Thursday 26 December 2013

Thầy La-hầu-la và pháp hành đưa đến giác ngộ,

 

La-hầu-la (Râhula) là con trai duy nhất của Thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) và Công chúa Da-du-đà-la (Yasodharâ); và là vị sa di đầu tiên trong Tăng đoàn của Đức Phật. Mặc dù Thầy xuất gia khá sớm và đắc đạo lúc tuổi còn thanh niên, nhưng trong kinh sử không thấy đề cập đến việc Thầy hoằng dương chánh pháp, cũng không thấy nói đến những sự tích Thầy thuyết pháp hay nghị luận với ngoại đạo. Có lẽ là do mật hạnh của Thầy, vì trong những vị Thánh Tăng thượng thủ đệ tử Phật lúc Đức Phật còn tại thế như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại-ca-diếp, Ca-chiên-diên, Phú-lâu-na, v.v… thì La-hầu-la được Đức Phật tán dương là mật hạnh bậc nhất. Thầy La-hầu-la là người thông tuệ, tư cách nhu thuận, kham nhẫn, bẩm chất kiên cường, nhưng trong sinh hoạt của một vị Tỳ kheo, Thầy không phải là một người năng động, sôi nổi. Mặc dù kinh sử không nói đến việc Thầy hoằng pháp nhưng trong Tam tạng kinh điển có trên 40 bài kinh liên hệ đến những pháp thoại Đức Phật trực tiếp dạy La-hầu-la, liên hệ đến những pháp hành giúp Thầy đạt được Thánh quả, như Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la (Mahrhulavda Sutta), Tiểu Kinh Giáo Giới La-hầu-la (Clarhulavda Sutta), Kinh Giáo Giới La-hầu-la tại Ambala (Ambalammhika Rhulavda Sutta), v.v…, riêng Tương Ưng Bộ Kinh có cả một chương gọi là Tương Ưng La-hầu-la.
Sa di đầu tiên trong Tăng đoàn
Năm cậu bé La-hầu-la lên 7 tuổi đã tận mắt chứng kiến Đức Thế Tôn dẫn đầu đoàn Thánh Tăng trở về kinh thành Ca-tỳ-la-vệ theo lời thỉnh cầu của nội tổ và hoàng thân hai năm sau ngày Đấng Đại Giác đắc thành Phật quả. Theo lời dạy của mẹ là công chúa Da-du-đà-la, trong thời gian Đức Thế Tôn ở tại hoàng cung mỗi ngày cậu bé La-hầu-la cứ đi theo Đức Phật xin gia tài. Là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật không thể trao những tài sản và hạnh phúc mong manh tạm bợ ở thế gian cho La-hầu-la. Đối với Phật, gia tài cao tột nhất chính là Pháp Bảo, đây chính là bảo bối vô giá không gì sánh bằng, là gia tài xứng đáng nhất nên trao cho La-hầu-la. Vì vậy, ngày hôm ấy sau khi dùng cơm trưa tại hoàng cung xong, Đức Thế Tôn đã đưa La-hầu-la về khu rừng nơi Ngài và Tăng đoàn đang trú ngụ cách nội thành Ca-tỳ-la-vệ không xa và giao La-hầu-la cho Ngài Xá-lợi-phất (Sâriputa) làm Thấy tế độ, Ngài Mục-kiền-liên (Moggallâna) thì tự tay thế phát cho La-hầu-la. Vì tuổi còn quá nhỏ, hơn nữa La-hầu-la xuất gia không phải là tự nguyện nên sa di La-hầu-la rất ngỗ nghịch, thích quậy phá, hay nói dối và chọc ghẹo người khác. Những tháng ngày đầu tiên sống trong Tăng đoàn, La-hầu-la thật sự không hưởng được pháp lạc trái lại còn làm phiền lòng Thế Tôn và Thầy tế độ.
10 Thay La Hau La 01
La-hầu-la nhìn Thế Tôn và Tăng đoàn trở về thành Ca-tỳ-la-vệ
Chuyện sa di La-hầu-la hay nói dối với thiện tín cuối cùng đến tai Đức Thế Tôn. Kinh Giáo Giới La-hầu-la tại Ambala kể lại rằng, vào một buổi chiều nọ, khi Đức Thế Tôn đang trú ngụ tại Tịnh xá Trúc Lâm, sau khi xả thiền, Đức Thế Tôn đã đi đến rừng Ambala cách Trúc Lâm không xa, nơi sa di La-hầu-la đang tu học. Với tâm từ vô lượng của một người Cha, của một bậc Đạo Sư, Đức Thế Tôn đã giải thích, đã nhắc nhở và khuyên răn chú sa di La-hầu-la, lúc bấy giờ chỉ mới 7 tuổi. Đức Thế Tôn đã dùng những ví dụ rất cụ thể, rất dễ hiểu để cho tâm trẻ thơ của sa di La-hầu-la có thể lãnh hội được. Ngài dạy ví như nước đã rửa chân thì không thể uống được, cũng vậy người nói dối không còn dùng được nữa, người nói dối sẽ bị mọi người xa lánh, ghét bỏ, không tin tưởng, và không có việc xấu ác nào mà người nói dối không dám làm. Họ giống như con voi khi lâm trận, vì không biết bảo vệ cái vòi nên phải chịu nạn mất thân. Những lời dạy của Đức Phật đã chuyển hoá được tâm tánh của sa di La-hầu-la. Kể từ ngày ấy, chú sa di La-hầu-la chuyên tâm tu học, tinh tấn thực hành theo những lời Đức Phật và Thầy tế độ chỉ dạy. Chú giải Tăng Chi Bộ Kinh kể lại rằng vào mỗi sáng sớm sa di La-hầu-la thưòng nắm một nắm cát trong tay và nói rằng: “Mong cho ngày hôm nay con nhận được thật nhiều lời dạy bảo từ các bậc Thầy, nhiều như những hạt cát trong tay con”. Càng trưởng thành sa di La-hầu-la càng có dáng uy nghiêm của một vị sa môn. Sự phát triển về đạo đức và trí tuệ của La-hầu-la đã làm cho Đức Phật hài lòng. Năm La-hầu-la 20 tuổi, Đức Thế Tôn cho phép La-hầu-la được thọ giới Tỳ kheo và chính thức trở thành Tăng nhân trong giáo pháp của Phật.
Pháp hành đưa đến giác ngộ
Sau ngày thọ giới Tỳ kheo, mặc dù Thầy La-hầu-la dụng công chuyên cần tu tập nhưng tâm Thầy vẫn không rũ sạch bợn nhơ, vẫn không thể khai mở được tuệ giác. Việc Thầy La-hầu-la tinh tấn tu tập nhưng vẫn không thể ngộ đạo khiến cho một số huynh đệ bức xúc, các Thầy đến thưa với Đức Phật: “Kính bạch Thế Tôn! Tỳ kheo La-hầu-la nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, không phạm một lỗi nhỏ. Vì muốn khai ngộ, La-hầu-la đã nhiệt tâm buông bỏ tất cả những gì gọi là dòng tộc hoàng gia, là con trai duy nhất của Bồ tát Sĩ-đạt-ta, v.v. vậy mà tại sao Tỳ kheo La-hầu-la vẫn chưa trừ hết phiền não và giải thoát hoàn toàn?”. Đức Phật đã trả lời một cách chắc chắn rằng: “Này các Tỳ kheo, những ai giữ giới trong sạch, giữ tâm thanh tịnh, giữ thân đoan chánh thì nhất định người ấy có thể dứt sạch ô nhiễm và nhất định sẽ chứng được đạo quả”. Đức Thế Tôn trả lời dứt khoát như vậy, bởi vì với tuệ quán của một bậc Đại Giác, Ngài hiểu và biết một cách thấu đáo rằng để được giác ngộ giải thoát không phải chỉ cần có pháp hành và siêng năng tu tập là đủ mà còn có những nhân duyên khác cùng hỗ trợ đưa đến đạo quả giải thoát. Có thể là vị ấy chưa đủ tín tâm, chưa đủ niệm, chưa đủ định, chưa phát nguyện giác ngộ, hoặc giả là các Ba-la-mật của vị ấy chưa trọn đủ để làm cho quả giác được trổ sanh.
10 Thay La Hau La 02
La-hầu-la theo Phật xin gia tài
Trên bước đường tu hành đưa đến đạo quả giải thoát, Ba-la-mật rất quan trọng. Có những vị rất có phước báo, có được tài lộc dồi dào, thân thể khỏe mạnh, trí tuệ sắc bén có thể lãnh hội pháp hành một cách dễ dàng và thực hành cũng không gặp khó khăn gì, nhưng cứ hành hoài hành mãi mà phàm phu tục tử vẫn cứ là phàm phu tục tử. Lý do là những vị ấy có thể có Ba-la-mật nhưng nó chưa đủ thuần thục để đưa đến quả Giác nên vị ấy vẫn chưa ngộ đạo. Tuy nhiên, con đường của vị ấy đi càng ngày càng gần, nếu vị ấy kiên trì vừa tu tập vừa vun bồi các Ba-la-mật thì chắc chắn sẽ đạt đến đích giác ngộ. Ví như hoa sen trong hồ vậy, mặc dù nụ sen đã vươn lên khỏi bùn nhơ và vượt khỏi mặt nước, nhưng nụ sen ấy sẽ không nở vào ngày hôm đó, nó chỉ nở khi đúng lúc, đúng thời, khi các duyên đã hội đủ và đã chín muồi.
Như đã nói ở trên trong Tạng kinh có khá nhiều bài kinh liên hệ đến các pháp thoại Đức Thế Tôn dạy cho Thầy La-hầu-la, từ lúc Thầy mới 7 tuổi cho đến khi thọ Tỳ kheo năm 20 tuổi. Trong những pháp thoại ấy có những bài pháp Thế Tôn dạy La-hầu-la giữ gìn oai nghi tế hạnh, phát triển tư cách đạo đức cho phù hợp với phẩm hạnh của một người xuất gia, có những bài pháp là những đề mục để Thầy La-hầu-la thực hành Thiền quán (Vipassanâ). Vậy pháp thoại nào đã giúp Thầy dứt sạch phiền não, ngộ đạo giải thoát? Trong chương Tương Ưng La-hầu-la thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, Thế Tôn dạy về sự liên hệ của các pháp đó là mắt, là sắc hay là đối tượng được thấy, và nhãn thức. Do mắt thấy đối tượng nên nhãn thức sanh khởi, do nhãn thức sanh nên xúc, thọ, tưởng, tư, và tham ái cùng sanh khởi. Trong Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la, Đức Phật dạy Thầy quan sát năm uẩn và tứ đại (đất, nước, lửa, gió) không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta, Đức Phật cũng dạy về các pháp suy niệm khác như từ, bi, hỷ và xả, quán bất tịnh và quán về sự vô thường, v.v. Trong Tiểu Kinh Giáo Giới La-hầu-la, Thế Tôn dạy về 8 pháp với sự liên hệ đến các căn; và chính pháp thoại này đã giúp Thầy La-hầu-la ngộ đạo, rũ sạch trần lao, nhập vào dòng Thánh.
Theo Tiểu Kinh Giáo Giới La-hầu-la, vào mỗi sáng sớm  Đấng Đại Giác thường dùng Phật nhãn quan sát khắp nhân thiên xem chúng sanh nào có khả năng đạt được pháp cao thượng, Ngài sẽ tùy duyên hóa độ. Sáng sớm hôm ấy, Đức Phật biết được Thầy La-hầu-la đã thuần thục những pháp đưa đến giải thoát, vì vậy Ngài có ý giúp Thầy đoạn tận các lậu hoặc. Như thông lệ, sáng ra, Đức Thế Tôn đắp y, mang bát vào làng khất thực, sau khi dùng trưa xong, Ngài gọi Thầy La-hầu-la chuẩn bị tọa cụ theo Ngài đến rừng Andhavana, cách Tịnh xá Kỳ Viên không xa. Lúc bấy giờ có rất nhiều chư Thiên, Phạm thiên, những vị này đã có lời nguyện cùng Thầy La-hầu-la trong những kiếp quá khứ, nghe được lời Đức Phật dạy Thầy La-hầu-la. Các chư Thiên biết trước rằng ngày hôm ấy, Đức Phật sẽ huấn luyện Thầy La-hầu-la đoạn tận lậu hoặc, đắc quả A-la-hán. Tất cả chư Thiên đều rất hoan hỷ, vì họ cũng sẽ có cơ hội nghe được pháp cao thượng Thế Tôn dạy cho Thầy La-hầu-la. Thế Tôn đi trước, Thầy La-hầu-la tiếp bước theo sau, các vị chư Thiên bấy giờ đã tụ họp và đang chờ nơi rừng Andhavana. Khi đến nơi, Đức Phật ngồi vào chỗ đã soạn sẵn dưới một gốc cây, Thầy La-hầu-la đảnh lễ Phật và ngồi xuống một bên. Đức Phật hỏi và dạy Thầy La-hầu-la nên quán sát con mắt là vô thường. Vì lúc tuổi trẻ con mắt rất lanh lẹ, nhạy bén, thấy mọi vật một cách rõ ràng, nhưng khi đến tuổi trưởng thành rồi già yếu, con mắt bắt đầu mờ dần, không còn thấy rõ các cảnh vật nữa; và những gì vô thường sẽ mang lại khổ đau và chúng không có chủ thể, không có tự ngã. Ngài dạy đối tượng được thấy là vô thường, và nhãn thức cũng vô thường, cũng khổ đau và không có tự ngã. Do duyên nơi con mắt và đối tượng được thấy nên nhãn thức sanh, và từ đó xúc, thọ, tưởng, hành và thức cùng sanh khởi; cũng như vậy, đối với âm thanh và lỗ tai, mùi và lỗ mũi, v.v. Đây là 8 pháp liên hệ đến 6 căn mà Đức Thế Tôn đã dạy Thầy La-hầu-la quán sát; tất cả các pháp này đều là vô thường, khổ đau, không phải là ta, không phải của ta, và không phải là tự ngã của ta. Do quán sát như vậy Thầy La-hầu-la nhàm chán, không dính mắc vào các căn, không tham đắm vào các đối tượng, xả ly các thức, đạt được sự giác ngộ giải thoát ly trần, vô cấu. Lúc ấy, hàng trăm ngàn chư thiên quyến thuộc với Thầy La-hầu-la cũng đồng chứng được Thánh quả.
Trong Tiểu Kinh Giáo Giới La-hầu-la Đức Phật dạy về 8 pháp quán niệm giúp hành giả xả ly tham ái, chấp thủ như đã trình bày ở trên. Chú giải Tiểu Kinh Giáo Giới La-hầu-la trình bày 15 pháp giúp hành giả đạt đến giác ngộ giải thoát (Vimutti-paripâcaniyâ dhamma). Hành giả cần phát triển trọn vẹn các chi pháp nào mình đã có, làm cho những chi pháp ấy cho được sung mãn, được hoàn hảo, được thuần thục. Nếu các yếu tố này chưa sanh khởi, hành giả cần tu tập để cho chúng được sanh khởi và phát triển một cách trọn vẹn. Danh từ Pâli vimutti có nghĩa là “giải thoát khỏi các phiền não, các lậu hoặc”, và “paripâcaniya” nghĩa là “làm cho các pháp được thuần thục, được sung mãn”. Mười lăm pháp này được các nhà chú giải chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là năm căn (Indriya): Tín tâm, Tinh tấn, Chánh niệm, Định và Trí tuệ; và nhóm thứ hai là làm cho năm căn được thuần thục bằng cách liên hệ đến 3 pháp: “nên tránh, nên liên hệ và nên tu tập hay phát triển”. Như vậy, năm căn nhân cho ba pháp thành mười lăm, khi những pháp này được thuần thục cộng với Ba-la-mật được trọn đủ hành giả sẽ đạt được sự giác ngộ giải thoát. “Nên tránh, nên liên hệ và nên tu tập năm căn” như sau:
- Đối với Tín căn (saddhâ-indriya): Nên tránh những người không có tín tâm; nên liên hệ với người có tín tâm; nên đọc, nên lắng nghe và nên suy niệm các pháp làm cho niềm tin được kiên cố và phát triển. Tín đây là tin vào Tam Bảo, tin vào nhân và quả của nghiệp, tin các hiện tượng tâm vật lý là vô thường, khổ đau và không có chủ thể hay tự ngã.
- Đối với Tấn căn (Viriya-indriya): Nên tránh những người dễ duôi, không siêng năng tu học; nên liên hệ với những ai nhiệt tâm tu hành; và nên tu tập theo Chánh tinh tấn. Đó là phát triển những thiện pháp đã sanh, làm cho những thiện pháp chưa sanh được sanh khởi, dứt trừ các bất thiện pháp đã sanh, và ngăn ngừa các bất thiện pháp chưa sanh.
- Đối với Niệm căn (Sati-indriya): Nên tránh những ai tâm thường bất cẩn, không có sự chú ý, không có chánh niệm; nên liên hệ và thường gần gũi những ai có chánh niệm; và nên tu tập theo bốn đề mục quán niệm (Tứ niệm xứ). Đó là tinh tấn nỗ lực chánh niệm ghi nhận và quan sát các hiện tượng vật lý, các hoạt động của thân, quan sát các cảm thọ: vui, buồn hay không vui không buồn, các trạng thái tâm và sở hữu tâm như tâm có tham, tâm không tham, tâm có sân, tâm không sân, tâm nhẹ nhàng, tâm nhu nhuyễn, v.v.
- Đối với Định căn (Samâdhi-indriya): Nên tránh những ai tâm thường dao động không có sự tập trung; nên thân cận những ai có tâm định tĩnh; và nên tu tập các pháp giúp tâm yên tịnh, thoát khỏi các triền cái. Tu tập theo Thiền định (Samatha) giúp hành giả định tâm và chứng đắc các tầng thiền như Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, v.v. Trạng thái tâm định cao nhất trong Thiền định là Nhập định (appanâ samâdhi), trạng thái hỷ lạc vô biên; kế đến là Cận định (upacâra samâdhi). Đối với hành giả thực hành Thiền quán (Vipassanâ) sẽ không có được các trạng thái tâm định như trên mà chỉ có Sát na định (khanika samâdhi), là trạng thái tâm định trong từng sát na do ghi nhận và tập trung vào sự sanh và diệt của các hiện tượng tâm vật lý. Nhưng dù là Nhập định, Cận định hay Sát na định, bao lâu hành giả có thể ghi nhận được các đối tượng, có thể duy trì tâm liên tục trên các đối tượng thì khi ấy hành giả có được sự định tâm.
- Đối với Tuệ căn (Pađđ-indriya): Nên tránh những người không có trí; nên thân cận và giao tiếp với bậc thiện trí thức; nên suy niệm về các pháp như Năm uẩn, Tứ đế, Mười hai nhân duyên, v.v. để cho trí tuệ được phát triển một cách đúng pháp và sâu sắc. Trí tuệ ở đây không liên hệ đến trí thông minh hay kiến thức ở thế gian, mà trí tuệ này chính là sự hiểu biết về sự sanh và diệt của các hiện tượng tâm vật lý ngay chính trong thân này.
Thời gian nhập diệt
Thầy La-hầu-la được xếp vào danh sách các vị đệ tử thượng thủ của Đức Phật, nhưng Thầy ở trong Tăng đoàn bao lâu, nhập diệt vào lúc nào, lúc Thầy bao nhiêu tuổi, và nhập diệt tại đâu không được kinh sử ghi lại rõ ràng. Tuy nhiên, dựa vào một số sử liệu của các nhà chú giải như chú giải Trường Bộ KinhTương Ưng Bộ Kinh, Thầy nhập diệt sau Ni trưởng Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mah Pajpatỵ Gotamỵ), trước Đức Phật và trước cả Ngài Xá-lợi-phất. Bởi vì trước khi Ni trưởng Ma-ha-ba-xà-ba-đề nhập diệt, Ni trưởng có nói rằng Ni truởng không muốn chứng kiến sự ra đi của Đấng Đại Giác, cũng như các Thầy La-hầu-la, A-nan-da, Nan-da, và Xá-lợi-phất, Ni Truởng sẽ nhập diệt trước những vị này. Kinh sách cũng kể lại rằng khi Ni trưởng nhập diệt, Thầy La-hầu-la và Nan-da đã đắc Thánh quả A-la-hán, còn Thầy A-nan-da chỉ mới đắc sơ quả Tu-đà-hoàn, vì vậy mà Thầy rất buồn và khóc rất nhiều khi Ni trưởng viên tịch.
10 Thay La Hau La 03
Đức Phật dạy sa di La-hầu-la
Sau đó vào lúc Đức Thế Tôn khoảng 80 tuổi, một hôm Ngài Xá-lợi-phất quan sát xem thọ mạng của Ngài còn ở nhân gian bao lâu, Ngài biết được rằng Ngài chỉ còn sống khoảng 7 ngày nữa thôi; và Ngài cũng biết rằng Thầy La-hầu-la đã không còn nữa, Thầy đã viên tịch ở cõi trời Tam-thập-tam (Tvatims). Khi ấy, Ngài Xá-lợi-phất xin phép Đức Thế Tôn trở về quê nhà để độ cho người Mẹ không có tín tâm với Tam Bảo; sau khi đã giúp Mẹ đắc quả Tu-đà-hoàn, Ngài Xá-lợi-phất thu thần nhập diệt tại nơi Ngài đã sinh ra. Qua những nguồn tin này có thể nói rằng Thầy La-hầu-la viên tịch sau Ni trưởng Ma-ha-ba-xà-ba-đề, trước Đức Phật và Ngài Xá-lợi-phất; và Thầy là một nhân vật rất đặc biệt, Thầy không nhập diệt tại thế gian mà tại cõi trời Tam-thập-tam.
Dựa vào sử ký về cuộc đời của Ni sư Da-du-đà-la thì Ni sư sanh cùng ngày với Bồ-tát Sĩ-đạt-ta và nhập diệt vào năm 78 tuổi, lúc ấy Thầy La-hầu-la đã không còn. Đức Thế Tôn trụ thế 80 tuổi, 45 năm thuyết pháp độ sanh, như vậy Ngài thành tựu Phật quả năm 35 tuổi. Hai năm sau ngày thành Phật, tức năm 37 tuổi, Thế Tôn lần đầu tiên về lại thành Ca-tỳ-la-vệ và Thầy La-hầu-la xuất gia làm sa di vào lúc đó, năm Thầy 7 tuổi. Đức Thế Tôn 37 tuổi thì Ni sư Da-du-đà-la cũng 37 tuổi. Như vậy, khi Ni sư Da-du-đà-la 78 tuổi thì Thầy La-hầu-la không quá 50, Thầy sống trong Tăng đoàn khoảng trên 40 năm. Có thể nói là Thầy không được thọ mệnh. Tuy nhiên, đối với một vị Thánh Tăng thì thong dong tự tại trong vòng sanh diệt, việc sớm hay muộn cũng là tùy duyên thuận pháp mà thôi./.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA.SYDNEY.26/12/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment