Friday 16 December 2011

Kinh Lăng Nghiêm: Ðại biểu Chánh Pháp
Tất cả kinh điển trong Phật Giáo đều rất quan trọng, nhất là Kinh Lăng Nghiêm. Ở đâu có Kinh Lăng Nghiêm, ở đó có Chánh Pháp trụ thế. Kinh Lăng Nghiêm không còn, thời Mạt Pháp liền hiện tiền. Kinh Lăng Nghiêm là chân thân Phật, Kinh Lăng Nghiêm là xá lợi Phật, Kinh Lăng Nghiêm là tháp thờ Phật; do đó, tất cả tín đồ Phật Giáo cần phải đem hết sức lực, khả năng của mình để ủng hộ, giữ gìn bộ Kinh Lăng Nghiêm này.
Kinh Pháp Diệt Tận nói: “Thời Mạt Pháp, Kinh Lăng Nghiêm diệt trước, các kinh điển khác dần dần diệt sau.”
Nếu Kinh Lăng Nghiêm không bị diệt, thì Chánh Pháp sẽ hiện tiền. Vì thế, chúng ta là Phật tử, cần phải dùng sanh mạng của chính mình để hộ trì Kinh Lăng Nghiêm, đem hết sức lực và khả năng của mình ra để hộ trì Kinh Lăng Nghiêm, lập hạnh nguyện hộ trì Kinh Lăng Nghiêm, khiến cho Kinh Lăng Nghiêm vĩnh viễn trụ thế, phát dương rộng lớn, lưu thông trong từng mỗi hạt vi trần, lưu thông cho đến mọi nơi trên thế giới, tận hư không biến Pháp Giới. Được như vậy, hào quang của Chánh Pháp sẽ soi sáng khắp nơi.
Tại sao Kinh Lăng Nghiêm bị diệt trước? Vì kinh này giảng đạo lý rất chân thực, thiên ma ngoại đạo không chịu nổi, cho nên chúng dùng đủ cách để phá hoại, tiêu diệt. Đầu tiên, chúng tạo ra lời đồn xuyên tạc, nói rằng Kinh Lăng Nghiêm không phải từ kim khẩu Phật thuyết ra, mà là do người đời sau ngụy tạo. Đó là cách nói hàm hồ xuyên tạc của ngoại đạo, dùng những thủ đoạn xấu xa, cố ý phá hoại “chân kinh.”
Nội dung của Kinh Lăng Nghiêm là thuyết minh Bốn điều thanh tịnh minh hối, Năm mươi cảnh giới ấm ma, và lời thuật lại của hai mươi lăm bậc Thánh về sự tu hành viên thông của mình. Toàn thể bộ kinh có thể ví như tấm “kính chiếu yêu,” khiến cho yêu ma quỷ quái, bàng môn ngoại đạo, đều phải hiện nguyên hình, không chỗ ẩn núp. Cho nên, chúng ta không nên tin tưởng vào những lời xuyên tạc, đồn đãi rằng Kinh Lăng Nghiêm là “ngụy kinh.”
Mấy năm gần đây, có một số học giả vô trí và giáo đồ ngu xuẩn, không nhận thức được Phật Giáo, không hiểu rõ Phật Học, mà dám đặt điều nói càn, ngông cuồng chỉ trích lời dạy của bậc Thánh nhân. Những người vô trí vô thức này vì không có trí huệ để phân biệt được chân ngụy, nghe người ta nói sao thì nói hùa theo như vậy, chỉ biết “vẽ đường cho giặc chạy,” cổ võ người khác làm điều xấu, nên mới lộng ngôn nói rằng Kinh Lăng Nghiêm không phải là lời Phật thuyết!
Người học Phật Pháp không những cần phải hiểu rõ sâu sắc các đạo lý hàm chứa trong Kinh Lăng Nghiêm để làm cho Chánh Pháp được trụ thế lâu dài và tà pháp phải vĩnh viễn biệt tăm, mà còn phải đề xướng Kinh Lăng Nghiêm—khắp chốn đều xiển dương Kinh Lăng Nghiêm, khắp nơi đều giảng thuyết Kinh Lăng Nghiêm, và khắp mọi chỗ đều hộ trì Kinh Lăng Nghiêm. Người tín đồ Phật Giáo cần phải tận tâm tận lực đối với trách nhiệm này.
Hôm nay tôi bảo đảm với quý vị một điều: bảo đảm rằng Kinh Lăng Nghiêm đích thật là “chân kinh”! Nếu Kinh Lăng Nghiêm là “ngụy kinh,” thì tôi nguyện đọa địa ngục vì mình đã không nhận thức được Phật Giáo, “lấy giả làm chân,” cho nên cam tâm tình nguyện nhận chịu quả báo. Chính vì Kinh Lăng Nghiêm là “chân kinh” cho nên tôi mới phát nguyện đời đời kiếp kiếp hoằng dương Đại Pháp Lăng Nghiêm, tuyên giảng chân lý Lăng Nghiêm.
Quý vị hãy thử nghĩ: Kinh Lăng Nghiêm nếu không phải do Phật tuyên thuyết, thì ai mà có thể thuyết ra diệu pháp chân chánh như vậy? Tôi cầu mong những người phê bình Kinh Lăng Nghiêm là ngụy kinh sẽ mau mau sám hối, sửa đổi lỗi lầm, nếu không, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục cắt lưỡi!
Tôi cầu nguyện cho những người tụng niệm Kinh Lăng Nghiêm, người giảng Kinh Lăng Nghiêm, người tuyên dương Kinh Lăng Nghiêm, người lưu thông Kinh Lăng Nghiêm, tất cả đều được sớm thành Phật Đạo. Nguyên nhân quan trọng là đạo lý mà Kinh Lăng Nghiêm thuyết giảng thì vừa chính xác lại vừa hợp lý, có thể khiến cho yêu ma quỷ quái và bàng môn tả đạo không chỗ ẩn mình; đồng thời có thể làm cho người Phật tử có được lòng tin chân chánh, giữ gìn chánh niệm, kiên trì ủng hộ Chánh Pháp.



Ðại Phật Ðảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa
Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh
quyển thứ nhất

Âm Hán Việt:
Ðại Phật Ðảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh.

Giảng:
"Ðại Phật Ðảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm." Mười chín chữ này là tên của kinh, cộng thêm chữ “kinh” nữa thì tổng cộng là hai mươi chữ—hai mươi chữ này là đề mục của bộ kinh. Mười chín chữ trên thuộc về phần “biệt danh” (tên riêng), còn chữ “kinh” thì thuộc về “thông danh” (tên chung). Biệt danh là gì? “Biệt” là phân biệt; “biệt danh” có nghĩa là chỗ khác biệt với các kinh điển—danh tự không giống nhau. Chữ “kinh” thì tương đồng, giống với chư kinh, vì tương đồng cho nên gọi là thông danh. Thông danh là thông với các kinh, biệt danh là khác biệt của bộ kinh này. Vậy, tên đề của mỗi bộ kinh đều không giống nhau, và đều có hai phần là thông danh và biệt danh. 
Đề mục của các kinh điển do Đức Phật tuyên thuyết được phân làm bảy loại, gọi là “thất chủng lập đề.” Bảy loại lập đề này bao quát tất cả Tam Tạng, Mười hai phần kinh do Như Lai thuyết giảng, và lại được chia thành ba thứ là đơn tam, phục tam (song tam) và cụ túc nhất.
-Đơn tam lập đề (ba loại lập đề đơn). “Đơn tam” là đơn độc và có ba loại: 
1) Đơn nhân lập đề. Như trong đề mục Kinh Phật Thuyết A Di Đà thì “Phật” và “A Di Đà” đều là người—vì Phật là người, A Di Đà cũng là người, cho nên gọi là “đơn nhân lập đề.” 
2) Đơn pháp lập đề. Như Kinh Đại Bát Niết Bàn thì “Đại Bát Niết Bàn” là pháp; vì chỉ dùng Pháp để đặt tên cho kinh, nên đề mục của kinh này thuộc loại “đơn pháp lập đề.” 
3) Đơn dụ lập đề. “Dụ” là tỷ dụ, ví dụ. Như Kinh Phạm Võng thì “Phạm Võng” là tỷ dụ. Bộ kinh này ví như tràng phan lưới báu của vua trời Đại Phạm. 
Ba loại đề mục trên chỉ đơn độc có một thứ là nhân (người), hoặc pháp, hoặc dụ trong tên đề, nên được gọi chung là “đơn tam lập đề.” 
-Phục tam lập đề (ba loại lập đề kép). Đây là loại đề mục được thành lập bởi hai trong ba yếu tố—nhân, pháp, dụ—và gồm có ba loại: 
4) Nhân pháp lập đề. Như trong đề mục Kinh Văn Thù Vấn Bát Nhã thì “Văn Thù” là người, “Bát Nhã” là pháp. Bởi có người và có pháp—dùng tên người và tên pháp hợp lại thành tên kinh—nên gọi là “nhân pháp lập đề”.
5) Nhân dụ lập đề. Như Kinh Như Lai Sư Tử Hống thì “Như Lai” là người, “Sư Tử Hống” là ví dụ; ý nói rằng khi Phật thuyết pháp thì âm thanh hùng tráng như tiếng gầm của sư tử. Đây gọi là “nhân dụ lập đề,” dùng tên người và ví dụ để đặt tên cho kinh. 
6) Pháp dụ lập đề. Như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Diệu Pháp” là pháp, “Liên Hoa” là ví dụ, nên đề mục này thuộc loại “pháp dụ lập đề.” 
-Cụ túc nhất. “Cụ túc nhất” là một loại cụ túc, đầy đủ cả ba yếu tố nhân, pháp và dụ: 
7) Cụ túc lập đề (một lập đề đầy đủ). Như trong đề mục Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thì “Đại Phương Quảng” là pháp, “Phật” là người, “Hoa Nghiêm” là ví dụ. Bộ kinh này dùng hoa để tỷ dụ với cái nhân của thập độ vạn hạnh, lấy vạn thừa nhân hoa để trang nghiêm quả đức vô thượng. Vậy, đề mục “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” có đầy đủ cả nhân, pháp và tỷ dụ, nên thuộc loại “cụ túc lập đề.”
Đề mục của tất cả kinh điển đều không ngoài bảy loại trên. Quý vị xem đề mục của cả trăm ngàn bộ kinh điển trong Đại Tạng đều bao hàm trong bảy loại lập đề này. Là người giảng kinh, đối với bảy loại lập đề cần phải thấu rõ, mới có thể giảng giải kinh điển được. Nếu ngay cả bảy loại lập đề mà cũng không thông hiểu, thì làm sao có thể dạy cho người khác hiểu rõ được? Tự mình đã không thể giác ngộ, thì làm sao dạy người khác giác ngộ được?! Vì thế điểm này rất quan trọng.
Bảy loại lập đề này, phàm là người học Phật Pháp, đều phải nên biết. Đừng như những người chỉ mới đọc được chừng hai quyển rưỡi, chưa tới ba quyển sách nữa, thậm chí một “huyền nghĩa,” một “môn phân biệt” họ cũng không biết nữa, chứ đừng nói gì đến Thất chủng lập đề, Ngũ trùng huyền nghĩa, Thập môn phân biệt ..., thế mà lại dám vỗ ngực tự xưng mình là Pháp sư, là bậc Đạo sư đi giáo hóa chúng sanh! Chưa hiểu rõ Phật Pháp một cách chân chánh mà dám giảng kinh thuyết pháp, thì chỉ là dẫn người ta xuống địa ngục mà thôi! Ngay chính bản thân họ cũng phải đọa địa ngục nhưng tự họ lại không hiểu vì sao! Những người nghe theo họ cũng vậy, cũng không biết tại sao mình lại bị rơi vào địa ngục. Điều này thật quá đáng thương! Cho nên, người học Phật cần phải chân chánh hiểu rõ Phật Pháp, chân chánh có trí huệ, sau đó mới đi giáo hóa chúng sanh, thì mới có thể không bị lầm lạc. 
Đạo lý được thuyết giảng trong Kinh Lăng Nghiêm thật vô cùng vô tận. Lần giảng kinh này, tôi không giảng theo Ngũ trùng huyền nghĩa (năm tầng nghĩa huyền vi) của Thiên Thai tông, mà theo Thập môn phân biệt (mười môn phân biệt) của Hiền Thủ tông. 
Hiền Thủ tông và Thiên Thai tông là hai tông phái lớn của Phật giáo Trung Hoa. Các Pháp sư giảng kinh thường thì có vị hiểu Thiên Thai mà không thông Hiền Thủ, hoặc rõ Hiền Thủ mà chẳng biết Thiên Thai, cho nên lúc giảng kinh không đạt được sự viên dung vô ngại. Nay tôi sẽ y cứ Thập môn phân biệt của Hiền Thủ tông để giảng bộ Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm này. 
Thập môn phân biệt, tức là mười cửa để phân biệt tất cả kinh Phật, gồm có: 1) Tổng thích danh đề; 2) Khởi giáo nhân duyên; 3) Tạng thừa nhiếp thuộc 4) Nghĩa lý thâm thiển; 5) Năng thuyên giáo thể; 6) Sở bị cơ nghi; 7) Tông thú thông biệt; 8) Thuyết thời tiền hậu; 9) Lịch minh truyền dịch; 10) Biệt giải văn nghĩa.

I. Tổng Thích Danh Ðề
Đây là môn phân biệt thứ nhất, giải thích tên của bộ kinh một cách tổng quát. Bảy loại lập đề giảng ở trên là bảy phương pháp phân biệt tên của các kinh Phật. Bây giờ chúng ta hãy “tổng thích danh đề,” phân tích đề mục của bộ kinh này. 
Bộ kinh này có tên là: “Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm.” 
Chữ đầu tiên là “Đại.” Sao gọi là “đại”? Bởi kinh này chứa đựng bốn sự to lớn là đại nhân, đại nghĩa, đại hạnh và đại quả. 
“Đại nhân” (nguyên nhân lớn) tức là Mật Nhân, không giống với các nhân khác. Đây là thứ nhân bí mật, là nhân mà người thường không biết đến, ngoại đạo không hiểu nổi, Nhị thừa cũng chưa phát hiện được, cho nên gọi là “mật nhân.” “Mật nhân” này vô cùng to lớn, cho nên gọi là “đại.” 
“Đại nghĩa” (nghĩa lý lớn) tức là Tu Chứng Liễu Nghĩa, nghĩa lý này cũng rất đặc biệt lớn. 
“Đại hạnh” (công hạnh lớn) là Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, hạnh này cũng rất lớn. 
“Đại quả” (quả vị lớn) tức là Thủ Lăng Nghiêm. 
Bởi bộ kinh này đầy đủ bốn yếu tố to lớn, vĩ đại trên—nhân lớn, nghĩa lớn, hạnh lớn và quả vị lớn—nên gọi là “đại.” 
“Phật.” Quý vị thường nói: “Tôi theo đạo Phật, tôi học Phật pháp”; nhưng quý vị có biết “Phật” nghĩa là gì chăng? “Phật,” gọi cho đầy đủ là “Phật-đà-da,” là phiên âm của chữ Buddha từ tiếng Phạn. Bởi người Trung Hoa thích giản lược nên bỏ bớt hai chữ “đà-da” đằng cuối, chỉ dùng một chữ đầu là “Phật.” Có người cho chữ “Phật” là tiếng Trung Hoa, kỳ thực không phải, vì đó chỉ là tiếng phiên âm—chữ viết là theo chữ Trung Hoa, nhưng âm đọc thì không phải. Thế thì, nếu dịch thành tiếng Trung Hoa thì chữ “Phật” dịch là gì? “Phật” dịch là “Giác.” “Giác” tức là giác ngộ. Có ba loại giác ngộ là tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn. 
“Tự giác” nghĩa là tự mình đã giác ngộ, không còn mê muội nữa; do vậy, khác với người thường. Cảnh giới của người đã tự giác ngộ thì không giống với cảnh giới của hạng phàm phu, những người chưa giác ngộ như quý vị và tôi hiện nay. Đức Phật thì tự mình đã giác ngộ rồi song Ngài thấy như thế vẫn chưa đủ, nên Ngài còn muốn “giác tha” nữa. Tự mình khai ngộ rồi lại tìm cách giúp người khác cũng được khai ngộ như mình, đó gọi là “giác tha.” 
Trong sự giác ngộ của chính mình (tự giác) và giác ngộ người khác (giác tha) có nhiều thứ lớp và trình độ khác nhau bởi vì căn tánh của mỗi người không giống nhau. Giác ngộ thì có tiểu ngộ—sự giác ngộ chưa viên mãn, và đại ngộ—sự giác ngộ đã viên mãn. Đức Phật đã đạt đến đại giác ngộ, và có thể khiến cho người khác được đại giác ngộ. Khi hạnh nguyện tự giác đã viên mãn và giác tha cũng được trọn vẹn, thì gọi là “Giác hạnh viên mãn” hay “Giác mãn.”
Đức Phật thì “tam giác viên, vạn đức bị”—Ngài đã viên mãn cả ba sự giác ngộ (tự giác, giác tha, giác mãn) và đầy đủ muôn ngàn đức hạnh.
Tại sao chúng ta phải tin Phật? Vì Phật chính là chúng ta! Chúng ta về căn bản đều là Phật, song chỉ vì hiện nay chúng ta còn mê muội nên chưa thể chứng đắc được quả vị Phật. Tại sao nói chúng ta căn bản đều là Phật? Vì Đức Phật đã từng nói: 
“Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật.”
(Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật.)
Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thì tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa thành Phật? Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước! Có vọng tưởng, lại có chấp trước. Chúng ta hết nghĩ đông lại nghĩ tây, hết nghĩ nam thì nghĩ bắc, nghĩ trên nghĩ dưới, vọng tưởng viễn vông trên trời dưới đất, không có chỗ nào mà không nghĩ đến. Vọng tưởng quá nhiều, đếm không xuể. Quý vị nói xem, trong một ngày quý vị khởi bao nhiêu vọng tưởng? Quý vị có biết được là có bao nhiêu không? Nếu biết, thì quý vị đã là Bồ tát rồi; còn nếu không biết thì quý vị vẫn là phàm phu!
Chúng ta không những vọng tưởng mà lại còn chấp trước nữa. Chấp trước những gì? Chấp trước về cái “tôi” và cái “của tôi,” cho nên tất cả những hưởng thụ vật chất đều không buông bỏ được. Thí dụ có người nói: “A! Chiếc máy bay này là của tôi”; hoặc: “A! Đây là xe hơi của tôi, đời mới nhất đấy!” Hễ có cái gì thì chấp trước, bám chặt vào cái đó—người nam có sự chấp trước của người nam, người nữ có sự chấp trước của người nữ; người thiện có sự chấp trước của người thiện, kẻ ác có sự chấp trước của kẻ ác… Bất luận là chấp trước vào cái gì, những người có lòng chấp trước đều không thể buông bỏ được. Họ cứ níu kéo, nắm bắt mãi, càng có thì càng chấp trước thêm!
Tuy nhiên, có chấp trước không phải là điều tốt! Chấp trước hưởng thụ như thích ăn đồ ngon, ở nhà đẹp, du lịch vui chơi khắp nơi; quý vị cho như thế là tốt à? Chưa chắc là tốt đâu, bởi quý vị phải biết rằng chính vì ham thích hưởng thụ mà chúng ta chưa thể thành Phật! Cho nên Đức Phật nói: “Do bởi vọng tưởng và chấp trước mà tất cả chúng sanh không thể chứng đắc, không thể thành Phật.” 
Đức Phật cũng từng dạy: 
“Cuồng tâm nhược yết, yết tức Bồ đề.”
(Cuồng tâm nếu dứt, dứt tức Bồ đề.)
Đó là đạo lý trong Kinh Lăng Nghiêm. “Cuồng tâm” tức là cái tâm cuồng vọng tự cao tự đại của mỗi chúng ta. Đó chính là cái tâm ham thích những việc cao xa, cái tâm khinh thường kẻ khác, tự cho rằng mình là thông minh, tài giỏi hơn mọi người. Thậm chí có những người vốn rất xấu xí, vậy mà nói rằng: “A, tôi xinh đẹp lắm!” Quý vị xem, lòng chấp trước lớn đến như vậy! Mình vốn xấu xí khó coi, lại nói mình rất đẹp, đó đều là chấp trước. Nếu quý vị dứt được cái tâm chấp trước cuồng vọng này, thì “yết tức Bồ đề”—cuồng tâm vừa hết, thì chính đó là Bồ đề. Bồ đề là gì? Chính là giác đạo, là khai ngộ; khai ngộ rồi thì còn cách sự thành Phật chẳng bao xa. Nếu quý vị có thể ngừng cái tâm cuồng vọng của chính mình, thì đó là điều đáng mừng cho quý vị vậy. 
Trong ba loại giác ngộ, “tự giác” là sự khác biệt giữa phàm phu chúng ta, những kẻ chưa giác ngộ, với hàng A la hán và Bích chi Phật, các bậc đã tự giác ngộ. “Bích chi Phật” là tiếng Phạn, gọi đủ là Bích chi ca la (Pratyekabuddha). Bậc Bích chi Phật là do tu Thập nhị nhân duyên mà ngộ Đạo, còn bậc A la hán thì do tu pháp Tứ đế mà đắc thành. 
“Tự giác” thì phân biệt phàm phu với Nhị thừa, còn “giác tha” thì phân biệt giữa Nhị thừa với Bồ tát. “Giác tha” là gì? Giác tha tức là làm cho người khác được trở nên giác ngộ, và kẻ tu hạnh nguyện này cần có tâm Bồ tát, cần có tấm lòng vị tha của bậc Bồ tát. “Giác tha” cũng có thể nói là “lợi tha,” làm lợi ích cho người khác. Ai có thể thực hành hạnh lợi tha? Chính là Bồ tát! Bồ tát khác với Nhị thừa vì hàng Duyên giác và Thanh văn chỉ biết tự giác mà không chú trọng việc giác tha; Bồ tát thì phát tâm “giác tha, lợi tha.” 
Thanh văn là A la hán, Duyên giác là Bích chi Phật, Bồ tát là Bồ đề tát đỏa; vậy cứu cánh Bồ tát với Thanh văn và Duyên giác là một người, hai người hay là ba người mà tu thành? Đây có thể nói là một người, cũng có thể nói là ba người; vì sao? Vì có thể có một người trước tiên thì tu hạnh Thanh văn, sau đó tu hạnh Duyên giác, rồi từ Duyên giác mà tu Lục độ Vạn hạnh của Bồ tát—một người mà bao biện tất cả, tu nhiều hạnh, nhiều pháp môn như thế, cho nên có thể nói là một người. 
Thế nhưng, lại cũng có thể nói là ba người; vì sao? Ví dụ có người tu hạnh Thanh văn, sau khi chứng ngộ thì chỉ muốn làm “tự liễu hán,” không cầu tiến thủ, tự mình khai ngộ rồi thì không màng đến người khác nữa nên ngừng ngay ở trình độ A la hán, thì đó là một người. Giả sử lại có một người khác sau khi tu đến A la hán thì tiến tu đến ngôi vị Bích chi Phật, và ở quả vị này rồi thì không tiến nữa; như thế vị chi là hai người. Thêm một người như ở trên nữa, tức là trước đã tu Thanh văn, sau lại tu Duyên giác, rồi từ Duyên giác mà tu Lục độ Vạn hạnh của Bồ tát, nên thành ra ba người. 
Thế nên, trong ba loại giác ngộ, đạt đến quả vị Bích chi Phật cũng chỉ là tự giác, không phải giác tha; đến Bồ tát thừa mới là giác tha. Bồ tát là do tu Lục độ Vạn hạnh—Lục Ba la mật và vạn hạnh trang nghiêm—mà thành. Thành Bồ tát Đạo rồi mà vẫn tinh tiến thực hành Bồ tát hạnh, thực hành cho đến khi viên mãn—giác hạnh viên mãn—thì được thành Phật. Cho nên, muốn “giác hạnh viên mãn” thì không được rời hạnh Bồ tát. Giác hạnh viên mãn là sự khác biệt giữa Bồ tát và Phật.
Ba loại giác ngộ, ở đây chỉ nói bấy nhiêu, nhưng ở phương diện thực hành thì thật thiên sai vạn biệt, trong từng trình độ lại có trình độ, trong khác biệt lại có khác biệt. Viên mãn ba hạnh nguyện giác ngộ này rồi thì thành Phật. 
“Đảnh.” “Đảnh” (đỉnh) có nghĩa là chỗ tối cao vô thượng, không còn cái gì có thể cao hơn. Như chỏm đầu của chúng ta gọi là “đỉnh đầu,” trên đỉnh đầu là trời, cho nên có câu “đảnh thiên lập địa,” tức là đầu đội trời, chân đạp đất. Không riêng gì nam nhân mà ngay cả nữ giới cũng vậy, đều có thể “đảnh thiên lập địa”!
Vậy thì ba chữ “Đại Phật Đảnh” dù không giảng, tôi tin rằng mọi người đều hiểu rõ—đó là chỉ cho đỉnh đầu của vị “Đại Phật,“ một đức Phật to lớn, vĩ đại. Đức Phật đó to lớn như thế nào? Có lớn bằng pho tượng Phật thờ trong chánh điện này không? Thật ra, tượng Phật này không phải là một vị “Đại Phật,” mà chỉ như một giọt nước trong biển cả, một hạt bụi nhỏ trong Tam thiên thế giới; quý vị chớ nên nhầm lẫn cho rằng đó là vị “Đại Phật.”
Vị “Đại Phật” thì to lớn vĩ đại không ai sánh bằng. Ngài lớn mà không lớn, song không có ai lớn hơn Ngài được—đó gọi là “chân đại,” sự vĩ đại chân chánh. Vậy, đây là đức Phật nào? Đây là vị Phật biến mãn khắp mọi nơi, không chỗ nào mà không có.
Vậy đức Phật này đang ở đâu? Chỗ nào Ngài cũng không ở cả! Thế thì, nơi nào là nơi Ngài không ở? Chẳng có nơi nào mà Ngài không ở!
Quý vị nói xem, Ngài to lớn như thế nào? Quý vị không có cách nào đo lường được tầm mức của sự to lớn này. Phải đến mức độ nào mới là sự to lớn chân chánh? Đến khi nào cái tính cách to lớn không còn nữa, không còn gì to lớn hơn thế nữa—đó mới là sự to lớn nhất, vĩ đại nhất.
Thế thì ai là “tối đại,” to lớn nhất? Là Đại Phật. Mà vị Đại Phật ấy là ai? Chính là quý vị! Cũng chính là tôi!
Có người thắc mắc: “Nhưng con không to lớn như vậy, và theo con thấy, Thầy cũng không to lớn như thế. Vậy tại sao Thầy lại nói chính là con, và cũng chính là Thầy?”
Nếu không phải là quý vị, không phải là tôi, thì nói làm gì!? Chính vì có quan hệ với tôi và với quý vị, cho nên kinh mới đề cập đến!
“Vậy thì, Thầy và con làm thế nào mà to lớn như thế được?”
Phật tánh mà quý vị và tôi vốn đầy đủ thì rất lớn và chính là vị Đại Phật này. Vị Đại Phật này to lớn không có gì sánh bằng, nên gọi là “Đại Phật.”
Bây giờ chúng ta không chỉ nói về vị Đại Phật, mà còn đề cập đến tướng đỉnh đầu của Ngài. Vị Đại Phật này, vốn không có gì lớn hơn, cao hơn; tuy thế, cao hơn Đại Phật là “đảnh,” đỉnh đầu của Ngài. Và, trên đỉnh đầu của vị Đại Phật này lại xuất hiện một vị Đại Phật khác nữa.
Vị Đại Phật đó lớn đến cỡ nào? Vị Đại Phật đó thì chúng ta không nhìn thấy được, cho nên trong bài kệ của Chú Lăng Nghiêm có nói: “Vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai, tuyên thuyết thần chú.”
“Vô kiến đảnh tướng”—tướng đảnh này thì không hiện hữu, vì là “vô kiến” (không thấy được)! Đã không nhìn thấy được thì tại sao lại nói là có vị Đại Phật?
Nhìn mà không thấy được, như thế mới thật là lớn; vì sao? Vì lớn đến độ quý vị không thể nào thấy hết được! Nếu không to lớn, tại sao quý vị không thấy được?
Có người thắc mắc: “Làm sao mà không thấy được? Vật quá nhỏ con mới không thể nhìn thấy, nếu lớn thì con nhất định thấy được!”
Nếu là lớn thì quý vị thấy được ư? Bầu trời bao la như thế, quý vị có thể thấy hết không? Quý vị thấy không suốt hết đâu! Mặt đất mênh mông như vậy, quý vị có thể thấy hết toàn diện không? Không thể nào thấy hết được! Do vì thấy không được mới thật sự là lớn. Nếu không lớn, thì quý vị có thể thấy được ngay!
Vô kiến đảnh tướng của vị Đại Phật phóng hào quang; hào quang ấy lớn như thế nào? Quý vị nghĩ xem, là một vị Đại Phật, lẽ nào Ngài lại phóng hào quang nhỏ? Đương nhiên là phải phóng hào quang lớn rồi! Phật lớn thì phóng hào quang lớn. Hào quang lớn này chiếu khắp tất cả mọi nơi.
Có người thắc mắc: “Thế có chiếu đến thân con không?” Chiếu đến quý vị từ lâu lắm rồi!
Bây giờ hẳn quý vị lại tự hỏi: “Thế thì tại sao con không hay biết gì cả?” Quý vị muốn biết phải không? Tôi đã từng bảo quý vị rằng:
“Tâm thanh thủy hiện nguyệt,
Ý định thiên vô vân.”
(Tâm lắng, nước hiện trăng,
Ý định, trời không mây.)
Tâm của quý vị nếu thanh tịnh đến cực điểm thì hào quang của Phật sẽ chiếu đến. Tâm không thanh tịnh thì ví như hồ nước dơ, vẩn đục, ánh sáng mặt trăng không chiếu xuyên qua được; nếu nước được lắng trong, ánh trăng sẽ soi tỏ mặt hồ. Tâm chúng ta nếu thanh tịnh thì hào quang của Phật sẽ chiếu đến tâm chúng ta cũng như ánh trăng sáng chiếu đến hồ nước trong vậy.
“Ý định thiên vô vân,” ý niệm của quý vị nếu an định thì giống như bầu trời quang đãng, không mây vậy—cảnh giới này vi diệu không thể nói được. Nếu quý vị thật sự thanh tịnh hóa được tâm mình, thì có thể đắc được định lực của Lăng Nghiêm Đại Định.

“Như Lai.” “Như” là “vô sở bất như,” tức là không có gì mà không như như bất động. “Lai” là “vô sở bất lai,” tức là không có nơi nào mà không đến. “Như” là bổn thể của pháp. Bổn thể của Phật pháp là “như,” dụng của Phật pháp là “lai”; đó là chữ “thể dụng.” Phật thì “như như bất động, đến mà không đến”; nên nói rằng:
“Như như bất động,
Đến đến lại đến,
Đến mà không đến.”
Nếu vậy thì Ngài đi đâu? Không đi tới một nơi nào cả!
Thế thì Ngài từ đâu đến? Cũng không từ nơi nào đến!
Trong Kinh Kim Cang có nói: “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ.”
Không đến chỗ tôi, cũng không đến chỗ quý vị; mà cũng ở nơi quý vị, cũng ở nơi tôi—đó chính là “như lai.”
“Như Lai” là một trong mười tôn hiệu của Phật. Tối sơ, mỗi vị Phật có một vạn danh hiệu, về sau thì giảm bớt dần vì con người không nhớ nổi. Ban đầu thì giảm xuống mỗi vị Phật còn một ngàn danh hiệu; nhưng một ngàn danh hiệu người ta cũng không nhớ nổi, cho nên lại giảm xuống còn một trăm danh hiệu. Bấy giờ, mỗi vị Phật đều có một trăm danh hiệu khác nhau. Thế nhưng, chúng sanh vẫn không nhớ nổi, cho nên lại giảm, giảm đến chỉ còn mười danh hiệu. Mười danh hiệu này, cũng chính là danh hiệu chung của mỗi vị Phật:
1) Như Lai. “Như Lai” có nghĩa là nương tựa vào đạo như thực mà đặng Chánh giác, thành Phật.
2) Ứng Cúng. “Ứng cúng” nghĩa là xứng đáng được trời và người cúng dường.
3) Chánh Biến Tri.
4) Minh Hạnh Túc.
5) Thiện Thệ Thế Gian Giải.
6) Vô Thượng Sĩ.
7) Điều Ngự Trượng Phu.
8) Thiên Nhân Sư.
9) Phật.
10) Thế Tôn.

Mỗi đức Phật đều có mười danh hiệu như thế và Như Lai là một trong mười danh hiệu đó.

“Mật Nhân.” Mật nhân là gì? Đó là bổn thể định lực của mỗi chúng ta. Tại sao gọi là “mật nhân” mà không gọi là “hiển nhân”? Bổn thể định lực thì mỗi người đều có sẵn, đều vốn đầy đủ, không ai mà không có, song chính mình lại không biết; bởi vì không biết nên mới gọi là “mật nhân”—biến thành bí mật. Cái bí mật này chính là bổn thể của định lực–thứ bổn thể định lực của Như Lai và cũng là bổn thể định lực của tất cả chúng sanh. Mọi người đều có bổn thể định lực này, nhưng tự mình không biết, chưa phát giác ra mà thôi; chính vì không biết nên gọi là “mật nhân.”
“Tu Chứng Liễu Nghĩa.” Mật nhân này là để làm gì? Để làm nhân tu hành. Chúng ta cần phải tu thì mới có sự chứng đắc. Cần phải tu, nhưng tu như thế nào? Tham thiền hay niệm Phật đều là tu cả, nhưng chữ “tu” ở đây là chỉ cho việc tu thiền, chuyên tham thiền mới có thể chứng đắc. Chứng đắc cái gì? Chứng đắc “liễu nghĩa.”
“Liễu nghĩa” là gì? “Nghĩa” là ý nghĩa. “Liễu nghĩa” là cái nghĩa giải rõ, đủ đều, trọn vẹn rồi, tức là không còn ý nghĩa nữa. Thế thì đó là vô nghĩa, không có ý nghĩa gì cả sao?
Chữ “liễu nghĩa” ở đây có nghĩa là một sự chứng đắc hoàn toàn, không thừa sót đối với tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian—chẳng còn pháp gì để tu, không còn pháp gì để chứng nữa. Đó cũng chính là điều mà Vĩnh Gia Đại Sư đã nói trong Chứng Đạo Ca:
“Quân bất kiến:
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân?”
(Anh thấy chăng:
Dứt học, vô vi, ấy đạo nhân,
Không trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân?)
“Tuyệt học” là cái học tối cao, cái học mà không còn gì để học nữa; “vô vi” là không làm; “nhàn đạo nhân” là người ung dung, thanh tịnh, nhàn nhã, cái gì cũng không làm cả.
“Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân”: Không trừ vọng tưởng, cũng không cầu chân lý. Tại sao “không trừ vọng tưởng”? Vì đã trừ hết rồi, không còn vọng tưởng, nên mới không phải trừ nữa. “Chẳng cầu chân,” bởi vì đã đạt được chân lý rồi, cho nên không cần cầu nữa. Quý vị chưa đạt đến mới cần cầu; còn người đã đạt đến chân lý rồi thì không cần thiết phải cầu xin nữa. Chưa trừ sạch vọng tưởng mới cần trừ vọng tưởng, vọng tưởng đã không còn thì không cần phải trừ nữa. “Liễu nghĩa” chính là những ý này vậy!
“Liễu nghĩa” còn hàm ý là tất cả nghĩa lý của Phật thuyết ra đã học đến chỗ rốt ráo, đã học đến chỗ không còn gì phải học nữa.
“Bất liễu nghĩa” (không liễu nghĩa) thì vẫn còn nghĩa. Đến lúc ý nghĩa gì cũng không còn, khô cạn mà thanh tịnh, thì đạt đến Mật nhân, có được bổn thể chánh định, và đó chính là “tu chứng” thành công mà đạt đến cảnh giới “liễu nghĩa” vậy. Nếu quý vị không tu, thì không thể chứng đắc cảnh giới “liễu nghĩa” này. Cho nên, “liễu nghĩa” cũng chính là đại nghĩa, đại nghĩa bao gồm tất cả mọi nghĩa lý.
Có người hỏi: “Nhưng Thầy vừa nói liễu nghĩa là không còn gì nữa?”
Không còn nữa mới chính là thực sự “có” (chân hữu), nếu quý vị còn “có” thì không phải là thực sự có. Cho nên, chứng đắc liễu nghĩa rồi thì không còn nghĩa nào có thể chứng đắc nữa, mà đã đạt đến cực điểm, tức gọi “liễu nghĩa.” Cực điểm là đến trình độ nào? Chính là đạt đến cảnh giới Phật, chứng đắc quả vị Phật.

“Chư Bồ Tát Vạn Hạnh.” Muốn đạt đến cảnh giới Phật, thì cần phải hành Bồ tát đạo, nên nói “chư Bồ tát vạn hạnh.” “Chư,” ý nói là rất nhiều, rất đông đảo. Nhiều là bao nhiêu? Nhiều đếm không xuể, nói chung thì có năm mươi lăm đẳng bậc. Năm mươi lăm đẳng bậc này (sau này sẽ giảng đến, bây giờ không giảng tỉ mỉ), thì gồm có Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa, và Phật. Mỗi đẳng bậc có hàng ngàn hàng vạn Bồ tát, cho nên năm mươi lăm đẳng bậc này không phải chỉ có vỏn vẹn năm mươi vị, mà là vô lượng vô biên vị Bồ tát, nên gọi là “chư Bồ tát.”
Còn “Vạn hạnh” là gì? “Vạn hạnh” có nghĩa là rất nhiều pháp môn tu hành. “Rất nhiều” là bao nhiêu? Là có tới tám vạn bốn ngàn pháp môn!
Đáng lẽ nói là tám vạn bốn ngàn hạnh môn, ở đây trong tựa kinh chỉ đơn giản là “vạn hạnh.” “Vạn hạnh” là sở tu của Bồ tát. Bồ tát không những tu Vạn hạnh mà còn phải tu Lục độ nữa. Lục độ là gì? Đó là: 1) Bố thí; 2) Trì giới; 3) Nhẫn nhục; 4) Tinh tấn; 5) Thiền định; 6) Bát nhã.
Có ba loại bố thí là tài thí, pháp thí, và vô úy thí.
“Tài” là chỉ tất cả tiền bạc của cải, là thứ mà mọi người đều yêu quý, không nỡ xả bỏ; mà cũng là thứ dơ bẩn nhất, không tinh sạch nhất trên thế gian. Tiền bạc của chúng ta đếm lại đếm đi, qua tay không biết bao nhiêu người, chứa đựng không biết bao nhiêu vi trùng. Trong Phật giáo, tiền bạc được xem là vật “bất tịnh,” không trong sạch. “Bất tịnh” là vì tiền là thứ không sạch sẽ. Tại sao gọi tiền là thứ không sạch sẽ? Thứ nhất, bởi vì nguồn gốc không trong sạch, không rõ ràng, chẳng hạn như do ăn trộm hoặc cướp giật mà có được. Chính vì lai lịch không chánh đáng nên gọi là “bất tịnh.”
Có người nói: “Tiền mà do tôi làm công kiếm được thì không phải là vật bất tịnh!” Tiền mà quý vị làm công kiếm được, tuy lai lịch là chánh đáng, nhưng bản thân của tiền chứa rất nhiều vi trùng! Quý vị xem, tiền không sạch sẽ như thế, nhưng mọi người đều thích tiền, cứ cầm mân mê trên tay rồi đếm tới đếm lui. Có người khi đếm tiền còn đưa tay lên thấm nước miếng để đếm cho dễ, do đó rất dễ lây bệnh truyền nhiễm!
Tiền vốn là thứ không sạch sẽ như thế, nhưng mọi người đều thích tiền—tiền vô càng nhiều càng tốt, bao nhiêu cũng cho là không đủ. Tất cả tiền của nước Mỹ đem cho tôi hết, tôi cũng không nghĩ là quá nhiều; nếu cho hết quý vị, tin rằng quý vị cũng không chê là nhiều quá! Thế nhưng, tiền nhiều rồi thì vấn đề rắc rối cũng nhiều theo! Vấn đề gì? Ngủ không được, cứ trằn trọc suy đi tính lại: “Mình có nhiều tiền như vầy, thì nên cất giấu ở chỗ nào cho an toàn đây?” Rồi cứ vì tiền mà mất ăn mất ngủ, thao thức tính toán như thế!
Tiền vốn là thứ không tốt, vậy mà ai nấy đều trân quý như chính thân mạng của mình, không nỡ xả bỏ. Nếu quý vị có thể xả bỏ, đó chính là bố thí. Bố thí cho người khác chính là thực hành Bồ tát đạo. Bậc Bồ tát tu Lục độ Vạn hạnh thì việc trước tiên phải làm là bố thí—đem tiền bạc tài sản của mình bố thí cho người khác, giúp đỡ người khác, và đó gọi là “tài thí.”
Tuy nhiên, bố thí không phải là việc dễ làm. Tâm con người là “âm dương giao quan xứ,” tức là chỗ giáp mối của âm và dương; lại cũng là “lý dục chiến đấu trường,” tức là chiến trường giữa lý và dục (“lý” là đạo lý, “dục” là dục vọng, sự khao khát của con người). Ví dụ khi thấy một người gặp cảnh khó khăn, không có cơm ăn, lý trí quý vị muốn cho ông ta một đồng để mua thức ăn, nên quý vị bèn đút tay vào túi định lấy tiền ra cho. Nhưng ngay lúc đó, một niệm thứ hai liền dấy khởi: “Khoan đã! Nếu cho ông ta đồng bạc này thì mình không còn tiền đi xe buýt, phải cuốc bộ về nhà, hay là … thôi đừng cho!” Cho nên, niệm thứ nhất thì muốn xả, niệm thứ hai liền nghĩ đến mình, đắn đo bỏ tiền vào túi trở lại, không muốn bố thí nữa.
Sự việc cứ diễn ra như thế, từ vật nhỏ đến vật lớn, từ một đồng cho đến mười đồng, trăm đồng, ngàn đồng, vạn đồng, vạn vạn đồng đều là như vậy—vốn muốn xả để bố thí, niệm đầu tiên muốn xả, nhưng niệm thứ hai lại nghĩ đến mình: “Tôi muốn đi ăn, tôi không có tiền,” nên không thể nào giúp đỡ người khác được. Tài thí thật không dễ dàng! Thậm chí có người còn có tư tưởng: “Tôi bố thí, đem tiền cho người khác là tôi quá dại dột. Tại sao người ta lại không bố thí cho tôi nhỉ?” Thường trong lúc quý vị muốn bố thí, đồng thời cũng sanh cái tâm muốn tự lợi; do vậy, bố thí nói thì dễ, đến lúc làm thì thấy khó.
Loại bố thí thứ hai là pháp thí. “Pháp thí” tức là bố thí pháp. Nay tôi giảng kinh thuyết pháp cũng chính là bố thí pháp. Có câu:
“Chư cúng dường trung,
Pháp cúng dường tối.”
(Trong các loại cúng dường,
Cúng dường Pháp là cao cả nhất.)
Vì sao? Bởi vì bố thí tiền bạc thì có hạn lượng, bố thí pháp thì không có hạn lượng. Như tôi nay giảng kinh, nếu quý vị nghe một câu kinh điển rồi có thể khai ngộ, chân chánh hiểu rõ, chứng đắc một cảnh giới thù thắng, thì công đức của tôi sẽ rất lớn. Tại sao vậy? Vì tôi đã giảng kinh thuyết pháp giúp quý vị thành Phật, quý vị thành Phật được là nhờ có tôi giảng kinh thuyết pháp cho quý vị nghe; do vậy công đức pháp thí là lớn nhất.
Loại bố thí thứ ba là vô úy thí. Bố thí vô úy là gì? Đó là an ủi, khuyên giải những người đang gặp chuyện không may, tai bay họa gởi, hoặc những việc hoạnh nghịch. Hoạnh nghịch là gì? Đó là những việc cướp bóc, hỏa tai, hoặc những việc sợ hãi kinh hoàng. Lúc người ta bị kinh hoàng sợ hãi, mình cho người ta sự an ủi giúp đỡ, khuyên giải: “Anh không nên sanh lòng lo lắng, bất cứ việc gì cũng có thể từ từ giải quyết!”; đó chính là vô úy thí vậy.
Hôm nọ có một người đánh mất ví tiền, tôi nhìn thấy vẻ mặt bà ta rất lo lắng, bà hỏi tôi rằng: “Ôi! Con đã làm mất túi tiền, làm sao bây giờ?”
Tôi bảo: “Bà không nên lo lắng, bà sẽ tìm lại được túi tiền.”
Kết quả lời tôi nói quả nhiên ứng nghiệm, bà về lại chỗ cũ và tìm được, vẫn chưa mất. Đó cũng là vô úy thí—khiến người khác giảm nhẹ nỗi sợ hãi lo âu. Ở đây tôi chỉ đưa ra những vấn đề nhỏ để làm thí dụ, những vấn đề lớn thì rất nhiều; nhưng nếu chúng ta biết được những vấn đề nhỏ, thì những vấn đề lớn cũng dễ dàng hiểu rõ.
Ở trên là lược nói về bố thí, tức là độ thứ nhất trong Sáu độ (Lục độ). Độ thứ hai là trì giới. Điều quan trọng nhất trong Phật giáo là giới luật. Vậy giới là gì? Giới là “chỉ ác phòng phi”—“chỉ ác” là đình chỉ, chấm dứt tất cả những việc ác; “phòng phi” là đề phòng tất cả tội lỗi sai lầm. Những gì sai lầm, không đúng, gọi là “phi”; còn là đúng thì gọi là “thị.”
Giới cũng chính là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”—tất cả việc ác đều không làm, tất cả những việc lành đều làm.
Bây giờ tôi kể cho quý vị nghe một chuyện. Lúc nhỏ, tôi không hiểu nhiều về toán, không biết tính toán. Tại sao nói tôi không biết tính toán ư? Không có tiền thì thôi, chứ hễ có tiền là tôi liền đem cho người khác—có một đồng thì cho đi một đồng, có hai đồng thì cho hết cả hai đồng, tự mình không muốn giữ tiền. Điều này, nói theo lẽ thường tình thì có phải là quá khờ dại hay không? Không hiểu cách giúp đỡ chính mình, chỉ lo giúp đỡ người khác—tôi thuở nhỏ là như thế, luôn luôn muốn giúp đỡ người khác.
Giúp người chính là làm lợi cho người, làm lợi cho người chính là Bồ tát phát tâm. Bồ tát phát tâm là muốn đối với người khác có lợi ích, chứ không phải đối với mình có lợi ích. Bậc Bồ tát thà tự mình nhẫn chịu lao khổ nhọc nhằn, chịu oan ức, chứ không làm cho người khác bị oan ức, bị khổ sở. Chúng ta phải phát tâm như vậy, đó gọi là tâm lợi tha. Tâm lợi tha chính là tâm Bồ tát, tâm Bồ tát chính là “chúng thiện phụng hành”—tất cả việc lành đều phải làm.
Chúng ta chớ nên gặp chuyện gì cũng so đo tính toán: “Để tính lại xem mình có bị thua lỗ thiệt thòi hay không? Có bị gạt không? Có được lợi lộc gì không?”
Ví dụ, quý vị cần mua sắm món đồ nào đó bèn đến rất nhiều tiệm xem đồ của hãng này, xem hàng của hãng kia, chi li tính toán, rồi so sánh: “Giá cả của hãng này rẻ, đồ lại đẹp, mua hiệu này lợi hơn!”; vì thế bèn chọn mua. Ngờ đâu, đem về dùng thử mới biết đó là một loại đồ giả bằng chất hóa học, nhìn bề ngoài thì rất đẹp, có vẻ tốt, nhưng dùng chưa được bao lâu đã hư rồi. Cho nên, tuy quý vị muốn lợi mà kết quả thì lại lỗ. Đó gọi là chỉ biết tính lợi ích của riêng mình, chỉ muốn đem phần lợi về cho mình. Chúng ta cần phải nghĩ đến người khác nữa, không nên chỉ tính toán cho cá nhân mình.
Vậy, trì giới chính là:
“Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.”
Có bao nhiêu loại giới? Giới có rất nhiều loại! Người tại gia học Phật sau khi quy y Tam Bảo, nếu muốn tiến thêm một bước, thì cần phải thọ Năm giới (Ngũ giới). Sau khi thọ Ngũ giới rồi, nếu muốn tiến tu thêm một bước, thì người tại gia có thể thọ Tám giới (Bát giới). Xa hơn nữa thì có Mười giới (Thập giới), tức là giới Sa di. Sau khi xuất gia và thọ Sa di giới, lại phải thọ hai trăm năm mươi giới nếu là Tỳ kheo, hoặc ba trăm bốn mươi tám giới nếu là Tỳ kheo ni. Bồ tát cũng có giới của Bồ tát. Bồ tát giới gồm có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Mười giới trọng nếu phạm thì mang tội rất nặng, một khi đã phạm rồi thì không thể sám hối; phạm các giới khinh thì có thể sám hối, sửa đổi lỗi lầm.
Khi Phật sắp nhập Niết bàn, Tôn giả A Nan thỉnh Phật chỉ dạy bốn việc; một trong bốn việc đó là: “Khi Phật còn tại thế, chúng con lấy Phật làm Thầy, Phật là Sư phụ của chúng con. Thế sau khi Phật nhập Niết bàn, ai sẽ là Sư phụ của chúng con?”
Đức Phật bèn nói với ngài A Nan rằng: “Sau khi ta nhập Niết bàn, các ông phải lấy Giới làm Thầy.”
Đó là bảo người xuất gia, tất cả Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phải “dĩ Giới vi Sư” (lấy Giới làm Thầy). Vì vậy, người tại gia nếu muốn cầu thọ giới, nhất định phải đến gặp vị xuất gia để cầu giới. Và, vị xuất gia truyền trao giới thể này nhất định phải là Tỳ kheo, bởi vì Tỳ kheo ni không được phép truyền giới. (Trong giới luật của Phật, không cho phép Tỳ kheo ni truyền giới.) Vậy, giới có rất nhiều loại như giới Sa di, giới Tỳ kheo, giới Bồ tát.
Chúng ta muốn tu Đạo thì nhất định phải thọ giới. Nếu quý vị có thể giữ gìn giới thể thanh tịnh thì sẽ được xinh đẹp, ngời sáng như ngọc lưu ly, vô cùng trân quý.
Trước đây mấy ngày, tôi có giảng về Luật sư Đạo Tuyên (đời Đường) ở núi Chung Nam, Ngài do trì giới tinh nghiêm nên được thiên nhân đến cúng dường. Vì thế, giới đức vô cùng quan trọng! Người học Phật nếu không thọ trì giới luật, thì tu thế nào cũng chỉ như cái bình thủng đáy, đổ bao nhiêu nước vào đều chảy ra ngoài hết cả!
Thân thể của chúng ta là thân hữu lậu, có sự lậu thoát. Nếu quý vị có thể trì giới thì lâu dần sẽ trở thành vô lậu. Đạo lý hữu lậu này, tôi nay không thể công khai giảng cho quý vị được. Quý vị nào muốn học pháp môn vô lậu thì cứ từng người một thưa hỏi, tôi sẽ giảng cho nghe, vì hiện giờ không thể công khai giảng được.
Pháp hội Lăng Nghiêm lần này là một Pháp hội gian khổ nhất, và cũng là một Pháp hội khó khăn nhất—mỗi ngày đều phải học từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối. Có người nói: “Ngay trong trường cũng không phải học nhiều như vậy!”
Nhưng trường học hiện nay của chúng ta là trường học “thoát ly sanh tử,” trường học “hành giải tương ứng.”( ) Giảng Kinh Lăng Nghiêm là “giải,” tọa thiền là “hành”—giải hành cùng tiến, sự hiểu biết và hành trì phải đi đôi với nhau; đó mới gọi là “chân đạp thực địa, thân hành thực tiễn,” một chút cũng không được cẩu thả dễ dãi, một chút cũng không được lừa dối chính mình. Nếu quý vị dối người thì cũng chính là dối mình. Nay tôi nói quý vị bị gạt rồi, thật ra đó không phải là lừa gạt. Đó chẳng qua là để giúp quý vị giải quyết vấn đề sanh tử của chính mình, và đem lại lợi ích lớn lao nhất cho quý vị trong tương lai, cho nên quý vị nhất định phải “giải, hành” đồng thời tu tập.
Giảng về “giải hành cùng tiến,” nay tôi đưa ra một ví dụ: Có một người bị mù và một người bị liệt nọ sống chung với nhau, và trong nhà còn có vài người khác nữa để giúp đỡ họ. Một hôm, mọi người đều đi vắng—không phải họ đến Phật Giáo Giảng Đường để học Kinh Lăng Nghiêm đâu, mà là đi câu cá, đi tắm biển, đi shopping, mua sắm…, nói chung là đi làm những việc mà người thế gian ưa thích—chỉ còn người mù và người liệt ở nhà.
Bất ngờ, cũng vào hôm đó, căn nhà của họ bị hỏa hoạn. Quý vị nghĩ xem, họ phải làm gì bây giờ? Người mù thì không thấy đường nên chẳng biết đâu mà chạy; người liệt tuy nhìn thấy, nhưng lại chẳng thể chạy đi đâu được cả. Quý vị nói có oái oăm, nguy hiểm không chứ!? Người mù sắp bị chết thiêu, người liệt cũng sẽ bị chết cháy!
Lúc đó, có một vị Thiện tri thức đến nói với họ rằng: “Hai ông có thể thoát hiểm, ra khỏi căn nhà cháy này. Chỉ cần lấy mắt của người liệt cho người mù dùng, lấy chân của người mù cho người liệt mượn. Bấy giờ, hai ông sẽ kết hợp với nhau giống như ‘con lang, con bối’ vậy, cùng tương trợ, đỡ đần cho nhau.”
Lấy “con lang con bối” để so sánh, thì hình dung có hơi quá đáng; nhưng tôi ngại rằng mọi người không hiểu, nên phải đưa ra một ví dụ cụ thể mà thôi. Vậy, đem chân người mù cho người liệt mượn, lấy mắt người liệt cho người mù dùng, là như thế nào? Có phải là móc mắt của người liệt ra rồi đắp vào chỗ con mắt của người mù không? Nếu thế thì không có bác sĩ, không thể làm phẫu thuật được, dẫu có móc mắt ra cũng chẳng có ích lợi gì. Nếu đem chân của người mù ghép vào chân người liệt, cũng không phải dễ dàng làm được, mà cũng không có bác sĩ chuyên môn. Vậy phải làm sao đây? Đó gọi là “nhân sự chế nghi, thông quyền đạt biến,” ( ) tức là người mù cõng người liệt, người liệt chỉ đường cho người mù, bảo người mù đi qua phải, rẽ qua trái, hoặc cứ đi thẳng. Người mù có chân, nhưng không có mắt, không nhìn thấy, nên phải nghe theo lời chỉ dẫn của người liệt. Nhờ được vị Thiện tri thức chỉ bày, nên cả hai người đều có thể tự cứu mình thoát khỏi căn nhà lửa.
Giảng ý nghĩa này, mọi người không nên hiểu lầm ý của tôi mà nói rằng: “Thầy nói con là người mù! Thầy nói con là người liệt!”
Quý vị không phải là người mù hay kẻ liệt, tôi cũng không phải là kẻ liệt hay người mù; chẳng qua là tôi biết được đạo lý này nên dùng tỷ dụ như thế để giảng. Đây không phải nói về quý vị, cũng không phải nói về tôi; nhưng cũng là nói về quý vị, mà cũng là nói về tôi vậy!
Cho nên, chúng ta không nên tự mãn, không nên cho rằng mình đã hiểu biết rất nhiều, trí huệ mình đã rộng lớn. Bởi, nếu vậy, thì xin hỏi tại sao quý vị vẫn chưa thành Phật? Chính là vì quý vị quá tự mãn, cho rằng mình học được nhiều kiến thức! Kỳ thực, học cái gì thì bị cái đó chướng ngại, quý vị có trí thức nhiều thì bị trí thức chướng ngại; quý vị có năng lực lớn thì bị năng lực chướng ngại; mà có chướng ngại thì không thể thành Đạo được.
Nay chúng ta nên buông bỏ những tư tưởng phân biệt “tôi, anh, họ,” không cần tới chúng nữa. Hãy làm cho những tư tưởng này lắng xuống, an tĩnh, thanh tịnh, hãy làm cho bụng của mình trống không. Để làm chi vậy? Để chứa hương vị kỳ diệu như món “đề hồ” của diệu pháp vô thượng!
Tôi còn nhớ năm ngoái có một nữ cư sĩ (hiện nay cô đang học Tiến sĩ) thú nhận rằng trong đầu của cô “có rất nhiều rác, nhiều garbage, dọn dẹp không sạch được”; có đúng vậy không? Vậy, nay tôi sẽ dùng từ ngữ của cô và nói rằng: Chúng ta mỗi người hãy vứt bỏ những garbage trong đầu óc mình, quét sạch những tạp niệm cặn bã trong tâm trí mình, rồi sau đó mới đi nghe giảng kinh, thì có thể được “một nghe ngàn ngộ,” dễ dàng hiểu rõ!
Nay nói tiếp về đề mục của kinh. “Chư Bồ Tát Vạn Hạnh”—“chư Bồ tát” tức là bao gồm tất cả các vị Bồ tát; “vạn hạnh” là muôn vàn công hạnh mà bậc Bồ tát phải tu tập. Bồ tát thì tu Lục độ Vạn hạnh; ở trên đã nói về hai độ là bố thí và trì giới, vậy còn bốn độ nữa.
Vậy, độ thứ ba là nhẫn nhục. Nhẫn nhục có ba loại là sanh nhẫn, pháp nhẫn và vô sanh pháp nhẫn.
Thứ tư là tinh tấn Ba la mật. “Tinh tấn” là hăng hái tiến tới phía trước, không lùi lại đằng sau. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ở phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự có chép việc Bồ tát Dược Vương tự đốt thân cúng Phật—Ngài quấn vải chung quanh mình, rưới dầu thơm, rồi đối trước Phật tự đốt thân cúng dường. Nếu muốn biết rõ hơn, quý vị có thể nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, ở phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự có nói rất rõ ràng.
Tại sao Bồ tát Dược Vương đốt thân cúng Phật? Vì cảm thấy ân đức của Phật rất sâu dày, rất lớn lao, không thể nào báo đáp được, cho nên Ngài quyết đem hết thân tâm tánh mạng của chính mình đốt lên để cúng dường Đức Phật. Thân Ngài cháy trong bao lâu? Rất lâu, lâu đến nỗi không thể kể xiết.
Thiên Thai Trí Giả Đại sư khi xem phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tới đoạn: “Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường,” (đó là chân tinh tấn, đó gọi là chân pháp cúng dường), thì Ngài nhập định. Trong định, ngài thấy Pháp hội Linh sơn, thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn ở đó thuyết pháp, chuyển đại pháp luân, giáo hóa chúng sanh. Ngài liền chứng ngộ Pháp Hoa Tam-muội. Ngài nhập Pháp Hoa Tam muội, và đắc được “Nhất Triền Đà-la-ni.”( ) Sau khi xuất định, trí huệ được rộng mở, Trí Giả Đại sư kiến lập Thiên Thai tông và trở thành Sơ tổ của tông phái này.
Công đức đốt thân cúng Phật của Bồ tát Dược Vương thật bất khả tư nghì; đó mới là tinh tấn chân chánh. Không phải như chúng ta, nhổ một sợi lông tơ trên thân mình cũng tiếc, không nỡ, nên có câu:
“Bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi dã.”
Nhổ đi một sợi lông tơ mà có lợi ích cho tất cả thiên hạ, cũng không làm. Tại sao vậy? Đó là vì ích kỷ, chỉ biết tự lợi mà không biết lợi tha, nên không được gọi là tinh tấn.
Thứ năm là thiền định Ba La Mật. Thiền định có Tứ thiền Bát định. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói tới “cửu thứ đệ định” (chín bậc thiền định liên tiếp); vậy đợi đến phần chánh văn tôi sẽ giảng cặn kẽ, nay không đi sâu vào chi tiết làm gì.
Tứ thiền Bát định là gì? Bây giờ tôi sẽ giới thiệu sơ lược về cảnh giới của Tứ thiền.
“Tứ thiền” gồm có sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Ở cảnh giới Sơ thiền, mạch tim của quý vị sẽ ngừng đập. Đến trình độ Nhị thiền, hơi thở của quý vị sẽ đình chỉ; mũi không còn hơi thở ra vào. Phải chăng như vậy là chết rồi? Không phải, đó chẳng qua chỉ là một trạng thái, một thứ cảnh giới mà thôi. Đến Tam thiền thì thế nào? Bấy giờ, thức sẽ đoạn, niệm cũng đoạn luôn.
Cảnh giới của Sơ thiền là “ly sanh hỷ lạc địa.” Khi quý vị đạt đến cảnh giới hoan hỷ, mạch tim ngừng đập, nhưng tự mình cảm thấy vô cùng hoan hỷ, đó gọi là “ly sanh hỷ lạc địa.” Ở Sơ thiền, định lực vẫn chưa kiên cố.
Đến Nhị thiền, tức là cảnh giới “sanh hỷ lạc địa,” thì định lực kiên cố hơn ở Sơ thiền nhiều. Bấy giờ, hơi thở đoạn dứt, hô hấp bên ngoài đoạn rồi, hô hấp bên trong sống dậy. Chúng ta đều là hô hấp bên ngoài, không hô hấp bên trong được. Nếu hô hấp bên trong được, thì quý vị sẽ không chết, muốn sống bao nhiêu năm cũng được; nhưng sống lâu rồi thì biến thành “quỷ giữ thây,” cứ lo canh giữ “túi da thối” này, thì có ích dụng gì đâu!
Tam thiền gọi là “ly hỷ diệu lạc địa.” “Hỷ” cũng lìa bỏ. Người tu hành nếu nói happy, chính là hoan hỷ, rất hoan hỷ. Tam thiền gọi là “ly hỷ diệu lạc địa,” loại an lạc này vô cùng vi diệu. “Ly hỷ,” lìa bỏ cái hỷ, mà đắc được cảnh giới diệu lạc này.
Cảnh giới của Tứ thiền là “xả niệm thanh tịnh địa,” buông bỏ niệm thức. Nhập vào loại định thứ tư này mới là tiến một bước trên đường tu Đạo. Thế nhưng, quý vị không nên cho rằng chứng được Tứ thiền là việc quá tuyệt vời, bởi đó chỉ là sơ bộ, mới bắt đầu tiến một bước về phía quả vị Phật, chứ vẫn chưa chứng được quả vị A la hán. Đến lúc đó, tất cả những việc trên trời dưới đất quý vị đều có thể biết được, nhưng biết rồi cũng không nên chấp vào cảnh giới. Đó là đại khái cảnh giới của Tứ thiền. Bát định nói đến thì rất dông dài, nay tạm thời chưa giảng đến.
Độ thứ sáu là Bát nhã Ba la mật. “Bát nhã” là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là trí huệ. “Trí huệ” là gì? Người đời thường cho rằng thông minh của thế nhân là trí huệ, kỳ thực không phải như vậy. “Thông minh” là thế gian trí, là thứ kiến thức của thế gian; còn “trí huệ” là xuất thế gian trí. Trí hiểu biết về khoa học, triết học, thanh, quang, điện, hóa v.v…, tất cả những gì mà khoa học phát minh ra đều là trí huệ thế gian, không phải là trí huệ xuất thế gian. Vậy trí huệ xuất thế gian là gì? Đó chính là trí huệ thành Phật. “Trí huệ thành Phật” cũng không chỉ là một loại, mà là ba loại.
Vì sao chữ “Bát nhã” vẫn giữ nguyên, không phiên dịch? Vì từ ngữ “Bát nhã” bao hàm ba nghĩa nên được xếp vào loại “đa hàm bất phiên,” một trong Ngũ chủng bất phiên (năm loại không phiên dịch)—tức là do bao hàm nhiều ý nghĩa nên không phiên dịch ra. Vậy, ba loại Bát nhã là gì? Đó là:
1) Văn tự Bát nhã. Tất cả văn kinh trong kinh điển đều là văn tự Bát nhã.
2) Quán chiếu Bát nhã. Quán chiếu Bát nhã tức là trí huệ từ sự quán chiếu, hồi quang phản chiếu, phản văn văn tự tánh. Mắt của quý vị thường quen nhìn ra ngoài, nay không nhìn ra ngoài nữa mà phải nhìn vào trong, đó gọi là “hồi quang phản chiếu”—quay trở về soi chiếu chính mình. Quý vị có thể hồi quang phản chiếu, đó gọi là quán chiếu Bát nhã. “Quán” là quán sát; “chiếu” là quang minh phổ chiếu. Nếu quý vị dùng ánh quang minh trí huệ đạt được do sự quán sát để chiếu phá hắc ám, soi sáng bên trong quý vị để được trở nên thanh tịnh, không còn rác rưởi dơ dáy nhiễm ô, thì đó là “quán chiếu Bát nhã” vậy.
3) Thực tướng Bát nhã. Ngoài ra, còn có một loại Bát nhã bất khả tư nghì nhất, vi diệu nhất, đó là thực tướng Bát nhã. Cái gì là thực tướng? Thực tướng Bát nhã chính là “liễu nghĩa” mà bộ kinh này nói đến. Liễu nghĩa cũng là thực tướng, thực tướng cũng chính là liễu nghĩa.
Quý vị có lẽ chưa hiểu “thực tướng” là gì và ngần ngại: “Danh từ này đối với tôi thật là xa lạ, tôi không biết tứ ngữ này được giải thích như thế nào!”
Bây giờ tôi bảo cho quý vị biết: “Thực tướng” chính là liễu nghĩa, liễu nghĩa chính là thực tướng. Vậy, thực tướng là gì?
“Thực tướng giả,
vô tướng dã, vô sở bất tướng dã.”
“Thực tướng” là không có tướng, nhưng không gì là không có tướng. Quý vị nói nó không có tướng à? Nó cái gì cũng đều là tướng, nên gọi là “thực tướng.”
“Thực tướng vô tướng, vô sở bất tướng.” Cảnh giới này, nếu quý vị hiểu được thì sẽ trở thành hàng xóm láng giềng của Phật, chỉ còn ở cách xa Phật có một bước. Nhưng cảnh giới này nói thì dễ, mà chứng đắc được thì chẳng dễ chút nào. Tuy không dễ dàng, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ cách để đi trên con đường này. Nếu thấy khó khăn bèn không đi nữa, chẳng hạn như nói: “Tôi muốn đi Nữu Ước, nhưng xa xôi tốn kém quá, đi bằng máy bay hay xe hơi cũng đều tốn rất nhiều tiền. Thôi, tôi không muốn đi nữa!” Quý vị không đi, thì vĩnh viễn không đến được Nữu Ước, không biết được mặt mũi của Nữu Ước là như thế nào! Việc thành Phật cũng thế—quý vị muốn thành Phật, nhưng vì ngại đường đi quá xa xôi diệu vợi, cần phải trải qua một quãng thời gian dài đằng đẳng, cho nên quý vị “vọng dương hưng thán”( ) rằng: “Ôi! Sao mà khó khăn đến thế, tôi không học Phật pháp nữa đâu! Tôi muốn tìm việc gì dễ dễ một chút mà làm thôi! ” Vậy thì quý vị vĩnh viễn sẽ không bao giờ thành Phật được cả!! Nếu quý vị không muốn thành Phật, thì chẳng có gì để nói nữa, điều đó tùy ý quý vị. Nhưng nếu quý vị muốn thành Phật, thì cần phải gắng sức vượt qua mọi khó khăn! Có câu:
“Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch.”
Người nhân, thì trước tiên nhất định phải trải qua một phen khó khăn gian khổ, sau đó mới có thể đạt được sự dễ dàng. Cổ đức có câu:
“Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,
Chẩm đắc mai hoa phác tỵ hương? ”
(Không trải qua mùa đông buốt giá,
Hoa mai sao nở được mùi thơm?)
Hoa mai ở nước Trung Hoa thì ngào ngạt hương thơm, chẳng bù với hoa mai ở nước Mỹ, không có chút hương thơm. Giống mai của Trung Hoa thì khác, ở cách xa một hai dặm người ta vẫn còn ngửi được hương hoa thoang thoảng trong gió. Tại sao hoa mai thơm ngát như vậy? Bởi cây mai ra hoa vào giữa mùa đông, phải chịu đựng cái lạnh thấu xương của mùa đông buốt giá, cho nên hoa tỏa hương rất thơm.
Nói về Thực tướng Bát nhã, có phải là có người có, có người không? Không phải vậy! Mỗi chúng sanh đều có loại Bát nhã này, mỗi chúng sanh đều có thực tướng trí huệ; nhưng cũng giống như “mật nhân” trong kinh này vậy—chỉ vì chúng ta không biết làm cho nó hiển hiện ra mà thôi; tài sản quý giá vốn có của mình, mà mình không hay biết, nên đành chịu làm kẻ bần cùng.
Tự tánh Bát nhã của chúng ta là thực tướng vốn có đầy đủ, nhưng vì tự mình không hiểu rõ, để đến nỗi biến thành một kẻ nghèo nàn đối với pháp.
Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.”
Tất cả những gì có tướng trạng đều là giả tạm; nếu quý vị có thể từ trong hữu tướng mà biết được vô tướng, thì thấy được Như Lai. Quý vị hiểu rõ bổn thể của Pháp, nghiên cứu tận cùng nguồn gốc của Pháp, thì cũng giống như thấy Phật vậy. Thấy được nguồn gốc của tất cả Pháp, chính là thấy Phật. Cho nên, Thực tướng Bát nhã này chính là trí huệ mà mỗi người trong chúng ta đều có, chúng ta cần phải mở được cửa của kho báu trí huệ này, mới có thể làm hiển lộ “bổn lai diện mục” của chính mình.
Trong quá khứ chúng ta không biết có Thực tướng Bát nhã, thì ví như có mỏ vàng đầy ắp mà không ai hay biết vậy. Tuy có vàng, nhưng nếu không ai biết đến để khai quật lên, thì sẽ không thấy được vàng. Có người tuy biết trong mỏ có vàng, nhưng lại không khai thác, thì cũng như không biết vậy, cũng chẳng thể lấy được vàng. Vậy thì cần phải làm gì? Cần phải khai quật mỏ vàng rồi dùng nhân công nỗ lực khai thác, đào xới, gạn lọc, mới có thể lấy được vàng ròng, và bấy giờ vàng mới hiển hiện ra!
Đó cũng chính là gì? Chúng ta mỗi người đều có mỏ vàng, nhưng lại không hề hay biết. Mỏ vàng ấy chính là Thực tướng Bát nhã. Nay chúng ta nghe giảng kinh, biết được Thực tướng Bát nhã, song chúng ta vẫn không dùng được Thực tướng Bát nhã, không khai quật “mỏ vàng” Thực tướng Bát nhã của chính mình, như thế thì cũng như không biết vậy. Người nào phát tâm dũng mãnh tinh tấn tu hành, ra công khai quật “mỏ vàng” Thực tướng trong tự tánh của mình, tất Phật tánh vốn có sẽ hiển lộ: “A! Tôi chính là Phật!”
Đúng vậy! Tất cả mọi người về căn bản đều là Phật, như Đức Phật Thích Ca đã từng nói:
“Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật.”
(Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và đều có thể làm Phật.)
Thế nhưng, chúng ta không thể nói: “Tôi là Phật, bởi ‘tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật.’ Đức Phật nói tôi là Phật, thì tôi chính là Phật rồi! Tôi không cần phải tu hành nữa.” Quý vị không tu, thì như cái mỏ vàng kia, tuy quý vị biết đó là mỏ vàng, nhưng nếu không ra sức khai thác, thử hỏi quý vị có thể lấy được vàng không? Hẳn nhiên là không! Vì vậy, mọi người đều phải chăm chỉ tu tập!
Vừa rồi là nói về Lục độ. “Lục độ” còn gọi là Lục Ba la mật. Thế thì “Ba la mật” nghĩa là gì? “Ba la mật” là tiếng Phạn và ngụ ý là sự thành công rốt ráo. Việc gì thành công, viên mãn rồi, thì gọi là Ba la mật. Quý vị muốn học Phật để rốt ráo thành Phật, thì thành Phật tức là Ba la mật. Quý vị học Đại học mong lấy được học vị Tiến sĩ, thì đậu Tiến sĩ là Ba la mật. Bụng đói cồn cào nên muốn ăn cơm, thì ăn no rồi là Ba la mật. Quý vị muốn ngủ, bèn nằm xuống ngủ một giấc, đó cũng là Ba la mật.
Nhẫn nhục là Ba la mật, tinh tấn cũng là Ba la mật, thiền định, bố thí, trì giới, Bát nhã—tất cả đều là Ba la mật. Làm xong công việc gì một cách thành công, viên mãn, thì đều gọi là Ba la mật. Theo tiếng Trung Hoa, “ba la” tức là trái khóm, và “mật” là mật đường, hàm ý ngọt ngào. Vì thế, có thể nói rằng hoàn tất công việc gì đó một cách viên mãn, hoặc nếm được vị ngọt của trái cây rồi, thì đều gọi là “Ba la mật.”
Vậy, trên đây là nói về Lục độ Ba la mật, những hạnh môn mà bậc Bồ tát hành trì.
Mỗi người đều có thể học Bồ tát phát tâm, tu hạnh Bồ tát, làm việc Bồ tát—đó là Bồ tát sơ phát tâm. Bồ tát thì không ích kỷ, không bao giờ nói rằng: “Chỉ có ta mới được làm Bồ tát! Ngươi không thể làm Bồ tát, ngươi không thể so sánh được với ta.” Không phải vậy! Không những chúng ta có thể làm Bồ tát, mà còn có thể làm Phật nữa. Mọi người đều có thể làm Phật. Tôi tin rằng mỗi người hiện có mặt tại đây, nhất là những người đã từng nghiên cứu Phật học lâu năm, đều biết rằng mình có thể thành Phật, nên tôi không nói nhiều về điều đó.

“Thủ Lăng Nghiêm.” Nay giảng đến chữ “Thủ Lăng Nghiêm.” “Thủ” có nghĩa là đệ nhất, hàng đầu, đầu của sự việc. Đầu một việc là gì? Là Lăng Nghiêm. “Lăng Nghiêm” (Shurangama) là tiếng Ấn Độ, Hán dịch là “nhất thiết sự cứu cánh kiên cố.”
“Nhất thiết sự” là gì? “Nhất thiết sự” tức là tất cả mọi sự việc. Tất cả sơn hà đại địa, nhà cửa phòng ốc, tất cả người, vật, các loài noãn thai thấp hóa, các loại vấn đề, các thứ đạo lý…–hết thảy đều được bao gồm trong “nhất thiết sự.” “Nhất thiết sự” có thể triệt để kiên cố, tức có thể đắc được bổn thể của định, đắc được định của “mật nhân.” Phải đắc được định của “mật nhân” thì mới có thể chứng đắc “liễu nghĩa.”
Chứng đến trình độ liễu nghĩa rồi, nếu lại tu Lục độ Vạn hạnh của hàng Bồ tát, thì đắc được đại hạnh. Đắc đại hạnh rồi sau đó thành tựu quả của đại định “nhất thiết sự cứu cánh kiên cố,” tức là được đại quả. Vậy, “Đại Phật Đảnh” này chính là “đại nhân, đại nghĩa, đại hạnh, đại quả.” Do đã đạt được chỗ vi diệu của bốn loại “đại” này, nên lại có thể gọi là diệu nhân, lại có thể gọi là diệu nghĩa, lại có thể gọi là diệu hạnh, lại có thể gọi là diệu quả. Tuy bốn thứ “nhân, nghĩa, hạnh, quả” đều đắc được chữ “diệu” rồi, song chữ “diệu” vẫn không thể hoàn toàn thay thế trọn vẹn bốn ý nghĩa trên, nên dùng chữ “đại” vậy.
“Nhất thiết sự cứu cánh kiên cố” là định. “Định” thì khác với “bất định”; “định” và “bất định” là hai thứ không giống nhau. Thế nào gọi là “bất định”? Như chúng ta muốn làm một việc gì mà do dự, không quyết định dứt khoát, trong lòng thì muốn đi tới hướng nam, nhưng chân lại không nghe lời, cứ theo hướng bắc mà đi; hoặc thâm tâm thì muốn làm việc tốt nhưng không tự chủ được, nên bị lôi cuốn theo việc xấu—như thế gọi là “bất định,” do dự bất định. Cũng như thế, nếu làm việc mà không có hằng tâm, thì sẽ không kiên cố, lâu dài. “Hằng tâm” chính là cái tâm thường hằng bất biến.
Vì thế, nay chúng ta học Kinh Lăng Nghiêm, mọi người cần hội đủ ba điều kiện là kiên, thành, hằng.
1) Kiên. “Kiên” là kiên cố, vĩnh viễn bất biến. Chẳng hạn nói: “Tôi quyết học Kinh Lăng Nghiêm, bất luận khó khăn đến đâu đi nữa, tôi cũng học cho đến khi nào hiểu được các đạo lý trong kinh mới thôi!” Quý vị không thể “giữa đường mà đánh trống rút lui,” không thể mới đi được nửa đường mà lại bỏ cuộc.
Có người nói: “Học suốt mấy ngày trời mà cũng chưa hiểu được. A! Khó quá, thôi, không học nữa!” Đó gọi là “bán đồ nhi phế,” nửa đường bỏ phế, dở dang; chứ không phải là kiên cố.
2) Thành. “Thành” là thiết tha thành khẩn, niệm niệm không quên. Quý vị học tập kinh điển thì cần phải “phát phẫn vong thực,”( ) vui mà quên ăn quên ngủ: “Tôi quyết chí đến đây học Kinh Lăng Nghiêm, tôi nhất định học cho tới nơi tới chốn. Tôi nằm đó nhưng không ngủ, lúc này tôi không nghĩ tới điều gì khác ngoài những đạo lý nghe được trong kinh!”
3) Hằng. “Hằng” là hằng viễn, không đổi dời. Quý vị không nên mới học được hai hoặc ba ngày là đã đổi ý, muốn rút lui: “Chao ôi, kinh này khó hiểu quá! Phật pháp thật là khô khan vô vị, học tới học lui cũng không thấy có gì hứng thú. Thôi, mình đến công viên hoặc là chỗ nào khác chơi cho xong. Nghiên cứu kinh điển không có thực dụng; nay là thời đại của khoa học kỹ thuật, mà cứ nghiên cứu các thứ sách vở xưa cũ này, thật không có thú vị gì cả!”; bởi như thế là không có hằng tâm.
Không có hằng tâm thì không phải là “cứu cánh kiên cố.” Có hằng tâm chính là cứu cánh kiên cố, có thành tâm cũng chính là cứu cánh kiên cố. Quý vị có tâm kiên cố thành khẩn và tâm hằng viễn thì càng là “cứu cánh kiên cố.” Không vì hoàn cảnh làm cho thay đổi chuyển dời, đó chính là định lực vậy.
Trên đây là ý nghĩa khái quát của mười chín chữ trong phần biệt danh của bộ kinh này. Bây giờ tôi sẽ giải thích chữ “kinh,” thông danh của mọi kinh điển.

Kinh.” “Kinh,” tiếng Ấn Độ gọi là Tu đa la (Sutra), Trung Hoa dịch là “khế kinh.” “Khế” là khế hợp—trên thì khế hợp với giáo lý của chư Phật, dưới thì khế hợp với căn cơ của chúng sanh—phàm là “khế lý, khế cơ” thì gọi là “kinh.”
“Kinh” có nghĩa là gì? “Kinh” là con đường. Tại sao gọi là “con đường”? Tất cả kinh điển đều có thể giúp chúng ta từ phàm phu mà đạt đến các quả vị Thánh nhân và quả vị Phật, cho nên “kinh” ví như con đường vậy.
“Kinh” có bốn ý nghĩa, trước kia tôi đã giảng rồi, nhưng có nhiều người chưa được nghe qua, nay tôi sẽ giảng lại. Bốn ý nghĩa đó là: 1) Quán; 2) Nhiếp; 3) Thường; và 4) Pháp.
1) Quán. “Quán” là “quán xuyên sở thuyết nghĩa”—những nghĩa lý mà Phật thuyết ra được nối kết trong kinh giống như dùng một sợi dây xâu kết lại thành chuỗi vậy.
2) Nhiếp. “Nhiếp” là “nhiếp trì sở hóa cơ.” “Cơ” nghĩa là gì? Đó là đối với chúng sanh nào thì thuyết pháp gì cho thích hợp, thuyết pháp gì thì độ được chúng sanh nào; cho nên nói: “Tùy người thí giáo, tùy bệnh cho thuốc.” Vì người này nên thuyết pháp này, đó gọi là “tùy người thí giáo.” “Tùy bệnh cho thuốc,” tức là thấy chúng sanh mắc bệnh gì thì cho thuốc trị bệnh đó. Như thế cũng gọi là “quán cơ đậu giáo,” xét theo căn cơ mà thuyết giảng giáo pháp thích ứng.
3) Thường. “Thường” là gì? “Cổ kim bất biến viết thường”—xưa nay không thay đổi gọi là “thường.” Kinh điển thì từ xưa đến nay không hề thay đổi, một chữ cũng không bỏ, một chữ cũng không thêm; vì không thay đổi nên gọi là “thường.”
4) Pháp. Còn “pháp” nghĩa là gì? “Tam thế đồng tuân viết pháp.” Tam thế là ba đời—đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai. Chúng sanh trong ba đời đều phải tuân theo giáo pháp trong kinh mà tu Đạo, mà thành Phật, mà giáo hóa chúng sanh—tất cả đều phải y theo pháp mà làm. Bởi đầy đủ bốn ý nghĩa “quán, nhiếp, thường, pháp” nên gọi là “kinh.”
“Kinh” ví như cục nam châm có khả năng hút sắt. Chúng sanh ví như thỏi sắt, sắt gặp phải nam châm liền bị hút vào—đó là ý nghĩa của chữ “nhiếp” vừa nói ở trên.
Phật pháp ví như khối nam châm, chúng sanh ví như thỏi sắt. Nam châm hút sắt tức là thu hút, lôi kéo thỏi sắt về phía cục nam châm. Kinh Lăng Nghiêm có thể gọi là “cục nam châm” Lăng Nghiêm. Thường thì cục nam châm rất kiên cố, nhưng Kinh Lăng Nghiêm thì kiên cố hơn thế nữa—hễ đã “hút” chúng sanh nào rồi thì chúng sanh ấy không còn đọa lạc, không bị sa địa ngục, không phải làm ngạ quỷ, cũng chẳng phải làm súc sanh nữa. Tại sao vậy? Vì đã được đại định kiên cố “hút” chặt, muốn chạy cũng chạy không được, muốn thoát cũng thoát không xong. Thật là vô cùng huyền diệu!
Toàn bộ kinh điển Phật giáo được chia làm mười hai bộ (thập nhị bộ kinh), còn gọi là mười hai loại, mười hai môn hoặc mười hai phần giáo:
1) Trường hàng bộ. Bộ thứ nhất là Trường hàng. “Trường hàng” là gì? Trong kinh thường dùng thể văn có từng hàng từng hàng và rất dài, nên gọi là “trường hàng” (văn xuôi).
2) Trùng tụng bộ. Đây là những bài kệ (văn vần) được “trùng tụng,” nhắc lại ý nghĩa của đoạn trường hàng bên trên.
3) Thọ ký bộ. Gì là “thọ ký”? Trong kinh điển thường đề cập đến việc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ghi nhận trước cho một vị Bồ tát nào đó rất rõ ràng, như: “Vào kiếp (nào đó), ông sẽ thành Phật, danh hiệu là (gì đó), thọ mạng (bao lâu), giáo hóa (bao nhiêu) chúng sanh, ở quốc độ (nào) …” Đó gọi là “thọ ký.”
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xưa kia cũng đã từng được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho.
Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở nhân địa tu hành đạo Bồ tát, cầu Phật pháp, quý vị đoán xem thành tâm của Ngài đã được thể hiện như thế nào? Khi đang hành trì Bồ tát đạo, Ngài đã từng “trải tóc che bùn” cho Đức Phật Nhiên Đăng bước qua. “Trải tóc che bùn” là thế nào?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tu hành ở nhân địa, Ngài thực hành đủ thứ khổ hạnh. Có một lần, Ngài đang đi thì thấy có một vị Tỳ kheo cũng đang đi tới và sắp phải vượt qua một quãng đường rất lầy lội, nước mưa đọng thành từng vũng. Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, quý vị đoán xem Ngài làm gì? Ngài nói: “Ôi! Chỗ này lầy lội quá, vị Tỳ kheo này tuổi đã cao, không khéo thì sẽ bị ướt hết!”
Thế là, Ngài nằm dài trên vũng nước, và thỉnh vị Tỳ kheo già giẫm lên thân mình mà đi. Bấy giờ, vẫn còn một chỗ bùn lầy mà thân Ngài không che hết được. Vì ngại rằng chân của vị Tỳ kheo sẽ bị lấm bùn, Ngài bèn xổ tóc ra và trải lên chỗ bùn lầy đó để cho vị Tỳ kheo đi qua khỏi bị dơ chân. Ngờ đâu vị Tỳ kheo già đó chính là Đức Phật Nhiên Đăng!
Chứng kiến một sự cúng dường thành tâm như thế, Đức Phật Nhiên Đăng rất hoan hỷ, nói rằng: “Như thị, như thị”; tức là: “Ông ‘như vậy,’ tôi cũng ‘như vậy’.” “Như vậy” là gì? Nghĩa là hành Bồ tát đạo là “như vậy.” Bởi vì Đức Phật Nhiên Đăng trong quá khứ tu hành Bồ tát đạo cũng “như vậy,” nên cho rằng tu hành “như vậy” là đúng, và liền thọ ký cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Trong tương lai, Ông sẽ thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni.” Do vậy, kiếp này Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật. Trong đời quá khứ đó, vì cảm động trước lòng thành của Đức Thích Ca Mâu Ni nên Đức Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ngài.
4) Nhân duyên bộ. Do có vô số nhân duyên nên thuyết vô số pháp môn.
5) Tỷ dụ bộ. “Tỷ dụ” có nghĩa là lấy vật này so sánh với việc nọ, dùng ví dụ để hiển minh chỗ vi diệu của Phật pháp.
6) Bổn sự bộ. Bộ này gồm những kinh văn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể lại các sự việc trong đời quá khứ của chính Ngài, hoặc của các Bồ tát.
7) Bổn sanh bộ. Đây là những kinh văn nói về các sự việc xảy ra trong đời hiện tại này của Đức Phật Thích Ca hoặc của các Bồ tát khác.
8) Phương quảng bộ. “Phương” là bốn phương, “quảng” là rộng lớn. Giáo pháp được tuyên thuyết thì cực kỳ rộng lớn và vô cùng tinh vi.
9) Vị tằng hữu bộ. Đây là những giáo pháp mà từ trước tới nay chưa từng tuyên thuyết, đến bây giờ mới được nói ra.
10) Bất vấn tự thuyết bộ. Không có người thưa thỉnh mà Đức Phật tự phóng hào quang, đại địa rúng động, và Phật bắt đầu thuyết pháp—đó gọi là “bất vấn tự thuyết.”
11) Cô khởi bộ (còn gọi là “phúng tụng”). Đây là những bài kệ tụng riêng lẻ, mà ý tứ không liên quan gì với đoạn văn trên, cũng không liên quan gì với đoạn văn dưới.
12) Luận nghị bộ. Đây là những kinh văn có tính cách vấn đáp biện luận.
Trên đây là mười hai bộ kinh điển. Có bài kệ như sau:
Trường hàng, Trùng tụng tịnh Thọ ký,
Cô khởi, Vô vấn nhi tự thuyết,
Nhân duyên, Tỷ dụ cập Bổn sự,
Bổn sanh, Phương quảng, Vị tằng hữu,
Luận nghị, cộng thành thập nhị bộ.
Quý vị muốn hiểu tường tận hơn thì có thể tham khảo thêm ở bộ Đại Trí Độ Luận, trong đó giải thích rất cặn kẽ về sự phân loại mười hai bộ kinh điển.
Phải chăng Tam Tạng kinh điển chỉ vỏn vẹn có mười hai bộ kinh phân loại theo mười hai bộ này? Không phải vậy! Kỳ thực, mỗi bộ kinh đều bao quát mười hai bộ này, và mỗi đoạn kinh văn đều thuộc một trong mười hai bộ.
Vậy, trên đây là môn phân biệt thứ nhất, Tổng thích danh đề. Bây giờ chúng ta tìm hiểu môn phân biệt thứ hai—Khởi giáo nhân duyên.

II. Khởi Giáo Nhân Duyên
“Giáo” là gì? “Giáo” là “thánh nhân bị hạ chi ngôn,”—những lời truyền dạy của bậc thánh nhân, chư Phật và chư Bồ tát, để giáo hóa chúng sanh, gọi là “giáọ” Vậy, “giáo” được sanh khởi như thế nàỏ “Giáo” sanh khởi thì cần phải có nhân duyên, có lý do; thế thì nhân duyên là từ đâu đến? Nhân duyên vốn từ chúng sanh mà đến—nếu không có chúng sanh thì không có Phật, mà nếu không có Phật thì cũng không có “giáọ” Cho nên, “giáo” là vì chúng sanh mà thiết lập; và nhân duyên là để khiến cho chúng sanh được liễu thoát sanh tử; vì thế mà có “giáo” vậy.
Làm thế nào để khiến cho chúng sanh được liễu sanh thoát tử? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì muốn cho chúng sanh được liễu thoát sanh tử mà thị hiện ở đời.
Trong Kinh Pháp Hoa có chép: “Phật vi nhất đại sự nhân duyên, xuất hiện ư thế.” (Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời.)
Đại sự đó là gì? Đại sự đó chính là vấn đề sanh tử của mỗi một chúng ta—chúng ta sanh là từ đâu đến, chết là đi về đâủ Đạo lý này nếu chúng ta không hiểu rõ thì có sanh tử, hiểu rõ rồi thì sẽ không còn sanh tử nữạ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến thế giới này chính vì muốn dạy cho chúng sanh chúng ta hiểu rõ được: “Sanh” là như thế nào? “Tử” là ra làm saỏ “Sanh” là từ đâu đến, mà “tử” thì đi về đâu?
Chúng ta khi có sanh mạng, đến thế giới này đều là bôn ba bận rộn vì cuộc sống. Tại sao vậỷ Con người vì cái ăn cái ở mà bận rộn, vì miếng cơm manh áo mà bôn ba … Nếu hỏi một người nào đó: “Tại sao bạn phải đi làm?”; thì sẽ được trả lời rằng: “Vì hai bữa ăn!”
Đó là tư tưởng của người Trung Hoa—vì hai bữa ăn! Thật ra, bất luận là người Trung Hoa hay là người nước nào đi nữa, ai nấy đều chỉ vì miếng cơm manh áo mà bôn ba bận rộn. Thế nhưng, chẳng có ai vì sanh tử mà chộn rộn lo toan, cũng chẳng có ai suy tư nghĩ ngợi: “Tại sao tôi đến thế giới này? Tôi đến như thế nào? Từ đâu mà đến?” 
Thường thì khi gặp gỡ, người ta niềm nở hỏi han nhau: “Chẳng hay anh từ đâu đến ạ? Anh đến đây được bao lâu rồỉ”; song, không có người nào tự hỏi chính mình: “Tôi vốn từ đâu đến?”
Chúng ta, ngay cả mình từ đâu đến cũng chẳng nhớ được, thế nơi mình sẽ đi tới thì thế nào? Thì chúng ta cũng quên luôn! Rồi đến khi cận kề cái chết thì mới cuống cuồng hốt hoảng: “Tôi chết rồi sẽ đi về đâủ”; bấy giờ mới hay là mình đã quên, không nhớ nghiên cứu vấn đề này! 
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thấy mọi người không còn nhớ tới “đại sự sanh tử,” cho nên Ngài đến thế giới này để nhắc nhở chúng ta cần phải chú ý và nghiên cứu vấn đề đó. 
Trong Phẩm Phương Tiện của Kinh Pháp Hoa có nói rằng chư Phật Thế Tôn chỉ do một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở thế gian. Đó là muốn cho chúng sanh “khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”—Đức Phật vì muốn cho chúng sanh khai mở tri kiến Phật để được thanh tịnh nên xuất hiện ở đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh biết nên Phật xuất hiện ở đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật nên Phật xuất hiện ở đời; vì muốn cho chúng sanh thâm nhập đạo tri kiến Phật nên Phật xuất hiện ở đời.
“Khai Phật tri kiến” là gì? Tất cả chúng sanh đều đầy đủ tri kiến Phật, trí huệ bổn lai đều giống như Phật; tuy nhiên, bổn tánh này ví như mỏ vàng đang đợi sự khai phá, chưa hiển lộ vậy. Nay quý vị biết mình vốn có Phật tánh, có thể “y pháp tu hành,” thì cũng như khai thác mỏ vàng, lấy được thứ vàng ròng không có tạp chất cặn bã (nếu còn lẫn tạp chất thì không phải là vàng ròng). 
Như vậy, Phật tánh vốn có của chúng ta, trí huệ vốn có của chúng ta thì ở đâu? Phật tánh vốn có thì ở ngay trong phiền não của mỗi chúng ta! Mỗi người đều có phiền não, mỗi người đều có Phật tánh. Song, chỉ vì chúng ta chưa làm cho Phật tánh của mình hiển lộ được, vì thế mà biến thành phiền não.
Nay tôi đưa ra một ví dụ. Phiền não của chúng ta ví như nước đá, trí huệ ví như nước. Nước có tánh ướt, mà nước đá cũng có tánh ướt. Nước là dụ cho trí huệ, nước đá là dụ cho phiền não — trong trí huệ và phiền não đều hàm tàng Phật tánh. Phật tánh là gì? Là tánh ướt của nước. Quý vị không thể nói rằng nước đá không có tánh ướt, cũng không thể nói rằng nước không có tánh ướt—cả nước và nước đá đều có tánh ướt. Nhưng, nước đá có thể hại người; nước thì không thể làm hại người.
Có người hẳn không đồng ý, nói rằng: “Thầy giảng điều này nghe cũng có lý, nhưng con thấy có điểm không hợp lý. Tại sao vậỷ Nước đá có thể hại người, điều này thì con biết rồị Thầy thường nói là nếu dùng tảng nước đá đánh người ta thì có thể đưa đến tử thương, cho nên nước đá có gây hại cho con ngườị Nhưng mình có ra tay đánh đập thì người kia mới chết!” 
“Đánh người” là thế nàỏ Chính là sanh phiền não; sanh phiền não thì giống như đánh người khác vậy. Một bát nước khi chưa đông thành đá, quý vị dội lên mình người khác thì họ không cảm thấy đau đớn gì cả; tuy nhiên, nếu sau khi bát nước ấy đông thành nước đá rồi, quý vị cầm đánh vào đầu người khác, thì có thể làm bể đầu, thậm chí có thể chết người. Đạo lý này rất rõ ràng. 
Người có trí huệ, dù có mắng chửi người khác thì cũng từ tốn, chừng mực: “Ông không nên làm như thế!” Người có trí huệ khi nói chuyện thì ngôn từ và giọng nói của họ đều khiến cho người nghe rất hoan hỷ, giống như được dội gáo nước mát lên mình, không cảm thấy đau đớn gì cả.
Nếu quý vị có phiền não, quý vị dùng phiền não để mắng người khác một cách thô lỗ: “Cái vô minh của ông quá to!”; khiến người ta sanh phiền não, bực bội, thậm chí còn gây gỗ đánh nhau nữạ Đánh nhau thì nhất định có tổn thương, có thiệt hạị Đó là sự khác nhau giữa nước đá và nước, cũng là điểm bất đồng giữa phiền não và trí huệ vậy.
Nước đá và nước đều có tánh ướt; tánh ướt này là dụ cho Phật tánh. Nếu mỗi người trong chúng ta có thể biến phiền não thành trí huệ, thì chúng ta có thể “phản bổn hoàn nguyên.” Nước không phải là nước đá, nhưng quý vị không thể nói rằng nước đá không phải là nước, bởi nước đá là do nước hóa thành. Quý vị cũng không thể nói rằng nước không phải là nước đá, vì nước đá có thể tan thành nước và nước cũng có thể đông thành nước đá! 
Tương tự như thế, quý vị không thể nói rằng chúng sanh không phải là Phật, cũng không thể nói rằng Phật không phải là chúng sanh. Kỳ thực, Phật là Phật của chúng sanh, chúng sanh là chúng sanh của Phật. Đạo lý này—như nước đá chính là nước và nước chính là nước đá—chẳng qua là một sự chuyển biến. Nếu quý vị không chuyển biến, thì có chỗ tai hại; nếu quý vị chuyển biến thì được sự lợi ích. 
Có người phản đối: “Thầy nói nước không làm hại ai, nhưng nước lớn cũng có thể dìm chết con người được vậy?” 
Quý vị nói rất đúng! Thế nhưng, đó là nói về trường hợp nước lớn hoặc nước lũ, còn trong ví dụ mà tôi nêu ra ở đây thì chỉ đề cập đến một lượng nước nhỏ mà thôi! Tôi nay lấy nước ít để làm ví dụ; nếu quý vị muốn dùng lời vấn nạn không hợp đạo lý thì rất là nhiều, không bao giờ cạn. Vì thế, nay quý vị chỉ cần nắm được ý chính và đừng để cho mình bị chướng ngại bởi một hiện tượng cá biệt: “A! Thầy nói nước không làm hại người ư? Nước lớn có thể dìm chết người đấy! Tôi không tin những điều Thầy vừa giảng đâu!” 
Nếu quý vị không tin, thì tôi giảng bất cứ điều gì quý vị cũng không tin. Nếu quý vị tin, thì tôi nói trứng mọc trên cây, quý vị cũng tin như thường; và nếu vậy, quý vị sẽ có trí huệ. Nếu không có được lòng tin như thế, quý vị sẽ không bao giờ nảy sanh trí huệ chân chánh. Trí huệ chân chánh là từ ngu si chân chánh mà rạ Cho nên, nước đá biến thành nước, đó là trí huệ; nước biến thành nước đá, đó là ngu sị Phiền não chính là ngu si. Tại sao quý vị sanh phiền não? Bởi vì quý vị chưa hiểu rõ; nếu hiểu rõ rồi thì làm gì còn có phiền não nữa? Nếu quý vị thấu triệt, thì sẽ không có phiền não!
Vì thế, tôi giảng kinh là giảng cái “lý,” quý vị không nên xen cái “sự” vào. Giảng đạo lý, quý vị không nên dùng “sự” để bình luận “lý,” bởi sự và lý vốn không giống nhaụ Quý vị phải lắng nghe từ từ, nghe nhiều rồi quý vị sẽ biết lời giảng của tôi là đúng; quý vị nghe ít hoặc mới nghe lần đầu, thì cảm thấy hoàn toàn xa lạ: “Thầy giảng cái gì tôi không hiểu!” Bởi quý vị vốn chưa hề nghe qua thì làm sao hiểu được!
Nếu quý vị chưa từng nghe qua mà đã thông hiểu, vậy thì trí huệ của quý vị quá tuyệt vời rồi! Có thể trong đời quá khứ quý vị đã nghe rồi, nhưng trong đời này thì đây là lần đầu tiên. Mới nghe lần đầu thì thường thấy bỡ ngỡ, có đôi chút xa lạ, song nghe nhiều lần thì sẽ trở nên quen thuộc. Cũng như quý vị lần đầu tiên gặp một người nào đó thì thấy ngờ ngợ: “A! Không biết mình có quen người này không nhỉ? Mình có gặp người này ở đâu rồi thì phảỉ” Tuy nhiên, sau nhiều lần gặp gỡ, quý vị có thể nhận ra một cách dễ dàng: “Tôi biết người này!” Việc nghe kinh thì cũng cùng một đạo lý như vậy.
Một khi hiểu rõ tự tánh của mình chính là Phật tánh, thì quý vị có thể biến phiền não thành Bồ đề. Bồ đề là đạo lý giác ngộ, thế thì quý vị giác ngộ được điều gì? Giác ngộ được rằng chúng ta không nên chấp trước. Hễ có chỗ chấp trước thì quý vị sẽ không thể trở nên giác ngộ; do đó, quý vị không nên chấp trước, bất cứ sự việc gì cũng không nên chấp trước cả. Tôi thì chưa được giác ngộ, nhưng tôi không có lòng chấp trước!
Có người nói rằng: “Thầy không có chấp trước, nhưng Thầy vẫn chưa được giác ngộ, vậy thì Thầy và chúng con giống nhau!” 
Tôi và quý vị không giống nhau! Nếu quý vị không còn tâm chấp trước, thì quý vị có thể trở nên giác ngộ. Còn tôi, tôi chưa giác ngộ bởi vì tôi không muốn được giác ngộ. Sở dĩ tôi không muốn giác ngộ là vì tôi muốn sống chung với chúng sanh. Tâm lượng của quý vị và của tôi không giống nhaụ Tôi thấy người nào cũng tốt cả, nên tôi không nỡ từ bỏ chúng sanh, nên tôi không muốn giác ngộ. Tôi bảo cho quý vị phương pháp để quý vị trở nên giác ngộ, kỳ thực, đó chính là tôi phát tâm Bồ tát. Phát tâm Bồ tát là muốn cho mọi người đều được sung sướng hạnh phúc, còn đối với bản thân mình thì không hề để ý đến.
Tôi thường nói rằng nếu tất cả quý vị đều có thể thành Phật, thì dù có phải xuống địa ngục chịu vô lượng thống khổ, tôi cũng cam lòng. Cho nên, nay tôi bảo cho quý vị biết về phương pháp này, như có thức ăn ngon thì tôi muốn để dành cho mọi người, còn tôi thì chỉ nếm qua cho biết mùi vị là được rồị Nay đối với mùi vị giác ngộ cũng vậy, bởi tôi đã được nếm chút ít rồi, nên tôi cũng muốn cho quý vị được thưởng thức cho biết. Muốn nếm được mùi vị giác ngộ thì quý vị cần phải đoạn trừ phiền nãọ Khi không còn phiền não, không còn vô minh, thì trí huệ sẽ nảy sanh và nhân đó mà được giải thoát. Vậy, đó gọi là “khai Phật tri kiến.” 
Quý vị khai mở tri kiến của Phật—khai quật mỏ vàng—rồi, thì cần phải “thị Phật tri kiến.” “Thị” tức là chỉ thị, chỉ ra cho thấỵ Tri kiến Phật khai mở rồi thì quý vị cần phải nỗ lực dụng công, cũng như khai thác mỏ vàng cần có nhiều nhân công cần cù làm việc vậy. Làm những việc gì? Trước tiên, quý vị phải đào xới, sau đó từng chút từng chút đãi sạn lọc cát, loại bỏ tạp chất để lấy được vàng ròng. Cho nên cần phải chỉ bày chúng sanh làm thế nào để có được vàng ròng thật sự. Đây chính là “thị Phật tri kiến,” chỉ cho chúng ta biết về tri kiến Phật vốn có của mình. 
Kế đến là phải “ngộ Phật tri kiến.” Chỉ thị rồi, thấy biết rồi, thì tự bản thân quý vị phải tu hành, phải dụng công. Chúng ta ngày ngày tọa thiền, thì một ngày nào đó sẽ hoát nhiên quán thông, lập tức khai ngộ. Khai ngộ điều gì? Quý vị ngộ ra rằng: “Ồ! Thì ra là như vậy!” Bấy giờ, quý vị chân chánh hiểu rõ, chân chánh tỏ ngộ vấn đề nhân sanh; đó gọi là “ngộ Phật tri kiến.” 
Tri kiến của Phật không giống với tri kiến của chúng sanh chúng ta. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối toàn là vọng tưởng, chấp trước; hễ có ai đối với mình không tốt thì liền sanh lòng phiền não: “Anh tệ với tôi quá!” Tại sao người ta đối xử tệ bạc với quý vị? Nếu quý vị đối với người ta tốt, thì làm sao lại có người không tốt với quý vị được? Hiểu rõ đạo lý này thì sẽ không có người nào là không tốt với quý vị cả, vì vấn đề không phải là người ta không tốt với mình, mà là chính mình không tốt với người ta!
Một bàn tay vỗ thì không phát ra tiếng; hai bàn tay vỗ vào nhau thì mới có âm thanh phát ra. Quý vị vỗ một bàn tay thì có ra tiếng không? Tất nhiên là không rồi! Cho nên, nếu quý vị thật lòng đối xử tốt với mọi người, thì mọi người cũng sẽ đối xử tốt lại với quý vị. Như quý vị thấy, người người đều đảnh lễ Đức Phật, hết lòng cung kính, tôn sùng Phật; vì sao người ta đối với Phật cung kính như thế? Bởi vì Phật là tốt thật sự, nên không có ai là không tốt với Phật cả!
Có người nói: “Điều này thì con không tin, vì cũng có người hủy báng Phật, nói Phật là không tốt!”
Kẻ hủy báng Phật, thì dứt khoát không được xem là con người! Kẻ hủy báng Phật là kẻ như thế nàỏ Đó là những kẻ do không hiểu đạo lý làm người, nên mới hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng. Họ nói Phật không đúng, nhưng thật ra, căn bản là họ không hiểu vấn đề nhân sanh; nếu hiểu được đạo lý nhân sanh, hiểu được đạo lý làm người, chắc chắc họ sẽ không sanh tâm hủy báng Tam Bảo như thế. 
Sau khi “ngộ Phật tri kiến” rồi thì cần phải “nhập Phật tri kiến,” cần nỗ lực chuyên tu. Thế nào là “nhập Phật tri kiến”? Quý vị cần phải nỗ lực dụng công, hiểu rõ rồi thì sau đó phải dụng công thực hành, hồi quang phản chiếu, soi chiếu nội tâm của quý vị. Bấy giờ, trong tâm quý vị khai mở được trí huệ chân chánh, và đó là “nhập Phật tri kiến”—trí huệ ấy thì giống như tri kiến của Phật vậy, không hai không khác. 
Trên đây là nói về “khai, thị, ngộ, nhập, Phật chi tri kiến”—là nhân duyên tổng quát của một đời giáo hóa chúng sanh của Đức Phật. Ngài đã vì chúng sanh mà thuyết pháp trong suốt bốn mươi chín năm, đàm kinh hơn ba trăm hộị Nếu nói riêng về nhân duyên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm, thì có sáu nhân duyên; và đó là: 1) Thị đa văn, hốt định lực; 2) Cảnh cuồng huệ hộ tà tư; 3) Chỉ chân tâm, hiển căn tánh; 4) Thị tánh định, khuyến thực chứng; 5) Tiêu đảo tưởng, trừ tế hoặc; và 6) Minh nhị môn, lợi kim hậụ Bây giờ chúng ta hãy tuần tự tìm hiểu sáu nhân duyên này.
1. Thị đa văn, hốt định lực. 
Nhân duyên thứ nhất là “thị đa văn, hốt định lực” (cậy đa văn, xao lãng định lực). “Thị” là cậy vào, ỷ lại; ỷ lại vào cái gì? Ỷ lại vào đa văn! “Đa văn” là gì? “Đa văn” là nhiều kiến văn, học rộng biết nhiều, đọc kinh nghe pháp nhiều, trí thức cũng nhiềụ Tôn giả A Nan có năng lực đa văn—Ngài theo hầu Phật suốt mấy mươi năm, mà mỗi pháp hội Phật nói ra điều gì, Ngài đều nhớ rất rõ ràng. Hễ nghe rồi là không bao giờ quên, trí nhớ của Ngài vô cùng tuyệt vời; đó gọi là “đa văn.”
Khả năng “đa văn” của ngài A Nan không phải là loại “bác văn cưỡng ký.” “Bác” tức là quảng bác, rộng lớn; “bác văn” nghĩa là xem rất nhiều sách. “Cưỡng ký” là ép cho nhớ, nhớ một cách miễn cưỡng. Cho nên, “bác văn cưỡng ký” là vận dụng tâm sức để nhồi nhét vào đầu, cố gắng để ghi nhớ những đạo lý trong sách. Ngài A Nan thì không như thế—Ngài nhớ tất cả mọi việc một cách tự nhiên, chẳng chút miễn cưỡng, gượng ép. 
Thông thường, người có trí nhớ tốt, ghi nhớ được rất nhiều đạo lý, thì dễ sanh tâm ỷ lại. Ỷ lại như thế nào? Người ấy có thể là trở nên tự phụ: “Anh xem, tôi hiểu biết nhiều hơn anh!”; hoặc là khoe khoang: “Tôi học rất nhiều. Tôi có nhiều bằng cấp lắm, nào là tiến sĩ khoa học, triết học, văn học... Quý vị xem! Tôi có cả trăm học vị tiến sĩ trong tay đấy!” Ngài A Nan có chỗ ỷ lại là sự học rộng nghe nhiều; đó gọi là “thị đa văn,” cậy vào khả năng “đa văn” của mình. 
“Hốt định lực.” “Hốt” là xao lãng bỏ bê, xem thường, cho rằng không quan trọng. Cho rằng việc gì không quan trọng? Cho rằng định lực không quan trọng; ngài A Nan cho rằng: “Định lực không quan trọng, không thành vấn đề. Tôi biết nhiều hiểu rộng, tôi có trí huệ là được rồị Do định mà phát huệ, thế nhưng nay tôi đã có trí huệ rồi!”
Ngài A Nan rất thờ ơ, không xem trọng việc tu dưỡng định lực. Bộ Kinh Lăng Nghiêm này là Đức Phật vì ngài A Nan mà tuyên thuyết; tại sao lại vì ngài A Nan? Bởi vì ngài A Nan không có đủ định lực. Tại sao ngài A Nan lại không có đủ định lực? Tôn giả A Nan hằng ngày không dụng công tham thiền, mà chỉ chuyên viết chữ, xem sách, học kinh. Ngài không ngồi tham thiền; trong lúc mọi người tọa thiền thì Ngài xem sách, bởi vì Ngài không chú trọng định lực. 
Lớp hè hiện nay của chúng ta mới là tuyệt diệu, tuyệt diệu đến không thể nói được—chúng ta vừa ngồi thiền vừa nghe giảng kinh! Ngồi thiền là “hành” (thực hành), nghe kinh là “giải” (hiểu rõ); đó gọi là “giải hành cùng tiến, hành giải tương ưng.” Hiểu rõ rồi, sau đó mới dụng công tu hành; chân chánh dụng công thì sẽ có lúc được khai ngộ. 
Tôi hy vọng trong khóa hè này, ít nhất cũng có mười người trở lên được khai ngộ, như thế tôi mới lấy làm mãn nguyện. Nếu chỉ có một hai người khai ngộ mà thôi, thì tôi cảm thấy không tương xứng với giá trị thời gian của tôi đã bỏ ra. Do đó, tôi hy vọng quý vị mỗi người đều chú trọng đến điều này, và hãy thận trọng nắm giữ công phu, không nên “thị đa văn,” cũng đừng “hốt định lực.” 
Chúng ta ở đây vừa chú trọng định lực, vừa chú trọng đa văn. Đa văn chúng ta cũng học, định lực chúng ta cũng tu—đa văn và định lực cần phải tiến hành song song. Chúng ta dụng công thì phải dụng công về cả hai phương diện—cảnh giới này là cảnh giới thù thắng bất khả tư nghì. Vì thế, tham gia pháp hội khó gặp này, quý vị mỗi người nếu khai ngộ thì mới không uổng phí công lao cực khổ tu hành của mình. Được như thế, quý vị không uổng công cực khổ đã đành, mà ngay cả tôi cũng vậy; do đó mọi người đều “giai đại hoan hỷ”!
Nay tôi yêu cầu quý vị mỗi ngày đều viết tóm tắt về việc tu học của quý vị, rồi đưa cho tôi xem. Quý vị ngồi thiền có cảm giác gì, gặp cảnh giới gì, hoặc nghe kinh có cảm tưởng gì, thì cứ ghi xuống và nộp cho tôị Ngoài ra, quý vị cũng nên ghi chép lại những đạo lý mà mình học hỏi được; như thế pháp hội này càng vô cùng hy hữu và thù thắng hơn nữa.
Chúng ta sống trong thời đại Mạt pháp mà vẫn có thể dũng mãnh hăng hái tu hành như thế này—đó quả thật là tinh tấn chân chánh. Sáng sớm tinh sương đã phải thức dậy, suốt ngày chuyên tâm tu học, tối lại đi ngủ rất trễ—đó chính là tinh tấn học tập Phật pháp. Như thế, quý vị mới là không “thị đa văn,” cũng chẳng “hốt định lực”; mà trái lại, đó là quý vị đang học đa văn, đang tu định lực; và đó là cơ hội khó được vậy!
Đức Phật tuyên thuyết Chú Lăng Nghiêm là để giải cứu ngài A Nan. Tại sao phải giải cứu ngài A Nan? Vì ngài A Nan từ trước đến nay chỉ chú trọng học tập Văn tự Bát nhã mà không tu tập Thực tướng Bát nhã. Ngài chú trọng Văn tự Bát nhã, và cho rằng như thế vẫn có thể thành Phật, vẫn có thể được khai ngộ. Ngoài ra, Ngài lại có lòng ỷ lạị Ỷ lại việc gì? Ngài A Nan nghĩ rằng mình là anh em chú bác của Phật, nay Phật đã thành Phật rồi thì nhất định Phật sẽ giúp mình thành Phật, cho nên mình có tu hay không cũng không thành vấn đề! Vì có tư tưởng như thế, nên ngài A Nan xem thường định lực—Ngài không ngồi thiền, không tham thiền, không dụng công, chỉ chuyên chú học tập Văn tự Bát nhã; và như thế, Ngài để thời gian luống qua rất nhiều.
Theo Kinh Lăng Nghiêm, có một ngày nọ, ngài A Nan phải đi khất thực một mình. (“Khất thực” tức là ôm bình bát đến từng nhà để hóa duyên, xin thức ăn.) Ngài đương lần lượt đến từng nhà khất thực như thế thì gặp phải cô Ma Đăng Già. Mẹ của cô Ma Đăng Già tin theo phái ngoại đạo “hoàng phát” (tóc vàng), và tu trì pháp thuật của ngoại đạọ Phái ngoại đạo này cũng có chú thuật, pháp lực riêng; và pháp lực của họ cũng rất linh ứng. 
Bấy giờ, cô Ma Đăng Già trông thấy ngài A Nan tướng mạo vô cùng viên mãn tuấn tú, liền sanh lòng ưa thích. Tuy cô ta ưa thích ngài A Nan, nhưng không có cách nào cám dỗ được ngài, bèn trở về nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mẹ nhất định phải mang ông A Nan về cho con, buộc ông ấy phải kết hôn với con. Nếu mẹ không mang ông A Nan về cho con thì con sẽ chết, con không còn muốn sống nữa đâu!”
Bà mẹ của Ma Đăng Già vì quá thương yêu con gái, bèn dùng chú Tiên Phạm Thiên, một loại chú thuật của ngoại đạo, để bắt ngài A Nan. Bà vừa niệm chú này, thì công lực của chú làm cho ngài A Nan trở nên mê muộị Mê muội là sao? Ngài A Nan bấy giờ vì không có định lực nên không thể làm chủ được mình, bị ma lực của chú điều khiển mà đi theo về nhà của bà mẹ Ma Đăng Già, và sắp sửa phá giớị Ngài A Nan sắp phá giới gì? Ngài suýt phá giới dâm, một trong năm giới căn bản—sát, đạo, dâm, vọng, tửu!
Lúc bấy giờ, Đức Phật biết rõ là ngài A Nan sắp phá giới thể thanh tịnh. Tôi tin rằng lúc đó Phật cũng vì tình anh em chú bác với ngài A Nan, thấy em mình gặp nạn, bèn lập tức nói Chú Lăng Nghiêm để giải cứụ Phật nói Chú Lăng Nghiêm là để phá chú Tiên Phạm Thiên của ngoại đạo “hoàng phát,” dùng năng lực của Chú Lăng Nghiêm làm cho ngài A Nan tỉnh lại, thoát khỏi lưới mê. Ngài A Nan khi ấy như uống rượu say hoặc uống thuốc mê, không biết chuyện gì đang xảy ra cả; song nhờ năng lực của Chú Lăng Nghiêm nên Ngài bừng tỉnh, sáng suốt trở lại.

Tỉnh táo rồi, ngài A Nan nhìn quanh và tự hỏi tại sao mình lại lâm vào tình cảnh như vậỵ Thế là, Ngài tức tốc trở về tinh xá, đến quỳ trước mặt Phật, khóc nức nở mà bạch với Phật rằng: “Con từ trước đến nay chỉ cậy vào đa văn, nên đạo lực không được đầy đủ. (Đạo lực chính là định lực.) Con chưa có được định lực, vậy nay con cúi xin Đức Phật dạy cho con rõ mười phương chư Phật tu hành như thế nào mà có được định lực để thành Chánh giác!”
Vậy, nhân duyên thứ nhất khiến Phật tuyên thuyết Kinh Lăng Nghiêm là bởi ngài A Nan cậy mình đa văn, mà xem thường định lực. Đức Phật phá tan sự mê chấp của ngài A Nan, giải cứu Ngài, và sau đó thuyết Kinh Lăng Nghiêm. Ngài A Nan phen này mới triệt để phát tâm tu hành. Vậy, “thị đa văn, hốt định lực” là nhân duyên thứ nhất.
2. Cảnh cuồng huệ hộ tà tư.
Nhân duyên thứ hai của Kinh Lăng Nghiêm là “cảnh cuồng huệ hộ tà tư.” 
“Cảnh” là cảnh cáo, răn đẹ Cảnh cáo ai? Cảnh cáo những người có “cuồng huệ”—những kẻ có trí thông minh thiên phú nhưng cứ nghĩ đến những việc không chánh đáng, lại còn cậy vào trí óc khôn ngoan của mình để mưu điều bất chánh, hãm hại người khác. Đó là thứ tư tưởng tà vạy, xấu ác, mà họ cố tình bao che, giấu giếm, bởi họ cho rằng những tư tưởng tà vạy của họ là đúng đắn! Vậy, bộ kinh này cảnh cáo những người “cuồng huệ” thường dung túng, che đậy các tư tưởng không chánh đáng của họ.
“Hộ tà tư” cũng chính là “hộ đoản,” tức là bao che, bảo vệ các tư tưởng tà ác hoặc bào chữa khuyết điểm. Người “cuồng huệ” cứ khăng khăng cho rằng tư tưởng của mình không phải là gian tà: “Tư tưởng của tôi là chánh đáng!” 
Thế gian này có nhiều người, thông minh thì rất thông minh, nhưng bị trí thông minh của chính họ “phản bội,” dẫn dắt họ đi làm những việc sai lầm, xằng bậy. Giảng đến đây, tôi nhớ có mấy câu cách ngôn như sau:
Thông minh nãi thị âm trắc trợ,
Âm trắc dẫn nhập thông minh lộ,
Bất hành âm trắc sử thông minh,
Thông minh phản bị thông minh ngộ.
“Thông minh nãi thị âm trắc trợ.” Vì sao người ta được thông minh? Bởi vì đời trước họ là những người có đức hạnh, cho nên đời này họ rất thông minh. Hoặc là kiếp trước có đọc sách nhiều, tụng niệm nhiều kinh điển Phật học, thì đời này cũng được thông minh.
“Âm trắc dẫn nhập thông minh lộ.” Tại sao được thông minh? Vì đã từng làm rất nhiều việc tốt, rất nhiều việc thiện, rất nhiều việc “âm trắc.” “Âm trắc” là gì? “Âm trắc” tức là những việc âm đức, những việc thiện được thực hiện một cách âm thầm, không để cho ai trông thấỵ Nếu như làm một việc tốt rồi khua chiêng gióng trống, đăng báo rêu rao, hoặc phát biểu trên radio, quảng cáo trên đài truyền hình, thì không phải là “âm trắc”—đó chẳng qua chỉ là làm việc tốt mà thôị Việc “âm trắc” là việc tốt mình làm mà người khác không biết. Làm việc tốt mà không để cho ai hay biết, đó mới là việc thiện chân chánh. Có câu:
Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện,
Ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác.
“Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện.” Nếu quý vị làm việc thiện mà cứ đi khắp nơi rêu rao, muốn cho mọi người đều biết tới, thì đó không phải là chân chánh làm việc thiện, mà chỉ là ham cái danh “thiện” mà thôi.
“Ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác.” Làm điều ác mà cố che đậy, sợ bị mọi người biết được, thì đó nhất định là một việc đại ác!
“Bất hành âm trắc sử thông minh,/ Thông minh phản bị thông minh ngộ.” Nay vì cho rằng mình thông minh rồi bèn không làm việc âm đức, không làm việc tốt, không làm thiện sự nữa. “Sử thông minh,” tức là chuyên môn vận dụng cái thông minh vặt vãnh, cái “tiểu trí tiểu huệ,” mà quên đi cái gốc của nó là âm đức. Vì thế, cuối cùng sẽ bị cái khôn vặt đó dẫn tới nhiều sai lầm, rồi dần dần đọa lạc, không còn tinh tấn làm việc tốt nữa.
Thời Tam Quốc (Trung Hoa), có một người tên là Tào Tháo; quý vị có nghe qua chưa? Tào Tháo là người rất thông minh, và cũng rất quỷ quyệt; cho nên trong dân gian có câu:
Tào Công gian tựa quỷ,
Nghiêu Đế trí như thần.
Tào Tháo thì thông minh, gian manh xảo quyệt chẳng kém gì loài quỷ. (Quỷ thì ban đêm mới xuất hiện, ban ngày không ló mặt ra.) Còn vua Nghiêu thì thông minh, có trí huệ như của thần tiên vậỵ
Ở nước Mỹ này, người ta thường gọi những người thông thái, có trí huệ là “thần.” Quý vị không nên xem “thần” như là một ngôi vị quá caọ Trong Phật giáo, có rất nhiều thần Hộ pháp—các vị thần ở cõi trời đều ủng hộ Tam bảo—hộ trì Phật, hộ trì Pháp, hộ trì Tăng. Do đó, đối với Phật giáo thì “thần” tức là những vị thần Hộ pháp. 
Nếu kẻ đại ác biết hồi tâm sửa đổi, thì sẽ trở thành người đại thiện; ngược lại, bậc đại thiện nếu để cho mình đọa lạc thì chẳng khác gì kẻ đại ác. Kẻ đại ác một khi tỉnh ngộ: “Tôi nay muốn bỏ ác làm lành”; thì liền trở thành người đại thiện. Tại sao vậỷ Bởi vì kẻ đại ác đó có thể dõng mãnh nhận lỗi, dõng mãnh sửa đổi lỗi lầm, cho nên được trở thành người đại thiện.
Tuy nhiên, người đại thiện nếu đọa lạc thì sẽ thành kẻ đại ác. Chẳng hạn quý vị thường ngày đều làm việc thiện, song làm hoài làm mãi mà vẫn chưa thấy có sự cảm ứng nên nản lòng thối chí: “Tôi xả thân làm việc thiện, việc tốt rất nhiều, mà không có được sự cảm ứng nào cả; thôi thì cứ đi làm việc xấu, việc ác cho rồi!” Và thế là quý vị làm những điều hãm hại người khác, lừa gạt người khác, gây bất lợi cho người khác, và quý vị trở thành kẻ đại ác. Tại sao vậy? Bởi quý vị đã “minh tri cố phạm”—đã biết là không đúng mà vẫn cố tình vi phạm; do đó mà thành ra đại ác vậy!
Người có “cuồng huệ” thường làm những việc ngược ngạo, điên đảo, không chánh đáng, nhưng họ vẫn khăng khăng cho họ là đúng. Thậm chí họ có thể giết người rồi bào chữa rằng: “Nếu tôi không giết hắn thì hắn sẽ đi giết nhiều người khác. Nhờ tôi kịp thời hạ sát hắn nên mới không ai bị chết về tay hắn cả đấy!” Thế nhưng, sự thật thì người bị giết không phải là kẻ hiếu sát như họ nói, chẳng qua là vì họ có ác cảm với người đó nên mới đặt điều như thế mà thôi. Thứ kiến giải đó gọi là “tà tư,” là tư tưởng tà vạy, sai tráị Có người phạm tội thật sự nhưng lại khôn khéo bịa đặt những lý do rất hợp lý để biện minh, nhờ thế nên khỏi bị xét xử—đó gọi là “cuồng huệ.”
Vậy, “cảnh cuồng huệ” tức là cảnh cáo, răn đe những người có trí óc ngông cuồng. Còn “hộ tà tư,” thì chữ “hộ” này không phải là bảo chúng ta giúp đỡ, ủng hộ, hoặc khen ngợi tà tư của người nào đó—hoàn toàn không phải như vậy! Ở đây, “hộ tà tư” có nghĩa là người có cuồng huệ che đậy tà tư của mình, dùng những lý lẽ không chánh đáng để biện hộ cho mình. Bởi có một loại người chuyên môn vận dụng trí thông minh để hộ trì tà tư của chính họ, và bộ kinh này là lời cảnh cáo cho loại người đó—khuyên họ không nên bao che những tư tưởng tà vạy của họ, mà nên sửa đổi lỗi lầm, đi theo con đường chánh đạo, quay về tư tưởng chánh đáng, không nên có những ý đồ gian ác xấu xa.
3. Chỉ chân tâm, hiển căn tánh. 
Nhân duyên thứ ba là “chỉ chân tâm, hiển căn tánh” (chỉ rõ chân tâm, hiển bày căn tánh). Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.” Trực chỉ cái tâm gì của con ngườỉ Trực chỉ chân tâm của con người! Chân tâm của con người có hình tướng ra saỏ Chân tâm của con người thì chúng ta không thể nào nhìn thấy được!
Có người nói: “Con có thể thấy được tâm (tim) của mình; nó có hình thù như hoa sen treo ngược vậy!”
Đó không phải là “chân tâm” mà là “nhục đoàn tâm”—tức là quả tim bằng thịt trong ngực, có công năng duy trì sanh mạng của quý vị; chứ không phải là cái tâm có thể chi phối, khiến cho quý vị có được sự hiểu biết chân chánh. Tại sao vậỷ Bởi nếu nhục đoàn tâm là chân tâm của quý vị, thì khi quý vị chết, cái tâm này ắt hẳn phải đi theo quý vị. Lại nữa, sau khi con người chết đi, nhục đoàn tâm vẫn còn nguyên vẹn trong thi thể, thế thì tại sao nó lại không thể chi phối được nữả Điều đó thì rất rõ ràng—cái nhục đoàn tâm này không phải là chân tâm của quý vị—chân tâm của quý vị chính là Phật tánh!
Vậy, chân tâm chính là Phật tánh vốn có, hiển xuất ra nơi căn tánh của quý vị. Phật tánh bản hữu thì ở đâu? Phật tánh vốn không ở bên trong quý vị—không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở giữa trong và ngoàị Đợi giảng đến phần chánh văn của bộ kinh này quý vị sẽ hiểu rõ đạo lý đó, bởi trong kinh có nói rất tỉ mỉ.
Trong Kinh Lăng Nghiêm có giải thích về “thập phiên hiển kiến,” tức là mười phen hiển minh tánh thấy, và chính cái tánh thấy này mới là chân tâm của quý vị. Bộ kinh này là nói về “tánh thấy” (kiến tánh), cho nên nhân duyên Phật thuyết bộ kinh này cũng chính là muốn chỉ rõ “tánh tịnh minh thể” của “thường trụ chân tâm” trong mỗi chúng tạ Chân tâm của chúng ta thì không đến không đi, bất động bất biến, không hề thay đổi, nên gọi là “thường trụ chân tâm.” “Tánh tịnh minh thể”—bổn thể của chân tâm thì không nhiễm ô—tánh thì thanh tịnh, thể thì trong sáng. Vậy, nhân duyên thứ ba của Kinh Lăng Nghiêm là chỉ ra chân tâm vốn có và làm hiển lộ căn tánh bổn nhiên của mỗi chúng ta.
4. Thị tánh định, khuyến thực chứng. Nhân duyên thứ tư của bộ kinh này là “thị tánh định, khuyến thực chứng” (thị hiện tánh định, khuyến khích sự thực chứng).
Pháp môn tu định có rất nhiều loại; ngay cả hàng ngoại đạo cũng tu định, cũng có định lực của họ. Tuy nhiên, đối với việc tu định thì hễ “sai một ly, là đi một dặm,” do đó chúng ta phải tu chánh định, đừng tu tà định. Thứ “định” mà hàng ngoại đạo và Tiểu thừa tu luyện là thuộc loại tà định, chứ không phải là chánh định. Bởi đó không phải là chánh định cho nên bất kể tu đến bao nhiêu lâu cũng chẳng thể nào thành tựu được Thánh quả. Tại sao không thể thành Thánh quả? Vì cái “định” ấy không phải là “tánh định,” mà chỉ là một thứ tà định!
Thế nào gọi là “tánh định”? Nói về “tánh định,” tôi có hai câu kệ rất quan trọng, quý vị mỗi người đều cần phải chép vào tập và luôn luôn ghi nhớ. Hai câu đó như thế nào? Đó là:
Tánh định ma phục triêu triêu lạc,
Vọng niệm bất khởi xứ xứ an.
Tại sao trên bước đường tu hành chúng ta thường hay gặp phải muôn vàn ma chướng, nghiệp chướng? Bởi vì tánh của chúng ta chưa được “định”; nếu tánh “định” rồi, thì ma gì cũng bị hàng phục cả. Tại sao quý vị không thể hàng phục các loài ma? Đó là vì tánh của quý vị chưa an định, nên chúng ma chưa chịu phục tòng!
Căn cứ theo bổn kinh này thì có năm mươi loại “ấm ma”; kỳ thật, ma có rất nhiều loại, nào là thiên ma, nào là địa ma, lại còn nhân ma, quỷ ma, yêu ma… nữạ “Thiên ma” là các ma vương ở cõi trời và thường đến nhiễu loạn sự thiền định của quý vị. “Địa ma” là loài ma ở trên mặt đất, và chúng cũng đến nhiễu loạn sự thiền định của quý vị. Lại còn nhân ma (ma người), quỷ ma, cùng các loài yêu ma quỷ quái, cũng đến nhằm nhiễu loạn thiền định của quý vị.
Tại sao các loài ma này muốn nhiễu loạn thiền định của quý vị? Nguyên nhân là vì trước khi thành Phật hoặc lúc chưa tin Phật, quý vị đã từng là người nhà hoặc quyến thuộc của loài ma; nay quý vị muốn rời khỏi nhà của họ, muốn tu thiền định, muốn liễu thoát sanh tử luân hồi, thì chúng ma vì còn lòng yêu thích quý vị, lưu luyến quý vị, nên mới đến quấy nhiễu tinh thần, não loạn thiền định, và làm chướng ngại sự tu hành của quý vị.
Do đó, nếu định lực không đủ, quý vị sẽ bị cảnh giới ma chướng lay chuyển mà chạy theo chúng ma; còn nếu định lực đầy đủ thì quý vị sẽ không bị chúng lôi kéo, mà sẽ trở nên “như như bất động, liễu liễu thường minh.”
“Như như bất động” là định lực; “liễu liễu thường minh” là huệ lực, sức mạnh trí huệ. Một khi quý vị có được định lực và huệ lực, thì bất cứ loài ma nào cũng không thể làm cho quý vị bị dao động được cả; ngược lại, nếu không có định lực, không có huệ lực, thì quý vị sẽ bị loài ma lôi kéo, dẫn dắt. Dẫn đi đâu? Dẫn về quê hương xứ sở của loài ma, rồi quý vị sẽ phải ở đó mà làm ma con ma cháu, luân chuyển không ngừng; thật vô cùng nguy hiểm!
Hàng ngoại đạo tu tập định lực, vì không biết sự quan trọng của “tánh định,” mà bắt đầu từ chỗ ngọn chứ không đi từ chỗ gốc, dốc hết công phu nơi cái xác thân giả tạm nàỵ Sai lầm của họ là đã ngộ nhận, cho rằng cái “thức”—tâm ý thức—là chân tâm, bởi lầm lẫn rằng cái thức này là tâm cho nên họ đã phạm sai lầm. Trong quá trình tu Đạo, họ có thể đạt được một chút cảnh giới tịch diệt, song hết thảy đều không phải là thật tại!
Ví như lấy một tảng đá đè lên đám cỏ, tuy tạm thời có thể khiến cho cỏ không mọc lên được, nhưng đến khi tảng đá bị dời đi thì cỏ vẫn sanh trưởng bình thường trở lạị Dùng phương pháp cưỡng chế để đè nén, ép mình, làm cho vọng tưởng không dấy khởi được, thì cũng như “lấy đá đè cỏ” vậy, đều không phải là biện pháp triệt để, do đó mà không thể nào liễu thoát sanh tử.
Cho nên, nếu chẳng đoạn trừ gốc rễ của vọng tưởng, thì không thể nào liễu thoát sanh tử được cả! Trong Thiền tông, người ta thường tham cứu câu thoại đầu “Niệm Phật là ai?” Câu thoại đầu này chính là phương tiện để “quét sạch tất cả pháp, rời bỏ tất cả tướng.” Bằng cách nghiền ngẫm, kiếm tìm cái “ai” đó, quý vị có thể đào xới tận gốc rễ và triệt để trừ sạch nguồn gốc của vọng tưởng.
Và như thế, sẽ có ngày quý vị được hoát nhiên quán thông, hoát nhiên khai ngộ. Bấy giờ, sau khi được khai ngộ rồi, quý vị mới biết là mũi của quý vị hướng lên hay hướng xuống. Hiện tại thì quý vị không biết là mũi của mình hướng lên hay hướng xuống; một khi biết được rồi tức là quý vị đã được khai ngộ, thì sẽ có biện pháp. Vậy, mũi quý vị là hướng lên hay hướng xuống, vấn đề này phải đợi đến khi quý vị khai ngộ thì mới có thể biết được!
Vào thời kỳ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết bộ Kinh Lăng Nghiêm này, tại xứ Ấn Độ có một vài phái ngoại đạo không chú trọng đến sự khai ngộ, mà lại thích bắt chước, đua nhau “học trâu, học chó.” Tại sao họ lại “học trâu, học chó”? Bởi vì trong hàng ngoại đạo có người nhân lúc vào định, trông thấy một con trâu được thác sanh lên cõi trời, bèn lẩn thẩn suy luận rằng: “Ồ! Con trâu này được sanh thiên! Mình phải học theo nó mới được!” Thế là, người đó bắt đầu tập ăn cỏ, thậm chí còn ăn ở ngủ nghỉ ngay trong chuồng y như loài trâu vậỵ Tất nhiên, người đó cũng học cách ngủ của trâu bò, và những lúc ngủ không được thì có tu định đôi chút; song rốt cuộc vẫn không thành công! Cho nên, đó cũng là một loại tà định vậy.
Lại có kẻ ngoại đạo nằm mộng thấy một con chó được sanh lên cõi trời, bèn nghĩ rằng: “Thì ra chó có thể được sanh thiên; vậy mình nên học theo loài chó!“ Vì thế, người ấy bắt đầu học theo cách sinh hoạt của loài chó—canh cửa giữ nhà như chó, ăn những gì chó ăn, ngủ theo cách chó ngủ—nhất nhất đều làm y như chó. Ngay cả những thức mà chó không ăn thì người ấy cũng không ăn; tuy nhiên, kết quả cũng không thành công. Đó là một trong những cách tu của hàng ngoại đạo.
Lại có kẻ ngoại đạo nọ đã nhiều năm tu pháp “vô tưởng định,” tức là không nhớ tưởng, nghĩ ngợi điều gì cả. Con người thường hay vọng tưởng lăng xăng, còn ông ta thì không khởi vọng tưởng, cái gì cũng không nghĩ đến, và cứ như thế mà tu đi tu lại; muốn được sanh lên cõi trời Vô tưởng. Kết quả thì như thế nàỏ Rồi thì ông ta cũng được sanh lên Vô tưởng thiên, song sau đó cũng vẫn phải đọa lạc như thường. Vậy, đây cũng là một thứ tà định!
Tu “tà định” tức là chuyên môn tu pháp của ngoại đạo, và đó không phải là pháp tu triệt để rốt ráo, không phải là dụng công từ chỗ gốc. Nếu quý vị có thể “từ tự tánh tu tự tánh,” thì đó mới chính là từ căn bổn hạ công phụ Còn nếu dùng tâm vọng tưởng để tu Phật pháp, thì quý vị có tu hoài tu mãi cũng chỉ như “nấu cát mà muốn thành cơm,” không bao giờ thành tựu được cả! Cho dù quý vị tu trong nhiều đời nhiều kiếp, số nhiều như cát sông Hằng đi nữa, thì cũng khó mà thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, không thể nào thành tựu được quả vị Phật!
Cho nên, quý vị tu hành thì nhất định phải tìm gặp bậc minh sư chân chánh để thọ giáo, như thế mới mong đạt được định lực chân chánh. Muốn có được định lực chân chánh, quý vị còn phải chịu đựng sự thử thách của loài ma nữa. Như tôi đã nói ban nãy, ma có rất nhiều loạị Có loại ma thì đến từ bên ngoài, có loại ma thì từ trong tự tâm chúng ta mà ra. Ma từ bên ngoài đến thì còn dễ hàng phục, chứ ma từ trong tâm mình sanh ra thì rất khó hàng phục. Lại có một loại ma khó hàng phục nhất, đó là “con ma bệnh.”
Tôi còn nhớ lúc khoảng mười bảy mười tám tuổi, tôi đã học Phật pháp song còn rất tự mãn, luôn cho rằng mình là một con người phi thường, và đã thốt ra những lời lẽ hết sức ngông cuồng. Ngông cuồng như thế nàỏ Tôi đã nói rằng: “Mọi người đều sợ ma, nhưng tôi thì không. Thật ra, ma sợ tôi thì có chứ tôi hoàn toàn không sợ ma!”
Quý vị thấy nói năng như thế là quá ngông cuồng, có phải không? Tôi đã ngang nhiên nói rằng loài ma sợ tôi, và ngay cả thiên ma, địa ma, thần ma, quỷ ma, nhân ma, bất luận loài ma gì tôi cũng không “ngán” cả! Ngờ đâu, tuyên bố như thế xong, thì liền có một loài ma rất lợi hại đến tìm tôi—đó là “con ma bệnh.” Tôi phải trải qua một cơn bệnh nặng đến nỗi cuối cùng tôi trở thành kẻ sợ ma chứ không phải là ma sợ tôi nữa—tôi cảm thấy sợ “con ma bệnh” này thật sự!
Bởi một khi đã lâm bệnh, thì hành động không còn được tự do dễ dàng theo ý mình muốn nữa, mà lại như bị gông cùm trói buộc, cảm thấy cái thân này không chịu nghe lời mình nữa—bảo đi, nó bước không nổi; bảo ngồi, nó ngồi không vững; suốt ngày từ sáng đến tối cứ phải nằm liệt trên giường, không uống nước được mà cũng chẳng thể ăn cơm—toàn thân đều bị con ma bệnh chi phối, trói buộc. Bấy giờ, tôi ngẫm nghĩ lại và nhận ra sai lầm của mình! Tôi đã huênh hoang rằng tôi không sợ ma, nhưng nay khi con ma bệnh đến tìm tôi, thì rõ ràng là tôi không đủ sức đề kháng, không chống cự nổi nó!
Bệnh tình tôi lúc bấy giờ là như thế nàỏ Tôi bị bệnh nặng đến nỗi không còn hay biết gì nữa, chỉ còn thoi thóp như sắp trút hơi thở cuối cùng vậỵ Thế nhưng, trong lúc hấp hối tưởng chừng sắp chết mà vẫn chưa chết ấy, tôi bỗng thấy có một cảnh giới hiện rạ Cảnh giới gì? Tôi thấy ba người con chí hiếu họ Vương ở Đông Bắc, quê tôị Vùng Đông Bắc (Mãn Châu) nổi tiếng có ba hiếu tử họ Vương, trong đó một người là đạo sĩ, một người là thầy Tỳ kheo, và người còn lại là cư sĩ tại gia. Tôi thấy cả ba người cùng đến và rủ tôi đi du ngoạn với họ, và thế là tôi theo họ ra đi.
Thật kỳ lạ, vừa ra khỏi cửa thì tôi cảm thấy chân mình không còn chấm đất nữa; tuy không phải là ngồi máy bay, cũng chẳng “đằng vân giá vũ,” cỡi mây cỡi mưa gì cả, nhưng cứ bềnh bồng trong hư không. Tôi lướt đi trên những nóc nhà và khi nhìn xuống thì thấy nhà cửa san sát và rất nhỏ; và tôi cũng thấy được đông đảo người ta qua lại ở dưới.
Chúng tôi đi qua rất nhiều chùa miếu, núi cao sông lớn; đến tham quan cả bốn ngọn núi nổi tiếng của Trung Hoa—Ngũ Đài sơn, Nga Mi sơn, Cửu Hoa sơn, và Phổ Đà sơn. Đến chỗ nào chúng tôi cũng thấy rất nhiều chùa chiền và đông đảo người qua lạị Lúc đó, chúng tôi không những đi khắp nước Trung Hoa mà còn đến các nước ngoại quốc có nhiều người tóc bạch kim và mắt màu xanh biếc nữa.
Đến nơi nào chúng tôi cũng chỉ dừng một thoáng rồi đi ngay, giống như xem xi-nê vậy—hết màn này thì đến màn khác, cảnh trí thay đổi không ngừng. Duy chỉ khác một điều là không có màn ảnh trước mặt, và tôi thật sự có đến những nơi mình trông thấỵ Lúc đó xem rất nhiều việc, nghe thấy rất nhiều điều.
Sau đó, tôi về lại trước cửa nhà mình. Tôi mở cửa và nhìn vào trong thì thấy mình đang nằm trên giường. Ngay lúc tôi ý thức được là có đến hai cái “tôi,” thì tôi lại lập tức biến thành một cái “tôi” nằm trên giường, và hơi thở cùng tim mạch liền phục hồị Lúc đó, cha mẹ tôi đều đang ở bên cạnh chăm chú nhìn tôi, rồi mừng rỡ reo lên: “Ôi! Con tôi chưa chết! Con tôi sống lại rồi!”
Bấy giờ, tôi bàng hoàng ngơ ngác, không hiểu cha mẹ tôi vì sao lại nói như thế—cái gì mà chưa chết? Cái gì mà sống lạỉ Tôi nhìn lại chính mình thì thấy mình đang nằm trên giường, không động đậy gì được cả; thế là tôi sực nhớ ra là mình bị ốm nặng lắm. Tôi hỏi, thì được cha mẹ tôi kể lại rằng tôi hôn mê đã bảy tám hôm rồi, hoàn toàn bất tỉnh nhân sự, không hay biết gì cả; nay thấy tôi đã có tri giác trở lại thì biết là tôi vẫn chưa chết!
Sau sự việc này, tôi biến thành một “hoạt tử nhân,” tự nhủ rằng mình là một kẻ đã chết rồi và vừa được cải tử hoàn sanh; và kể từ đó tôi không còn nói năng một cách ngông cuồng nữạ Vì thế cho nên, tôi bảo cho quý vị biết rằng: Người tu Đạo tuyệt đối không được phát biểu lung tung, không được nói năng hàm hồ, đừng nói những điều như: “Cái gì tôi cũng không sợ cả”; bởi sau đó quý vị sẽ có thể gặp phải những sự việc đáng sợ mà mình không ngờ tới. Thế nhưng, nếu quý vị nói: “Cái gì tôi cũng sợ cả”; thì cũng không đúng. Nói chung, chúng ta chớ nói những lời nhảm nhí, không hữu ích.
Cũng vào quãng thời gian ấy, còn có một việc khác xảy ra cho tôi, kể ra thì cũng khá kỳ lạ. Việc gì vậỷ Lúc đó tôi tu hành và cảm thấy mình có được một chút công phu!
Trước khi bị bệnh, lúc tôi vẫn còn ở Đông Bắc, thì tôi có chân trong Hội Đạo Đức. Tôi giữ việc gì trong Hội Đạo Đức ư? Tôi thuyết giảng về đạo đức, nhân nghĩa, khuyên mọi người làm việc tốt. Tôi khuyên người ta làm việc tốt, thế còn cá nhân tôi thì saỏ Tất nhiên là tôi càng cần phải làm việc tốt hơn nữa, không thể chỉ khuyên suông người ta còn mình thì chẳng làm gì cả! Bấy giờ, đọc được một thiên sách viết về những hành vi cao cả của ông Trương Nhã Hiên, tôi liền muốn noi gương ông, bèn phát nguyện với trời cao rằng: “Lạy trời! Con nhất định học theo gương của ông Trương Nhã Hiên!”
Thế nhưng, phát nguyện xong tôi bỗng thấy hối hận, tự hỏi: “Mình học theo gương ông ta thì có ích lợi gì không chứ?” Nói xong, thì lạ thay, ngay tối hôm đó tôi liền gặp phải sự thử thách của loài ma, chúng đến để xem tôi có thể giữ đúng lời nguyện muốn bắt chước ông Trương Nhã Hiên hay không! Tôi biết rằng nếu chúng ta có lập thệ nguyện gì, thì chư vị Bồ tát sẽ âm thầm đến thử thách nguyện lực của chúng ta. Điều thiết yếu là chúng ta không nên thốt ra những lời lẽ khoa trương, tự mãn. Thế thì, rốt cuộc thì chuyện gì đã xảy ra cho tôi, và việc của ông Trương Nhã Hiên là việc gì? Rất tiếc là hiện nay tôi chưa thể kể lại được, lý do là vì chưa phải lúc, chưa đến đúng thời điểm!
Chúng ta mỗi người cần phải ghi nhớ, không nên huênh hoang khoác lác, đừng lắm lời về những gì mình thích hoặc không thích. Nếu quý vị thích thứ gì, thì có lúc cảnh giới mà quý vị thích sẽ đến thử thách quý vị. Quý vị không thích thứ gì thì cũng có cảnh giới mà quý vị không thích sẽ đến khảo đảo quý vị. Tóm lại, chúng ta đừng nên nói những lời phù phiếm, ba hoa, không có ý nghĩạ
Vậy thì phải làm sao? Quý vị cần phải nhất tâm tu Đạo—đừng dùng cái tâm phàm phu (nhân tâm), mà hãy dùng cái tâm thiết tha cầu Đạo (Đạo tâm) để “tu tánh định, cầu thực chứng.”  Thế nào là “thực chứng”? “Thực chứng” tức là không hư vọng. Chẳng hạn có người sanh vọng tưởng: “Tôi thành Phật rồi!”; và thế là trong lúc tọa thiền liền cảm thấy thân mình giống như Phật vậy—cũng phóng hào quang, cũng đại địa rúng động. Thật ra, hoàn toàn không có chuyện đó—đó chỉ là cảnh giới hư vọng hão huyền, không phải là sự chứng đắc thật sự.
Có người lại vọng tưởng: “Trong lúc ngồi thiền, tôi thấy Đức Phật đến thọ ký cho mình, và phán bảo rằng: ‘Ngươi sắp thành Phật rồi! Ngươi không cần phải tu nữa, ngươi nay đã là Phật rồi!” Kỳ thực, hoàn toàn không có việc ấy, đó chẳng qua chỉ là một loại hư vọng, không phải thật tại, không phải cảnh giới chứng quả thật sự. 
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng thành Đạo quả dưới cội cây Bồ đề. Ngài đã ngồi ở đó ròng rã suốt bốn mươi chín ngày, rồi một đêm nọ nhân nhìn thấy sao mai mà ngộ Đạọ Sau khi khai ngộ, Ngài nói: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật!”
Trước khi Đức Phật chứng quả, Ma vương từ cõi trời đã đến thử thách Ngài—Ma vương biến hóa thành một mỹ nữ vô cùng xinh đẹp, yểu điệu đi đến khuyến dụ Phật chớ tu Đạo nữa mà hãy kết hôn với cô tạ Lúc đó, Phật đang ở trong định và không hề bị dao động hoặc xao xuyến trước sắc đẹp quyến rũ cùng lời lẽ ngon ngọt của cô ta.
Đức Phật quán tưởng rằng: “Chao ôi! Ngươi tự cho rằng ngươi xinh đẹp mỹ miều, song sự thật thì ngươi giống như một bà già, trên mặt in hằn không biết bao nhiêu là nếp nhăn cằn cỗi! Từ trong đôi mắt của ngươi tuôn ra nào ghèn, nào nước mắt; mũi thì lòng thòng nước mũi; miệng lại khạc đàm, nhểu nước miếng dơ dáỵ Thân thể ngươi chỉ toàn là lôi thôi nhơ bẩn, thế mà ngươi lại dám đến đây lừa gạt Ta sao?”
Đức Phật ở trong định quán sát như thế, tức thì sức mạnh của loài ma liền bị biến chuyển, Ma vương quả nhiên biến thành một bà già tóc bạc da mồi, răng rụng móm mém, mặt mày lem luốc bẩn thỉu, vô cùng xấu xí! Phật bèn bảo Ma vương: “Ngươi hãy nhìn lại chính mình đi!”
Ma vương liền nhìn lại và khi thấy thân mình đã ra nông nỗi như thế thì vô cùng hổ thẹn, bèn bỏ chạy mất dạng. Còn có rất nhiều loại ma khác cũng dùng đủ mọi cách để mê hoặc, thử thách Đức Phật, nhưng Phật đều không bị chúng làm cho dao động. Nhờ không bị dao động bởi loài ma nên Ngài đã đắc Đạo, chứng thành Phật quả vậy.
Trong quá trình dụng công tu Đạo, thông thường đến giai đoạn quan yếu thì quý vị sẽ bị chúng ma tới thử thách. Khi quý vị tu hành chưa có công phu, chưa có thành tựu gì cả, thì chưa bị ma khảo; song đến khi quý vị có được đôi chút công phu rồi, thì sẽ gặp sự khảo đảo của loài mạ Bấy giờ, lúc ma chướng đến, nếu không nhận biết được rõ ràng, thì quý vị sẽ bị lôi cuốn theo loài ma và trở thành quyến thuộc của chúng. 
Cho nên, nếu muốn tu để đạt được “thực chứng,” thì nhất định phải có “tánh định.” Một khi có được công phu tánh định rồi, “tánh” không còn dao động nữa, tất quý vị sẽ có định lực; và bấy giờ, quả vị mà quý vị chứng đắc được tự nhiên là chân thật, chứ không phải là giả tạm. Trái lại, nếu quý vị còn bị ma làm cho dao động, thì định lực của quý vị không phải là thứ định chân chánh, mà chẳng qua chỉ là một loại tà định của ngoại đạo; và với tà định của ngoại đạo thì quý vị không thể nào chứng đắc Phật quả được cả!
Vừa rồi, tôi có đề cập đến vấn đề những kẻ ngoại đạo thấy trâu được sanh thiên bèn học theo trâu, và thấy chó được sanh thiên bèn học theo chó. Thế thì, vì sao những con trâu con chó đó được sanh lên cõi trời?
Trong đời trước, con trâu này đã từng tu Thập thiện đạo; nhưng khi chưa tu Thập thiện đạo thì nó đã làm rất nhiều điều ác, và quả báo của các hành vi ác độc này là bị đọa làm thân trâụ Tuy nhiên, nhờ nó có tu Thập thiện, cho nên sau khi quả báo làm thân trâu đã mãn thì nó được sanh lên cõi trờị Trường hợp của con chó được sanh thiên nọ cũng tương tự như thế. Hàng ngoại đạo vì không biết về nhân quả kiếp trước của trâu và chó, nên lầm tưởng rằng do đời này làm trâu làm chó mà được sanh thiên! Và thế là họ mù quáng bắt chước các hành vi của trâu của chó, song rốt cuộc thì chẳng có được mảy may thành tựu, không đắc được “thực chứng,” không đạt được sự lợi ích chân chánh.
“Thực chứng” chính là sự chứng đắc thật sự, chân chánh. Chứng đắc cái gì? Chứng đắc trí huệ chân chánh và định lực bổn hữu của chúng ta, đạt được “định huệ viên minh”—định giúp đỡ huệ, huệ hỗ trợ định, hỗ tương viên dung vô ngạị Chứng đắc “lý thể chân tịch” tức là có được chân tâm của chính mình vậy; và đó là “thực chứng.”
5. Tiêu đảo tưởng, trừ tế hoặc.
Nhân duyên thứ năm là “tiêu đảo tưởng, trừ tế hoặc.”
Thế nào là “đảo tưởng”? “Đảo” là điên đảo, không đúng đắn, không chánh đáng. Khi chúng ta nói: “Người này thật điên đảo,” thì không phải là nói thân thể con người điên đảo, mà ý nói là tư tưởng, những suy nghĩ của người đó đều điên đảo, không đúng đắn.
Đương thời, lúc từ chỗ Ma Đăng Già trở về gặp Phật, ngài A Nan đảnh lễ và thỉnh cầu Phật chỉ dạy; sau đó Ngài nói bài kệ rằng:
“Diệu trạm Tổng trì, bất động tôn,
Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu,
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng,
Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.”
(Kinh Lăng Nghiêm, quyển 3)
“Diệu trạm Tổng trì, bất động tôn.” “Tổng trì,” tiếng Phạn là Đà la ni (Dharani), tức là “chú.” “Bất động tôn” là biểu hiện của Đại định Lăng Nghiêm. Trọn câu này là chỉ cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
“Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu.” Đại định Lăng Nghiêm là pháp môn hy hữu nhất, hiếm có nhất ở thế gian; vì saỏ Vì đại định này có thể “tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng.” “Ức kiếp” là quãng thời gian rất lâu dài, lâu đến vô lượng vô biên kiếp, không thể nào tính đếm được. “Điên đảo tưởng” là những tư tưởng trái ngược, không chánh đáng. Tất cả những tư tưởng của người thế gian chúng ta đều là “điên đảo tưởng”!
“Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.” Kinh Lăng Nghiêm có công năng tiêu trừ những tư tưởng điên đảo từ vô thủy đến nay của chúng ta, mà không cần phải trải qua ba tăng kỳ trăm ngàn ức kiếp. Chúng ta có thể đốn ngộ chân tâm, đạt được Pháp tánh thân vốn có, tức là Như Lai Tạng Tánh, mà không cần trải qua thời gian xa xôi lâu dài.
Công năng của Kinh Lăng Nghiêm là tiêu trừ mọi vọng tưởng điên đảo của chúng ta, vì thế mà nói là “tiêu đảo tưởng, trừ tế hoặc.”
“Trừ tế hoặc.” “Tế hoặc” tức là những mối nghi hoặc vi tế, vi tế đến nỗi mắt thường không thấy được, tai không nghe được, tâm không nghĩ ra được. Hễ chúng ta khởi một niệm “bất giác” thì liền có ba loại “tế hoặc” nảy sanh. “Một niệm” là khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi; tuy là ngắn ngủi mà vẫn có thể nảy sanh ba mối nghi hoặc hết sức vi tế. Có câu:
“Tế hoặc như trần,
Tự tánh như cảnh.”
Các mối “hoặc” này có thể ví như bụi bặm vậy—nếu trong phòng có bụi bặm thì chỉ trong vòng một giây ngắn ngủi cũng sẽ có rất nhiều bụi bay tới bám trên mặt gương. Lúc bụi còn ít thì mặt gương không bị ảnh hưởng mấy; nhưng đến khi bụi bám thành lớp dày thì gương sẽ bị mờ đi, không còn trong sáng như trước nữạ Những mê hoặc vi tế của chúng ta thì giống như bụi bám trên mặt gương; còn tự tánh của chúng ta thì như tấm gương sáng, và đó cũng chính là Đại viên kính trí. Do sự nảy sanh của các “tế hoặc,” nên tấm gương sáng bị che lấp và càng ngày càng trở nên lu mờ. Đại sư Thần Tú có một bài kệ tụng như sau:
Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh kính đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai!
Nghĩa là:
Thân như cây Bồ đề,
Tâm như đài gương sáng,
Thường siêng năng lau chùi,
Đừng để dính bụi dơ!
Có nhiều người cho rằng bài kệ này nói không đúng, nhưng tôi thì cho là đúng; tại saỏ Bởi trong mỗi chúng ta đều có hạt giống Bồ đề, cho nên thân chúng ta có thể ví như cây Bồ đề, còn bổn tánh chân tâm thì như tấm gương thanh tịnh trong sáng. Do đó, “thường siêng năng lau chùi,” ngụ ý là chúng ta cần phải thường xuyên tu hành và chớ để cho chân tâm sáng suốt thanh tịnh của mình bị ô nhiễm; đó là:
“Hôm nay lau, ngày mai chùi,
Chùi đi chùi lại sáng như gương.”
Cho nên bài kệ của ngài Thần Tú khích lệ người tu hành siêng năng tu tập là đúng; khi chưa được khai ngộ thì cần phải theo bài kệ đó mà tu hành.
Lục Tổ Đại sư có bài kệ đáp lại như sau:
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh kính diệc phi đàị
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Nghĩa là:
Bồ đề vốn không cây,
Gương sáng cũng không đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ?
Bài kệ này là do một người đã khai ngộ tuyên thuyết, cho nên những người khai ngộ đều cần phải biết và tuân theo đó mà tu hành. Có câu:
Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện,
Lục căn hốt động bị vân già!
Khi mà ngay cả một niệm cũng không sanh khởi, thì Phật tánh lập tức hiện tiền, định lực cũng đồng thời xuất hiện. Lúc sáu căn—mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý—dao động, thì chẳng khác nào bầu trời bị mây che phủ vậy.
Một khi vọng tưởng điên đảo không còn nữa, tế hoặc cũng được trừ sạch, thì quý vị sẽ mau chóng thành tựu được Phật quả. Đáng tiếc là mọi người đều không muốn thành Phật, mà lại lưu luyến cõi “ngũ trược ác thế,” muốn lưu lại thế gian này và quên mất chuyện trở về. Họ cho khổ là vui, lấy cực làm sướng, quay lưng với giác ngộ, hợp nhất với bụi trần. Mặc dù chưa liễu thoát được sanh tử, họ cho rằng như thế là tốt rồi: “Tôi nè, vừa thông minh vừa đẹp đẽ; ai cũng thích tôi cả! Những việc mà người khác không hiểu, thì tôi đều hiểu rõ!”
Thực tế, thì những người đó giống như tấm gương bị bám bụi, càng ngày bụi bám càng nhiều, bụi càng nhiều thì gương càng lu mờ, thậm chí không còn phản chiếu chút ánh sáng nào cả. Đời này thì họ cho là họ thông minh, song quý vị hãy đợi đấy mà xem, biết đâu mười đời sau họ sẽ trở thành ngu si như loài heo cũng không chừng! Cho nên, kiếp này chúng ta cần phải quyết định hướng đi cho đời mình, phải nhận rõ phương hướng cùng mục tiêu, thì mới có được biện pháp thiết thực!
Vậy, dẹp bỏ tư tưởng điên đảo và loại trừ các mối nghi hoặc vi tế của chúng sanh, là một trong những nhân duyên lớn của bộ kinh này.
6. Minh nhị môn, lợi kim hậu.
Nhân duyên thứ sáu của Kinh Lăng Nghiêm là “minh nhị môn, lợi kim hậu.”
“Nhị môn” tức là hai môn—Bình đẳng môn và Phương tiện môn. Bình đẳng môn chính là Thực pháp, là “nhất tâm vạn pháp,” nghĩa là vạn pháp thì bình đẳng nhất tướng, vốn không sai khác; còn Phương tiện môn là Quyền pháp, tức là pháp quyền nghi.
“Quyền” là quyền biến, không phải thật tạị Pháp quyền biến là ngẫu nhiên, là pháp môn phương tiện để dẫn vào Thực pháp; cho nên Quyền pháp là giáo pháp tạm thời chứ không phải vĩnh cữụ Thực pháp thì vĩnh viễn không thay đổi, từ trong Thực pháp có thể thiện xảo vận dụng Quyền pháp. Vậy, pháp có hai môn là Quyền pháp và Thực pháp.
Thế nào là Quyền pháp? Tôi sẽ đưa ra một ví dụ gọi là “không quyền độ tử,” kể chuyện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng nắm tay không để cứu độ một đứa bé.
Số là một hôm nọ, có một đứa bé chập chững đi về phía một giếng nước và sắp sửa té xuống giếng. Nếu chẳng may bị té xuống giếng thì đứa bé chắc chắn sẽ bị ngộp nước mà chết. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết rằng nếu gọi nó, bảo nó quay về lại thì nhất định là nó không chịu nghe lời, vì thế Phật bèn nắm bàn tay lại, rồi đưa tay về phía đứa bé và dịu dàng nói: “Này con, trong tay Ta đang cầm rất nhiều kẹọ Con hãy mau mau đến đây, Ta sẽ thưởng kẹo cho con!”
Đứa bé nghe nói sẽ được cho kẹo thì liền hớn hở quay về lạị Kỳ thực, trong tay của Đức Phật không có kẹo—hoàn toàn không có gì cả. Thế thì, có phải là Phật nói dối để gạt đứa bé không? Không phải! Bởi đứa bé đang ở gần miệng giếng, nếu không có một sức hấp dẫn, kịp thời thu hút sự chú ý của nó, khiến cho nó cấp tốc lùi lại, thì chắc chắn nó sẽ bị rơi xuống giếng! Vì thế, Đức Phật bèn giơ nắm tay—trong bàn tay đó chẳng có gì cả—mà nói rằng trong đó có kẹo để khiến cho đứa bé chịu quay về. Tại sao đứa bé chịu quay về lại? Bởi nó muốn được ăn kẹo!
Đối với hết thảy chúng sanh, Đức Phật thường dùng pháp môn phương tiện thiện xảo để giáo hóa. Thật ra, vốn không có gì cả, song Đức Phật lại nói với chúng sanh rằng: “Ta có rất nhiều bảo vật quý giá. Các ông hãy đến chỗ Ta, Ta sẽ ban cho các ông nhiều bảo bốịi. Ta cũng có nhiều ngọc châu vô giá, cùng nhiều thứ tốt đẹp, quý báu khác ...” Vì chúng sanh thường có lòng tham, hễ nghe có lợi là sáng mắt, liền tìm đến. Chúng sanh đến, Phật bèn nói pháp để độ họ—đó là kết quả của pháp môn phương tiện; và như thế gọi là “quyền xảo phương tiện độ chúng sanh.”
“Lợi kim hậụ” “Lợi” là lợi ích, lợi ích cho “kim hậu.” “Kim” có nghĩa là hiện nay, và “hậu” tức là mai sau. “Kim” có thể được hiểu là lúc Phật còn tại thế, mà cũng có thể là chỉ thời điểm hiện tại. Tất cả chúng sanh trong đời hiện tại cùng vị lai đều có thể được hưởng sự lợi ích, được thấm nhuần Phật pháp. Cho nên, “minh nhị môn, lợi kim hậu” — hiển minh hai pháp môn Quyền và Thực để làm lợi lạc cho chúng sanh ở đời này và đời sau—là nhân duyên thứ sáu, thuộc phần Khởi Giáo Nhân Duyên.
Như vậy, do sáu nhân duyên kể trên mà Đức Phật đã tuyên thuyết bộ Kinh Lăng Nghiêm. Kinh này lấy hai loại pháp môn là bình đẳng (Thực pháp) và phương tiện (Quyền pháp) để thuyết pháp. Đức Phật dùng hai loại pháp môn này giáo hóa chúng sanh, khiến cho chúng sanh lìa khổ được vui, cuối cùng chứng đắc Phật quả; cho nên bộ kinh này mang lại lợi ích rất lớn lao cho hết thảy chúng sanh.

III. Tạng Thừa Nhiếp Thuộc
“Tạng thừa nhiếp thuộc” cũng còn gọi là “Tạng thừa phân nhiếp,” tức là phân tích xem bộ kinh này là nằm trong “tạng” nào và thuộc về “thừa” nào?
“Tạng” tức là Tam Tạng—Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Tam Tạng lại thuộc về Tam Vô lậu học—Giới, Định, Huệ—trong đó, Kinh tạng thuộc về Định học, Luật tạng thuộc về Giới học, và Luận tạng thuộc về Huệ học. Trong kinh điển, chúng ta thường thấy nhắc tới tôn hiệu “Tam Tạng Pháp sư”—đây là danh xưng dành cho vị Pháp sư đã làu thông cả ba tạng Kinh, Luật, Luận.
Những điều được giảng giải trong Kinh tạng đều thuộc về Định học, bởi hầu hết là dạy cách tu định. Điển hình là Kinh Lăng Nghiêm—kinh này chủ yếu là dạy chúng ta làm thế nào để tu thiền định. Trong kinh cũng có đề cập đến Giới và Huệ, song không nhiều lắm; cho nên có thể nói rằng Kinh Lăng Nghiêm lấy Định học làm gốc, và thuộc về Kinh tạng. Vì thế, như trên đã nói, “thị tánh định, khuyến thực chứng” cũng là tôn chỉ của bộ kinh này.
Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói về Tứ chủng Thanh tịnh minh hối (bốn lời dạy rõ ràng về tánh thanh tịnh), đây là phần giảng về Giới luật nhưng cũng không nhiều lắm; do đó bộ kinh này không phải là Giới kinh, cũng không thuộc Huệ học, mà thuộc về Định học. Vậy, xét trong Tam Tạng, thì Kinh Lăng Nghiêm là thuộc về Kinh tạng, chứ không phải Luật tạng hoặc Luận tạng.
Bây giờ chúng ta nói đến chữ “thừa.” Vậy, “thừa” nghĩa là gì? “Thừa” có nghĩa là cỗ xe; và ở đây, “thừa” là chỉ cho hai thừa trong Phật giáo—Đại thừa và Tiểu thừạ “Tiểu thừa” là cỗ xe nhỏ chỉ chở được một vài người, chẳng hạn như xe đạp hoặc các loại xe có ít chỗ ngồi; và đó cũng chính là “Thanh văn Duyên giác thừạ” Còn “Đại thừa” tức là “Bồ tát thừa,” là cỗ xe lớn có thể chở được rất nhiều người.
Giáo pháp mà Đức Phật thuyết giảng thì bao gồm cả Đại thừa và Tiểu thừa; thế thì Kinh Lăng Nghiêm thuộc về kinh điển của thừa nàỏ Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh “giáo Bồ tát pháp, Phật sở hộ niệm,” do đó thuộc về Đại thừa Bồ tát pháp, và là một bộ kinh điển của Đại thừa.
Tại sao nói bộ kinh này là “giáo Bồ tát pháp” (giáo pháp để dạy cho hàng Bồ tát)? Bởi bộ kinh này là Đức Phật vì các vị A la hán muốn “hồi tiểu hướng đại,” phát Bồ tát tâm, tu Bồ tát đạo, mà tuyên thuyết!
Đương thời, Tôn giả A Nan khi vừa từ nhà của cô gái Ma Đăng Già về đến chỗ Phật, liền thiết tha cầu thỉnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy cho mình rõ về “Bồ đề đạo lộ,” con đường mà chư Như Lai thời quá khứ đã từng đi quạ Và, câu trả lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là bộ Kinh Lăng Nghiêm này vậỵ Bởi trong kinh có giảng về giáo pháp tu hành của hàng Bồ tát, cho nên bộ kinh này thuộc về Bồ tát thừa hay Đại thừa, chứ không phải là pháp Tiểu thừa.
Vậy, Kinh Lăng Nghiêm là thuộc về Kinh tạng, và là giáo pháp của Bồ tát thừa. Trên đây là nói về “tạng thừa nhiếp thuộc” của Kinh Lăng Nghiêm.

IV. Nghĩa Lý Thâm Thiển
Nghĩa lý trong Kinh Lăng Nghiêm là thâm sâu hay nông cạn? Đạo lý mà bộ kinh này xiển dương thì thuộc về tông giáo nào?
Căn cứ theo sự phán định của Thiên Thai tông thì có bốn khoa giáo, gọi là Tứ giáo—Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, và Viên giáo.
1) Tạng giáo. Tạng giáo là giáo pháp của Tiểu thừa, thuộc Tam Tạng giáọ Tam Tạng giáo bao gồm những kinh điển nàỏ Đó là Kinh A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma), còn gọi là Kinh A Hàm (Agama). “A Hàm” là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là “vô tỷ pháp,” có nghĩa là giáo pháp không chi sánh bằng. Song le, tuy gọi là “vô tỷ pháp” nhưng vẫn là Tiểu thừa giáo, vẫn thuộc về Tiểu thừa. Theo Thiên Thai giáo, thì những kinh điển này được phán định là thuộc Tam Tạng giáo.
2) Thông giáo. Sau Tam Tạng giáo lại có Thông giáọ Thế nào gọi là Thông giáỏ Bởi giáo nghĩa này, trước thì thông với Tam Tạng giáo, sau thì thông với Biệt giáo, tức là “thông trước thông sau,” nối liền các giáo nghĩa, nên gọi là Thông giáọ “Thông” có nghĩa là thông đạt.
3) Biệt giáo. Sau Thông giáo là Biệt giáọ Thế nào là Biệt giáỏ Biệt giáo là giáo nghĩa đặc biệt, “khác trước khác sau”—không giống với Thông giáo ở trước cũng chẳng đồng với Viên giáo ở sau, nên rất đặc biệt.
4) Viên giáo. Sau Biệt giáo là Viên giáo.
Xét trong Tứ giáo—Tạng, Thông, Biệt, Viên—của Thiên Thai tông, thì Kinh Lăng Nghiêm thuộc về Biệt giáo.
Còn nếu căn cứ theo sự phán định của Hiền Thủ tông, thì Kinh Lăng Nghiêm thuộc về khoa giáo nàỏ Theo Hiền Thủ tông thì có năm khoa giáo, gọi là Ngũ giáo, và đó là Tiểu giáo, Thủy giáo, Chung giáo, Đốn giáo, và Viên giáo.
Đối với tông Thiên thai, Tiểu giáo của tông Hiền Thủ chính là Tạng giáo; Thủy giáo là Thông giáo cùng Biệt giáo; còn ba giáo Chung, Đốn, Viên thì đều nằm trong Viên giáọ Cho nên, Ngũ giáo và Tứ giáo của hai tông này, tuy tên gọi bất đồng song nghĩa lý thì chỉ là một.
Tiểu giáo chính là Tiểu thừa giáọ Thủy giáo là giáo nghĩa khởi đầu của Đại thừa giáo, dành cho những người chỉ mới biết “nhân không,” chứ chưa hiểu được “pháp không”—tức là đối với pháp vẫn còn sự chấp trước. Còn Chung giáo chính là Đại thừa giáo, dành cho người đã liễu ngộ được “nhân không” và “pháp không.” “Người” thì không, “pháp” cũng không—nhân và pháp đều không còn, đó gọi là “nhân pháp song vong.” Đây là đạo lý thuộc Đại thừa giáo.
Nhắc đến “nhân pháp đều không,” tôi nhớ có một công án như sau:
Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn trụ thế, thường có những cư sĩ cung thỉnh Phật về nhà họ thọ trai; và theo thông lệ, mỗi khi thọ cúng dường xong, Đức Phật đều thuyết pháp cho trai chủ — người thiết trai cúng dường — nghe. Chiếu theo luật nghi, vị trai chủ cung kính đến trước mặt Phật cúi đầu đảnh lễ, rồi ân cần cung thỉnh Phật thuyết pháp. Nếu Phật đi vắng, thì trai chủ có thể thỉnh các đệ tử A la hán của Phật đi ứng cúng, và sau khi ứng cúng thì các ngài cũng nói pháp cho trai chủ nghe.
Phật giáo lấy thuyết pháp đổi cơm ăn, như tôi nay mỗi ngày đều ăn cơm là vì mỗi ngày tôi đều có nói pháp cho quý vị nghe; nếu ngày nào không thuyết pháp thì ngày đó tôi không ăn uống gì cả! Cho nên, tôi vì vấn đề ăn cơm mà không thể không thuyết pháp!
Một ngày kia, Phật dẫn chư Đại Tỳ kheo đi ứng cúng, chỉ để một chú Sa di còn nhỏ tuổi ở lại Tinh xá. Lúc đó có một vị trai chủ đến Tinh xá, muốn thỉnh Phật cùng chư tăng về nhà mình thọ cúng dường. Ông ta đã chuẩn bị một vài món ăn chay thanh khiết, và định thỉnh mời Đức Phật cùng với chư Tỳ kheo và Sa di đến thọ thực; nhưng tới Tinh xá mới hay là Phật đã cùng chư Đại Tỳ kheo đi trai hội nơi khác, chỉ còn một mình chú Sa di ở nhà. Vị trai chủ bèn vui vẻ nói: “Không sao cả, thưa chú! Tôi muốn thỉnh chú đến nhà tôi thọ cúng dường; mời chú hoan hỷ đi theo tôi!”
Chú Sa di bấy giờ bối rối, chỉ biết riu ríu đi theo vị trai chủ để ứng cúng. Tại sao chú lại bối rối? Bởi mọi khi ứng cúng chú đều đi chung với các thầy Tỳ kheo, chứ chưa bao giờ đi một mình cả; nay có người mời chú đi thọ trai, chú cảm thấy lo âu vì không biết đến đó rồi phải ăn nói như thế nàọ Phải thuyết pháp, mà không biết pháp thì thuyết làm sao đặng? Thế nhưng, trước sự thiết tha thành khẩn của vị trai chủ, chú Sa di không thể nào khước từ được, đành phải bấm bụng đánh liều đi theo.
Thọ cúng dường xong, như thường lệ, vị trai chủ cung kính quỳ mọp dưới đất, hướng về phía chú Sa di mà khấu đầu đảnh lễ cầu pháp. Quý vị đoán xem chú Sa di làm cách nào đây? Chú Sa di sợ quá, bèn rón rén rời khỏi tòa ngồi, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Chú Sa di thọ trai xong, không thuyết pháp mà lại bỏ chạy, trong lòng chú nhất định cảm thấy rất hổ thẹn, ngượng ngùng!
Trong khi đó, vị trai chủ cúi đầu quỳ rất lâu, đợi mãi mà thấy chú Sa di cứ làm thinh, chẳng nói năng gì cả, thì thắc mắc: “Không biết chú Sa di này định nói pháp gì đây?” Ông ta bèn len lén ngẩng đầu lên nhìn trộm, thì lạ lùng thay, chỉ thấy một tòa ngồi trống không, chú Sa di chẳng còn ngồi ở đó nữa!
Thấy chú Sa di biến mất một cách đột ngột, chỉ trong khoảnh khắc chừng một sát na, vị trai chủ sững sờ và hốt nhiên khai ngộ—ông ta khai ngộ được điều gì? Ông ta lãnh hội được đạo lý “nhân không, pháp không” — không có người, mà cũng chẳng có pháp—và thốt lên: “A, thì ra là như vậy!” Song, chỉ nói là mình khai ngộ thôi thì vẫn chưa được, mà cần phải có sự ấn chứng nữa. Thế là vị trai chủ tức tốc chạy đến vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, tìm vị Sa di đó để xin được ấn chứng.
Chú Sa di này, sau khi về tới Tinh xá, vội chạy bay về liêu phòng, đóng cửa và khóa lại cẩn thận. Tại sao phải khóa cửa? Vì chú sợ rằng vị trai chủ sẽ đến tìm chú để đòi “món nợ” pháp, muốn chú thuyết pháp trong khi chú không có pháp gì để thuyết cả! Nào ngờ cửa khóa chưa được bao lâu, vị trai chủ quả nhiên đã tìm tới tận nơi và đến gõ cửa phòng chú. Chú Sa di sợ quá đứng im thin thít trong phòng, chẳng dám lên tiếng, chỉ biết than thầm trong bụng: “Làm sao bây giờ? Mình đã ăn cơm của người ta, nay người ta đến cầu pháp, phải làm sao đâỷ” Trước tình huống khẩn trương, cực kỳ cấp bách đó, chú Sa di đột nhiên khai ngộ, thấu suốt được đạo lý “nhân không, pháp không.”
Qua công án trên, có thể nói rằng có rất nhiều nhân duyên tác động đến sự khai ngộ của mỗi người. Quý vị có thể khai ngộ bởi quá lo lắng. Sự vui vẻ cũng có thể là nhân tố khiến cho quý vị trở nên khai ngộ. Sự tiếp xúc, va chạm với cảnh giới nào đó cũng có thể làm cho quý vị khai ngộ. Cho nên, nhân duyên khai ngộ của mỗi người đều không giống nhaụ Có người do nghe tiếng gió thổi mà khai ngộ; có người thì nghe tiếng nước chảy mà khai ngộ; lại có người thì nhờ nghe tiếng chuông tiếng khánh mà khai ngộ.
Có người thắc mắc: “Con nghe những loại âm thanh như thế nhiều lần lắm rồi, nhưng tại sao vẫn chưa được khai ngộ?”
Tôi làm sao biết được tại sao quý vị chưa khai ngộ? Nay tôi gõ chuông, quý vị nghe tiếng chuông này rồi có thể khai ngộ không? Việc khai ngộ, cần phải đợi đúng lúc, đến đúng thời điểm thì mới xảy ra. Ví như nấu cơm, quý vị phải chờ cho cơm chín thì mới có thể ăn; cũng thế, sự khai ngộ của quý vị cũng phải đợi đến lúc cơ duyên chín muồi mới được!
Bây giờ, trước mắt, quý vị chỉ cần chuyên tâm nhiếp trí tu hành, nhất định có ngày quý vị sẽ khai ngộ. Nếu nay quý vị đã khai ngộ rồi, thì càng tốt; còn nếu chưa khai ngộ, thì nên bình tâm thong thả chờ đợi, đừng nôn nóng! Quý vị không nên nôn nóng đến nỗi ăn không được, ngủ không được—tuyệt đối không nên như thế!
Vậy, Chung giáo là giáo nghĩa dành cho người đã liễu ngộ đạo lý “nhân không pháp không”; đó chính là cửa vào biển giáo pháp Đại thừa. Tuy rằng Chung giáo là “giáo Bồ tát pháp,” đó vẫn chưa phải là giáo nghĩa rốt ráọ Trên Chung giáo còn có Đốn giáo và Viên giáọ Viên giáo là giáo nghĩa giảng về tánh “viên dung vô ngại” của mọi sự vật.
Kinh Pháp Hoa thì thuộc về Viên giáo, và trong đó có nói rằng trong tương lai, tất cả chúng sanh đều có thể làm Phật: “Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng Nam mô Phật, giai cộng thành Phật đạo.”
Phàm khi người ta vào chùa hoặc tháp miếu để lễ Phật, thì tâm của họ phải thành khẩn, phải chuyên nhất. Ở đây, Kinh Pháp Hoa đề cập đến những người không có lòng thành, mà vào tháp miếu và niệm một tiếng “Nam mô Phật.” Tuy rằng không thành tâm, nhưng nhờ một tiếng niệm “Nam mô Phật” này mà trong tương lai, họ cũng sẽ được thành Phật!
Chúng ta niệm Phật, thì nên hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh. Phàm niệm Phật thì nên vì mọi người, vì chúng sanh mà niệm, chứ đừng vì chính mình; được như thế thì công đức càng thêm lớn, càng viên dung vô ngại hơn nữa.
Giảng đến đây tôi nhớ lại một công án. Lúc Phật còn tại thế, có lần Phật dẫn chúng đệ tử đến một nước nọ, mà quốc vương và dân chúng của nước đó đều không hoan nghênh và cũng không cúng dường Đức Phật cùng chư Tăng. Lần đó, Tôn giả Mục Kiền Liên không cùng đi với Phật. Về sau, khi Tôn giả Ma Ha Mục Kiền Liên cũng kịp đến nước này gặp Phật, thì trong nước từ quốc vương đại thần cho tới quốc dân bá tánh, ai nấy đều cung kính reo mừng đảnh lễ và hân hoan cúng dường các thứ cần dùng cho Tôn giả.
Trước sự kiện này, các đệ tử của Phật cảm thấy vô cùng kỳ lạ và khó hiểu; họ bàn luận xôn xao:
 “Đức hạnh sâu dày như Phật mà khi đến chốn này còn không được ai hoan nghênh, chẳng có ai cúng dường! Thế mà, Tôn giả Mục Kiền Liên chỉ là đệ tử của Phật, vừa đến thì liền được mọi người cung kính đón tiếp, cúng dường; là tại sao?”
Các đệ tử bèn đến trước Phật và bạch hỏi nguyên do. Bấy giờ, Đức Phật giải thích cho chúng đệ tử nghe rằng: “Các ông muốn biết vì sao lúc Ta đến đây, thì quốc vương, các quan đại thần, cùng toàn thể dân chúng đều không cúng dường cho Ta ư? Đó là do trong đời quá khứ, Ta đã không kết thiện duyên với họ!
Thuở ấy, cách đây vô lượng kiếp về quá khứ, ông Mục Kiền Liên là một tiều phu hằng ngày lên rừng đốn củi. Một hôm, đang kiếm củi thì người tiều phu đụng phải một tổ ong và bị cả bầy ong ùa ra chích đốt. Lúc đó, người tiều phu, tức là tiền thân của ông Mục Kiền Liên, chỉ niệm Phật và phát nguyện rằng: ‘Nam Mô Phật! Loài ong các ngươi chớ đốt ta nữa. Trong tương lai, khi ta đắc Đạo rồi, ta sẽ độ cho các ngươi được thành Phật trước tiên. Các ngươi hãy buông bỏ ác tâm và chớ nên hại người nữa!’ Ông Mục Kiền Liên phát nguyện xong thì không còn bị bầy ong bao vây châm đốt nữa.
Sau đó, tổ ong này luân chuyển cho đến hôm nay, con ong chúa đã trở thành quốc vương, bầy ong thợ thì trở thành quốc dân của nước này. Vị tiều phu trong kiếp xưa thì nay là ông Mục Kiền Liên, là một thầy Tỳ kheo. Bởi xưa kia đã từng phát nguyện độ bầy ong, tiền thân của dân chúng trong nước này, cho nên hôm nay ông ấy vừa đến đây thì liền nhận được sự cung kính đảnh lễ, nhiệt liệt nghinh tiếp của cả nước! Tại sao? Đây là do nhân duyên kiếp trước tạo thành—kiếp trước ông Mục Kiền Liên phát nguyện độ họ thành Phật, nên hôm nay được họ hoan nghênh tiếp đón như thế.”
Cho nên, chúng ta tu Đạo thì nên kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, nên quan tâm tới họ, phát nguyện hóa độ họ, khiến cho không phải chỉ một chúng sanh mà là tất cả chúng sanh đều được thành Phật. Lời nguyện tuy vô hình, không nhìn thấy được, nhưng trong tâm của mỗi chúng sanh đều có một sợi dây vô tuyến có thể thông tin cho nhaụ Mặc dù quý vị không nhìn thấy, nhưng nếu quý vị đối xử tốt với mọi người, thì trong âm thầm họ nhất định sẽ cảm nhận được. Đối với tất cả chúng sanh, quý vị đều nên có tâm muốn độ họ thành Phật. Nếu chúng ta mỗi người đều có tâm nguyện này, thì đi đến đâu cũng đều kết thiện duyên được cả.
Có người hỏi: “Con đến chỗ nọ chỗ kia, nhưng không có ai chào hỏi con, không có ai quan tâm đến con cả; tại sao lại như thế?”
Tại sao ư? Tại vì đời trước quý vị không có gieo duyên với những người sống ở nơi đó. Cho nên, chữ “duyên” này rất quan trọng. Chúng ta, những người tu Đạo, cần phải kết thiện duyên với tất cả chúng sanh. Có câu:
“Vị kết Bồ đề quả,
Tiên kết chúng sanh duyên.”
Khi chưa thu hoạch quả Bồ đề, chưa thành Phật, thì trước tiên quý vị cần phải kết thiện duyên với chúng sanh. Bằng cách nàỏ Chính là đối xử tốt với tất cả chúng sanh! Quý vị hãy lấy lòng tốt mà đối đãi với tất cả chúng sanh, cư xử tốt với tất cả chúng sanh. Việc gì hữu ích cho chúng sanh mà sức mình làm được, thì quý vị nên cố gắng làm, chớ từ nan. Điều này rất quan trọng, bởi đó chính là phát tâm của Bồ tát Đại thừạ Quý vị không nên làm vị A la hán Tiểu thừa, không nên chỉ biết có mình mà phải biết nghĩ đến người khác nữa.
“Muốn kết quả Bồ đề,
Rộng kết chúng sanh duyên.”
Tại sao phải kết thiện duyên với chúng sanh? Vì chúng sanh đều là Phật, quý vị đối với chúng sanh tốt tức là đối với Phật tốt; quý vị đối với chúng sanh không tốt tức là đối với Phật không tốt. Do đó, nếu quý vị có thể xem tất cả chúng sanh đều là Phật, thì chúng sanh cũng sẽ xem quý vị là Phật; nếu quý vị xem chúng sanh là ma vương thì chúng sanh cũng xem quý vị là ma vương.
Điều đó cũng tương tự như mang kính màu vậy—quý vị mang mắt kính màu xanh thì nhìn ai cũng thấy là màu xanh cả, và người khác nhìn lại quý vị thì cũng thấy là màu xanh như vậỵ Nếu quý vị đeo kính màu hồng thì saỏ Thì nhìn đâu đâu quý vị cũng thấy toàn là màu hồng! Mắt quý vị nhìn thấy người ta như thế nào, thì người ta nhìn lại quý vị cũng thấy như thế ấy.
Cho nên, như tôi đã nói, trong tâm tất cả chúng sanh đều có vô tuyến điện thông với nhau, cùng liên hệ với nhaụ Quý vị đừng nên cho rằng quý vị mống lên một tâm niệm ác, thì người khác không thể nào biết được. Đúng vậy! Người đó không thể biết được một cách cụ thể, nhưng tự tánh của người đó có một loại cảm giác, có khả năng cảm nhận được. Trong mối tương quan giữa con người với con người, nếu quý vị cư xử tốt với mọi người, thì đó thuộc về “dương quang”; cư xử xấu với mọi người, thì đó thuộc về “âm quang.”
Toàn bộ đạo lý và nghĩa lý hàm chứa trong Kinh Lăng Nghiêm thì thâm sâu như đại dương, nhưng quý vị có biết chiều sâu của đại dương là bao nhiêu không? Có người nói rằng có thể đo lường để biết được; tuy nhiên, biển cả mênh mông rộng lớn, quý vị đo chỗ này thì sâu như thế, sang chỗ kia lại có thể là cạn hơn hoặc sâu hơn một chút, nên không thể nào biết được độ sâu của đại dương thật ra là bao nhiêụ Đạo lý của Kinh Lăng Nghiêm cũng vậy, quý vị không dễ gì mà lãnh hội tường tận được các đạo lý tiềm tàng trong kinh. Mỗi người đều hưởng được sự ích lợi khác nhau từ Kinh Lăng Nghiêm, nhưng tất cả đều phát xuất từ trí huệ của kinh nàỵ Do vì nghĩa lý trong Kinh Lăng Nghiêm rất thâm sâu, trí huệ mà chúng ta nhiếp thu được từ kinh sẽ rất lớn, và định lực đắc được cũng sẽ rất kiên cố; cho nên gọi là “Nhất Thiết Sự Cứu Cánh Kiên Cố.”
Chúng ta cùng nhau nghiên cứu bộ kinh này thì mỗi người đều đạt được đôi chút sở đắc, song nghĩa lý của kinh chẳng phải vì thế mà bị suy suyển hay giảm sút. Nghĩa lý thâm sâu huyền diệu của bộ kinh này ví như nước biển vậỵ Quý vị múc lấy một thùng, thì nước trong biển vẫn còn rất nhiều, vô cùng vô tận, chẳng bị vơi đi. Nghĩa lý của kinh này cũng vậy, cũng vô cùng vô tận! Ngay cả đến khi quý vị khai ngộ rồi, thì đạo lý của kinh này vẫn còn nhiều như trước, vẫn hoàn toàn giống như lúc quý vị chưa khai ngộ vậy. Quý vị hấp thụ được bao nhiêu trí huệ từ kinh đi nữa, thì trí huệ hàm chứa trong kinh cũng không tăng không giảm; cho nên nghĩa lý của bộ kinh này thì sâu rộng như đại dương mênh mông, không bao giờ cùng tận.
V. Năng Thuyên Giáo Thể
Đây là môn thứ năm trong mười môn phân biệt của Thiên thai tông.
“Giáo thể” là gì? Tại sao lại cần có giáo thể? Tất cả giáo pháp mà Đức Phật tuyên thuyết đều có giáo thể; thế thì giáo thể của Kinh Lăng Nghiêm là gì? Đó là danh, cú, văn và thanh. “Danh” là danh tự, là tên; “cú” là từng câu từng câu; “văn” là văn chương; và “thanh” là âm thanh.
Bồ tát Văn Thù đã bạch với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng khi Như Lai xuất hiện ở đời, thì:
“Thử phương chân giáo thể,
Thanh tịnh tại âm văn.”
(Kinh Lăng Nghiêm, quyển 6)
“Thử phương” tức là chỉ thế giới Ta Bà; “chân giáo thể” là giáo thể chân chánh, đích thực. Thế thì giáo thể chân chánh của cõi Ta Bà này là gì? “Thanh tịnh tại âm văn”—âm văn chính là thể tánh của giáo pháp tại chốn này.
“Âm văn” tức là âm thanh, nhưng chỉ có âm thanh mà thôi thì chưa thể gọi đó là giáo thể; vì gió cũng có thể tạo ra âm thanh, nước cũng có thể gây nên tiếng động, nhưng gió và nước không thể trở thành giáo thể được. Vậy giáo thể là gì? Đó là “thanh, danh, cú, văn.” “Thanh” là âm thanh thuyết pháp của Phật; từ âm thanh này mà sanh danh mục, lập tên; các danh mục hợp lại thành câu văn; từng câu từng câu hợp lại thành ra văn chương. Vậy, “thanh, danh, cú, văn” là giáo thể của bổn kinh.
Giáo thể này cũng gồm có bốn môn; mà “thanh, danh, cú, văn” là thuộc về Tùy tướng môn. Ngoài ra, còn có Duy thức môn—Kinh Lăng Nghiêm cũng lấy duy thức làm giáo thể. Lại còn Quy tánh môn (“quy” là quay về, “tánh” là tự tánh), môn này không giảng “tướng” mà lại quay về “tánh”—bộ kinh này cũng lấy “quy tánh” làm giáo thể. Và, Vô ngại môn cũng là giáo thể của kinh này.
Duy thức môn thì giảng về “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni quan sát cơ duyên của chúng sanh để xem nên dùng pháp gì thì có thể độ được họ. Rồi từ trong tịnh thức, Phật thuyết giảng giáo pháp thích hợp để giáo hóa chúng sanh; và từ trong thức, chúng sanh cũng đạt được lợi ích của pháp. Đây gọi là “Duy thức môn,” lấy “duy thức” làm giáo thể.
Quy tánh môn thì viên dung vô ngại, “phản thức quy tánh”—“thức” không còn nữa, tất cả quay trở về với tự tánh; vậy, “quy tánh” cũng là giáo thể của kinh.
Các môn nói trên đều có lý có sự, mà Quy tánh môn là thuộc về lý. Thế nào là “Vô ngại môn”? Khi bốn môn này—Tùy tướng môn, Duy thức môn, Quy tánh môn và Vô ngại môn—hợp lại, thì “sự sự vô ngại, lý sự vô ngạị” Lý và sự đều không chướng ngại nhau, tất cả đều không có chướng ngại, tất cả đều viên dung vô ngại—“vô ngại” là giáo thể của bộ kinh này.
Y theo cách nói của Hiền Thủ sớ trong Khởi Tín Luận, lược phân làm bốn môn “thanh, danh, cú, văn” mà ở trên có nói đến là Tùy tướng môn. Căn cứ chỉ thú của vạn pháp duy thức, lấy duy thức làm giáo thể, nên gọi là Duy thức môn. Nhưng thức tâm vô thể, kinh này nói “nhất nhất đều quy Như Lai tạng, diệu chân như tánh,” nên hai giáo thanh, sắc đều lấy quy tánh làm giáo thể, gọi là Quy tánh môn.
Lại nữa, đối với ba môn đầu, “tâm cảnh lý sự” đều hỗ tương vô ngại, cùng nhau nhiếp thọ viên dung. Tùy tướng môn thuộc “cảnh,” Duy thức môn thuộc “tâm,” hợp thành “tâm cảnh vô ngạị” Lại hai môn Tùy tướng và Duy thức đều thuộc “sự,” còn Quy tánh môn thì thuộc “lý,” mà thành “lý sự vô ngại,” nên gọi là Vô ngại môn, và là giáo thể của bộ kinh nàỵ

VI. Sở Bị Cơ Nghi
Thế nào là “sở bị cơ nghi”? Đó là nói về những chúng sanh có căn cơ được giáo hóa bởi bộ kinh nàỵ Căn cơ được giáo hóa, gọi là “cơ nghi.”
Kinh Lăng Nghiêm giáo hóa hạng chúng sanh nào? Kinh này có thể giáo hóa, khiến cho “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”—cả loài hữu tình và vô tình đều có thể chứng thành Phật quả. Chủ yếu thành phần được giáo hóa là Thanh văn, Duyên giác và hàng Hữu học.
Thế nào là Thanh văn? Bậc Thanh văn là những người nhờ nghe âm thanh của Phật mà ngộ Đạọ Họ tu tập pháp môn Tứ Thánh đế—Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Thế nào là Duyên giác? Duyên giác có hai loại, là Duyên giác và Độc giác. Bậc sanh vào thời Phật tại thế và do tu Mười hai Nhân duyên mà ngộ Đạo, gọi là Duyên giác. Bậc Độc giác là người sanh vào thời không có Phật và thường sống ở chốn thâm sơn cùng cốc, ẩn tu nơi hang động hoang vu, quán xét các hiện tượng sanh sanh diệt diệt, diệt diệt sanh sanh của vạn vật trong trời đất:
Xuân quán trăm hoa nở,
Thu ngắm lá vàng rơi.
và do nhìn thấy những cảnh giới này mà ngộ Đạo.
Kinh Lăng Nghiêm vốn giáo hóa hai loại đương cơ là Thanh văn và Duyên giác, và luôn cả bậc hành giả Hữu học. Thế nào là Hữu học? “Hữu học” là còn có sở học, còn có chỗ cần phải học, và đó là bậc Tứ quả La hán, Bồ tát. Tứ quả La hán, Bồ tát gọi là Hữu học vị; đạt đến quả vị Phật mới là Vô học vị (ngôi vị không còn phải tu học nữa).
Ngoài ra, Kinh Lăng Nghiêm còn giáo hóa hàng “định tánh” Thanh văn—tức là những vị Thanh văn không muốn “hồi tiểu hướng đạị” Vậy, “bất định tánh” Thanh văn thì sao? “Bất định tánh” Thanh văn thì có thể “hồi tiểu hướng đạị” “Hồi tiểu hướng đại” tức là có thể chuyển từ quả vị Thanh văn qua Duyên giác, rồi thành Bồ tát.
Trên đây là các căn cơ mà Kinh Lăng Nghiêm giáo hóạ Tuy nói bốn căn cơ này—Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, “định tánh” Thanh văn—là đương cơ, nhưng nếu nói rộng ra, thì tất cả chúng sanh trong Tam giới đều là chúng đương cơ của bộ kinh này, đều có thể lãnh hội sự giáo hóa từ kinh.
Đây là môn phân biệt thứ sáu, Sở bị cơ nghi, nói về các cơ nghi được giáo hóạ Kinh Lăng Nghiêm có thể khiến cho các bậc “định tánh” Thanh văn “hồi tiểu hướng đại,” phát Bồ đề tâm, thành Bồ đề quả, cho nên bộ kinh này có thể nói là “vô cơ bất bị, vô nhân bất độ” (không căn cơ nào không được gia bị, không người nào không được cứu độ).

VII. Tông Thú Thông Biệt
Thế nào là “tông”? Tôn sùng, sùng thượng gọi là “tông.” Sở quy, chỗ xu hướng của “tông” gọi là “thú.” Người tu Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) chuyên giảng về nhân quả; Nhị thừa cũng chính là Quyền thừa.
Giáo pháp mà Đức Phật thuyết ra thì gồm có Quyền thừa và Thực thừạ “Quyền” là ngắn ngủi tạm thời; “thực” là vĩnh viễn thường hằng. Pháp môn Quyền thừa được dùng tạm thời này thì đa số là giảng về nhân quả—nhân là “tông,” quả là “thú.” Đến Thực thừa thì giảng về ngộ nhập—ngộ là “tông,” nhập là “thú.”
Ngài A Nan, “đương cơ bị nạn,” được Đức Phật giải cứu, rồi dạy Ngài “hồi tiểu hướng đại”—đó chính là “tông” của bộ kinh nàỵ Đến lúc ngài A Nan đạt đến cực quả, thì đó chính là “thú.”
Cho nên, tông thú của Kinh Lăng Nghiêm thì thông với Phật đạo; không giống như các kinh điển Tiểu thừa khác, còn bị trói buộc hạn chế vào quyền nghi giáo pháp của Nhị thừa, không thể đạt đến Phật quả. Vậy, đây là điểm phân biệt với giáo lý Nhị thừa.

VIII. Thuyết Thời Tiền Hậu
Bây giờ chúng ta nói về thời điểm Đức Phật tuyên thuyết Kinh Lăng Nghiêm.
Đức Phật đã thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm trời ròng rã. Lúc Phật thuyết Kinh Lăng Nghiêm thì vua Ba Tư Nặc được sáu mươi hai tuổị Vua Ba Tư Nặc vốn cùng tuổi với Phật, vậy thì bộ kinh này phải thuộc vào thời Phương đẳng. Như thế, ở trên (Hiền thủ tông) phán định bộ kinh này thuộc Chung giáo, là đúng.

IX. Lịch Minh Truyền Dịch
“Lịch” là kinh lịch, trải quạ “Minh” là làm cho mỗi người chúng ta đều minh bạch, hiểu rõ sáng suốt. “Truyền” là truyền thọ. “Dịch” là phiên dịch. Vậy, phần này là nói về lai lịch, quá trình truyền bá và phiên dịch bộ kinh này.
Nói về lai lịch nhân duyên của Kinh Lăng Nghiêm, thì rất là lâu xa. Khi Thiên thai Trí Giả Đại sư nghiên cứu tụng đọc Kinh Pháp Hoa, đã phân chia bộ kinh thành ba phần là Tự phần, Chánh tông phần, và Lưu thông phần. “Tự” thì như trên đã giảng, là bài tựa, phần văn mở đầu của kinh. “Chánh tông phần” tức là phần chánh văn, nói rõ tông thú của bộ kinh. “Lưu thông phần” là phần cuối của kinh, khuyên mọi người lưu thông, phổ biến bộ kinh.
Trí Giả Đại sư phân chia nội dung của mỗi bộ kinh điển làm ba phần như thế. Về sau, có một Pháp sư Ấn Độ đến Trung Hoa, vị Sư này nói với Trí Giả Đại sư rằng: “Thầy phân chia như thế rất phù hợp với kinh điển ở Ấn Độ. Các kinh điển ở Ấn Độ cũng được chia làm ba phần như thế; điển hình là bộ Kinh Lăng Nghiêm, cũng được phân chia theo cách này.”
Thiên thai Trí Giả Đại sư nghe xong, mỗi ngày đều hướng về Tây phương thiết tha lễ bái, cầu mong có thể nhìn thấy được bộ Kinh Lăng Nghiêm. Đại sư lễ bái trong suốt mười tám năm, mà cuối cùng vẫn không nhìn thấy được bộ Kinh Lăng Nghiêm này!
Đương thời, Quốc vương xứ Ấn Độ vốn rất kính trọng Kinh Lăng Nghiêm, xem đó như “quốc bảo” (báu vật của quốc gia). Tại sao lại xem như quốc bảo ? Bộ Kinh Lăng Nghiêm này là do Bồ tát Long Thắng xuống Long cung lấy mang về, cho nên người trong nước xem bộ kinh này là quốc bảo, cấm truyền bá ra nước ngoài.
Về sau, có Pháp sư Bát Lặc Mật Đế—người phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm sang tiếng Trung Hoa—nuôi ý định truyền bá bộ kinh này ra nước ngoài, đặc biệt là đến nước Trung Hoa, nơi có nền văn hóa rất sâu rộng. Ban đầu, Ngài lén mang bản kinh này đi sang Trung Hoa, không ngờ đến biên giới thì bị nhân viên hải quan lục soát được và bị tịch thu, không cho Ngài đem đi.
Sau đó, Ngài nghĩ ra một biện pháp có thể mang kinh ra khỏi nước mà không bị phát hiện ngay—với nét chữ thật nhỏ, Ngài chép toàn bộ bản Kinh Lăng Nghiêm lên trên một thứ vải mỏng và mịn màng nhất, rồi xếp nhỏ lại và niêm phong bằng sáp thật kỹ lưỡng. Kế đến, Ngài tự rạch bắp tay và nhét cuộn vải chép kinh vào trong thịt, rồi rịt thuốc và băng bó lại, chờ cho vết thương lành lặn. Có người nói rằng Ngài giấu kinh trong bắp đùi, nhưng tôi nghĩ như thế thì không được cung kính; cho nên nhất định là Ngài giấu trong bắp tay, hoặc là một chỗ thịt dày ở thân trên. Khi vết thương đã lành lặn, Ngài lên đường sang nước Trung Hoạ Lần này, nhờ giấu kinh trong bắp thịt nên nhân viên hải quan ở biên giới không tìm thấy được, và Ngài đã đem được Kinh Lăng Nghiêm vào đất Trung Hoa trót lọt. 
Khi Ngài đến tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa), thì cũng vừa lúc quan Thừa tướng Phòng Dung bị biếm chức và đổi về Quảng Đông. Ngài được Thừa tướng Phòng Dung mời đến trú ngụ ở một ngôi chùa tại Quảng Đông để phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm. 
Trên đây là những khó khăn, gian khổ trong quá trình truyền dịch bộ Kinh Lăng Nghiêm. Hôm nay chúng ta có thể nghiên cứu đọc tụng bộ kinh này, là nhờ quyết tâm không ngại cực khổ khó nhọc của Pháp sư Bát Lặc Mật Đế, người đã đem bộ kinh này đến Trung Hoa. Quý vị nghĩ xem, bộ kinh này quan trọng đến chừng nào! 
Trí Giả Đại Sư được biết Thiên Trúc có Kinh Lăng Nghiêm này, bèn kiền thành lễ bái trong suốt mười tám năm, mong được nhìn thấy, nhưng cuối cùng vẫn không được toại nguyện! Chúng ta hôm nay không những được lễ bái mà còn có thể cùng nhau đọc tụng và nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm, nhân duyên như thế thật là thù thắng biết bao! Hy vọng quý vị đều trân trọng!

Nguyên văn: 
唐中天竺沙門般刺蜜諦譯。
Âm Hán Việt: 
Đường Trung Thiên Trúc Sa môn Bát Lặc Mật Đế dịch.
Giảng: 
“Đường” là triều đại nhà Đường, nước Trung Hoạ Đây là ở vào giai đoạn nào của nhà Đường? Bấy giờ là sau khi Võ Tắc Thiên thoái vị, Trung Tông Hoàng đế vừa mới tức vị, niên hiệu Thần Long nguyên niên. 
“Thiên Trúc” tức là nước Ấn Độ. 
“Sa môn” (Shramana) là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là “cần tức”—“cần” tu giới định huệ, “tức” diệt tham sân sị Phật cũng có thể xưng là Sa môn. 
Lúc Phật còn tại thế, một hôm nọ có thầy Tỳ kheo Mã Thắng đang đắp y khoan thai bước đi thì gặp Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả hỏi thầy: “A! Thầy trang nghiêm uy nghi như thế, nhất định Thầy có Sư phụ, xin hỏi Thầy theo học với aỉ”
Tỳ kheo Mã Thắng trả lời: 
“Chư pháp tùng duyên sanh,
Chư pháp tùng duyên diệt,
Ngã Phật đại Sa môn,
Thường tác như thị thuyết.”
Ý nói rằng: “Tất cả các pháp đều từ nhân duyên mà sanh ra, tất cả các pháp cũng từ nhân duyên mà diệt mất. Sư phụ của tôi chính là Đức Phật. Ngài là một vị Đại Sa môn và thường dạy như thế!”
Nghe nói như vậy, ngài Xá Lợi Phất liền theo Tỳ kheo Mã Thắng đến vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, lễ Phật làm Thầy và xuất gia tu hành. Cho nên, Phật cũng gọi là Sa môn.
Ngài Bát Lặc Mật Đế “đa hạnh cần tức, giáo hóa hữu tình,” cho nên được xưng là “Sa môn.” Chính Ngài đã đem Kinh Lăng Nghiêm vào nước Trung Hoa, và nhanh chóng hoàn tất việc phiên dịch bộ kinh này sang tiếng Trung Hoa.
Tại sao Ngài Bát Lặc Mật Đế muốn nhanh chóng hoàn tất việc phiên dịch? Bởi sau khi Ngài lén mang kinh ra nước ngoài không bao lâu, thì Quốc vương của nước Ấn Độ biết được và muốn trị tội các viên chức hải quan ở biên giới vì đã sơ hở, để Ngài đi thoát. Cho nên, Pháp sư Bát Lặc Mật Đế muốn sớm trở về nước để nhận tội, cam chịu hình phạt, chứ không đành để Quốc vương trừng phạt các nhân viên hải quan. Do đây, chúng ta có thể thấy được đức hạnh cùng tiết tháo cao thượng của Pháp sư Bát Lặc Mật Đế.
Công đức cống hiến của Pháp sư Bát Lặc Mật Đế đối với bộ Kinh Lăng Nghiêm thật vô cùng to lớn! Chúng ta hôm nay được nhìn thấy bộ kinh này, thì phải nên tri ân công đức to lớn của Sa môn Bát Lặc Mật Đế. Chính vì thế mà ngay đầu bộ kinh, tôi muốn giới thiệu với mọi người một phần nào trong công hạnh hoằng pháp của vị Sa môn này.
Mỗi người trong chúng ta đều nên học tập hạnh “cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si” của bậc Sa môn. Thế nào là “cần tu giới định huệ”? 
Muốn tu giới, định, huệ, thì trước hết quý vị phải quy y Tam Bảo, và sau đó là thọ trì Ngũ giớị Không thọ Ngũ giới thì thôi, một khi đã thọ rồi thì quý vị cần phải y theo giới mà thực hành. Thế nào gọi là thực hành? Đó là không phạm giới!
Tôi tin rằng mọi người đều biết Ngũ giới là gì. Đó là năm giới: 1) không sát sanh, 2) không trộm cắp, 3) không tà dâm, 4) không nói dối, 5) không uống rượu. Năm giới này rất quan trọng—đây là tiêu chuẩn, mực thước của người học Phật. Nếu chúng ta đều có thể tu trì Ngũ giới, thực hành Ngũ giới, thì sẽ không bị mất thân người.
Có người bất bình nói rằng: “Bốn giới trước cần phải giữ thì cũng có thể chấp nhận được, nhưng tại sao rượu cũng nằm trong năm giới cấm? Tại sao lại cấm uống rượu ? Tôi nay không muốn học Phật pháp; vì sao ư? Vì có một giới điều cấm rượu, mà bình sanh tôi lại rất thích uống rượu, cho nên tôi không muốn học Phật pháp!”
Quý vị nên tự phản tỉnh: “Hút thuốc có đúng không? Uống rượu có nên không?” 
Lại có người nói: “Mọi người đều uống rượu, ai nấy đều hút thuốc. Đó là sở thích tự nhiên của con người, có gì sai đâu?” 
Họ không biết rằng, “quen mắt rồi nên không thấy,” tập nhiễm lâu dần thành thói quen, không còn thấy như thế là sai nữa, nên nhắm mắt a dua theo người khác—người ta uống rượu thì mình cũng uống rượu, người ta hút thuốc mình cũng hút thuốc! Thói hư tật xấu được huân tập lâu ngày trở thành phong khí, cho nên họ cho đó là chuyện bình thường. Và vì thế mà họ thành ra ngu ngốc, không giác ngộ, nghe người ta nói sao thì mình nói theo vậy, cuối cùng thay hình đổi dạng, say sưa nghiện ngập ngày càng tệ hại, tập khí tích lũy khó trừ, lại còn cãi chày cãi cối, bào chữa cho thói hư tật xấu của mình; đây quả thật là điều đáng buồn! 
Con người nếu không có bệnh nặng thì cũng có bệnh nhẹ, mà không bệnh nhẹ thì cũng là tật xấụ Hút thuốc và uống rượu đều là tật xấu, cần phải trừ bỏ, vậy mà người ta thà không học Phật, chứ không chịu chừa bỏ rượu, thuốc! Quý vị xem, thật là ngu xuẩn biết bao!
Tại sao chúng ta cần phải giữ giới rượu? Bây giờ tôi sẽ kể cho quý vị nghe một công án:
Có một người nọ phát tâm tin Phật và thọ Ngũ giới, chỉ có tật thích uống rượu là chưa bỏ được. Cho nên, sau khi thọ giới, có một hôm người đó nghĩ rằng: “Mình chỉ nhấm nháp một chút xíu rượu cho đỡ thèm thôi, chắc không sao đâu!” Thế là anh ta uống luôn vài hớp rượu, và rồi lại thấy nhạt nhẽo vì thiếu đồ nhắm. Khác với người Tây phương, người Trung Hoa khi uống rượu đều cần có chút đồ nhắm. 
Lúc đó, anh ta chợt trông thấy con gà của nhà hàng xóm đang bươi tìm thức ăn gần đó, liền vui mừng tóm lấy nó—thế là phạm giới ăn trộm. Anh ta bắt con gà để làm gì? Để lấy thịt gà làm đồ nhậu! Và, thế là anh ta phạm thêm giới sát sanh nữạ Như vậy, chỉ trong một chốc mà anh ta liên tiếp phạm giới rượu, giới trộm cắp, và giới sát sanh. 
Trong lúc anh ta đang say sưa nhậu nhẹt, thì vợ người hàng xóm đến gõ cửa hỏi tìm con gà. Anh ta mở cửa, vợ người hàng xóm bước vào hỏi: “Anh có thấy con gà của tôi chạy qua đây không?”
Anh ta lắc đầu lia lịa, nói: “Không! Tôi không thấy con gà nào cả.” Thế là, anh ta phạm thêm giới vọng ngữ nữa.
Đang lúc ngà ngà say, men rượu bừng bừng, lại thấy vợ người hàng xóm rất đẹp, nên anh ta khởi lòng tà dâm, cưỡng hiếp cô ta. Sau khi mọi chuyện vỡ lở, anh ta bị giải đến công đường, và bị trừng trị theo pháp luật. Chỉ vì uống rượu mà anh ta liên tiếp phạm luôn năm giới. Đây là do rượu làm loạn tánh, khiến cho con người mất tự chủ, làm càn làm bậy, mà chuốc lấy đại họa vào thân, thật là “một đốm lửa nhỏ có thể thiêu rụi cả cánh đồng mênh mông.” Quý vị không thể không cẩn thận, cũng không thể không giữ gìn!
Sau khi quy y Tam Bảo, quý vị có thể xin thọ Ngũ giới. Mỗi giới đều có năm vị thiện thần hộ giới—nếu quý vị trì giới tinh nghiêm thì chư thiện thần sẽ theo che chở cho quý vị; còn nếu quý vị phạm giới, các vị thiện thần này sẽ bỏ đi, không bảo hộ quý vị nữa. Cho nên, việc thọ giới trong Phật giáo rất quan trọng. 
Cách thọ giới là như thế nào? Nếu chỉ tự xem sách, rồi nói theo sách là mình không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu; thì không phải là thọ giới—việc thọ giới không thể đơn giản và tùy tiện như thế. Cũng không phải là tới trước bàn thờ Phật thắp hương, hoặc đốt vài liều hương trên cánh tay rồi nói là mình đã thọ giới! Quý vị cần phải thỉnh cầu một vị cao tăng đại đức chứng minh, chính thức truyền trao giới thể, thì mới gọi là thọ giới. Thọ giới xong thì cần phải giữ giới cho tinh nghiêm, như thế mới có được công đức bất khả tư nghì. 
Tôn chỉ của Kinh Lăng Nghiêm là dạy chúng ta tu tập đại định kiên cố. Chúng ta tu định thì trí huệ được khai mở; nếu không có định lực thì không có huệ lực, không có huệ lực thì làm sao có thể học Phật được? Thế thì định lực do đâu mà có? Định là từ giới mà sanh—bình thường không phóng túng trụy lạc, dùng đạo tâm mà xử sự, đó là có tu định. Tu định, nguồn gốc ở chỗ thọ giới trì giới mới có thể trong sự tu hành được tương ứng với pháp, thấm nhuần trong biển pháp, đạt được sự tinh tấn, an lạc. 
Nói đến định thì có rất nhiều loạị Tựu trung, nếu không bị ngoại cảnh xoay chuyển dao động, đó chính là định. Làm thế nào để có được định lực này? Trước hết, quý vị cần phải an tĩnh; mà muốn an tĩnh thì phải tham thiền, tọa thiền. Phàm phu chúng ta thì hôm nay đi tây, ngày mai đi đông, thay đổi thất thường, cứ bôn ba giong ruổi khắp nơi, nên không được an định. Nếu muốn được định thì phải dụng công tu hành. Chúng ta hiện nay ngày ngày đều tập tu định; nhưng trong khi tu tập định lực, có lúc chúng ta gặp phải rất nhiều cảnh giới. Khi cảnh giới đến, quý vị không để cho mình bị cảnh giới xoay chuyển, đó chính là định lực; nếu quý vị bị cảnh giới xoay chuyển tức là không có định vậy.
Như nhận được bức thư báo tin buồn chẳng hạn, nếu quý vị sanh lòng buồn bã lo âu ngay, tức là quý vị chưa có định lực. Bởi chưa có định lực, tâm chưa an định, cho nên vừa gặp phải thử thách là đã không chịu nổi. Hoặc là gặp việc vui mừng thì háo hức chạy theo cái vui đó, như thế cũng là chưa có định lực; hoặc gặp việc gì trái ý thì liền tức giận, nổi nóng—như thế cũng là chưa có định lực, chưa thành công về mặt tu định. 
Quý vị cần phải không hỷ, không nộ, không ai, không bi; cũng chẳng làm việc bằng các thứ tình cảm hỷ, nộ, ai, bi, mà phải làm việc bằng đạo tâm, đó mới gọi là có tu định. Tu định rồi thì sau đó mới khai mở trí huệ; nếu không có định lực thì không có huệ lực, không có huệ lực thì làm sao mà có thể học tập Phật pháp được? Định lực, huệ lực từ đâu mà có? Đều do giới sanh ra—nên trước tiên là quý vị phải thọ giới, thọ giới rồi thì phải giữ giới, như thế mới có thể tu hành tương ứng với pháp được. Một khi đã tương ứng với pháp rồi thì quý vị sẽ được thấm nhuần nước biển Phật pháp. 
Vậy, môn phân biệt thứ chín là Lịch minh truyền dịch, giới thiệu lai lịch của người truyền bá và phiên dịch bộ kinh. Người có công truyền dịch Kinh Lăng Nghiêm chính là “Đường, Trung Thiên Trúc Sa môn Bát Lặc Mật Đế.” 
Sa môn Bát Lặc Mật Đế (Paramiti) là vị “dịch chủ” của đạo tràng dịch Kinh Lăng Nghiêm. Tại sao gọi ngài là “dịch chủ”? Đương thời, phụ trách công việc phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm không phải chỉ có một mình ngài Bát Lặc Mật Đế, mà đến hơn hai trăm vị Pháp sư tụ tập tại chùa Chế Chỉ và cùng nhau nghiên cứu phiên dịch bộ kinh này. Và, Sa môn Bát Lặc Mật Đế là người đứng đầu trong hội đồng phiên dịch đó.
Vừa rồi tôi có nói rằng “Sa môn” tức là “cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si.” Bởi ba thứ tham, sân, si này tác hại chẳng khác gì thuốc độc, nên còn gọi là “tam độc.” Nguyên nhân mà chúng ta chưa thành Phật chính là vì ba thứ độc này; nếu trừ khử được ba thứ độc này thì chúng ta sẽ nhanh chóng thành Phật. 
Ba thứ độc đó là: 
1) Tham tâm. Lòng tham của con người thì vô đáy, tham lam không biết chán. Bất luận cái gì người ta cũng tham, cũng muốn cho nhiều, càng nhiều càng tốt; đó là tham tâm. 
2) Sân tâm. Đây chính là lòng sân nhuế; gặp phải việc gì không ưng ý bèn nổi nóng, sanh lòng sân hận. 
3) Si tâm. “Si tâm” tức là si tâm vọng tưởng, vô cùng ngu si, làm việc gì cũng hồ đồ mê muộị Nếu quý vị có thể diệt trừ ba thứ độc này, thì sẽ cùng Đạo tương ứng, dễ dàng thành tựu Đạo nghiệp.
Sa môn có bốn hạng: 
1) Thắng Đạo Sa môn. Đây là những bậc tu hành chứng quả—hoặc chứng quả A la hán, hoặc chứng quả Bồ tát. Bậc Sa môn chứng quả được gọi là Thắng Đạo Sa môn.
2) Thuyết Đạo Sa môn. Đây là những vị Sa môn đi khắp nơi hoằng pháp lợi sanh. “Hoằng” là rộng lớn; như tôi nay giảng kinh cho quý vị, gọi là “hoằng pháp.” “Lợi sanh” là lợi ích chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh được sự lợi lạc. “Hoằng pháp lợi sanh” là hạnh nguyện của bậc Thuyết Đạo Sa môn.
3) Hoạt Đạo Sa môn. Những vị Sa môn tinh tấn trì giữ giới luật, chú trọng giới luật, không phạm giới, sống đúng theo Đạo, lấy việc tu Đạo làm lẽ sống của đời mình, được gọi là Hoạt Đạo Sa môn.
4) Ô Đạo Sa môn. Đây là những người đã xuất gia mà lại phạm giới, ăn mặn, đi ngược lại giới luật Phật dạy, làm hoen ố Phật giáo, gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáọ Hạng Sa môn này khiến người khác trông vào đều nói: “Người xuất gia này không giữ giới luật!”; và vì thế mà người ta mất niềm tin, không còn tín tâm và không muốn thân cận Phật giáo nữạ Cho nên, Ô Đạo Sa môn là hàng xuất gia làm hoen ố Phật đạo.
Vậy, Sa môn Bát Lặc Mật Đế, người có công phiên dịch bộ Kinh Lăng Nghiêm, thì thuộc loại Sa môn nào? Ngài thuộc về ba loại trước—chúng ta có thể gọi Ngài là Thắng Đạo Sa môn, cũng có thể gọi là Thuyết Đạo Sa môn, và cũng có thể gọi là Hoạt Đạo Sa môn; chứ không phải là Ô Đạo Sa môn.
“Bát Lặc Mật Đế” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “cực lượng”—hàm ý là trí huệ và tài năng đều cực kỳ phong phú, vô cùng viên mãn. Ngài là người chủ trì công cuộc phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm. 
Tại sao gọi là “dịch”? “Dịch” là phiên dịch, chuyển ngữ từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Trung Hoa. “Dịch” cũng chính là “dị,” có nghĩa là thay đổi biến dịch, tức là từ Phạn ngữ chuyển đổi thành Hoa ngữ. 
Vị Pháp sư chủ trì công cuộc phiên dịch này chính là ngài Bát Lặc Mật Đế. Đương thời, tại chùa Chế Chỉ, một ngôi tự viện lớn ở Quảng Châu, hơn hai trăm Pháp sư đã tựu về để cùng nhau tiến hành công tác phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm.
Tại sao phải nói về vị “dịch chủ” nàỷ Vì sự cống hiến của Ngài đối với bộ Kinh Lăng Nghiêm rất lớn lao, công đức rất to tát, do đó trước khi nghiên cứu phần kinh văn, chúng ta nên biết đến Ngài mới phảị Vị đứng đầu trong “lịch minh truyền dịch” chính là “dịch chủ.”

Nguyên văn: 
烏萇國沙門彌伽釋迦譯語
Âm Hán Việt: 
Ô Trường quốc Sa môn Di Già Thích Ca dịch ngữ.

Giảng: 
Trong đạo tràng phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm do Pháp sư Bát Lặc Mật Đế làm “dịch chủ” này, có một vị “trợ thủ” cho Ngài đến từ nước Ô Trường (Udyana) là Sa môn Di Già Thích Ca.
“Ô Trường” là tên của một quốc gia thuộc cổ Ấn Độ đương thời; trước kia là vườn hoa của Vua Tiền A Du Ca, nên gọi là Ô Trường (烏場), ở phía bắc Ấn Độ. 
“Di Già Thích Ca” (Meghashikara) là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “năng hàng phục,” nghĩa là Ngài có khả năng hàng phục tất cả phiền não, cũng có thể nói là hàng phục mọi ma chướng. Tóm lại cái gì Ngài cũng có thể hàng phục được cả. Vị Pháp sư này trợ lý công tác “dịch ngữ”—tức là phiên dịch ngữ ngôn, duyệt sửa câu văn cho chuẩn xác, từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoạ Ngài là một trong những Pháp sư đảm trách nhiệm vụ quan trọng nhất trong đạo tràng phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm.

Nguyên văn:
羅浮山南樓寺沙門懷迪證譯。
Âm Hán Việt: 
La Phù sơn Nam Lâu tự Sa môn Hoài Địch chứng dịch. 
Giảng: 
“La Phù sơn” tức là núi La Phù, một trong những ngọn núi nổi tiếng ở tỉnh Quảng Đông, nước Trung Hoạ “Nam Lâu tự” tức là chùa Nam Lâu, nơi Sa môn Hoài Địch trú ngụ.
Có lẽ khi đặt pháp danh cho đệ tử, sư phụ của ngài Hoài Địch ước mong rằng ngài sẽ luôn luôn tinh tấn dụng công tu tập, cho nên mới chọn tên này—“hoài” là hoài bão; còn “địch” là tiến thủ—có ý nhắn nhủ là phải thường luôn tinh tấn, quyết chí tu hành. Pháp sư Hoài Địch học vấn uyên thâm, bình thời thích nghiên cứu kinh giáo, nên thông đạt giáo nghĩa kinh điển, dung hợp quán thông, lại thông thạo Phạn ngữ, cho nên có thể đương nhậm chức “chứng dịch.” (“Chứng” là chứng minh, bảo chứng.)
Pháp sư Bát Lặc Mật Đế và Pháp sư Di Già Thích Ca đều am tường Phạn văn, Hoa văn, thì tại sao còn mời một Pháp sư của Trung Hoa làm người chứng minh cho bản dịch nữả Bởi vì hai ngài vừa mới đến nước Trung Hoa, còn e ngại rằng mình chưa hoàn toàn thấu triệt được ngôn ngữ của nước này, nên phải đặc biệt mời một vị Pháp sư người Trung Hoa đến tham gia giúp đỡ việc chứng dịch, để cầu toàn thiện toàn mỹ. Cho nên, Pháp sư Hoài Địch là vị chứng minh bản dịch trong đạo tràng phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm.
Tuy nhiên, ngoại trừ các bản xưa cũ, trong các bản Kinh Lăng Nghiêm được ấn hành sau này thường không đề tên Pháp sư Hoài Địch. Tại sao lại lược bỏ đỉ Tôi chưa hề tra cứu, tìm hiểu nguyên do; nay tôi chỉ muốn giới thiệu chi tiết này với quý vị và hy vọng sau này những người nghiên cứu, đọc tụng hoặc thuyết giảng Kinh Lăng Nghiêm, đều biết tới danh tánh của vị Pháp sư đảm trách nhiệm vụ chứng minh bản dịch này.

Nguyên văn: 
菩薩戒弟子 前正議大夫 同中書門下 平章事 清河房融 筆受
Âm Hán Việt: 
Bồ tát giới đệ tử tiền Chánh nghị Đại phu, đồng Trung thư Môn hạ, Bình chương sự, Thanh Hà Phòng Dung bút thọ. 
Giảng: 
“Bồ tát giới” có tổng cộng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh, và là giới pháp tu học Bồ tát đạo. Đây là giới pháp Đại thừa, là giới mà người xuất gia và người tại gia đều nên thọ trì. Kinh Phạm Võng có nói: Bất luận là Quốc vương, hoặc bá quan văn võ đại thần, khi kế vị hoặc ra làm quan, đều nên thọ Bồ tát giới.
Ông Phòng Dung làm quan đến chức Thừa tướng; đối với nghĩa lý đạo Phật, ông am hiểu rất sâu sắc. Vì ông thọ giới Bồ tát, nhận Phật làm cha, Bồ tát làm anh, cho nên tự xưng mình là “đệ tử.” Ông đã thọ giới Bồ tát, và là “tiền Chánh nghị Đại phụ” “Tiền” có nghĩa là trước kia—lúc trước ông đã từng giữ chức Chánh nghị Đại phu, nhưng hiện nay (khi nhuận sắc bản dịch) thì không còn tại chức nữạ “Chánh nghị,” sách Sử Ký gọi là “Chánh gián,” tức là “Gián nghị đại phụ” 
“Gián nghị” tức là lo về việc gì? Chính là “Ngôn quan”—quốc gia có việc gì không đúng, viên quan này sẽ đứng ra phê bình, khuyên ngăn can gián—có triều đại gọi chức quan này là “Ngự sử.” “Đại phu” là một cách xưng hô của quan chức.
“Đồng trung thư môn hạ.” Chữ “đồng” ở đây có hai cách giải thích.
Thứ nhất, “đồng” là kiêm đồng; thì “đồng Trung thư Môn hạ” có nghĩa là một người mà kiêm luôn hai chức Thừa tướng. “Trung thư” là một chức Thừa tướng, “Môn hạ” cũng là một chức Thừa tướng—một người kiêm nhiệm cả hai chức Tả Hữu Thừa tướng, nên gọi là “đồng Trung thư Môn hạ.” “Trung thư” và “Môn hạ” là chức vụ của phủ Thừa tướng. 
Thứ hai, “đồng” là cộng đồng; thì “đồng Trung thư Môn hạ” có nghĩa là cùng với các bạn đồng liêu Trung thư, Môn hạ làm việc, xử lý công vụ. “Trung thư” là phụ trách công văn, giấy tờ chiếu thư của vuạ Những sắc lệnh, chiếu chỉ của nhà vua đều do vị Thừa tướng Trung thư quản lý. “Môn hạ” là lo về việc chính trị, hành chánh. Cho nên, hai chức Thừa tướng thì một là quản lý phụ trách ban hành sắc lệnh, và một là vâng mệnh thi hành các sắc lệnh đó. Ông Phòng Dung là một người mà kiêm nhiệm hai chức vụ, một người mà làm hai việc. 
“Bình chương sự”—“bình” là bình quân; “chương” là rõ rệt, sáng rõ; “sự” là sự việc. Vậy, “Bình chương sự” là bình quân xử lý chánh sự, công việc của triều đình, làm sáng rõ pháp độ của quốc gia.
“Thanh Hà” là địa danh quê quán của ông Phòng Dung. “Phòng Dung” là tên người—Phòng là họ, Dung là tên. Ông có người con tên là Phòng Quản, cũng làm quan đến chức Thừa tướng. Những tài liệu ghi chép về cuộc đời ông Phòng Dung thì rất ít, hầu hết là được trích từ ký sự của người con là Phòng Quản.
“Bút thọ” là dùng ngòi bút nhuận sắc ý tứ của kinh văn, cũng gọi là “người nhuận văn.” “Nhuận” chính là trau chuốt, làm cho chương cú ngữ pháp, văn lý từ nghĩa được tốt đẹp, hoàn chỉnh hơn. Trong Kinh Lăng Nghiêm, cách hành văn dùng từ đều rất ưu mỹ, có thể xưng tán là bậc nhất trong các bộ kinh. Vì Thừa tướng Phòng Dung, một nhà văn học vĩ đại, học vấn uyên thâm, đã đích thân nhuận sắc bản dịch Hoa văn, nên văn pháp của bộ kinh này rất chuẩn xác, rất hoàn chỉnh. Quý vị nào nếu có chí học tiếng Trung Hoa, thì bộ kinh này cũng đủ để làm quy phạm. Quý vị đọc nhuần nhuyễn, học thuộc được Kinh Lăng Nghiêm, thì trình độ Hoa văn của quý vị sẽ tiến bộ rất nhiềụ

X. Biệt Giải Văn Nghĩa

Đây là phần phân tích, giải thích hàm nghĩa của toàn bộ kinh văn, và được phán định làm ba phần là: 1) Sơ tự phần; 2) Chánh tông phần; và 3) Lưu thông phần.
Cách phán định này bắt đầu từ Pháp sư Đạo An, vị cao tăng đời Tấn, ở Trung Hoạ Bởi vì Hậu Tần chủ Phù Kiên đem mười vạn quân lấy được Tương dương, được thân cận Đại sư Đạo An cho là niềm vui, cho nên người đời sau thường gọi Đại sư Đạo An là “Phù Tần Đạo An.”
“Sơ tự phần” là phần duyên khởi, giới thiệu nhân duyên của kinh. “Chánh tông phần” là phần nội dung chính, xiển minh tông thú của kinh. “Lưu thông phần” là phần khuyến tín và lưu bố ở cuối kinh. Cách phán định “tam phân khoa kinh” này của Đại sư Đạo An được đắc chứng bởi bộ Phật Địa Kinh Luận của Bồ tát Thân Quang; do đó có thể biết được chư cao đức của Ấn Độ và Trung Hoa có sở kiến giống nhau, cho nên các vị Pháp sư về sau đều y theo phán định này mà hoằng pháp, giáo hóa.
Phần giảng trên đây đều thuộc về “tiền phương tiện” của kinh; nay chúng ta sẽ tìm hiểu kinh văn theo ba phần—Sơ tự, Chánh tông, và Lưu thông.

No comments:

Post a Comment