Saturday, 17 December 2011

Ngày Phật Thành Đạo là ngày mà Đức Phật đắc đạo dưới cội cây bồ đề, là ngày thái tử Sĩ Đạt Ta đã tìm ra được chân lý sau 9 năm khổ hạnh rừng già và 49 ngày đêm tham thiền nhập định.
 Hơn thế nữa, Phật Thành Đạo là thời điểm đánh dấu sự ra đời của đạo Phật, sự ra đời của một tôn giáo hòa bình, bất tử, góp vào một phần lớn cho nền văn minh vĩ đại của loài người.
Nhờ có ngày Phật Thành Đạo, hàng hậu học chúng ta mới có một con đường để bước đi, mới có được những lời dạy để thương yêu, hy sinh, phụng sự và hướng về nơi an tĩnh của tâm hồn. Chúng ta mới có được một mục đích để sống, một cứu cánh cao siêu thanh thoát ở phía cuối con đường. Nhờ có ngày Phật Thành Đạo, ta mới có một đấng Giáo Chủ siêu tuyệt để tôn thờ, để tự thấy mình còn quá nhỏ bé dưới chân Người. Nhờ có ngày Thành Đạo, trần gian tội lỗi bỗng bớt tội lỗi, khổ đau bỗng bớt khổ đau. Nhờ có ngày Thành Đạo, nhân loại còn được hy vọng về một tương lai hòa bình, trong đó con người sống thương yêu hòa ái, bảo vệ môi trường, xây đắp hành tinh thành một cõi tịnh độ đẹp ngời. Nhờ có ngày Thành Đạo, chúng ta đã có được một Đức Phật, một Đạo Phật, một mái nhà thênh thang để che chở và nâng bước ta đi.
Thật vậy, Phật Thành Đạo đã cho con người tất cả!
Nhưng không hiểu một lý do gì, các chùa hay Giáo hội lại rất ít nhắc nhở hay ít tổ chức một ngày lễ để tưởng niệm Phật Thành Đạo. Chính cái ngày quan trọng nhất, là linh hồn, là cốt lõi, là căn nguyên của Phật Giáo lại bị xem nhẹ và quên lãng. Có chăng vì đại lễ Tam Hợp (Vesak hay Phật Đản) ở rằm tháng tư đã gộp lại kỷ niệm chung ba sự kiện quan trọng nhất vào 1 ngày. Hay có lẽ, chúng ta quan niệm rằng, Đức Phật thành đạo là một sắp đặt của định mệnh? Tất cả lý do đó đều bất cập và bất hợp lý.  Bởi vì, Phật Thành Đạo không phải là một trong những sự kiện tất có của Phật Giáo, mà Phật Thành Đạo là kết quả của ý chí siêu phàm, của hạnh nguyện tu hành muôn ngàn kiếp, của đại lực tinh tấn không mòn mỏi, của con đường Thiền Định cao siêu mà Phật đã tuyên ngôn cho nhân loại.
Vì thế, Phật Thành Đạo là một ngày đặc biệt, là ngày ra đời của Phật và của Phật Pháp, là một ngày tối quan trọng. Bởi, nếu không có đêm thiêng liêng mồng 8 tháng 12, thì rằm tháng Tư là vô nghĩa, Phật Pháp sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Cũng chính vì vậy, Phật Thành Đạo cần phải tách ra để trở thành 1 ngày lễ đặc biệt nhất của Phật Giáo, là cái Tết tưng bừng nhất của Phật Giáo. Còn nếu ta chỉ chú trọng ngày Đản Sinh thì ta đánh đồng Đạo của ta với những tôn giáo thần quyền, bởi họ tin rằng bậc Giáo Chủ sinh ra thì tự khắc đã là giáo chủ. Còn đức Thế Tôn của chúng ta, phải tu hành vất vả khôn cùng mới trở thành một vị Thầy lỗi lạc của trời người. Chính vì nghĩa lý đó, Phật Thành Đạo hiện lên với tất cả hình ảnh đẹp đẽ của đạo Phật, một tôn giáo hay nhất, tuyệt vời nhất của địa cầu.
Hiểu được sự cao siêu, giá trị trong đêm Thành Đạo và tâm chứng vĩ đại của Ngài, chúng ta, những người Phật tử, phải làm một điều gì đó mà bấy lâu nay ít người làm, để tôn vinh Chánh Pháp nhiệm mầu, tôn vinh hình ảnh của một đạo Phật đúng nghĩa và cũng để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Tam Bảo. Và điều ta phải chuẩn bị đầu tiên và quan trọng nhất, là trong chính trái tim của chính mình. Ta phải thật sự thấm hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của ngày Phật Thành Đạo, ta phải thật sự cảm nhận bằng trọn tấm lòng của mình giây phút thiêng liêng mà cả đất trời chấn động, ta phải trọn lòng tôn kính Phật và yêu thương Phật Pháp. Chính khi trái tim ta đã đầy đủ, những việc việc làm của ta mới ảnh hưởng đến trái tim của những người khác. Vì vậy, trước tiên, ta phải có lửa và giữ lửa trong tim mình.
Chúng ta không biết rằng, lòng yêu Đạo của Phật tử có mạnh hơn con chiên của Thiên Chúa Giáo hay không? Nhưng nếu ta để ý, ta sẽ thấy ngày Chúa Giáng Sinh (Noel) luôn tưng bừng gấp cả trăm lần ngày Phật Đản, nhà nhà có đạo đều treo đèn, làm hang đá, trang trí cây thông, thậm chí không có đạo cũng trang trí cho vui và thậm chí… Phật tử cũng chúc nhau những câu “Merry Christmas” hay “Giáng sinh an lành” (?!). Còn vào những ngày lễ lớn như Phật Đản thì ngay cả người đạo Phật cũng rất “lười” trang trí tại nhà mình, họ chỉ chưng hoa sơ sài rồi đi chùa cầu nguyện. Chúng ta không có ý so sánh, nhưng chúng ta phải nhìn nhận, phải công nhận rằng, tinh thần Đạo Pháp của người Phật tử ta còn rất kém. Phật Giáo của chúng ta được công nhận là một tôn giáo hay nhất, tuyệt vời nhất của nhân loại, ấy vậy mà người Phật tử lại không có quyết tâm tôn vinh chân lý mà mình đang đi theo. Thật là đáng buồn vậy.
Có người bảo, đạo Phật chỉ chú trọng nội dung giáo lý chứ không quan trọng hình thức hô hào bên ngoài. Điều đó không sai. Nhưng nếu giả sử, mình có một món hàng chất lượng rất tốt mà ta không biết cách quảng cáo thì làm sao người tiêu dụng có thể biết mà sử dụng? Phật Pháp không phải là món hàng, bởi Phật Pháp là một chân lý bao la mầu nhiệm mà ai đặt chân vào sẽ được nhiều lợi lạc, hạnh phúc, cuộc đời tươi sáng hơn. Vì vậy, vì lòng thương yêu mọi người, thương yêu thế giới, ta phải dùng nhiều phương tiện hình thức để giới thiệu đạo Phật với cộng đồng trong xã hội. Điều đó là việc hết sức cần thiết và những người nào thật sự yêu Đạo phải đóng góp vào công việc này, từ những việc làm nhỏ nhất:
-Trang trí nhà cửa trong ngày Phật Thành Đạo. Nếu có khiếu, ta có thể cắm vài bình hoa để làm đẹp nơi thờ phượng và trong nhà cửa. Ta có thể in vài mẫu bức tranh “Chào mừng Phật Thành Đạo” dán trước cửa nhà để “đập” vào mắt những người khách đến chơi. Ta có thể treo lồng đèn, treo cờ Phật Đản để báo hiệu rằng, hôm đó là ngày quan trọng của Phật Giáo.
-Nếu có điều kiện, ta sẽ tự tay thiết kế một số một số mẫu postcard Thành Đạo để gửi đến một số người thân nhằm báo hiệu sự kiện quan trọng này. Hoặc, ta có thể tự tay làm những chiếc thiệp tặng cho những người bạn thân, cha mẹ. Đơn giản nhất, ta gửi những lời chúc từ email hay gửi những messenger chào mừng cho bạn bè ta. Ta cũng có thể mua vài món quà nhỏ hay những băng đĩa thuyết pháp gửi cho những người thương yêu của mình.
-Ta sẽ viết văn, làm thơ gửi về những tờ báo hay đăng trên những trang web, trang blog của ta. Để ít ra, nhiều người trong xã hội này cũng được biết rằng “Có một cái ngày, gọi là Phật Thành Đạo!”
Song về hình thức, những việc làm thực hành giáo lý của Phật dạy là điều tối quan trọng, là linh hồn, cốt lõi của mọi hành động và mọi buổi lễ. Vậy ta sẽ làm bằng chính khả năng của ta để thực hành đạo lý, như là một sự cúng dường cao quý nhất lên Tam Bảo, một món quả thiết thực nhất để tặng cho mọi người :
-Nếu có điều kiện, ta sẽ làm những việc bố thí lớn như vào giúp đỡ các nhà dưỡng lão, bệnh viện, trẻ khuyết tật hay cùng tham gia một hoạt động xã hội nào đó mà địa phương tổ chức như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người nhiễm aids hay chất độc da cam. Còn không, ta làm những việc phước nhỏ như giúp đỡ chút gạo, chút tiền cho người hàng xóm già và khó khăn.
-Ta sẽ làm những công việc mang tính chất bảo vệ môi sinh như dọn vệ sinh đường phố, trồng cây xanh trong nhà. Ta có thể kêu gọi những người trong gia đình ta cũng với ta làm công việc ý nghĩa đó, vừa là cách để giới thiệu, cổ động cho buổi lễ, vừa là một phần nào đó ta giữ gìn được sự sạch đẹp của xã hội, của Trái Đất và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho những ai nhìn thấy ta nhặt rác.
-Nếu ta có bạn bè và Phật tử, hay người trong gia đình ta đồng lòng theo Phật. Trước mồng 8 tháng Chạp, ta sẽ tổ chức một buổi họp gia đình, để chúng ta quay quần bên nhau, nói những lời thương yêu nhau và ca ngợi đạo lý. Sau đó, ta cùng làm một buổi tiệc chay nhỏ và cùng tọa Thiền, tụng kinh, tu tập, nghe pháp. Nếu còn thời gian, ta sẽ cùng hát,  tổ chức buổi văn nghệ “cây nhà lá vườn” cho nhau nghe trong tình thân ái và niềm hân hoan hướng về ngày trọng đại.
-Gần đến ngày lễ, ta tìm về những chùa gần nhà ta có tổ chức Lễ Thành Đạo để được công quả, phụ chùa tổ chức việc chuẩn bị buổi lễ. Nếu có tài chính, ta có thể cúng dường để việc thực hiện buổi lễ được dễ dàng hơn.
-Đến ngày lễ, ta sẽ rủ gia đình, bạn bè ta cùng về một chùa nào đó để cùng tham dự đại lễ.
-Nếu không có điều kiện, ta có thể tự mình tiến hành lễ tưởng niệm tại nhà. Ta có thể sắp xếp để sáng sớm (khoảng 4 giờ sáng) mồng  8 tháng Chạp âm lịch, ta được Tọa Thiền trước bàn thờ Phật, được đọc lên những bài diễn văn ca ngợi công hạnh vĩ đại của Phật, được quỳ lên để tụng những bài sám thiết tha ca ngợi đêm Thành Đạo vinh quang và vĩ đại.
Cái mà ta nhận được là một cái “không còn gì nữa”. Chính con đường đi về Vô Ngã, mất cả cái ta, ngã chấp của mình là một con đường tối thượng mà mười phương ba đời Chư Phật đã đi. Và khi ta ca ngợi Phật Thành Đạo, ca ngợi tâm chứng siêu tuyệt trong đêm Ngài đắc đạo, ta cũng ca ngợi con đường Vô ngã vĩ đại mà Phật đã chứng thành, đồng thời xác định cứu cánh Vô ngã trên cuộc đời tu hành của mình trong vô lượng kiếp. Cái ta nhận lại được là một đạo lý vinh quang phủ trùm cả tam giới, một chân lý tối thượng bất diệt. Chính nguồn giáo lý nhiệm mầu đó, giúp ta sống an vui hơn, chân chính hơn và biết yêu thương, san sẻ hơn trong cuộc đời.
Và cũng chính từ những điều đó, ta sẽ dâng cho cuộc đời rất nhiều điều tốt đẹp diệu kỳ. Ta sẽ cho đi rất nhiều tình thương, rất nhiều ân nghĩa, làm rất nhiều công đức, giúp đỡ cho mọi người, cùng dắt mọi người đi lên trong ánh sáng. Nhưng nơi một tâm hồn hướng về Vô Ngã, ta sống thuần thiện đạo đức, tinh tấn tu hành. Chính ta được lợi lạc, mà người xung quanh ta, cộng đồng của ta cũng được rất nhiều an vui và tươi mát.
Và dẫu cho cuộc đời vật đổi sao dời, ta rồi cũng sẽ mất đi hết tất cả, nhưng hãy luôn nhớ rằng, Phật Pháp luôn là vòng tay mẹ thiêng liêng che chở cuộc đời ta, luôn là ánh mặt trời bất diệt soi đường ta đi tới, luôn là hồ nước từ bi trong suốt để ta uống từng ngụm nước mát lành.
Và dù mọi chuyện sẽ thay đổi, mọi chuyện rồi cũng chết, nhưng dáng Người thiêng liêng ngồi bất động dưới cội cây bồ đề từ nghìn năm xưa sẽ là mãi mãi và bất diệt muôn đời.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).19/12/2011.

No comments:

Post a Comment