011.
 

No comments:

Post a Comment