Monday 5 December 2011

Chỉ Một Pháp Môn.

TT Thích Pht Đo
Các pháp môn đồng là vào cửa Phật môn. Cho nên dù Thiền hay Tịnh Độ hoặc là Mật Tông gì thì đó chỉ là trên văn tự. Khi tu rốt ráo trở về, thì cũng chỉ có một con đường mà thôi, đó là con đường thanh tịnh.

Chúng ta niệm Phật chuyên tâm là để cho tâm mình được thanh tịnh, trì chú thiết thực là cũng để cho thanh tịnh, ngồi thiền trụ tâm một chổ cũng là để thanh tịnh thân tâm.

Khi đi vào tu tập, chúng ta muốn vào phương tiện nào cũng được, muốn tu pháp môn nào cũng xong. Tất cả cũng chỉ là phương tiện tuỳ theo duyên của mỗi người, ai thích hợp với cái nào thì tu theo pháp môn đó.

Mỗi một pháp môn đều có một đường hướng đúng đắn, một phương thức tu tùy theo căn cơ của mỗi người chúng ta. Thế nhưng, một khi chúng ta chọn con đường đi thì phải đi thẳng, đi cho đúng thì đích đến mới có, nếu như chúng ta nhắm mắt đi không phân biệt đường hướng thì thế nào rồi cũng sai đường lạc lối. Có khi đời này tự nhiên thấy mình có duyên tu Thiền hay Mật Tông gì chẳng hạn. Thì duyên này đã được kết tinh từ quá khứ. Từ một kiếp tu nào đó mình đã từng tu tập theo những pháp môn đó, theo vị thầy đó, cùng với những huynh đệ đó v v…

Vào thời đức Thế Tôn còn tại thế, ngài cũng tuỳ theo căn cơ của mỗi chúng sanh mà chỉ dạy phương pháp tu tập. Pháp môn nào, cũng đi đến cứu cánh giải thoát, phương tiện nào cũng là đường hướng giác ngộ.

Chúng ta không thể sai lầm một khi chọn pháp môn này lại chối bỏ pháp môn kia, hay là xem thường cho rằng pháp đó không hay, chỉ có phương pháp này là duy nhất v v…

Đối với Phật giáo Đại thừa thì chọn pháp môn thiền định, tịnh độ… Phật giáo Nguyên thỉ thì tu tập Tứ Niệm Xứ, Tu Thiền nguyên thỉ. Thiền nguyên thỉ thì phải tìm nơi vắng vẻ, hoặc vào rừng nhìn thây chết rồi quán bất tịnh, cứ ngồi thiền bên thây chết ấy rồi quán từ lúc thây chết ấy sình thối lên, rồi rã ra v v… Đó cũng là phương pháp tu, nhưng đôi khi chúng ta không hiểu lại cho rằng tu như thế không thanh tịnh nỗi, tu như vậy khó thành tựu. Cũng có nhiều vị Phật giáo nguyên thỉ tu thiền quán nước chảy nhỏ từng giọt xuống dưới đất, có vị lại tu quán màu xanh, màu đỏ v v…

Thiền Đại thừa còn gọi là Thiền Tông thì quan niệm Thiền trong mọi lúc, cái gì mình đang làm mà mình biết nó tức là Thiền, không nhất thiết là phải ngồi một chỗ mới có thể thanh tịnh được.

Thiền Tông là Thiền biết rõ tất cả các cảnh, tuỳ theo thì tâm mình hiểu rõ, khi nhìn vào cảnh vật bên ngoài tâm không bám víu vào nó, không chấp trước nó, thì tâm thanh tịnh sáng suốt. ngay chổ trí tuệ thường hằng, nhiếp tâm thường hằng, sống ở trong tâm.Thường hằng quán chiếu cảnh. Biết rõ ràng các pháp là do duyên hợp, các pháp tự tánh vốn không, là huyển hoá.



Khi chúng ta muốn tu Tịnh Độ Tông, hay Mật Tông, thì ngay ở chỗ hiểu Thiền như thế nào, lúc đó ta mới có khả năng chọn đúng hướng đi, đúng phương pháp tu. Một khi đối cảnh chúng ta phải tự quán xét tâm mình, tuyệt đối ngăn ngừa khi căn tiếp xúc với trần, mình không bám víu vào nó. Thì tâm thanh tịnh của mình được khai mở, đầy đủ sự hài hoà Từ Bi và Trí Tuệ.

Khi chúng ta chọn Pháp môn tu niệm Phật hay trì chú thì đều phải hiểu ý chỉ của thiền, cách dụng tâm thì hai phương pháp kia ứng dụng một cách dễ dàng. Bởi vì thiền cho chúng ta một nhận định đúng đắn trong hiện tại. Khi cầm cây viết biết cầm cây viết, khi nói ta tự kiểm soát kỷ càng biết mình nói gì, khi sân hận nổi lên mình nhận biết nó. Ý thức được tâm sân, thì niệm sân sẽ được buông bỏ. Cái chủ chốt của chúng ta là hiểu và nhận định cái đang làm chính là con đường tu duy nhất đạt đến thanh tịnh thân tâm.

Nói chung, pháp môn tu tập thì nhiều phương pháp khác nhau. Tuy vậy nếu chúng ta hiểu một cách rõ ràng cho phù hợp với chúng ta thì việc ứng dụng phương pháp vào đời sống tu tập là điều cần thiết cho mọi người. Cái quan trọng cho người tu là phải biết cái nào cần buông bỏ cái nào cần tiếp tục.
Nếu chúng ta không quan trọng hoá các vấn đề thì dĩ nhiên không gì có thể làm cho tâm chúng ta bị tán loạn được. Không gì có thể cản trở ý chí tu tập vững vàng của chúng ta. Điều tâm chỉnh ý là công việc hằng ngày và tối quan trọng, do đó mà người tu không thể thực hành trong từng niệm khởi lên được. Nếu niệm khởi lên biết nó đang khởi.

Biết được niệm này có thể làm cho tâm mình loạn động, có thể cản trở tâm thanh tịnh của mình. Ý thức như vậy trong từng giờ, từng phút, thì con đường đưa đến giải thoát giác ngộ chúng ta sẽ có hướng đi mau chóng thành tựu.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment