TIẾP XÚC VỚI QUÝ TĂNG NI.
Khi chào quý Thầy (quý Sư cô) thì phải chắp tay ngang ngực cúi đầu và cung kính. Không nên vừa đi vừa xá chào Thầy hoặc đứng trên cao còn Thầy ở dưới thấp. Không đội mũ nón, đeo kính đen, mặc quần ống cao, ống thấp lôi thôi mà chào Thầy. Không mặc áo quần hở hang đứng ngồi nói chuyện với Thầy. Không ngồi ngả nghiêng hoặc dựa vào tường vách. Không ngồi lắc lư, rung đùi, đong đưa hai chân hay nhịp chân. Nên ngồi trong tư thế ngay thẳng, an ổn và mắt hướng về Thầy. Khi rời khỏi chỗ ngồi, nhớ sắp xếp bàn ghế lại cho ngay ngắn và thật nhẹ nhàng.
Không nên đi ngang qua gần trước mặt Thầy, trừ khi không còn lối đi nào khác. Không nên đi, đứng hoặc ngồi xoay lưng trước mặt Thầy, trừ khi có những lễ hội đông người và không còn chỗ ngồi nào khác. Khi nói chuyện với Thầy không chắp tay sau lưng, hút thuốc, đứng đối diện, chống nạnh hoặc cách Thầy quá xa, nên đứng dịch qua một bên và gần Thầy để thưa chuyện.
Thầy đang nói chuyện với ai thì không xen vào ngắt lời. Khi gặp Thầy chỉ hỏi những vấn đề liên quan đến sự tu học hoặc việc quan trọng khác, không nên hỏi những chuyện vu vơ, linh tinh.
Khi Thầy đang ăn cơm, tụng kinh, ngồi thiền, làm lễ… thì không đến thưa hỏi mà chỉ lặng lẽ xá chào và lui ra chờ đợi. Khi thấy Thầy đi đến chỗ mình thì nên đứng dậy chắp tay cung kính xá chào.
Không nên bàn tán việc tốt xấu, đúng hay sai của quý Thầy khiến cho người khác mất tín tâm đối với Tam bảo. Nếu trông thấy một vị xuất gia nào đó không giữ gìn uy nghi giới luật thì nên đi đến chắp tay xá chào và thưa chuyện với thái độ cung kính, chân tình để biết rõ ràng về sự việc. Không nên vội vàng phê phán và đi loan truyền cho những người khác biết, trong khi đó mình chưa hiểu rõ được vấn đề. Nếu lỡ vị xuất gia ấy thực sự sai phạm luật nghi thì cũng nhờ vào ngôn từ ái ngữ và thái độ cung kính của mình mà có thể giúp cho vị ấy điều chỉnh lại hành vi sai trái.
Người Phật tử đi ra đường gặp các vị xuất gia thì nên chắp tay cung kính xá chào. Khi trông thấy người xuất gia ôm bình bát đi khất thực thì nên đem thực phẩm đến dâng cúng và chỉ bỏ vào bình bát vị ấy những loại thức ăn, chứ không nên cúng dường tiền bạc hoặc những vật quý giá khác vào bình bát. Nếu thấy các vị đi khất thực sau mười hai giờ trưa thì phải biết rằng, họ là những người giả dạng. Bởi người xuất gia chỉ đi khất thực từ sáng sớm cho đến trưa là trở về chùa để thọ trai, chứ không bao giờ đi sau giờ Ngọ.
Đừng bao giờ trước mặt quý Thầy thì tỏ vẻ bằng lòng, nhưng sau lưng lại đem ra bàn luận chuyện phải trái, đúng sai. Nếu ta chưa thấu hiểu điều gì thì cứ thật lòng trình bày với Thầy, không nên biết rồi mà còn hỏi thử. Thầy có dạy bảo điều gì, nên chắp tay trang nghiêm và lắng lòng nghe.
Phật tử đã phát tâm cúng dường cho chùa thì không yêu cầu hoặc đề nghị quý Thầy phải làm theo ý của mình. Vì yêu cầu quý Thầy làm theo ý mình thì sẽ suy giảm phước đức của sự cúng dường và tăng thêm lòng ngã mạn.
Nếu muốn mua vật dụng cá nhân để cúng dường cho quý Thầy thì nên thưa hỏi trước, để thuận tiện cho sự tu học và phù hợp với sức khỏe của quý Thầy. Nếu muốn cúng dường tịnh tài, tịnh vật cho quý Thầy thì nên bỏ vào phong bì kín đáo, trang trọng và với tâm thành kính.
Nếu muốn cúng dường riêng cho một Thầy thì không nên kết nghĩa làm cha mẹ, anh, chị, em nuôi. Người xuất gia đã ra khỏi nhà thế tục, cắt bỏ những ân ái buộc ràng, để gia nhập vào Tăng đoàn xuất thế và là những người đại diện cho Tăng bảo. Vì vậy, không thể nhận người cư sĩ tại gia làm cha mẹ hay anh, chị, em nuôi.
Trong các buổi lễ hay học giáo lý, bao giờ Phật tử cũng phải vào trước để ổn định trang nghiêm và chắp tay xá chào khi Thầy bước vào. Thầy giảng giải có điều gì chưa hiểu thì hãy suy nghĩ cho kỹ càng chứ không cho rằng, Thầy nói dở hoặc kinh nói sai. Bởi mình còn là phàm phu trí lực hạn hẹp chưa thể hiểu tới, do đó không nên tùy tiện nói năng bừa bãi mà tạo tội lỗi. Nếu Thầy có nói thiếu sót điều gì thì hãy đến gặp Thầy và trình bày với cái tâm chân thật.
Nếu muốn tham vấn những gì bế tắc đang gặp phải trong đời sống hàng ngày thì nên thưa trước với Thầy, để Thầy tiện sắp xếp công việc và thời gian mà giảng dạy, chứ không nên tùy tiện lúc nào cũng hỏi. Nếu Thầy đã hoan hỷ đồng ý giảng giải và hẹn giờ gặp thì phải đến đúng giờ. Nếu có công việc đột xuất thì nên gọi điện thoại thưa cho Thầy biết. Tránh gọi điện thoại tới chùa vào những giờ chỉ tịnh (giờ nghỉ ngơi, tịnh niệm), trừ khi có công việc quan trọng.
Nếu muốn đọc tụng kinh sách thì nên thưa thỉnh quý Thầy chỉ dẫn cho mình biết, cần phải đọc tụng những kinh sách gì cho phù hợp với căn cơ tu tập. Phải biết trân quý kinh sách như tôn kính đức Phật và nên giữ gìn cẩn thận, không tùy tiện bạ đâu để đó. Nếu thấy kinh sách dính bụi bặm thì lấy khăn lau chùi sạch sẽ, chứ không nên dùng miệng để thổi.
Muốn thưa hỏi việc gì với Thầy, trước tiên nên nói câu: “Mô Phật bạch Thầy”. Khi Thầy hỏi hay dạy bảo điều gì thì nên dùng câu “Mô Phật” để trả lời, chứ không gật đầu hay làm thinh. Xưng hô với Thầy lúc nào cũng xưng Thầy với con, cho dù Phật tử lớn đến 100 tuổi. Không nên gọi Thầy ơi và gọi lớn tên của Thầy giữa khoảng cách xa mà phải đến gần bên Thầy rồi thưa hỏi. Quý Thầy là đại diện cho Tăng bảo, cho nên phải biết kính trọng quý Thầy như nhau, chứ không nên phân biệt tuổi tác, hạ lạp.
Là người Phật tử khi đi đến chùa hoặc gặp mặt nhau ở những nơi khác cũng nên xưng hô bằng pháp danh, hạn chế sử dụng tên đời và chắp tay búp sen cung kính xá chào nhau.
Phật tử tại gia không nên tùy tiện cạo tóc như người xuất gia. Nếu vì bị bệnh thì có thể cạo tóc, nhưng không nên mặc y phục thể hiện hình tướng như người xuất gia. Vì ăn mặc như thế khiến cho mọi người lầm tưởng là tu sĩ, nên họ cung kính xá chào thì phước đức của mình sẽ bị suy giảm và nghiệp chướng nặng nề thêm lên.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.27/12/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment