Monday 13 February 2012

Bài học Sa-Di
 
 : Giảm Tăng



KS. Minh Bình
Bài Học Sa-di là chương III của quyển Luật Nghi Khất Sĩ. Chương này trình bày 19 bài oai nghi Sa-di và 37 câu chú nguyện mẫu cần phải học của các Sa-di tập sự. Phạm vi của Bài Học Sa-di là nêu lên những điều nên làm và không nên làm của Sa-di, trong khi phần Pháp Học Sa-di I - Giới lại nhấn mạnh những điều cấm làm. Cả hai là phần luật nghi căn bản của các Sa-di: 10 giới là luật, các oai nghi là nghi. Luật là phần chính, còn nghi là phần vi tế mở rộng. Điều kiện tối thiểu để trở thành một Sa-di phải là 10 giới rồi chu toàn hơn sẽ là các hạnh. Giới và hạnh bổ sung cho nhau mà không thể bỏ bớt phần nào cả. 19 bài oai nghi Sa-di và 37 câu chú nguyện mẫu có những nội dung và đặc điểm gì sẽ được lần lượt tìm hiểu ra sau…
I. TÌM HIỂU CHUNG VỀ MÔN OAI NGHI SA-DI:
1. Môn oai nghi Sa-di:
Môn oai nghi Sa-di là hạnh đức trau dồi của lớp học trò tập sự Sa-di trong khoảng thời gian mới xuất gia học đạo. Bổn phận của người làm Sa-di là tập giữ giới Sa-di và theo thầy học hạnh khất sĩ để chuẩn bị làm một vị khất sĩ chân chính. Như các trẻ em mới chào đời đều cần sự chăm lo và giáo dưỡng của gia đình, xã hội qua nhiều năm tháng thì mới thành nhân, hàng Sa-di mới sanh vào nhà đạo cũng vậy, cũng cần nhiều cơm thiền sữa pháp và sự uốn nắn rèn luyện của Tăng đoàn thì mới có thể thành một vị khất sĩ chân chính. Với ý nghĩa này, Môn oai nghi Sa-di đã đem lại nhiều ích lợi thiết thực cho các Sa-di. Thế nên:
Uốn cây từ thuở còn non
Cần chăm giới hạnh thuở còn Sa-di.
Oai còn đọc là uy, là vẻ điềm tĩnh trang nghiêm khiến người kính trọng. Nghi là phép tắc hành xử. Oai nghi là những phép tắc hành xử trang nghiêm khiến người không dám xúc phạm. Oai nghi Sa-di tức là hạnh của người xuất gia giải thoát, đằm thắm trang nghiêm, điều độ trong sinh hoạt hàng ngày theo khuôn phép của nhà Phật... Hàng Sa-di có vài chục bài oai nghi tiêu biểu, hàng khất sĩ có tới 3 ngàn oai nghi, 8 muôn tế hạnh cần phải học. Tuy nói nhiều như vậy, nhưng một lời răn sau của Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đủ làm căn bản: “Cấm xuất gia mà còn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không trong sạch (như kẻ thế).”. Đây là điều 71 trong 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ.
Có 4 đại oai nghi là đi, đứng, ngồi, nằm và có nhiều tiểu oai nghi như nói, chào, nghe, nhìn, ăn, mặc, tắm, rửa, trên xe đò, ở hội trường, trực văn phòng, làm hương đăng, phát quà cứu trợ, cúng dường tứ sự, lái ô-tô, nghe điện thoại… Thường chú tâm quán sát 4 đại oai nghi cũng là một pháp tu thiền phổ biến của Phật giáo. Những ai thường nhiếp tâm gìn giữ mọi oai nghi như pháp cũng là người tinh tấn tu hành giới hạnh, thường được chư thiên hộ pháp theo bảo vệ, như luật sư Đạo Tuyên, Tổ khai sáng Luật tông Trung Quốc thường có Na-tra thái tử theo hầu... Đạo nghiệp của một người tu hành thường phải được kiến lập trên nền tảng giới hạnh. Điều căn bản này đã được nêu rõ qua câu nói:
Tịnh hạnh thành nhờ luật nghi
Đạo tâm nên do giới phẩm.
Môn oai nghi Sa-di cũng là hạnh khất sĩ mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy một phần trong chương Luật Khất Sĩ. Tuy nhiên, Môn oai nghi Sa-di và Mười giới nghĩa là những phần học thuộc lòng chủ yếu để các tập sự có đủ điều kiện thọ giới Sa-di theo quy định của Hội đồng Giáo phẩm Hệ phái Khất Sĩ.
2. Tính xã hội của Môn oai nghi Sa-di:
Về tính xã hội của Môn oai nghi Sa-di ta có thể bàn rộng như sau:
Người có oai nghi là người có phong thái tôn nghiêm. Bất cứ người nào có lòng tự trọng đều có dáng tôn nghiêm. Khi đứng trước những người cảnh sát nghiêm túc, tại sao người ta lại có cảm giác nể phục, e ngại? Khi trông thấy các vị nữ tu Công giáo, tại sao mọi người lại biết ngay họ là nữ tu và cảm thấy kính mến tôn trọng họ? Với các thầy cô giáo cũng vậy, tại sao ta đều yêu mến và quý trọng các thầy cô?... Sở dĩ có những cảm xúc đó xảy ra, là do những đối tượng kia đã toát lên một oai nghi nào đó, gây ấn tượng với người tiếp xúc. Vậy nên không luận là đời hay đạo, hễ ai có phẩm cách thì người đó có sự tôn nghiêm, khiến cho người khác không dám xúc phạm đến lòng tự trọng của họ. Do nói năng, hành động, sinh hoạt đúng với phận sự của mình, các Sa-di tập sự có được những oai nghi của một người tu hành. Do có oai nghi của một người tu hành, các vị ấy được mọi người yêu mến, quý trọng. Tập sống đúng phận sự của mình trong Tăng đoàn là điều đầu tiên mà một người phải tu. Vậy những người mới xuất gia cần phải học và hành Môn oai nghi Sa-di.
Có một giai thoại kể về một chú Sa-di đi chợ. Hôm ấy, khi chú Sa-di này ra đến chợ, đi ngang qua một gian hàng thì tình cờ bà chủ quán bị mất đồ. Bà ta hô hoán lên và mọi người đã xúm lại tìm giúp. Họ đã không tìm được món đồ bị mất, mà không hiểu sao nhiều người trong số họ đều cho rằng chính chú Sa-di kia đã lấy trộm đồ! Sau khi cho mọi người khám xét, chú Sa-di đã về tới chùa với tâm trạng oan ức. Chú vội vào tường thuật lại cho thầy nghe nỗi oan của mình. Lắng nghe đệ tử kể xong, vị thầy đã hỏi chú rằng: “Tại sao ở chợ có bao nhiêu người mà mọi người lại nghi con?”, rồi thầy bảo chú phải lên lễ Phật sám hối cho được trọn lành… Qua câu chuyện này, ta thấy ra chú Sa-di kia có hình tướng đầu tròn áo vuông (hình đồng Sa-di) mà chưa có được phong thái của Sa-di (pháp bất đồng Sa-di). Chắc rằng bộ dạng của chú lơ láo lắm, với đôi mắt lén lút hay là không tự nhiên đi đứng… nên mọi người đều thấy hình bóng một kẻ trộm ở trong chú! Câu chuyện này là một ví dụ rất rõ về oai nghi nết hạnh. Cái nết của chú Sa-di trên đã đánh chết cái đẹp của tướng xuất gia giải thoát nơi chú. Và câu tục ngữ Việt Nam “Học ăn, học nói, học gói, học mở...” là một câu nói khái quát về sự học hạnh làm người. Thổi vào câu tục ngữ này một tinh thần Phật giáo, thì cái học hạnh của người xuất gia sẽ là:
Học ăn, học nói, học cười
Học đi, học đứng, học thôi giận hờn
Học quên hai chữ Thua hơn
Thị phi, Nhân ngã… cung đờn vô thanh!
Môn oai nghi Sa-di chính là môn học cách xử thế của người xuất gia. Có nhiều vị xuất gia mãi thích thú với thiền lý, ưa đàm luận về những lý đạo cao siêu, mà có khi quên đi những cách ứng xử căn bản, khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với vị ấy. Điều này, vua Trần Thái Tông gọi là:
Miệng bàn tựa Thánh
Đối cảnh như ngu,
Tuy ở Không môn
Chưa từng vô ngã.
Người xuất gia học đạo phải nhớ rằng nhà sư vẫn là một con người, vẫn còn đang sống trong cuộc đời với mọi người. Trong các xã hội của nhân loại, hàng Phật tử xuất gia có những vị trí xã hội nhất định. Với những vị trí xã hội của mình, các Phật tử xuất gia phải mang những vai trò xã hội tương ứng. Do đó, một nhà sư cũng có những hạn chế (thân bất do kỷ, thân chẳng do ta) và có những bổn phận nhất định để xã hội chấp nhận được là một nhà sư. Ví dụ khi gặp các nhà sư, mọi người đều chấp tay xá chào rồi gọi là thầy và tự xưng là trò. Khi người ta đã cung kính như vậy, các sư có thể cư xử tệ hơn một vị thầy sao? Hay khi mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, lo cho các sư được đầy đủ để yên tâm tu hành, thì các sư có thể không tu sao? Nếu các sư không xứng đáng với sự hy sinh của mọi người, thì nhân quả tất nhiên là các sư phải rời khỏi vị trí của mình. Lúc đó, cuộc sống đã đào thải một kẻ không xứng đáng, đúng theo sự sàng lọc tự nhiên của cuộc sống. Vậy người xuất gia cũng cần phải học cách sống trong cuộc đời, để sự tu hành không bị trở ngại và sự hoằng pháp lợi sanh cũng được tốt đẹp.
Người ta khi rời nhà đi tu thì trước hết phải học cách sống của một người tu hành. Lúc này họ chưa cần nghĩ đến việc thành Thánh hay thành thiền sư gì cả. Thay vì có mộng tung hoành tự do như ngài Tế Điên thì hãy đưa mình vào khuôn khổ của một nhà sư như lời Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “Một người thay mặt cho Phật thật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm, mỗi cách cư xử đều phải giống y Phật; cho đặng thiện tín hễ thấy Tăng cũng như thấy Phật. Tăng chúng chỉ giữ giới, tướng mạo trang nghiêm, ở ăn theo Phật cũng đủ khêu gợi được lòng tín ngưỡng của bá tánh…
Nói đến sự học oai nghi tất phải đề cập đến việc dạy oai nghi. Các học đường tại các nước Đông Á đều trân trọng phương châm “Tiên học lễ hậu học văn”. Tương tự vậy, nhà Phật cũng đề cao phép tắc “Tiên học luật nghi hậu học kinh luận”. Hàng Sa-di ở trong giáo hội ví như những búp măng non, mà hàng khất sĩ thì như những cây tre đã vươn cao tỏa bóng. Phương pháp giáo dục Tre đỡ măng là một phương pháp giáo dục cổ truyền của Phật giáo: một thầy kèm một trò, thầy vừa là thân giáo sư () vừa là cha (phụ), trò vừa là hàng hậu học (đệ) lại vừa như con (tử). Thầy dạy trò bằng khẩu giáo và nhất là thân giáo, còn trò thì trọn lòng theo thầy mà học:
Bước đầu bổn phận làm trò
Cả thân, tâm, trí dâng cho người thầy
Tùy thầy uốn nắn, chuyển xoay
Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng.
Sự giáo dục oai nghi của nhà Phật không hề tầm thường, nó đòi hỏi cao ở cả thầy lẫn trò. Phật giáo đã đào tạo được nhiều lớp người kế thừa chính là nhờ những phương pháp giáo dục toàn diện cả thân tâm, trí đức... Phương pháp một thầy kèm một, hai trò đã có quy định rõ trong Luật tạng Phật giáo. Với tôn chỉ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Phật giáo Khất Sĩ đã rất chú trọng điều này. Kẻ làm thầy mà không dạy dỗ đệ tử như pháp là trái với công lý, là có tội với Phật pháp, phải đọa ba ác đạo. Kẻ làm trò mà bướng bỉnh không vâng lời thì cũng bị tội đọa. Giáo bất nghiêm sư ư đọa, giáo bất thính tội ư nhân (Dạy không nghiêm thầy phải đọa, dạy không nghe lỗi ở trò).
Cần tạo môi trường tốt cho các Sa-di thành tựu oai nghi. Môi trường của Sa-di là những cơ sở tịnh xá, học viện, thiền viện và cả giáo hội. Môi trường tốt có được là do những sự tổ chức tu học tốt của các bậc thầy ở các nơi. Ở mỗi cơ sở thì sự giáo dục mang tính gia giáo như đã nói ở trên, còn ở mức độ rộng hơn thì Phật giáo cũng đã tổ chức thành công. Ví như học viện Phật giáo Huệ Nghiêm trước đây ở thành phố Sài Gòn, chư Tăng về học ở nơi đó đều phải chịu sự quản thúc của học viện, dù là trong hay ngoài giờ học. Do sự nghiêm minh của trường Huệ Nghiêm mà nơi ấy đã đào tạo được nhiều bậc hòa thượng, thượng tọa trụ cột của Phật giáo Việt Nam ngày nay. Đây là một niềm tự hào lớn của trường Huệ Nghiêm. Lại như tịnh xá Trung Tâm ở quận Bình Thạnh, đây là một trung tâm đào tạo Tăng tài của Hệ phái Khất Sĩ ngày nay. Ở Trung Tâm, ngoài giờ đi học tại các trường Phật học trong Thành phố, chư Tăng sinh đều phải tuân thủ theo giờ giấc tu tập và sinh hoạt của đại chúng. Điều này rất tốt mà không phải cơ sở nào cũng tổ chức được như thế…
Oai nghi là những thiện nghiệp thuộc về thân tướng. Như nói về chơn thân thì không hạn cuộc trong tứ đại, ngũ uẩn. Các bậc đại giác ngộ thấu rõ bản lai diện mục có những oai nghi vượt oai nghi. Những oai nghi này là diệu dụng của trí tuệ giải thoát hiển lộ ra. Như Tổ sư Hương Nghiêm Trí Nhàn, khi nghe tiếng động do hòn sỏi văng vào cây trúc phát ra, ngài đã giác ngộ và đã làm bài kệ lúc đó như sau:
Một tiếng quên sở tri
Chẳng cần phải tu trì
Đổi sắc bày đường xưa.
Chẳng rơi cơ lặng yên,
Nơi nơi không dấu vết
Oai nghi ngoài sắc, thanh.
Những bậc đạt đạo này
Đều là thượng thượng cơ.
Oai nghi ngoài sắc thanh là chỗ siêu thoát của người học oai nghi. Trong Kinh Kim Cương, đức Phật đã bảo ngài Tu-bồ-đề rằng: “Nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm… người ấy không hiểu nghĩa Pháp thân ta nói. Bởi vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai.” (Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.)
Vậy oai nghi là điều cần thiết, dù là thiện nghiệp hay là vô tác thì cũng ứng từ tâm mà ra, không hẳn là thấp hay cao. Dù muốn hay không, người tu hành cũng phải tập theo Phật hạnh. Nếu là người chơn tu thì tự nhiên sẽ có Phật hạnh, ứng theo tâm thanh tịnh của người ấy. Vậy ai ai cũng cần phải giữ hạnh, giữ cho mình và giữ cho mọi người xung quanh. Tóm lại, cần phải chú ý rằng với hai phạm vi trách nhiệm của người xuất gia thì Môn oai nghi Sa-di có hai ý nghĩa sau:
- Về phần cá nhân thì Môn oai nghi Sa-di là môn học hạnh xuất gia giải thoát, dùng sự tập hạnh để rèn tâm.
- Về mặt xã hội thì Môn oai nghi Sa-di là môn học cách xử thế phải đạo của người xuất gia, để biết cách sống như một nhà sư, xứng đáng với những mong đợi của mọi người, hài hòa nên một đoàn thể Tăng-già tốt đẹp.
II. 19 BÀI HỌC OAI NGHI SA-DI:
1. Nhận xét khái quát:
Môn oai nghi Sa-di là một môn học chính của hàng Sa-di, dạy Sa-di các cách cư xử hợp lẽ đạo. Môn học này do đức Phật Thích-ca dạy đại ý và thị hiện, nhiều đời Tổ sư phân giải, đến đời nhà Minh ở Trung Quốc, hòa thượng Châu Hoằng (1532-1612, còn gọi là đại sư Liên Trì, tu tại núi Vân Thê ở Hàng Châu…) đã tổng hợp thành 24 bài học cho Sa-di. Tổ sư Minh Đăng Quang đã dịch 18 bài của hòa thượng Châu Hoằng, cắt bỏ một số đoạn, thêm một vài ý và nhập hai bài Nghe Pháp, Học Kinh thành một. Sau đó, Tổ sư viết thêm hai bài Tiếp Chuyện Cùng Người ThếSa-di Phải Biết Rằng. Do vậy, Môn oai nghi Sa-di có 19 bài tất cả.
Trong 24 bài do hòa thượng Châu Hoằng biên soạn từ nhiều kinh sách, Tổ sư đã bỏ 6 bài có lẽ vì những lý do như sau:
1. Kính Bậc Đại Sa-môn. Trong Giáo pháp Khất Sĩ chắc không có ai là đại Sa-môn. Ngay đức Tổ sư cũng chỉ tự xưng là Minh Đăng Quang khất sĩ. Vả lại nội dung bài này đơn giản và cũng có trong những bài khác.
2. Vào Nhà Thiền Phải Tùy Chúng. Mỗi gốc cây là một thiền đường của vị khất sĩ. Mỗi am tranh là một thiền thất của vị khất sĩ. Thiền viện Khất Sĩ cũng không nhất định phải tổ chức như thiền viện của Phật giáo Trung Quốc…
3. Vào Chùa Am. Bài này có nhiều ý giống bài Nhập Chúng.
4. Quanh Lò Hơ Lửa. Việt Nam là xứ nhiệt đới, không có lạnh lắm. Mà ngày nay con người đã có nhiều cách sưởi ấm khác rồi và bài này ý tứ cũng không có gì mới.
5. Đi Chợ Mua Đồ. Các Sa-di tập sự không được phép giữ tiền, nói gì đến mua đồ hay đi dạo trong siêu thị. Tuy ngày nay Phật giáo Khất Sĩ có thoáng hơn về khoản này, nhưng đâu thể có văn bản do Tổ sư để lại cho phép hàng đệ tử ngài đi chợ và giữ tiền được.
6. Danh Và Tướng Của Y Bát. Các khất sĩ đã có y bát chân truyền dạy rõ trong chương Luật Khất Sĩ. Y và bát của Phật giáo Bắc truyền vốn không đúng với truyền thống của Phật giáo Ấn Độ.
Hai bài Sa-di Phải Biết RngTiếp Chuyện Cùng Người Thế do Tổ sư Minh Đăng Quang viết. Trong khi 17 bài oai nghi kia đều chú trọng vào những hành xử nên làm hay chẳng đặng làm của các Sa-di, thì hai bài này xác định cho các Sa-di tập sự những ý thức tổng quát, để có những hành xử thích hợp, dù là trong Môn oai nghi Sa-di chưa dạy việc làm đó. Bài Đi Các Chỗ Học Đạo có hai đoạn, đoạn hai cũng có giá trị tương tự như hai bài trên. Đoạn này đã nêu ra những bổn phận của Sa-di: Sa-di phải kính ngôi Tam Bảo, phải thường kiểm soát thân khẩu ý của mình, phải tập giữ đại giới, tập tham thiền và siêng năng làm công cho giáo hội… Đoạn này cũng là do Tổ sư viết bổ sung: “Đây là lược giải sơ tạm chút ít đôi điều cho có sự học hạnh lúc đầu của người tập sự… nhập Niết-bàn.”. Như vậy, sự biên tập Môn oai nghi Sa-di của Tổ sư Minh Đăng Quang rất hợp lý, căn bản.
Môn oai nghi Sa-di có 19 bài oai nghi sau:

1. Sa-di Thờ Thầy
2. Theo Thầy Ra Đi
3. Vào Chúng
4. Theo Chúng Ăn
5. Lạy Kỉnh
6. Nghe Pháp Học Kinh
7. Tiếp Chuyện Cùng Người Thế
8. Làm Việc
9. Vào Nhà Tắm
10. Vào Nhà Tiêu
11. Nằm Ngủ
12. Ở Trong Phòng Cốc
13. Đến Chùa Ni Cô
14. Đến Nhà Người
15. Khất Thực
16. Vào Xóm Đông Nhà
17. Làm Việc Chớ Nên Tự Ý
18. Đi Các Chỗ Học Đạo
19. Sa-di Phải Biết Rằng
2. Sa-di Phải Biết Rằng:
Bài Sa-di Phải Biết Rằng trình bày về vấn đề tu học đạo đức, nêu lên lý tưởng tu hành giải thoát, mô tả quãng đời tập sự Sa-di và con đường Niết-bàn còn xa phía trước. Bài này đã nêu lên ý thức tu học căn bản nhất mà mỗi Sa-di cần phải biết. Tổ sư đã viết thêm bài này để bổ sung cho Môn oai nghi Sa-di được đầy đủ ý nghĩa. Nhờ có nó, Môn oai nghi Sa-di đã trở nên một quyển sách có chương kết. Do đặc điểm này mà chúng ta tìm hiểu bài Sa-di Phải Biết Rằng trước, mặc dù nó được sắp ở cuối Môn oai nghi Sa-di.
Ý thức căn bản mà mỗi Sa-di cần phải biết và luôn ghi nhớ là: Tu học đạo đức là món ăn về tinh thần lý trí để đến với tâm chơn Phật, rất cần hơn mọi nghệ thuật và những sự học bên ngoài…
Tổ sư Minh Đăng Quang đã khuyến khích mọi người phát tâm học đạo, uốn nắn tâm viên giồi trau ý mã trong một thời hạn khoảng 2 năm để tập làm một người cao thượng, biết rõ những nhân quả vay trả trong cuộc đời, tránh ác làm thiện, sống đúng theo công lý để mang lại nhiều lợi ích cho mình, cho mọi người, cho xã hội…
3. Tiếp Chuyện Cùng Người Thế
Bài Tiếp Chuyện Cùng Người Thế nói rõ thân phận Sa-di khác biệt với người thế tục, qua đó xác định Sa-di cần phải ý thức về vấn đề ly gia cắt ái. Nếu ở cấp độ xuất gia đầu tiên là xuất thế tục gia mà Sa-di chưa làm được, thì Sa-di khó mà tiến xa hơn trên con đường của chư Phật (Phật đạo).
Bài Tiếp Chuyện Cùng Người Thế có mục đích giúp những người mới xuất gia xác định được mình là ai. Từ đó có ý thức rõ ràng về sự xuất gia học đạo, về những thân quyến giả tạm trong mỗi đời sống, về những quan hệ đối đãi với người thế…
Tóc cạo rồi tơ lòng đoạn phủi
Cuốn sổ đời tên tuổi đã bôi,
Nợ trần ngày ấy dứt rồi,
Tây phương ngày ấy một ngôi sẵn giành!
Kể ngày ấy vãng sanh xứ Phật
Học đạo mầu nhiệm mật huyền vi…
Kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy về cái thân giả tạm như sau: “Thân này là cái thành được xây bằng xương cốt và tô quét bằng máu thịt, để cất chứa sự già và sự chết, ngã mạn, dối gian…” Trong Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang có dạy rằng: “Một kiếp tu hành ngàn đời thoát khổ, một thời ngộ đạo ngàn thuở yên vui.” Chư Phật chư Tổ đều mong muốn nhân sanh giác ngộ được sự vô thường giả tạm của cuộc sống, để từ đó xả bỏ những cảnh giới lầm than trong kiếp người, bước lên chốn quang minh an ổn. Chúng ta hãy cố gắng, đừng phụ lòng mong mỏi tha thiết của chư Phật chư Tổ.
4. Tìm hiểu chung các bài còn lại:
a. Các bổn phận của Sa-di:
Khi rời khỏi nhà thế, cắt ái ly gia, theo về ngôi Tam Bảo mà làm Sa-di tập sự, các vị ấy có những bổn phận tu phước và huệ như sau:
- Giữ 10 giới Sa-di
- Theo hầu thầy học hạnh
- Công quả cho giáo hội
- Học bài kinh luật và tập thiền
b. Các quan hệ của hàng Sa-di:
- Với thầy:
Cha mẹ sanh thành dưỡng dục ta nên người, ân đức ấy thật như trời biển. Còn thầy là người sanh thân giới mạng huệ cho Sa-di, giúp Sa-di đi lên con đường của chư Phật, giải thoát khỏi sự giả dối đảo điên ngàn đời của kiếp nhân sinh, ân đức này còn lớn hơn biển trời. Khi theo thầy xuất gia học đạo, Sa-di khác nào một đứa con đạo đức của thầy. Nên Sa-di cần kính thầy như Phật. Dù thầy chưa thật là Phật thì Sa-di cũng được vô lượng công đức do tâm hiếu kính đó. Vậy Sa-di nên thường quy y học hỏi theo thầy. Ban đầu, một người phải tìm thầy chơn chánh mà theo xuất gia làm Sa-di, rồi không được tự ý bỏ thầy, bởi tự ý bỏ thầy là lỗi đạo…
- Với bạn:
Người xuất gia học đạo rất cần có những thiện hữu tri thức bên cạnh. Người xưa đã bảo rằng: Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Bạn pháp (pháp lữ, pháp hữu, pháp huynh, pháp đệ…) sẽ là những người tác thành đạo nghiệp cao cả cho Sa-di. Thế nên Tổ Quy Sơn đã dạy: Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Nên biết, pháp – tài – lữ – địa là 4 điều kiện để thành lập một chỗ ở tốt cho người tu hành…
- Với thân quyến:
Tổ Quy Sơn đã dạy: Đối cha mẹ chẳng dâng ngon ngọt. Với lục thân chí quyết bỏ lìa!... Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy các Sa-di: Còn có nghĩ đến cha mẹ, quyến thuộc, thì tất cả nhân loại là quyến thuộc, cha mẹ, anh em chung, đúng chân lý đại đồng của võ trụ, không còn có cái gì là riêng của ta nữa cảKinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy rằng: Đây là con ta, đây là tài sản của ta… kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế; nhưng không biết chính ta còn không có, huống là con ta hay tài sản của ta! Chúng sanh bình đẳng, lục thân của Sa-di trong đời này là những chúng sanh có nhiều nhân duyên với Sa-di mà thôi. Sa-di có trách nhiệm giúp đỡ lục thân của mình về mặt đạo đức nhưng Sa-di chớ nên lưu luyến…
- Với mọi Phật tử:
Mỗi người mỗi nước mỗi non
Bước vào cửa đạo như con một nhà.
Trong nhà đạo, đức Phật Thích-ca là bậc cha lành của chúng ta, ngài thương các con bình đẳng, mỗi lúc đều hằng mong đưa con ra khỏi nhà lửa Tam giới. Hàng Sa-di thọ giới pháp trên các Phật tử nên xứng làm anh làm chị của những người mới thọ ba quy y và năm giới cấm. Tuy các Phật tử thường kính trọng các Sa-di, nhưng Sa-di cũng chớ cho rằng mình lớn hơn ai. Sa-di nên xưng trò hoặc xưng pháp danh với các Phật tử và đừng gọi Phật tử nào là con hết…
c. Các phép tắc hành xử của hàng Sa-di:
Những cách lễ lạy, tụng niệm, ngồi thiền, đi bát, xớt bát, dẫn chúng tu, cư xử với mọi người… Sa-di đều phải tập theo nghi thức.
Làm việc không được tự ý.
Chẳng nên đến chỗ người thế tục khi không cần thiết. Cũng không sinh hoạt, tiệc tùng, cười giỡn, xu hướng theo người đời…
Sa-di cần giữ một khoảng cách vừa phải đối với các Ni cô. Với các Tỳ-kheo Ni, Sa-di chỉ là hàng đàn em. Trong bảy chúng Phật tử, Tỳ-kheo Ni chỉ đứng sau hàng Tỳ-kheo.
Khi tắm rửa, đi vệ sinh, ngủ nghỉ, sinh hoạt cá nhân, ở riêng trong phòng… Sa-di cũng cần giữ ý tứ.
III. 37 CÂU CHÚ NGUYỆN MẪU:
1. Tìm hiểu khái quát:
Những câu chú nguyện có xuất xứ từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tịnh Hạnh thứ 11. Nội dung phẩm kinh đó trình bày sự vấn đáp của Bồ-tát Trí Thủ và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Bồ-tát Trí Thủ đã hỏi Bồ-tát Văn-thù là làm cách nào để các Bồ-tát thành tựu được mọi công đức thắng diệu?… Đáp lại câu hỏi rất dài của Bồ-tát Trí Thủ, Bồ-tát Văn-thù đã ứng khẩu đọc ra 141 bài kệ. Hầu hết các câu chú nguyện đều được trích dẫn từ đây.
Hòa thượng Kiến Nguyệt ở Trung Quốc (1601-1679, còn gọi là luật sư Độc Thể, hoằng pháp tại núi Bảo Hoa tỉnh Giang Tô…) đã trích dẫn một số trong 141 bài kệ của Bồ-tát Văn-thù, kết hợp thêm những câu chú Mật tông và các bài kệ khác, làm thành một tập có tên gọi là Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Hòa thượng muốn phổ biến tác phẩm này cho các Tăng, Ni sử dụng hàng ngày, dụng ý xem như luật, nên đã đặt tên sách như thế. Tác phẩm này có 54 bài kệ. Các bài kệ trong Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu thường được gắn thêm một câu mật ngữ, phiên âm Hán-Phạn. Sau đó, mọi người đã xếp nó vào 4 bộ Luật nhỏ của Sa-di. Thế nhưng, các câu chú đâu phải là luật. Nếu dựa vào công năng điều tâm của các câu chú mà cho nó là luật, thì tất cả các kinh pháp đức Phật dạy đều là luật hết. Luật nghi của Sa-di là những phần được rút ra từ luật nghi của Tỳ-kheo, gồm 10 giới và Môn oai nghi Sa-di. Luật nghi của Sa-di Ni được rút ra từ luật nghi của Tỳ-kheo Ni, cũng gồm 10 giới và Môn oai nghi Sa-di (Ni). Nhưng các Sa-di Ni sẽ theo sự hướng dẫn các Tỳ-kheo Ni khi học oai nghi Ni cô, học việc của phụ nữ xuất gia.
Qua 54 câu chú nguyện của Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu, Tổ sư Minh Đăng Quang đã trích dịch 35 câu cho các Sa-di tập sự học, phân thành 37 câu, đặt tên cho những bài kệ không có tên, gọi chung là Những câu chú nguyện mẫu... Ngài đã không dịch riêng những câu chú nguyện thành một tập sách, diễn giải tỉ mỉ, cho đến cũng không viết riêng thành một bài. Khi vừa hết phần oai nghi, Tổ sư đã tiếp luôn: “Và Sa-di cần phải học thuộc lòng những bài kệ, để chú nguyện trong tâm mỗi lúc khi có gặp việc ấy.”. Xem như những câu chú nguyện chỉ là một phần của Bài Học Sa-di. Theo gương Tổ sư, ở đây chỉ chú giải thêm những điều cần thiết cho mọi người hiểu rõ hơn…
Từ 37 câu chú nguyện mẫu, các tập sự Sa-di sẽ phát nguyện tương tự trong mỗi hoàn cảnh. Do phát nguyện đúng đạo lý, các tập sự Sa-di kềm giữ được tâm bất thiện, phát triển đạo tâm, kiên trì đạo hạnh, tăng cường đạo lực và thành tựu đạo quả. Khi cầu cho chúng sanh tức là các Sa-di mở lòng rộng lớn, vượt ra khỏi sự ích kỷ hẹp hòi của bản ngã. Do nơi việc đang xảy ra mà liên tưởng đến các đạo lý, tức là thường niệm giác, niệm chánh, niệm tịnh, cũng là thường niệm Phật, Pháp và Tăng vậy.
Câu “Đương nguyện chúng sanh” có nghĩa là “Nên nguyện cho chúng sanh”, nhưng Tổ sư Minh Đăng Quang đã dịch thành “Cầu cho chúng sanh” để cho chủ động hơn. Quả thật chú nguyện là việc của mỗi Sa-di, tự giác, chủ động, tinh tấn vượt lên, không do ai ép phải tu như thế cả!
Trở lại hình thức ban đầu của những câu chú nguyện, Tổ sư Minh Đăng Quang đã cắt bỏ tất cả các mật ngữ. Bởi nghĩa của chú nguyện là chú tâm cầu nguyện. Do nơi sự chú tâm và sự cầu nguyện chân thành, hàng Sa-di sẽ phát huy được tâm lực, vận dụng được trí tuệ tự nhiên và sống tốt đẹp. Nguyên lý của pháp môn tu này là như vậy. Những tính chất bí mật, thần diệu mà có là ở nơi tâm người thực hành, chứ không phải ở nơi văn tự. Như với người Ấn Độ, các câu tiếng Phạn đều rõ nghĩa, vì đây là tiếng mẹ đẻ của họ…
Đưa pháp tu này về lại đúng vị trí của nó, Tổ sư khẳng định: “Đây là những câu chú nguyện mẫu, chớ đúng thật, mỗi người phải tự đặt ra câu chú nguyện cho thuận hạp theo duyên, mỗi việc. Có như thế mới kềm giữ tâm đạo của Sa-di và phát tâm chánh đẳng chánh giác, thực hành tinh tấn được vậy.” Theo tinh thần này, bên Ni giới Khất Sĩ cũng có thêm những bài kệ chú nguyện như:
Rửa Miệng
Nước trong rửa miệng
Cầu cho chúng sanh
Tâm trần tẩy sạch
Chẳng nhiễm lợi danh.
Uống Nước
Tay bưng nước uống
Cầu cho chúng sanh
Đạo mầu được nếm
Mát mẻ tâm lành.
37 câu chú nguyện mẫu đều bắt đầu bằng một chữ Như. Chữ Như không phải là mật ngữ. Như vốn là một từ dùng để so sánh. Nhà Phật dùng từ Như để gợi ý cái đó, thường trụ, vô sanh, bất diệt. Như là gì? Như là Như, chẳng là gì nữa cả, xưa nay thường vậy, tự nhiên là vậy. Hãy dùng tâm Như mà cầu nguyện cho chúng sanh muôn loại thường được những lợi ích cao thượng nhất. Phải làm như thế mới thật sự là phát tâm chánh đẳng chánh giác. Cho nên một chữ Như Tổ sư đặt vô đầu mỗi bài kệ đã nâng giá trị bài kệ lên mức liễu nghĩa hoàn hảo, hợp với Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.
Như, hỏi Như là gì
Cầu cho chúng sanh
Đừng vọng tâm chi
Như là vậy đó.
Như, viết bài vừa xong
Cầu cho chúng sanh
Siêng năng học hành
Suốt thông giáo pháp.
2. Tham khảo:
- Bài Chơn Ngôn Lạy Khắp là bài Quán Tưởng:
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
- Bài Lễ Phật là bài kệ của vị tiên nhân tiền thân Phật Thích-ca tán thán đức Phật Phất-sa. Do công đức nhất tâm chiêm ngưỡng suốt 7 ngày đêm và tán thán Phật Phất-sa, đức Thích-ca đã được thành Phật sớm 9 kiếp. Về sau, ngài Xá-lợi-phất cũng dùng bài kệ này để tán dương đức Phật Thích-ca:
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Thập phương thế giới diệc vô tỷ
Thế gian sở hữu ngã tận kiến
Nhất thiết vô hữu như Phật giả.
- Bài Khen Phật là bài Tán Phật:
Pháp vương vô thượng tôn
Tam giới vô luân thất
Thiên nhân chi đạo sư
Tứ sanh chi từ phụ
Ư nhất niệm quy y
Năng diệt tam kỳ nghiệp
Xưng dương nhược tán thán
Ức kiếp mạc năng tận.
Ba bài này và một số bài khác không có xuất xứ từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tịnh Hạnh thứ 11. Ngoài ra, có một số từ ngữ cần giải thích như:
v Trí tất cả là Nhất thiết trí hay Nhất thiết chủng trí, là trí biết tất cả mọi sự mọi vật mà không nhọc công nghiên cứu tỉ mỉ như các nhà khoa học.
v Ni-sư-đàn là loại tấm lót nằm của các khất sĩ, cũng dùng làm tấm tọa cụ để lót ngồi.
v Như Lai: bậc từ chơn như đến, là đức Phật.
v Thấy tất cả Phật: muốn thấy được vậy thì phải làm theo bài kệ này của Kinh Hoa Nghiêm:
Nếu người muốn biết rõ Nhược nhân dục liễu tri
Tất cả Phật ba đời Tam thế nhất thiết Phật
Nên quán tánh pháp giới Ưng quán pháp giới tánh
Hết thảy do tâm tạo. Nhất thiết duy tâm tạo.
v Bốn loại chúng sanh: các loại sanh từ thai, từ trứng, từ chỗ ẩm thấp và loại do biến hóa sanh ra. Cha lành của bốn loại: đức Phật là bậc Từ phụ của tất cả chúng sanh.
v Nghiệp ba kỳ (tam kỳ nghiệp): A-tăng-kỳ nghĩa là vô số, là từ chỉ con số gồm số 1 và 47 số 0 ở sau. Ba A-tăng-kỳ gồm kiếp A-tăng-kỳ, sinh A-tăng-kỳ và diệu hạnh A-tăng-kỳ, gọi tắt là 3 kỳ, là thời gian cần thiết để một người tu thành Phật! Người nào thường quy y Phật sẽ mau diệt được vô lượng nghiệp chướng…
v Ba vòng trống vắng (tam luân không tịch) là người cúng dường, người nhận và phẩm vật hỷ cúng đều Không; người cúng không cầu, người nhận không nguyện, cũng không có tâm lượng so đo vật cúng thì phước báo vô lượng sanh ra. Điều này, Kinh Kim Cương dạy là: “Bố thí bất trụ tướng, kỳ phước đức bất khả tư lường!” Đây cũng chính là sự thí rốt ráo trong bài Chịu Của.
v Năng là kẻ chủ động, năng lễ là người lạy. Sở là đối tượng, sở lễ là đức Phật.
v Đế châu là chỉ ngọc như ý của vua Chuyển luân, có khả năng chữa bệnh, chiếu sáng, trị lửa, dứt đói khát, hóa mọi vật chủ muốn… Ngọc như ý tuy vô cùng quý nhưng cũng là báo ứng của vua Chuyển luân, có rồi phải mất. “Ta đến đạo tràng như ngọc tốt, Mười phương chư Phật bóng bày trong, Thân ta bóng bày trước chư Phật, Đầu mặt nối chân tin trở lại. là nói đến sự nhận ra được viên bảo châu chân thật, nhập vào pháp giới bất tư nghì của chư Phật, bởi do giác ngộ tánh lạy...
v Cam lộ là sương ngọt. Cam lộ cõi trời là loại thức ăn quý của chư thiên, dùng rồi sẽ được khỏe khoắn và sống lâu.
v Tòa Bồ-đề là tòa giác ngộ, chỉ cho các quả vị của Phật giáo.
v Biển trí Phật: trí tuệ Phật rộng sâu vô cùng vô tận. Chữ biển ở đây có nghĩa là rất lớn.
v Pháp vô tướng là thật tướng của các pháp. Có câu: “Thật tướng vô tướng, vô tướng bất tướng, cố danh thật tướng.”. Đạo lý siêu tuyệt của câu kinh này là: Tướng thật của vạn pháp là tướng Vô, tướng Vô chẳng có tướng trạng gì nên mới gọi là thật tướng. Phàm cái gì có tướng trạng đều là giả dối. Chơn như ở ngoài chỗ nhận biết đối đãi của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Chơn như không thể mong cầu, không cần tu sửa thêm gì hết, chỉ do giác ngộ mà được.
v Quanh mé hữu là đi theo chiều kim đồng hồ quay. Đây là chiều thuận theo hướng quay của các hành tinh.
- Bài Súc Miệng cần sửa chữ cúng thành cùng, bởi nó được dịch từ chữ đồng:
Như, súc miệng sạch luôn lòng
Ngậm nước thơm trăm bông
Ba nghiệp hằng trong sạch (Tam nghiệp hằng thanh tịnh
Cùng Phật qua Tây phương. Đồng Phật vãng Tây phương)
- Bài Uống Nước có một đạo lý cần làm sáng tỏ. Đó là nếu không niệm chú thì như ăn thịt chúng sanh, còn khi niệm chú rồi thì tám muôn bốn ngàn trùng uống hết vô bụng sẽ được siêu thoát hết chăng? Bài kệ này có đạo lý gì?
Như, Phật xem một bát nước
Tám muôn bốn ngàn trùng,
Nếu không niệm chú này
Như ăn thịt chúng sanh.
Không ăn thịt làm hại mạng chúng sanh là điều rất đúng theo tinh thần Phật giáo và điều này các Phật tử có thể làm được. Nhưng nếu bảo các Phật tử phải kỹ đến mức nước giếng, nước suối… cũng không uống thì làm sao sống được? Trong cuộc sống hàng ngày, khi uống một ly nước sạch để giải khát thường không ai nghĩ rằng mình đang ăn một sinh mạng nào cả. Do không có tâm và hành động giết hại thì đâu có tội tạo ra. Đạo lý của bài kệ Uống Nước có lẽ là: một bát nước có vô số trùng, cũng như thân thể con người vậy, có gì riêng đâu. Thân là giả, thân này không phải là Ta, đang uống nước đó không phải là Ta, chỉ là các pháp vận hành theo duyên của chúng… Bài kệ trên đưa ra một nhận xét “Không niệm chú thì như ăn thịt chúng sanh” là gợi ý chúng ta phải xem lại “chú này” là gì trong hai câu đơn giản ở đầu bài kệ, từ đó ý thức về chúng sanh giới, thật vô cùng vô tận, không sai biệt với tâm và Phật! (Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt.)
IV. VÀI LỜI KẾT:
Sau đây là vài lời tóm tắt về những phần đã tìm hiểu:
Sa-di là lớp mầm non của Phật giáo, là những thế hệ kế thừa sự nghiệp của Phật giáo. Nên công tác đào tạo Sa-di là một Phật sự quan trọng và thường xuyên của Giáo hội Phật giáo. Để nung đúc, rèn luyện giới hạnh cho Sa-di, bộ Luật Nghi Khất Sĩ đã có trình bày những phần mà hàng Sa-di cần phải học. Trong đó, Bài Học Sa-di là một chương. Bài Học Sa-di gồm 19 bài oai nghi Sa-di và 37 câu chú nguyện mẫu cần phải học của các Sa-di tập sự. Trong Bài Học Sa-di, Môn oai nghi Sa-di đã lược nêu những cách hành xử phải đạo cho những người tập xuất gia tu Phật. Người xuất gia ai cũng đều có những hạnh xuất gia giải thoát và những hạnh đối nhân xử thế cần phải học. Đây là hai phần ý nghĩa của Môn oai nghi Sa-di. Khi học môn này, ta cần phải nắm vững những nội dung chính và những ý thức căn bản, lại cần phải hiểu đạo lý của oai nghi, từ đó linh hoạt áp dụng môn học này vào những hoàn cảnh sống khác nhau. Còn 37 câu chú nguyện mẫu là những gợi ý cho Sa-di tập phát tâm Bồ-đề trong mọi lúc. Quả Niết-bàn vốn được hình thành từ chính những tâm Bồ-đề này vậy…
Khi đi xuất gia, người ta chưa cần làm Bồ-tát hay làm thiền sư gì, mà trước hết chỉ cần làm một Sa-di như pháp. Oai nghi Sa-di là học theo khuôn mẫu thân tướng của chư Phật, chư Thánh, xuất phát từ những yêu cầu thực tế của cuộc sống. Oai nghi Sa-di hiển hiện nơi lục căn thanh tịnh, phân tích ra là bảy nghiệp của thân khẩu và theo nguyên lý “Hữu ư trung tắc hình ư ngoại”, bởi có ở trong tâm nên thành hình tướng ở bên ngoài. Như có người cho rằng tư tưởng Đại thừa là không chấp nên không cần học oai nghi Sa-di, thì quan niệm này thật sai lầm. Đã không chấp mà lại chấp cái không chấp thì kẹt lắm, có khác gì ông ngoại đạo Phạm chí Trường Trảo ngày xưa! Thật ra, không chấp phải nói cho đầy đủ là tu mà không chấp, chớ chẳng phải không có tu. Hàng Bồ-tát thường hành lục độ vạn hạnh nhưng tâm thường không trụ bốn tướng, nên lục độ của các ngài đạt đến mức Ba-la-mật, vạn hạnh của các ngài đạt đến mức viên mãn, thể hiện tâm đức vô ngã hoàn toàn. Nếu ai nói rằng hàng Bồ-tát không trì giới thì người này mang tội phỉ báng Phật pháp, chắc rằng phải đọa địa ngục. Tự cuộc sống sẽ cho ta biết cần phải giữ giới hay không, nào phải tranh luận gì!
Ngày nay, cũng có một số Tăng, Ni không giữ được các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Có những vị xuất gia đã bất cần, xem thường những cảm nhận của hàng Phật tử. Lại có những vị đi quá trớn trong mối quan hệ thầy trò, khiến cho nhiều Phật tử không thấy được hình ảnh xuất gia cao đẹp nơi vị ấy nữa. Cả hai trường hợp đều không phải cách của người xuất gia tu Phật. Đồng thời, cũng có những người tu hành vì quá xem trọng hình thức mà trở nên lề mề, y như ông cụ non. Người như thế này ở ngoài đời cũng khó mà sống được với mọi người. Lại cũng có những tu sĩ trẻ đi, đứng, nằm, ngồi phóng túng, hành xử trái oai nghi, mang lại những hậu quả rất đáng tiếc cho cuộc đời tu hành của những vị ấy... Nói chung là thời nào cũng có những chuyện thái quá bất cập tương tự, chính vì vậy mà mới có chuyện tu sửa rèn luyện!
Trong sự tu hành, người đã thành tựu thì đâu cần ai lo, người chưa thành tựu thì lại gia nhập giáo hội làm Tăng tu tiếp. Dòng đời cứ biến chuyển, có nhiều việc cứ phát sinh. Ví như ngày nay khi đi xe đò, không nên ngả lưng ghế bằng hoặc thấp hơn ghế kế bên, nhất là khi người ngồi kế bên là phụ nữ. Hay khi lái xe 2 bánh không nên lạng lách. Không nên dắt xe ra, leo lên ngồi rồi gật đầu chào thầy và xin phép đi đâu. Khi nghe điện thoại, câu “A-lô” đầu tiên nên thay bằng một câu niệm Phật, vì như thế sẽ ngầm nhắc nhở người đang đối thoại với nhà sư nên giữ ý tứ. Khi tập quyền dưỡng sinh không nên mặc quần áo ngắn như người đời. Khi đi xe buýt có ai nhường ghế cho thì nên nhã nhặn cám ơn, đừng nên quên cám ơn, cũng đừng nói “Chứng minh công đức…” gì hết… Những việc thế này đều do nắm vững đạo lý của Môn oai nghi mà tùy nghi hành xử vậy.
Bài viết này được hình thành trong quá trình tác giả hướng dẫn cho các vị Sa-di tại tịnh xá Ngọc Thiền – Đà Lạt, dưới sự chứng minh của đức thầy Giác Ngộ. Nhưng với một mục đích lớn và lâu dài hơn, thì chính những bài viết thế này sẽ góp phần nâng cấp bộ Luật Nghi Khất Sĩ, khiến nó trở thành một bộ quảng luật, đồng đẳng với 6 bộ quảng luật Phật giáo khác trên thế giới; giúp kiện toàn Giáo pháp Khất Sĩ, mang lại thọ mạng trường cửu cho dòng đạo này… Rất mong thay chư khất sĩ sẽ quan tâm tham gia đóng góp cho Phật sự cao cả này!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).14/2/2012.

No comments:

Post a Comment