Saturday 3 December 2011

Mục đích của cuộc đời là gì?
Thông thường chúng ta chỉ nói nên học Phật, nhưng tại sao phải học Phật? Chúng ta cần hiểu rõ mục đích căn bản cốt yếu là ở điểm nào? Nên học Phật với mục đích mong muốn thấu rõ cội nguồn và gặt hái thành quả cao thượng viên mãn. Người học Phật cần có lòng tin vững chắc, sau đó cảm thấy thiếu điều đó là không thể, có như vậy mới chân chánh hướng đến con đường học Phật, chứ không phải tìm chốn dừng chân ở nơi đó hay với mục đích khác.
Đời người tồn tại ở thế gian, chủ yếu vì mục đích và ý nghĩa gì? Chỉ khi ngay bản thân chúng ta mới quán chiếu được, như vậy mới nắm bắt được ý nghĩa và cảm thấy thích thú của học Phật, vì Phật pháp là phương pháp giải quyết vấn đề căn bản nhất của con người. Hay nói cách khác: Tất cả những vấn đề này những tôn giáo khác đều có điểm xuất phát chung, nhưng chỉ có Phật pháp mới giải đáp hoàn toàn đầy đủ cụ thể nhất.
1. Mênh mông sanh tử thật khó tường tận: con người từ khi mới sanh ra cho đến khi già chết, vội vội vàng vàng bao nhiêu năm, cuối cùng bất tri bất giác luống qua một đời, vậy con người sanh ra từ đâu? Chết sẽ đi về đâu? Không ai có thể trả lời được câu hỏi đó. Vì vậy chỉ có cách là mơ hồ đến và mơ hồ ra đi mà thôi, con người luôn sống trong sự mơ hồ ấy. Ngay đến chuyện vợ chồng cũng trong vô ý mà kết hợp, sự nghiệp một đời cũng mơ hồ, không có theo kế hoạch nhất định ngay từ đầu, rất ít thành công theo ý muốn riêng của mình.
Phương Tây có một nhà triết học đem cuộc đời mênh mông này dùng ví dụ rất tuyệt vời: một nơi nọ có hai ngọn núi cao vút, dưới núi có con suối sâu dài, giữa hai ngọn núi có một cây cầu nhỏ nối liền, người đứng trên cầu hướng về trước đi. Nhìn xa về trước là bầu trời sương mù mờ mịt, hướng về sau cũng mịt mù tăm tối, nhìn xuống dưới thì sâu thăm thẳm. Có người chỉ đi vài ba bước, hoặc cố gắng nỗ lực đi được nửa đường thì cũng rơi xuống vực sâu.
Cũng có người đi gần đến núi đối diện không may cũng rơi xuống hố sâu của vực thẳm. Rơi vào đó sẽ đi về đâu, không ai biết được, đây là cách miêu tả cụ thể thâm thúy nhất về cuộc đời mênh mông này. Chúng ta học Phật là đối diện với cuộc đời mơ hồ này và có một nhận thức triệt để. Nếu vấn đề của cuộc đời không nghiên cứu hiểu rõ, thì như một chiếc thuyền, từ bờ bên này đi tới một nơi thật xa kia, ở trong biển cả bao la mơ hồ hướng về trước mà vận hành, đi về nơi không có mục đích, là một chuyện thật đáng nguy hiểm biết bao. Phật pháp sẽ nói rõ cuộc đời này từ đâu đến, và chết sẽ đi về đâu và hiện tại phải đi như thế nào mới an nhiên đến bờ quang minh bên kia.
2. Bận rộn cả đời được những gì? Đời người bận rộn mấy chục năm, từ nhỏ đã bận rộn, cho tới già cũng cứ bận rộn, bận rộn như thế cuối cùng lập nên những thành tích gì? Điều này là một vấn đề rất có ý nghĩa cần phải phản tỉnh rõ ràng. Nhưng không bận rộn thì họ cảm thấy không chịu nổi, có nhiều người phải bận rộn mới sống được qua ngày. Nếu hỏi người ấy bận rộn chuyện gì thì người ấy sẽ không sao trả lời, nhưng nói chung cuộc đời họ không thể không bận rộn.
Khi còn tuổi trẻ họ ít nghĩ về điều đó, họ sẽ nghĩ rằng tiền đồ của chúng ta tràn đầy quang minh. Đến tuổi trung niên mới nhận ra rằng bận rộn cả đời có nghĩa lý gì đâu. Điều này, không phải muốn mọi người đừng bận rộn mà thực sự tôi muốn thảo luận “bận rộn sẽ được những gì”. Mọi người thường nói “đời người như ong hút mật hoa, hút cả trăm hoa thành mật xong, tới khi về già mới biết, kết cuộc đều là không”. Bận rộn có khi được thành quan to chức lớn, tài vật phong phú, địa vị cao sang, nhưng không lâu thì đâu còn nữa, cuối cùng cũng trở thành tay trắng, chẳng được thành tựu gì cả. Đối với chuyện này những người già sẽ có kinh nghiệm đặc biệt sâu sắc, như con cái lúc còn nhỏ thì quây quần bên cạnh, khi đã lớn lên vì tự kiếm mưu sinh cho bản thân, đã đi tìm cuộc sống riêng. Vấn đề này thường hay khiến con người khởi lên quan niệm bi quan tiêu cực, nản lòng nhụt chí, sa sút tinh thần, nhưng Phật pháp thì không như vậy.
3. Chăm chỉ hành thiện được lợi ích gì? Về việc khuyên người hành thiện, không chỉ có Phật giáo mà Nho giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo v.v.. đều khuyên người hành thiện tránh ác, luôn khuyến khích “việc thiện sợ không làm kịp”. Nhưng hành thiện cuối cùng được lợi gì? Giá trị cao tột của đạo đức là gì? Thông thường theo luật nhân quả: “làm thiện gặt quả tốt, làm ác gặt quả xấu”. Người Trung Quốc đối với quan niệm hành thiện, đại đa số được xây dựng trong mối quan hệ gia đình, như cha mẹ hành thiện thì con cháu được thịnh vượng, “nhà tích phước tất được nhiều niềm vui”. Sự thật không như vậy, có cha mẹ hiền lành nhưng con cái thì độc ác, còn có cha mẹ cực ác nhưng con cháu thì lại hiếu thuận.
Như thời xưa, vua Nghiêu bẩm tính nhân từ, còn con là Đan Chu thì tính tình ngạo ngược, Cổ Tẩu ngoan cố xấu xa nhưng con là vua Thuấn thì đại hiếu. Có người nói: xã hội bây giờ người xấu dễ có thế lực, người tốt thường bị ức hiếp thiệt thòi. Còn đạo đức học vấn của Khổng Tử không tốt sao? Nhưng khi ông ta chu du các nước, từng bị đói khát lâm nguy đến tính mạng, nền chính trị đương thời không chấp nhận quan niệm đạo đức của ông. Ngược lại Đạo Chích đại ác độc lúc đó lại tự do hoàng hoành. Như vậy quy luật tất nhiên của thiện ác, tai họa là gì? Tại sao phải hành thiện? Chỉ có Phật pháp xây dựng ba đời nhân quả mới giải quyết những vấn đề này. Vì vậy: điểm xuất phát của tất cả các tôn giáo khuyên người làm thiện thì giống nhau, nhưng kết luận của Phật giáo thì không đồng. Người học Phật chỉ nên hành thiện, nếu trước mắt toàn là những việc bất lợi, khó khăn, nhưng trong tương lai thiện nghiệp chín mùi, tự nhiên sẽ cảm nhận ra thiện quả mỹ mãn. Có như vậy mới phù hợp với tinh thần Phật giáo.
4. Nếu tâm theo đuổi truy cầu sẽ rất khó yên tịnh: đây là một vấn đề khổ tâm vô cùng tận, vì tâm con người thường hướng ngoại tham cầu, cả ngày cứ mãi rong ruổi theo với những chuyện sắc đẹp, tiếng tăm, tiền tài, lợi nhuận, quyền lực v.v.. tại sao phải như vậy? Vì muốn hài lòng thỏa dạ. Như một người thiếu ăn thiếu mặc, thì nghĩ phải có tiền bạc mới có thể giải quyết khó khăn cuộc sống. Nhưng tới khi người ấy có đầy đủ cơm ăn áo mặc vẫn không vừa lòng, lại càng muốn tìm kiếm và cầu mong những thứ tốt đẹp hơn, ra đường phải có một chiếc xe loại mới và phải ở nhà cao cửa rộng.
Tới khi tất cả đã vào tay, trong tâm cũng không thể hài lòng. Tâm con người vĩnh viễn là như vậy, cả ngày theo đuổi nhưng không có ngày nào thỏa dạ cả. Giống như con ngựa bôn ba, hai chân sau vừa chạm đất thì hai chân trước đã cất lên rồi, nhất định không có chuyện bốn chân cùng ở trên mặt đất. Tâm người không biết đủ, nên luôn nghĩ người khác tốt hơn mình, thật không như vậy, như người học giả muốn tìm cầu càng nhiều kiến thức, vị ấy cũng không vừa lòng. Ngay cả vua của một nước có tuyệt đại quyền uy, nhưng ông ta cũng không cảm thấy đầy đủ và ông ta cũng nói không ra nỗi khổ của mình.
Người không đạt được hài lòng, trong tâm sẽ vĩnh viễn không được an lạc. Thông thường hay nói: muốn an lạc trước phải hài lòng. Thực ra hồi giờ tâm con người chưa bao giờ hài lòng, làm sao được an lạc đây?
Một số tôn giáo đã cho con người niềm an ủi, đó cũng là điểm chung của những tôn giáo. Như tôn giáo ở phương tây dạy người tin được cứu giúp, khi được cứu giúp thì sẽ được hài lòng, nội tâm cũng được an ủi. Đem con người ví như đứa trẻ, nghe lời không khóc nữa sẽ cho đồ chơi. Như vậy vấn đề căn bản không được giải quyết, vì tâm con người không thỏa mãn, không dễ gì cho những vật bên ngoài có thể thỏa mãn được.
Chỉ có Phật pháp, trước tiên dạy người nên hiểu rõ tường tận sanh tử là gì, bôn ba cả đời cuối cùng được những gì? Hành thiện có lợi ích gì? Như thế nào mới có thể đạt được nội tâm thỏa mãn và an lạc? Những câu hỏi này nên quán chiếu nghiêm túc, mới nắm vững được điều cốt lõi của Phật pháp và đạt được an lạc chân chánh.  HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment