Wednesday 25 December 2013

Thế Nào Gọi Là Kim Cương Bồ Ðề Hải.
 
Thế nào là kim cương? Kim cương mang ý nghĩa của sự bất hoại. Thế nào gọi là bồ đề hải? Ðó là nghĩa của biển đại giác. Thật ra ý nghĩa này so với biển còn sâu hơn, còn xa rộng hơn nữa. Biển giác này thật là mênh mông không bờ bến, tóm lại không thể nghĩ bàn. Chúng ta tu pháp kim cương, tu sao cho tự tánh trong sáng như kim cương, cho tâm thể kiên cố như kim cương, và cho thân thể cũng bất hoại như kim cương.
Chúng ta tham thiền tại Bát-nhã đường, chính là tu đại pháp kim cương, tức là dùng lửa bát-nhã tam-muội thiêu rụi hết các tập khí, đốt cháy ba độc tham, sân, si luyện thành giới định huệ. Cách thức thiêu ra sao? Tức là dùng kiên - kiên cường, dùng thành - thành khẩn, dùng hằng - lâu bền để thiêu. Tu không ngừng, ngày ngày tháng tháng, sẽ tới lúc tự tánh sáng suốt xuất hiện. Ý nghĩa đó cũng giống như ánh nắng mặt trời làm tan tuyết, mỗi ngày tan một ít, lâu dần tuyết sẽ tan biến.
Tọa thiền tại thiền đường là làm tan tuyết trong tự tánh. Tuyết này tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp, nay chúng ta dùng trí huệ để làm tan nó. Tuyết đó là vô minh phiền não, nó đương làm vật chướng ngại khiến tâm người tu hành mất sự thanh tịnh, cho nên nếu không làm tiêu tan nó thì không xong. Còn có nó, còn nhiều phiền não, như cảm thấy khổ, cảm thấy đau, cảm thấy không thoải mái chẳng hạn. Nếu tham thiền mà dụng công, tất có định lực, lúc đó chân sẽ không thấy đau, lưng không thấy mỏi, đầu không thấy nhức. Như mọi thứ khổ không còn cảm thấy, vậy là đánh phá được cửa ải sanh tử, chính là đạt được kim cương bồ đề hải.
Tới được biển bồ đề kim cương này, là cùng với pháp giới hợp làm một. Pháp giới to rộng ra sao? Nói ra không hết, tâm tưởng cũng không tới được, to lớn như vậy. Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: "Hư không sanh từ trong đại giác, như một cái bọt ở biển" (Không sinh đại giác trung, như hải nhất âu phát). Hư không này rốt ráo to rộng ra sao? Thực là không bờ không bến, không ai biết nổi. Ngày nay tuy các nhà khoa học đã trình bầy rõ rệt, nhưng vẫn chẳng có thước nào đo được hư không. Cái rộng lớn của hư không thực là không thể ước, không thể lường được. Vậy mà đối với biển đại giác, nó chỉ là một cái bọt mà thôi. Hư không sanh từ biển đại giác cho nên nói biển đại giác là mẹ của hư không.
Chúng ta phải trở về nguồn, quay về gốc, cho tới tận biển bồ đề. Bởi vậy mới có tạp chí do chúng ta xuất bản với tên là "Kim Cương Bồ Ðề Hải." Thiền đường của chúng ta gọi là "Kim Cương Bồ Ðề Hải Thiền Ðường," chúng ta thì lấy tên là Kim Cương Bồ Ðề Hải Nhân. Sau này thành a-la-hán, sẽ có tên là Kim Cương Bồ Ðề Hải A-la-hán; khi thành Bồ-tát thì sẽ gọi là Kim Cương Bồ Ðề Hải Bồ Tát, rồi tới khi thành Phật thì sẽ là Kim Cương Bồ Ðề Hải Phật. Nói tóm lại, năm chữ Kim Cương Bồ Ðề Hải chính là nhãn hiệu của chúng ta.
Chúng ta tham thiền chính là trở về với bồ đề hải. Ngay bây giờ mười phương chư Phật cùng các vị Bồ-tát, a-la-hán đương ở nơi đó chờ đợi chúng ta. Chúng ta phải cố gắng dụng công, tinh tấn dũng mãnh, sao cho chóng đạt tới đích - nơi biển đại giác, chớ để chư Phật và chư vị Bồ-tát phải thất vọng.
Các chúng sanh đều có gốc tích ở biển đại giác, nhưng vì vô minh mà thành mê hoặc, rồi vì mê hoặc mà tạo ra biết bao nhiêu nghiệp cho nên mới chịu quả báo luân hồi. Tình cảnh giống như một hạt bụi nhỏ lơ lửng ở không trung, lúc ở trên, lúc ở dưới, lúc bên đông, lúc bên tây, phất phơ vô định. Chúng ta cũng giống như hạt bụi nhỏ đó, chìm nổi trong luân hồi, bỗng chốc lên tầng trời, bỗng chốc đọa địa ngục, bỗng chốc làm thân người, bỗng chốc làm kiếp a-tu-la, bỗng chốc súc sanh, bỗng chốc quỷ đói. Khi mê, không giác ngộ thì chìm nổi trong sáu nẻo luân hồi. Nếu giác ngộ, hết mê, thì đó là con đường liễu sinh thoát tử.
Tại sao chúng ta lại mê mà không giác? Bởi vì chúng ta bị trúng độc nặng, tức ba độc tham, sân, si nên không thể giác ngộ. Nếu muốn giác ngộ thì phải tham thiền. Tọa thiền chẳng mê, đó là con đường dẫn ta ra khỏi tam giới.
Lúc chưa giác ngộ, thấy thứ gì đều cho là thiệt, nhất là đối với tài sắc danh thực thùy (tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ), thứ gì cũng tham luyến, không xả bỏ được. Nếu là giác ngộ, thì mọi thứ sẽ thành hư ngụy, như hình bông hoa trong gương, bóng mặt trăng dưới nước, tất cả đều là ảo ảnh, chẳng phải chân thiệt.
Tự tánh của chúng ta cũng vốn thanh tịnh, có thể ví như nước trong, không vẩn đục, trông xuống thấy suốt tới đáy nước. Tuy nhiên, từ một niệm vô minh mà phiền não dấy lên, giống như nước trong mà biến thành vẩn đục. Nước chẳng trong, mặt trăng chẳng hiện, giống như khi ngu si, ánh sáng trí huệ không hiển lộ.
Vô minh khởi lên có thể ví như khí trời lạnh lẽo làm cho nước kết thành băng. Chẳng hạn lấy một bát nước tạt vào mặt ai, người đó không bị hề hấn gì. Nhưng nếu nước đó kết thành băng, nhất định là người ấy sẽ bị thương đầu chảy máu, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Cùng một vật thể mà sanh ra hai loại tác dụng, cho nên có câu: "Phiền não tức Bồ-đề." Băng dụ cho phiền não, nước dụ cho Bồ-đề. Làm cho băng tan thành nước sẽ có lợi cho muôn loài.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.26/12/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment