Monday 13 February 2012

SÁM HỐI

MỞ ÐỀ
Mắc bệnh ung nhọt làm mủ trong thân, người bệnh cần phải gan dạ mời giải phẫu sư mổ ra và cạo rửa mủ máu cho sạch, có thế thì bệnh chóng lành. Nếu bệnh nhân hèn nhát không dám cho mổ, để ấp ủ lâu ngày, ung nhọt có thể làm nguy hiểm đến tánh mạng. Cũng như thế, người tu lỡ phạm những điều tội lỗi, gan dạ đến những bậc đức hạnh thành tâm phát lồ sám hối thì tội lỗi chóng sạch. Ngược lại, kẻ ấy hèn nhát cứ một bề che giấu, tội lỗi càng ngày càng trầm trọng, đến mai kia có thể sa đọa không thể cứu. Chúng ta là phàm phu, là kẻ đang tập tu, không sao tránh khỏi những điều sai lầm tội lỗi, chỉ quí ở chỗ có lỗi biết thành tâm sám hối, không dám tái phạm, khiến tội lỗi sạch dần cho đến ngày nào đó hoàn toàn thanh tịnh. Hèn nhát không chịu sám hối là kẻ chấp nhận sự lui sụt của mình, tự hủy bỏ đời sống tu hành của chính mình. Sám hối là phương pháp sách tiến mạnh mẽ nhất, đối với người chân thật tu hành, bỏ sám hối khó ai từ phàm phu tiến lên Thánh được.
ÐỊNH NGHĨA
Sám hối là ăn năn hối cải. Những tội lỗi đã làm, chúng ta hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm; những tội lỗi đang làm và sẽ làm, chúng ta hứa sửa đổi không làm. Không phạm tội cũ, không tạo lỗi mới, là chủ yếu của pháp sám hối. Sám hối cũng nói là phát lồ sám hối. Phát lồ là vạch trần những tội lỗi mình đã làm phơi bày trước bậc đức hạnh để thành tâm sám hối. Làm thế, do tâm hổ thẹn, cầu tiến mới dám gan dạ đến trước bậc đức hạnh phơi bày hết tội lỗi của mình cầu xin sám hối. Giá trị căn bản nhất là, hổ thẹn và cầu tiến, hai tâm này là động cơ chính yếu trong việc sám hối. Vì hổ thẹn và cầu tiến chúng ta mới sám hối, sau khi sám hối dứt khoát không tái phạm gây tạo nữa. Trọng tâm của sám hối là ở chỗ này.
HÌNH THỨC SÁM HỐI
Sám hối tương tợ nghĩa xin lỗi của người thế gian. Người thế gian lỡ phạm lầm lỗi với ai khiến họ phiền muộn, biết mình có lỗi gan dạ đến xin lỗi, lỗi lầm ấy liền được tha thứ, nếu người rộng lượng, hoặc giảm bớt buồn phiền, nếu người cố chấp. Biết nhận lỗi mình và gan dạ đi xin lỗi, quả là người tiến bộ đáng khen. Người tu cũng thế, nếu vì ba nghiệp không khéo gìn giữ, có ngôn ngữ hành động làm cho người chung quanh mình phiền não, nhận rõ lỗi mình, gan dạ đến ngay đương sự thành tâm sám hối. Nếu người thật tu hành, không ai chẳng tha thứ cho người đã biết lỗi sám hối. Thế là tội lỗi liền đó dứt sạch.
Nếu người tu vì si mê che đậy lỡ phạm những giới của mình đã thọ, cần phải hổ thẹn gan dạ đến trước những vị đức hạnh phát lồ sám hối. Do lòng thành của mình và nhờ sự chứng minh của bậc trưởng thượng, chúng ta nỗ lực cố gắng không tái phạm những lỗi lầm cũ và không tạo tội lỗi mới. Các bậc đức hạnh không thể tha tội lỗi cho chúng ta, song nhờ các ngài làm đối tượng cao quí khiến những lời hứa nguyện của chúng ta có thêm sức mạnh, cho đến cả đời không quên. Biết ăn năn lỗi cũ, không tạo tội mới, đây là lý do hết tội của người sám hối.
Trên đường tu hành, chúng ta thấy chướng nhiều thuận ít, hoặc trong khi phát nguyện tu hành gặp toàn những trở ngại, hoặc thân thể bệnh hoạn ngăn trở sự tu, hoặc túc nghiệp ác duyên khiến mờ mịt ngu tối... gặp hoàn cảnh này, chúng ta nên đến trước hình tượng Phật, Bồ tát thành tâm sám hối. Bởi những nghiệp duyên đời trước, hiện nay chúng ta không nhớ không biết, chỉ thấy những hiện tượng bất tường, nhận ra mình còn nhiều ác chướng, đến trước Phật, Bồ tát thành tâm sám hối. Với lòng thiết tha tâm chân thành, chúng ta đảnh lễ Phật, Bồ tát, quì gối chí thành phát lên những lời chí thiết sám hối và hứa nguyện, cầu Phật, Bồ tát chứng minh. Bởi lòng thành khẩn thiết tha này, nên sám hối tội lỗi chóng sạch. Lời văn sám hối những nghiệp chướng cũ thu gọn trong bốn câu này:
“Xưa con đã tạo bao ác nghiệp
Ðều bởi muôn thuở tham sân si
Từ thân miệng ý mà phát sanh
Tất cả, nay con xin sám hối.”
TINH THẦN SÁM HỐI
Sám hối đúng ý nghĩa của nó phải có đủ tâm hổ thẹn và cầu tiến. Vì hổ thẹn, chúng ta không thể chứa chấp tội lỗi mãi, cần thành tâm sám hối rồi mới an ổn. Với tinh thần cầu tiến chúng ta phải dứt khoát những lỗi lầm đã qua bằng cách sám hối, để vui vẻ tiến lên con đường đạo đức. Có thế, sự tu hành tinh tấn không bị chướng ngại. Bởi hổ thẹn và mong mỏi vươn lên, sau khi sám hối, chúng ta tuyệt đối không để tái phạm những lỗi cũ. Chính khi sám hối không phải bị ai bắt buộc, chỉ do tâm hổ thẹn thúc đẩy, chí thành tha thiết sám hối. Lòng chí thành tha thiết sẽ giúp chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.
Tuy nhiên, đã thành tâm sám hối lý đáng không được tái phạm lỗi ấy nữa, song vì hoàn cảnh bất khả kháng, hoặc vì tâm yếu mềm chống chọi không lại, rồi dẫm lại vết xưa. Thế đã dở lắm rồi, nhưng chúng ta cũng thành tâm sám hối đừng nản. Còn biết sám hối, chúng ta còn thấy đó là tội lỗi, nếu buông xuôi luôn, tội lỗi càng ngập đầu. Vì thế, có khi một lỗi phạm đến đôi ba lần, lần nào chúng ta cũng vẫn mạnh dạn sám hối, đừng vì tự ái không dám sám hối những lỗi đã tái phạm, tự ái này là gốc khiến ta buông lung tột độ.
Tinh thần sám hối buộc chúng ta phải thành khẩn thiết tha, hổ thẹn cầu tiến, vạch trần những lỗi lầm đã làm, cầu xin sám hối. Vì vậy, khi sám hối đương sự phải cần cầu tha thiết, lời lẽ trình bày chân thành rành rõ thiết yếu, phát nguyện chừa cải một cách mạnh dạn, mới đúng ý nghĩa sám hối. Nhưng gần đây các Chùa cứ theo lệ xưa, chiều mười bốn và chiều ba mươi tổ chức lạy sám hối Hồng Danh, sau khi lạy quì xuống tụng nguyên bản văn dịch âm chữ Hán, Phật tử đọc thuộc lòng mà không hiểu biết gì hết. Như thế, cứ lạy tụng xong gọi là xong thời sám hối. Sám hối như thế mất hết tinh thần cao cả, ý nghĩa thâm sâu của nó. Hằng ngày Phật tử làm những tội lỗi gì cũng được, miễn đến ngày mười bốn và ba mươi đi sám hối một thời là sạch. Quả là một việc làm lấy lệ không đúng tinh thần đạo Phật.
LỢI ÍCH SÁM HỐI
Nếu người phạm tội một lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm, người này chưa phải là Thánh, nhưng đã là bậc hiền. Bởi vì tất cả thế gian này có ai không có tội lỗi, chỉ khác nhau nhiều hay ít, biết chừa cải hay không biết chừa cải ấy thôi. Ðã có tội lỗi mà biết ăn năn hối cải, tội lỗi ấy sẽ giảm xuống dần dần, cho đến hết, người như thế không phải bậc hiền là gì? Cho nên trong cuộc sống này, chúng ta đừng đòi hỏi mình hay mọi người không có tội lỗi, chỉ cần khi lỡ phạm tội lỗi mình cũng như mọi người phải hổ thẹn ăn năn thành tâm sám hối, nguyện chừa cải hẳn sau này. Ðược thế, chúng ta đều là con người tiến bộ, là kẻ sẽ vươn lên bậc Hiền Thánh ở mai kia. Sám hối muốn hết tội phải nhắm thẳng động cơ chánh yếu của nó. Như bài kệ này:
“Tánh tội vốn không do tâm tạo
Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong
Tội trong tâm diệt cả hai không
Thế ấy mới là chân sám hối.”
Hành động ăn cướp ăn trộm, tự nó không thể thành nghiệp phải do lòng tham thúc đẩy. Lòng tham là động cơ chánh yếu của hành động trộm cướp. Thế nên nói "tánh tội vốn không do tâm tạo.” Lòng tham dứt rồi thì hành động trộm cướp làm gì còn. Quả là cả tâm cả tội đều sạch, sự sám hối này mới là chân chánh sám hối. Chân chánh sám hối thì tội lỗi nào mà chẳng sạch.
Hoặc khi sám hối thì thành khẩn tha thiết, song sau đó lại mau quên thỉnh thoảng lại tái phạm. Tái phạm lại sám hối, năm lần mười lượt như vậy, tuy tội không sạch được, mà do bền chí sám hối nó cũng mòn dần. Ðây có thể là trường hợp của hạng trung bình chúng ta. Chúng ta chưa được một lần sám hối là dứt khoát không phạm, mà lâu lâu lại tái phạm tội cũ. Ðừng thối chí đừng nản lòng, chúng ta lại dập đầu sám hối nữa. Biết như thế là dở, song dở phải chịu dở chớ sao; biết dở chịu dở còn hơn người không biết không chịu.
Có sám hối là có suy giảm tiêu mòn, chúng ta hằng ngày mang tâm hổ thẹn, lòng thiết tha sám hối mãi. Nhắc đi lập lại đôi ba mươi lần, nó cũng có sức mạnh, đây là hành động thấp mình khiến tâm ngạo mạn tiêu mất, lâu ngày công đức cũng được đầy đủ. Dám sám hối cũng là một việc làm can đảm, nó là sức mạnh đẩy chúng ta tiến lên. Tu mà không gan dạ sám hối, quả là người hèn nhát che dấu không thể nào tiến lên được.
KẾT LUẬN
Người đời đa số có tội lỗi tìm mọi cách khéo léo che giấu đắp điếm cho người khác đừng thấy lỗi mình, chúng ta có lỗi can đảm nhận chịu và can đảm phơi bày cho người khác biết để sám hối. Thế đã vượt hơn người đời một bậc đáng kể rồi. Huống là, biết lỗi rồi ăn năn hổ thẹn quyết tâm chừa cải để khỏi phạm lại lần thứ hai, người này hẳn đã đi theo bước đường của Hiền Thánh. Căn bản của sự tu hành là sửa đổi những điều dở, nếu chúng ta không còn dở thì ai cần tu. Sửa đổi những điều dở, sám hối là thượng sách. Người biết sám hối, là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối, dù có mang hình thức nhà tu kẻ ấy cũng chưa biết tu. Sám hối với một tâm chí thành, với một lòng tha thiết, xấu hổ những lỗi đã làm, quả quyết không tái phạm, người này không còn tội lỗi nào mà chẳng sạch. Dù có tạo tội bao nhiêu, họ vẫn là người tốt ở mai sau.
(6) 

CÚNG DƯỜNG TAM BẢO

MỞ ÐỀ
Thấy người làm việc lành việc phải, mình tán thán bằng lời, hoặc góp một phần công, giúp một phần của để thành tựu công việc lành ấy. Quả là người này đã có lòng lành đáng quí đáng mến. Huống nữa, Tam bảo là cây cầu đưa chúng sanh từ bến mê qua bờ giác, Tam bảo là con thuyền cứu vớt chúng sanh đang chìm trong bể khổ đưa đến bờ Niết bàn, Tam bảo là ngọn đèn sáng soi đường cho chúng sanh khỏi lạc trong rừng tối vô minh. Người phát tâm tán trợ bồi bổ tô đắp cho Tam bảo thường còn ở thế gian thì công đức biết bao kể xiết. Vì Tam bảo thường còn ở thế gian, chúng ta phát tâm cúng dường, quả là việc làm tự lợi lợi tha đầy đủ.
ÐỊNH NGHĨA
Cúng dường là nuôi dưỡng khiến Tam bảo hằng còn ở đời. Tất cả những sự bảo bọc giúp đỡ gìn giữ để Tam bảo thường còn đều gọi là cúng dường. Tam bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật đã quá khứ, chỉ còn lại hình tượng. Pháp bắt nguồn từ chữ Phạn đến chữ Hán còn nằm sẵn trong kho tàng nhà Chùa. Tăng là những tu sĩ tu theo Phật học chánh pháp. Chính những vị này có bổn phận gìn giữ hình tượng Phật còn, phiên dịch giảng giải chánh pháp. Tam bảo đều quí kính, song hệ trọng nhất là Tăng. Nếu không có Tăng ai gìn giữ Chùa chiền, ai giảng dạy chánh pháp? Thế nên, cúng dường Tam bảo là nói chung, mà hệ trọng là Tăng. Tăng chúng còn là Tam bảo còn, Tăng chúng mất thì Tam bảo cũng vắng bóng. Vì thế mọi sự cúng dường đều đặt nặng vào Tăng, với mục đích Tam bảo tồn tại ở nhân gian.
CÚNG DƯỜNG SAI LẠC
Thế mà có những người cúng dường một cách lệch lạc mất hết ý nghĩa cúng dường. Như có một Phật tử đi Chùa đến Thầy Trụ trì xin cúng năm đồng, liền đó được nghe hỏi "cầu cái gì", Phật tử ngơ ngác. Thầy Trụ trì hỏi thêm "cầu an hay cầu siêu", Phật tử bóp đầu suy nghĩ đáp "cầu siêu", rồi biên một dọc tên vào sổ cầu siêu. Phật tử này như thế, Phật tử khác cũng thế. Ðã thành thông lệ, cúng Chùa là phải cầu siêu hay cầu an. Cầu an cầu siêu cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho thân thuộc mình, sự cúng ấy quả là vì mình. Vì mình mà đi Chùa, vì mình mà cúng Chùa đích thực là tham lam ích kỷ. Nếu mang một tâm niệm tham lam ích kỷ đến với đạo, chưa xứng đáng một Phật tử. Cái hư dở này tại ai? Chính tại người hướng dẫn đã chỉ lối sai lạc.
Ðến phần ông Thầy, do Phật tử cầu siêu cầu an nên có tiền. Ðồng tiền này sau một thời kinh cầu nguyện xong, ông tự coi như trọn quyền sử dụng không có tánh cách e dè sợ sệt gì cả. Nếu một buổi lễ cầu nguyện được Phật tử cúng nhiều tiền, thế là ông mặc tình phung phí, vì tự cho do công tụng cúng của mình mà được. Thế thì đời tu hành cốt vì giác ngộ giải thoát, vô tình trở thành người tụng kinh mướn. Người tu cốt xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, biến thành kẻ thụ hưởng. Trái với mục đích xuất gia, trở thành kẻ hư hèn, chính vì nhận đồng tiền phi pháp. Cầu nguyện là một điều phụ thuộc nhỏ nhít trong Phật pháp, vì nó không phải là chân lý. Thế mà, người ta thổi phồng nó lên, để rồi cả đời người tu gần như hết tám mươi phần trăm (80%) Phật sự đều nằm trong những lễ cầu nguyện. Truyền bá một điều không phải chân lý, ắt hẳn chánh pháp phải chịu suy đồi. Người có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử mà một bề cổ xúy cho sự cầu cúng, là đưa họ vào rừng sâu mê tín, gây thêm lòng tham lam ích kỷ cho họ. Quả là kẻ tạo thêm tội lỗi, chớ không phải người tu hành.
CÚNG DƯỜNG ÐÚNG PHÁP
Người Phật tử chân chánh khi phát tâm cúng dường Tam bảo, chỉ vì mong cho Tam bảo thường còn ở thế gian để đưa chúng sanh ra khỏi đau khổ mê lầm. Nếu đến Chùa, Phật tử cúng năm mười đồng, Tăng, Ni có hỏi cầu điều gì, Phật tử nên thưa: "Chúng tôi chỉ cầu mong chư Tăng, chư Ni nhận món tịnh tài này để có phương tiện an ổn tu hành, hầu truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sanh." Chỉ vì Tam bảo vì chúng sanh mà cúng dường, đây là tâm hồn cao thượng quảng đại vị tha. Làm việc bố thí cúng dường cao đẹp như vậy công đức làm sao giới hạn đuợc. Vì Tam bảo thường còn ở thế gian để làm lợi ích cho chúng sanh, trong chúng sanh đã có bản thân mình và thân quyến mình rồi. Quên mình chỉ nghĩ đến toàn thể chúng sanh, không phải lòng lợi tha vô bờ bến là gì? Với một lòng vị tha rộng lớn như vậy, dù một số tiền nhỏ, một vật dụng mọn đem cúng dường cũng là phước đức vô biên. Cho nên nói "Phật dụng tâm.”
Tăng, Ni nhận sự cúng dường chân chánh của Phật tử, tự nhiên thấy mình có một trọng trách lớn lao vô cùng. Làm sao tu hành tinh tiến? Làm sao truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sanh? Ðể xứng đáng thọ nhận những thứ cúng dường của Phật tử, chỉ cần nỗ lực tu hành, cố gắng học tập để hiện tại và vị lai làm lợi ích chúng sanh. Nếu hiện đời, Tăng, Ni, không làm tròn hai việc này, có thể mai kia phải mang lông đội sừng để trả nợ tín thí. Biết như thế, hiểu như thế, Tăng, Ni làm sao dám lơi lỏng lơ là trong việc tu hành học tập. Thế là, nhờ sự cúng dường chân chánh của Phật tử thúc đẩy Tăng, Ni đã cố gắng càng cố gắng hơn trong nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của chính mình. Thấy mình thiếu nợ, mới cố gắng lo đền trả bằng cách nỗ lực tu hành và độ sanh, đây là mục tiêu đức Phật bắt Tăng, Ni thọ nhận đồ cúng dường của Phật tử. Tăng, Ni là người có bổn phận hướng dẫn tín đồ cúng dường chân chánh đúng pháp thì, cả Thầy trò đều cao thượng và lợi ích lớn. Chúng ta phải gan dạ đập tan những tập tục sai lầm, đừng vì quyền lợi, đừng vì cảm tình, khiến cho chánh pháp đi lần vào chỗ mờ tối suy tàn. Chúng ta là người lãnh đạo, không phải là kẻ theo đuôi tín đồ để cầu được nhiều lợi dưỡng. Ðã dám bỏ nhà đi tu, tức là dám nhận chịu mọi sự đói rách nghèo nàn, mọi sự gian truân khó khổ, vô lý vì sự ăn mặc mà đi ngược lại sơ tâm siêu thoát của mình.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa chúng tôi hoàn toàn phủ nhận sự cầu nguyện. Chúng ta thấy rõ cầu nguyện chỉ là trợ duyên nhỏ xíu, kẻ đối tượng cầu nguyện chỉ được lợi ích một hai phần mười, như trong kinh nói. Chúng ta đã thừa nhận "nhân quả nghiệp báo" là chân lý thì sự cầu nguyện là ngoại lệ, có kết quả cũng tí xíu thôi. Cổ vũ cho điều phi chân lý, để cho người xao lãng chân lý, là việc làm trái với chánh pháp. Vì lòng hiếu thảo của Phật tử, buộc lòng chúng ta phải cầu nguyện, khi cầu nguyện chúng ta phải cảnh cáo rằng: "Việc làm này là phụ thuộc không đáng kể, kết quả ít lắm."Có thế mới khỏi lệch lạc trên con đường hoằng hóa lợi ích chúng sanh. Ðã thấy cầu nguyện là việc phụ, chúng ta đừng vì nó làm mất thì giờ tu học của Tăng, Ni, làm mất thì giờ truyền bá chánh pháp.
LỢI ÍCH CÚNG DƯỜNG
Cúng dường Tam bảo được lợi ích tùy tâm niệm người Phật tử. Nếu vì mình và thân thuộc mình mà cúng dường, phước đức cũng theo tâm lượng hẹp hòi ấy. Nếu vì Tam bảo thường còn và lợi ích chúng sanh, phước đức sẽ theo tâm lượng rộng rãi thênh thang này. Người Phật tử chân thật thì, bao giờ hay bất cứ việc gì cũng vì lợi ích chúng sanh. Ðừng khi nào để lệch lạc mục tiêu tối thượng ấy. Chư Phật ra đời cũng vì chúng sanh, truyền bá chánh pháp cũng vì chúng sanh, chúng ta đền ơn chư Phật cũng vì cứu độ chúng sanh. Ðó là tâm niệm rộng lớn cao cả của người tu theo đạo Phật. Vì chúng sanh mà cúng dường Tam bảo, quả thật người Phật tử sống đúng chánh pháp, hành đúng chánh pháp. Hành động đúng chánh pháp thì công đức lượng đồng với chánh pháp, nghĩa là kiếp kiếp đời đời không mất. Nếu dạy Phật tử làm phước tạo công đức, Tăng, Ni nên dạy đúng tinh thần này.
KẾT LUẬN
Chúng ta tu theo đạo Phật là đi trên con đường sáng, ánh sáng giác ngộ đến đâu thì bóng đêm mê lầm tan đến đấy. Mê tín là một bóng đêm, giác ngộ là ngọn đèn sáng. Bóng đêm và ánh sáng hai cái không thể có đồng thời. Nếu sáng thì không tối, hoặc tối thì không sáng. Có giác ngộ là không có mê tín, có mê tín thì không có giác ngộ. Nếu chứa chấp mê tín là chúng ta đã phản bội với đạo giác ngộ. Trong đạo giác ngộ quả thật không có mê tín. Học đạo và truyền đạo giác ngộ, chúng ta cương quyết dẹp hết bóng đêm mê tín. Có được như vậy mới gọi là người trung thực với chánh pháp. Bằng ấp ủ nuôi dưỡng chứa chấp mê tín, dù kẻ ấy mỗi ngày cúng Phật trăm lần vẫn là kẻ phá hoại chánh pháp. Thà là chúng ta cam chịu chết đói, quyết không vì lợi dưỡng mà làm những điều mê tín, dẫn dắt người đi trên đường mê tín. Ðã thừa nhận mình là Phật tử, quyết định không vì lòng tham để bị một số người lợi dụng dẫn đi con đường mê tín.
(7)

PHẬT GIÁO ĐỘ SANH

MỞ ÐỀ
Tất cả việc làm của Phật giáo đều tập chú vào lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh là đối tượng duy nhất của Phật giáo. Thế nên sự truyền bá của Phật giáo vì lợi ích chúng sanh. Nếu không vì lợi ích chúng sanh, sự truyền bá ấy là vô nghĩa lý. Chúng sanh ở đây là những người hiện có mặt, nghe hiểu được những lời giáo hoá. Chúng ta đừng hiểu chúng sanh là những âm hồn, những kẻ chết. Nếu Phật giáo sống với kẻ chết, thực chất Phật giáo đã chết mất rồi. Thế mà gần đây có một số Tăng, Ni đưa Phật giáo đi vào cõi chết. Tăng, Ni xuất hiện đông đủ chỉ ở những đám ma chay. Phật sự quan trọng của Tăng, Ni là đưa ma cúng đám. Ðó là nét bi thảm đang xuất hiện trên hình ảnh Phật giáo Việt Nam. Cần nói một câu chính xác hơn: "Phật giáo độ sanh, không phải độ tử." Nếu ai cố tình đem Phật giáo vào cõi tử, chính là kẻ làm hoại diệt Phật giáo.
GIẢNG DẠY
Vì tính cách độ sanh nên những người truyền giáo có bổn phận hằng giảng dạy cho tín đồ thông hiểu Phật giáo. Mỗi ngôi Chùa là một nơi giảng dạy kinh điển, mỗi buổi lễ là mỗi lần giảng dạy giáo lý. Có thế, người Phật tử mới biết rõ đường lối tu hành, mới thâm nhập được giáo lý cao siêu. Phật giáo đã tự hào có một kho tàng kinh điển dồi dào, mà người Phật tử kể cả Tăng, Ni, đa số dốt nát về giáo lý. Lỗi ấy tại ai? Bởi sự truyền bá còn sơ sót yếu kém, chính Tăng, Ni phải chịu trách nhiệm. Sở dĩ có sơ sót này, vì Tăng, Ni bận quá nhiều thì giờ lo cho người chết. Một người chết, Tăng, Ni mất mấy ngày đêm có mặt tại tang gia, sau khi chôn cất xong, phải mất bao nhiêu ngày trong những lễ trai tuần. Nếu Chùa có đôi ba ngàn Phật tử, thử hỏi Tăng, Ni còn thì giờ đâu lo tu học và truyền bá chánh pháp. Quả là chúng ta làm lệch lạc trọng trách của mình. Việc đáng làm chúng ta lại không làm, việc không đáng làm chúng ta lại dồn hết thì giờ vào đó. Ví như người chết đã nằm cứng đờ trong quan tài, mà ba bốn vị Tăng, Ni có khi nhiều hơn, thường trực tụng kinh cho họ nghe, thử hỏi đã nghe được những gì? Ðúng theo tinh thần Phật giáo, người chết sau khi tắt thở tùy nghiệp thiện ác theo đó đi thọ sanh, có ai còn lẩn quẩn bên quan tài để chúng ta tụng kinh cho họ nghe. Việc làm này quả thật không đáng, mà chúng ta tốn nhiều thì giờ. Vì thế, việc tối quan trọng là giảng kinh dạy đạo, chúng ta phải bê tha đi. Nếu thật người chân chánh xuất gia, chúng ta phải điều chỉnh lại, đừng để đi mãi trên con đường sai lầm như thế. Chúng ta hằng nhớ trọng trách của mình là phổ biến chánh pháp lợi ích quần sanh, không phải vì tụng cúng để được lòng Phật tử.
DỊCH KINH VIẾT SÁCH
Kinh điển Phật giáo hiện giờ chưa được phiên dịch hết ra chữ Việt. Thế là trọng trách Tăng, Ni còn nặng nề biết mấy. Những bản kinh chữ Phạn, sang Trung Quốc người ta đã phiên dịch thành chữ Hán. Tạng kinh chữ Hán có mặt ở Việt Nam khá lâu rồi, Tăng, Ni Việt Nam chưa phiên dịch được một phần mười (1/10). Cho đến những nghi lễ tụng Niệm hằng ngày cũng vẫn đọc theo phiên âm chữ Hán, quả là một thiếu sót to tát của Phật giáo Việt Nam. Tại sao Tăng, Ni không dồn hết thì giờ của mình trong việc học tập để phiên dịch kinh điển? Bởi vì Phật tử đòi hỏi việc đưa ma cúng đám, Tăng, Ni mới thiếu thì giờ học tập. Tăng, Ni là người hướng dẫn Phật tử, tại sao chúng ta mãi để những đòi hỏi không đáng, làm mất thì giờ vàng ngọc của người tu? Chính tại Tăng, Ni không gan chẳng dám nói thẳng, sợ mất cảm tình, khiến tệ đoan càng ngày càng thêm. Ðâu những thế, có một thiểu số Tăng, Ni lại bày biện đủ cách rối ren, khiến đã mất thì giờ lại thêm mất thì giờ. Những kẻ này bề ngoài xem dường như thương Phật pháp, kỳ thật họ lợi dụng Phật pháp làm kế sanh nhai. Người Phật tử dốt nát không biết, thấy bày biện chừng nào lại càng thích chừng ấy, quả thật kẻ mù dắt đám mù. Kinh điển là những phương thuốc độ đời, Tăng, Ni là người chịu trách nhiệm truyền bá, mà không dồn hết thì giờ học tập phiên dịch, thật là trái với bổn phận biết bao. Tổ tiên chúng ta khi xưa học chữ Hán, nên Tạng kinh chữ Hán vốn không có gì khó khăn. Hiện nay chúng ta học chữ Việt, Tạng kinh chữ Hán là một cổ ngữ không làm sao đọc được. Tăng, Ni hiện nay không cố gắng dịch ra chữ Việt, vô tình chúng ta để giáo lý chết khô và chôn sâu trong các tủ kinh nhà Chùa.
THỌ CÚNG DƯỜNG
Khi xưa Phật còn tại thế, nếu Phật tử muốn thỉnh Phật và Tăng chúng cúng dường, Phật đều thọ nhận. Ðúng giờ thọ trai, Phật và chúng Tăng mới đến, nghỉ ngơi giây lát rồi thọ trai. Thọ trai xong, trong gia quyến tụ họp ngồi chung quanh đức Phật, Ngài vì gia quyến thuyết pháp, thuyết pháp xong, Phật vì gia quyến chúc lành, đứng dậy ra về. Thế thì người cúng dường vì Phật và Tăng chúng mà cúng, người thọ cúng dường cũng vì gia chủ hiện tại mà thọ. Phật thuyết pháp chúc lành cũng vì người sống hiện có mặt, đúng là ý nghĩa độ sanh. Ngày nay chúng ta lại khác, gặp ngày tuần, ngày giỗ của cha mẹ, Phật tử thỉnh Tăng, Ni cúng dường. Tăng, Ni thọ trai xong, vì người chết tụng một biến kinh cầu nguyện, cầu nguyện xong ra về. Như vậy, người cúng dường vì kẻ chết mà cúng, người thọ cúng dường cũng vì kẻ chết mà cầu nguyện. Cả hai điều vì người chết, quả là Phật giáo độ tử, đâu còn là nghĩa độ sanh. Tăng, Ni đến nhà không có lợi ích gì cho người hiện tại hết, chỉ cầu lợi ích cho kẻ quá cố, song người quá cố chắc gì có mặt ở đây, nếu người quá cố đã thác sanh nơi nào rồi, việc làm này có phải viển vông không thiết thực chăng? Tại sao chúng ta không giữ theo nếp xưa, thực hành đúng tinh thần cúng dường Phật và Tăng chúng thuở trước, để ý nghĩa độ sanh được vẹn toàn, sự lợi ích cụ thể thiết thực tròn đủ trăm phần? Trước đã quá hay, tại sao nay chúng ta lại bỏ? Nay thật dở, tại sao chúng ta lại theo? Ở đây, chúng ta cần chỉnh lại, đừng để đưa Phật giáo vào cõi chết, gây thêm mê tín cho Phật tử, trái với đạo lý giác ngộ chân thật của đức Thích Ca.
Hơn nữa, khi xưa đức Phật thuyết pháp cho dân chúng nghe, nhân nghe pháp dân chúng liền cúng dường cơm, Phật không thọ nhận. Phật cho nhận như thế là nhờ giảng dạy nên có cơm ăn, không phải do lòng chân thành phát tâm cúng dường của Phật tử. Ngày nay tại sao chúng ta đi tụng kinh cho Phật tử để được cúng cơm cúng tiền, hoan hỉ thọ nhận? Làm thế có phải đi tụng kinh thuê chăng? Có trái với tông chỉ của Phật ngày xưa không? Ngày xưa, đức Phật cao cả thanh bạch đến thế, ngày nay chúng ta ti tiện thấp hèn lắm vậy. Ðây cũng là một điều chúng ta phải lưu tâm chỉnh đốn lại, đừng để những tệ tục cứ dắt mãi chúng ta trong đường mê tối. Thậm chí hiện nay có một ít Tăng, Ni đến tận nhà Phật tử dùng đủ lời lẽ để quyên tởi, thật đau lòng thay! Ðạo lý nào dạy những điều ấy?
DĨ HUYỄN ÐỘ CHÂN
Hoặc có người nói những việc cúng đám ma chay cho các Phật tử chẳng qua "dĩ huyễn độ chân", nhân cơ hội tang gia bối rối, chúng ta đến với họ để có cảm tình dẫn dắt họ vào đạo. Nhưng xin đặt câu hỏi, nếu vì cảm tình đến với đạo, mai mốt mất cảm tình thì sao? Chủ trương đạo Phật là tự giác tự nguyện, nếu không vì lẽ tỉnh giác đến với đạo, người ấy vẫn chưa xứng đáng là Phật tử. Huống chi, vì chiều theo cảm tình của họ, Tăng, Ni mất hết giá trị cao thượng, thanh nhã của mình, được đôi ba người Phật tử, mà người truyền giáo mất hết giá trị, thử hỏi việc ấy có đáng làm không? Chúng tôi đồng ý, nếu cần Tăng, Ni đến đám ma đám tuần tại nhà Phật tử, song với điều kiện tang gia thân quyến tụ họp lại, để nghe Tăng, Ni giảng một thời kinh, xong rồi hồi hướng công đức cho người chết, Tăng, Ni ra về. Như thế, khả dĩ nói "dĩ huyễn độ chân" được. Bởi vì nhân người chết, chúng ta giáo hóa kẻ sống cho hiểu đạo lý. Ðám tuần, ngày kỵ đều nên tổ chức như thế, việc làm này không trái với chánh pháp.
Hoặc có người nói Phật giáo từ bi, khi giáo hoá kẻ dương là nghĩ đến người âm, muốn làm sao cho âm dương lưỡng lợi, mới đầy đủ lòng từ. Chúng tôi đồng ý lẽ này, nhưng trong Chùa trước khi thọ trai, Phật dạy Tăng, Ni phải cúng chim đại bàng, quỉ la sát và các quỉ thần, không phải vì kẻ âm là gì? Mỗi chiều ở Chùa hầu hết đều dùng nghi Mông Sơn để cúng cô hồn, đâu không phải vì kẻ âm. Hằng đêm ở Chùa hai thời công phu, Tịnh độ sau đó đều phục nguyện "âm siêu dương thới", còn gì không đủ lòng từ bi. Nếu Phật tử có lòng hiếu thảo muốn cầu nguyện cho thân nhân, cứ đến Chùa vào những thời công phu, Tịnh độ, Tăng, Ni sẽ vì thân nhân họ cầu nguyện cho. Có thế, không mất thì giờ tu hành của Tăng, Ni, Phật tử cũng được mãn nguyện. Biết tôn trọng những bậc Thầy hướng dẫn mình mới gọi người ấy biết đạo đức, vì việc riêng của mình, để bậc Thầy mình mất hết giá trị cao thượng, là đạo đức chỗ nào? Sự hướng dẫn không khéo cả Thầy lẫn trò làm việc vô nghĩa, còn chuốc lấy sự đau khổ là khác. Khi Phật còn tại thế, chúng ta có nghe Ngài đi đưa đám lần nào đâu. Cho đến chư Tỳ kheo môn đồ của Phật, cũng không nghe đi đưa đám lần nào. Tại sao chúng ta hiện nay, cứ bận rộn đám ma đám tuần mãi. Thế là chúng ta đã đi đúng đường Phật hay đã sai rồi, cần phải vận dụng công tâm xét lại điều này. Bởi Tăng, Ni xuất hiện trong xóm làng đều do nhà có ma chay, nên bất thần Tăng, Ni đến nhà người nào họ liền ghét sợ, coi như một điềm bất tường sắp đến cho gia đình họ. Thật là ngày xưa xem "một vị Tăng đến là một ông Phật lại", ngày nay thì ngược lại. Thử hỏi còn gì hổ thẹn cho bằng?
KẾT LUẬN
Chủ yếu Phật giáo độ sanh một cách thiết thực, người môn đồ Phật giáo phải thấy rõ điều này. Tất cả hành động, mọi cuộc tổ chức đều nhằm thẳng giáo hoá chúng sanh, bằng con đường từ bi giác ngộ. Ðem hạt giống từ bi giác ngộ gieo rắc trong lòng mọi người là truyền bá đạo Phật. Ngược lại, đem tình cảm mê tín gieo rắc trong lòng tín đồ, thử hỏi đây là truyền đạo gì? Vì giải thoát cho mình cho chúng sanh, nên chúng ta đi tu, tại sao chúng ta trở thành kẻ chiều chuộng phục vụ tín đồ để được cơm ăn áo mặc? Quả là điều sai đạo lý không hợp với chánh pháp, chúng ta phải gan dạ đập tan những tập tục sai lầm ấy, đem lại con đường tu hành cao thượng thanh bai cho chính mình và huynh đệ mai sau. Trọng trách của chúng ta không phải đóng khung trong một nhóm bổn đạo, mà phải đem đạo giác ngộ giải thoát lại cho toàn thể chúng sanh. Làm được như vậy mới đúng tinh thần Phật giáo độ sanh.
(8)

LUÂN HỒI

MỞ ÐỀ
Có một số người bảo "Nhà Phật nói Luân hồi để ru ngủ con người trong giấc mơ mê tín.” Chúng ta khảo sát kỹ coi câu ấy có đúng thế không? Ðó là nhiệm vụ của người truyền bá Phật giáo, cần phải làm sáng tỏ vấn đề này. Bởi thuyết luân hồi là một thuyết quan trọng trong nhà Phật, nếu là mê tín thì đạo Phật là đạo mê tín hay sao? Hẳn không phải thế, đạo Phật là đạo giác ngộ, truyền bá những lẽ thật của mình giác ngộ được cho chúng sanh biết là nhiệm vụ của đức Phật. Chúng ta là người nối bước theo sau đức Phật, cần phải nghiên cứu tường tận giải bày rõ ràng để mọi người được hiểu khỏi sanh nghi ngờ là một điều cần yếu không thể thiếu được. Lý luân hồi là một cơ cấu hệ trọng trong Phật pháp, bao gồm cả nhân quả, nghiệp báo là căn bản đạo đức của người tu Phật. Không thông lý luân hồi, người Phật tử khó bề tu tiến được. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu cho thấu đáo.
ÐỊNH NGHĨA
Luân hồi là xoay vần, cứ mãi đảo lên lộn xuống xoay vần trong khuôn khổ cố định. Mọi sự đổi thay biến chuyển không đứng yên một vị trí nào. Hằng xê dịch biến thiên từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hình tướng này sang hình tướng khác. Tất cả sự biến thiên đều tuỳ duyên thăng trầm không nhất định là luân hồi.
LUÂN HỒI LÀ SỰ THẬT
Qua định nghĩa trên, chúng ta thấy luân hồi là một triết lý thực tiễn không còn gì phải nghi ngờ. Bởi vì con người và vũ trụ hiện tại đều nằm chung trong một định luật "biến thiên.”
a/ Quả đất luân hồi: Nhờ khoa học phát minh cho biết quả địa cầu chúng ta đang ở xoay tròn quanh một cái trục trong không gian. Do sự xoay tròn này, phía nào của quả đất hướng về mặt trời là sáng, phía bị khuất là tối. Từ đó, con người mới đặt ra thời gian. Sự xoay tròn này không phải luân hồi là gì? Quả đất xoay khiến có ngày đêm và hai mươi bốn tiếng đồng hồ nhịp nhàng theo chiều quay của trái đất, lại có chia xuân hạ thu đông, do sự xê dịch gần và xa mặt trời. Từ sự xoay tròn của trái đất, nảy sanh thời gian, thời gian và trái đất đều là luân hồi. Quả đất là chỗ tựa nương để sống còn của vạn vật và con người; bản thân nó đã luân hồi thì những vật tựa nương vào nó làm sao khỏi luân hồi. Thế thì cả vũ trụ lẫn vạn vật cùng toàn thể chúng sanh đều là luân hồi. Ðó là một sự thật căn cứ trên khoa học, chớ không phải là chuyện huyền thoại mơ hồ. Thể theo sự nhận xét tổng quát này, chúng ta cần đi chi tiết hơn cho dễ hiểu.
b/ Vạn vật luân hồi: Muôn vật trên quả địa cầu đều cùng chung luân hồi. Về sinh vật từ cái cây cọng cỏ bởi do hạt nẩy mầm tăng trưởng thành cây, sanh hạt, đảo đi lộn lại mãi không cùng. Các loài động vật thì từ trứng nở thành con, con lại sanh trứng; hoặc từ bào thai thành hình, khi trưởng thành lại có bào thai, lẩn quẩn loanh quanh không cùng. Ðó là chúng ta nói sự luân hồi trong cuộc tiếp nối.
Ðến ngay bản thân sự vật cũng bị luân hồi, chúng sanh trưởng thành là do đất nước gió lửa, khi tan hoại cũng trở về đất, nước, gió, lửa, tụ lại tán ra theo duyên biến chuyển chẳng cùng. Bản thân đất nước gió lửa vẫn bị luân hồi. Như sáng sớm, chúng ta lấy thau múc một phần ba thau nước đem để ngoài trời nắng, đến chiều thau nước cạn khô. Thử hỏi nước đi đâu? Nước mất hết rồi sao? Nước không đi đâu, nước cũng chẳng mất, chẳng qua nước là thể lỏng do ánh nắng nóng bốc lên thành thể hơi, hơi theo gió bàng bạc trong hư không nào có định xứ. Thể hơi gặp khí lạnh đọng lại rơi xuống thành nước, nước lại bốc thành hơi, cứ thế mãi luân hồi không cùng. Gió lửa đất cũng thế, tùy duyên từ hình thái này đổi sang hình thái khác, đổi đổi thay thay không có ngày cùng. Tìm chỗ bắt đầu và chung cục của chúng không thể được. Hình tướng trạng thái luôn luôn đổi thay, sự thật vẫn không bao giờ mất. Từ một hình tướng thô đổi thành một trạng thái tế, với cái nhìn thô thiển người ta bảo là mất, thật sự nào có mất, chỉ là biến thái.
c/ Con người luân hồi: Nói đến con người tạm chia làm hai phần, vật chất và tinh thần, như bóng đèn và điện. Ngọn đèn phát huy được ánh sáng phải có đủ hai điều kiện hỗ tương nhau. Có bóng đèn mà không có điện trở thành vô ích, có điện mà không có bóng đèn cũng vô nghĩa. Sự hỗ tương giữa điện và bóng đèn không thể tách rời, không thể đặt giá trị thiên trọng, không thể xem như chủ khách. Cần phải thấy sự tương quan bất khả phân ly. Tinh thần và vật chất của con người cũng thế, mọi sự phân chia, khinh trọng... đều sai ý nghĩa chân thật của nó. Vì muốn thấy sự luân hồi tường tận, chúng ta tạm nhìn con người ở hai mặt để dễ bề nhận xét:
Vật chất luân hồi:
Phần vật chất nơi con người, nhà Phật chia tổng quát làm 4 phần: đất, nước, gió, lửa. Những loại cứng trong thân người, như da thịt gân xương tóc lông răng móng... thuộc về đất. Các loại ướt, như máu mủ, mồ hôi đàm dãi nước mắt nước mũi... thuộc về nước. Hít không khí vào cho phổi hô hấp, quả tim đập, các mạch máu nhảy... mọi thứ động thuộc về gió. Nhiệt độ trong người làm cho thức ăn tiêu hóa, máu không đông đặc, ấm áp toàn thân... thuộc về lửa. Bốn thứ này thiếu một là con người chết ngay. Ở đây chúng ta phân tích sự luân hồi từng thứ:
Ðất luân hồi: Thâu nhận tế bào mới, đào thải tế bào cũ, thay mới đổi cũ không lúc nào dừng, ấy là luân hồi. Cho đến thân này sống nhờ ăn những thức có chất bột (đất), khi chết nó tan hoại trở thành đất. Khi sống mượn những chất đất bồi dưỡng, lúc chết trả lại cho đất. Hợp lại tan ra, tan ra hợp lại, không phải luân hồi là gì?
Nước luân hồi: Máu từ quả tim chạy khắp các mạch, rồi trở về quả tim, chạy ra trở về, trở về chạy ra, sự tuần hoàn như vậy gọi là luân hồi. Cho đến khi sống mượn nước để bồi bổ chất ướt trong thân, lúc chết chảy ra trở về lòng đất. Sự mượn trả mà không bao giờ mất ấy là luân hồi.
Gió luân hồi: Hít không khí vô, thở không khí ra, hít vô thở ra cả đời như vậy là luân hồi. Nhờ cái động của thở hít không khí mà các cơ quan trong toàn thân hoạt động, các cơ quan hoạt động là thân sống. Ðến khi thở không khí ra mà không hít lại, liền ngừng hoạt động, tức là thân chết. Thế thì sự sống của thân này đích thực do luân hồi của gió, gió ngưng luân hồi thì thân phải hoại diệt.
Lửa luân hồi: Do những thức ăn có chất nóng nuôi dưỡng phần lửa trong thân. Lửa dùng sưởi ấm toàn thân, thiêu đốt vật thực, lại do vật thực bồi bổ chất lửa. Cứ tiêu dùng, bồi bổ, bồi bổ tiêu dùng, đảo đi lộn lại là luân hồi. Khi tiêu dùng mà không bồi bổ kịp, lửa từ từ tắt, con người chết. Lửa ấy trở về với thiên nhiên, tùy duyên chuyển biến trong không gian, mà chưa bao giờ mất là luân hồi.
Tóm lại, tứ đại tụ họp quân bình nhau là con người sống khỏe mạnh, nếu thiếu quân bình là ốm đau, phân tán thì tử vong. Trong khi tứ đại tụ họp trong thân này luôn luôn biến chuyển tuần hoàn, không được ngăn trệ ứ đọng. Vừa bị ngăn trệ ứ đọng là thân này nguy ngập. Sự biến chuyển tuần hoàn của tứ đại trong thân con người gọi chung là vật chất luân hồi. Sở dĩ nói luân hồi vì biến chuyển mà không phải mất hẳn.
Tinh thần luân hồi (tâm sở luân hồi):
Phần tinh thần của chúng ta luôn luôn thay đổi bất thường, không bao giờ đứng yên ở một vị trí. Những thứ buồn vui, yêu ghét, thương giận, lành dữ, phải quấy... thường thay mặt đổi mày như trên sân khấu. Có khi chúng ta hiền lành như ông Phật, có lúc giận dữ như con cọp đói. Nhiều lúc vui vẻ yêu thương, lắm khi bực bội thù địch. Những tâm trạng đổi thay không lường được, chính tự thân chúng ta cũng không ước đoán nổi tâm trạng của mình sẽ xảy ra những cái gì. Sự buồn vui thương ghét đổi thay thăng giáng nơi nội tâm chúng ta gọi là luân hồi.
Nói chung nơi con người chúng ta, hai phần vât chất lẫn tinh thần đều là tướng trạng luân hồi. Sự luân hồi của chúng là sự hoạt động sống còn của ta. Biết rõ vật chất tinh thần chỉ đổi thay hình tướng trạng thái, chớ không một vật nào mất. Nếu thấy mất, chẳng qua do cái nhìn cạn cợt nông nổi mà kết luận như thế. Thực thể của nó là "biến thiên mà bất diệt", thấy đến chỗ tận cùng ấy, mới khỏi nghi ngờ về lý luân hồi. Sự luân hồi ngay trong thân hiện tại này là hiện tại luân hồi. Ðến sự tụ lại tan ra, tan ra tụ lại của thân con người là luân hồi đời này sang đời khác.
Mọi sự tụ tán đều tùy duyên khiến hình tướng trạng thái đổi khác. Ví dụ nước do duyên nóng bốc thành hơi, gặp duyên lạnh cô đọng thành khối. Sự biến thái này đều do duyên quyết định. Duyên quyết định cho sự luân hồi của con người là gì? Là nghiệp. Nghiệp là động cơ chánh yếu trong cuộc luân hồi của con người.
ÐỘNG CƠ LUÂN HỒI
Nghiệp là hành động từ thân tâm con người tạo thành. Khi thành nghiệp rồi nó thúc đẩy dẫn dắt con người đến chỗ thành quả của nó. Chính nó là động cơ quan yếu đẩy mãi trong vòng luân hồi không dừng của tất cả chúng sanh. Cơ quan tạo nghiệp có ba thứ, thân miệng và ý. Nói đến nghiệp là nói đến sự toàn quyền quyết định nơi mọi người chúng ta. Không ai tạo nghiệp thế cho chúng ta, cũng không ai có thể thay thế nghiệp cho chúng ta. Chính chúng ta là chủ nhân tạo nghiệp, cũng là chủ nhân thọ báo. Trọng trách của mọi sự khổ vui hiện tại và mai sau đều do chúng ta quyết định. Chủ trương nghiệp là chủ trương giành lại toàn quyền cho con người. Chúng ta là chủ nhân của chúng ta hiện tại và vị lai. Không phải một đấng Thượng đế hay một tha nhân nào khác tạo thành một cuộc sống an vui hay đau khổ cho chúng ta, mà chính do thân miệng ý của chúng ta trong quá khứ cũng như hiện tại gây nên. Chúng ta thừa nhận nghiệp do mình tạo ra, đã tước hết mọi quyền năng của các đấng thiêng liêng, của định mạng, của tướng số và của rủi may. Nghiệp là hành động, là thói quen nên có thể chuyển đổi, chỉ cần nỗ lực và bền chí. Nghiệp có nghiệp thiện và nghiệp ác.
a/ Nghiệp ác: Nghiệp ác là hành động làm cho người khổ và mình khổ, hoặc ở hiện tại hay ở vị lai. Hành động này do ba cơ quan tạo nên: thân, miệng, ý.
Thân làm ác: Ðể cho thân buông lung thích hành động giết hại sanh mạng người, hoặc thích trộm cướp tài sản người, hoặc đắm say dâm dật trái phép, là nghiệp ác của thân. Vì hành động này làm cho người khổ và mình khổ, nếu hiện tại chưa đến thì vị lai cũng chịu.
Miệng làm ác: Miệng ưa nói lời dối trá, lời ác độc, lời ly gián, lời thêu dệt, là nghiệp ác của miệng. Vì những lời nói này khiến người nghi ngờ bực tức đau khổ mang tai họa, nên hiện tại hoặc vị lai mình cũng phải nhận lấy hậu quả đau khổ ấy.
Ý làm ác: Si mê, tham lam, nóng giận là nghiệp ác của ý. Chính nó là động cơ thúc đẩy thân làm ác, miệng nói ác. Bản thân nó thì chưa làm hại được ai, song do nó khiến thân sát phạt người, miệng chửi bới nguyền rủa người. Thân miệng mà không cộng với tham sân si thì tự nó không có lỗi lầm gì. Thế nên, tuy nói ba cơ quan tạo nghiệp, mà ý là cơ quan hệ trọng hơn cả, nó là chủ động của hai cơ quan kia.
b/ Nghiệp thiện: Những hành động đem lại sự an ổn vui vẻ cho người và mình là nghiệp thiện. Sự an ổn vui vẻ chẳng những có trong hiện tại mà còn đến vị lai. Cũng do ba cơ quan tạo thành nghiệp thiện: thân, miệng, ý.
Thân làm lành: Thân không giết hại người, không trộm cướp tài sản người, không dâm dật phi pháp là nghiệp thiện của thân. Tại sao không làm ba việc ấy là thiện? Bởi vì con người quí nhất là sanh mạng, chúng ta không hại sanh mạng họ thì họ đến với chúng ta một cách an ổn không sợ sệt. Thứ yếu là tài sản, con người tự thấy tài sản là huyết mạch của họ, chúng ta nhất quyết không trộm cướp thì, họ đến với chúng ta cũng như chúng ta đến với họ, đều được an vui không hồi hộp lo âu về mất của. Hạnh phúc của gia đình là vợ chồng hòa thuận tin yêu trinh bạch với nhau, nếu vợ hay chồng có tình ý riêng tư với ai là gia đình mất hạnh phúc. Chúng ta giữ gìn không theo sự dâm dật phi pháp, đến với gia đình ai họ đều an ổn vui vẻ không nghi ngờ sợ sệt chi cả. Gìn giữ ba điều này, chúng ta đã ban sự an ổn vui tươi cho bao nhiêu người rồi, cũng chính là đem lại sự an ổn vui tươi cho gia đình chúng ta.
Miệng làm lành: Miệng không nói dối trá, không nói ác độc, không nói ly gián, không nói thêu dệt là miệng làm nghiệp lành. Vì sao? Bởi vì, nói dối trá khiến người nghi ngờ mất Niềm tin, đã không tin nhau làm gì có thương mến. Thế nên nói dối là căn bản khiến con người mất hết tình thương. Nói ác độc khiến người nghe sanh phẫn nộ bực dọc đau khổ. Nói ly gián làm cho thân thuộc họ phải chia lìa, tạo thành cái khổ ái biệt ly. Nói thêu dệt là tô điểm không đúng chân lý, khiến người không tìm ra được lẽ thật. Chúng ta quyết định gìn giữ miệng không nói bốn điều trên là tạo được tình thân giữa mình và người, đem lại cho mọi người sự an ổn, bảo vệ được tình thân của người, giúp cho người dễ nhận ra lẽ thật. Thế là, chúng ta đã tạo điều kiện tốt đẹp cho xã hội biết mấy.
Ý làm lành: Ý không có tham sân si là ý làm nghiệp lành. Chúng ta thường thấy mọi sự bất bình đổ vỡ đều phát nguồn từ tham sân si. Nếu chúng ta không để cho tham sân si dẫn dắt hoành hành thì cả cuộc đời chúng ta được an ổn, cũng là nguồn an ổn cho mọi người. Ba thứ này gọi là tam độc, vì nó gây đau khổ cho mình và người không thể lường trước được. Người nào kềm cương giữ thắng được nó, bảo đảm được một đời sống an lành, cũng bảo vệ được an Ninh trật tự cho mọi người. Ngược lại, kẻ nào buông cương thả thắng nó sẽ lôi đời họ vào hố sâu nguy hiểm, cũng gây họa hại cho khách bàng quan không ít. Thế nên, không cho tham sân si nổi dậy là gìn giữ sự an ổn vẹn toàn cho mình và mọi người.
c/ Khả năng của nghiệp: Nghiệp là cái không có hình tướng mà có khả năng đáng kể. Ví như gió, tuy không thấy hình tướng mà nó thổi đất nước đều lung lay. Nghiệp cũng thế, bình thường chúng ta không thấy nó, mà nó lôi chúng ta đi khắp nẻo luân hồi. Sở dĩ nó có khả năng mạnh mẽ như vậy là do tập quán lâu ngày. Như người tập hút thuốc, buổi đầu khói thuốc chỉ cảm thấy khó chịu, nhưng tập lâu ngày thành ghiền, khi ghiền rồi với giá nào cũng phải tìm cho có nó. Thử hỏi cái ghiền ấy hình tướng ra sao, mà điều khiển con người một cách mãnh liệt như thế? Quả thật không ai biết tướng mạo của nó, nhưng khi nó đòi hỏi, người ta phải chạy ngược chạy xuôi tìm cho ra thuốc hút. Bệnh ghiền rượu khả năng còn mạnh hơn, từ những hớp rượu cay xé mồm, tập mãi thành quen, bắt đầu ghiền rượu. Khi ghiền không có rượu khiến người ta phải ụa phải mửa, oằn oại nhọc nhằn, ngáp trời ngáp đất, quả thật chi phối hết khả năng con người. Chúng ta tự đặt câu hỏi, ai đem bệnh ghiền ấy đến cho chúng ta? Chính chúng ta tự tập, tập lâu thành ghiền, cái ghiền ấy do mình tạo rồi mình chịu. Cái ghiền ấy có ma lực gì mà đày đọa hành hạ con người đến thế? Hắn không có ma lực gì, chẳng qua tập lâu ngày thành thói quen, thói quen càng lâu sức càng mạnh. Ðã tự chúng ta tập thành bệnh, khi muốn hết bệnh cũng tự chúng ta gan dạ bỏ nó, không ai có thể bỏ thế cho chúng ta. Khả năng của bệnh ghiền giống hệt khả năng nghiệp chi phối chúng ta trong lục đạo luân hồi vậy.
Tự chúng ta tạo nghiệp lành hoặc nghiệp dữ, tạo càng lâu thì sức mạnh càng lắm, đến cuối cùng chúng chi phối dẫn dắt chúng ta đi vào con đường lành hay dữ tùy chỗ gây tạo của mình. Không phải hóa công đày đọa, không phải thượng đế bày ra, chính chúng ta tự tạo rồi tự thọ. Khi đã thành nghiệp, chúng ta khó cưỡng được nó. Thế nên, biết chọn nghiệp lành để tạo là đã tự gây một sức mạnh đưa mình đến cõi lành. Cắm đầu gây nghiệp ác là tạo áp lực lôi mình vào cõi dữ. Chính đây là quyền lựa chọn của con người, quyền định đoạt số phận ở mai hậu. Nếu cứ sống say chết ngủ đẩy đâu đi đấy, những kẻ này về sau than trời trách đất nào có ích gì. Chúng ta có đủ thẩm quyền quyết định đời mình hiện tại và vị lai, tại sao chúng ta lại bỏ mất cái giá trị cao cả ấy. Những kết quả tốt xấu dở hay ở hiện nay và mai kia đều nằm sẵn trong tay chúng ta. Chúng ta có quyền phán quyết một bản án tốt xấu trong đời sống mai sau của mình. Ðừng cầu khẩn van xin bất cứ một năng lực nào ngoài chúng ta.
Nói đến khả năng nghiệp là khả năng của chúng ta, nghiệp và chúng ta không phải là hai. Nếu chúng ta khôn ngoan khéo léo lo tạo nghiệp lành, chúng ta dại khờ ngu muội gây tạo nghiệp ác. Khổ vui sẽ tùy nghiệp mang đến với chúng ta một cách chân thành.
TẤT YẾU CỦA LUÂN HỒI
Tạo nghiệp là nhân, thọ báo là quả. Tất yếu của sự luân hồi là nhân quả. Lăn lộn trong ba cõi sáu đường đều tùy thuộc nhân quả. Mình đã gây nhân nhất định mình phải chịu quả, quả khổ quả vui là do gây nhân khổ vui. Nhân quả là lẽ công bằng chân thật, bởi mỗi cá nhân gây tạo khác nhau, nên sự thọ nhận cũng sai biệt. Sự công bằng từ nhân đến quả, không phải sự công bằng do ai khác áp đặt cho mình. Nếu do kẻ khác áp đặt cho mình là đã bất công rồi. Ngày nay chúng ta tạo nhân, ngày mai chúng ta thọ quả, thật là rõ ràng rành mạch biết bao. Song nói tới nhân quả là căn cứ trên thời gian suốt cả quá khứ hiện tại vị lai, trong quá khứ có cái gần có cái xa, vị lai cũng thế, khiến có những kết quả xảy đến mà đương sự không bao giờ nhớ. Lại có những sự kiện gây nhân mà không thấy kết quả. Do đó nhân quả trở thành rắc rối khó khăn, người ta khó tin, khó nhận. Nhưng sự thật lúc nào cũng thật, bởi khả năng nhớ hiểu của con người quá giới hạn, nên có những thắc mắc thế thôi. Nếu người nhận hiểu sâu về lý nhân quả thì cuộc sống này đã có tiêu chuẩn nhắm đến và an ổn vô cùng. Vì mọi kết quả hiện chịu trong đời đều do nhân gây ra từ thuở trước, nên khổ không oán hờn, vui không ngạo mạn. Mình làm mình chịu, chỉ quí ngang đây phải chọn lấy nhân tốt mà làm, để mai kia khỏi phải thọ quả đau khổ, cho nên trong kinh nói: "Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả." Kẻ trí thì sợ nhân, người ngu thì sợ quả. Do cái nhìn thấu suốt và cái nhìn nông cạn, nên có chia Bồ tát và chúng sanh. Nhân có thiện ác thì quả cũng có khổ vui.
Những kẻ gây tạo nghiệp ác, ắt phải thọ quả khổ trong ba đường dữ, địa ngục ngạ quỉ súc sanh. Nghiệp ác là mình làm cho kẻ khác khổ, cân xứng với nhân mình gây, thọ quả khổ một nơi trong ba đường dữ. Nhân khổ có khi không thành quả, do nửa chừng mình biết hối cải, hoặc chuyển đổi. Nhân khổ nhất định thọ quả khổ, do sự nuôi dưỡng một cách sung mãn. Ví như có người uống rượu mà không ghiền, vì họ biết giới hạn chừa bỏ. Có người uống rượu nhất định phải ghiền rượu, vì họ mãi tiếp tục và say mê. Có nhân khổ mà không thọ quả khổ, hoặc nhất định phải thọ quả khổ, cũng như thế.
Người gây tạo nghiệp thiện ắt thọ quả vui trong cõi người, cõi a tu la và cõi trời. Cân xứng với nghiệp lành mình đã tạo, nhiều ít cao thấp, kết quả cũng có hơn kém thấp cao. Có khi người tạo nghiệp lành mà không được quả lành, hoặc người tạo nghiệp lành nhất định hưởng quả lành. Ví như, một số sinh viên vào học y khoa, có người không đủ khả năng học hoặc lười biếng học, nên tuy học y khoa mà không kết quả thành bác sĩ. Có người đủ khả năng lại cần cù học tập, nhất định một ngày kia sẽ thành bác sĩ. Từ nhân đến quả còn cần có những sự kiện trợ giúp đầy đủ mới được viên mãn. Không thể có nhận định tất nhiên rằng có nhân là có quả. Bởi vì thời gian từ nhân đến quả là giai đoạn biến động, hoặc được tăng trưởng, hoặc bị tiêu mòn, tùy theo những sự kiện trợ giúp. Biết thế, chúng ta có thể chuyển nhân xấu thành tốt, hoặc nhân tốt trở ra xấu.
Sự tất yếu của luân hồi tùy thuộc nhân quả, không có kẻ nào khác áp đặt khổ vui cho chúng ta, cũng không có bàn tay nào lôi kéo chúng ta phải đi đường này hay lối khác, mọi sự kết quả đều cân xứng với nhân mình gây tạo. Nắm vững yếu tố này, mới thấy chúng ta trọn quyền định đoạt số phận của chúng ta. Nếu cuộc đời của chúng ta hiện nay được tươi sáng hay đen tối, đều do sự khéo léo hay vụng về của ta ngày xưa. Can đảm nhận lấy trách nhiệm của mình, không oán trách kêu ca, không than thân tủi phận. Chúng ta gan dạ trong cuộc sống hiện tại, song phải khôn ngoan chọn lấy lối đi ở ngày mai.
THOÁT LY LUÂN HỒI
Ðạo Phật giải rõ lý luân hồi, nhưng không phải để mãi chịu luân hồi. Biết luân hồi tường tận rồi, Phật chỉ ra con đường thoát ly luân hồi. Ðúng như ý nghĩa biết khổ, chúng ta mới tìm cách thoát khổ. Luân hồi là vòng loanh quanh lẩn quẩn, nhào đi lộn lại không thể thoát ra. Chấp nhận trong vòng quanh quẩn đó, do người không tìm được manh mối thoát ra, hoặc không đủ khả năng để thoát ra. Như các nhà khoa học phát minh được sức hút của trái đất, mọi vật cam chịu trong vòng vọt lên rớt xuống, không sao thoát ra ngoài được. Nhưng cũng các nhà khoa học chế phi thuyền đủ khả năng vọt ra ngoài vòng hút của trái đất, đi thám hiểm các hành tinh khác. Biết rõ sức hút của trái đất rồi, mới chế được phi thuyền vọt ra ngoài sức hút. Cũng thế, Phật giải rõ lý luân hồi rồi, mới dạy phương pháp thoát ly luân hồi. Mục đích của đạo Phật là thoát ly sanh tử luân hồi, không chấp nhận sự loanh quanh trong vòng sanh tử. Còn trong sanh tử dù dài ngắn khổ vui, đạo Phật đều kết luận là đau khổ, vì cùng một số phận vô thường. Chỉ thoát được luân hồi mới là an vui giải thoát.
KẾT LUẬN
Ðạo Phật nói lý luân hồi cũng là phát minh một sự thật của vạn vật và con người. Vì đối tượng của đạo Phật là con người, nên chung qui đặt nặng về sự luân hồi của con người. Con người nhận hiểu thấu đáo về lý luân hồi, nếu họ không có khả năng thoát khỏi luân hồi, tự mình chọn lựa cuộc luân hồi an vui và thoải mái. Nếu họ có khả năng thoát ly luân hồi, do hiểu luân hồi tiến tu đạo giải thoát. Biết được lý luân hồi, chúng ta biết được lẽ công bằng của con người, cũng nhận lấy sự tự do căn bản nơi chúng ta. Mọi mê tín ỷ lại đều tiêu tan, do biết ta là người quyết định thân phận của mình. Tất cả oán hờn tủi hận đều sạch hết, vì có ai áp đặt sự đau khổ cho mình mà than thở. Quả chúng ta là con người độc lập tự do của chính mình trong hiện tại và vị lai. Dù chưa giải thoát, biết được lý luân hồi, chúng ta cũng sáng suốt và an ổn ngay trong đời sống này. Mọi tương lai đều nằm trong tay chúng ta, chúng ta trọn quyền chọn lấy một tương lai nào theo sở thích của mình.
(9)

TAM ĐỘC

MỞ ÐỀ
Rắn độc thuốc độc là thứ người đời rất kinh sợ, nhưng không đáng sợ bằng tam độc. Vì rắn độc thuốc độc hại người chỉ một thân này, tam độc hại người đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nếu đáng sợ chúng ta nên sợ tam độc hơn tất cả thứ độc khác. Thế mà, người đời chẳng những không sợ tam độc, lại còn nuôi dưỡng chứa chấp bảo vệ, khiến nó càng ngày càng tăng trưởng. Do đó, người đời luôn luôn sống trong mâu thuẫn, một mặt cầu mong được an ổn vui tươi, một mặt nuôi dưỡng tam độc là động cơ bất an và đau khổ. Có khác gì, người kia muốn gia đình được bình an, mà nuôi kẻ giặc trong nhà. Thế thì sự bình an chẳng những không có, mà đau khổ tan hoại sẽ đến nay mai. Người học đạo chúng ta phải sáng suốt nhận diện đúng mặt thật kẻ phá hoại, tiêu diệt chúng thì sự an vui sẽ đến với chúng ta. Tam độc là nguồn đau khổ của chúng sanh, là cội rễ bất an của nhân loại, chúng ta phải hiểu nó và cố gắng trừ nó.
HÌNH TƯỚNG TAM ÐỘC
Tam độc là ba thứ ác độc mang đau khổ đến cho con người, phá hoại mọi hạnh phúc an vui của con người. Theo thứ tự thông thường của nó là Tham, Sân, Si; song đặt đúng trật tự từ gốc ra ngọn phải nói Si, Tham, Sân.
1. Si: Si là si mê. Không biết đúng lẽ thật giả, không nhận ra phải trái, không thấy được tà chánh, ngu tối mờ mịt là tướng trạng của Si. Cái si mê căn bản nhất là nhận lầm thân giả dối làm cái ta chân thật, tâm sanh diệt làm cái ta vĩnh cửu. Nơi ta đã nhận lầm thì đối tất cả đều lầm, phát sanh bao nhiêu thứ tội lỗi về sau đều gốc từ cái lầm này mà ra.
Thân là tướng duyên hợp hư giả mà lầm chấp thân mình thật. Ðã thấy thân thật rồi, sanh bao nhiêu thứ bảo vệ gìn giữ nuôi dưỡng tô điểm cho thân, giành giật đuổi bắt tìm cầu cho được những nhu cầu mà thân đòi hỏi. Nhưng không bao giờ có sự thoả mãn của bản thân, vì nó là một thứ ghẻ lở, càng được lại càng đòi hỏi. Chính nó là cái gốc của lòng tham vô tận sau này. Lầm chấp thân là thật thì mọi sự vật lệ thuộc về thân cũng thấy là thật. Do đó chẳng những lo tìm cách bảo vệ thân, cũng lo tìm cách bảo vệ những sự vật lệ thuộc. Chúng ta cố gìn giữ thân mình, cố tìm kiếm những nhu cầu để thỏa mãn thân mình, cố bảo vệ những sự vật lệ thuộc về mình, kẻ khác cũng thế. Ai cũng muốn thỏa mãn, muốn bảo vệ, song mình được thì kẻ khác phải mất, đó là chỗ đụng nhau của con người. Nhân loại tranh đấu nhau để được từng mảnh vụn vật chất, gốc từ chấp thân thật phát sanh. Bởi cho thân là thật, một khi nó sắp hoại thì mọi sợ sệt lo âu không sao kể hết.
Về tâm, cho những thứ suy tư nghĩ tưởng cảm xúc phân biệt... là tâm mình thật. Song những thứ ấy là tướng duyên theo bóng dáng trần cảnh, chợt có chợt không, bỗng sanh bỗng diệt, không có thực thể cũng không lâu dài. Bám vào cái giả dối tạm bợ ấy cho là tâm mình. Khi đã chấp là tâm mình rồi, mình nghĩ cái gì cũng cho là đúng, mình tưởng cái gì cũng cho là hay, mình phân biệt điều gì cũng cho là phải. Bảo vệ ý kiến mình chống đối ý kiến kẻ khác. Nếu sự chống đối của một cá nhân với một cá nhân, là ý kiến bất đồng trong phạm vi cá nhân. Nếu sự chống đối của quần chúng này với quần chúng khác, là tranh đấu ý thức hệ. Bất đồng ý kiến là mầm đau khổ triền miên từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhưng mà, ý kiến làm sao đồng được, bởi mỗi người sống trong mỗi môi trường khác nhau, sự huân tập hấp thụ khác nhau, kể cả những chủng nghiệp của thời quá khứ cũng khác nhau, đương nhiên vọng tưởng tâm thức phải khác nhau. Bởi những thứ ấy do huân tập mà có nên những bất đồng ấy không thể tránh khỏi. Thế mà chúng ta lại bảo thủ ý kiến mình là đúng, kẻ khác ắt cũng nhận ý kiến họ là đúng, hai cái đúng y sẽ là gốc đấu tranh. Nếu nói thẳng, ý kiến không có đúng, chỉ vì phù hợp với một số người nào với khoảng thời gian nào, đến những kẻ khác và thời gian khác là sai. Vì thế, người cố chấp ý kiến mình đúng, quả là họ đã sai. Càng cố chấp càng bảo thủ ý kiến mình là nguyên nhân đau khổ trầm trọng của con người. Chỉ khéo léo dung hòa buông xả để cùng vui vẻ với nhau, là người khôn ngoan nhất.
2. Tham: Do chấp thân là thật nên khởi tham lam mọi nhu cầu vật chất cho thân. Lòng tham là cái hang không cùng, cái túi không đáy, cho nên không biết đến đâu là đủ. Không có, tham lam muốn có; đã có, tham lam muốn thật nhiều, càng được lại càng tham. Tham mà không toại nguyện liền nổi sân. Quả thật tham là nhân đau khổ vô hạn, con người đến khi sắp tắt thở vẫn chưa thỏa mãn lòng tham. Tham có nhiều loại:
Tham muốn thân này sống mãi không chết, người ta coi cái chết là một họa hại tối đại của con người. Thế nên, thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, người ta luôn mồm cầu khỏe mạnh, cầu sống lâu trăm tuổi. Bởi có ám ảnh mình sống lâu, nên kinh doanh sự nghiệp đuổi theo danh vọng, mê say sắc đẹp, thích uống ăn ngon lành... cho thỏa mãn thân này. Vì sợ chết nên người ta luôn luôn tránh né tiếng chết, dù cho đến khi bệnh ngặt sắp chết, đi mua hòm về vẫn nói nhắc cái "thọ.” Sự thể tham sống đầy ngập nơi con người, có những người mang thân sống một cách khổ đau đen tối, mà nghe nói chết cũng sợ sệt. Song có sanh nhất định phải có tử, là một định án không thể di dịch, làm sao tránh được. Chỉ có sợ chết mà không biết đường tránh, đây là nỗi khổ tuyệt vọng của con người.
Vì tham sống lâu nên người ta muốn được nhiều tiền của để bảo đảm đời sống. Muốn được tiền của nhiều, người ta phải tranh đua giành giật với nhau. Ðã là giành giật thì có kẻ được người mất, kẻ được vui cười thì người mất tức tối. Vì thế người được càng nhiều thì thù hận càng lắm. Có khi trong lúc giành giật, chỉ nghĩ phần được về mình, người ta đã càng lấn dẫm đạp trên sanh mạng kẻ khác. Cho nên cái được của ta cũng là mồ hôi nước mắt của người. Người tham tiền của nhiều thì đau khổ cũng nhiều. Bởi vì đâu phải muốn là được, phải lao tâm nhọc trí, phải tốn hao bao nhiêu sức lực mới được. Ðã được lại sợ người ta phá, tìm mọi cách gìn giữ bảo vệ, nhưng có khi nó cũng ra đi. Khổ công quá nhiều mới được, được rồi lại mất, thật là khổ đau vô kể.
Danh vọng là những hạt nước lóng lánh trước ánh nắng mặt trời, người thích những danh vọng cao sang, nhưng khi nắm vào tay nó liền tan biến. Song người thế gian nào có biết chán, cứ một bề ngó lên, được một bậc lại muốn lên một bậc. Chính vì tham lam mong muốn, người ta phải chạy chọt cầu cạnh bợ đỡ những người có khả năng đưa mình lên. Mong cầu mà được, người ta lại thêm mong cầu. Mong cầu mà không được, người ta phải khổ đau sầu thảm. Danh vọng là miếng mồi ngon, nên ta mong ước kẻ khác cũng mong ước. Nếu ta nắm được nó trong tay thì kẻ khác cũng tìm đủ cách để gỡ ra. Vì thế, người xưa đã nói "càng cao danh vọng càng dày gian nan.” Ít có người ngồi trên chiếc ghế danh vọng được an ổn suốt đời. Song vì tánh cách hào nhoáng của danh vọng hấp dẫn mọi người dán mắt vào đó không biết mỏi. Ðuổi bắt danh vọng, như những đứa bé đuổi bắt bóng, cuối cùng chỉ chuốc lấy sự mệt nhừ. Chỉ ai khôn ngoan khéo biết dừng, người đó sẽ được an ổn.
Sắc đẹp cũng là một thứ men say khiến nhiều người đắm mê đeo đuổi. Bao nhiêu danh từ hạnh phúc yêu đương êm tai, ngọt dịu, thúc đẩy khách si tình chìm sâu trong biển ái, rốt cuộc chỉ là những ảo tưởng đảo điên, do con người điên đảo bày bịa. Hạnh phúc là chiếc mặt nạ của khổ đau, một khi lột chiếc mặt nạ ấy ra liền lộ nguyên hình đau khổ. Nhưng con người là bệnh nhân của sắc dục, mặc dù biết nó là nhân đau khổ, mà họ vẫn la cà bê bết, không chịu tránh xa. Người ta đuổi theo sắc dục không khi nào biết chán, như người khát uống nước muối càng uống càng khát. Nó mang họa hại cho bản thân chóng tàn cỗi, lại thêm nhiều sầu thảm khổ đau. Ðam mê sắc dục là người tự phá hoại sanh mạng của chính mình.
Những thức ngon ăn uống chỉ có giá trị khi còn tại lưỡi, nuốt qua khỏi cổ nào có ra gì. Thế mà người đời vì miếng ăn giành giật nhau, giết hại nhau. Tốn bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu sức lực, chỉ vì một món ăn ngon. Hôm nay thích ăn món này, ngày mai đòi ăn món nọ, sự thèm khát đòi hỏi thôi thúc người ta phải khốn khổ nhọc nhằn suốt đời. Rốt cuộc một đời sống chỉ vì nô lệ cho cái lưỡi. Dù có người bảo rằng ăn uống bồi bổ sức khỏe con người, cần thiết cho sự sống, song chúng ta chỉ cần ăn những thức có đủ sinh tố nuôi dưỡng cơ thể là tốt, đừng cầu kỳ món ngon vật lạ, đừng đòi hỏi chả phụng khô lân. Biết chọn thức ăn đủ bồi dưỡng thân này khỏe mạnh là đúng, chớ để cả đời nô lệ cho cái lưỡi.
Lại có lắm người cứ thích nhàn rỗi thảnh thơi, thong thả qua ngày, chẳng ưng làm lụng việc gì. Họ tự cho thân sung sướng là trên hết, không muốn làm động móng tay. Quan niệm này lâu ngày trở thành lười biếng hèn nhát. Họ là những khối thịt thường được vất lên chiếc giường, ném xuống chiếc võng. Cả ngày họ chỉ biết thụ hưởng, mà không ưng làm một công tác gì để có lợi cho mình và giúp ích xã hội. Nếu một đời sống mà tập như thế, kẻ đó tự chuốc bệnh hoạn vào thân và vô ích cho xã hội. Càng ở không càng thấy thân lừ nhừ nhọc mệt, vì thân này là một cái máy hoạt động, nếu không chịu hoạt động máu huyết không được lưu thông, gân cốt không dẻo dai, là cái cớ để bệnh hoạn. Người cố ở không cho sung sướng, đâu ngờ họ tự chuốc bệnh hoạn khổ đau.
3. Sân: Sân là nóng giận. Do tham lam mà không toại nguyện, hoặc bị ngăn trở liền nổi sân. Một khi nổi sân thì mọi tội ác nào cũng dám làm, mọi khổ đau nào cũng dám tạo. Tất cả sự hung tợn dữ dằn ác độc đều do sân mà phát sanh. Sân có loại bộc phát, có loại thầm kín.
Nghe một lời nói trái tai, thấy một hành động không vừa ý liền nổi nóng la ó ầm ầm là sân bộc phát. Loại sân này rất nguy hiểm, song đối phương dễ thấy dễ biết. Những điều gì mình muốn được bị kẻ khác ngăn trở, liền nổi giận mặt đỏ, miệng thốt ra lời bất hảo, tay chân quơ múa, toàn thân cử động một cách mất điều hòa. Nếu khi này, đối phương nhường nhịn đi thì khả dĩ dịu lại, bằng không thì cơn ẩu đả khó tránh. Một phen nổi sân là một trận bão bùng họa hại hiểm nguy không thể lường trước được. Mọi hiểm nguy họa hại trong đời sống của chúng ta đều do sân mang lại. Người ôm ấp lòng sân là kẻ chứa chấp rắn độc trong nhà, tai họa đến một cách dễ dàng chỉ trong giây phút.
Có người được sức mạnh dằn ép lửa sân bộc phát, nhung họ lại nuôi dưỡng nó một cách ngấm ngầm. Khi nghe nói trái tai, họ nổi giận, mà ghìm ở trong lòng. Lòng sân này thầm lặng mà ác độc vô kể, vì đối phương không biết được để ngừa đón. Những kẻ có lòng sân thầm kín là con người sâu độc nguy hiểm. Ðây là đống lửa than, khó thấy mà lâu tàn. Người ôm lòng sân này như ngôi nhà đẹp mà chứa đầy hơi độc. Những kẻ thiếu tinh tế, nhận xét hời hợt, không sao tránh khỏi bị hơi độc làm ngạt thở. Song hại được người chính mình cũng không an ổn gì. Thế nên sân là mối hiểm họa cho mình cho người, mọi khổ đau trong đời này đến muôn kiếp đều do sân gây ra.
TRỪ TAM ÐỘC
Như trên đã thấy, tam độc là họa hại vô cùng bất tận của con người. Chúng ta phải nỗ lực thủ tiêu chúng thì đời mình mới an ổn và đem an ổn lại cho mọi người. Tam độc như một cây to, si là gốc cây, tham là thân cây, sân là cành lá. Trừ tam độc, chúng ta phải nhắm thẳng vào gốc của nó mà đoạn diệt. Gốc của nó tức là si, nên phương pháp trừ nó phải là trí tuệ. Ở đây chúng ta dùng hai phương pháp để trừ diệt chúng:
1/ Quán vô thường: Bởi do si mê chấp thân này là thật và cuộc sống lâu dài, nên dấy khởi lòng tham sống lâu, tham của cải, tham danh vọng... Ở đây chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu theo chiều thời gian, xem thân này quả thật sống lâu dài hay không? Như Phật đã nói: "mạng người sống trong hơi thở.” Ðây là một sự thật của kiếp người, chỉ một hơi thở ra không hít vào đã chết. Dù có đến trăm ngàn lối chết, song bất cứ lối chết nào cũng thở khì ra mà không hít lại là xong một cuộc đời. Thời gian thở ra không hít lại khoảng bao lâu, quả thật ngắn ngủi vô cùng, chỉ trong vòng một tích tắc đồng hồ. Như thế, chúng ta kết luận mạng người sống bao lâu, mà tham lam đủ thứ. Càng xét nét chúng ta càng thấy thân này thật quá mỏng manh, một luồng gió độc xuông vào cũng có thể chết, dẫm chân lên con rắn độc bị cắn cũng có thể chết, đi đường sẩy chân ngã bổ cũng có thể chết, ngồi trên xe đụng nhau cũng có thể chết, một gân máu bể cũng có thể chết v.v... sự còn mất của thân này quá nhanh, không có gì bảo đảm cho sự sống của nó hết. Phút giây nào còn sống là biết nó sống, phút giây khác không chắc nó lại còn. Một cơn bất thần liền ngã ra chết, nên nói thân này là vô thường. Ðã thấy thân mỏng manh như vậy thì sự tham lam cho thân còn có giá trị gì. Do trí tuệ thấy đúng như thật thân này vô thường, mọi sự tham lam theo đó được dừng, lòng sân hận cũng nguội lạnh.
Những suy tư nghĩ tưởng của tâm thức cũng đổi thay từng giây phút. Chúng thay hình đổi dạng luôn luôn nên cũng thuộc vô thường. Trong một ngày mà buồn giận thương ghét đổi mày thay mặt không biết bao nhiêu lần. Mọi sự đổi thay ấy là tướng trạng vô thường, còn gì tranh chấp là chân lý. Chấp suy tư nghĩ tưởng của mình là đúng là chân lý, quả là việc dại khờ, có khi nào lấy một cái búa trong bóng để đập nát một viên đá thật được. Cũng thế, vọng tưởng là cái vô thường tạm bợ làm sao dùng nó suy ra được một chân lý muôn đời. Chấp chặt những nghĩ tưởng mình là đúng chân lý, quả là phi lý rồi.
2/ Quán duyên sanh: Si mê chấp thân này là thật, chúng ta hãy dùng trí tuệ đứng về mặt không gian xem xét coi có đúng hay chăng? Từ tinh cha huyết mẹ cộng với thần thức hòa hợp thành bào thai, khi ra khỏi lòng mẹ phải nhờ tứ đại bên ngoài nuôi dưỡng bồi bổ thân này mới sanh trưởng. Thế là do hòa hợp mà có thân, cũng do hòa hợp được sanh trưởng. Ðã là duyên hợp thì không phải một thể, chỉ là hợp tướng từ duyên sanh. Như cái nhà là hợp tướng của nhiều duyên, trên hợp tướng ấy không có cái nào là chủ của cái nhà, cái nhà là giả tướng của nhiều duyên hợp lại. Nếu chúng ta chỉ cây cột cũng không phải cái nhà, cây kèo cũng không phải cái nhà, cho đến tất cả không có cái nào là cái nhà, đủ những thứ đó hợp lại tạm gọi là cái nhà. Cái nhà ấy là một giả tướng do duyên hợp, thân này cũng thế. Mọi sự duyên hợp đều hư giả, chúng ta tìm đâu cho ra lẽ thật của thân này. Trên cái không thật mà lầm chấp cho là thật quả thật si mê. Thấy rõ thân này duyên hợp không thật là trí tuệ. Thấy thân này không thật rồi, còn gì tham lam nhiễm trước nơi thân. Ðối với thân không tham nhiễm thì mọi nhu cầu của nó còn có nghĩa lý gì. Thấy thân đúng lẽ thật thì si mê tan tành tham sân cũng theo đó biến hoại.
Ðến như suy tư nghĩ tưởng thương ghét... trong tâm đều do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà phát sanh. Bản thân của những tâm lý ấy không tự có, do căn trần thức hòa hợp mà sanh. Ðã do duyên hợp thì không thật thể, cái không thật mà cố chấp là thật thật quá si mê. Dùng trí tuệ soi thấu những tâm tư theo duyên thay đổi đều là hư giả, chúng ta đã đập tan được cái si mê chấp ngã nơi nội tâm con người. Biết rõ bao nhiêu thứ suy nghĩ tưởng tượng đều là ảo ảnh, còn gì chấp chặt cái nghĩ mình là đúng, cái tưởng mình là thật nữa. Do đó, chúng ta buông xả mọi vọng tưởng giả dối, sống một đời an lành trong cái bình lặng của tâm tư.
KẾT LUẬN
Tam độc là cội nguồn đau khổ của chúng sanh, trừ diệt được nó chúng sanh sẽ hưởng một đời an vui hạnh phúc. Khổ vui vốn do chứa chấp tam độc hay tống khứ chúng đi, đây là căn bản của sự tu hành. Ba thứ độc này, si là chủ chốt. Diệt được si thì hai thứ kia tự hoại. Nhắm thẳng vào gốc mà đốn thì thân và cành đồng thời ngã theo. Vì thế, trong mười hai nhân duyên cái đầu là vô minh, muốn cắt đứt vòng xúc xích luân hồi của nhân duyên, chỉ nhắm thẳng vô minh, vô minh diệt thì hành diệt v.v... Si độc là động cơ chính yếu của tam độc, chận đứng được si thì toàn thể tam độc đều dừng. Ðức Phật thấy được cội gốc của đau khổ và đầu nguồn của thoát khổ, nên Ngài dạy Phật tử cứ ngay cái gốc ấy mà trừ, người ứng dụng đúng như thế sẽ ít tốn công mà kết quả viên mãn. Si là gốc đau khổ, cũng như vô minh là gốc luân hồi, vì diệt tận gốc ấy, đức Phật dạy dùng cây búa Trí Tuệ đập tan nó, hoặc thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ phá tan màn đêm vô minh. Bởi lẽ ấy, đạo Phật là đạo giác ngộ, chỉ có giác ngộ mới diệt tận cội rễ si mê, chỉ có mặt trời giác ngộ xuất hiện thì đêm tối vô minh mới hoàn toàn hết sạch. Diệt được tam độc của mình là tự cứu bản thân, cũng đã đem sự an ổn lại cho mọi người chung quanh. Một việc làm tự lợi lợi tha đầy đủ, tất cả Phật tử chúng ta phải tận lực cố gắng thực hiện kỳ được mới thôi. Ðuợc vậy mới xứng đáng là người Phật tử chân chánh.
(10)

No comments:

Post a Comment