Saturday 11 February 2012

Quy Y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)  
Giáo Pháp Quan Trọng - Phật Pháp
  
Tam Quy Y
I. Mở Đề
Sống trong cuộc đời muôn mặt, người muốn chọn lấy một lối đi, vạch ra một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa và an lành, thực không phải là việc dễ. Chúng ta là khách lữ hành đang đứng trước ngã tư ngã năm, mà chưa biết cuối cùng các con đường ấy sẽ đưa đến đâu ?
Chọn lấy một con đường để đi đến suốt đời, phải khôn ngoan sáng suốt lắm mới khỏi hối hận về mai sau. Nhưng mà chúng ta phải tự chọn lấy, đừng nhờ nhõi, đừng nghe lời xúi giục của ai, vì đây là con đường tự ta đi không ai thế ta được.
Chọn kỹ rồi sẽ đi, là thái độ của kẽ khôn ngoan; nhắm mắt đi càng, phó mặc đi đến đâu hay đến đó, là kẻ khờ dại, mang cả cuộc đời làm một trò chơi. Người trí phải nhìn kỹ, phải xem xét tường tận trước khi mình cất bước đi trên một con đường nào.
Quy y Tam Bảo quả là đặt mình trên một con đường đi đến tận cùng. Đến tận đầu đường là suốt cuộc đời của chúng ta. Việc làm nầy cần phải hiểu biết rõ, nhận thức tường tận, mới phát tâm Quy y. Phát nguyện Quy y là định hướng cho cả cuộc đời chúng ta. Nếu không hiểu biết gì, thì việc Quy y mất hết ý nghĩa của nó.
II. Định Nghĩa
Tam Quy y nói đủ là Quy y Tam Bảo. Tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Phật là chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, do trước kia ngài tu hành giác ngộ thành Phật. Pháp bảo là giáo pháp do Đức Phật nói ra chỉ dạy đường lối tu hành. Tăng bảo là những vị tu hành theo giới luật và chánh pháp của Đức Phật.
Tại sao gọi là Phật bảo? Từ một kẻ phàm phu như chúng ta tu hành thành Phật thực là chuyện ít có trên nhơn gian nầy. Thế nên trong kinh thường nói Phật ra đời khó gặp, như hoa Ưu Đàm một ngàn năm mới trổ một lần. Bởi ít có khó gặp nên nói là Báu. Hơn nữa, tự bản thân Ngài đã thoát khỏi sanh tử luân hồi và giác ngộ thành Phật, rồi đem chỗ giác ngộ ấy dạy lại cho mọi người cùng ra khỏi sanh tử, là điều cao cả nhất trần gian nên gọi là Báu.
Thế nào gọi là Pháp bảo? Chánh pháp xuất thế hy hữu do Đức Phật dạy lại, người nghe rất khó hiểu khó thấu đáo được. Nhưng một khi đã hiểu, ứng dụng tu hành có thể chuyển đời phàm phu trở thành thánh nhân, pháp như vậy còn gì quý báu bằng. Pháp của Phật dạy là chơn lý, dù trải qua bao thời gian chơn lý ấy vẫn rạng ngời như hòn ngọc báu. Những kẽ đang lạc lầm trong đêm đen, bất thần gặp được ngọn đuốc, vui mừng quý tiếc thế nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Người đang bị chìm đắm ngoài bể cả, trông thấy một con thuyền đến vớt, vui mừng sung sướng quý mến thế nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Cho nên nói “Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm gặp.”
Thế nào gọi là Tăng bảo?
Tăng là chỉ cho một nhóm tu sĩ học theo Phật, sống chung nhau đúng tinh thần Lục Hòa. Sống đúng tinh thần Lục Hòa là việc ít co trên nhơn gian nầy. Bởi vì người thế gian sống trong đua đòi giành giật hơn thua với nhau, không bao giờ hòa thuận được. Lục hòa là: Thân hòa cùng ở, Miệng hòa không tranh cải, Ý hòa đồng vui, Giới luật hòa đồng giữ, Hiểu biết hòa cùng giải, Lợi hòa chia đồng. Sáu điều này là tinh thần của Tăng. Nếu có người đầu tròn áo vuông mà không sống theo tinh thần Lục Hòa cũng không gọi là tăng. Ở trong tập thể từ bốn người trở lên, ai cũng hòa thuận chung sống đúng tinh thần lục hòa là một việc rất khó làm.
Vì thế, người tu sĩ sống theo tinh thần Lục Hòa, là một điều quí báu trên nhơn gian. Hơn nữa, trên sự tu hành, các vị ấy đã vơi đi phiền não và đạt được phần nào của an ổn thanh tịnh, rồi hướng dẫn mọi người cùng đến chổ an ổn thanh tịnh ấy. Vì thế cho nên gọi là Tăng bảo. Thế nào là Quy y? Quy là trở về, y là nương tựa. Trở về nương tựa với Phật, Pháp và Tăng gọi là Quy y Tam Bảo. Từ lâu chúng ta mãi chạy theo dục lạc, tạo nghiệp đau khổ, nay hồi tâm thức tỉnh nhất định trở về nương tựa với Tam Bảo. Lấy Tam Bảo làm chổ cứu cánh, để không còn tạo thêm nghiệp đau khổ, rồi từ đó đem lại cho chúng ta sự an lạc trong cuộc sống. Đây là sự hồi tâm tỉnh giác, phát nguyện trở về của chúng ta. Sự tỉnh giác nầy là nền tảng của lâu đài trí tuệ, nó là bước đầu trên con đường về quê hương giác ngộ. Đặt nền tảng nầy vững chắc thì lâu đài trí tuệ mới được lâu dài. Đó là sự hệ trọng của tinh thần Quy y.
III. Quy Y Tam Bảo Bên Ngoài
Phật Pháp Tăng là đối tượng để chúng ta Quy y. Nguyện noi theo con đường Đức Phật đã đi là Quy y Phật. Quyết thực hành những lời chỉ dạy của Ngài còn ghi trong kinh điển là Quy y Pháp. Thuận theo sự hướng dẫn tu hành của chúng tăng là Quy y Tăng. Từ đây bước đi, cuộc sống của chúng ta lấy Tam Bảo làm mẫu mực, nhắm thẳng theo đó mà tiến tới, khỏi phải nghi ngờ dò dẫm như thuở nào. Chúng ta là Hoa Tiêu, Tam Bảo là ngọn hải đăng. Cứ nhắm theo hải đăng mà lái con thuyền thân mạng của chúng ta cho đến đích.
Song Phật pháp, người Phật tử quyết định tin theo không còn chút do dự, còn Tăng thì phải cẩn thận để khỏi nhận lầm. Tăng là tập đoàn Tăng lữ sống đúng tinh thần Lục Hòa, không phải tính cách cá nhân. Nếu một vị sư đứng ra làm lễ Quy y cho Phật tử, chính vị ấy đại diện cho tập đoàn. Quy y Tăng là quy y với những vị sư sống đúng tinh thần Lục Hòa, không phải cuộc hạn riêng vị sư truyền tam quy ngũ giới cho mình. Nếu vị đại diện truyền quy giới ấy có tu được hay không tu được, người thọ pháp giới vẫn đã quy y tăng rồi. Khi quy y một vị tăng tức là đã quy y tất cả chư Tăng, nếu vị nào sống đúng tinh thần hòa hợp. Phật tử có quyền học hỏi tất cả tăng chúng, không nên hạn hẹp nơi ông thầy của mình. Được vậy mới đúng tinh thần Quy y Tam Bảo bên ngoài.
IV. Quy Y Tam Bảo Tự Tâm
Phật pháp bao giờ cũng phải đủ hai mặt, Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo tự tâm là bản chất. Nương tam bảo bên ngoài, chúng ta phát triển Tam Bảo của tự tâm. Trong ngoài hỗ tương để viên mãn công phu tu hành, là mục tiêu chính yếu của Đạo Phật. Thế nào là Tam Bảo tự tâm? Tánh giác sẵn có nơi chúng ta là Phật Bảo. Lòng từ bi thương xót cứu giúp chúng sanh là Pháp bảo. Tâm hòa hợp với mọi người là Tăng Bảo. Nhờ Phật Bảo bên ngoài, chúng ta đánh thức tánh giác của mình, trở về nương tựa tánh giác của mình là Quy y Phật. Nhờ Pháp Bảo bên ngoài, chúng ta dấy khởi lòng từ bi đối với chúng sanh, trở về nương tựa với lòng từ bi của mình là Quy y Pháp.
Do chư Tăng bên ngoài gợi lại cho chúng ta có tinh thần hòa hợp thuần thảo, trở về với tinh thần hòa hợp thuần thảo của mình là Quy y Tăng. Phật Pháp Tăng bên ngoài là trợ duyên giúp chúng ta phát khởi Phật pháp tăng của tự tâm. Ví như ông thầy giáo làm trợ duyên cho đứa học trò mở mang kiến thức của nó. Có ông thầy giáo cần cù, mà đứa học trò lười biếng không chịu học, ông thầy cũng trở thành vô ích. Cũng thế, có Tam Bảo bên ngoài, người Phật tử không cố gắng đánh thức Tam Bảo của chính mình, Tam Bảo bên ngoài cũng thành vô nghĩa. Tam Bảo bên ngoài là điều kiện tốt thiết yếu với người Phật tử, nhưng có được giác ngộ giải thoát chính là khả năng của Tam Bảo tự tâm. Chỉ biết có Tam Bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý. Một bề tin vào Tam Bảo của tự tâm không cần biết đến Tam Bảo bên ngoài, là chấp lý bỏ sự. Người Phật tử chơn chánh phải viên dung sự lý mới khỏi trở ngại trên đường tu.
V. Nghi Thức Quy Y
Trọng tâm chủ yếu trong buổi lễ quy y , chính lúc Phật tử quỳ trước Tam Bảo, ba lần phát nguyện: “Đệ tử … xin suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Câu phát nguyện này tự đáy lòng Phật tử phát xuất, không do sự ép buộc xúi giục nào. Ba lần phát nguyện như vậy là gieo hạt giống vào sâu trong tàng thức, khiến đời đời không quên. Đây là tinh thần tự giác tự nguyện. Hình thức nghi lễ chỉ giúp thêm ấn tượng quan trọng cho giờ phút phát nguyện ấy thôi. Khi chúng ta tỉnh giác nguyện theo Tam Bảo thì đời ta được lợi ích. Nếu trên đường tu có lúc nào bị vô minh che đậy không nhớ Tam Bảo, chúng ta tự chịu thiệt thòi.
Nhà Phật không bắt buộc chúng ta thệ những gì nặng nề để không bỏ đạo. Của báu cho người nếu ưng nhận lời thì được lợi ích, không ưng nhận thì thôi, bắt buộc làm gì. Trừ ra có hậu ý gì, mới bắt buộc những câu thề nặng để không dám bỏ. Người hiểu được chỗ nầy mới thấy giá trị chơn thật của đạo Phật. Tất cả sự dụ dỗ ép buộc để theo đạo, nhà Phật hoàn toàn phản đối. Mỗi người tự nhận thức rõ ràng về đạo Phật rồi phát tâm đến với đạo, mới đúng tinh thần Phật tử. Hiểu rồi mới theo là hành động đúng với tinh thần giác ngộ. Dùng thuật hay, phép lạ để dụ người ta vào đạo, đó là mê tín. Dùng mọi quyền lợi để dụ người ta vào đạo, đó là cám dỗ kẻ ngu si, không phù hợp với tinh thần giác ngộ. Chúng ta có bổn phận giải thích để người khác hiểu phát tâm quy y là, người truyền đạo chơn chánh. Nghi thức trịnh trọng trong buổi lể quy y, chỉ là trợ duyên cho lời phát nguyện của chúng ta được thành tựu viên mãn.
Nghi lễ này không có nghĩa là Phật sẽ ban ơn cho chúng ta trọn đời được an lành. VI. Khẳng Định Lập Trường Sau khi quy y Tam Bảo, chúng ta khẳng định lập trường một cách tỏ rõ : “Quy y Phật, không quy y Thiên, Thần, Quỷ, Vật”. Chúng ta đã nhận định kỹ càng quyết chí theo Phật là đấng giác ngộ, không lý do gì lại theo Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Bởi vì Thiên, Thần, Quỷ, Vật vẫn chưa giác ngộ, còn bị luân hồi như chúng ta. Song cũng có một số Phật tử đã quy y Phật, mà vẫn chạy theo quỷ thần. Những người này vì tham lợi lộc, vì thích mầu nhiệm, nên đã đi sai đường Phật Pháp. Thậm chí vì sự mê tín của họ, họ trở lại kính trọng quỷ thần hơn Phật. Đây là hiện tượng xấu xa để khách bàng quan phê bình Phật Giáo.
“Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo tà giáo”. Chánh pháp của Phật là chơn lý, cứu giúp chúng sanh một cách thiết thực, như ông thầy thuốc đối với bệnh nhân. Hiểu được lẽ chơn thực nầy, còn lý do gì chúng ta chạy theo ngoại đạo tà giáo. Chúng ta tự nhận mình yêu chuộng chân lý, cầu mong sự thoát khổ thiết thực, ngoại đạo tà giáo còn gì hấp dẫn được chúng ta. Chỉ có những kẽ ba phải nghe đâu chúc đó, mới có những hành động đổi thay vô lý như vậy. Dù có những phép tà ngoại linh thiêng muốn gì được nấy, chúng ta cũng không khởi lòng tham lam theo họ. Hoặc có những phương thuốc linh mầu nhiệm bệnh gì cũng cứu khỏi, là Phật tử chơn chánh thà chịu chết chớ không cầu xin.
Thân này có ghìn giữ khéo mấy, cuối cùng cũng tan hoại, lạc vào đường tà kiếp kiếp khó ra khỏi. “Quy y Tăng, không quy y bạn dữ nhóm ác”. Chúng ta đã chọn lựa những vị hiền đức nương theo, khiến đời mình về gần với đức hạnh. Bạn dữ nhóm ác đối với người biết đạo cần phải tránh xa. Bởi vì “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” hay “gần đồ tanh hôi mình bị hôi lây, gần vật thơm tho mình được thơm lây”. Vì thế chúng ta phải can đảm đi đúng đường của mình đã chọn, dù có bị khinh khi mạ lỵ, ta cũng cứ thế mà đi. Bởi vì chúng ta đâu phải là kẻ mù quáng, mà đành bỏ cái tốt gần cái xấu. Khẵng định lập trường rõ ràng là người có ý chí cương quyết. Nếu người tu hành mà thiếu ý chí nầy, dễ bị gió lung lay. VII. Kết Luận Quy y Tam Bảo là nền móng tòa nhà giác ngộ, là nấc đầu trên cây thang giải thoát, là những bước đầu trên con đường về quê hương vô sanh. Muốn tòa nhà vững chắc, cần phải có nền móng kiên cố. Cần vượt tột cây thang giải thoát, nấc đầu phải bước cho vững. Thích sự an lành của quê hương vô sanh, những bước đầu trên con đường đi về phải đi cho đúng.
Thiếu nền móng Tam Quy thì tòa nhà giác ngộ không sao xây cất được. Không có nấc đầu, khó ai có thể leo tận cây thang giải thoát. Những bước đầu trên con đường về quê đã sai, trăm ngàn bước sau cho đến càng đi càng sai. Vì thế, Quy y Tam Bảo có tầm quan trọng vô cùng. Mỗi người muốn đến với Đạo Phật phải từ cửa Quy y mà vào, không như thế thì học Phật mất căn bản. Bởi nó đóng một vai trò quan trọng như vậy, nên người Phật tử phải thận trọng trong việc phát nguyện Quy y. Đừng vì là Quy y cho có phước, cho khỏi bệnh hoạn, cho Phật gia hộ qua tai ách …, đều là lý do mê tín, trái với tinh thần tự giác tự nguyện của Đạo Phật.

No comments:

Post a Comment