Thursday 9 February 2012

Trong những Phật tử Á Đông đã quy y, có một sự hiểu lầm rất phổ biến. Mọi người đều nghĩ rằng càng quy y với nhiều thầy thì càng tốt. Đây là một dấu hiệu của thời kỳ Mạt Pháp. Do quy y với Thầy này, rồi quy y với Thầy nọ, họ gây ra sự tranh chấp giữa các Thầy vì tranh cãi lẫn nhau xem ai là người có duyên Phật Pháp và có được những người đệ tử đó. Nhưng Hòa Thượng luôn luôn yêu cầu những người đã quy y rồi thì đừng ghi danh quy y nữa - họ chỉ cần theo đại chúng và tùy hỷ. Một vị cao tăng đương thời là Đại Sư Ấn Quang cũng có nói rằng trong việc quy y, thành viên của Tăng Đoàn là đại diện cho Phật để truyền ba quy y (Tam Quy). Vị Thầy đó là chứng minh sư, nhưng người Phật tử quy y không phải là quy y với vị Thầy đó. Điều này có nghĩa là chúng ta thật sự nên đặt câu hỏi là : "Ai là vị Thầy chứng minh việc truyền Tam Quy cho quý vị ?" chứ không phải là câu hỏi : "Quý vị quy y với ai ?". Hòa Thượng nói:

"Có người nói rằng : 'Thiện Tài Đồng Tử thăm viếng năm mươi ba vị (thầy), như vậy tại sao tôi không thể lạy thêm nhiều vị thầy nữa ?'. Nhưng quý vị cần nhận thức rằng Thiện Tài Đồng Tử luôn luôn được thầy cũ gởi đi đến vị thầy kế tiếp. Đó không phải là do lòng mong muốn tham lam có vị thầy khác có đủ đức hạnh, quay lưng lại với vị thầy hiện tại của mình và lén lút quy y với vị thầy khác. Rất nhiều Phật tử cao niên người Trung Hoa đã quy y tới hàng chục hay hàng trăm lần. Nhưng khi quý vị hỏi họ "quy y" có nghĩa là gì, thì họ không biết. Như vậy không đáng thương hay sao ? Họ nói rằng tất cả người xuất gia là thầy của họ. Nhưng tôi lại cho rằng họ không có một vị thầy nào cả, bởi vì tâm họ thiếu lòng tin, như vậy thì làm sao họ được cứu độ ? Con người cần phải có lòng tin để được cứu độ. Đừng nói rằng: "Có lẽ lần trước lúc tôi quy y, chư Phật không để ý, do đó tôi nên quy y lại."

Khi đề cập vấn đề phong bì đỏ, từ trước đến nay Hòa Thượng đều phản đối phong tục này. Bởi vì trong đó có yếu tố lừa dối. Không ai biết trong phong bì đỏ đó là bao nhiêu tiền. Đối với những Phật tử ở Á Châu, quy y và phong bì đỏ có liên hệ với nhau. Trong trường hợp như vậy, những người không thể có phong bì đỏ và những người ngoại đạo sẽ không dám tin Phật và quy y. Hòa Thượng nói:

"Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử giữ một vị trí rất quan trọng tuy nhiên lại có ảnh hưởng phức tạp đến Phật Giáo Trung Hoa. Hầu hết các Pháp Sư biết rất rõ ràng rằng việc một người quy y với rất nhiều thầy khác nhau là không đúng. Điều đó không phù hợp với Phật Pháp. Nhưng nếu không để điều đó xảy ra, "phần" (phong bì đỏ) của họ sẽ giảm đi đáng kể. Do đó cho đến hôm nay không có ai công khai phản đối phong tục này. Biết rất rõ ràng điều đó là sai, mà người ta vẫn làm. Thật phức tạp có phải không ? Tại sao ? Thứ nhất là vì "đồng tử" (lôi kéo tín đồ và thứ nhì là vì "Thiện Tài" (để được phần phong bì đỏ). Đây là thói tục tệ hại nhất trong Phật Giáo."

Sự hiểu biết chân thật và cái nhìn rõ ràng của Hòa Thượng rất khác biệt với đa số. Biết bao là lòng từ bi đằng sau tiếng sư tử hống của Hòa Thượng, Ngài lên tiếng vì Ngài "không đành nhìn giáo pháp của thánh nhân bị suy đồi". Rất nhiều "Đạo sư tài tử" ở Đài Loan, được đệ tử đưa lên đài cao, đã hoàn toàn quên mất trách nhiệm " gánh vác gia nghiệp của Như Lai để cứu chúng sanh" của chính mình. Mỗi ngày họ ngụp lặn, say sưa trong vòng danh vọng, lợi lộc và quên bẵng vấn đề lớn sinh tử. Thật ra, khi đệ tử của Tam Bảo gặp những vị thầy xuất gia thì họ nên thỉnh hỏi về Phật Pháp, không nên chỉ một mực cúng dường phong bì đỏ. Tại Thái Lan, Tích Lan v.v.., người tại gia cúng dường thực phẩm cho Tam Bảo. Bên cạnh đó, Đức Phật hạn chế các Tỳ Kheo chỉ được dùng một bữa ăn lúc Ngọ trong ngày, và không cho phép họ dùng bình bát để xin tiền.

Trong quyển bảy của Kinh A Hàm, Đức Phật nói: "Cất giữ vàng, tiền bạc hoặc đồ quý giá đều không phải là Pháp của Sa Môn, đệ tử của Thích Ca. Nếu họ có giữ vàng hoặc tiền hoặc đồ quý giá, thì họ không phù hợp Pháp của Sa Môn, Thích tử." Do đó, xin tiền (hóa duyên) không phải là phương pháp tu hành của người xuất gia. Trong quyển 54 của Tứ Phần Luật, Đức Phật bảo Trường giả Châu Man: "Sa Môn, đệ tử của Thích Ca, không nên cất giữ vàng bạc; họ nên cho đi châu báu của họ, và không tự trang sức. Bất cứ người nào cất giữ vàng bạc cũng sẽ bị dính mắc vào ngũ dục, như thế, họ không theo Pháp của Sa Môn, đệ tử Phật.”

Có ai nghĩ rằng ngày nay, trong thời kỳ Mạt Pháp, có những kẻ xuất gia dùng bình bát để xin tiền !. Việc này đã có tác dụng hủy hoại thanh danh của Phật Giáo và sự tu tập của thành viên Tăng Đoàn, đặc biệt hiện nay khi có những người đi xin và tự xưng là người xuất gia để phá hoại Phật Pháp. Nếu thành viên của Tăng Đoàn không mang bình bát đi xin tiền, thì chắc chắn sẽ không có người nào chịu khó dám mạo xưng là thành phần của Tăng Đoàn. Do đó, Hòa Thượng khuyến khích đệ tử của Ngài giữ giới "không giữ tiền" càng nhiều càng tốt; để tránh "kết duyên" với tiền bạc càng nhiều càng tốt. Hòa Thượng nói:

"Bởi vì người xuất gia có thể tu hành được nếu họ không có tiền. Một khi họ có tiền, họ chắc chắn sẽ không tu hành được. Tôi có thể bảo đảm điều đó. Hãy nhìn xem! Hãy nghiên cứu đi. Những Đạo sĩ thì tự xưng là 'bần Đạo'. Tăng sĩ thì tự xưng là 'bần Tăng'. Không ai nói đến ’phú Tăng’ hay ‘phú Đạo’. Do đó, khi quý vị dùng tiền để cúng dường cho 'phú Tăng' hay 'phú Đạo', điều đó cũng giống như quý vị tạo tội. Tôi sẽ làm phiền lòng nhiều người khi nói lên điều này. Nhưng dù tôi có làm phiền quý vị đi nữa, thì tôi cũng phải nói lên sự thật."

Một vấn đề nữa đang xảy ra trong Phật Giáo hiện nay là cái gọi là "pháp làm giàu". Hòa Thượng nghiêm khắc và thẳng thắn về vấn đề này: "Không có Pháp nào như thế để làm giàu trong Phật Giáo." Đại Sư Vĩnh Giác có nói trong Chứng Đạo Ca: "Đệ tử Thích Ca nói rằng họ nghèo; họ thật sự nghèo về thân, nhưng không nghèo về Đạo. Về sự nghèo, thân họ bao bọc trong giẻ rách thô kệch. Về đường Đạo, trong tâm họ chứa đựng viên ngọc vô giá." Đó là nói về "bần Tăng" trong Phật Giáo. Chữ "phú Tăng" không hiện hữu. Bởi vì họ là "bần Tăng", làm sao họ có thể truyền "pháp làm giàu"? (nhưng họ đã làm cho người khác lầm lạc bằng cách nói rằng đó là pháp phương tiện của Đức Phật trong khi thật ra hoàn toàn không phải!). Nhận định của Hòa Thượng là:

"Quý vị phải xem xét cẩn thận bất cứ người nào dạy kẻ khác 'Pháp làm giàu' để xem chính người đó có giàu thật hay không. Nếu người đó giàu thật, thì vì quý vị muốn giàu cho nên quý vị đã đưa tiền bạc của mình cho người đó. Vì vậy mà người đó có tiền. Cũng giống như đầu tư vào chứng khoán, quý vị phải mua cổ phiếu trước khi có thể làm ra tiền. Và như vậy, đầu tiên quý vị phải cúng dường cho người đó - có thể một ngàn, hay mười ngàn, hoặc một trăm ngàn- và sau đó tủ sắt của quý vị sẽ đầy tiền và sẽ phát ra ánh sáng đỏ, có phải không ? Hoặc ánh sáng vàng ? Hay ánh sáng đen ? Nếu đó không phải là sự lừa đảo chuyên nghiệp thì là cái gì ? Bởi vì tôi không bao giờ truyền truyền ‘pháp làm giàu,’ tôi phơi bày bí mật này ra."

Phật Giáo là một giáo pháp cao thượng, chắc chắn không ngừng lại với "phong bì đỏ" kèm theo danh lợi. Phật Giáo cũng không ngừng lại với những "Pháp hội" đi cùng với việc cứu độ vong linh. Chư Phật và những bậc đại trí muốn chúng sanh hiểu rằng thế gian là vô thường và người ta cần dẹp bỏ tham sân si. Làm sao mà chư Phật, chư Bồ Tát lại bị giáng xuống ngang hàng với các vị thần linh để người ta đến "tìm cầu phú quý, thăng quan tiến chức" ? Đó không phải là hối lộ hay sao ? Như vậy thì thứ Phật Giáo đó có khác gì các tôn giáo dân gian và thần giáo của Tây phương ?



Phần Sáu: Luôn Mặc Áo Giới và Ăn Ngày Một Bữa



Mọi người đều biết rằng "đắp giới y và ăn ngày một bữa" là gia phong mà Vạn Phật Thánh Thành được đặc biệt biết đến. Hòa Thượng đặc biệt tuyên bố rằng bất cứ người nào xuất gia với Ngài đều phải tuân thủ những quy định của Đức Phật: "Ngày ăn một bữa lúc giữa trưa và luôn luôn mặc áo giới"; và dù Vạn Phật Thánh Thành có bị những kẻ bên ngoài chỉ trích như thế nào đi nữa, ngay cả phỉ báng rằng Thánh Thành làm những việc mới lạ để phô trương, thì Hòa Thượng vẫn không bao giờ vì thế mà thay đổi gia phong. Đối với một loạt những phỉ báng, Hòa Thượng chỉ nói: "Đây không phải là những quy luật do tôi đặt ra. Đây là quy luật của Phật. Chúng ta cần phải tuân thủ quy luật của Phật." Tuy vậy, đối với những đệ tử xuất gia tương đối lớn tuổi, Hòa Thượng đã phương tiện cho phép họ ăn ba bữa mỗi ngày. Quy định này vẫn được giữ nguyên ngay cả trong lời di huấn của Hòa Thượng trước khi Ngài nhập Niết Bàn, không hề sửa đổi. Chính Hòa Thượng đã nói:

"Ngay cả trước khi tôi xuất gia, lúc còn là người tại gia, tôi đã ăn ngày một bữa. Và từ khi tôi xuất gia đến nay, trải qua bao nhiêu năm trời, tôi vẫn chỉ ăn ngày một bữa. Những người muốn xuất gia với tôi, người nào mà có thể ăn ngày một bữa, thì tôi sẽ thâu nhận; nếu không thể ăn ngày một bữa, thì tôi sẽ không thâu nhận. Đây là điều kiện thiết định cho những ai muốn xuất gia với tôi; dầu dưới bất cứ áp lực nào, do thời gian hay hoàn cảnh, đều không thay đổi."

Tại sao Hòa Thượng xem việc “ăn ngày một bữa" quan trọng như vậy ? Bởi vì "khi bụng no thân ấm, thì nghĩ về dâm dục". Càng no đủ, càng nhiều dục vọng. Vấn đề này đã được thảo luận (Kinh Trường A Hàm, quyển 22, “Phẩm Ghi Chép Về Thế Giới: Nhân Duyên Căn Bản Của Thế Giới”) và có ghi lại: “Những chúng sanh cõi trời Quang Âm khi hết phước báo và bị đọa xuống nhân gian, thì họ bắt đầu ăn cơm, thân thể trở nên thô kệch, xấu xí và mang tướng nam, tướng nữ. Họ nhìn ngó lẫn nhau rồi sanh khởi dục niệm và họ đi đến nơi kín đáo để làm hạnh bất tịnh." Và, có câu thành ngữ Trung Hoa nói rằng: "Đồ ăn uống sanh ra nam nữ.” Điều này chứng minh rằng dâm dục là từ sự ẩm thực quá lượng mà ra.nếu đó là việc "ăn phi thời," thì đó là vấn đề phá giới.

Một số người xem vấn đề này như sau: " Hiện tại không phải là thời đại của Đức Phật và chúng ta cũng không phải đang ở Ấn Độ, người Trung Hoa lại không phải là người Ấn Độ, mà giới luật được đặt ra là ’tùy thời, tùy nơi, tùy người‘, như vậy những giới đó chỉ có thể áp dụng cho những người ở tại Ấn Độ chứ không thích hợp cho người ở tại Trung Hoa." Thật ra điều đó không đúng vì, trong Phật Giáo, giới luật là một trong Ba Vô Lậu Học gồm Giới, Định, Huệ, và tất cả đều đã được chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng. Nếu nói rằng Giới Học không thích hợp cho người Trung Hoa, như vậy có nghĩa là Định Học và Huệ Học cũng không thích hợp cho người Trung Hoa hay sao? Thật là phi lý!

Không ăn phi thời là hạnh nguyện mà người xuất gia phải giữ và là điều kiện tiên quyết của việc cạo đầu xuất gia. Hơn nữa, trong Bát Quan Trai Giới của người tại gia cũng có bao gồm giới “không ăn phi thời". Do đó đây là vấn đề giới luật có được nghiêm trì hay không. Ngoại trừ khi bị bệnh, không có lý luận nào có thể chấp nhận được.

Thêm nữa, trong Kinh Xứ Xứ có liệt kê năm loại phước đức có được do không ăn sau giờ ngọ: “1. Ít dục vọng (thiểu dâm); 2. Ít ngủ (thiểu thùy); 3. Tâm định (đắc nhất tâm); 4. Không bị vấn đề đầy hơi trong bụng (thiểu hạ phong); 5. Thân thể yên ổn và không bệnh (thân đắc an ổn diệc bất tác bịnh).” Từ đó chúng ta có thể thấy rằng không ăn sau giờ ngọ thì có thể được phước. Ngoài ra trong Luận Đại Tỳ-Bà-Sa cũng cho rằng: “Không ăn sau giờ ngọ làm bớt ngủ mê, giảm đi vấn đề giữ thức ăn qua đêm, giúp tâm dễ nhập Định, và do có những lợi ích như vậy, nên chỉ ăn vào lúc giữa trưa.” Trong Kinh Trường Trảo Phạm Chí Thỉnh Vấn có nói: "Lý do bốn mươi cái răng của Như Lai sạch, trắng và thẳng tắp là do sự nghiêm ngặt tránh ăn phi thời mà Ngài đã thọ trì trong những kiếp trước."

Và trong Kinh Xá-Lợi-Phất Vấn, Đức Phật đã nghiêm khắc khuyên Tôn giả Xá Lợi Phất rằng:

"Những người ăn phi thời là những kẻ phá giới, là những kẻ ăn cắp, là những kẻ sẽ chịu khổ điên loạn vì họ đã phá hoại thiện quả và họ không phải là đệ tử của Ta. Họ ăn cắp lợi ích của Pháp của Ta, họ ăn cắp danh tiếng, họ ăn cắp thực phẩm, một chút chỗ này, một chút chỗ kia; một chút muối, một chút dấm, và sau khi chết, họ sẽ bị đọa địa ngục Thiêu Ruột và mọi thứ đều trở thành viên sắt nóng đỏ."

Trong Kinh Tỳ-Ni Tam Muội có giải thích như sau:

"Buổi sáng là giờ chư thiên ăn, buổi trưa là chư Phật ăn, buổi chiều là súc sanh ăn, và buổi tối là giờ quỷ thần ăn. Ngày nay, để tạo nhân duyên cho sự thoát ly sáu nẻo và noi gương chư Phật ba thời, việc ăn vào lúc giữa trưa được xem là đúng lúc để ăn (chánh thời)."

Vì thế, ngay thời bây giờ, tại Ấn Độ và các quốc gia mà ở đó Phật Giáo Nam Truyền thịnh hành, giới điều không ăn sau ngọ của Đức Phật vẫn còn được thọ trì.

Nhưng tại quốc gia của tôi [Trung Hoa], hầu hết chư tăng Trung Hoa đã khai mở giới điều này, họ gọi bữa ăn chiều là "thuốc" (dược thạch) và tùy ý thọ dụng. Hòa Thượng không đồng ý chuyện này. Hòa Thượng nói rằng:

“Trong khóa Thiền quý vị cũng đã được học về ‘khóa ăn’ Trung Hoa là như thế nào rồi --đó là ba thời trà và bốn thời cơm, ngoài ra còn có thêm món bánh bao vào thời khuya nữa. Tôi không tin rằng quý vị ăn uống như vậy mà vẫn có thể dụng công được! Tôi ngày ăn một bữa mà đã cảm thấy rắc rối, phiền phức lắm rồi; vậy mà, nếu ăn bốn bữa cơm và thêm bữa bánh bao vào buổi tối nữa thì sẽ như thế nào?! Trong Phật Giáo Trung Hoa, người ta gọi bữa ăn tối là gì ? Họ gọi đó là "dược thạch" (thuốc, đá), tức là họ xem bữa ăn tối như uống thuốc vậy (6). Cho nên, họ nói rằng đó chẳng qua chỉ là liều thuốc để trị bệnh mà thôi! Đó gọi là “bịt tai ăn cắp chuông”. Đó chính là lừa mình và lừa người. Bởi vì họ muốn ăn tối, họ gọi thức ăn tối đó là "thuốc"!!! Phật Giáo Trung Hoa là như thế. Đó là thứ Phật Giáo lừa gạt người; thứ Phật Giáo lừa dối người - tôi không có cách nào cải chánh lại được!"

Về ý nghĩa của chữ "dược thạch," trong quyển 18 của Huyền Ưng Âm Nghĩa có chép: "Dược thạch (nghĩa thường: thuốc và đá) là thứ dùng để chữa bệnh. Người xưa dùng đá làm kim châm, ngày nay thì người ta dùng sắt. Tất cả đều nhằm mục đích chữa bệnh." Phần La-Hán Dược Thạch, trong quyển một của Phật Đình Sự Uyển, có nói rằng: "Ăn thức ăn để chữa bệnh, và đó gọi là 'thuốc' (dược thạch) ". Phần Ẩm Đạm Môn trong Thiền Lâm Tượng Khí có nói như sau về dược thạch: "Thuốc (dược thạch) là ẩn ngữ để chỉ món cháo dùng vào buổi tối. Bởi vì cháo dùng vào buổi tối nhằm bồi bổ cơ thể và chữa bệnh tật để hành giả có thể tiến bộ trong sự tu tập của mình, do đó gọi là thuốc (dược thạch)”. Từ đó có thể thấy rằng danh từ "dược thạch" (thuốc) chỉ là một tên khác để chỉ "bữa ăn tối" được Phật Giáo Trung Hoa phát minh ra mà thôi!.

Nói chung, mặc dầu Đức Phật, Đấng Thế Tôn, đã loại bỏ một số giới nhỏ trước khi nhập Niết Bàn, nhưng giới không ăn phi thời thì không bỏ được. Quyển 15 của Kinh Tạp A Hàm nói rằng: "Khi người nào biết giảm thiểu ăn uống cuốn thành miếng (đoàn thực) (7) lúc phi thời, người đó sẽ có được công đức của sự đoạn trừ tham ái ngũ dục. Trong những đệ tử đa văn và thánh thiện có công đức giảm thiểu tham lam, tôi chưa thấy một ai mà còn một kiết sử trong ngũ dục chưa đoạn trừ. Dù chỉ còn một kiết sử, họ vẫn phải tái sanh lại thế gian này."

Giới không ăn phi thời chính là Phạm hạnh thanh tịnh “đoạn đoàn thực”. Làm sao hành giả muốn chấm dứt sanh tử và rời khỏi nhà Tam Giới lại không lưu ý đến giới này ?

Dưới đây hãy thảo luận về quan điểm của Hòa Thượng đối với việc mặc áo giới (giới y). Hầu hết các Sa Di (chú tiểu) và tại gia tín chúng đã thọ năm giới (Ngũ Giới) hoặc Giới Bồ Tát đều mặc áo mạn y (hay mạn điều y; tiếng Phạn là pattha), tức là áo cà sa (8) không phải do nhiều miếng vải hợp lại như hình thửa ruộng (vô điền tướng cà sa).

Quyển 40 trong Tứ Phần Luật ghi rằng Đức Phật cho phép người trong Tăng Đoàn mặc y An-đà-hội (antarvasaka) không vá chắp. Trong Phật Chế Tỳ-Kheo Lục Vật Đồ có ghi lại rằng: "Y thường có ba công dụng. Khởi thủy là y cho Sa Di. Phần Luật đồng ý rằng Sa Di nên có hai y thường—một y thất điều bảy miếng nên mặc khi nhập chúng, và một y ngũ điều năm miếng nên mặc khi làm việc." (Chữ "nên" được dùng vì kiểu y vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa.) Trong một trăm năm đầu sau khi Phật Giáo được truyền đến Trung Hoa, chư Tăng vẫn chưa biết cách làm y nhiều miếng vá, do đó họ chỉ mặc y thường (mạn y) mà thôi. Cho đến giữa thời nhà Hán và nhà Ngụy, họ dần dần bắt đầu mặc y Tăng-già-lê (samghati) màu đỏ (9). Do đó có thể biết được áo cà-sa màu đỏ từ lâu đã được dùng ở Trung Hoa.

Hòa Thượng nghiêm khắc yêu cầu những người xuất gia với Ngài phải luôn mặc áo giới và không bao giờ để áo giới rời thân (y bất ly thể). Hòa Thượng nói:

“Nếu người xuất gia mà không mặc áo giới, thì cũng giống như đã hoàn tục. Người đó không khác gì kẻ thế tục. Mặc áo dài của Trung Hoa với cổ áo cong cong (áo tràng) chưa đủ để chứng tỏ người đó là người xuất gia. Đừng nói là áo tràng, ngay cả khi quý vị có mặc áo giới, mà quý vị vẫn còn dám phá giới và làm điều không thành thật suốt ngày, huống gì là nếu quý vị không mặc áo giới! Ngày nay, người xuất gia tại Trung Hoa và các nơi khác, đa số (người xuất gia) trong Phật Giáo Đại Thừa, đều không mặc áo giới. Họ nghĩ rằng không mặc áo giới là đúng đắn và là chuyện đương nhiên, cần nên như vậy. Có điều, họ không nhận thức được là khi không mặc áo giới, thì họ không còn mang tướng Tỳ Kheo nữa rồi!"

Hòa Thượng khẳng định rằng: ”Người xuất gia nhất định phải mặc áo giới, nếu không, sẽ không có tướng Tỳ Kheo.” Giới y là biểu tướng phân biệt của đệ tử của Phật. Chính bản thân Đức Phật cũng có ba y và một bình bát, và Ngài luôn luôn đắp y.

Kinh Đà-La-Ni Tập nói rằng: “Thân vàng của Đức Phật được đắp trong y cà sa màu đỏ (xích cà-sa, saffron kashaya)."

Kinh Yếu Lược Niệm Tụng nói rằng: "Thân của Đức Phật như vàng ròng, trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Ngài đắp y cà sa saffron và ngồi thế kiết già." Như thế không phải là không có lý do khi Hòa Thượng xiển dương việc chư Tăng cần phải mặc áo giới.

Có vô số trường hợp kinh đã đề cập về lợi ích của việc mặc áo cà sa. Ví dụ, Kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán thảo luận mười lợi ích của việc mặc áo cà sa. Quyển tám của Kinh Từ Bi Hoa mô tả năm công đức thánh thiện của áo cà sa của Đức Phật. Quyển mười sáu của Luận Thập Trụ Tỳ-Bà-Sa mô tả hai mươi sáu loại y và mười lợi ích của chúng. Quyển bốn của Kinh Hải Long Vương kể lại việc Long Vương được thoát khỏi móng vuốt của chim Đại Bàng cánh vàng nhờ sự che chở của áo cà sa của Đức Phật. Tuy nhiên vẫn còn có người phản đối việc mặc áo giới và xem đó là cách tạo thêm kiểu đặc biệt. Hòa Thượng nói:

“Ngày nay người ta vô tình làm thói quen xấu trở thành một quy ước. Những người không mặc áo giới được xem là ‘Phật tử chân chánh’, trong khi những người mặc áo giới thì bị xem là giả mạo. Nếu tất cả quý vị những người học Phật mà còn không hiểu điểm sơ đẳng này, thì về căn bản quý vị chưa phải là Phật tử vậy.”

Kinh Đại Bi nói: "Ngay cả Sa Môn (tu sĩ Phật Giáo) trong tự tánh ô nhiễm hạnh Sa Môn, nếu họ có tướng của Sa Môn và mặc áo cà sa, thì tất cả những người như họ -không có ngoại lệ- sẽ được vào Niết Bàn giữa thời Phật Di Lặc và Phật Lâu-Chí".

Sau khi đọc những lời này từ các kinh sách, chúng ta có còn phản đối quy luật mặc áo giới nữa hay không ? Hòa Thượng nói :

"Đúng sai cần gì cãi,

Thật giả lâu tự biết,

Kẻ trí thấy chân thật,

Kẻ ngu hành giả dối,

Kẻ tốt học Bồ tát,

Kẻ xấu dám mắng Phật,

Tâm Đại Bi bình đẳng,

Phổ độ chúng hữu tình."

www.dharmasite.net/thiluan.htm.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).9/2/2012.

No comments:

Post a Comment